Tin các báo:
Sáng hôm nay, ngày --, Đại tá Nguyễn Thành Luân lên đường sang châu Âu và sẽ từ châu Âu sang Mỹ nhận nhiệm vụ mới: Tùy viên Báo chí Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa.
Ra tiễn đại tá có bà đại tá và con, phó đại sứ Mỹ ở Sài Gòn William Porter, đại diện Đại tướng Nguyễn Khánh, đại diện Tổng trưởng Ngoại giao, đại diện Bộ Quốc phòng và nhiều thân hữu của đại tá, các nhà báo trong ngoài nước. Đại tá Nguyễn Thành Luân đã trả lời phỏng vấn ngắn của nữ kí giả Helen Fanfani tờ Financial Afairs...
Luân tạm biệt Sài Gòn với bao nhiêu sự cố dồn dập. Trận Bình Giã lại nổ ra, với mức độ và quy mô lớn hơn lần trước. Quân đội Sài Gòn rơi vào cái bẫy giăng sẵn, cuộc truy kích của quân đội Sài Gòn thực tế là sai lầm về chiến thuật: ngỡ rằng quân Giải phóng đã rút xa, nên tung hàng mấy trung đoàn cốt giương oai và cũng cốt chứng minh với người Mỹ khả năng đối phó của lực lượng tổng trù bị, can thiệp nhanh ở những nơi sôi bỏng nhất, đạt hiệu quả cao nhất cùng khả năng chỉ huy và tham mưu vững vàng của sĩ quan trong các chiến dịch mang tính chất binh chủng hợp thành. Những tham vọng ấy đều tiêu tan giống như các đơn vị bị băm nát có đơn vị mất luôn phiên hiệu. Đài Giải phóng và Đài Hà Nội đánh giá trận Bình Giã là bước ngoặt trong loạt chiến tranh được mệnh danh “không tuyên chiến” hoặc “chiến tranh đặc biệt” – Mỹ cung cấp khí tài và cố vấn là chủ yếu. Bình Giã tuyên án tử hình chiến lược mà Taylor là cha đẻ: một kiểu tiết kiệm nhân mạng Mỹ.
Taylor sẽ phải rời Sài Gòn thôi – Luân nghĩ. Ngũ Giác Đài dứt khoát xem xét phương án thứ hai – đổ bộ thực binh Mỹ lên Nam Việt với một số lượng nhất định, chắc chắn đợt đầu phô trương, không thể ít hơn một trăm ngàn. Chính Taylor đã thú nhận: Mỹ phải trả đũa – tức Mỹ phải tự mình gánh vác trách nhiệm ở Nam Việt. Dọn đường cho phương án thứ hai. Mỹ gợi ý các nước Đông Nam Á chi viện cho Sài Gòn. Philippines đáp ứng sớm nhất nhưng chỉ bằng một đội y tế gồm ba mươi tư người. Đại Hàn hưởng ứng tiếp theo: Gởi hai nghìn quân trong sư đoàn Mãnh Hổ. Dù sao Mỹ cũng gặp khó khăn hơn lúc chiến tranh Triều Tiên: lúc ấy, lợi dụng được lá cờ Liên Hiệp Quốc, còn bây giờ thì không. Đồng minh Mỹ ở Tây Âu phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam. De Gaulle không phải là loại dễ khuất phục. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sửa soạn cho phương án đã chọn. Các vụ ném bom Bắc vĩ tuyến nhặt hơn, cho phép Sài Gòn bắn phá Vĩnh Linh. Chính Nguyễn Cao Kỳ trực tiếp lái máy bay Skyraider cùng cả một phi đội làm việc đó. Mỹ đặt ở Đà Nẵng giàn hỏa tiễn đất đối đất Hawks. Và, cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ L.B. Johnson vừa nhậm chức, William Bundy, bay sang Sài Gòn.
Muốn triển khai quân, Mỹ cần hai điều kiện: quân đội Sài Gòn phải đảm bảo đương nổi vai trò hỗ trợ và bình định để quân Mỹ đứng trên tuyến , tình hình chính trị Sài Gòn phải ổn.
Điều kiện thứ nhất không đơn giản. Các tướng Sài Gòn chẳng ai chịu ai và hội đồng tướng lãnh cứ họp liên miên, khi ở thủ đô, khi ở Vũng Tàu, khi ở Đà Lạt, khi ở Nha Trang. Kết quả đầu tiên là tướng tư lệnh vùng IV Nguyễn Văn Thiệu trở thành tướng sao – trung tướng. Đại tá đầu , trung tướng đầu , Thiệu leo lên chiếc thang quân hàm với tốc độ phi mã.
