Ván Bài Lật Ngửa

chương 07 phần 2

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Một vài người còn nói rằng: “Mọi việc tiến triển êm đẹp cho đến khi bà Ngô Đình Nhu đánh đổ tất cả với những lời công kích,” với những người này, tôi thấy cần phải nhắc lại rằng sự thật không bao giờ đã ổn thỏa - bằng chứng là những lời hăm dọa của những kẻ phản loạn hằng ngày được phổ biến trong nước và trên báo chí hoàn cầu mà ai cũng đều biết.

Thật vậy, làm sao ổn thỏa được khi mà, để làm vừa lòng và xoa dịu một thiểu số thầy tu giả trá, nghĩa là đem lại một tình thế êm dịu với họ, chỉ có cách là quỳ gối dâng cho họ trên khay vàng trọn đất nước và thành công của ta. Mục đích của tôi không bao giờ như thế. Mục đích của tôi là lột trần bộ mặt thật của bọn chúng dù chúng núp với hình thức giả hiệu nào cũng vậy.

Tôi đã gọi họ đúng tên, nghĩa là Việt gian, là Việt gian. Còn ông, thì vì bị chìm đắm trong mặc cảm giả tạo về một vấn đề mà ông cũng như báo chí Hoa Kỳ đã tưởng chỉ là “vấn đề Phật giáo,” ông chỉ thấy rặt có chùa và áo cà sa.

Nhưng tại sao ông không nhìn thẳng con người nấp sau bộ áo, ông lại không nhìn thẳng về những hoạt động lén lút sau bình phong của chùa chiền?

Vả lại, nếu phải nhận là “tu hành” những người thật sự không bao giờ có tư cách ấy, và chỉ vì họ muốn vậy, tại mình quá sợ những gì mình tưởng là sức mạnh của họ, thì tại sao chúng ta lại phải hi sinh lớn lao như thế kia để chống lại sự giả dối và nhất là lực lượng Cộng sản, thật sự mạnh hơn biết bao?

Tôi cũng tự nhận là đang đấu tranh bảo vệ tôn giáo và Tổ quốc, và tôi thách thức bất cứ ai có thể nêu lên bất cứ gì trong hành động và lời nói của tôi mà đã xúc phạm đến mục đích ấy.

Vì tình giao hữu giữa hai quốc gia chúng ta, tôi khẩn cấp yêu cầu ông hãy cố gắng tìm hiểu bạn hữu và đồng minh trước khi lao đầu vào cạm bẫy của kẻ thù, kẻ thù chung cho nước ông cũng như nước tôi; và cạm bẫy rõ rệt nhất mà chúng ta phải tránh là không bao giờ được hốt hoảng, đừng có cắn rứt nhau đến nỗi không lo lột mặt nạ những kẻ dám lạm dụng và lợi dụng những gì mà chúng ta coi là thiêng liêng nhất, tôn giáo và tín ngưỡng.

Thành thật

Bà Ngô Đình Nhu

Thùy Dung sanh một đứa con trai. Hai vợ chồng đặt tên là Nguyễn Thành Lý. Thằng bé hội được những nét đẹp của cha và mẹ, rất kháu khỉnh.

Tổng thống cử Chánh văn phòng đến chúc mừng. Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân đều có quà tặng. Riêng Lệ Xuân đã vào nhà bảo sanh thăm Dung ngay sau Dung xổ lòng. Đức Tổng giám mục cũng điện vào thăm hỏi. Ngày đầy tháng của bé Lý, người đến thăm khá đông. Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia, Đại tá Đặng Văn Quang và một số quan chức tuy không thân tình với Luân nhưng vẫn muốn tỏ ra quan tâm đến Luân. Chiều tối thì Nguyễn Thành Động, Lê Khánh Nghĩa bấm chuông. Một lúc sau thiếu tướng Lâm cũng có mặt. Họ bày bàn ở sau vườn. Mừng con trai của Luân đầy tháng chẳng qua là cái cớ. Những sĩ quan này, tuy mỗi người một quan điểm, nhưng gặp nhau trong một suy nghĩ chung: tình hình rồi sẽ ra sao? Thiếu tướng Lâm mở đầu câu chuyện, sau khi nổ một chai sâm banh:

