Trương Công Án

chương 74

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Trương Bình liền động tâm, muốn đi đến miếu Mụ Mụ đó xem thử.

Hắn lại đi đến trước một tiệm bán hương nến, hỏi xem miếu Mụ Mụ nằm ở chỗ nào. Chủ tiệm cho biết, ngôi miếu đó nằm trên núi Thọ Niệm ở ngoại thành.

Trương Bình cảm ơn chủ tiệm, đương muốn đi tiếp thì đột nhiên nhớ đến Đào Châu Phong đã từng dặn dò qua với hắn rằng: “Quản lý một huyện không giống như việc xử một vụ án, đừng chỉ chú tâm một khía cạnh mà phải lấy đại cục làm trọng. Vừa phải chu toàn mọi mặt, lại phải luôn chú ý cẩn trọng.”

Trương Bình ngẩng đầu nhìn trời, quyết định hôm nay cứ đi lòng vòng quanh huyện đã.

Huyện Phong Lạc nằm ở phía Tây của kinh thành, con đường đông đúc phồn hoa nhất chính là đường Ân Long nối liền đến cổng thành Đông Tây. Quán trọ, quán ăn, tiền trang, mấy tiệm trang sức tơ lụa lớn… đều nằm trên con đường này cả. Cả quan dịch cũng nằm trên con đường Ân Long Tây, trung gian liên lạc với phía thuỷ vận cũng nằm ở đây. Đa phần cửa tiệm là về hàng da, gỗ, sơn, gốm sứ, các vật dụng cho ngựa như yên, dây thừng, sắt thép, giường phản,… còn có tiệm cơm khách điếm chuyên chiêu đãi các vị khách Hồ, Thương, Man. Trước cửa tiệm viết mấy hàng chữ Khải và chữ Hồ ngoằn ngoèo giới thiệu trong tiệm có suất ăn đặc biệt, chén dĩa sạch sẽ, còn cung cấp những món ăn chay thượng hạng, tuyệt đối không có mỡ lợn…

Đường Ân Long Đông ngược lại đa phần là tiền trang, hiệu tơ lụa, tiệm cầm cố, tiệm châu báu, tiệm trà… Chi nhánh Phong Lạc của tiền trang lớn nhất bản triều Đại Chính Thăng cũng nằm ở đường này. Biển hoành phi trước cửa, khẩu hiệu vẫn giống hệt như ở kinh thành, sách viết “hối thông vạn quốc”, trên tường có đóng một phê văn Hộ bộ đúc bằng đồng, cửa hông dưới hành lang có đặt một cột thông báo, trên đó dán tỉ giá tiền bạc ngày hôm nay, mức chênh lệch khi đổi ngân phiếu sang vàng bạc, phiên tệ của các nước lớn ở phiên bang như A Bạc Sĩ.

Khách điếm, quán rượu ở đường Ân Long Đông so với đường Ân Long Tây thì càng xa hoa hơn, tất nhiên giá cả cũng cao hơn chút rồi.

Trương Bình ở đường Đông Tây đều nhìn thấy một môn liễm có dấu hiệu quan phủ, bên trong có người mặc quan phục ngồi ngay ngắn hoặc đi qua đi lại.

Đường Ân Long người đi qua lại, xe ngựa tấp nập phồn hoa, nhưng phố xá lại sạch sẽ gọn gàng. Lúc Trương Bình vào thành, binh lính giữ thành có phát cho hắn một cái túi, bảo hắn trùm lên mông ngựa. Lúc Trương Bình đi trên đường Đông Tây, trước mặt có một con la không trùm cái túi ở mông lúc la lúc lắc, đột nhiên đuôi vung vung vài cái, xoẹt một tiếng rơi xuống đất một bãi phân trộn nước tiểu. Một ông lão từ bên đường lập tức đi đến, đổ một chút tro từ trong cái rương cầm trên tay xuống ngay đống phân. Rồi vớ tay lấy xẻng và chổi ở sau lưng, nhanh tay hốt đống phân đó vào trong một cái sọt.

Trương Bình chỉ đi qua lại trên con đường này. Khi trời sắp tối, hắn mới chuyển sang một con đường khác, tìm một quán trọ tá túc.

Sau khi vào trong tiệm thì hắn hỏi han giá cả, quán trọ này bày trí tương tự như mấy quán ở đường Ân Long nhưng giá cả cũng không chênh lệch lắm, mắc hơn chút đỉnh so với Nghi Bình nhưng ở một nơi như thế này mà nói, giá như thế là hợp lý rồi.

Chưởng quầy cười nói với Trương Bình: “Nếu như khách quan đi kinh thành thì đến trọ ở đường Ân Long sẽ tiện hơn. Ở đó tiểu tiệm cũng có chi nhánh, đều cùng một giá. Huyện chúng tôi không có chuyện vì vị trí đất mà nâng giá đâu.”

Tiểu nhị dẫn Trương Bình đi lên phòng ở lầu hai. Phòng không lớn lắm nhưng vô cùng sạch sẽ. Nếu không dùng rượu thịt, sáng tối khách ở phòng sẽ được tặng một bát cháo một cái bánh bao, hai dĩa dưa muối nhỏ.

Huyện Phong Lạc có không ít những sĩ tử trụ không nổi ở kinh thành. Tiểu nhị thấy Trương Bình còn trẻ, hơn nữa cũng giống người đọc sách nên đã hỏi hắn có phải tính ở tạm lại Phong Lạc hay không. Gã có thể giới thiệu chỗ nhà giá rẻ cho hắn.

“Không phải tiểu nhân khoác lác, nhưng mà ở các huyện của Kinh Triệu Phủ này, Phong Lạc chúng tôi có thể xem như đứng nhất nhì đấy. Quan lớn trong thành đều mua nhà sắm cửa ở chỗ Phong Lạc chúng tôi, không chỗ nào ở thoải mái hơn. Đồ đạc gì ở kinh thành cũng đều có thể mua được ở huyện chúng tôi, tất nhiên là không thể to hơn ở kinh thành rồi. Đường lớn Ân Long khách quan đi rồi chưa? So với đường kinh thành chả kém bao nhiêu đâu.”

Trương Bình đáp: “Phải, nhộn nhịp, sạch sẽ.”

Tiểu nhị cười nói: “Còn không phải sao, đường xá đều mới sửa mấy năm nay thôi, mấy huyện ở Kinh Triệu Phủ cũng chẳng có chỗ nào được như huyện chúng tôi đâu. Bố cục chỉnh tề thế này mà. Ban đầu cũng không được sạch sẽ nề nếp như bây giờ, đều là do quan đương…a, phải nói là tiền nhiệm rồi nhỉ, Tri huyện đại nhân chỉnh lý lại hết đấy.”

Trương Bình hỏi: “Tạ Tri huyện?”

Tiểu nhị đáp: “Xem ra khách quan cũng nghe rồi nhỉ. Ai da, người ta gặp xúi quẩy cũng hết cách. Tạ Tri huyện làm ở đây được mấy năm, làm việc rất chăm chỉ nghiêm túc. Lúc trước nội thành không lớn thế này đâu, đều nhờ sau khi Tạ đại nhân đến đã mở rộng ra thế này đấy. Bố cục các nơi trong huyện đều chỉnh sửa lại hết, hai đường lớn Nam Bắc cực kỳ ngăn nắp gọn gàng.”

Ngày xưa, đường Ân Long được gọi là đường Kinh Thông, người đến kẻ đi rất nhiều, cực kỳ rối loạn mất trật tự. Tiệm xá không theo quy tắc nào. Tạ Tri huyện đổi tên con đường, mở rộng gấp đôi, dựa vào mặt hàng bán mà phân ra hai đường.