Điều kiện thứ hai còn gay cấn hơn gấp bội. Thượng hội đồng quốc gia – một kiểu nghị viện – bị giới quân sự giải tán, có người bị bắt, chưa biết xoay xở làm sao để Chính phủ có được cái áo hợp pháp thì Phan Khắc Sửu và Trần Văn Hương hục hặc. Nguyễn Khánh đứng ra hòa giải: Hương phải nhận Sửu và Sửu phải nhận Hương trên chức danh do thằng cha tào lao nào đó đặt ra. Rồi, đến lượt Sửu mời hết các phe – cả dân lẫn quân sự - đến phủ Quốc trưởng để “tìm tiếng nói chung.” Trong lúc đó, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đột nhiên nhảy ra tiếp xúc giới Phật giáo gọi là tham khảo thành lập một hội đồng quân dân. Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh vùng I không chịu lép vế: gã họp báo, tuyên bố lia lịa về đủ thứ chuyện, kể luốn chuyện gã dốt trân. Nguyễn Khánh điên tiết, bảo Trần Văn Hương tuyên bố danh sách Chính phủ cải tổ: Hương vẫn Thủ tướng, Nguyễn Lưu Viên đệ nhất Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ, trung tướng Thiệu đệ nhị Phó Thủ tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đệ tam Phó Thủ tướng, Trung tướng Trần Văn Minh – biệt danh là Minh nhỏ - Tổng trưởng Quân lực, Phạm Đăng Lâm Tổng trưởng Ngoại giao, Lữ Văn Vĩ Tổng trưởng Tư pháp, Thiếu tướng Linh Quang Viên Tổng trưởng Tâm lí chiến, Nguyễn Duy Xuân Tổng trưởng Kinh tế, Huỳnh Văn Đao Tổng trưởng Tài chính, Ngô Ngọc Đối Tổng trưởng Cải tiến Nông thôn, Nguyễn Văn Trường Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục, Trần Quang Diệu Tổng trưởng Y tế, Đàm Sĩ Hiến Tổng trưởng Xã hội, Nguyễn Hữu Hùng Tổng trưởng Lao động, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ Tổng trưởng Thanh niên và Thể thao, Phạm Văn Hoàn Tổng trưởng Phủ Thủ tướng.
Chính phủ dự định trình diện ngày --, phải đình hoãn vì bốn tướng không đến họp, mãi ngày hai mươi mốt mới ra mắt được. Dư luận đón Chính phủ Trần Văn Hương bằng các cuộc biểu tình mà xu hướng chống Mỹ mỗi ngày mỗi rõ: Phòng thông tin Mỹ ở nhiều nơi bị người biểu tình đốt phá, quy mô biểu tình khá lớn, xô xát với cảnh sát cũng dữ dội. Đặc biệt cuộc biểu tình trưa -, tức một ngày sau khi nội các Trần Văn Hương ra mắt, hàng nghìn người đứng trước sứ quán Mỹ đường Hàm Nghi, với các biểu ngữ: Hãy để cho dân Việt tự quyết định công việc của nước Việt. Đám biểu tình đập phá thư viện Mỹ. Trần Văn Hương bẽ mặt, công khai xin lỗi đại sứ Taylor và chửi rủa dân chúng thậm tệ. Trong một bài phát thanh, Hương gọi phần tử biểu tình là “lũ lưu manh cạo trọc đầu để làm trò khỉ.” Hương điều quân dù canh gác Viện Hóa đạo, lính dù có thái độ cực kì khả ố đối với nữ sinh Phật tử. Ở Huế, Phòng thông tin Mỹ bị đốt cháy, phó lãnh sự Mỹ can thiệp, bị dân biểu tình ném đá.
Taylor đành phải họp với Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương và Nguyễn Khánh. Cuộc họp chẳng thu kết quả. Sửu đòi quyền Quốc trưởng thật sự, Hương đòi chức Thủ tướng không lệ thuộc vào Sửu, Khánh đòi hai người phải tôn trọng quân đội, Taylor đòi mọi lộn xộn phải được thu xếp thật nhanh.