- Hấp hối! Tôi nói rằng chế độ đang hấp hối. Cũng tốt thôi. Vậy là một triều đại sẽ phải cáo chung. Chúng ta chưa có thể biết hình dạng của bước cáo chung nhưng phải cáo chung. Anh Luân có nhớ không, tôi từng nói ông Diệm là một người anh hùng nhưng ông trở thành anh hùng quá nhanh và do đó, như một ngạn ngữ: Từ chỗ vĩ đại đến chỗ lố bịch chỉ có một bước. Ông Diệm đang ở trên phần đất của sự lố bịch... - Lâm nâng li:

- Ta hãy uống chúc sức khỏe ông Diệm – và cũng chúc sức khỏe Đại tá Nguyễn Thành Luân người đã làm tất cả những gì có thể làm được để chống đỡ cho gia đình ông Diệm không rơi vào cảnh chán chê như hiện nay. Không ai trách được anh Luân, người Mỹ hay các phe nhóm đang muốn hạ bệ ông Diệm. Trong nhiều lần nói chuyện với nhau, tôi và bạn bè của tôi ví anh Luân như Gia Cát Lượng, tài bất phùng thời!

Luân cười thật tươi:

- Thiếu tướng xỏ tôi. Tôi không phải là Gia Cát Lượng, và tôi không theo xu hướng khôi phục nhà Hán. Tôi bảo vệ cái mà tôi cho là cần bảo vệ...

- Cái cần bảo vệ đó là cái gì? – Thiếu tướng Lâm phản kích.

- Tôi biết cái mà đại tá muốn bảo vệ. - Nguyễn Thành Động lên tiếng – Nhưng thật khó. Tôi đã làm thử ở Bến Tre theo gương đại tá và tôi đã thất bại. So với lúc đại tá có mặt, Kiến Hòa bây giờ nát như tương bằm. Ấp chiến lược thoi thóp. Chúng ta là những quân nhân, khổ nỗi là quân nhân cấp thấp. Tôi băn khoăn mãi, không biết mình phải làm gì nếu Sài Gòn ra lệnh cho tôi bắn vào các nhà sư biểu tình và cũng sẽ không biết phải làm gì nếu một cấp trên nào đó ra lệnh tôi bắn vào dinh Tổng thống...

Giọng Nguyễn Thành Động thật chán chường.

- Đúng, chúng ta là quân nhân, nhưng mỗi quân nhân đều có cái đầu riêng. Đầu để suy nghĩ. – Người nói câu đó là Lê Khánh Nghĩa.

- Ông Diệm sẽ đổ và chắc sẽ đổ trong thời gian không xa mấy. – Lê Khánh Nghĩa nói tiếp – Có lẽ ông Diệm hết còn là cái gì để chúng ta bận tâm. Cái mà chúng ta bận tâm là sau ông Diệm. Nếu sau ông Diệm, một Chính phủ hợp lòng dân ra đời, thật là điều tốt lành. Hợp lòng dân bây giờ nghĩa là làm đủ mọi cách để chấm dứt chiến tranh, thực hiện một nền dân chủ, chấm dứt chế độ độc tài gia đình trị. Chấm dứt chiến tranh chỉ có thể bằng thương lượng với đối phương. Còn ngược lại, sau ông Diệm là mở rộng chiến tranh, là chiến tranh ác liệt hơn thì có nghĩa đất nước sẽ bị tàn phá kinh khủng và những quân nhân như chúng ta là lính đánh thuê.

Người Mỹ sẽ diễn lại cái trò Cao Ly tại đây. Chắc chắn gay gắt hơn Cao Ly thập bội, thiếu tướng Lâm cũng như trung tá Động nếu quan tâm thì nên quan tâm theo hướng đó...

