Luân gật đầu. Đó là tài liệu phân tích tình hình Mã Lai của Viên tư lệnh người Anh.
- Cộng sản Mã Lai không yếu, nhưng khi họ bị cô lập khỏi dân chúng thì chỉ còn còn đường rút vào rừng sâu. Chánh sách Khu trù mật dựa vào kinh nghiệm Mã Lai: tôi có thể nói nó là một bước nâng cao sáng kiến vũ trang tự vệ của Anh ở Bình Dương. Khu trù mật toàn diện hơn: ta lập ra các pháo đài chống Cộng cả về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế. Tôi không cho chính sách Khu trù mật đã trăm phần hoàn hảo, bởi vậy muốn anh đi một vòng kiểm tra, nơi đã lập xong, nơi sắp lập… Chúng ta sẽ trao đổi cách bổ khuyết, sau chuyến kiểm tra của anh.
Luân đồng ý ngay. Anh xin Nhu nửa tháng để làm việc đó. Khi từ giã nhau, Nhu hỏi:
- Sao ông bà lâu có tin mừng quá vậy?
- Cô ấy chưa muốn có con. - Luân trả lời, thản nhiên.
- Anh đã lớn tuổi rồi, chậm con là không tốt… Tôi cứ ngỡ ông bà khó có con, nếu muốn, nhờ các giáo sư giỏi giúp…
Trên xe về nhà, Luân nghĩ ngợi mãi về câu nói của Nhu: Anh ta nói có hậu ý gì không?
Chuyến kiểm tra Khu trù mật giúp Luân hiểu đầy đủ hơn thực tế tình hình. Về phương diện này anh thầm phục Nhu: Nhu ước lượng đúng nguy cơ mà chế độ Sài Gòn đang bị đe dọa - bị đe dọa mạng sống.
Luân chọn Tuyên Nhơn làm nơi đến đầu tiên. Anh chỉ có thể dùng trực thăng từ Tân Sơn Nhất đáp xuống bờ Kênh Xáng. Khu trù mật chưa có hình thù. Lính đóng giữa vòng thành đất và dây kẽm gai. Hàng nghìn dân chúng dưới nắng Đồng Tháp Mười đổ lửa, nai lưng đào các tuyến phòng thủ. Các làng quanh đó bị lùa ra Tuyên Nhơn - hồi kháng chiến, Luân từng qua lại đấy và bấy giờ gọi là vàm kênh Dương Văn Dương, con kênh đổ vào sông Vàm Cỏ Tây. Trung tá tỉnh trưởng Kiến Tường đích thân chỉ huy xây Khu trù mật Tuyên Nhơn - một trong bốn Khu trù mật trong tỉnh đã được Tổng thống duyệt; ba cái kia là Mộc Hóa, Thủy Đông và Nhơn Hòa Lập. Quốc sách Khu trù mật được giới thiệu khá đầy đủ về ý nghĩa trong nhiều quyển sách, bài viết của những tác giả lớn, như cố vấn Ngô Đình Nhu, Tổng giám đốc thông tin… Nhưng trung tá tỉnh trưởng hiểu nó ở mức đơn giản hơn hết.
- Thưa trung tá! - Ông ta báo cáo với Luân - Công chuyện đuổi dân khỏi làng xóm cũ không phải dễ. Như tụi ở kinh Năm Ngàn, ở kinh Mười Hai, hầu hết gia đình Cộng sản, tôi cho lính đốt nhà. Đốt nhà mà tụi nói chưa chịu ra. Tôi cho thụt cối vô. Ra được một mớ. Sau Tết, đồng cạn nước, tôi cho xe bọc thép ủi láng tè! Ra thêm mớ nữa. Tới bữa nay, tôi quy về tỉnh lị Mộc Hóa phân nửa, còn phân nửa chia ấy khu… Trung tá có thể trình với ông cố vấn rằng Kiến Tường xây xong Khu trù mật nội trong năm nay..
Luân hỏi han thêm các mặt tình hình trong tỉnh. Không phải viên tỉnh trưởng - nhiều nét hao hao viên quận trưởng Gò Đen mà Luân và Dung gặp khi Nhu mở màn đợt tố Cộng năm xưa, nghĩa là dư thừa máu lưu manh - mà thiếu tá quận trưởng Tuyên Nhơn nho nhã kể cho Luân nghe nhiều điều, với Luân, rất đặc sắc. Tay thiếu tá xuất thân sinh viên luật khoa, học trường võ bị, đầu tiên làm ở Cục quân huấn, do cãi vã với cấp trên, bị tống khứ về xứ trống lốc trống lơ này, hè mùa khô thì nắng cháy da, ngó mút con mắt chưa thấy chòm cây xanh, mùa mưa thì nước dâng tận mí chân trời, bốn bề y biển cả.
- Em chắc chắn là ông cố vấn, Tổng thống, đại tướng và ông, không ai được đọc báo cáo chỉ huy phó bảo an tỉnh… Bởi trung tá tỉnh trưởng đốt báo cáo đó rồi, đốt rồi còn vò cho tro nát bấy… Báo cáo về trận gò Măng Đa. Gò Măng Đa nằm về phía tây Mộc Hóa, cách Mộc Hóa cây số đường chim bay. Sau Tết chừng bốn hay năm ngày, tỉnh trưởng ra lịnh cho thiếu tá chỉ huy phó bảo an hành quân vào gò Măng Đa, lùa số dân còn sót, - chừng mươi hộ - ra Khu trù mật. Em với thiếu tá chơi thân, bạn học ở trường Pétrus Kí, nên anh ta rủ em cùng đi. Còn chờ làm việc với tỉnh trưởng, em theo anh ta. Nước vừa rút, đường hơi khó đi. Tụi này bắt đầu đi hồi sáu giờ sáng mà mười một giờ mới tới cái gò nhỏ, non một tiếng nữa mới tới Măng Đa. Thiếu tá Long - tên anh chỉ huy phó bảo an - bảo lính tạm nghỉ trên cái gò nhỏ đó. Tụi này đang vạch sậy leo lên gò thì bỗng nghe có tiếng hô: “Tất cả đứng im! Đưa tay lên… Các anh rơi vào ổ phục kích của quân cách mạng rồi… Ai kháng cự, ai chạy sẽ bị bắn…”
Người nói trong sậy, không biết mặt mũi ra sao và cũng không biết họ đông hay ít. Thế của tụi em thì rõ là bất lợi: họ ở trên gò cao, có cây cối che, tụi em ở dưới đồng, không có cái gì để núp. Nước lại sền sệt…
Thiếu tá Long không biết phải làm sao. Lính, sĩ quan đã đứng như trời trồng, đưa súng lên cao.
- Xếp súng chỗ đất khô đó rồi dang ra ngoài ra, ngồi xuống, đặt tay lên ót, nhớ quay lưng vô gò…
Lịnh lần này được chấp hành thiệt lẹ, luôn thiếu tá Long và em - tụi em nộp hai khẩu súng ngắn.
Tuy ngồi quay lưng lại, em vẫn cố gắng liếc xem họ sẽ làm gì. Trong lùm cây nhô ra hai người, mình mẩy lấm sình. Họ chuyển số súng lên gò. Số súng khá lớn - em quên nói: quân số của em gồm ba trăm tám mươi người cho nên có lẽ thấy chuyển chậm, họ ùa xuống đông hơn. Trung tá biết ai không? Hai chú nhỏ chừng mười ba, mười bốn tuổi, ba người đàn bà, bốn ông già… Giữa lúc chuyển súng, hai người tiến về phía tụi em - một trung niên thủ khẩu Colt của thiếu tá Long, người thanh niên, ngoài khầu Vicker của em giắt ngang lưng, thủ khẩu Thompson. Người trung niên bắt đầu diễn thuyết. Đại khái ông ta chửi bới Tổng thống Diệm và đế quốc Mỹ, kêu gọi đấu tranh đánh đổ chế độ độc tài gia đình trị. Ông ta nói không hay, không lưu loát, lộn xộn nữa. Một người lính biết mặt ông ta và người thanh niên - hồi đó, người lính sợ run, cố không để bị hai người kia phát hiện - anh ta nói với em khi đã thoát nạn: ông trung niên là dân đặt trúm, cậu trẻ hơn là dân nhổ bàng, chẳng phải quân đội Việt Cộng gì ráo!
Sau đó, tụi em được tha vì, theo lời ông trung niên: tui em lầm lạc, chưa có nợ máu với nhân dân.
Thế là Kiến Tường mất trọn một tiểu đoàn súng. Thiếu tá Long tình thật khai ngay, trung tá mắng ột trận: Anh muốn kéo tôi chết chìm hả? Báo cáo sửa đổi vụ gò Măng Đa thành một trận đụng độ ác liệt, Việt Cộng chết mấy chục, ta vô sự, thu được gần hai trăm súng… Nhưng, sau đây mới thật là chuyện khôi hài, vợ của tay lính mà em vừa nhắc, khi thăm chồng, thuật ọi người nghe: Hôm đó, dân gò Măng Đa đi tát đìa, “quân số” gồm tổ trưởng nông hội, một nam thanh niên, hai cô gái, một bà xồn xồn, bốn ông già, hai chú nhỏ, tổng cộng mười một. Họ chỉ có một khẩu “oảnh tầm sào” và mươi viên đạn. Tát xong đìa, họ bắt cá thì thấy lính Quốc gia dàn hàng ngang tiến vào gò. Không thể chạy vì đồng trống trải. Tổ trưởng nông hội túng quá, hô hoán. Không dè lính Quốc gia ríu ríu đầu hàng. Súng chuyển tới chiều mới hết.
Nghe rồi, em tức quá, xin trung tá cho em truy kích. Trung tá can em: Đừng dại, chết uổng mạng… Cái ông trung tá này hùng hổ với dân, lại rất ngán Việt Cộng.
Viên thiếu tá cho Luân biết thêm: Cách vụ gò Măng Đa mấy hôm, tình huống cũng na ná và con số cũng lớn: gần ba trăm súng các loại. Và Luân đã có thể giải đáp thắc mắc của Nhu: Vì sao Việt Cộng đột ngột trang bị nhiều súng.
Cố giấu niềm vui, Luân hỏi với vẻ rất nghiêm chỉnh:
- Súng “oảnh tầm sào” là súng gì?
- Ồ! Trung tá không biết sao? Cây mousqueton indochinois(), nòng dài như sào chống xuồng…
() Súng trường Đông Dương (sản xuất tại Việt Nam)
“Ra là vậy!” - Luân kêu thầm – “Trong một thời điểm nào, nằm trong tay ai, ống sắt “súng ngựa trời” mạnh như đại bác, khẩu súng trường cổ lỗ sĩ trở thành liên thanh. Từ giữa năm đến nay, quân lính của chính quyền Ngô Đình Diệm quen thói kiêu căng, bởi đồng bào ta không có vũ khí. Bây giờ trở đi…” - Luân mỉm cười. Và anh nhớ số súng của ông Hai Sặt ở Phụng Hiệp – “có thể chúng đang gieo kinh hoàng cho quân lính Diệm ở Cần Thơ.”
Viên thiếu tá hiểu cái cười của Luân theo nghĩa khác.
- Tồi tệ quá, phải không, thưa trung tá?
Luân thấy thương hại anh chàng sĩ quan khờ khạo này.
- Em không bi quan đâu! - Viên thiếu tá lại hiểu lầm cái nhìn của Luân - Nếu em có quyền, như chịu trách nhiệm tỉnh Kiến Tường, em sẽ giành ngay chủ động. Em đọc nhiều bài viết của trung tá, nghe bạn bè bàn tán về chủ trương của trung tá bình định tỉnh Bình Dương… Đúng lắm, chống Cộng theo kiểu các anh du côn không bao giờ thành công được. Chống Cộng là công việc của trí tuệ.
Viên thiếu tá càng nói càng sôi nổi. Anh ta tự nhận là đệ tử của Luân. Luân bỗng giật mình: Những tà thuyết mà anh bắt buộc phải tung ra như hỏa mù đã ô nhiễm mấy người? Dầu sao viên thiếu tá cũng dễ thương. Luân ghi nhớ tên anh ta: Trương Tấn Phụng.
Điểm thứ hai Luân đến nghiên cứu là Ba Chúc, vùng người Miên, thuộc quận Tri Tôn. Dân chúng bị cưỡng bức rời nơi sinh sống lâu đời, bỏ vườn bỏ nhà, dồn vào khu chợ chật hẹp. So với Tuyên Nhơn, Ba Chúc khá hơn: đã có những dãy phố lợp tôn xếp ngay hàng thẳng lối, có trường học, nhà thương, đường sá. Tuy vậy, người Miên ủ rũ trước căn nhà nóng như thiêu, con bò của họ không chuồng, rong khắp chợ, không có một cọng cỏ để nhơi…
Còn non tuần lễ nữa, Khu trù mật Ba Chúc khánh thành. Luân biết là Tổng thống sẽ đích thân dự lễ khánh thành. Quan chức cấp tỉnh nườm nượp kéo về Ba Chúc sửa soạn màn kịch khánh thành sao cho đẹp lòng Tổng thống.
Đường trong Khu trù mật sẽ mọc lên cây xanh - Luân lại gặp trò gian dối đó ở Ba Chúc như anh từng gặp ở Buôn Mê Thuột: Người ta đang đào lỗ và sẽ cắm xuống các cây chặt trong vườn…
“Ngay trò lừa bịp, cũng không cải tiến!” - Luân nghĩ thầm – “Bởi người ta lừa bịp cũng không chịu cải tiến cách thưởng thức lừa bịp!”
Luân vào nhà thương, trung tá tỉnh trưởng cùng đi với Luân. Mấy chục người mặc quần áo bệnh nhân nằm trên gường. Người ta sẽ mời Tổng thống lướt qua các gường bệnh để thấy Khu trù mật ưu ái với dân chúng như thế nào. “Bệnh nhân” hầu hết là công chức cấp quận được lệnh phải tập đóng tuồng cho thuần thục, Luân buồn cười quá, bảo tỉnh trưởng:
- Trung tá không thấy cái khác nhau giữa người đau bịnh thật và giả sao? Bệnh nhân đều mập mạp… Hơn nữa, không có bịnh nhân người Miên…
Câu trả lời của trung tá tỉnh trưởng khiến Luân sững sờ:
- Tổng thống chỉ thích người bịnh mặc quần áo tốt còn Cụ đâu có để ý bịnh thật bịnh giả, người Việt hay Miên. Vả lại, nếu lấy người Miên thì quần áo dơ hết. Quần áo tôi mượn của nhà thương tỉnh, sau đó, phải trả đủ…
- Chuyện đời như vậy đó! - Tỉnh trưởng nói tiếp: - Tôi biết trung tá không ưa soi mói, nên nói thật. Làm theo sở thích của Tổng thống thì yên ổn, lại dễ lên chức!
Sau Khu trù mật Ba Chúc, Luân đến Bình Hưng, lãnh địa của cố đạo Nguyễn Lạc Hóa, một người Hoa. Tại đây, Luân nghe thông báo của Nhu: Khi Luân vừa rời khỏi Ba Chúc, Việt Cộng nã cối vào Khu trù mật, gây một số tổn thất. Anh không rõ số phận của viên trung tá, sự khôn ngoan lõi đời liệu cứu nổi ông ta khỏi bị Nhu trừng phạt không?
Linh mục Nguyễn Lạc Hóa béo ị, với tất cả nét đặc trưng của người Hoa phương Nam - nhanh nhẹn, nói nhiều - ngay trong cái bắt tay đầu tiên đã tỏ rõ thái độ ngạo mạn của kẻ tự nhận là cha đẻ ra Khu trù mật. Đặc khu Bình Hưng thiết lập từ sau đợt di cư. Lúc đầu, nó chỉ gồm những người Hoa theo đạo Thiên Chúa giáo trước đây sống ở Hải Phòng, ở đảo Cát Bà, Móng Cái. Lần lần Nguyễn Lạc Hóa lùa thêm dân các làng quanh đó, tạo một vòng đai bao quanh khu Bình Hưng. Hắn được phong hàm trung tá và Bình Hưng thực tế là một căn cứ biệt kích, với một số huấn luyện viên Mỹ, không phụ thuộc Sài Gòn về ngân sách.
Ngôi nhà gạch quét vôi nổi lên giữa màu xám xịt của cả một khu toàn mái tôn, áp đảo luôn ngôi nhà thờ đơn sơ cạnh đó. Nguyễn Lạc Hóa, tóc đốm bạc, trong bộ quân phục, súng ngắn bên lưng, tiếp Luân phảng phất nghi thức của một tiểu vương vịnh Ả Rập, trộn lẫn mùi vị một Tổng thống Trung Phi, như Amin: Các cô gái nõn nà dâng rượu - khay bày nhiều loại, có Cognac, Whisky, Ngũ Gia Bì - giữa gian phòng sáng điện, máy điều hòa mát lạnh.
- Tôi đã bảo ông Nhu đến chục lần: Muốn trị tận gốc bọn Cộng sản phải biết khủng bố - Nguyễn Lạc Hóa nói, giọng lơ lớ nhưng ý tứ rõ ràng - Tôi không cần máy chém. Đưa máy chém đi hao tốn. Người của tôi bịt miệng bọn Cộng sản giản dị hơn nhiều. Anh có thể nhìn tật mắt quanh đây, chẳng đứa nào dám thở hơi Cộng sản…
- Con nghe đồn lính của Cha moi gan người ăn sống… - Luân nghiêng nghiêng đầu.
- Không! - Nguyễn Lạc Hóa xua tay - Ăn gan sống thế nào được? Phải nướng chứ!
- Rồi lắc vú phụ nữ…
- Như thế, có gì đáng phàn nàn? - Nguyễn Lạc Hoa hỏi lại, khiêu khích.
- Con chỉ nghe, bây giờ được Cha xác nhận. Cám ơn Cha… - Luân mím môi dằn từng tiếng.
- Anh không biết hay giả bộ không biết? Các sĩ quan Mỹ dạy cho lính của tôi đó.
Nguyễn Lạc Hóa cười rộ:
- Họ có lí. Cộng sản là một thứ mọi da đỏ. Theo tôi, đáng giết hơn mọi da đỏ nữa…
Luân cố tự kiềm chế để không rút súng nã vào sọ tên bại hoại đội lớp thầy tu này.
- Dương Tái Hưng có đến Bình Hưng không?
Luân đổi hướng câu chuyện.
- Anh cũng biết ông ta? - Nguyễn Lạc Hóa không trả lời mà hỏi lại.
- Lâm Sử chắc đã đến đây rồi? - Luân hỏi rấn tới.
- Lâm Sử nào?… - Nguyễn Lạc Hóa nhíu mày - À gã đại diện cho Trung Cộng, phải không? Anh quen nhiều người Hoa quá… Tốt! Tốt!
Luân thấy không cần thiết ở lại lâu hơn tại Bình Hưng. Từ trên trực thăng anh quan sát lần nữa toàn bộ cấu trúc đồn lũy của Nguyễn Lạc Hoá; nếu anh chỉ huy thì cần vài tổ đặc công mở cửa đột phá ở hai hướng, tiêu diệt đặc khu Bình Hưng không phải là chuyện khó.
Luân đáp xuống Vị Thanh. Đây là chặng chót của chuyến công tác. Khi trực thăng sà thấp, Luân kinh ngạc trước quang cảnh tiêu điều của cả Khu trù mật - trọng điểm số một của vùng sông Hậu, được long trọng khánh thành cách nay không lâu, được quay thành bộ phim tài liệu giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước.
Hèn chi, hôm qua, Luân nghe giọng nói trên bộ đàm của tỉnh trưởng không mấy nồng nhiệt - ông ta chưa muốn tiếp phái viên Phủ Tổng thống. Mặt tiền Khu trù mật ngó con kênh lớn, nhà cửa xiêu vẹo, hầu như không có người.
- Một nhóm Cộng sản trà trộn vào gây rối - Tỉnh trưởng giải thích - Chúng cưỡng bức đồng bào theo chúng ra ngoài… Chúng tôi đang lùng bắt.
Nhìn vết đạn ràng ràng khắp nơi, Luân nghĩ tới một trận tấn công của quân cách mạng. Nhưng qua báo cáo lúng ta lúng túng của tỉnh trưởng, Luân hiểu không hề có Việt Cộng nào trà trộn gây rối mà đây lại là cuộc đấu tranh của những người bị lùa vào Khu trù mật. Cuộc đấu tranh rất lớn, gần mười nghìn người tham dự. Quần chúng đã bị lùa và sắp bị lùa mang khẩu hiệu, đơn từ đòi gặp tỉnh trưởng Chương Thiện. Tỉnh trưởng lánh mặt. Quần chúng bao vây dinh tỉnh trưởng. Lính được lệnh bắn dọa. Thế là xô xát. Những người bị lùa mang đồ đạc, gạo thóc xuống xuồng trở về quê cũ. Lính ngăn không nổi.
- May mà lính biết khôn không bắn vào dân! - Tỉnh trưởng chưa hết hãi hùng đã thú thật - Chứ dân mà say máu thì chúng tôi không còn ai sống sót… Bây giờ, trăm sự nhờ trung tá liệu lợi trình với Tổng thống và ông cố vấn. Chúng tôi sẽ khôi phục Khu trù mật, có điều không mau. Cộng sản đã có súng, du kích lại bắt đầu hoạt động cách Vị Thanh vài cây số thôi…
Thế là một tỉnh lị bị quần chúng tràn ngập! Luân phấn khởi trong lòng, dặn dò chớ không rầy quở tỉnh trưởng, bay trở về Sài Gòn. Anh được Nhu iễn viết một báo cáo đầy đủ. Nhu nghe anh chừng mươi phút, ngăn anh:
- Lúc khác tụi mình sẽ bàn kĩ. Bây giờ, có một công vụ đặc biệt, Tổng thống muốn đích thân giao anh…