Hàng nghìn tăng ni khắp Nam Việt tuyệt thực. Học sinh, sinh viên tiếp tục xuống đường, ở Sài Gòn và hầu như không sót tỉnh nào, từ Quảng Trị trở vào. Trường Bồ Đề trở thành một thứ bản doanh của thanh niên. Lại tự thiêu: nữ sinh Đào Thị Yến Phi mười bảy tuổi; tự thiêu giữa thành phố Nha Trang.
Hội đồng quân lực quyết định: giao cho Tướng Nguyễn Khánh giải quyết cuộc khủng hoảng nhưng theo hướng của tướng Kỳ: triệu tập hội đồng quân dân.
Lần này, Sửu thắng Hương: Hương nhường ghế cho Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh. Tiến sĩ Oánh chỉ lót đường thôi. Ngày --, Hội đồng quân lực tuyên cáo:
“Như đã nhiều lần trình với quốc dân đồng bào, các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa chỉ mong muốn ở Nam Việt thiết lập được một thể chế dân chủ, thế nhưng thời gian qua chứng tỏ dân tình li tán, Chính phủ không điều khiển được công việc quốc gia, không đủ sức đoàn kết các đồng bào, làm cho uy tín của Việt Nam Cộng hòa suy giảm, an ninh rối loạn, tạo cơ hội tốt cho Việt Cộng đánh mạnh. Một lần nữa, Hội đồng quân lực buộc phải hành động cứu nước. Hội đồng tuyển nhiệm Quốc trưởng, chỉ định Thủ tướng, thành lập hội đồng quân dân, triệu tập quốc dân đại hội. Sau khi xong nhiệm vụ lịch sử, Hội đồng trở lại vị trí của mình. Hội đồng Quân lực tuyên bố chính sách quốc gia như sau: nỗ lực chiến đấu để xây dựng tự do và thanh bình cho xứ sở, liên kết thân thiện với các nước tự do, chống xâm lược Cộng sản, xây dựng dân chủ, cải tiến xã hội.”
Đại tướng Nguyễn Khánh, Tổng tư lệnh quân đội, theo nội dung tuyên cáo của Hội đồng Quân lực, kí quyết định tuyển nhiệm Kĩ sư Nông học Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và bổ nhiệm Phan Huy Quát làm Thủ tướng.
Phan Huy Quát nhanh nhảu nêu danh sách nội các ngay trong ngày: Quát Thủ tướng, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quân lực, Luật sư Trần Văn Đỗ Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Ngoại giao, Luật sư Trần Văn Tuyên Phó Thủ tướng phụ trách kế hoạch, Bác sĩ Lê Văn Hoạch Quốc vụ khanh, Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ Quốc vụ khanh kiêm Tổng trưởng Giáo dục, Thiếu tướng Linh Quang Viên Tổng trưởng Thông tin Tâm lí chiến, Trần Văn Ân, Tổng trưởng Chiêu hồi, Giáo sư Nguyễn Văn Vĩnh Tổng trưởng Kinh tế, Giáo sư Trần Văn Kiện Tổng trưởng Tài chính, Kĩ sư Nguyễn Ngọc Tố Tổng trưởng Canh nông, Kĩ sư Ngô Trọng Anh Tổng trưởng Giao thông Công chánh, Giáo sư Trần Quang Thuận Tổng trưởng Xã hội, Bác sĩ Nguyễn Tăng Nguyên Tổng trưởng Y tế, Nguyễn Văn Hoàng Tổng trưởng Lao động, Y sĩ Trung tá Nguyễn Tấn Hồng Tổng trưởng Thanh niên, Bùi Diêm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Nguyễn Văn Tương Thứ trưởng Nội vụ, Kĩ sư Bùi Hữu Tuấn Thứ trưởng Công chánh.
Danh sách trên cho thấy tham vọng của Phan Huy Quát: lôi kéo đủ phe nhóm, từ Phật giáo, Thiên Chúa, Cần lao, đến Bình Xuyên, Cao Đài...
Hội đồng quân lực cũng ra quyết định thành lập Hội đồng quốc gia lập pháp gồm hai mươi người thuộc nhiều xu hướng: Luật sư Nguyễn Huy Chiểu, Bác sĩ Phạm Hữu Chương, Trung tướng Phạm Xuân Chiểu, Đề đốc Chung Tấn Cang, Thiếu tá Đỗ Đăng Công, Giáo sư Cao Hữu Định, Giáo sư Nguyễn Lương Hưng, Bác sĩ Phạm Văn Hạt, Giáo sư Bùi Hữu Tuấn, Trịnh Quốc Khánh, Đại tá Đoàn Chí Khoa, Giáo sư Phạm An Khoang, Nguyễn Long, Đại tá Bùi Văn Mạnh, Huỳnh Văn Nhiệm, Thiếu tá Nguyễn Phúc Quế, Luật sư Nguyễn Lâm Sanh, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Trân, Trần Quang Vinh. Phạm Xuân Chiểu được bầu làm chủ tịch hội đồng.