Luân cố giấu một nụ cười. Những điều Lê Khánh Nghĩa trình bày cũng chính là những điều ghi trong chỉ thị của A. gửi cho Luân. Thiếu tướng Lâm và trung tá Động rõ ràng bị Lê Khánh Nghĩa thuyết phục. Động thở dài:

- Lực lượng bảo an một tỉnh như Kiến Hòa không thể xoay chuyển nổi cục diện.

- Tôi còn không có lấy được một tiểu đội. – Thiếu tướng Lâm gầm gừ - Tôi cảm giác là thời cuộc đi quá nhanh. Ông Diệm, ông Nhu, bà Nhu dường như nóng ruột hơn cả chúng ta, họ đẩy cho tình thế nhảy vọt. Đặc biệt là bà Nhu, con sư tử cái. Ai đời dám trả lời với báo New York Times: Đánh sư như thế chưa ăn thua, tôi còn đánh mạnh gấp mười lần; đến nỗi ông Trần Văn Chương, bố của bà đã phải ra tuyên bố nói rằng bà Ngô Đình Nhu đã tỏ ra vô lễ và không có tư cách khi tuyên bố về Phật giáo. Tôi chán gia đình ông Diệm – xin lỗi Đại tá Nguyễn Thành Luân – nhưng tôi còn chán hơn người Mỹ. Đại sứ Nolting nói rằng vấn đề Phật giáo không có gì quan trọng. Không đáng kể, vấn đề đáng kể là phải thắng trong cuộc chiến tranh và mọi người phải dồn hết tâm lực theo hướng này. Ông Diệm, bà Nhu có thể chết vì cái trò mặt sấp, mặt ngửa của ông đại sứ kì quặc này...

- Chẳng kì quặc đâu. – Nguyễn Thành Động lắc đầu – Tôi chưa thấy một đại sứ nào làm tròn trách nhiệm bằng ông Nolting. Với nước Mỹ, ông đã tạo điều kiện đủ chín muồi ột sự thay đổi danh chánh ngôn thuận. Người Mỹ được giới Phật giáo ngưỡng mộ như là ân nhân nếu họ lật ông Diệm. Người Mỹ tức là Chính phủ Mỹ, còn Nolting thì nếu không về hưu cũng sẽ gầy một sòng bạc khác ở nơi khác. Với bà Nhu, đại sứ Nolting đã đóng rất tròn vai người yêu, một mực che chở cho bà Nhu. Bà Nhu lõa lồ đấy, nhưng vẫn được nặn tượng đặt ở công viên Mê Linh bởi bà được nấp sau cái lưng của Nolting...

- Tôi muốn nói chuyện về người Mỹ. - Thiếu tướng Lâm ngắt lời trung tá Động – Trong thời gian còn chiến tranh ở Đông Dương, Mỹ bảo chúng ta đánh Cộng sản cho Pháp là đồng minh của họ rồi sau họ sẽ cho chúng ta một Chính phủ tốt: bây giờ thì họ lại bảo chúng ta đánh Cộng sản cho ông Diệm và khi nào hòa bình trở lại, họ sẽ cho chúng ta một Chính phủ tốt. Nay mai họ lại sẽ bảo chúng ta đánh Cộng sản ột cha chủ ba trợn nào đó để có một Chính phủ tốt. Nghe họ làm quái gì!

Không khí đột nhiên trầm lặng. Gần như không ai buồn mở miệng. Luân hiểu trong ba người khách thì trừ Lê Khánh Nghĩa, hai người kia mới đạt đến mức phê phán chế độ cần phải soát xét những người bất mãn với chế độ trong hàng sĩ quan cấp cao đông đến bao nhiêu và lí do bất mãn của từng người hoặc từng nhóm người. Về phương diện này, có vẻ CIA và các cơ quan tình báo nước ngoài, kể cả Trung Cộng, nắm được bao quát hơn Luân.

- Phải làm gì? – Nguyễn Thành Động đặt câu hỏi, phá tan sự im lặng. Nhưng sự im lặng không bị phá tan. Không hẹn, cả ba người đều ngó Luân, như chờ đợi ý kiến phán quyết. “Làm gì?” Chính Luân cũng chưa biết.

