Những ngày sau đó, trong khi giáo sư Minh đang dưỡng bệnh ở nhà, tôi, An và Lủ thường xuyên lên phố làm công tác chuẩn bị cho chuyến đi. A Lủ lâu ngày mới được ra lại thành phố, nó háo hức lắm. Thường xuyên kể lại cho An nghe những chuyện trước đây của nó ở chỗ này chỗ nọ. Tất nhiên nó cũng tránh không nhắc đến việc nó hút thuốc phiên ở đâu. Tôi không biết cần chuẩn bị những thứ gì, cứ để phó mặc cho An, chỉ đi theo để trông chừng thằng Lủ, kẻo nó lại ngựa quen đường cũ mà tìm mấy động hút thì chắc về thầy giết tôi, mãi đến khi An hỏi chúng tôi có cần gì cho chuyến đi không, hai thằng không hẹn cùng nói:
- Vài cây thuốc Ba tốt lát (Batos) là đc.
- Sao các anh không hút Mélia cho sang trọng nhỉ? - An thắc mắc.
- Cô em không biết rồi, anh em tôi dân đen, quen hút thuốc này không bỏ được. Cô em chưa nghe câu: "Hỡi ai đi sớm về trưa,Kiu Bát Tốt Lát đón đưa chào mời, Hương thơm khói đậm tuyệt vời, Hút cho một điếu cho đời thêm tươi" sao? Hô hô. - A Lủ cười nói. Thời bấy giờ, thuốc lá ngoại cũng khá nhiều, ngoài Melia còn có Cotab, Pall Mall, Salem, Lucky Strike, Philip Morris, Camel, Winston, Marlboro...nhưng Batos vẫn hợp với giới lao động bình dân hơn cả. Chiều theo ý bọn tôi, An không hỏi thêm nữa, cô ấy nhờ chúng tôi dẫn đi mua một ít bao muối trắng, rượu mạnh, gạo nếp và đèn cầy. Mấy món rượu, gạo, nến thì tôi đã rõ, chắc là chuẩn bị cho trường hợp không may như vừa xảy ra với giáo sư Minh, nhưng nếu không có hòn đá hút nọc rắn của thầy thì cũng vô dụng. Chuyến này thằng Lủ đi cùng, chắc thầy cũng không tiếc gì mà giao nó cho bọn tôi, còn muối trắng thì An giải thích là thầy tôi đặc biệt dặn, đem muối lên khu vực rừng núi biên giới có thể nói là có giá trị hơn vàng, dùng nó để đổi các mặt hàng cần thiết với bà con trong các bản, hoặc tặng cho họ để lấy được các nguồn thông tin hay sự hỗ trợ của đồng bào nơi đây, cuối cùng vẫn là thầy tôi hiểu biết nhiều và chu đáo.
Khoảng một tuần sau, chúng tôi từ biệt thầy, khởi hành chuyến đi Nam-Bắc, thầy không dặn dò gì nhiều, chỉ đưa cho chúng tôi cặp Hán Đao mà thầy luôn cất kỹ, thầy hy vọng A Lủ có thể tìm được lại mộ mẹ nó mà thắp nén nhang an ủi người đã khuất. Giáo sư Minh quyết định thay vì di chuyển bằng máy bay quân sự của Pháp thì tự lái xe ô tô mà đi, vì chuyến đi lần này có nhiều thông tin không nắm chắc, và cũng không tiện để lộ ra bên ngoài, cho nên ông và An sẽ thay nhau lái chiếc Mercedes đưa chúng tôi tới Hà Nội rồi theo tuyến đường sắt lên Đồng Đăng, thuộc tỉnh Lạng Sơn. Xe lửa thì tôi và Lủ đã có đi rồi, đó là tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho được hoàn thành vào năm , hồi ấy chúng tôi mới mười bảy, mười tám, ham chơi bỏ nhà đi bụi, cũng có nhiều kỷ niệm vui vẻ đáng nhớ lắm. Lại nói, lúc bấy giờ cả Đông Dương tràn ngập người ngựa-ngựa người, xe kéo, xe đạp thì ô tô cũng chỉ có khoảng một ngàn chiếc, được ngồi ô tô đi thật là thích thú, sang trọng vô cùng. Ai ngờ đâu thằng Lủ nó không chịu được xe, nên những ngày đầu cứ chóng mặt nôn mửa mãi. Những hôm sau đó thì nó dựa ghế mà ngủ li bì, trừ lúc ăn uống nghỉ ngơi thì mới chịu tỉnh lại. Suốt gần hai tuần trời di chuyển, tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về An và giáo sư Minh. Giáo sư được du học bên Pháp, chuyên ngành văn hóa, khảo cổ. Ông lấy vợ tây, mới sinh ra An, đến năm An mười tám tuổi thì ông về nước để nghiên cứu nên cho An về theo. Tính tình An cũng tương đối cứng cỏi, được tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ sớm, nên cũng không lạ gì nhựng việc lái ô tô, bắn súng hay cưỡi ngựa. Còn chúng tôi thì chịu, nên tôi rất tò mò không biết súng Tây Dương lợi hại thế nào, tôi với thằng Lủ quan niệm chỉ có cương đao mới có thể tin tưởng được thôi, nó chẳng bao giờ bỏ mình cả, trừ khi mình bỏ nó. Không biết bao lần tôi cùng thằng Lủ chém lộn ngoài phố với những anh chị máu mặt thời bấy giờ ở các khu Chợ Lớn, Lăng Ông - Bà Chiểu, Xóm Thuốc (Gò Vấp), bến phà Thủ Thiêm, cầu Sắt (Đa Kao) và bến xe Lục tỉnh. Nét đặc biệt của giang hồ đầu thế kỷ so với du đãng bây giờ chính là bản lĩnh. Tay anh chị nào cũng võ nghệ đầy mình, không giỏi quyền cước thì đừng hòng trụ vững ở cái thế giới “lắm người, nhiều ma” này. Tôi bị cuốn vào đa phần là vì thằng Lủ gây chuyện, cũng có lúc đúng lúc sai, nhưng là anh em thì không thể nào bỏ nhau được, mà những chuyện này tôi không muốn nhắc đến, ít nhất trong lúc này.
Đến Hà Nội, thủ đô của toàn Đông Dương bấy giờ, chúng tôi cũng không nghỉ lại lâu mà tiếp tục theo đường xe lửa về Lạng Sơn, cho nên ấn tượng về Hà Nội không nhiều lắm, cảm thấy hơi tiêu điều hơn so với Sài Gòn được mệnh danh hòn ngọc Viễn Đông thời đó. Mất thêm một ngày lên tới Lạng Sơn, chúng tôi dùng muối trắng, thuê người bản địa cung cấp ngựa và dẫn đường qua Biên Giới. Để tránh kinh động lãnh chúa Mèo, vì Miêu vương Đèo Văn Long này hiện tại cũng có làm ăn với chính phủ Pháp trong việc buôn bán thuốc phiện, nên người được thuê lần này chỉ là một thanh niên thợ săn trạc tuổi tôi trong bản nhỏ tên là Đèo A Lang, với lý do là dẫn đường tham quan rừng núi vùng biên. Giáo sư Minh có quan hệ với người Pháp, các loại giấy thông hành được cấp đầy đủ nên chuyện đoàn người qua biên giới cũng không gặp bất cứ trở ngại nào. Tôi và A Lủ mất khá nhiều thời gian để học và làm quen với việc cưỡi ngựa, nếu không thì chỉ có cách đi bộ đến nơi mà thôi, nói vậy chứ cũng không khó lắm, vì bọn tôi thanh niên nhanh nhẹn nên cũng không cảm thấy khó khăn, đặc biệt A Lủ cho rằng, cưỡi ngựa vẫn thích hơn đi ô tô nhiều, tôi chỉ e con ngựa nó cưỡi không nghĩ như thế, cũng may thời gian cai nghiện làm nó bớt mập một chút rồi. A Lang biết nói tiếng Việt, và còn có thể lắp bắp vài câu tiếng Pháp. Anh ấy giải thích do trước đây cũng từng tham gia các cuộc vận chuyển "hàng" cho người Pháp và vua Mèo, nên học được lõm bõm, về sau cảm nhận đây là công việc nguy hiểm và có hại cho dân bản, nên anh quyết định không làm nữa mà quay lại nghề thợ săn sống qua ngày.
Đi theo đường lớn hai ngày, đến khu vực rừng núi Thập Vạn Đại Sơn giáp với Quảng Tây-Trung Quốc, An và giáo sư mô tả lại con đường dẫn đến điểm thám hiểm lần trước là hang động nơi tìm được xác vị tướng quân tọa hóa, sau đó để A Lang dẫn đường, chúng tôi có thuê thêm hai con ngựa để vận lương thực, đồ đạc nữa là đoàn người năm người bảy ngựa từng bước từng bước tiến vào Thập Vạn Đại Sơn linh thiêng và huyền bí. Do có thổ địa dẫn đường nên hành trình có vẻ suôn sẻ. Ban ngày rong ruổi trên lưng ngựa, chiều tối hạ trại để nghỉ ngơi, chúng tôi chia nhau công việc, giáo sư và An thì dựng lều trại và tìm củi khô, đây là các bộ lều bạt quân dụng của Pháp, nên việc dựng và thu dọn nhẹ nhàng. Tôi cùng A Lủ xung phong đi theo A Lang săn thú chung quanh khu vực trại để có lương thực mà không cần dùng đến số đồ hộp mang theo, chủ yếu thú săn được là thỏ, chim và một số loài rắn nhỏ. Đêm về ngồi bên đống lửa, ăn thịt thú rừng nướng thật thú vị. Ban đầu chúng tôi chỉ chấm với muối trắng, sau đó A Lang chỉ cho các pha trộn một số loại gia vị đặc thù của người đồng bào Tây Bắc như mắc khén, hạt dổi, vỏ quế, ớt rừng...ăn rồi mới thấy cảm giác ngon miệng thật tuyệt vời. Đặc biệt hơn, chúng tôi được nghe A Lang kể nhiều câu chuyện đi săn, về rừng thiêng nước độc ly kỳ, chuyện ngậm ngải tìm trầm, chuyện ma rừng quỷ núi...Trong đoàn, chỉ có thằng Lủ là yếu bóng vía, đừng nhìn nó to con thế mà lầm, các câu chuyện của A Lang làm nó ngồi sởn gai ốc, tin như tin Phật, nó ngồi hút thuốc liên tục cho bớt sợ hãi căng thẳng. Chỉ đến khi giáo sư giải thích một số chuyện theo nguyên lý khoa học, thì nó mới giảm bớt phần nào, ví dụ như thuyết ngậm ngải tìm trầm hóa thú, giáo sư cho rằng đó là vì tác dụng của cái gọi là ngải, ngâm lâu trong miệng có tác hại làm tê lưỡi hay bị câm hẳn và ảnh hưởng đến hệ thần kinh, rồi người đi rừng lâu ngày, đầu tóc râu ria cũng sẽ mọc dài ra, lúc ấy thì có khác gì con thú hoang đâu, thêm phần người đồng bào mê tín, đồn thổi thành ra những câu chuyện rất hoang đường. An cũng theo lập trường khoa học của ba mình, nên cũng không tin hẳn, còn tôi thì sao cũng đc, có chuyện nghe là vui rồi, là thật cũng được, là giả thì cũng không ảnh hưởng gì tới mình.
Đêm thứ ba, đã đến vùng Thập Vạn Đại Sơn hùng vĩ, cả đoàn dừng chân bên một bờ suối nhỏ, nước chảy róc rách rất êm tai, chúng tôi quyết định hạ trại ngay đó trên một đám đấy trống và khô thoáng. Sau khi ăn tối, mọi người đi nghỉ sớm để chuẩn bị cho ngày mai chính thức đặt chân sâu vào vùng núi rừng trùng điệp. Tôi cũng mệt chuẩn bị ngủ thì thằng Lủ nó nhăn nhó, rủ tôi đi ra ngoài giải quyết nỗi buồn. Chắc tại lúc nãy ăn cá không quen bụng, giờ thì hay rồi, tuy khó chịu nhưng tôi vẫn bò dậy ra khỏi lều đi theo nó, hai thằng đem theo một cây củi đang cháy làm đuốc, rọi đường đi ra cách trại khoảng vài chục mét, nó ngồi đó bắt đầu "công việc" tôi đành đứng gần hút thuốc chờ. Đang khi tận hưởng lạc thú hút thuốc giữa rừng đêm, hít thở không khí mát lạnh trong lành, thì thấy thối kinh khủng, tôi quay qua chửi nó:
- Mẹ mày ăn lắm vào, thối không ngửi được!
- Ơ, tao đã đi được đâu mà thối cái gì? Mũi mày thối à Thiên? - Nó thật thà trình bày. Nghe đến đây, tôi cảm giác có gì đó không đúng, vì mùi thối này cũng không giống mùi "sản phẩm" con người giải quyết ra...