Con đường nối liền với cổng thành Nam Bắc xưa tên là Đại Nhai Thị, sau Tạ Tri huyện đổi lại thành đường Chính Dương, cũng được tu sửa lại như đường Ân Long.

Vốn tiền trang Đại Chính Thăng không có đặt chi nhánh trong huyện thành, Tạ Tri huyện hứa hẹn với các họ tộc lớn trong huyện, đích thân đến kinh thành mời về, thậm chí còn xin Phùng phủ doãn ra mặt. Sau khi có chi nhánh của tiền trang Đại Chính Thăng, cứ như tài lộc ùa đến, các cửa hiệu lớn như Hằng Hợp cũng ùn ùn kéo đến lập chi nhánh ở bản huyện.

Hai con đường này chính là gương mặt của huyện ngày nay. Thương gia hay vãng lai bởi Phong Lạc giàu đẹp hơn huyện họ, đi lại khắp nơi, cũng có người khi đi qua đây ngủ lại qua đêm.

Trương Bình lại hỏi, thì ra môn liễm có ký hiệu huyện nha trên hai đoạn đường Đông Tây trên đường lớn Ân Long là do Tạ Tri huyện đặt. Trụ sở ở đường Tây quản lý việc tranh chấp đường ống, lừa gạt, lũng đoạn thị trường… Trụ sở bên đường Đông thì chủ yếu quản lý lừa gạt trong buôn bán, mất văn điệp, bị trộm tài sản… Không cần phải chạy đến huyện nha, gần bên là có ngay.

Phố phường trong huyện cũng được quy hoạch lại từ đầu, đường xá ngay ngắn thẳng tắp, những căn nhà cũ xập xệ đều được phá bỏ hoặc sửa sang lại, khắp nơi đều tươm tất gọn gàng.

Những người hành khất đều bị quan phủ bắt đi đăng ký, những người còn khả năng lao động thì được phân công làm những việc vặt như quét dọn trong thành, dọn dẹp rác rưới, trông nom cắt tỉa cây xanh…có thể kiếm được chút tiền sống qua ngày.

Nhờ có Tạ Tri huyện quản lý nhiều năm nay mà bách tính trong Huyện Phong Lạc mới có thể sống ở nơi đẹp đẽ lại trật tự thế này.

“Hiềm là, ở chỗ này sạch sẽ đẹp đẽ quen rồi, đến nơi khác lại ở không quen.”

Trương Bình nhìn bát cháo trắng đến chói mắt trước mặt, lòng thầm biết lời này không phải giả dối.

Sáng sớm ngày hôm sau, Trương Bình rời khỏi quán trọ, bộ lông của con ngựa vàng được chải chuốt sáng bóng, yên ngựa cũng được chà rửa bóng loáng. Tiểu nhị lại tặng cho Trương Bình một cái túi mới.

Đường lớn sạch sẽ vừa được vẩy nước, gió sớm tươi mát mang theo mùi hương dìu dịu.

Núi Thọ Niệm nằm ở phía Nam huyện thành, Trương Bình băng qua đường Chính Dương ra khỏi thành.

Đường Chính Dương cũng được phân thành hai đoạn, đường Bắc và Đường Nam. Đường Bắc gồm những tiệm gia vị như tiệm gạo, tiệm dầu, tiệm giấm tương, hồi hương vỏ quế… và cả những cửa tiệm bán dụng cụ làm bếp, chén bát đũa thìa. Đường Nam là khoảnh chợ bán thức ăn, được chia thành từng sạp bán rau, hành gừng, thịt tươi, gà vịt, hải sản, trứng… Mọi thứ đều được sắp xếp gọn ghẽ, có người đi tuần tới lui, dọn sạch mặt đất. Đường Bắc Nam cũng có môn liễm của huyện nha, có thể tính toán trọng lượng của đồ vật, còn có những tiền trang nhỏ, tiền lẻ tiền chẵn lúc nào cũng đi đổi được.

Ở đường Nam có một con ngõ nhỏ, trong ngõ chuyên bán đồ ăn. Mì xào, vằn thắn, cháo trắng, chè trà dầu, đậu hũ thối, bánh nướng, bánh bao, màn thầu, đủ các loại đồ nước chiên xào và đều được phân khu buôn bán thành hàng.

Trương Bình mua vài cái bánh bao, nheo mắt nhìn đám cờ hiệu dài trắng dày mảnh chỉnh tề phía bên đường, lại nhìn sang phía hàng cây thẳng tít tắp sát mép đường, rồi lại so sánh màu sắc kích cỡ của hai miếng gạch cuối cùng ở cuối lề đường. Hắn hỏi binh sai ở cửa thành: “Tạ Tri huyện khi nào sẽ từ nhiệm?”

Binh sai ngẩn ra, dò xét Trương Bình một lát rồi đáp: “Để xem khi nào Tân tri huyện đến nữa đã.”

Lan Giác cùng Hồng lư Tự khanh Tiết Mộc Lâm mang lễ trọng đến Bảo Hoa cung, tạ lỗi với sứ đoàn nước Tháp Xích. Chỉ có một tên tuỳ tùng thân phận thấp nhất trong sứ đoàn ra nghênh tiếp, sắc mặt âm trầm, thái độ cao ngạo, đối diện với đám vàng bạc bảo khí mà mí mắt cũng chẳng giật một cái.

Lan Giác ôn hoà nói, Đại vương địên hạ hãy còn trẻ tuổi, nhất thời lỗ mãng nên đã khiến vương tử hiểu lầm mà hoảng sợ. Hoàng thượng cũng vô cùng sửng sốt, đặc biệt lệnh cho Lễ bộ và Hồng lư tự cùng đến đây để chuyển lời tạ lỗi đến vương tử. Liệu có thể gặp vương tử, gửi đến người lời hỏi thăm của hoàng thượng hay không?

Tên sứ thần kia nói tiếng Hán ngắc ngứ: “Không được, không được, hiện giờ vương tử không gặp các ngươi, không thể gặp các ngươi!”

Tiết Mộc Lâm hỏi: “Dám hỏi, tại sao lại không thể gặp?”

Sứ thần lắc đầu hai cái, chòm râu run run: “Đi đi, đi đi, các ngươi, về đi. Không có ích gì đâu. Vương tử, không thể gặp các ngươi!”

Lan Giác nói: “Đại nhân Ôn Mộc Lý có ở đây không?”

Sứ thần xua tay: “Đi, đi, đại nhân Ôn Mộc Lý, đại nhân Sa Hốt Hán, bọn họ đều, không thể, gặp các ngươi! Đi, đi mau, các ngươi!”

Tiết Mộc Lâm có chút bực bội khó chịu, tên sứ thần này chẳng qua cũng chỉ là kẻ dắt ngựa cầm khiên trong sứ đoàn vậy mà lại xua đuổi Lễ bộ Thị lang và Hồng lư Tự khanh đại diện cho hoàng thượng đến như xua heo vậy, sứ đoàn nước Tháp Xích quả thật có chút vuốt mặt không nể mũi rồi.

Lan Giác cũng có chút không vui nhưng làm mấy việc này, khẳng định phải mặt dày rồi, y bèn nói đầy thắm thiết: “Bệ hạ lệnh cho đám bản bộ viện nhất định phải truyền đạt lời hỏi thăm của người đến vương tử, phiền ngươi thông báo giúp.”

“Cút đi, lũ này!” Tên sứ thần đó rống lên một tiếng, hai mắt đỏ ngầu chứa đầy nước mắt, “Vương tử, người sắp rời xa bọn ta rồi! Người sắp trở về bên cạnh thần Thái Dương rồi!”

“Sứ thần Tháp Xích bảo…” Lan Giác đứng trong Cần Chính điện, truyền báo lại cho Vĩnh Tuyên đế, “Vương tử Sát Bố Sát Lý Khắc bản tính cương liệt, chuyện lần này đã khiến ngài ấy có ý định trở về bên cạnh thần Thái Dương. Đám người Ôn Mộc Lý đang khuyên can vương tử nên cũng không xuất hiện để gặp chúng thần.”

Các vị vương như Hoài vương với vai vế là thúc bá của Vĩnh Tuyên đế và Đại vương đều ở trong điện, thậm chí cả thái hậu cũng ngồi sau bình phong buông rèm chấp chính. Tôn vương, người lớn tuổi nhất hỏi: “Thần Thái Dương là chức quan gì ở nước Tháp Xích? Chẳng lẽ là chỉ quốc vương à?”

Lan Giác và Tiết Mộc Lâm nhanh chóng liếc nhìn nhau. Tiết Mộc Lâm không thể nói nổi lời nào nên đành để Lan Giác giải thích vậy.

Lan Giác liền khom người bẩm báo: “Thần Thái Dương là vị thần mà nước Tháp Xích thờ phụng. Ở nước Tháp Xích truyền nhau rằng, Sát Bố Sát Lý Khắc là chuyển thế của sao Thiên Lang, sao Thiên Lang chính là con trai của thần Thái Dương.”

Từ sau bức bình phong thái hậu vội vàng nói: “Vậy vị vương tử kia đã mất rồi? Không thì phải an táng trọng thể?”

Lan Giác chưa kịp trả lời thì Hoài vương đã cười bảo: “Hắn làm thế quái nào mà chịu đi chết cho. Một khóc lóc hai ầm ĩ ba đòi chết, vương tử phiên bang cũng biết mấy trò của đám đàn bà nhỉ.”

Tôn vương ho một tiếng, liếc nhìn Hoài vương.

Thái hậu hừ nói: “Ai gia cũng là đàn bà đây, vậy phải nói, mấy trò này thật quá bỉ ổi rồi.”

Hoài vương tủm tỉm cười đáp lại: “Thái hậu cốt phụng mình ngọc, há có thể so đo với đám đàn bà bình thường sao.”

Thái hậu dịu dàng nói: “Hoài vương đừng quá để tâm, ai gia biết người không có ý đó.”

Vĩnh Tuyên đế nhìn Lan Giác: “Lan ái khanh và Tiết ái khanh có thăm dò được mục đích của bọn người đó không?”

Lan Giác và Tiết Mộc Lâm xưng tội thưa không biết.

Hoài vương lên tiếng: “Hét toáng lên muốn chết nhưng lại không chết, là đợi bên chúng ta ra giá đây mà. Lòng tham cũng không nhỏ nhỉ.”

Vĩnh Tuyên đế nhíu mày: “Hoàng thúc và hai vị ái khanh xem nên phải giải quyết thế nào đây?”

Các vị vương và hai người Lan Giác đều trước thỉnh tội, sau thưa không có chủ ý tốt nào cả.

Lan Giác lại nói: “Thần ngu kiến, tạm thời giám sát cung Bửu Hoa thật kỹ, khiến cho Sát Bố Sát Lý Khắc vương tử không có cơ hội trở về bên thần Thái Dương. Rồi lại đến an ủi thăm hỏi nhiều hơn, khéo léo đàm phán, cẩn trọng từng bước.”

Làm ầm muốn chết, ngược lại cũng sẽ không chết, đơn giản chỉ là muốn kéo dài dây dưa, xem ai sẽ là kẻ xuống nước trước.

Suy cho cùng không chết, vậy sẽ không kêu gào lâu được.

Vĩnh Tuyên đế lộ vẻ đắn đo suy nghĩ, lát sau gật đầu, thở dài một hơi nói: “Trẫm cũng không có kế nào, chỉ còn cách làm theo lời khanh vậy.”

Các vị vương cũng thở dài gật đầu: “Trước mắt đành phải vậy thôi.”