Khách ra về, bắt tay nhau khá nặng nề. Luân trở vào phòng. Dung thay tã lót cho con. Thằng bé, tay nắm chặt, tay và chân co duỗi liên hồi như nó định bơi trong không khí, đôi mắt mở to, miệng cười. Luân ngồi cạnh vợ. Anh thở dài. Dung đánh giá đúng tiếng thở dài của Luân. Cô ngước nhìn chồng, chia sẻ.

- Nếu tình thế bất lợi, em sẽ bồng con vào chiến khu!

Luân không trả lời vợ. Đúng, trong bài toán cần giải đáp đối với thời cuộc bây giờ thêm một con số mới và Luân không thể không đếm xỉa đến...

Tuyệt mật

Đại cương về “Kế hoạch nước lũ.”

Kế hoạch “Nước lũ” được chia thành hai phần:

- Phân hóa và cô lập.

- Trấn áp và đấu tranh.

A) Phân hóa và cô lập

- Giữa các chùa ở Sài Gòn.

- Giữa Sài Gòn và các tỉnh.

- Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế sự xê dịch của nhà sư và chư tăng, ni.

- Bao vây kinh tế, nhất là những vận dụng cần thiết cho sự thông tin và tuyên truyền.

B) Trấn áp và đấu tranh:

Phần này có hai biện pháp:

- Tiêu cực

- Tích cực

. Tiêu cực

Liên tiếp tổ chức những tuần lễ như:

- Biết ơn tử sĩ.

- Giúp đỡ thương phế binh.

- Giúp đỡ gia đình tử sĩ.

- Mừng chiến thắng

- Ghi ơn những vị tiền bối cách mạng quốc gia.

- Ghi ơn những vị anh hùng dân tộc

- v.v...

Những tuần lễ này được tổ chức với mọi phương tiện sẵn có của chính quyền.

Kế hoạch này được chỉ thị tối mật cho các cơ quan, đoàn thể chia nhau luân phiên làm rùm beng trong thời gian từ ba đến bốn tháng, nhằm mục đích cho quần chúng quên lãng cuộc đấu tranh của Phật giáo.

. Tích cực.

Chủ trương làm mạnh để đàn áp hợp pháp:

- Mệnh danh các phong trào này, đảng nọ, nhóm kia... viết những bức thư công kích, đả kích, tố cáo Phật giáo gửi đến các cơ quan Chính phủ và các nhân vật cao cấp (Phật giáo) và các báo chí trong và ngoài nước cùng các tòa đại sứ, lãnh sự tại Sài Gòn.

- Tổ chức đánh cắp trái tim() để phanh phui sự lừa bịp và thần thánh hóa của Phật giáo.

() Trái tim của hòa thượng Thích Quảng Đức

- Cho người len lỏi vào trong các chùa để lấy tài liệu, tìm tòi hay “tạo nên” (monter coups) những nhà sư có cấp bậc cao phạm pháp bằng mọi hình thức để truy tố trước pháp luật, quần chúng trong nước và quốc tế.

- Mua chuộc một số nhà sư cao cấp tố cáo những hành động của Tổng hội Phật giáo.

- Theo dõi để bắt hết những người cộng tác hay tiếp tay với các nhà sư để chặt tay chân, tai mắt của Tổng hội Phật giáo.

(“Kế hoạch nước lũ” không mang chữ kí của cơ quan dự thảo, lại do Tổng hội Phật giáo phát hành, gửi đến các cơ quan thông tấn và cả Tổng thống – ghi chú của hãng UPI)

TIN VỀ MỘT CUỘC ĐẢO CHÍNH

Sài Gòn (phóng viên báo Phillipines Herald).

