Đêm thu thơm ngát, cung điện đỏ son.
Ngoài điện Long Ương, một tên thị vệ sắp bị xử tử đang quỳ gối, thảm uyên ương phủ kín mặt đất, vải đỏ rực rỡ chói lòa chăng lên khắp chốn, còn mười hôm nữa là đến ngày hoàng đế thành hôn.
Hoàng đế Đại Ngu Lý Hiệu ngồi trên ngai vàng, sắc mặt âm trầm.
Đại học sĩ cầm tấu chương trong tay, chân không ngừng bước, vội vã băng qua điện Khánh Hoà. Lúc vào trong điện, ông khẽ cúi người.
“Thần khấu kiến bệ hạ.”
Lý Hiệu trầm giọng: “Ban ngồi.”
Hai thái giám liền mang ghế vào, đại học sĩ phủi tay áo, cẩn thận ngồi xuống một cách chậm rãi, ông giương mắt dò xét sắc mặt hoàng đế, chỉ nhìn thoáng qua liền tự có tính toán.
Ông đã chứng kiến toàn bộ quá trình trưởng thành của Lý Hiệu, từ lúc gã đăng cơ năm mười sáu tuổi, đến nay đã qua sáu năm. Tính gã vui giận thất thường, khát máu hung bạo, không gần nữ sắc, cũng chẳng thích thứ gì, là vị hoàng đế khó hầu hạ nhất trong tất cả hoàng đế Đại Ngu.
Toàn thân kim long của Lý Hiệu đều là vảy ngược.
Hôm nay, đại học sĩ nhìn thấy một tên thị vệ quỳ gối ngoài điện, cổ hắn đeo tấm thẻ phán quyết lăng trì. Không biết kẻ này đã đụng phải chiếc vảy nào của Lý Hiệu, cầm chắc cái chết chẳng còn xa.
Đại học sĩ nhìn bộ trang phục không thể quen thuộc hơn được nữa trên người thị vệ – chính là trang phục của một ưng nô.
Trong cung vốn nuôi chim ưng để chuẩn bị cung cấp cho đám vương công đại thần vào mỗi dịp tổ chức hội săn bắn mùa thu. Tục lệ này được tổ tiên khai quốc đề ra đã hơn trăm năm. Vài năm trước, đám đại thần trên triều lấy lý do quốc khố cạn kiệt, cùng nhau dâng tấu muốn cắt bỏ ưng đội. Tuy hoàng đế không phê chuẩn, nhưng ưng đội từ sáu mươi người bị cắt giảm còn mười lăm người, những thị vệ bình thường chỉ được cấp hàm tòng tứ phẩm (), đội trưởng ưng đội thì được phong hàm tứ phẩm, gọi là “ưng nô”.
():
Thị vệ đang quỳ bên ngoài có khuôn mặt trắng ngần sạch sẽ, bề ngoài chưa đến hai mươi, viền mũ cắm năm chiếc lông đuôi chim nhiều màu. Người này chính là ưng nô đương nhiệm.
Đại học sĩ suy tư thật lâu, tay vuốt bộ râu bạc trắng: “Không biết bệ hạ triệu thần đến có chuyện gì?”
Lý Hiệu lạnh lùng nói: “Tiên sinh muốn cáo lão?”
Tấu xin cáo lão hồi hương của đại học sĩ đặt trên bàn rồng.
Đại học sĩ nở nụ cười thư thái, rồi từ từ thổn thức: “Lão thần già rồi, không đứng nổi nữa.”
Lý Hiệu không có vẻ gì là hài lòng: “Không đứng nổi thì ngồi cũng được.”
Đại học sĩ tự giễu lắc đầu: “Năm nay hoàng thượng thành hôn, lão thần uống xong chén rượu mừng là có thể yên tâm về quê rồi.”
