Lão gia cười khà khà và nhận lễ, đưa tay kéo tôi ngồi xuống ghế sofa: “Ta nhìn chuẩn rồi, chỉ cần nghe cháu gọi A Ninh là biết cháu có thể quản được nó. Cái thằng này nếu phụ nữ không quản chặt là không được”.
o
“Hạ Trường Ninh, anh nói em nghe xem nhà họ có những quy củ gì?”.
“Anh nói xem ông ấy thích gì? Em tặng trà cho ông ấy có được không?”.
“Ngũ Nguyệt Vy có ở đó không?”.
“Đến nhà ông ấy em mặc gì bây giờ?”.
Tôi hồi hộp.
Hạ Trường Ninh nhìn tôi như quái vật, tôi đã nói không ngừng nghỉ suốt cả ngày rồi. Lúc này Hạ Trường Ninh đang mặc áo len ở nhà, xắn cao tay áo nấu cơm, tôi đứng bên cạnh hỏi liên tục. Cuối cùng anh đưa con dao trong tay cho tôi: “Em biết làm cá phi lê ớt xanh không?”.
Tôi gật đầu.
Anh ấy bắt một con cá trong bể ra và nói: “Em làm cá đi”.
Tôi cầm dao mà sững lại nhìn con cá đang vùng vẫy trong tay anh ấy. Trước giờ nhà tôi ăn cá phi lê đều mua đồ chế biến sẵn, cá cũng đã lọc sẵn xương. Sao Hạ Trường Ninh lại kiếm một con cá sống thế này chứ?
“Muốn làm thì phải làm từ đầu đến cuối, biết lọc cá không?”.
“Chết rồi thì biết, còn sống thì không biết”.
“Tránh ra”.
Anh ấy nói xong liền đặt con cá lên thớt rồi đập một phát, con cá nằm im.
“Lọc đi, gia vị đủ rồi”.
Tôi lấy hết sức chuẩn bị ra tay. Hạ Trường Ninh nắm chặt tay tôi rồi thở dài: “Thôi, để anh giải quyết, em nấu là được rồi”.
“Không cần, để em”.
Tôi hạ quyết tâm nhất định không để người nhà Ngũ Nguyệt Vy coi thường tôi. Mẹ tôi đã nói rồi, con gái có xinh hay không không quan trọng, có biết kiếm tiền hay không không quan trọng, nhưng nhất định phải biết vào bếp. Lúc năm tuổi tôi đã giúp mẹ vào bếp. Tôi tràn đầy dũng khí đánh vẩy cá.
Mới cạo được hai đường dao thì Hạ Trường Ninh đã cướp mất con dao. Con dao rơi vào tay anh ấy lúc nào tôi cũng không hề biết, anh thực sự đã từng học võ!
Hạ Trường Ninh lượn vài đường dao, vảy cá bay đầy, vừa làm vừa dạy tôi: “Nhìn lại em đi, làm không tập trung lại bị đứt tay bây giờ, sau này đi mua cá nhất định phải bảo người ta làm sẵn cho”.
Tôi không phục liền cãi: “Em đã động tay vào đâu làm sao bị thương được chứ? Hơn nữa, sao anh không mua cá đã làm sẵn đi”.
Hạ Trường Ninh quay đầu lại nói chuyện với tôi, tay vẫn đều đều: “Không phải muốn để em nhìn thấy vẻ đẹp khi đánh vảy cá của anh sao?”.
“Cẩn thận cái tay anh kìa!”. Tôi khiếp sợ kêu lên.
Hạ Trường Ninh vô cùng đắc ý với biểu hiện của mình, anh quay lại làm vài đường nữa là đánh xong vảy cá, lọc sạch, sau đó đưa dao cho tôi: “Em tự giải quyết gia vị đi”. Tôi vất vả rửa cá rồi ướp gia vị và bắc nồi. Chưa đầy mười lăm phút sau những lát cá trắng mềm đã nổi lên trên nồi canh đỏ tươi. Tôi nếm xong liền bắc nồi xuống và múc ra bát, sau đó rắc thêm ớt xanh. Đại công cáo thành!
Hạ Trường Ninh dựa cửa nhìn tôi bận rộn nấu nướng, mấy lần tôi quay lại đều bắt gặp nụ cười trên môi anh ấy.
Đợi tới khi món cá thơm lừng bày lên bàn Hạ Trường Ninh cầm đũa ăn một miếng nhưng vẫn nghiêm mặt không nói gì.
Tôi không vui chút nào: “Anh có biết ăn không thế? Tay nghề của em cũng được đấy”. Anh ấy bật cười: “Ngon, anh đùa em thôi”.
Tôi cười khì rồi bắt đầu động đũa.
Đợi khi hai chúng tôi ăn no uống say ngồi nghỉ trên ghế rồi tôi mới thỏ thẻ: “Có hợp khẩu vị của lão gia không?”.