Đài phát thanh BBC dành cho Đại tá Nguyễn Thành Luân một buổi phỏng vấn đặc biệt, nhân đại tá trên đường sang Hoa Kỳ nhận nhiệm vụ Tùy viên Báo chí đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa, ghé thăm Anh quốc: “Như đa số thính giả bản đài biết, Đại tá Nguyễn Thành Luân là một nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam Cộng hòa, ông cùng cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu thảo ra nền tảng lí thuyết Cần lao Nhân vị cho chế độ Ngô Đình Diệm và nền tảng đó tỏ ra hữu hiệu ngót mười năm trên một đất nước mà Cộng sản giữ ưu thế trên nhiều phương diện. Sau đây xin mời quý vị thính giả nghe cuộc phỏng vấn bằng tiếng Việt. Đại tá nhã nhặn dành cho thính giả tiếng Anh buổi phỏng vấn mà bản đài sẽ phát liền khi chấm dứt chương trình Việt Ngữ.
BBC: Thưa đại tá, xin đại tá cho thính giả của đài BBC một cái nhìn tổng quát tình hình hiện nay ở Việt Nam Cộng hòa.
ĐẠI TÁ NGUYỄN THÀNH LUÂN: Tôi cám ơn đài BBC đã tổ chức buổi phỏng vấn này, tạo cơ hội cho tôi trình bày vài suy nghĩ về vị thế hiện tại của Việt Nam Cộng hòa. Nhìn tổng quát, tình hình không khả quan so với trước chính biến --, cách nay hơn một năm. Lúc bấy giờ, trên cả ba bình diện Việt Nam Cộng hòa đều khá ổn định. Về bình diện chính trị, đất nước có một Quốc hội, một Hiến pháp, một Tổng thống và một nội các khả thi các chính sách, tuy xảy ra vụ Phật giáo song đang trên đà dàn xếp ổn thỏa, dan tâm xao xuyến mức nào đó nhưng vẫn chưa sứt mẻ niềm tin ở chính nghĩa quốc gia và khả năng phục hồi an ninh. Việt Nam Cộng hòa giữ được uy tín quốc tế và mối quan hệ thân thiết với thế giới tự do, không nảy sinh tranh chấp gì quan trọng với các quốc gia theo xu hướng Bangdun trong vùng Nam Á và Thái Bình Dương. Việt Nam Cộng hòa là đồng minh trung thành của Hoa Kỳ. Về bình diện kinh tế và xã hội, các mặt nông, kĩ nghệ, kinh tế, thương mại, các mặt học đường và ngôn luận, tất cả đều phát triển bình thường, có tăng hằng năm, số tiền viện trợ của Hoa Kỳ và các nước bạn được dùng đúng mục tiêu, không có tệ nạn tham nhũng. Về bình diện quân sự, Việt Cộng quấy phá từng nhóm nhỏ an ninh lãnh thổ nói chúng không đáng lo ngại, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đảm đương không quá vất vả các quân khu, sĩ quan không tham chính, kỉ luật được tôn trọng.
BBC: Thưa đại tá theo cách trình bày của đại tá chế độ của ông Diệm là lí tưởng. Nhưng tại sao dân chúng Việt Nam lại ủng hộ chính biến --?
ĐẠI TÁ LUÂN: Tôi không bao giờ cho rằng chế độ ông Diệm là lí tưởng. Nó có một số khuyết tật, tỉ như nó tự giới thiệu gần như độc quyền của những người Thiên Chúa giáo di cư, như thuộc địa phương của miền Trung, quê quán của ông Diệm và về sau nó mang dáng dấp cung đình. Tuy nhiên, tôi so sánh thời kì ông Diệm với hiện nay là ai cũng thấy sự hoán đổi đáng phàn nàn: từ trị ra loạn, từ hiến chế ra quân phiệt, từ vững vàng ra suy yếu...
BBC: Nghĩa là đại tá kết án chính biến -- và các vị chủ xướng chính biến đó?