Ngày thành hôn sắp đến, trong lòng Lý Hiệu có chút buồn bực mà không nói ra được, đang muốn nghe đại học sĩ nói vài lời giúp tiêu bớt sầu muộn liền chuyển đề tài, lãnh đạm hỏi: “Gần đây tiên sinh đang đọc sách gì?”
Đại học sĩ đáp: “Thưa bệ hạ, lão thần đang đọc Sử Ngu.”
Lý Hiệu: “Khi cô còn bé, tiên sinh đã kể cho cô nghe không ít chuyện xưa.”
Đại học sĩ như đăm chiêu gật đầu: “Mỗi một lần đọc lại, ít nhiều đều hiểu thêm được vài thứ.”
Lý Hiệu: “Tiên sinh ngộ ra thêm điều gì?”
Đại học sĩ hỏi ngược lại: “Bệ hạ có còn nhớ chuyện vào thời Thống Lịch hơn trăm năm trước, về vị đế quân thứ hai của Đại Ngu chúng ta – Hoàng Thành Tổ Trường Lạc Đế?”
Lý Hiệu: “Cô nhớ, trong điện Minh Hoàng hiện giờ vẫn còn treo bức hoạ chân dung của Trường Lạc Đế. Năm đó Hung Nô xâm lược, hoàng hậu cấu kết với giặc tạo phản. Năm Thống Lịch thứ mười sáu, triều đình bị lật đổ, chiến tranh nổ ra khắp nơi. Chỉ trong một đêm, gian tặc mưu triều soán vị, đất nước lâm nguy. Thành Tổ chạy trốn khỏi kinh thành cả đêm, ẩn mình chờ thời. Sau đó, người giành lại chính quyền, dẫn quân càn quét biên thuỳ, uy danh Đại Ngu chấn động thiên hạ.”
“Thành Tổ tài tình lật ngược tình thế, là người mà đời này cô kính trọng nhất.”
Đại học sĩ nhìn qua thị vệ ngoài điện, ôn hòa cười nói: “Hoàng thượng đều biết cả rồi, lão thần không còn truyện gì có thể kể cho người nữa.”
Lý Hiệu nói: “Không, tiên sinh vẫn còn rất nhiều truyện hay chưa kể, huống hồ cô biết rất ít về Thành Tổ, chỉ biết người anh hùng khí khái, lại không nắm rõ chi tiết cụ thể, vì vậy ngược lại, cô rất hứng thú nghe tiên sinh giảng giải.”
Đại học sĩ hớn hở nói: “Vậy để lão thần kể một chút cho người nghe nhé?”
Thái giám dâng trà lên, đại học sĩ gạt lá trà, nhấp một ngụm rồi cất tiếng chậm rãi: “Khi Thành Tổ còn sống, bên cạnh ngài chỉ có hai người.”
Những năm Thống Lịch.
Thái tử Đại Ngu Lý Khánh Thành chỉ có duy nhất hai người ở bên cạnh, một người là thị vệ, người còn lại cũng là thị vệ.
Vậy tại sao người bên cạnh thái tử lại không phải thái giám?
Hoàng thượng cho rằng để nhiều thái giám xung quanh sẽ ảnh hưởng không tốt. Tâm tư hoạn quan âm độc, dễ xui khiến Thái tử học tập điều xấu. Nước Ngu vốn dùng võ lập quốc, không bằng để thái tử ở cạnh những người nam tính mạnh mẽ, cũng có thể giúp vị con trai trưởng này học được một ít chính khí của quân sỹ, vì thế liền phái thị vệ bên cạnh bảo hộ Lý Khánh Thành.
Hoàng hậu cũng đồng tình với ý tưởng này, vậy nên cũng phái thị vệ bên cạnh bảo hộ Lý Khánh Thành. Thế là thái tử liền có tận hai chàng thị vệ bên cạnh.
Hoàng hậu nương nương phái tới thị vệ Giáp: chiều cao tám thước bảy tấc, ngoại hình ngọc thụ lâm phong, dáng vẻ trang nghiêm khí thế, người mặc bộ võ bào gấm đỏ thêu hình phi ưng, đầu đội thiên vũ thuỳ anh quan (), chân đi ủng đen, eo đeo danh kiếm nước Ngu tên là “Vân Thư”.