“Hợp khẩu vị của anh”. Anh ấy cười vô cùng gian manh.
Tôi mắng anh: “Ai muốn hợp khẩu vị của anh chứ? Ý em là nếu lão gia bắt em làm món này thì chắc không tìm được lỗi chứ?”.
Hạ Trường Ninh nghe xong liền bật cười thành tiếng: “Lão gia là người miền Bắc, ông ấy ăn không quen các món vừa cay vừa tê đâu! Yên tâm đi, không bắt em phải làm đâu”. Tôi điên lên: “Hạ Trường Ninh, anh lại trêu em! Sao lại bắt em nấu ăn chứ?”.
Anh ấy thản nhiên đáp: “Anh muốn ăn thôi! Anh đâu có nói là làm cho lão gia ăn”. “Anh, đi rửa bát!”.
Hạ Trường Ninh không động đậy gì cả, chẳng khác gì điệu bộ của lão gia Ba Y: “Đàn ông không xuống bếp. Anh biết làm nhưng không có nghĩa là anh phải làm! Đây là việc của em”.
Hả, tôi nhìn anh ấy như nhìn quái vật. Anh ấy lại còn có tư tưởng kênh kiệu thế này sao! Tôi vốn nghĩ mình đi rửa cũng được, nhưng thấy thái độ anh ấy như thế tôi không làm nữa: “Vậy được thôi, đằng nào cũng là nhà anh, em không dọn thì anh cũng phải dọn, em không rửa”.
Hạ Trường Ninh bước lại sau lưng tôi, ôm vai tôi rồi gục đầu vào người tôi, buồn bã nói: “Anh luôn mong muốn đàn ông bận bịu bên ngoài, về nhà sẽ có vợ hiền nấu cơm nóng chờ đợi. Khi anh một mình rời khỏi nhà luôn nghĩ, có một ngày anh cũng sẽ có gia đình, có một người vợ đối tốt với anh. Thôi, em còn nhỏ, có thể nấu ăn được là anh ngạc nhiên lắm rồi. Để anh đi rửa bát”.
Nghe anh ấy nói thế tôi lại nhớ tới nỗi vất vả của anh khi năm mười ba tuổi đã phải rời khỏi nhà, nghĩ vậy lại mềm lòng. Tôi vội đứng dậy buông tay anh ra và đáp: “Lại đây ngồi đi. Anh biết gọt hoa quả chứ? Em rửa bát xong muốn ăn hoa quả”.
Hạ Trường Ninh nhìn tôi, anh nhẹ nhàng gỡ cái vảy cá mắc trên tóc tôi xuống rồi nói: “Phúc Sinh, anh muốn ôm em”.
“Đợi em thu dọn xong đã…”.
Anh cúi đầu hôn tôi, hơi nóng hầm hập đang khiêu vũ nơi đầu lưỡi. Tôi đẩy anh ra và nói: “Vừa ăn cơm xong…”.
Thực tế đã chứng minh đàn ông là động vật mất vệ sinh nhất, chỉ cần đói là sẽ ăn. Khác với trước đây là, cánh tay anh ấy không an phận luồn vào trong áo tôi, cả người tôi phát run, lưng cứng đờ.
Dường như Hạ Trường Ninh cảm nhận được điều đó, cánh tay anh ấy đặt ở eo tôi không sờ mó lung tung nữa. Cảm xúc đột ngột khiến mặt tôi đỏ bừng và cảm nhận được khoảng cách giữa nam và nữ. Thần trí anh ấy mê muội, không sợ gì cả. Nhưng tôi lại vô cùng tỉnh táo, tâm trí luôn đặt ở bàn tay anh ấy.
Trong sách nói rõ, sự thân mật cơ thể sẽ mang lại sự tiến triển vượt bậc về tình cảm. Nhưng, có nhanh thế này không? Tôi và Hạ Trường Ninh có thể nhanh thế này sao? Cuối cùng anh ấy hôn nhẹ lên môi tôi một lúc rồi bật ra một câu khiến tôi tức chết: “Em không có kinh nghiệm cũng tốt, anh có thể dạy em”.
Muốn dạy tôi? Tôi đỏ mặt đá cho anh ấy một cái rồi bê bát đĩa vào trong bếp, trong lòng cảm giác vô cùng bấp bênh.
“Bật nước nóng thế nào đây?”.
“Nước rửa bát ở đâu?”.
“Rửa xong rồi cất ở đâu đây?”.
Tôi liên tục giả vờ ngu để chỉ huy anh ấy cùng chung vui với tôi.
Hạ Trường Ninh không động tay mà chỉ động miệng, đợi tôi thu dọn xong anh mới hỏi: “Phúc Sinh, bắt em làm việc nhà, em không thích, đúng không?”.
Cái tên này nghĩ đi đâu thế? Chẳng qua chỉ là tôi cảm thấy không hài lòng với câu nói tôi không có kinh nghiệm và anh ấy muốn dạy mà thôi. Tôi uể oải đáp: “Không phải là không thích, chỉ là không có kinh nghiệm thôi, đâu có như ai đó… em muốn ăn hoa quả, anh ăn gì? Táo hay cam? Em gọt cho”.
Nói đến đây mặt tôi lại đỏ bừng. Tôi nghĩ đi đâu thế này chứ, bị anh ấy cười thật đáng đời. Tôi liếc nhìn anh một cái, hy vọng anh không chú ý nghe.
Sắc mặt Hạ Trường Ninh không có gì thay đổi, anh nói rất tự nhiên: “Ăn cam”. Tôi bắt đầu gọt hoa quả, sau đó xem đĩa, nói chuyện rồi anh ấy đưa tôi về nhà. Ngày mai chúng tôi đi thăm lão gia. Tôi hy vọng bố Ngũ Nguyệt Vy không làm khó tôi quá. Tôi không muốn Hạ Trường Ninh bị kẹp giữa tình huống khó xử.
“Phúc Sinh, mai anh tới đón em. Đừng lo, không sao đâu. Chỉ là…”.
Tôi cười rồi lắc lắc tay anh: “Em không lo lắng đâu, em không muốn anh mất mặt.
Không sao, nói chung là không ăn được em đâu, em mạnh mẽ lắm, coi như đi làm nhiệm vụ”.
Hạ Trường Ninh thường chằm chằm nhìn tôi, trong mắt có cảm giác bất an nhưng miệng vẫn mỉm cười.
Tôi cũng cười theo, mấy hôm nay không biết làm sao nữa, tôi thường xuyên cười ngây ngô với anh ấy.
Anh ấy cốc đầu tôi một cái rồi nói: “Phúc Sinh, em ngốc lắm”.
Tôi bất giác vò vò đầu rồi nhìn anh ấy, Hạ Trường Ninh khẽ nhếch môi cười gian nhìn tôi: “Bây giờ nước ta đã xóa nạn mù chữ, thì những người văn hóa tiểu học như anh nắm rõ tầm quan trọng của kiến thức trong làn sóng kinh tế thị trường sẽ kiên quyết không làm nhà giàu mới nổi dùng đấu để đong tiền giấy đâu. Vì thế xem băng đĩa, sách báo, kinh nghiệm cũng từ đó mà ra”.
“Lẽ nào anh vẫn là trai tân?”. Một câu nói không qua bộ não xử lý đã nhảy vọt ra khỏi miệng. Tôi sững lại nhìn anh, sau đó quay người chạy, vừa chạy vừa hét: “Hạ Trường Ninh anh mà còn nhắc tới chuyện này thì em sẽ không làm lành với anh đâu”. Sao tôi lại nói những lời này chứ? Tôi hận một nỗi ngày mai không thể không gặp anh ấy được.
Tôi vốn nghĩ rằng đi với Hạ Trường Ninh về thăm bố của thủ trưởng anh ấy mẹ tôi sẽ phản đối, kết quả họ rất bình thản và vui vẻ. Mẹ cầm một chiếc hộp gấm rồi nhét vào túi tôi, cười nói: “Bố Hạ Trường Ninh mất sớm, nghe cậu ấy nói cậu ấy coi thủ trưởng cũ như bố mình. Phúc Sinh, con phải biết lễ phép, lịch sự, nhớ tỏ ra cung kính với người ta”. Tôi nhìn chiếc hộp gấm, nhớ lại chuyện cũ, chiếc hộp này để trong nhà tôi đã lâu, bên trong có mấy bánh trà [i][Là ép thành từng bánh hình tròn (BTV)] cũ, là quà của học sinh bố tôi. Bố tôi không nỡ uống, tôi nhớ thỉnh thoảng bố tôi lại bỏ bánh trà ra ngắm nghía rồi ngửi, cuối cùng vẫn đặt vào hộp cất đi. Hồi bé không hiểu chuyện, tôi cũng học đòi bố tôi pha trà, cầm bánh trà không biết phải làm thế nào, liền đi lấy con dao thái rau ra cắt, may mà bố tôi phát hiện kịp thời, mắng cho tôi một trận. Đây là hộp trà bố tôi yêu quý nhất, chí ít cũng là hộp trà Phổ Nhĩ lâu đời đã được cất giữ trong nhà tôi hơn hai mươi năm, cứ thế này mà tặng đi sao? “Nhà ông ấy cũng không thiếu cái này, tặng loại trà khác ý nghĩa cũng thế. Hơn nữa, để Hạ Trường Ninh tự đi mua đi. Anh ấy vốn phải mua quà mà”.
Mẹ lừ mắt nhìn tôi: “Không hiểu chuyện, nhà họ có là chuyện nhà họ, con không thể thiếu một phần quà. Mẹ và bố đã cân nhắc rồi, tặng trà là tốt nhất, cũng đã cất giữ mấy chục năm, trà Phổ Nhĩ càng lâu càng đáng tiền, không sợ mất giá”.
Tôi nhìn mẹ, trong lòng thầm nghĩ, nếu như tới nhà Hạ Trường Ninh chắc ngay cả cái hộp trà Thái Bình Hầu Khôi cao cấp trên tủ của bố tôi cũng không giữ lại được mất. Hộp trà đó cũng do học sinh của bố tôi tặng, bố tôi không nỡ uống, cũng không mở ra, kết quả là chỉ pha một cốc trà Hầu Khôi loại bình thường uống cho đỡ thèm. Tôi thực sự rất muốn mua túi trà mấy trăm tệ ngoài thị trường đi cho xong chuyện.
Tôi nhìn mẹ chuẩn bị hành lý trong lòng đột nhiên có cảm giác vô cùng nặng nề. Ngũ Nguyệt Vy mua hàng hiệu chẳng khác gì chọn hàng ngoài sạp, hết đỗi tùy ý. Không biết nhà cô ta có bao nhiêu tiền nữa, Hạ Trường Ninh cũng thế.
Tôi hỏi Hạ Trường Ninh, sao mùa đông không thấy anh ấy đi xe máy? Anh nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên và nói trời lạnh thì đi xe máy làm gì chứ. Hóa ra chiếc xe Harley của anh ấy chỉ dùng để thỉnh thoảng đi hóng gió hai mùa hạ, thu thôi sao?
Xem ra nếu tôi và anh ấy cứ tiếp tục hẹn hò thế này, năm nào cũng đi thăm hỏi tặng quà thế này thì của cải nhà tôi sao chịu được chứ!
Lúc này Hạ Trường Ninh đã tới đón tôi, mẹ tôi vỗ vỗ cái túi rồi cười hi hi dặn dò: “Trên đường phải chú ý an toàn đấy! Trường Ninh này, Phúc Sinh hẹp hòi nhà ta chưa va chạm với thế giới bên ngoài, cháu phải chú ý chăm sóc nó đấy”.
Hẹp hòi à? Tôi đầy bụng tức tối.
Hạ Trường Ninh đón lấy túi quà rồi đáp: “Cô chú cứ yên tâm, cháu dẫn cô ấy đi thăm nơi cháu đi lính ngày xưa. Ngày hai tám tháng chạp chúng cháu nhất định sẽ về”.
“Phúc Sinh, con phải nghe lời Trường Ninh đấy, đừng có giở thói trẻ con”.
“Con biết rồi”.
Mẹ tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ rồi gọi với theo: “Lúc về đi thẳng về nhà bà ngoại đấy!”. “Con biết rồi”.
Trả lời xong tôi mới sực nhớ ra một chuyện. Bố mẹ tôi chắc đã coi Hạ Trường Ninh như con rể rồi. Họ là những người rất truyền thống, một khi Hạ Trường Ninh đã bước vào cửa nhà tôi, được họ âm thầm đồng ý thì thân phận của Hạ Trường Ninh sẽ như là người nhà tôi, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Mới được bao lâu cơ chứ! Tôi tự an ủi mình, không phải do tôi dẫn Hạ Trường Ninh về nhà mà do anh ấy mặt dày tới nhà tôi, không tính.
“Nghĩ gì thế?”.
Câu nói của Hạ Trường Ninh đã kéo tôi về hiện tại, tôi cười: “Không có gì”.
Anh ấy an ủi tôi: “Lão gia hiểu lý lẽ hơn Vy Tử nhiều. Cô ấy bị chiều nên sinh hư. Em đừng căng thẳng quá!”.
Tôi không căng thẳng, chân đất sợ gì chân đi giày, trong tưởng tượng của tôi muốn từ chối người khác thì chẳng qua cũng chỉ đối xử lạnh nhạt, cùng lắm thì cho tôi một tờ chi phiếu, dùng tiền mua chuộc. Đột nhiên tôi nhớ tới những đoạn từ chối kinh điển trong rất nhiều bộ phim truyền hình.
“Cô muốn bao nhiêu tiền? Con số này có đủ không? Cô hãy cầm tiền và rời xa cậu ấy”. Sau đó nữ chính nếu không cầm tờ tiền lên xé tan tành thì sẽ đặt nó trong lòng bàn tay và thổi phù một cái, sau đó kiêu ngạo nói: “Có thể ông nhiều tiền, có thể tôi nghèo, nhưng tiền không phải vạn năng, ông không mua nổi tình yêu đâu”.
“Lại đờ đẫn rồi, em nghĩ cái gì thế?”. Hạ Trường Ninh tò mò hỏi.
Tôi nghiêm túc nói: “Nếu như bố Ngũ Nguyệt Vy đưa cho em một một món tiền và bảo em rời xa anh…”.
Anh phì cười: “Em sẽ từ chối, sau đó nói bản thân và gia đình Hạ Trường Ninh còn nhiều hơn con số đó nhiều”.
“A! Sao em không nghĩ tới điều này chứ!”.
“Em nghĩ tới cái gì?”.
Tôi chớp chớp mắt và nói: “Em nghĩ nếu đưa cho em một khoản tiền lớn em sẽ đồng ý ngay lập tức”.
Hạ Trường Ninh vốn không tin, anh cười và kéo vai tôi lại gần: “Anh không tin. Chắc chắn mặt em sẽ đỏ bừng, sau đó dùng thân phận thanh cao của một phần tử trí thức nói với ông ấy, Hạ Trường Ninh không phải là đồ vật, không thể chuyển nhượng”.
“Đúng, em sẽ nói với ông ấy, Hạ Trường Ninh không phải đồ vật, mà là người, phải đưa cho em nhiều tiền, nhiều tiền, nhiều hơn chút nữa”.
Tôi bịt miệng cười tới run cả người.
Bạn anh ấy ngồi trước lái xe, cũng không nhịn được cười phá lên.
Hạ Trường Ninh quát: “Tập trung lái xe đi”. Sau đó kéo mạnh tôi vào lòng, hận một nỗi không bóp chết tôi được.
Lên máy bay, tôi cầm báo đọc. Hạ Trường Ninh giả vờ ngủ, đầu dựa vào đầu tôi rồi nhẹ nhàng hỏi: “Phúc Sinh này, nếu như lão gia đưa cho em một tờ chi phiếu, em có cầm không? Không phải đóng thuế!”.
“Không cầm”.
“Anh biết là em không cầm mà, em nói để chọc tức anh, đúng không?”. Hạ Trường Ninh nhắm mắt lẩm bẩm, nghe giọng nói cũng thấy anh rất vui.
Bây giờ tôi thực sự không sợ anh ấy nữa, tôi chăm chú đọc báo và đáp: “Nếu như đưa em tiền mặt thì em lấy, tiền mặt cho chân thật! Chi phiếu em không cần”.
Anh nghiến răng, từ kẽ răng thoát ra một câu: “Được lắm! Em nhận đi, anh giúp em mang về nhà”.
“Tiền bán thân của anh, anh cầm về được chắc? Hơn nữa, em tính em đã nhận tiền rồi thì Ngũ Nguyệt Vy sẽ buộc chặt anh luôn”. Tôi cúi đầu, nhịn cười đau hết cả bụng.
Liếc nhìn sang, đã thấy Hạ Trường Ninh ngồi ngay ngắn, cầm tờ báo đọc chăm chú, giống như chưa từng nói chuyện gì vậy. Tôi lại cảm thấy bất an trong lòng. Không biết cái tên này lại có ý đồ quái quỷ gì đây nữa?
“Phúc Sinh, anh nói với lão gia em là vợ chưa cưới của anh, đính hôn rồi. Vì thế, họ sẽ sắp xếp cho chúng ta ở chung một phòng”. Hạ Trường Ninh lật báo và nhẹ nhàng nói. Không phải chứ? ở chung một phòng với Hạ Trường Ninh trong nhà người lạ? Tôi kéo tay anh nói: “Như thế không lịch sự, ở nhà người khác không thế được. Hơn nữa, nhất định phải ở nhà họ sao?”.
“Em nói xem? Vì thế anh mới nói em đừng đi, còn em thì cứ muốn đi cùng anh. Em nói xem làm thế nào bây giờ?”.
Anh ấy nói chuyện mà không thèm quay đầu sang, tôi sững lại mấy giây rồi bắt đầu lay lay anh ấy: “Anh trêu em đúng không? Em không sợ”.
Anh phì cười: “Được rồi, là anh trêu em. Nếu em rút lại những lời vừa rồi thì anh sẽ không sắp xếp như thế nữa”.
“Em đi máy bay về”.
“Lên máy bay và lên thuyền cướp biển không có gì khác nhau đâu, em đừng mơ về nhà”. Tôi không tin, anh ấy dám làm thế sao?
Xuống máy bay, ngồi xe tới nhà Ngũ Nguyệt Vy, Hạ Trường Ninh ghé vào tai tôi thì thầm: “Cơ hội cuối cùng”.
Tôi hừ một tiếng không thèm để ý.
Nghe nói quân nhân già vô cùng truyền thống, bảo thủ, tôi không tin Hạ Trường Ninh có thể giở trò gì ở đây.
Đây là một dãy biệt thự nhỏ, nhìn bên ngoài cũng đoán được nó có từ lâu đời. Đi theo Hạ Trường Ninh vào bên trong, tôi đặc biệt chú ý một chút, mọi thứ được bài trí rất bình thường. Lão gia rất giản dị.
Trong trí tưởng tượng của tôi thủ trưởng của Hạ Trường Ninh là một ông già râu tóc bạc phơ, nhìn rất uy nghiêm, nói chuyện thì lớn tiếng nhưng bản lĩnh thì chẳng có mấy. Lúc ông ấy bước ra ngoài tôi mới sững lại, cái gì mà lão gia chứ? Thủ trưởng cũng trạc tuổi bố tôi, thân hình chưa bị phát tướng, nhìn còn rất trẻ, chỉ ngoài năm mươi tuổi là cùng, không biết có phải do ăn uống, chăm sóc sức khỏe tốt không nhưng trước đây tôi có nghe Hạ Trường Ninh nói ông ấy đã sáu mươi hai tuổi rồi.
“Lão gia có khỏe không ạ? Con xin giới thiệu đây là Phúc Sinh”.
Lão gia nhìn tôi một lượt rồi cười khà khà: “Được lắm, cô bé này cũng khá xinh xắn đấy”.
Tôi thở dài, hóa ra đơn giản như vậy sao! Tôi vội mở túi lấy hộp trà Phổ Nhĩ của bố tôi ra và đưa bằng hai tay: “Đây là một chút lòng thành của cháu, mong bác sẽ thích”.
Ông ấy không nhận, sắc mặt đột nhiên thay đổi: “Không xinh bằng Vy Tử, nhìn là biết hẹp hòi. A Ninh thích gì ở nó chứ? Lại còn dẫn tới đây? Ta phải nói thế nào được nhỉ? Hại Vy Tử đau lòng như thế, sau này cậu đừng đặt chân vào cửa nhà ta nữa”.
Tôi sợ ngây cả người, đã từng gặp người mất lịch sự nhưng chưa thấy ai mất lịch sự như thế này! Tay tôi buông thõng, hộp trà rơi thẳng xuống đất.
Tưởng thế là xong, ông ấy còn lườm tôi với ánh mắt khinh bỉ, nói: “Định mang bánh trà tới để nịnh nọt ta chắc?”.
Tôi thực sự chỉ muốn cầm hộp trà đập cho ông ấy một phát.
“Vy Tử là con gái lão gia, còn con không phải con trai người sao?”. Hạ Trường Ninh không hề tức giận mà còn điềm tĩnh nói.
Lão gia “hừ” một tiếng rồi tiếp lời: “Là con trai ta thì phải đối tốt với nó. Vy Tử thích cậu bao năm nay rồi sao cậu nhẫn tâm làm nó đau lòng chứ? Nếu như ta gật đầu đồng ý thì biết ăn nói với nó thế nào?”.
Tôi trừng mắt nhìn ông ấy mấy giây rồi kéo tay Hạ Trường Ninh: “Hoặc là chúng ta đi, hoặc là anh bán thân cho Ngũ Nguyệt Vy”. Cái gì mà giúp Hạ Trường Ninh qua cửa, cái gì mà không sợ, cái gì mà phải nhịn, phải lễ phép, những ý nghĩ đó tôi lần lượt cho đi hết. Ông ấy đúng là không có giáo dục!
Hạ Trường Ninh đứng yên, còn kéo tôi nhìn thẳng vào lão gia.
Tôi trợn mắt đứng bên, đợi tới khi ông ấy trợn đến chảy nước mắt ra thì tôi đi. Long sinh long, phượng sinh phượng, có con gái như Ngũ Nguyệt Vy thế kia thì có người bố như thế này! Tôi thực sự tức chết mất!
Ông ta nói tôi còn chưa đủ sao mà còn coi thường mấy bánh trà nhà tôi. Bố tôi còn tiếc không nỡ uống nữa!
“Nói đi, cô cần bao nhiêu tiền?”.
Tôi bị sặc nước bọt tới mức ho mấy tiếng, ho xong nhìn Hạ Trường Ninh và nói: “Anh trả lời bác ấy”.
Hạ Trường Ninh tươi cười hớn hở: “Phúc Sinh muốn tiền mặt, cô ấy nói tiền mặt mới chân thực. Có điều, phải con số này”. Hạ Trường Ninh giơ một bàn tay ra.
Lão gia nhìn anh ấy một hồi lâu, ho nhẹ một cái, có một anh lính cần vụ bước vào: “Đi, vào lấy món đồ ở đầu giường ta ra đây”.
Một lát sau anh lính đặt gói đồ lên tràng kỷ. Lão gia nói với tôi: “Năm mươi nghìn tệ tiền mặt, ta đã chuẩn bị sẵn rồi, cô cầm đi”.
Năm mươi nghìn tệ không làm tôi tức được, nhưng chắc chắn khiến Hạ Trường Ninh tức chết, tôi đoán anh ấy nói con số là năm triệu tệ! Tôi cười rồi cầm tiền và nói: “Cảm ơn quà gặp mặt của bác. A Ninh, chúng ta đi thôi, không làm phiền thủ trưởng nghỉ ngơi nữa”.
Tôi cố ý gọi thân thiết như thế đấy, muốn chọc tức tôi à, còn chưa biết ai chọc tức ai đâu. Hạ Trường Ninh bị năm mươi nghìn tệ bán thân chặn họng khiến gương mặt lúc đỏ lúc tái, anh giật lấy cái gói trong tay rồi đặt về chỗ cũ, thở dài một câu: “Còn chuẩn bị cho con thật nữa chứ”.
Tôi nghĩ chắc là lễ hơi ít rồi! Hạ Trường Ninh chỉ đáng giá năm mươi nghìn tệ thôi sao? Bàn tay anh xòe ra không phải năm triệu tệ thì cũng năm mươi nghìn tệ chứ! “Cô ấy cầm rồi, cậu còn lo lắng cái gì nữa? Cầm đi”.
Hạ Trường Ninh nhìn gói tiền rồi đưa tay kéo tôi xuống: “Phúc Sinh, quỳ xuống”. Cái gì? Tôi tròn mắt, há hốc miệng, đứng sững đó chứ không quỳ: “Em không làm những việc khom lưng uốn gối như thế! Em cũng không muốn thấy anh làm thế!”. Lúc nói những lời này mắt tôi đã đỏ hoe.
“Phúc Sinh, em không thể vì anh mà quỳ xuống cầu xin lão gia được sao?”. Hạ Trường Ninh lặng lẽ nhìn tôi nói.
Cái lão già đáng ghét còn đứng bên đổ thêm dầu vào lửa: “Cô ta có đối xử tốt với con như Vy Tử không? Vy Tử vì con ngay cả mạng sống cũng không tiếc. A Ninh, con thực sự mù mắt rồi”.
Tôi thực sự hận bọn họ! Tôi tức giận nghĩ, tôi thực sự không cùng tầng lớp với họ! Những suy nghĩ trước đây lại nhảy ra: Không phải môn đăng hộ đối thì không được! Lôi cả kiểu cách bố mẹ thời xưa ra rồi.
Hạ Trường Ninh vẫn kéo tay tôi, tôi không đấu lại được anh nên há miệng cắn cổ tay anh. Anh ấy buông tay một cái tôi liền gào lên: “Anh đừng lại đây! Anh không giải quyết được ông ấy thì đừng đến tìm em”.
Tôi quay người bước đi, lão gia liền hét một câu đầy uy lực: “Đứng lại!”.
Tôi đứng sững lại, rồi quay lại cầm hộp trà lên: “Bố cháu cất giữ hộp trà này mấy chục năm rồi, cháu còn không nỡ tặng bác nữa. Hạ Trường Ninh, bố mẹ em đã dạy em một câu thế này: “Làm người không có khí khái cũng không quan trọng, nhưng nhất định phải kiêu ngạo”. Nếu như anh quỳ xuống cầu xin bác ấy thì đừng ở bên em nữa! Cảm ơn báo hiếu cũng không được mù quáng”.
Tôi cầm túi bước ra ngoài, Hạ Trường Ninh lại kéo tay tôi lại, thở dài bất lực nói: “Con nói này lão gia, người nhất định phải giày vò con thế này sao? Con phải tốn sức bằng chín trâu hai hổ mới lừa cô ấy tới được, người đừng đùa nữa đi! Phúc Sinh nói rồi, không giải quyết được người là con không được tới tìm cô ấy nữa, đến lúc đó lẽ nào người phải đích thân ra tay sao?”.
Tôi bị những lời của anh ấy làm cho sững sờ. Chết tiệt, lại diễn kịch! Vy Tử đúng thật là được bố cô ấy chân truyền!
Lão gia cười đáp: “Sau này mà nhắc tới chuyện này thì ta cũng mắng con một trận, chắc Vy Tử không trách ta đâu”.
Tôi thực sự dở khóc dở cười, cảm thấy tấm lòng bố mẹ trong thiên hạ thật đáng thương, ông ấy tự coi Hạ Trường Ninh như con cái rồi chăm sóc, lớn lên muốn nhận làm con rể nhưng lại không được, chuyện này cũng không trách được ông ấy nổi giận. Nỗi tức giận trong lòng đã vơi đi một nửa, tôi quay lại nghiêm túc nói với lão gia: “Xin lỗi ạ, cháu không biết hai người đang hát đối”.
Hạ Trường Ninh nắm tay che miệng khẽ ho khan vài tiếng rồi nhìn tôi: “Cái gì mà hát đối chứ…”.
Tôi oan ức kêu: “Lần trước Ngũ Nguyệt Vy và anh cũng hát một bài rồi”.
“Khà khà, bác có làm cháu sợ không! Phúc Sinh, cái tên này ta thích, rất may mắn. Tính tình dễ chịu, ngoan ngoãn, hiền lành. Không giận bác chứ?”.
Trời ạ, biểu hiện ban nãy của tôi là ngoan ngoãn, hiền dịu sao? Tôi thực sự muốn biết Ngũ Nguyệt Vy ở nhà như thế nào.
Ông ấy lấy lại vẻ mặt hiền từ nói: “Phúc Sinh, đến đây, pha cho bác một cốc trà, để ta thưởng thức xem trà Phổ Nhĩ bố cháu cất giữ mấy chục năm có hương vị như thế nào”. Tôi mở hộp trà, ông ấy cầm bánh trà lên rồi hít hà hương thơm của nó, sắc mặt vô cùng vui vẻ: “A Ninh nói cho cháu biết à? Ta thích uống trà, đặc biệt là uống những loại trà nổi tiếng”.
Tôi cười khà khà và đáp: “Không, bố cháu thích uống trà. Đến chúc Tết cháu cũng không biết nên tặng gì nên chọn tặng trà. Bác thích là được rồi”.
Hạ Trường Ninh mỉm cười và hỏi tôi: “Có cầm tiền nữa không?”.
Giờ tôi mới nhớ lại chuyện Hạ Trường Ninh bắt tôi quỳ xuống. Khoản tiền này còn có ý đồ khác sao? Đột nhiên tôi đoán không chừng khoản tiền này chính là khoản tiền mừng đám cưới mà lão gia mừng cho Hạ Trường Ninh. Nhưng tôi đã đồng ý lấy anh ấy đâu chứ! Tôi cúi đầu cầm cái kẹp gắp lá trà, kiên quyết nói: “Không cầm, thanh niên sung sức có chân có tay, không tiêu tiền của người lớn”.
“Nha đầu này, con trai ta kết hôn ta tặng nhiều thế này để làm quà chúc mừng. Mau nhận lấy!”.
Tôi sững sờ, Hạ Trường Ninh xòe tay ra như thế có nghĩa là muốn ông ấy đồng ý.
Hạ Trường Ninh lấy cái kẹp trên tay tôi rồi nghiêm túc quỳ xuống. Lúc kéo tôi anh ấy có quay sang nhìn. Tôi do dự một lúc rồi trái tim cũng mềm nhũn, cũng quỳ theo anh dập đầu ba cái. Trong lòng còn nghĩ thầm, như thế này là xong rồi sao? Anh ấy còn chưa cầu hôn tôi nữa! Không tính, đây chỉ là kế ứng phó tạm thời, không chấp!
Hạ Trường Ninh nói: “Trước đây người từng nói, có vợ thì chỉ cần khấu đầu ba cái trước người là xong. Đám cưới người không tới”.
Lão gia cười khà khà và nhận lễ, đưa tay kéo tôi ngồi xuống ghế sofa: “Ta nhìn chuẩn rồi, chỉ cần nghe cháu gọi A Ninh là biết cháu có thể quản được nó. Cái thằng này nếu phụ nữ không quản chặt là không được”.
“Vợ bác cũng quản bác ạ?”
“Ai nói thế, cái nhà này ta nói là phải nghe”.
Tôi che miệng cười, xem ra đàn ông đều giống nhau, ngoài miệng sống chết không thừa nhận mình bị vợ quản. Tôi liếc nhìn Hạ Trường Ninh, anh đang cười nhìn tôi, điệu bộ mười phần chắc tới chín phần.
Lúc ra về Hạ Trường Ninh thì thầm bên tai tôi: “Khai xuân xong lấy anh nhé?”.
Trong lòng tôi có cảm giác không quyết được, bởi vì quá nhanh, hơn nữa thời gian tôi và Hạ Trường Ninh bên nhau quá ngắn ngủi. Tôi còn chưa nghĩ tới chuyện kết hôn, chấp nhận anh ấy và lấy anh ấy là một quá trình lâu dài cần phải trải qua.
Tôi trừng mắt nhìn anh: “Không lấy”.
Anh thong thả đáp: “Biết vì sao anh biết rõ lão gia sẽ đóng kịch nhưng không nói trước cho em biết không? Lúc tới anh đã cho em cơ hội cuối cùng rồi, để em rút lại lời nói sẽ cầm tiền bán anh, nhưng em đâu có đồng ý”. Cái tên này vừa nói còn vừa liếc nhìn tôi, tới mức tôi chỉ muốn đập cho anh ấy mấy phát.
Tôi không tin lại quỷ quái tới vậy, nhất quyết không thuận ctheo anh ấy. Tôi hừ một tiếng rồi không nói gì cả.