Hiện nay, đang có dư luận dai dẳng ở Sài Gòn về khả năng nổ ra một cuộc đảo chính hoặc do những quân nhân tán thành Phật giáo, hoặc do Chính phủ tạo cớ để đàn áp Phật giáo mạnh tay hơn hoặc do một số thế lực chống Cộng cho rằng Chính phủ hiện hữu quá nhu nhược, cần thay đổi. Gần đây ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã công khai tuyên bố về khả năng đảo chính từ những sĩ quan bất mãn các nhượng bộ đối với Phật giáo của Chính phủ. Các giới am hiểu tình hình Nam Việt, đều cho lời ông Nhu mang tính cách đe dọa hơn là phản ánh khả năng có thật. Dẫu sao, không khí Sài Gòn hình như gần kề với một đột biến nào đó.

ĐIỆN CỦA PHÂN XÃ UPI GỬI TỔNG XÃ

Cử ngay sang Sài Gòn một số phóng viên năng nổ, kèm cả máy quay phim.

Tuyên bố báo chí của bà cố vấn Ngô Đình Nhu: Chúng ta không thể thối lui được nữa.

“Ngày --, Đài tiếng nói Hoa Kỳ có mô phỏng một lời tuyên bố của đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, dựa theo đó đại sứ không tán thành các lời nhận xét “thiếu lễ độ” của tôi, liên quan đến vụ ám sát Thượng tọa Thích Quảng Đức, do Đài vô tuyến truyền hình CBS truyền ngày --.

Tại cuộc phỏng vấn đó và đáp lại câu hỏi: “Bà có nghĩ rằng các Phật tử muốn lật đổ chính quyền này không?” tôi đã có trả lời chính xác như sau:

“Không phải các Phật tử. Mà chỉ có vài người tự xưng là ‘lãnh đạo Phật giáo’ mà chúng tôi ví như những kẻ tàn bạo, muốn lật đổ chính quyền này mà thôi. Nhưng giữa mong muốn và năng lực làm được, có cả một sự khác biệt. Thật vậy, đối với Chính phủ này đang đem quốc gia đến thắng lợi trong chiến tranh chống Cộng sản và đang xây dựng chính ngay tại căn bản quốc gia, nghĩa là tại các cấp – một nền dân chủ thật sự, có đủ đảm bảo nhất vì được cấu tạo từ hạ tầng cơ sở - đối với các thành tích ấy, thử hỏi các nhà tự xưng là “lãnh đạo Phật giáo” đã làm được những gì?

Họ không có chương trình và cũng chẳng có nhân vật khả dĩ thay thế cho sự thiếu sót chương trình. Và tất cả hành động của họ chung quy vào việc là đem ‘nướng’ sống nhà tu, ngay cả không phải với phương tiện tự túc, mà với xăng dầu được nhập cảng. Lí do của cuộc sát nhân ấy là gì? Chỉ là mạo nhận để bênh vực một lập trường mà không bao giờ bị xúc phạm đến!

Lời lẽ ấy của tôi có thể được xem là ‘thiếu lễ độ’ thật đấy, nếu sự kiện này liê quan đến các ‘việc thần thánh’ chân chính; nhưng thật ra trường hợp ở đây đâu có phải như vậy! Ngoài ra, tôi không hiểu tại sao chúng ta lại phải chịu để cho các lí sự cùn, dựa trên những hoàn cảnh giả tạo, mà kẻ thù chính tông đã dựng đứng lên, mê hoặc và áp đảo chúng ta?

Dù sao tôi rất biết ơn đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn đã cho tôi có dịp xác nhận lại quan điểm của tôi về vấn đề này:

Nước Việt Nam ở trong tình trạng chậm tiến về nhiều mặt, nguyên nhân sự chậm tiến ấy do chiến tranh ác liệt mà Cộng sản quốc tế đã đem lại.

Vì lí do ấy, Việt Nam không thể nào cho phép một cuộc thoái bộ nữa. Và thật là một sự thoái hóa đến... tối tăm, man rợ của tiền lịch sử, khi xui khiến phụ nữ, trẻ con, và các bô lão, dù có điên rồ, bệnh hoạn hay vô dụng đến đâu đi nữa – đi đến chỗ hủy mình vì một quyền lợi không bao giờ bị ai chối cãi, với mục đích phong các người khốn khổ ấy thành “thánh nhân và tử vì đạo,” để khiêu khích chung quanh xác chết của họ một sự thờ phụng khả dĩ gây mầm mống rối loạn xã hội và ngay cả việc sát nhân khác.

