Ván Bài Lật Ngửa

12

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

P - Chương

Vụ mưu toan đầu độc Đại úy Phùng Quốc Tri bị phát giác. Thức ăn dành riêng cho đại úy khi vứt cho chó ăn chó hộc máu, chết lăn, trước mắt Tri.

Luân đích thân điều tra. Thức ăn gửi từ ngoài vào nhưng Tri không có bà con, đó là giỏ thức ăn đầu tiên đề tên ông ta.

Nhân viên trại giam, không tài nào nhớ tên thân nhân thăm nuôi tù hằng tuần. Công việc điều tra gần như bế tắc.

Đại tá Trần Vĩnh Đắt chỉ báo với Luân bấy nhiêu “Người ta định bịt mồm Tri, khả năng nhiều nhất là đánh thuốc độc vào thức ăn.” Đánh thuốc độc bằng cách nào, Đắt cũng không rõ, nhóm sĩ quan Mỹ hóa trang nhân viên dân sự làm việc trực tiếp với phó đại sứ Mỹ William Porter, thường trực trong trại giam Phú Lợi. Nhưng, những sĩ quan Mỹ không thể trực tiếp đánh thuốc độc. Luân nghĩ đến Trần Viết Lượng. Rất có thể. Phán đoán vậy thôi, lấy chứng cứ gì để buộc tội viên trung tá hống hách nầy?

Người lóe lên ánh sáng lại là Tri. Trong lúc dấu vết mờ mịt, Luân chợt nhớ đến Tri. Anh cho gọi viên đại úy lên văn phòng. Phùng Quốc Tri bị giam, người không đỏ au như trước.

- Anh thấy rõ có kẻ muốn hại anh. – Luân nói - Nếu không kịp thời ngăn ngừa, anh đã bị giết...

- Tôi sẽ chết như con chó! - Tri chua chát.

- Tôi rất muốn phanh phui việc này và cũng muốn mở cho anh con đường sống. Anh hãy nhớ kĩ xem ai có thể nhẫn tâm giết anh. Nuôi ý định giết anh thì chắc nhiều người, song ai có điều kiện xuống tay nhất? Tôi xem anh như người cộng tác với tôi tìm ra sự thật. Bằng công trạng đó, tôi hứa sẽ cứu xét trường hợp anh với nhiều đặc ân, thậm chí có thể anh khỏi ra tòa.

- Đại tá Trần Vĩnh Đắt! – Tri quả quyết.

Luân lắc đầu.

- Tôi đã nghiên cứu kĩ, đại tá Đắt không định hại anh. Hoặc, nói chính xác, ông ấy không trực tiếp hại anh...

Tri nhíu mày.

- Anh nhớ cho: các món ăn đưa vào có phải là các món anh thích không? Ai biết anh thích các món đó? Những món gì nào? Thịt bò bít tết, giò chả, thịt đông, giả cầy, thuốc độc trộn vào giả cầy... Phải là người biết anh thích giả cầy...

- Tôi biết rồi! – Tri thét to – Con mụ Yến Thu!

- Tại sao là Yến Thu?

- Một lần Trung tá Vũ Thành Khuynh thết tôi. Chả là bọn lang bạt ở Bắc Việt với nhau. Bữa ăn thiếu món giả cầy mặc dù trung tá nói trước là bữa ăn sẽ hoàn toàn địa phương. Tôi cười: Phi giả cầy bất thành đại tiệc... Yến Thu ngồi đó, hỏi tôi tại sao thích giả cầy: tôi giảng giải ụ nghe. Lần sau vợ chồng mụ thết tôi món giả cầy thực ngon...

- Cám ơn anh! – Luân dịu dàng – Tôi đã dặn trại giam chăm sóc anh. Đề phòng thức ăn đã đành, còn đề phòng nhiều thức khác. Người ta dám sả vào anh một băng tiểu liên nếu có dịp. Đề phòng tốt nhất là tự anh, hễ thấy có điều gì khác thường phải báo ngay. Tôi giữ lời hứa: anh sẽ được giảm tội...

Phùng Quốc Tri rơm rớm nước mắt khi từ giã Luân. Tuy Luân nắm được kẻ gửi thức ăn tẩm độc cho Đại úy Phùng Quốc Tri, song đó, chỉ là tính hợp lí của suy luận. Chưa đủ buộc tội con mụ nhiều mánh khóe này.

“Yến Thu dùng ai đưa giỏ thức ăn vào khám?”

Luân hút hết gần một gói thuốc mà vẫn bí rị.