Lan Giác và Tiết Mộc Lâm thở một hơi nhẹ nhõm, toan tính cáo lui thì sắc mặt Vĩnh Tuyên đế đã đanh lại: “Nhưng, trừng phạt Đại vương nhất định phải có, xem như là trao đổi.”

Y lập tức truyền Trung thư Thị lang, ra chỉ, đến Đại vương phế tước, thu hồi phủ đệ phong ấp, phế làm thứ dân, trục xuất khỏi kinh thành, lưu đày tứ xứ.

Thái hậu nghẹn ngào, các vị vương biến sắc, Lan Giác, Tiết Mộc Lâm và Trung thư Thị lang nằm phục dưới đất, luôn miệng nói Đại vương tuổi còn nhỏ, xử phạt như thế quá nặng, mong Vĩnh Tuyên đế khai ân.

Vĩnh Tuyên đế nhắm mắt nói: “Trẫm là huynh trưởng của Khải Đàn, lỗi của Khải Đàn cũng là lỗi của trẫm. Bình thường mọi người đã quá nuông chiều nó, gây ra tội lớn nhưng xử phạt không nghiêm, khiến nó không biết tự xét lại mình.”

Chỉ ý đã hạ. Ngày hôm sau Lan Giác và Tiết Mộc Lâm lại đến cung Bửu Ngọc thăm hỏi. Lần này bước ra tiếp đón là một kẻ trông giống sứ thần hơn của sứ đoàn nước Tháp Xích, nhưng vẫn cứ là bộ mặt nặng nề đau khổ kia: “Vương tử vẫn khăng khăng muốn trở về bên cạnh thần Thái Dương. Đã bị tổn thương rồi, không cách nào quay lại được như ban đầu.”

Lan Giác và Tiết Mộc Lâm dịu dàng an ủi hồi lâu rồi cáo lui rời đi.

Ra khỏi cung Bửu Ngọc, Tiết Mộc Lâm thở dài nói: “Hy vọng sớm có kết quả.”

Lan Giác không trả lời, cũng chỉ âm thầm thở dài trong lòng. Đột nhiên mí mắt phải giựt giựt hai cái.

Sau khi về cung phục lệnh, đương muốn cùng Tiết Mộc Lâm xin cáo lui thì Vĩnh Tuyên đế bất thình lình lên tiếng: “Lan ái khanh, lưu lại thêm lát nữa đã.”

Trong lòng Lan Giác bất giác trỗi dậy dự cảm không lành.

Sau khi Tiết Mộc Lâm rời đi, Vĩnh Tuyên đế cười bảo: “Vốn Lan ái khanh đã xin nghỉ phép nhưng vì việc này mà cứ trì hoãn mãi. Trẫm thật sự rất áy náy.”

Lan Giác lập tức nói mấy lời như đây là việc thần phải làm.

Vĩnh Tuyên đế lại nói: “Trẫm nhớ quê nhà của Lan ái khanh là huyện nào đó của Kinh Triệu phủ thì phải?”

Lan Giác đáp: “Quê của thần là Huyện Cửu Hoà, Kinh Triệu phủ.”

Hai con ngươi của Vĩnh Tuyên đế lóe sáng: “Ô? Thật trùng hợp. Trẫm đã lệnh cho Phùng Thai chọn một chỗ để lưu đày thứ dân Cảnh Khải Đàn đến làm gia nhân, làm nông cảnh tỉnh lỗi lầm. Phùng Thai có giới thiệu một chỗ tên là xã Niệm Cần, thuộc huyện giới của Phong Lạc, cách quê nhà của Lan ái khanh có xa không?”

Lan Giác khẽ ngẩng cái đầu hơi choáng váng của mình lên: “Nằm… liền với tiểu huyện của thần.”

Vĩnh Tuyên đế cười toe: “Quá tốt rồi, Lan ái khanh. Thứ dân Khải Đàn trước sau như một vẫn cứng đầu ương bướng. Ái khanh có thể thay trẫm quản thúc kèm cặp nó hay không?”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio