Trương Dẫn Tố về ải Trường Xà Cốc. Địch sắp tấn công, nơi đây hoang tàn xơ xác.
Khi đến phủ Lý Hàn, y thấy Xuân Y quỳ trước cửa. Xuân Y đang quỳ nhận tội vì chuyện tự ý lừa binh xuất quan lúc trước.
Chức giám quân chắc chắn chẳng còn, thậm chí tội này đáng chết, cả vị trí quốc sư cũng sẽ mất theo.
Sau khi về, Xuân Y lập tức nhận tội. Quỳ xin tha cũng được, dập đầu cũng được, bảo hắn làm gì hắn cũng chịu, chỉ cần giữ được vị trí này. Hắn đã quỳ ngoài phủ Lý Hàn nhiều ngày, người kia không chịu gặp.
Trương Dẫn Tố đi qua, hai người nhìn nhau.
Xuân Y: A Phiếm chết rồi.
Mắt Trương Dẫn Tố chuyển động, tay đã đưa ra muốn kéo hắn dậy. Đột nhiên, y thu tay về, ngẩn ngơ nhìn Xuân Y, vành mắt đỏ lên.
Y đi qua Xuân Y, xốc thứ đang cõng trên lưng lên. Người kia tưởng y đang vác bao tải gì đó, nhìn kĩ mới thấy là cơ thể Liễu Chí đã tơi tả.
Đi mấy bước, y dừng lại, quay đầu nhìn Xuân Y.
Trương Dẫn Tố: Chuyện là thế nào?
Dù là điều bậc cha chủ nghiêm khắc dạy bảo hay đạo làm quân thử trong sách thánh hiền cũng thế, chẳng ai dạy y nên hỏi về cái chết của một người hầu vào lúc này. Nhưng y vẫn hỏi, bởi y cảm thấy nếu lúc này không hỏi thì chẳng còn cơ hội nào nữa.
Xuân Y: Đào thị đuổi giết.
Trương Dẫn Tố: …Tìm về chưa?
Nỗi buồn quân tử nên như sóng gợn, mặt nước phẳng lặng mà dội tiếng vang vọng. Nhưng y đã hỏi câu thứ hai, hỏi một điều không có thể diện, nếu là trước kia chắc chắn phụ thân sẽ trách mắng y… nhưng y không quan tâm nữa.
Thể diện, lễ nghĩa, địa vị, tôn nghiêm… đều là giả, giả những từ con người nghĩ ra để khiến họ yêu cuộc sống hiện tại hơn.
Người lành ít dữ nhiều trong cát vàng, bị người thân coi khinh và phản bội… cuối cùng sẽ thấy rằng những thứ này đều không quan trọng.
Y vẫn đưa tay về phía Xuân Y, đỡ sư huynh dậy.
…
Dương Kích và Liễu Ô cùng phản bội. Tin này nằm ngoài dự đoán, nhưng không khiến Lý Hàn thấy khó nhằn.
Cô phản bội thì sao? Từng may mắn chiến thắng vài trận, nhưng Liễu Ô chưa từng lên chiến trường, nếu hắn ta đánh hết sức, Đào thị vẫn không có cửa thắng.
Lý Hàn nghĩ đường hầm là chuyện vô căn cứ, Liễu Ô chỉ đưa tin giả để đánh lạc hướng họ. Chất đất quanh cửa ải mềm xốp, nhiều cát, Đào thị lại không thạo việc xây dựng, sao có thể đào đường hầm qua ải?
Nhưng nếu có người truyền dạy bản đồ xây dựng cho Đào thị thì sao? Trương Dẫn Tố từng ở Liễu phủ, chỉ thấy Liễu Ô đọc vài cuốn sách thi thư. Nhưng đọc những áng thơ lưu truyền bên ngoài thời thiếu nữ của cô, e rằng chỉ đọc sách thánh hiền không viết ra được.
Có âm dương số học, có bàng môn tả đạo, có thơ văn đủ loại. Mà khi y đến Liễu phủ, chỉ thấy cô đọc những sách văn chương vô dụng… Có lẽ Liễu Ô giấu mình sâu hơn, cô ẩn mình trong khuê các, dù đọc gì, người khác cũng chỉ nghĩ cô đọc qua biết cạn, không nghĩ cô có thể tinh thông.
Trương Dẫn Tố nhận ra điểm chung của đám biên tướng như Lý Hàn – họ không cho rằng có thể khai sáng Đào thị. Trong mắt họ, những kẻ mọi ngoài biên quan này chẳng biết gì ngoài tấn công và chăn dê. Dù có bại trận, họ cũng quy cho đó là lỗi của thời tiết, của binh lực, chứ không phải sách lược và chiến thuật.
Đây không phải sự tự tin mù quáng. Chữ viết của Đào thị từng thất truyền nhiều lần, không có chữ viết, không có sách vở, mà sách lược và chiến thuật phải được phân tích, diễn giải, tổng kết quả vô vàn trận đấu được ghi lại, cuối cùng đọng lại thành “binh pháp”.
Không có chữ viết, không có sách lược, đây là điều bất di bất dịch. Trừ phi có người truyền dạy cho họ, hoặc viết ra cho họ kế sách mới.
Trương Dẫn Tố không nói thêm nữa. Y cảm giác lúc này Lý Hàn đang bị vây cạnh bờ vực nguy hiểm… Hắn ta quyết không tin phía bên kia là kẻ địch mạnh không thể đánh bại, bởi chỉ cần tin vào điều này, mọi thứ các tướng lĩnh tin tưởng đều sẽ sụp đổ.
Nếu họ chấp nhận đối thủ là kẻ mạnh, sự rối loạn khủng khiếp sẽ kéo đến… sẽ có người nghi ngờ bố trí binh lực ở ải Trường Xà Cốc, có người nghi ngờ thân phận vương gia của Lý Hàn không có thực quyền, có người nghi ngờ ải Trường Xà Cốc có đủ hiểm yếu để làm cửa ải ngoài cùng hay không…
Sự nghi ngờ trí mạng hơn địch mạnh, cho nên họ không thể nghi ngờ, phải vững tin.
Không phải Lý Hàn chưa nghĩ đến những trường hợp này, chính vì nghĩ đến rồi hắn mới nhận ra mình không thể nghi ngờ. Chỉ cần nghi ngờ họ sẽ bại hoàn toàn.
Trương Dẫn Tố buộc phải hỏi vấn đề quan trọng nhất: Nếu thất thủ thì sao?
Lý Hàn: Trường Xà sẽ không thất thủ, ta sẽ tử thủ.
Trương Dẫn Tố: …Tử thủ không được thì sao?
Lý Hàn: Tấn Vương ta chinh chiến sa trường, chẳng gì không thủ được.
Trương Dẫn Tố giật mình sững lại. Lý Hàn cầm miếng vải trắng lau đao, vải trượt trên lưỡi đao, khi tách ra, miếng vải còn bị lưỡi đao hút lại.
Giống như người này nói, thủ được. Dù có thiên binh vạn mã kéo đến, một mình hắn sẽ cầm đao thủ thành.
Nhưng sau đó Lý Hàn bật cười. Người này gần như chẳng cười bao giờ, trái ngược hẳn với Lý Miên, nhưng khi cười lên lại vô cùng gần gũi.
Lý Hàn: …Khoác lác thôi.
Trương Dẫn Tố: …
Lý Hàn: Các ngươi đi đi. Có thể dẫn theo bao nhiêu dân chúng quanh đây thì dẫn.
Lý Hàn: Ta hiểu huynh trưởng của ta. Hắn sẽ không để lại thành trì này cho địch. Đến khi lệnh tiêu thổ xuống tới nơi sẽ chẳng ai đi được nữa.
Nửa tháng trước, hắn đã cho người đi xung quanh khuyên dân chúng rời thành. Lý Hàn dự cảm đây sẽ là một trận ác liệt… một trận chiến nghiền nát tất cả mọi người như thịt băm.
Nhưng họ không đi. Có lẽ vì quân đội của Lý Hàn thể hiện chắc chắn quá, khiến họ cho rằng có Tấn Vương, ắt thủ được Trường Xà Cốc.
Nhưng nếu Đào thị có kế sách và chiến thuật công thành thì binh lực hiện giờ của Trường Xà Cốc không thể đánh lại. Dù hắn là đệ đệ ruột của Lý Miên, Lý Miên cũng sẽ không cho phép một biên tướng nắm quá nhiều quân tinh nhuệ.
Thật ra Lý Hàn có thể lui, hắn có thể lấy cớ tướng ở ngoài không nghe lệnh vua, bỏ ải cốc về thủ ải núi, thậm chí là tự quyết định tiêu thổ. Hắn ta là biên tướng, không có binh vẫn có quyền ứng biến.
Nhưng nghĩ lại, nếu làm vậy thì hắn ta chẳng nuốt trôi cục tức này.
Mọi thứ của Lý Hàn đều là Lý Miên ban cho.
Chiến công đầu tiên, vinh quang chồng chất, uy nghiêm hô hào vạn quân… tất cả chỉ như món đồ chơi cho đệ đệ vui lòng, Lý Miên chiều theo tất cả.
Đến nỗi Lý Miên nói hắn thắng, hắn có thể thắng, nói hắn thua, hắn chỉ có nước thua.
Nhưng một người có thể phán đoán được tất cả sao? Lý Hàn nghi ngờ. Người chinh chiến bên ngoài là mình, sao Lý Miên có thể nắm chắc phần thắng ở xa? Cách biệt giữa người với người khác biết đến vậy?
Kinh nghiệm chinh chiến sa trường bao năm không bằng lý luận trên giấy của người kia?
Không rõ vì sao khi những người xung quanh nói “có Tấn Vương, biên ải không thất thủ”, Lý Hàn bỗng không cam lòng… Người họ tin tưởng là Tấn Vương, không phải Lý Miên.
Tấn Vương họ tin tưởng, có thể thủ vững quan ải họ tin tưởng. Lý Hàn muốn thử. Dù kết cục chỉ là thất bại hắn vẫn muốn thử.
Trương Dẫn Tố đã đi, có lẽ sẽ thâu đêm rời khỏi nơi tanh máu này cùng Xuân Y. Lý Hàn tra đao vào vỏ, ra khỏi phủ. Tướng lĩnh quân Tấn đã đợi sẵn bên ngoài, võ trang đầy đủ.
Lý Hàn: Không lui, tử thủ.