Những hành động này chứng tỏ sự vô liêm sỉ đến độ mà nhân cách và lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam không thể nào tha thứ được, tại vì những hành động này chứa đựng, không những một sự lạm dụng trắng trợn lòng tin tưởng của các tín đồ, mà hơn nữa, đó là một cuộc xâm phạm đến sự kính nể mà dân tộc Việt Nam có quyền hưởng đối với toàn thế giới.

Vì danh dự và thể diện nước nhà, những hành động ấy phải được tố giác và được đặt lại đúng trong nội dung của nó.

Tôi chỉ có làm thế thôi... và tôi rất tiếc KHÔNG nói được rằng tôi đồng ý với những người nào đã nghĩ một cách khác.”

Bà NGÔ ĐÌNH NHU

TIN CỦA BÁO NEW YORK TIMES

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi hỏi về việc nếu các nhà sư cứ tiếp tục tự thiêu thì Chính phủ có biện pháp gì đối phó không, bà cố vấn Ngô Đình Nhu trả lời: “Chúng nó là bọn bán nước. Bởi thế, dù chúng nó có nướng sống ba mươi nam và nữ, hoặc hơn, chúng tôi cũng sẽ vẫn tiến tới và vỗ tay hoan hô. Chúng tôi không phải chịu trách nhiệm gì về sự điên rồ của những kẻ ấy.”

THÔNG BÁO CỦA BỘ QUỐC GIA GIÁO DỤC

Do không còn thích hợp với nhiệm vụ đang gánh vác, linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế được phép thôi giữ chức này. Chính phủ sẽ cử một Viện trưởng khác.

TIN CỦA HÃNG AFP

Kể từ ngày --, một loạt các Khoa trưởng đại học thuộc Viện Đại học Huế đã xin từ chức để phản đối việc Chính phủ bãi chức Viện trưởng của linh mục Cao Văn Luận. Hành động này không hẳn vì cảm tình với linh mục Viện trưởng mà để bày tỏ thái độ bất bình với Chính phủ.

Tiếp sau thái độ của các nhà giáo là thái độ của học sinh. Trong một tuyên cáo, Liên đoàn học sinh Phật giáo Việt Nam đã nói thẳng với Chính phủ là họ không tín nhiệm cách cai trị vừa qua. Họ nhắc đến một học sinh bị đã bị người Pháp bắn chết cách đây mười ba năm tên Trần Văn Ơn. Điều đó có nghĩa là nếu Chính phủ không tìm cách giải quyết tình hình đang hết sức căng thẳng ở Nam Việt thì xu hướng chống Chính phủ vì lí do Phật giáo có thể biến thành một cái gì nguy hiểm hơn. Trần Văn Ơn là một học sinh được Cộng sản suy tôn như anh hùng. Cho tới nay, chưa có một dấu hiệu rõ rệt nào Cộng sản lợi dụng phong trào Phật giáo ở Nam Việt, nhưng người ta không loại trừ xu thế của chính phong trào, trước sự ngoan cố của Chính phủ, sẽ nghiêng về phía tả. Còn các nhà sư có tham vọng chính trị, trong khi đính chính thẳng thừng mối quan hệ của họ với Cộng sản, đã không bỏ qua một cơ hội nào lợi dụng Cộng sản – lợi dụng sức ép của Cộng sản hiện nay về chính trị và quân sự ở Nam Việt, và lợi dụng cả quá khứ của Cộng sản.

Giới Phật giáo đã quảng bá khắp nơi những lời tuyên bố nảy lửa của bà Ngô Đình Nhu. Giới ngoại giao ở thủ đô Nam Việt nhận xét rằng đó là cách làm tốt nhất dấy lên sự công phẫn của quần chúng.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio