P - Chương
Bài báo kèm ảnh của Helen Fanfani trên tờ Financial Affairs được đăng lại trên tờ Washington Post – một trong những tờ báo có nhiều đọc giả và có thế lực nhất nước Mỹ và được tờ Thời luận của Nghiêm Xuân Thiện dịch, đã gây xôn xao trong dư luận Sài Gòn. Sáu tấm ảnh in hình sáu tử thi – đặc biệt tử thi một cô bé vị thành niên và một bà già - đặt ra một câu hỏi: Ai là thủ phạm? Fanfani không chỉ đích danh ai, song cách dẫn dắt người đọc của cô khiến người ta loại trừ những khả năng giáo phái hay Việt Cộng và quy các yếu tố vào hướng một nhóm cướp nào đó – một nhóm khủng bố có thế lực đó là cái gì và ai che chở. “Hình như đây là một hành động nhằm gieo sợ hãi trong dân chúng với một chủ mưu vạch sẵn chĩa vào các vùng bấy lâu chế độ Sài Gòn chưa đặt bộ máy cai trị một cách vững chắc.” – Cô viết như vậy.
Lập tức, Bộ Thông tin gọi Fanfani lên cảnh cáo. Sau đó Bộ Thông tin phổ biến một mẩu đính chính ngắn: “Vừa rồi báo Mỹ đã đăng một bài quanh vụ xóm Bầu Mây thuộc tỉnh Bình Dương bị một nhóm lạ mặt tấn công và sát hại sáu người vào đêm --. Bài báo có ý gây hiểu lầm về sự dính líu của nhà chức trách dân sự và quân sự địa phương. Bộ Thông tin được phép bác bỏ luận điệu đó. Nội vụ đang trong vòng điều tra.”
Đại sứ Durbrow không có ý kiến gì nhưng phó đại sứ William Porter không hài lòng bài báo của Fanfani. Ông bảo cô, nhân gặp trong một buổi tiếp tân: “Cô nên thận trọng, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa có toàn quyền trục xuất cô, nếu họ thấy cần.”
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa lại không trục xuất Fanfani. Luân về Sài Gòn sau đêm lên Bầu Mây, thông báo với Nhu những chi tiết mà anh lưu ý. Luân biết chắc là Nhu không chủ trương sử dụng đảng Rừng Xanh. Nhu bực bội khi nghe tin đảng Rừng Xanh quan hệ với Trần Vĩnh Đắt và sĩ quan Mỹ. Anh ta cảm giác người Mỹ chen vào nội bộ Việt Nam quá sâu, tự tung tự tác và cảm giác quyền lực sẽ vuột lần khỏi tay Chính phủ Sài Gòn. Tất nhiên, Nhu thừa hiểu người Mỹ hành động như vậy không phải vì lợi ích của Chính phủ Việt Nam.
Theo lệnh Nhu, Đại úy Phùng Quốc Tri bị cách chức tạm giam. Đồn Bình Thành thay chỉ huy.
Nhưng Nhu nghe lời khuyên của Luân, không đá động tới Trần Vĩnh Đắt, mặc dù Nhu căm phẫn: Nó là thứ ăn cháo đá bát. Đắt vốn có họ hàng xa với gia đình họ Ngô, từ một kẻ vô danh được nâng lên hàng đại tá, có nắm ngành công an. Vì Đắt bất tài lại lem nhem nên Nhu cho làm Nha Cải huấn kiêm chúa ngục Phú Lợi, một nhà giam lớn chuyên nhốt tội chánh trị. Đắt bất mãn...
Không đả động Trần Vĩnh Đắt, Nhu muốn sưu tra thêm để gí mũi William Porter những bằng chứng khiến không chối cãi nổi. Luân có yêu cầu khác: Cần qua Đắt mà tìm hiểu và xử lí bọn biệt kích Mỹ đang bắt đầu hoạt động ở vùng kháng chiến cũ.
Đồn trưởng đồn Bình Thành – một trung úy vừa mới ra trường được Luân giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân vệ ở các làng quanh đồn, tất nhiên có xóm Bầu Mây. Dân vệ được phát các khẩu súng mút Indochinois và mút Nhật với cơ số đạn hạn chế.
Bỗng nhiên, an ninh được cải thiện hẳn ở các vùng dân vệ. Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định tặng Thiếu tá Nguyễn Thành Luân đệ tam đẳng “Anh dũng bội tinh” có nhành dương liễu. Đó là vào tháng thứ hai Luân có mặt ở Bình Dương.
Luân đang cắm cúi đọc thông báo tình hình trong ngày trước khi họp với sĩ quan sở chỉ huy thì Thạch vào trình một thư. Luân bóc phong bì, liếc qua tờ giấy: Sự vụ lệnh của tướng Nguyễn Ngọc Lễ, phụ trách bảo an trong bộ Tổng tham mưu giới thiệu một trung tá tên Trần Viết Lượng có việc cần gặp Luân.
Trung tá trạc bốn mươi tuổi, khá đẹp trai, ăn mặc chải chuốt: bộ gabardine màu xám tro ủi phẳng phiu, nếp sắc cạnh, kêpi kiểu lục quân Mỹ, giày da bóng, tóc mượt brillantine.
Khi Luân vào phòng khách, trung tá Trần Viết Lượng đã ngồi tréo ngoảy trên chiếc ghế bành to nhất, phì phèo thuốc lá qua chiếc đót ngà voi cẩn vàng.
Theo quân luật, Luân chập gót chân chào khách. Trần Viết Lượng không đổi tư thế, chỉ nghiêng đầu ngó Luân, rõ ràng chứng tỏ ông ta là cấp trên và có quyền đón nhận sự tôn kính của kẻ dưới. Thậm chí, Lượng không thèm chìa tay cho Luân bắt.
- Thế nào? - Trung tá hất hàm hỏi bâng quơ, giọng Hà Nội.
Luân ngồi đối diện với ông ta.
- Anh định giữ Đại úy Phùng Quốc Tri đến bao giờ?
- Viên đồn trưởng đồn Bình Thành, có phải trung tá muốn nói về ông ta?
- Chứ có mấy Đại úy Phùng Quốc Tri?
- Thưa, đại úy Tri do tòa án binh thụ lí. Chỉ tòa án mới có quyền định đoạt số phận của ông ta.
- Chà! - Trung tá cười mỉa - Anh lấy luật pháp dọa tôi hả? Ai mà không biết ông kí lệnh giam đại úy. Người nào kí lệnh tống giam thì người đó kí lệnh miễn tố...
- Thưa, xin trung tá cho biết mục đích gặp tôi? - Luân thấy sự nhũn nhặn của anh như vậy là đủ.
- Anh tối dạ thế mà làm tư lệnh hành quân, kể cũng lạ! Tôi không lên Phú Cường để du lịch. Anh hiểu chứ? Đáng lẽ sáng nay tôi cùng phó đại sứ Mỹ William Porter đi thị sát Mỹ Tho, nhưng vì vụ đại úy Tri mà phải lên đây.
- Thưa, trung tá có mang theo quyết định của đại tá công tố ủy viên tòa án binh Sài Gòn ra lệnh trả tự do cho đại úy Tri không?
Trung tá Trần Viết Lượng tròn xoe mắt nhìn Luân, y như ông ta gặp một hiện tượng kì quặc - một người vượn chẳng hạn.
- Lại còn giấy với má! Tôi trực tiếp bảo anh. Không đủ sao? Sự vụ lệnh do tướng Lễ kí, không đủ sao?
- Thưa, không đủ! - Luân rắn rỏi.
- Quái! Anh là cái thá gì? – Trung tá ném cho Luân cái bĩu môi khinh miệt. ]
- Thưa, tôi là Thiếu tá Nguyễn Thành Luân! - Luân trả đũa.
- Thiếu tá! Thiếu tá... - Lượng nhại – To gớm chưa? Thôi, tôi chẳng có thì giờ đâu mà cãi chày cối với anh. Tôi muốn mượn Đại úy Phùng Quốc Tri vài tuần... Sẽ trả lại anh sau khi xong việc. Tính tôi bình dân, giá anh hỗn như thế với ông khác thì hoa mai của anh rụng liền... Bảo đứa nào đó đưa đại úy đến đây, cùng về bộ Tổng tham mưu với tôi... - Ông ta xem đồng hồ tay. - Tôi đợi mười lăm phút là tối đa...
“Thằng cha này ngu quá!” Luân nghĩ thầm, khẽ liếc khuôn mặt rất sáng sủa của trung tá Lượng.