(): là một loại mũ mà mình không tra được chắc chắn là loại mũ thế nào
Kiếm ra khỏi vỏ như rồng ngâm, chém vạn dặm sông nước, xẻ ngàn tầng mây cao.
Thị vệ Giáp tên là “Phương Thanh Dư”, mặt đẹp tựa Quan Ngọc, sống mũi cao thẳng, mày rậm mắt to, lúc cười lên anh tuấn tiêu sái, mỗi một hành động đều toát ra thần thái võ lâm thế gia. Bước chân như mang theo tiếng gió mùa xuân, y đi như rồng bay hạc bước – hạc thì kiêu căng, hạc lại khiêm nhường, có thể trông thấy tư chất tài hoa anh hùng.
Nghe nói người này chính là cao thủ võ công số một Đại Ngu, cũng là người nhà của hoàng hậu, trong cung chỉ có hoàng thượng, hoàng hậu được gọi thẳng tên y là “Thanh Dư”, ngay cả thái tử cũng phải gọi y một tiếng “Thanh ca”.
Những người còn lại đều cung kính, gọi y là “Phương đại nhân”.
Ngự tiền thị vệ này tuy chỉ ở hàng tứ phẩm, nhưng y lại là người bên cạnh hoàng đế tương lai, vì thế không ai dám đắc tội.
Hoàng thượng thì phái tới thị vệ Ất: chiều cao chín thước, nước da tối màu, mũi như mỏ ưng, mày sắc như đao, môi như kiếm gãy. Gã mặc một bộ võ bào màu đen, vạt áo giặt nhiều đến bạt màu, từ khi tiến cung chưa bao giờ thay đổi. Người này tay chân thon dài, có vẻ còn cao hơn nửa cái đầu so với thị vệ Giáp, thân hình trời sinh chuẩn như giá treo y phục, thế nhưng không hiểu sao gã chẳng bao giờ nói cười thoải mái, lúc nào cũng trưng diện vẻ mặt âm hiểm.
Hai bàn tay của thị vệ Ất, đốt ngón tay rõ ràng, móng tay cắt đủ ngắn, mu bàn tay nhiều gân xanh xoắn xuýt, có lúc tưởng như gã có thể bóp gãy xương cổ người ta. Trong bóng tối, gã như con cú vọ không phát ra động tĩnh, cung nữ hay thái giám ban đêm đi chậm là có thể cảm nhận được ánh mắt của gã từ một góc bí mật gần đó đang theo dõi mình, doạ cho họ sợ hãi chết khiếp, hồn phi phách tán.
Càng khiến cho người ta e sợ hơn nữa chính là việc gã đeo chiếc mặt nạ bạc che khuất nửa khuôn mặt bên trái. Trong cung có vài truyền thuyết từ lâu liên quan tới tấm mặt nạ này, có truyện cho rằng gã bị kẻ thù chém một đao trên mặt, cũng có truyện nói lúc ấu thơ gã bị bỏng nên hỏng mất nửa gương mặt. Tóm lại, chiếc mặt nạ bạc che khuất nửa khuôn mặt phối hợp với thần thái u ám lạnh lẽo của gã khiến cho người ta chỉ mong tránh xa, không ai dám trêu chọc.
Dần dần, người trong cung cứ nhìn thấy gã là đi đường vòng, mọi việc trong cung đều không ảnh hưởng gì đến đến thị vệ Ất.
Thị vệ Ất cũng có tên riêng là “Trương Mộ Thành”, sau do tên trùng chữ “Thành” với thái tử nên đổi thành “Trương Mộ”. Mặc dù trong cung đã quy định rõ ràng, nhưng trừ khi gặp gã ngay trước mặt, không thì chẳng ai gọi gã là “Trương đại nhân” cả, sau lưng người người đều gọi gã là “cái gã đó”.
Thái tử cũng không gọi gã là “Mộ ca”, “Trương ca” gì hết, chỉ tuỳ tiện gọi lung tung, đôi khi gọi gã là “này”, cũng có lúc gọi gã là “người câm”, phần lớn thời gian thì không chủ động gọi gã.
Hoàng hậu càng không muốn gặp gã, chỉ có hoàng thượng thỉnh thoảng phái người tuyên gọi gã đến, thông thường lúc hoàng thượng gặp Trương Mộ cũng chính là lúc thái tử phải chịu phạt thước, đánh gậy.
Lý Khánh Thành ở trong điện chơi bời gì náo loạn gì, phần lớn thời gian hoàng thượng đều biết rõ, gọi Trương Mộ tới cùng lắm chỉ để hỏi thêm mấy câu, xác nhận lại một chút.
Trương Mộ cũng chỉ đơn giản gật đầu, lắc đầu, kêu một tiếng, hoặc là khoát tay mấy cái liền quyết định thái tử phải chịu mấy lần giáo huấn.
Kiểu thị vệ thế này thực ra dễ chuốc lấy thù ghét. Do tính chất công việc quyết định đãi ngộ nhận được mà thôi. Thái tử thích ai, không thích ai, liếc qua là thấy.
Vào lúc người này đang trực gác, sau lưng đeo một thanh đao dài ba thước chín tấc, đao không có tên, cũng chưa từng ra khỏi vỏ, gã im lặng đứng dưới mái hiên trước điện, nửa câu cũng chẳng nói, như một khúc gỗ âm hiểm.
Thị vệ Ất tiến cung sớm hơn thị vệ Giáp. Nghe nói gã mười bảy tuổi đã bắt đầu theo thái tử. Năm đó thái tử mới sáu tuổi, bây giờ thái tử đã lên mười sáu, thị vệ Ất đã gần ba mươi, vậy là gã đã ở trong cung ròng rã suốt mười năm trời.
Từ lúc Lý Khánh Thành hiểu chuyện đến nay, hắn đã biết người này rồi, nhưng trong trí nhớ của mình, hắn chưa bao giờ thấy Trương Mộ tháo bỏ mặt nạ, thậm chí cũng không thường nghe thấy giọng gã. Liên quan tới gã câm này, thái tử chỉ có một chút ký ức, lại còn là tại rất nhiều năm trước, khi hắn bị Tứ vương gia xui dại.
Năm đó Tứ vương gia vào kinh, xúi giục thái tử bày trò trong ngự hoa viên, đại thể là cái gì thì không nhớ rõ, hình như là mùa đông muốn để thái tử chơi gì đó cho vui. Thái tử liền gỡ tay áo nói được lắm, bản cung muốn chơi, nói rồi định bước lên trên mặt hồ đóng băng.
Thái tử còn chưa kịp làm gì, chỉ thấy Trương Mộ duỗi tay ra, không nói một lời đã vừa đẩy mông lại còn đạp đệ đệ của đương triều hoàng thượng một cước. Tứ vương gia phạm vào sao Thái Tuế, cứ thế ngã ngửa ra sau, rơi thẳng vào hồ băng vang ào một tiếng, mặt băng vỡ tan tành làm ông ta chìm nghỉm trong nước. Kết quả vương gia bệnh nặng ba ngày, mạng nhỏ suýt chút nữa đã phải bỏ lại kinh thành.
Sau sự cố đó, hoàng thượng nổi cơn thịnh nộ, tay thị vệ này thật sự chuốc đủ thù oán. Hoàng thượng phải bắt Trương Mộ cung kính dập đầu ba cái bồi tội tứ vương gia mới chịu bỏ qua.
Vụ này cũng chưa tính là gì, vẫn còn chuyện gây thù chuốc oán nhiều hơn nữa kìa.
Ngày lại qua ngày, năm lại qua năm, thái tử đọc sách trong thư phòng, hai thị vệ đứng ngoài hiên, một bên trái một bên phải. Thái tử luôn trò chuyện cùng Phương Thanh Dư, Trương Mộ thì đứng một bên im lặng lắng nghe.
“Thanh ca viết hộ ta một đoạn đi, ta không muốn viết nữa.” Lý Khánh Thành cười nói.
Phương Thanh Dư khẽ mỉm cười: “Không được, coi chừng thái phó phạt người.”
Lý Khánh Thành nói: “Nét chữ hai ta giống nhau, giả một hai đoạn nhìn không ra đâu.”
Phương Thanh Dư ngoài miệng từ chối, nhưng lại tiến lên nâng bút giúp Lý Khánh Thành viết văn, Lý Khánh Thành lười biếng nghịch đống sách trên bàn, hắn nhìn thị vệ giúp mình viết văn, thi thoảng lại trêu đùa vài câu.
Phương Thanh Dư bật cười, hai hàng mày rậm nhăn một cái: “Sẽ xong nhanh thôi, nhưng chỗ này người phải tự viết, để thần đọc cho người viết.”
Lý Khánh Thành phun hạt nho, cầm lấy bút. Phần lớn chữ hắn viết là học theo Phương Thanh Dư, vừa gọi y một tiếng ca, vừa học y viết chữ. Cả người Phương Thanh Dư khí khái anh hào, chữ viết cũng đẹp, văn chương tài hoa, văn võ song toàn, nét chữ ngay ngắn đẹp đẽ tựa bút tích danh gia, nhờ đó mà thái tử cũng luyện được một tay viết chữ đẹp, hoàng thượng vô cùng tán thưởng.
Còn về cái gã ngốc nghếch câm lặng ngoài cửa kia, Lý Khánh Thành không nhịn được bèn liếc qua, gã ta thì sao? Cũng chẳng biết gã có biết chữ hay không nữa.
Ngày hôm sau, hoàng đế kiểm tra việc học của thái tử.
Lý Khánh Thành đứng, hoàng đế ngồi, tường thư phòng treo hai bức thư pháp thể cuồng thảo rồng bay phượng múa, trên viết: Thịnh Thế Thiên Hạ, Cẩm Tú Giang Sơn ().
() nghĩa là: đất nước phồn vinh, non sông gấm vóc. Vì là thư pháp nên mình dùng Hán Việt.
Lý Khánh Thành đời này yêu nhất chính là bức thư pháp này, chữ kia tự nhiên tiêu sái, tràn trề sảng khoái, hào hùng khí thế, hắn không chỉ một lần muốn thảo luận với phụ hoàng, vậy nhưng hoàng đế chưa bao giờ đáp ứng.
Lý Khánh Thành không nhịn được mà cho rằng phụ hoàng của mình đã già rồi. Trận chinh chiến nơi biên cương bốn năm trước đã để lại trong hoàng đế mầm bệnh không ngừng tái phát, phần lớn thời gian phụ hoàng của hắn đều nửa nằm nửa ngồi trên ghế rồng, người đắp chăn lông, râu tóc hoa râm, tuổi cao sức yếu.
Thế nhưng uy nghiêm của hoàng đế già vẫn thật khiến người ta sợ hãi.
“Đây là văn con viết?” Giọng hoàng đế không giận cũng đủ uy.
Lý Khánh Thành giống như chuột gặp mèo, nơm nớp lo sợ đáp: “Là… Là nhi thần tự làm.”
“Thế đọc lại một lần đi.” Trên ghế rồng, hoàng đế chậm rãi ra lệnh rõ ràng.
Lý Khánh Thành ngắt ngứ, thuật lại đại khái, ở giữa đều quên sạch, thái phó không nhìn nổi liền chuyển chủ đề: “Gần đây điện hạ vẫn đọc sách rất chăm chỉ.”
Lý Khánh Thành cười nói: “Phụ hoàng, người viết văn thường không đọc lại được văn của mình.”
Lão hoàng đế lạnh lùng nói: “Đừng có hung hăng càn quấy, vào đề dùng võ lập giang sơn, lấy văn trị giang sơn, dàn ý còn có thể chấp nhận, nhưng mở đầu con đã viết được, sao không tự mình viết tiếp? Khởi, thừa, chuyển, hợp, con tự mình soạn phần mở đầu với kết bài, đoạn giữa đều nhờ người khác làm thay đúng không?”
Lý Khánh Thành bị đâm trúng tim đen, cứng đầu nói: “Đâu…Đâu có, đều là nhi thần tự nghĩ.”
Hoàng đế liền quăng bài văn đi: “Trở về viết lại, nếu như lại để cho Thanh Dư làm văn hộ, phạt ngươi chép sách một trăm lần.”
Lý Khánh Thành đành phải cầm lại bài văn, ủ rũ cụp đầu mà đi.
“Còn không chịu luyện bắn cung.” Tiếng lão hoàng đế lại vang lên nặng nề.
Lý Khánh Thành khom người lui lại mấy bước, ngẩng đầu nói: “Luyện cung ấy ạ…Hôm qua không luyện, Trương Mộ… thấy trời mưa, không cho nhi thần ra ngoài.”
Một thái giám tiến vào nhẹ giọng nói vài câu bên tai hoàng đế.
Hoàng đế ra lệnh: “Trở về phải luyện bắn tên.”
“Vâng, vâng ạ.” Lý Khánh Thành như được đại xá, vội chạy đi như một chú thỏ.
Lý Khánh Thành ra ngoài điện Thừa Càn, đúng lúc gặp mấy trọng thần trong triều đang cung kính chờ. Thái tử nói vài câu với bọn họ, rồi đi về Đông Cung, nghĩ thầm nếu không phải lão phụ hoàng có việc phải bàn bạc, chính mình nói không chừng lại bị ăn một chầu giáo huấn.
Sau khi thái tử đã đi, thái phó cũng cáo lui, cả điện tĩnh mịch, hoàng đế mới cất tiếng: “Ngươi cũng trở về đi thôi, lúc nào cũng đi theo Thành Nhi, không thể cứ thế hoang phí võ nghệ.”
Trương Mộ từ sau tấm bình phong đi ra, nói:
“Vâng.”
Hoàng thượng bắt đầu ho khan, dường như Trương Mộ thay đổi ý định, gã quỳ một chân trên đất, không đứng dậy.
Hoàng đế biết gã còn lời muốn nói, một lát sau bèn hỏi: “Còn việc cần bẩm báo?”
Trương Mộ không trả lời, hoàng đế khoát tay nói: “Sức khoẻ cô không có gì đáng ngại.”
Thái giám vào dâng trà, Trương Mộ có được câu trả lời, vẻ mặt gã không thay đổi, khom người cáo lui.
Đông Cung, điện Khôn Hoà.
Thời điểm Lý Khánh Thành đi qua, từ trên xe ngựa vén rèm cửa nhìn ra ngoài một chút thì thấy mấy chiếc xe từ bên ngoài cung.
Có khách sao? Lý Khánh Thành thầm nghĩ mình vẫn chưa được gặp bao giờ, không biết họ có lai lịch thế nào? Là người nhà mẹ của hoàng hậu sao?
Thái giám thông truyền, Lý Khánh Thành tiến vào điện, cả điện toát lên mùi hương thơm ngát, hoàng hậu mặc một thân áo bào thêu màu đỏ nhạt, ngồi trên chiếc ghế dài rực rỡ sắc màu, khuỷu tay dựa vào bàn trà nhỏ, chăm chú nhìn bàn cờ đặt trên đó.
Hoàng hậu không phải mẹ ruột của Lý Khánh Thành, nhưng đối xử với Lý Khánh Thành rất tốt. Mẹ Lý Khánh Thành chết sớm, là hoàng hậu một tay nuôi dưỡng thái tử, tình cảm như mẹ ruột. Bà là một vị phu nhân tuổi đã hơn bốn mươi, nhưng nhan sắc lại được chăm sóc vô cùng tốt, vì vậy mà không mảy may nhìn ra dấu hiệu tuổi già.
“Nhi thần bái kiến mẫu hậu.” Lý Khánh Thành thỉnh an hoàng hậu trước tiên.
Hoàng hậu nói: “Đã gặp phụ hoàng con rồi?”
Lý Khánh Thành cởi áo choàng ngoài giao cho cung nhân, cười nói: “Con mới từ chỗ phụ hoàng tới đây, nãy con không đọc bài được, không muốn nói chuyện này.”
Hoàng hậu giận mà như không nhìn thái tử một cái: “Đọc sách gì, Thanh Dư chỉ nói thái phó cho con làm văn, cũng không nói phải đọc cái gì.”
Lý Khánh Thành cười lém lỉnh: “Thanh ca giúp con viết văn, nhưng con không đọc lại được nên bị lộ rồi, mẫu hậu đang xem gì vậy?”
Hoàng hậu thong dong nở nụ cười, vén tóc: “Vừa rồi Diệu Âm đại sư tiến cung, bày ra ván cờ này, con nhìn xem cái này không đúng ở đâu.”
Lý Khánh Thành ngồi lên ra vẻ chỉ đạo: “Ván này con đã thấy các hòa thượng trong chùa Hoàng Hạm bày ra rồi, tên gọi là ‘Đảo khách thành chủ’, mẫu hậu người nhìn này…”
Lý Khánh Thành vẩy tay áo, đáp lại rõ ràng, hoàng hậu nhẹ nhàng đồng ý.
“Một quân đặt vào ô này.”
Hoàng hậu nói: “Hai quân này khớp vào nhau đấy.”
Lý Khánh Thành: “Người đặt một vào vị trí này, cả hai quân chẳng phải được giải rồi sao? Bỏ con chủ này… lưu khách bên cạnh cũng chẳng có tác dụng gì.”
Hoàng hậu khẽ cau đôi mày thanh tú, ống tay áo buông thõng, cười mỉm nhìn vào mắt Lý Khánh Thành: “Hôm nay hoàng thượng đã nói gì với hoàng nhi?”
Lý Khánh Thành nhếch khóe miệng bĩu môi một cái: “Không nói gì hết.”
Phương Thanh Dư ở một bên cười nói: “Là tại thuộc hạ hại thái tử.”
Lý Khánh Thành móc tai: “Không phải lỗi của Thanh ca, mẫu hậu, ván này giải được rồi này, người xem.”
Hoàng hậu nở nụ cười xinh đẹp, tâm tư lại trở về trên ván cờ, quả nhiên, Lý Khánh Thành dùng một chiêu đảo khách thành chủ liền giải được thế cục rõ ràng.
“Hai mẹ con ta cùng ăn trưa.” Hoàng hậu nói.
Lý Khánh Thành nghĩ một lúc rồi nói: “Người câm cùng ta vào cung mà, cũng không biết đi đâu rồi.”
Hoàng hậu nói thản nhiên: “Đợi chút nữa gọi người đi đưa thức ăn là được.”
Cung nhân bày bàn, Phương Thanh Dư vẫn đứng một bên hầu hạ như cũ, Lý Khánh Thành nói: “Mai vậy mà tới trung thu rồi.”
Hoàng hậu nói: “Không phải sao, bài tập nên làm con đều làm rồi chứ? Lúc phụ hoàng con mở tiệc chiêu đãi các đại nhân trong triều, nhớ kỹ nên nói cái gì. Thanh Dư cũng phải dẫn dắt điện hạ.”
Lý Khánh Thành cười nói: “Cứ để tự nhiên thôi, con bao nhiêu tuổi rồi chứ.”
Hoàng hậu khuấy thìa trong chén, như có chút không quan tâm, ăn trưa xong sai Phương thị vệ đưa Lý Khánh Thành trở về.