ĐẠI TÁ LUÂN: Về một khía cạnh nào, chính biến có nhu cầu khách quan của nó. Một số vị chủ xướng cuộc lật đổ ông Diệm, theo tôi nghĩ, vì lòng yêu dân tộc. Nhưng, sát hại anh em ông Diệm dứt khoát là sai lầm. Sai lầm nối tiếp là không kịp thời định hướng chính trị, thiếu những người sáng suốt cai trị đất nước, quá mềm yếu trước nguy cơ kiêu binh. Tôi cho rằng người Mỹ hối hận đã hại anh em ông Diệm và xóa mà không có cái thay thế.
BBC: Thưa đại tá, có phải đại tá cho rằng mọi sự nay đều quá muộn?
ĐẠI TÁ LUÂN: Tôi không nghĩ một cách tuyệt đối như vậy. Song, nếu người Mỹ từ trước đến nay đều lo lắng sự dính líu của bản thân mình quá sâu vào một đất nước xa lạ và luôn muốn tránh điều ấy thì tình thế chưa quá muộn...
BBC: Người Mỹ, Tổng thống Johnson chắc chắn ngại một Triều Tiên thứ hai?
ĐẠI TÁ LUÂN: Nam Việt không phải là một Triều Tiên theo nghĩa sao chép sự kiện cách chúng ta mười lăm năm. Nhưng, Nam Việt có thể dành cho nước Mỹ một số phận bi đát hơn Triều Tiên dù ở đây rất ít khả năng Mỹ chạm trán với Trung Cộng hay Nga Sô mà chỉ chạm trán với Cộng sản Việt Nam thôi.
BBC: Xin đại tá nói rõ hơn ý vửa rồi.
ĐẠI TÁ LUÂN: Không hoặc ít khả năng chạm trán trực diện với Trung Cộng và Nga Sô, tình cảnh Mỹ không vì vậy mà ít phức tạp hơn. Chạm trán với cả làn sóng thế giới kết án chiến tranh xâm lược, với sự thiếu nồng nhiệt của một số đồng minh lớn như Pháp, Anh, với thái độ bất bình của Ấn Độ, Indonésia và sau cùng, với chính các tầng lớp người Mỹ...
BBC: Theo đại tá, đâu là lối thoát?
ĐẠI TÁ LUÂN: Phải đặt vấn đề Nam Việt, vấn đề Nam Việt và Đông Dương trên mối cân bằng chính trị. Đây là bài toán chính trị cần đáp số chính trị. Theo đuôi một phương pháp khác giải bài toán sẽ không bao giờ tìm được chìa khóa và hậu quả thì vô cùng nặng nề, cho cả Việt Nam lẫn Mỹ.
BBC: Xin được hỏi câu cuối cùng: Đại tá dự định làm gì ở Hoa Kỳ?
ĐẠI TÁ LUÂN: Tôi thành thực vui mừng trở lại Mỹ, gặp lại bạn bè. Trong nhiệm vụ Tùy viên Báo chí, tôi cố làm cho dư luận hiểu thực chất vấn đề Nam Việt.
BBC: Thế thì đại tá sẽ làm ngược lại ý kiến của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa!
ĐẠI TÁ LUÂN: Miễn tôi không làm ngược lợi ích lâu dài và cơ bản của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ.
BBC: Xin cảm ơn đại tá.
Điện khẩn: Gửi Đại tá Nguyễn Thành Luân.
Sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Washington.
Thủ tướng Chính phủ không hài lòng về những câu trả lời của đại tá với đài BBC. Thủ tướng yêu cầu từ nay đại tá không được lên tiếng nếu không xin ý kiến đại sứ.
Văn phòng phủ Thủ tướng – Sài Gòn.
SAI LẦM VÀ SAI LẦM
(Bài của cựu đại sứ ở Nam Việt F. Rheinardt trên báo New Yorker Magazine).
Một người bạn của tôi – và đương nhiên cũng là một người bạn của nước Mỹ- vừa đến thủ đô Washinton trong một nhiệm vụ hết sức khiêm tốn: Tùy viên Báo chí tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ. Vợ tôi và tôi ra sân bay đón ông cùng với vị đại diện sứ quán Việt Nam Cộng hòa. Buổi đón tiếp, trong bụi tuyết lả tả sẽ hết sức lạnh lẽo nếu không có mặt tướng hồi hưu Jones Stepp và phu nhân, cùng một số nhà báo, truyền thanh, truyền hình đông đảo khác thường. Vị đại diện lên máy bay và chúng tôi biết ông trao cho Đại tá Nguyễn Thành Luân, người bạn mà tôi nói, bức điện khẩn của Sài Gòn yêu cầu không được tuyên bố điều gì với báo chí Mỹ. Tất nhiên, như tôi biết về ông trong những ngày đầu khó khăn của chế độ Sài Gòn, ông vẫn là ông. Ông tươi cười bắt tay và ôm hôn chúng tôi, tươi cười với các ống kính. Ông đã thoải mái trả lời nửa giờ liền các câu hỏi của báo chí và đài truyền hình như ông đã làm ở London. Vị đại diện sứ quán mặt tái, còn ông, ông hẹn các nhà báo lần khác, nhiều thì giờ hơn, sẵn sàng thỏa mãn mọi tò mò của công luận Mỹ. Tuy nhiên, ba mươi phút cũng đủ cho chính giới Mỹ hiểu được hai điều trọng yếu: một là, nếu Tổng thống Johnson tiếp tục đường lối hiện nay thì Nam Việt là con đường hầm như bộ tiêu hóa cực kì tốt nuốt hàng nghìn tỉ dollar và hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ, nuốt luôn uy tín của một đại cường quốc đang lãnh đạo thế giới tự do; hai là ông đầy bản lĩnh. Điều trọng yếu thứ nhất, với tôi, chưa phải đã thật hoàn hảo, tôi còn nhiều điểm để tranh luận và tôi chờ đợi dịp thuận lợi, chờ bài báo mà ông hứa sẽ viết ngay cho tờ Washington Post. Điều trọng yếu thứ hai, cũng với tôi, thì không còn gì để bàn cãi. Nguyễn Thành Luân, một sĩ quan cấp cao của Việt Minh kiến thức phong phú, hợp tác với Ngô Đình Diệm khi ông này lên cầm quyền ở Sài Gòn. Là sĩ quan (ông bổ túc ở Học viện Fort Bragg), Nguyễn Thành Luân đúng hơn là nhà tư tưởng chiến lược, tổ chức và chỉ đạo. Tôi từng trao đổi với ông và tìm thấy ở ông một tiềm năng trí tuệ đặc sắc. Tướng Collins cũng đồng ý với tướng Taylor nhận định về ông không khác. Lúc còn là Phó Tổng thống, ông L.B. Johnson từng nói với tôi: Đó là người cần cho nước Mỹ.
Thế nhưng, chính ông Cabot Lodge đã làm hỏng tất cả. Hạ bệ ông Diệm chỉ là một khía cạnh, khía cạnh kia quan trọng hơn, là hình thành đội ngũ kế tiếp. Chúng ta lún sâu vào sai lầm. Tập đoàn đang thống trị Nam Việt bát nháo chưa từng thấy và bây giờ chính nước Mỹ bị họ xỏ mũi dẫn đi chẳng biết về đâu và đến đâu. Lẽ nào nước Mỹ phải thỏa mãn thói đàng điếm, thói bốc đồng của các tướng và chính khách Nam Việt tối dạ nhất về chính trị? Và, một con người, cha đẻ mọi chủ thuyết hoàn hảo, chống Cộng khôn ngoan, con người đó đột nhiên bị đuổi ra khỏi Tổ quốc mình và nhận một chân thơ lại tại một sứ quán. Cách làm của Tướng Nguyễn Khánh, chắc chắn được ông Colby ngầm ủng hộ, nhằm thải loại tất cả những ai nhiệt thành tiết kiệm máy cho Mỹ và thuế cho công dân Mỹ. Tổng thống Johnson, Ngoại trưởng Dean Rusk cần hiểu: sai lầm như thế là đủ, quá đủ. Tướng Westmoreland đang xin quân. Tôi, với tư cách nguyên đại sứ Mỹ ở Nam Việt xin cái khác: Hãy biết dùng người Việt, họ đủ tài năng và kinh nghiệm hơn chúng ta. Ngăn chặn Cộng sản ở Nam Việt không thể bằng các sư đoàn Mỹ, không thể bằng hạm đội và không quân Mỹ.
Công chúng Mỹ cần biết: ở Việt Nam không chỉ có Nguyễn Khánh lố bịch mà còn có những người nghiêm túc như Đại tá Nguyễn Thành Luân.