- Xin trung tá cảm phiền, tôi bận họp!
Luân đứng lên, chập gót chân.
- Ủa! Còn việc của đại úy Tri? – Trung tá Lượng kêu lên.
- Thưa trung tá, luật pháp là luật pháp.
- Nghĩa là anh không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên?
- Xin lỗi, tôi chưa nhận được mệnh lệnh của cấp trên!
- Anh ngồi xuống. Tôi muốn nói thêm, may ra cái đầu của anh đỡ đần độn ít nhiều chăng.
Luân nán ngồi lại.
- Tôi nghe trung tá.
- Tại sao anh thích gây khó khăn cho chúng tôi! - Ông ta hỏi đột ngột và giọng cũng dịu hơn.
- Thưa trung tá, “chúng tôi” là ai? – Luân hỏi, hóm hỉnh.
- Chẳng lẽ anh không biết... - Ông ta ngừng ngang câu nói – Tôi rất khó hiểu vì anh đặt lệch trọng tâm bình định... Anh đánh Việt Cộng hay đánh ai?
- Thưa quyết định của Tổng thống giao tôi nhiệm vụ vãn hồi an ninh cả khu vực. Tôi đánh những cái gì phá rối an ninh hoặc dẫn đến phá rối an ninh.
- Tại sao anh quan tâm đến một cuộc hành quân tảo thanh và kết tội nó?
- Thưa, trung tá muốn nói cuộc hành quân nào? Nếu vụ tàn sát, đốt phá Bầu Mây là cuộc hành quân tảo thanh thì tôi quyết diệt nó từ trong trứng!
- Ái chà! Lớn lối dữ! Cái gì mà đốt phá, tàn sát? Chiến tranh mà không có chết người ư?
- Tôi nói chưa hết ý, thưa trung tá. Còn cướp bóc, còn hãm hiếp nữa.
- Nhưng, ai dạy anh nhân đạo với Cộng sản?
- Cộng sản? Ở đâu ra Cộng sản ở Bầu Mây? Em bé gái mười ba tuổi là Cộng sản? Trừng phạt Cộng sản bằng hãm hiếp trẻ nít à?
- Người ta nói với tôi anh chưa gột sạch đầu óc Việt Minh. Rõ là như vậy... Anh không cho vụ Bầu Mây là một cuộc tảo thanh mặc dù đúng là cuộc tảo thanh, nhưng chưa thành công. Bây giờ, càng khó thành công hơn vì chính anh phát súng cho chúng nó! Anh không chỉ phát súng riêng xóm Cộng sản Bầu Mây – Trung tá Lượng rít lên. Cái vẻ công tử của ông ta biến mất.
- Thưa, trung tá, tôi là gì, tự tôi và tự hành động của tôi chứng minh. Người Pháp thua trận bởi họ có kiểu lập luận mà trung tá nhại lại. Trung tá định đào huyệt chôn luôn Việt Nam Cộng hòa? Làm sao có thể công nhận những hành động gian ác là vì chính nghĩa quốc gia? Làm sao có thể tưởng tượng chính nghĩa quốc gia lại bắt tay với bọn cướp? Chúng ta có luật pháp, có hiến pháp, thưa trung tá?
- Có phải bao giờ cũng khư khư theo luật pháp, hiến pháp?
- Tôi hiểu cái đảng mang tên Rừng Xanh thì cần gì luật lệ.
- Một trung đoàn phó Việt Minh có thể trở thành Tư lệnh hành quân của Việt Nam Cộng hòa thì tại sao đảng Rừng Xanh lại không đứng được dưới cờ chính nghĩa?
- Được! Với điều kiện không đốt nhà, giết người, hãm hiếp!
- Nếu tôi nói với anh là Đại úy Phùng Quốc Tri chấp hành mệnh lệnh ở trên, thì anh bảo sao?
- Tôi lôi cấp trên đó ra tòa!
- Anh kiêu ngạo quá! Hẳn anh ngỡ dựa vào gia đình Tổng thống là anh có thể làm trời!
- Thưa trung tá, tôi còn chỗ dựa vững hơn: lương tâm của tôi!
Trung tá Trần Viết Lượng cười như thương hại Luân.
- Lương tâm? Lấy ở đâu ra cái của hiếm như vậy?
- Đúng! – Luân dằn mạnh từng tiếng – Không dễ gì tìm sự công bằng trong thời buổi mà cái bắt đầu có thể là cái kết thúc, kẻ ra vành móng ngựa có thể xứng đáng ngồi trên ghế thẩm phán. Song, thưa trung tá, trung tá hẳn biết câu ngạn ngữ Pháp: “L’exception confirme la règle(). Tôi có quy tắc của tôi.
() Sự ngoại lệ xác định quy tắc
Trung tá Trần Viết Lượng đứng lên.
- La dialogue des sourds() chẳng đi đến đâu. Tôi chúc thiếu tá – Ông ta muốn tỏ cho Luân biết mình cũng có trình độ văn hóa và lần đầu, gọi Luân theo cấp bậc, thái độ ôn tồn – Hạnh phúc với quy tắc của mình, một quy tắc, xin lỗi thiếu tá, tôi bắt chước thiếu tá dùng một hình tượng: ảo ảnh!
() Cuộc đối thoại của những người điếc
Ông ta nện mạnh đế giày trên thềm. Luân quay lại văn phòng với xấp thông báo, miệng hơi mỉm cười: tống giam đại úy Phạm Quốc Tri “chạm nọc” cơ quan cao nhất của biệt kích Mỹ. Cái mà gã Trung tá ngập ngừng là mật hiệu SSI - Special service number one() một tổ chức thuộc CIA quản lí, hoàn toàn không có một dấu vết công khai.
() Đặc vụ số .
Luân chưa đọc được nửa trang giấy. Thạch lại cho hay: Ly Kai và một người nữa xin gặp.
Nghe vậy, Luân đinh ninh hôm nay chạm mặt trực tiếp với Dương Tái Hưng. Tốt thôi, anh muốn biết gã người Hoa, nhân viên tình báo quốc tế đẳng cấp cao nầy định làm gì với anh.
Nhưng, gã người Hoa mà mà Luân gặp không phải Dương Tái Hưng.
- Xin giới thiệu với ông kĩ sư, đây là thương gia Bá Thượng Đài...
Người Hoa mặc Âu phục sang trọng, tướng phốp pháp, cúi gập người chào Luân.
Luân suy tính: Tại sao Ly Kai đưa Bá Thượng Đài lên đây. Anh từng nghe tiếng Pô Xường Thài “vua sắt.”
- Thưa ông kĩ sư, ông Bá Thượng Đài nói rõ tiếng Việt nếu có thể, xin ông kĩ sư nói tiếng Quảng hoặc Tiều... – Ly Kai nhớ câu nói tiếng Hoa của Luân trong đại hội văn hóa toàn quốc.
Theo Bá Thượng Đài, ông ta gặp Luân để xin mua sắt vụn - chủ yếu là các xe vận tải và xe tăng trong chiến tranh Việt - Pháp rải rác dọc đường từ Thủ Dầu Một lên Chơn Thành.
- Sắt vụn đó bỏ ngoài trời uổng quá! - Ly Kai tán – Bán cho ông Bá đây, bảo an tỉnh cũng có lợi.
Ly Kai khôn ngoan, không đặt việc mua bán nầy thành lợi riêng cho Luân. Nhưng, Luân muốn hiểu đích xác ý nghĩa của việc mua bán nầy – nhất định không chỉ vì mua bán.
- Tôi chưa thể trả lời ngay với ông. – Luân nói - Nhưng tôi nghĩ không có gì trở ngại lắm. Nếu tôi đồng ý, ông sẽ thu nhặt số sắt vụn đó như thế nào? – Luân quyết định thăm dò - Xác xe không chỉ nằm ven lộ mà có chỗ cách đường đến vài cây số.
- Tôi mượn một bộ phận của hãng RMK – BRJ có xe tải, cần cẩu làm việc nầy... Miễn ông kí giấy cho phép chúng tôi đi lại dễ dàng khắp vùng mà bộ tư lệnh hành quân của ông phụ trách. - Bá Thượng Đài mừng rỡ, tuôn một thôi tiếng Quảng.
- Được! Khi thu xếp xong thủ tục với Phòng Phế liệu thuộc Bộ Quốc phòng, tôi sẽ liên lạc ở địa chỉ nào?
Bá Thượng Đài đưa cho Luân tấm danh thiếp. Ông ta cám ơn và nhã nhặn mời Luận, khi về Sài Gòn đến nhà ông ta, bất cứ lúc nào, miễn điện thoại cho hay trước.
Họ ra về, Luân khẳng định thêm: Ly Kai và Bá Thượng Đài mượn cớ mua sắt vụn để dòm ngó vùng rừng, điều đó dính đến đảng Rừng Xanh và SSI. Nhưng, dính như thế nào Luân chưa nghĩ ra.
Cuộc họp với sĩ quan sở chỉ huy không có gì quan trọng. Công việc ủi đường của công binh đã bắt đầu từ Lộc Ninh sang phía tây, mỗi ngày tiến được vài trăm thước nói chung rất chậm. Sĩ quan chỉ huy xin bảo vệ, nhưng bộ tư lệnh hành quan cho là không cần thiết. Địa hình của vùng đó mấp mô, nhiều đồi, suối, sự chậm chạp dễ hiểu. Trong ngày hôm qua, không có một va chạm nào với lực lượng vũ trang lạ mặt ở cả ba tỉnh. Ngoại trừ truyền đơn kí tên “lực lượng vũ trang tự vệ miền Nam kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa – hãy đoàn kết với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và quan thầy của chúng là đế quốc Mỹ.”
Trung úy Vi lo le một tờ báo. Anh ta nửa muốn trình với Luân nửa lại ngại:
- Việc gì? - Luân bắt gặp cử chỉ lúng túng của Vi.
- Dạ, tờ báo Việt Cộng... - Vi trả lời.
- Rồi sao?
- Có bài nói về thiếu tá.
- Vậy hả... Trung úy đọc ọi người nghe.
Đó là bài bình luận, nhan đề: “Vạch trần âm mưu thâm độc của tên Nguyễn Thành Luân.” Phần đầu, bài bình luận nhắc việc làm của Luân: tổ chức dân vệ vũ trang ở các xóm, ấp. Phần sau phân tích việc làm đó: một thủ đoạn nhằm quân sự hóa nhân dân, kiểm soát thôn xã, bắt lính. Kết luận, bài báo không tiếc lời xỉ vả Luân, nào là tay sai đế quốc Mỹ, nào là tôi tớ gia đình Ngô Đình Diệm và hô hào trừng trị Luân.
Nghe đọc xong, Luân giữ tờ báo. Những sĩ quan có mặt đều nhất trí đánh giá: Luân mất tinh thần trước sự hăm dọa của Việt Cộng. Họ ái ngại cho Luân. Ai chớ Việt Cộng hăm dọa, không phải để chơi.
Ăn trưa xong, Luân mang tờ báo ra đọc lại. Tờ báo khổ giấy manh học trò, in sáp, tên là “Hòa Bình – Thống Nhất, tiếng nói của nhân dân tỉnh Bình Dương” bốn trang. Ngoài các tin tức địa phương, tất cả là tin tố cáo về tề lính cướp giật, hiếp đáp dân chúng- có tin toàn miền, tin miền Bắc và thế giới. Bài bình luận về Luân thay cho xã luận.
Luân bồi hồi trước tờ báo: Những khó khăn của các đồng chí để có được một công cụ thông tin – đôi khi đổi bằng máu. Tờ báo đơn sơ – có thể nó là thô sơ – song nó xúc động Luận. Anh cảm thấy gần gũi với đồng đội tại vùng rừng nầy khi cầm tờ báo trong tay.
Bài bình luận – nhất định ở tỉnh Bình Dương chỉ đạo, ban tuyên huấn viết – là một hỗ trợ đối với Luân, ít nhất xét từ mục đích của các đồng chí tỉnh Bình Dương. Song, bài viết tưởng là chặt chẽ, lại sơ hở. Bởi vì số người gia nhập dân vệ không ít - và đây phải là kết quả thực hiện một nghị quyết bí mật của tỉnh ủy - có thể buộc những người như Nhu và CIA lưu ý. Đáng lí không nên có bài bình luận, cứ lờ đi thì tốt hơn.
Trong hoàn cảnh của Luân, anh không thể nào liên lạc được với tỉnh ủy. Tin thông báo mỗi ngày: tỉnh ủy thường qua lại vùng An Điền, An Tây, Phú Thứ... Bí thư tỉnh ủy là Ba Đợi – Luân chưa rõ là ai.