“Phải có Dung ở đây, cô ấy sắc sảo hơn mình.” Luân nói thầm.

Có thể người nhà của Yến Thu. Không, cô ả đời nào dám dùng người nhà. Tài xế của Vũ Thành Khuynh! Không! Cận vệ ông ta! Không! Ai?

Việc này không phải là sáng kiến của Yến Thu. Ả không có lí do. Vậy sáng kiến từ hai sĩ quan Mỹ hoặc tay trung tá Trần Viết Lượng.

Trung úy Vi cung cấp cho Luân tài liệu: Trần Viết Lượng thỉnh thoảng hò hẹn với Yến Thu, song không mê. Trái lại, hai sĩ quan Mỹ - một trung tá tên Mac Kinsey và một đại úy tên Henry Forward thì say mê say mệt con mụ. Đại úy Tình, bị cách chức quận trưởng Dầu Tiếng là người đầu mối. Tình đang làm việc ở trại Phú Lợi - hắn phụ trách phòng giao thiệp với thân nhân các người tù.

Luân gọi Tình đến văn phòng. Anh quyết định phủ đầu.

- Theo tài liệu của cảnh sát, đại úy đã nhận giỏ thức ăn của bà Yến Thu gửi cho Đại úy Phùng Quốc Tri. Tôi đã đủ bằng cớ...

Nếu Tình chối thì Luân cũng không đưa ra được bằng chứng nào. Nhưng Tình nhận:

- Thiếu tá thương giùm em... Bà Yến Thu, các ông Mỹ biểu em... Em đâu có thù oán gì ông Tri.

Kí tên vào lời cung xong, Tình được thong thả. Luân chỉ dặn Tình: không nói với bất kì ai, nếu muốn không vào tù...

... Luân sang nhà tỉnh trưởng ăn cơm chiều. Tất nhiên vợ chồng Vũ Thành Khuynh cực kì hoan hỉ.

Vũ Thành Khuynh từ sáu tháng nay tựa như người ngồi trên lửa. Phủ Tổng thống coi như tỉnh Bình Dương không có viên tỉnh trưởng nào trên ông. Công việc của tỉnh đoàn bảo an lại chạy đều đều. Theo đẳng cấp, ông chỉ huy Nguyễn Thành Luân, song chưa bao giờ ông dám hé môi. Bình định là một thứ nghề không phải trời sinh ông để gánh vác. Trong thâm tâm ông phục Luân. Điều mà ông cầu Chúa che chở là Luân bỏ qua cho ông những vụ áp phe về rừng – đụng vào đâu cũng có - và về quân số ma – tổng số thật của bảo an tỉnh chưa đến % báo cáo giấy để nhận lương và trang cấp.

Yến Thu, sau lần sang tận văn phòng Luân, không có dịp nào gặp Luân. Trung úy Vi mô tả Luân như con người lạnh lùng với đàn bà. Ả cố gắng mời Luân đến chơi nhà ả, nhưng Luân chỉ đến tiền sảnh, làm việc xong là về. Đại tá Đắt dặn ả cẩn thận: Luân dám tống ả vô khám nếu nắm được các mối làm ăn của ả.

Yến Thu nửa tin nửa ngờ. Trong tỉnh Bình Dương nầy ả muốn “chài” ai mà chẳng được.

Cho nên, Yến Thu để cả tiếng đồng hồ trang điểm. Nhất định cho Luân vào tròng.

- Anh đừng có ghen em nhen! - Ả dặn Vũ Thành Khuynh – Anh giả say đợi khi nào em ra hiệu, anh xông tới bắt tại trận. Gã chịu phép rồi ta buộc gã làm tờ tự thú, sau nầy muốn xỏ mũi gã tới đâu gã cũng phải đi.

Vũ Thành Khuynh mê tín người đàn bà lão luyện nầy. Trò gì ả bày ra, Khuynh cũng cho là hay. Vả lại, đúng là ả xỏ mũi Trần Vĩnh Đắt bằng một việc nhỏ nhưng không nghĩ tới: chụp ảnh Đắt đang ôm ghì ả và ả đang giãy giụa mặc dù chính ả mời mọc Đắt.

Bữa ăn bày ở sân sau, ngay cửa vào phòng ngủ của Yến Thu... Cửa hé mở, hiện ra chiếc giường lò xo trải drap trắng muốt. Vợ chồng Khuynh mời Luân ở vị trí ngó thẳng vào phòng.

Yến Thu sóng đôi với Luân, còn Khuynh thì đối diện, ả liền miệng khoe các món ăn do ả nấu, tự tay gắp thức ăn cho Luân. Uống vài chập rượu, Vũ Thành Khuynh tựa ghế, thở dốc.

- Ông trung tá dở rượu lắm. Sắp ngáy rồi! - Yến Thu thỏ thẻ, vừa nép người sát Luân vừa liếc vào phòng.

- Ngon quá! Yến Thu nấu ngon thật! – Luân khen.

- Yến Thu vì ai mà nấu ngon, anh biết không?

Luân gật đầu, Yến Thu dấn lên một bước, kề môi vào tai Luân, thì thào:

- Yến Thu yêu anh từ khi mới gặp lần đầu!

Luân tức cười trong bụng: ả sắp gọi mình là “hoàng tử của lòng em” như gọi trung úy Vi! Ả quá sành sỏi nghề đàng điếm, chỉ có một khuyết điểm là không phân biệt ai với ai...

- Yến Thu chưa thật yêu tôi đâu! - Luân nói đủng đỉnh, không cần hạ thấp giọng trước Vũ Thành Khuynh.

- Yêu thiệt mà! Nhớ chết được... người gì...

Yến Thu đóng vai gái nhà lành khá vụng, còn đóng vai gái yêu đương thơ ngây còn vụng hơn. Ả đi vào bài ngay – cầm tay Luân đặt lên đùi trần của ả.

- Nếu yêu tôi, sao bữa ăn thiếu món mà tôi thích?

- Anh thích món gì?

- Tôi thích món giả cầy... - Giọng Luân bình thường.

- Chèn đét ơi! Yến Thu đâu có dè... Chiều mai, món đó. Vậy mà không chịu nói...

Yến Thu uốn éo người, bắt đầu giả bộ thở hổn hển.

- Yến Thu tự làm?

- Thôi mà đừng hỏi nữa... Yến Thu làm chớ ai. Bây giờ anh... - Ả làm như sắp mê sảng...

- Nhớ làm giả cầy... một phần Yến Thu gửi cho Đại úy Phùng Quốc Tri, như hôm nọ.

Yến Thu đang đinh ninh giờ phút Luân đầu hàng sắp điểm, sửa soạn một động tác quyết định. Nghe Luân nói, ả sựng mấy giây và rùng mình.

- Anh... Anh... - Ả lùi khỏi Luân.

- Tôi biết. Đại úy Tình khai rồi! – Luân ngó ả độ lượng.

- Ông… - Đôi mắt to gắn lông mi giả bình thường biêng biếc, bấy giờ một màu trắng.

Vũ Thành Khuynh ngồi thẳng người, tự hỏi không biết nên tiếp màn kịch như thế nào?

Luân đứng lên khẽ xoa đầu Yến Thu:

- Cũng không có gì quá nguy hiểm, nếu bà nói thật. Tôi đảm bảo với bà...

P - Chương

Dung đi làm về, sớm hơn mọi hôm. Như thói quen, mỗi khi Luân vắng nhà, cô nằm trên chiếc ghế xếp đặt ở hàng hiên nghe buổi phát thanh của đài Hà Nội qua một máy thu nhỏ mà cô kề sát tai. Đài đang truyền tin tức miền Bắc sửa soạn kỉ niệm Cách mạng tháng Tám. Khu gang thép Thái Nguyên đang san mặt bằng - cái nồi luyện kim của cả nước dần dần tượng hình. Công trình Bắc Hưng Hải ráo riết thi công... Sau phần tin là phần ca nhạc. Những bài hát cũ – chúng gợi lại kí ức Dung thuở cô còn niên thiếu xếp hàng đếm một hai qua các phố - như “Cùng nhau đi Hồng binh,” “Tiếng gọi sinh viên,” “Lên đàng,”… rồi “Sông Lô,” “Du kích sông Thao,” “Hành quân xa”... Thuở cô, cũng như bây giờ - chỉ dám hát khe khẽ giữa thủ đô tạm chiếm. Và “Chiến thắng Điện Biên” sôi sục – lúc ấy cô đang học trường nghiệp vụ của Bộ, “Cô thợ hàn” là bài cô thích, ngọt ngào làn điệu.

Đèn đường đã bật. Chị Sáu đặt mâm cơm lên bàn. Sắp sửa phải ăn và Dung sẽ đối diện với chiếc ghế trống. Dẫu sao, vẫn phải chờ anh ấy gọi về nói chuyện dăm ba câu. Dung cảm thấy như Luân cùng ăn cơm tối với cô.

Từ khi lên Bình Dương, ngày bốn lần – trừ những ngày Luân đi khỏi tỉnh lị - hai người gọi điện cho nhau, hỏi thăm sức khoẻ. Hằng tuần, Luân về, cũng có tuần anh xin lỗi Dung.

Dung lên Bình Dương không nhặt lắm, công việc của một người đều bận rộn.

Chuông điện thoại reo:

- Hôm nay, ông kĩ sư gọi về sớm. – Chị Sáu nhận xét. Chị trở thành người chí thân của gia đình.

- Alô! - Dung vội vàng nhấc máy.

Chị Sáu thấy Dung cau mày. Không phải ông kĩ sư rồi! Dung nói một câu nước ngoài mà chị Sáu không hiểu.

- Ông James Cassey! – Dung gác máy, bực bội.

- Ổng đến nhà ta! - Chị Sáu lo lắng.

- Ông ấy muốn như vậy, song tôi bảo là anh Luân không có nhà, đợi lúc nào anh Luân về.

Gần như cách một ngày James Cassey lại gọi Dung.

Lúc đầu, Dung còn lịch thiệp, về sau cô thấy không thể tiếp tục để bị phá rối, nên sẵng giọng. Vậy mà tên Mỹ vẫn lì lợm.

- Sau này, cô để tôi nghe. Tôi mắng cho ổng một trận... - Chị Sáu càu nhàu, mặc dù chị sẽ mắng bằng tiếng Việt, còn James Cassey hiểu hay không thì thây kệ hắn.

Điện thoại reo lên:

- Bây giờ thì chắc ông kĩ sư! Không biết chừng ông về ăn cơm với cô... - Chị Sáu vui hẳn.

Dung nhấc máy:

- A lô! Em nghe đây... Ủa! Xin lỗi.

Chị Sáu cụt hứng, ngó chiếc điện thoại trân trối.

- Thưa phải! Tôi là Madame Luân đây... Ông là… Xin chào bác sĩ... Chuyện chi ạ?

Mặt Dung từ đỏ hồng chuyển sang xanh tái, tay run bần bật. Chị Sáu bước đến cạnh Dung.

- Gì đó cô?

Dung vứt ống nghe chạy vút vào phòng, nói trong nước mắt.

- Anh Luân bị thương nặng...

- Ở đâu? Bị thương... có hề chi không?...

Dung không trả lời chị Sáu. Cô thay vội quần áo, cầm ví tay và chiếc áo choàng, nhảy ba bước một đến garage.

- Bị thương nặng, đang ở bệnh viện... Tôi sẽ điện thoại về.

Dung nói bấy nhiêu và chiếc Open vọt ra cổng, quẹo gấp, bánh xe bật tiếng rít rờn rợn.

Bác sĩ ở Thủ Dầu Một báo với Dung một tin khủng khiếp: Thiếu tá Nguyễn Thành Luân trong khi thi hành công vụ bị thương nặng đang hấp hối ở bệnh viện.

Dung ra đường Phan Thanh Giản, rẽ sang Đinh Tiên Hoàng, vượt Cầu Bông, qua Bà Chiểu, cô lái xe hoàn toàn theo quán tính, cầu Bình Lợi...

Trời tối hẳn. Chiếc Open xé màn đêm, càng lúc càng nhanh. Đường vắng ngắt. Dung nhấn thêm ga. Kim đồng hồ vọt lên trên con số một trăm. Cô vẫn thấy chậm...

- Anh ơi! - Dung kêu khe khẽ. Cái mất mát mà Dung đoán có thể xảy ra; bây giờ đã xảy ra. Anh ấy hôn mê... Còn kịp gặp mặt không? Tất cả những gì mà Dung và Luân tuân theo kịch bản bỗng vô nghĩa. Luân là người yêu, là chồng của Dung – đó là cái đọng lại lớn nhất, trọn vẹn nhất vào giờ phút nầy – em chết mất, anh ơi! Thương anh lắm... Anh của em...

Dung nói với Luân, mắt dán về phía trước, theo ánh đèn pha.

Lái Thiêu. Đúng. Những thị trấn như sợ hãi, nép bên lề trước tốc độ điên cuồng của chiếc Opel.

Cũng đúng vào chiều ấy, Luân mang xấp báo lại gần điện thoại. Giờ nầy, hẳn là Dung chưa về. Luân tranh thủ đọc tin trong ngày. Tờ Tiếng chuông chạy tít to: Quân đội Cộng hòa tảo thanh phía bắc Bình Dương, chạm súng với nhiều toán võ trang lạ mặt.

Tin ở đâu ra? Luân khó chịu. Đúng, sẽ có cuộc tảo thanh lớn – lớn nhất trong chiến dịch “Cơn hồng thủy” - nhưng súng lệnh chưa phát. Mấy hôm nay, Luân cho nghi binh ở vùng Lái Thiêu, An Sơn, phía nam tỉnh. Kẻ nào tiết lộ trọng điểm phía bắc tỉnh, báo cho bọn Rừng Xanh.

Không chỉ tờ “Tiếng chuông” mà các báo khác cũng loan tin na ná. Luân không đọc báo nữa, suy tính.

Từ tầng lầu trên của sở chỉ huy, Luân thấy rõ con sông Sài Gòn nhận nước qua những trận mưa dầm cuồn cuộn đổ về xuôi. Chắc chắn là các con suối dâng cao cắt đường xe vào rừng. Phải hành quân thâu đêm mới kịp tập kết quân nơi quy định, nhất là pháo.

Luân chờ báo cáo của các mũi.

Bất kể như thế nào, không sửa đổi giờ nổ súng được nữa, chỉ phải bổ sung mệnh lệnh: Địch có thể phân tán trên một khu vực rộng hơn dự kiến ban đầu.

Có tiếng điện thoại reo, Luân cầm máy, tươi cười. Dung gọi anh đây...

- A lô!... - Nhưng, Luân bỗng hoảng hốt - Chị Sáu đó hả? Luân đây... Không, tôi vẫn bình yên... Ai báo? Bệnh viện? Dung đi hồi mấy giờ? Thôi được, chị chờ đó... Hễ Dung về chị gọi điện cho tôi liền...

Luân bấm chuông khẩn. Trung úy Vi và Thạch hối hả lên lầu.

- Một kẻ nào đó gọi điện thoại cho nhà tôi báo tôi bị thương nặng, đang hấp hối ở bệnh viện Thủ. Cô ấy hấp tấp tự lái xe lên đây, đi được nửa giờ... Nửa giờ mà chưa đến chắc chắn cô ấy bị bắt cóc.

Luân run giọng, mặt anh tái hẳn.

- Báo động liền, thưa thiếu tá! - Vi toan quay lưng.

- Khoan!... Theo tôi, cô ấy bị bắt cóc ngay khu rừng chồi ngoài thị xã... Chỉ có chỗ đó thôi... Chú Thạch gọi gấp Lái Thiêu hỏi có thấy chiếc Opel sơn màu xám tro, nếu chưa thì ngăn lại giúp.

Thạch lao xuống lầu.

- Em nghi ông Trần Vĩnh Đắt! - Trung úy Vi nói.

- Không phải! - Luân lắc đầu – Bây giờ trung úy dùng bộ đàm ra lệnh cho các đơn vị đóng gần khu rừng... Tránh nổ súng, chỉ kêu gọi đầu hàng...

Vi quay xuống Thạch lên: Chiếc Opel BBL qua khỏi Lái Thiêu hồi chạng vạng..

- Chú điện ngay cho quân trấn Lái Thiêu giữ chiếc xe ấy nếu nó trở lại và báo về đây. Chú dẫn hai tiểu đội lùng sục khu rừng...

Một lúc sau, chiến Land Rover nổ máy... Thạch khoác tiểu liên nhảy lên xe.

Trước Dung, một cái dốc ngắn. Qua khỏi dốc này và khu rừng chồi, đã là rìa của thị xã. Nhiều lắm, năm phút nữa. Dung sẽ tới bệnh viện, cầu mong anh ấy không đến nỗi trầm trọng. Đây rồi, tấm bảng to: Phú Cường km.

Đèn pha quét đỉnh dốc: một tốp người ra dấu bảo xe ngừng. Tuy bực mình, Dung vẫn giảm tốc độ. Một tốp quân nhân, có thể là quân cảnh. Ba người tiểu liên trên tay.

Dung hãm xe, vẫn để máy nổ, thò đầu ra:

- Xin lỗi, tôi có việc gấp!

Một sĩ quan, cầu vai đính hàm đại úy, người dong dỏng cao, trắng trẻo đưa tay lên vành mũ chào Dung.

- Thưa bà, - Đại úy nói giọng Hà Nội rất lễ phép song Dung cảm thấy giọng ông ta hổn hển như quá xúc động. - Chúng tôi thuộc Bộ tư lệnh hành quân, xin bà cho xem giấy tờ.

- Thế à? Ông ở Bộ tư lệnh... Ông có thể cho biết tình trạng của thiếu tá chỉ huy trưởng hiện nay ra sao?

Dung hỏi, hơi rụt rè. Cô ngó mặt đại úy, mong chờ một tin vui.

Đại úy nhún vai, lạnh lùng:

- Tôi không biết, xin bà cho xem giấy tờ.

Giọng ông ta bây giờ đã bình thường và Dung mang máng hình như đã nghe giọng này ở đâu đó một lần.

Dung đành phải chìa giấy ra. Xem xong, đại úy bảo:

- Phiền bà xuống xe, chúng tôi cần khám xe.

Dung mở cửa, xuống xe, cầm theo chiếc ví, và trong một thoáng Dung hiểu tất cả:

- Chính ông! Đúng rồi!... Tôi không thể nhầm lẫn giọng nói của ông được. Chính ông điện thoại cho tôi vừa rồi! Chưa chắc ông chỉ là đại úy. Sao không đeo cấp hiệu cao hơn cho phù hợp với tuổi tác và tư thái của ông... Sao? Các ông định làm gì tôi, nào?

Dung nghiêng đầu, hơi mỉm cười.

Một người đã lên chiếc Opel

- Các ông cướp xe?

- Không – Gã đại úy trả lời - Chỉ tạm giấu xe bà ở nơi an toàn. Sau nầy, khi mọi việc xong xuôi, xin hoàn trả xe lại nguyên vẹn. - Gã cười khá lẳng - Cũng như xin trả bà lại nguyên vẹn... với điều kiện mọi việc xong xuôi.

Chiếc Opel quay đầu, lao xuống dốc, chỉ còn để lại chấm đỏ nhỏ dần.

- Dù sao, tôi cũng phải cám ơn ông. – Dung nói bình thản – Ông đã trút cho tôi gánh nặng: chồng tôi vô sự.

- Rất khâm phục xét đoán đặc biệt nhanh và sắc xảo của bà! - Gã đại úy nói - Trước hết tôi nhận sai sót đã làm bà lo sợ về tin ông gặp chuyện chẳng may, kế đó, lại đường đột gặp bà trên đỉnh ngọn đồi hoang vu này. Tuy vậy, sẽ không có bất kì một xúc phạm nào với bà. Chúng ta cần thương lượng...

- Chúng ta? Tôi không có gì phải thương lượng với các ông cả.

- Có chứ! Rồi bà sẽ hiểu ngay. Đã thương lượng thì phải ngồi vào bàn. Xin mời bà quá bộ vào trong kia, cũng gần đây thôi.

Khu rừng chồi khoác màu nâu sẫm, từng đàn đom đóm lập lòe... Biết cưỡng lại cũng vô ích, Dung bước theo lối mòn nhỏ..

- Bà thông cảm cho, đón tiếp một phụ nữ đẹp như bà mà phải chọn chỗ này là vạn bất đắc dĩ... Ngay trên mặt lộ cũng không tiện vì có thể xe tuần cảnh và trong thương lượng, chúng tôi không thích bà lại chiếm ưu thế...

Dung biết bọn nầy sợ.

Cách đường chừng vài mươi bước. Dung bước vào vùng mồ mả hình như vô chủ.

- Thương lượng giữa vùng cổ mộ, đó là các ông thêm thắt cho nó li kì hay định tra tấn tinh thần tôi? Nếu với ý định sau, các ông sẽ thất vọng vì thuở bé tôi vẫn thường vào chơi các khu mồ mả...

- Bà gan dạ lắm, bà thiếu tá. – Gã đại úy rõ ràng khó chịu trước thái độ xem thường bọn gã của Dung.

- Trò chơi thú vị đấy! - Dung vẫn cười cợt – Tiếc là bài toán của ông nhiều sơ hở quá, tỉ như các ông chọn khu rừng chồi này, nơi duy nhất có thể cho phép các cuộc bắt cóc. Và chiếc Opel quay về, biết đâu giờ nầy, người lái xe đã bị bắt và chừng mấy phút nữa, các ông sẽ bị bao vây...

Gã đại úy nổi cáu:

- Bà không được lắm lời... Có thể chúng tôi có sơ hở, song bà đang nằm trong tay chúng tôi.

- Ai nằm trong tay ai, rồi mọi sự sẽ rõ. Ông gọi điện cho tôi xong, hộc tốc phóng môtô đến đây... Đúng không! Ông kinh ngạc lắm sao? Dễ quá mà! Dấu bánh xe nguệch ngoạc trên mặt đường đã tố cáo các ông... Tôi hơi chậm hiểu một tí, nhưng khi nhìn thấy dấu môtô là biết ngay các ông định giở trò gì rồi..

- Bà nói khẽ cho, nếu bà muốn được cư xử lịch sự! - Gã đại úy gằn giọng - Bây giờ đến nơi rồi…

Đó là một khoảng đất trống nhỏ giữa khu rừng chồi có vài ngôi mộ xây đá đỏ, hiện lờ mờ dưới ánh trời cao.

- Hóa ra thương lượng không quanh một chiếc bàn dù tròn hay vuông. Lịch sử ngoại giao đành phải có từ mới: hội nghị đứng! – Dung vẫn đùa.

- Bà có thể ngồi trên thành mả.

- Tất nhiên... - Dung trải chiếc khăn tay, ngồi xuống – Trò chơi của các ông sẽ phản lại các ông... Tôi cam đoan như vậy... Nó sẽ biến thành trò chơi của chúng tôi.

Tuy chưa nắm rõ mục đích của bọn này, song Dung phát hiện những yếu tố và cố kéo dài thời gian để chờ tiếp viện - cô tin sẽ có – và để suy tính...

- Thế nào? Thương lượng về việc gì? – Dung hỏi.

- Bà viết cho thiếu tá mấy dòng: hoãn cuộc hành quân tập kích rừng Bình Chánh đến ngày kia! - Gã đại úy nói toạc ra.

- Nếu chồng tôi không nghe, thì sao?

- Thì bà sẽ vĩnh viễn nằm với những người trong vùng cổ mộ nầy. – Gã đại úy hằn học.

“Chúng có tất cả ba đứa” – Dung nhẩm tính – “Mình bắn có nhanh gì cũng không thể thanh toán hết. Chúng có tiểu liên. Một tên lại đứng sau lưng mình.”

- Tại sao các ông buộc tôi làm như vậy?

- Bà cần gì phải hỏi... Không được hỏi... Giấy bút đây, viết ngay! - Gã đại úy bắt đầu gay gắt.

Điện thoại reo, Luân nhắc ống nghe:

- Tôi đây... Tôi đoán thế nào cũng có người gọi tôi... Đúng, tôi chờ... Không phải vì lo cho số phận của vợ tôi, mặc dù tôi rất yêu vợ... Lo cái gì à? Lo trò trẻ con của các ông đưa chế độ chúng ta tới chỗ sụp đổ, không có đất mà chôn... Tôi vẫn nghe ông... Ông nhân danh cho cái gì?... Thế à? Cho nền tự do của nước cộng hòa chúng ta? Li kì thật... Không, tôi nói nghiêm chỉnh, rất nghiêm chỉnh... Sao ông cứ phải bịt mũi... Tôi sẽ bị trừng phạt? Nầy, ông bạn, ông ra giá đi. Sao? Ngừng cuộc tấn công? Vợ tôi sẽ nếm mùi đau khổ? Ông học ở truyện kiếm hiệp? Phim Mỹ đầu độc ông rồi... Có thể tôi sẽ gặp một cái gì đó, nhưng ông cần nhớ là ông đang nói chuyện với một người còn đứng… Sao, đem vợ tôi ra để dọa tôi... Vợ tôi hiểu tôi hơn ông nhiều.

Trung úy Vi vào, Luân che máy:

- Thưa thiếu tá, thiếu úy Thạch gọi bộ đàm về mọi việc kết thúc tốt đẹp.

Luân gật đầu, nói tiếp qua điện thoại:

- Ông mơ ngủ, ông bạn! Cái đổi giá không còn nữa. Vợ tôi bình yên, không chờ các ông... Tùy ông, ông muốn làm gì thì làm..

Vi lại vào:

- Thưa, quân trấn Lái Thiêu đã bắt được gã lái chiếc Opel, tên gã là Hùng, đại úy...

- Tôi báo cho ông một tin, - Luân nói trong điện thoại – Đại úy Hùng của ông bị bắt rồi... Không, tôi không bịa... Làm sao tôi biết anh ta là Hùng nếu tôi không bắt được... Ông đừng sợ hãi, trước khi tới lượt ông… Tôi khám phá thêm một điều thú vị: các ông trước kia ở an ninh quân đội, đúng không?... Thôi, cuộc nói chuyện phiếm của chúng ta như vậy là quá dài...

Luân gác máy, sang phòng điện báo. Cả một dãy bộ đàm đang hoạt đồng khẩn trương: Luân hoàn toàn không thể biết ở một căn nhà nhỏ trong sở chỉ huy, trung sĩ Toàn, người lái xe cho anh, cũng vừa gác máy điện thoại, ngó xuôi ngó ngược rồi ra sân...

- Bạch Hổ đâu? Bạch Hổ đâu? – Viên hạ sĩ quan truyền tin gào to... - Bạch Hổ nói chuyện với Ngân Hà.

Luân đứng trước máy bộ đàm.

- Bạch Hổ... Theo bản đồ... Ô chỉ định thấy chưa?

- Thấy rồi! – Tiếng đáp rè rè.

- Ngay chữ C... Thấy chưa?... Trong vòng ruột của chữ C...

- Thấy rồi...

- Sẵn sàng chưa?

- Sẵn sàng!

- H plus cing!() – Nói lại đi...

- H plus cing...

- Chúc ăn ngon!

- Chúc ăn ngon!

() H cộng : giờ ước nổ súng

Tiếng xe ngoài lộ xóa cái yên tĩnh của khu rừng chồi.

- Cuộc phiêu lưu của các ông sắp kết thúc! - Dung bảo – Bây giờ, khôn ngoan nhất là các ông lui nhanh, thật nhanh, trước khi bị gông cổ...

Gã đại úy nhấp nhỏm:

- Thế này là thế nào?

Hai đứa cùng theo gã nháo nhác.

- Thưa bà, người của thiếu tá đến. – Gã đại úy nói giữa lúc pha ô tô rọi khắp khu rừng và có tiếng chân người từ xe nhảy xuống đường – Nghĩa là cuộc thương lượng thất bại. Tôi bắt buộc phải xử trí với bà... Thật không hợp lí khi xả vào người đẹp một băng đạn...

- Ông ngỡ là ông có thể chạy trốn khỏi đây? – Dung bắt được một con đom đóm, đặt nó lên lòng bàn tay - Cả khu rừng bị bao vây, tôi báo cho ông hay, có thể sẽ có một băng đạn như ông nói. Và, cả ba người, sau tôi một lúc, cũng vĩnh viễn nằm xuống đây... Chồng tôi là tư lệnh hành quân, sẽ quyết định bắn các ông ngay...

Tiếng động bây giờ đã khắp khu rừng.

- Các ông nghe chứ? Ngay con cáo cũng không thoát đừng nói các ông...

Loa đột ngột vang lên:

- Bộ tư lệnh hành quân ra lệnh cho bọn cướp phải đầu hàng ngay...

- Thậm chí, người ta lột lon ông và ghép tất cả vào bọn cướp... - Dung cười cười.

- Bà... bà! – Gã đại úy vụt mất oai phong, sà gần Dung.

- Ông bình tĩnh. Tôi bảo đảm cho cả ba. Các ông kém thông minh quá... Nói thật, nếu tôi muốn giết ông thì không đợi đến bây giờ. Ông quên tôi có súng? Nhưng, tôi thương hại các ông, những vật hi sinh của cấp trên các ông.

- Bà... Bà!... - Gã đại úy gần như phủ phục dưới chân Dung.

- Các ông xếp vũ khí lại đây, trốn vào một bụi rậm nào đó... Tôi sẽ cứu cho! Nhớ, thoát rồi chạy cho xa...

Tiếng chân rậm rịch đã rất gần. Đèn pin loang loáng.

- Không được chậm! – Dung ra lệnh.

Gã đại úy cởi súng trước tiên, hai gã kia đặt tiểu liên lên thành mả. Rồi, cả ba lủi vào một lùm cây um tùm cạnh đó.

- Tôi ở đây! – Dung gọi to.

Thạch vươn tới:

- Bà... có sao không?

Dưới ánh đèn, Dung cười thật tươi...

Luân sắp sửa lên xe. Nhưng, trung sĩ Toàn chưa có mặt. Vừa lúc đó, chiếc Land Rover quanh vào cổng. Dung bước xuống. Luân đón Dung trong vòng tay, hôn như mưa lên má, lên mắt, lên trán cô...

- Em sợ lắm phải không? Anh phải đi gấp... Sáng mai, ta gặp nhau. Em nghỉ, nghe!

Đây là lần đầu tiên Luân xưng hô như vậy với Dung.

- Anh đi ư? – Dung nghẹn ngào.

Luân thấy thương Dung quá chừng:

- Cái đáng ngại nhất đã qua rồi...

Mãi khi trung sĩ Toàn nổ máy chiếc Jeep, Luân mới rời Dung.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio