Ván Bài Lật Ngửa

chương 10 phần 1

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

P - Chương

Khách không hẹn là trung tá Vương. Điều khiến Luân suy nghĩ khi tiếp ông: cuộc hành quân giải tỏa Dakpek, Dakto của quân Dù tận Bắc Kontum vừa chấm dứt, trung tá Vương hối hả xuống Kiến Hòa. Cái lí do muốn được “trao đổi kĩ về bài giảng ở đại học quân sự về đề tài triển khai quân Dù trong đội hình lữ đoàn ở nơi yên tĩnh” không đủ giải thích sự có mặt đột ngột của trung tá ở một địa phương ít yên tĩnh nhất Việt Nam Cộng hòa hiện nay, trong khi quan hệ giữa Luân và ông ta còn xa mới được gọi là bè bạn.

Cả hai cùng giữ miếng: Luân bình thản mời khách nhấm nháp rượu pha nước dừa và tôm càng Bến Tre; trung tá Vương lại không dấu vẻ bồn chồn. “Tiểu đoàn I Dù không thiệt hại nhiều.” Trung tá Vương thoạt như định thuật cho Luân nghe về cuộc hành quân mà ông ta chẳng liên quan gì. Nhưng, ông ta đổi đề tài hỏi Luân tình hình Kiến Hòa. Hỏi để mà hỏi thôi, ông nghe rất lơ đãng. Hai người uống khá nhiều, câu chuyện tiếp tục chạy vòng ngoài.

- Kennedy chắc thắng… Anh thấy thế nào? – Trung tá Vương áng chừng không thể nào chịu đựng mãi tình trạng kéo dài nhạt nhẽo, hỏi Luân.

- Thế nào theo nghĩa nào? – Luân hỏi vặn, làm như không quan tâm lắm sự thay đổi nguyên thủ quốc gia Mỹ - Anh muốn biết ý kiến của tôi về khả năng thắng cử của Kennedy trước Nixon hay muốn biết nhận xét của tôi về những hậu quả một khi Kennedy thắng cử?

- Kennedy thắng cử, đâu còn gì phải bàn…- Vương như lấy được trớn – Cái cần bàn là chúng ta sống thế nào dưới chính quyền của Đảng Dân chủ…

- Có một nhà báo viết: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ khác nhau như hai đường ray. Nghĩa là về hình thức, hai đảng tổ chức riêng, nhưng cả hai đều là thanh “ray” cùng đúc trong một khuôn, muốn dán nhãn hiệu Cộng hòa hay Dân chủ vào thanh nào cũng được. Tôi thấy ngồ ngộ khi người ta quan tâm đường ray mà quên xe lửa chạy trên ray! Chúng ta sẽ sống với Đảng Dân chủ như chúng ta đã sống với Đảng Cộng hòa, bởi vì chúng ta sống với chính đoàn xe… Đâu có gì khác.

- Khác chớ! – Trung tá Vương sôi nổi hẳn – Eisenhower bảo thủ hơn Kennedy… Kennedy trẻ, năng động, thích đổi mới…

- Tôi chưa đủ tài liệu để có một nhận định về chính sách đối nội của Kennedy. Nhưng về đối ngoại, tôi nghĩ là rất ít sự khác nhau giữa hai Tổng thống… - Luân vừa thăm dò vừa lái nội dung câu chuyện.

- Kennedy rất định kiến về cung cách cai trị của Chính phủ Việt Nam! Đặc biệt, ông ta khó chấp nhận nền độc tài gia đình trị… - Vương tiến sát đến chỗ mà Luân chờ.

- Anh quên là anh đang nói chuyện với một thành phần của nền độc tài gia đình trị đó! – Luân cười cởi mở.

- Nếu tôi ghép anh vào triều đình của Tổng thống Diệm theo nghĩa hiến dâng cả thể xác lẫn linh hồn thì đã không trao đổi với anh… - Vương nói rất nghiêm – Tôi lo lắng. Chiến tranh đang mỗi ngày mỗi tăng cường độ. Chẳng lẽ chúng ta khoanh tay nhìn nó tàn phá đất nước một cách vô lối? Chính phủ thêm súng thì Cộng sản cũng thêm súng… Đến một độ nào, Hoa Kỳ tái diễn sự kiện Cao Ly và Nga Xô, Trung Cộng cũng không làm khác… Triển vọng thật ghê rợn!

- Cứ cho như tình thế đất nước sẽ như anh dự đoán, những sĩ quan trung cấp cỡ anh và tôi, chúng ta không thể đi quá giới hạn của những bình luận viên hoặc con chiên hết lòng xin Chúa xót thương mà giảm cơn thịnh nộ…

- Anh khiêm nhường thái quá! – Vương hùng hồn – Nasser lung lay cả Trung Đông khi ông giữ cấp hiệu còn thấp hơn chúng ta… Đất nước cần đổi thay…

- Tạm cho ý kiến của anh là xác đáng, tôi vẫn thấy cần thiết phải rõ ràng một vấn đề kĩ thuật: Thế nào là đổi thay và đổi thay bằng cách nào? Chẳng lẽ chúng ta đóng vai trò các thẩm mĩ viện nhan nhản khắp nơi, biến cặp môi chì thành môi mỏng, độn ngực lép thành no tròn…?

- Anh cho việc sửa sắc đẹp như vậy là còn quá ít? – Vương hỏi, soi mói… - Trước hết, theo tôi cần có các bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa… Từ cơ sở đó, các chuyên gia lớn sẽ làm nốt phần còn lại.

Tới đây Vương không úp mở nữa:

- Ông hoàng Phouma là một chuyên gia lớn, nhưng ông ấy không làm gì nổi nếu không có một con dao ngoại khoa Kong Lee...

Đã rõ ràng… cái khôi hài ở đây là chuyện “chuyên gia lớn” mà Vương kì vọng lại là Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Tường Tam!

- Giải phẫu nào cũng rỉ máu… - Luân nói xa xôi.

- Tất nhiên! – Vương xác nhận – Ngay cả cắt bỏ ruột thừa…

- Tôi chỉ băn khoăn: con bệnh sẽ đẹp hay xấu hơn khi chạm tới dao kéo. Có những giải phẫu viên thẩm mĩ giỏi và tồi…

- Thận trọng là đức tính tốt của con nhà binh. Song, có một phương ngôn: Người ta không thể thưởng thức món ômơlét mà không đập vỏ trứng.

Luân cười phá:

- Trong cả hai nghề - mổ xẻ của bác sĩ thẩm mĩ và đập trứng của nhà bếp – tôi đều rất vụng!

- Anh hiểu lầm chuyến thăm anh của tôi rồi! – Vương kêu to – Tôi không hề có ý định rủ ren anh cầm dao kéo hay cầm muỗng... Nếu có, thì là mời anh theo kiểu: La boufeille est tirée, il fault la vider…() Thật ra, một tỉnh nhỏ, quân số lèng phèng, dù anh muốn can thiệp cũng không ăn thua – bất kể cả phía nào, dự phần hay “cứu giá.” Khôn ngoan hơn hết là anh trung lập… Tôi nói rõ một chút: “anh” không phải Trung tá Nguyễn Thành Luân, tỉnh trưởng Kiến Hòa đâu nhé…

() Rượu đã khui, mời cạn!

- Anh ngại “ngư ông đắc lợi” phải không?

Trung tá Vương gật đầu.

- Tôi tin anh, gần như giao sanh mạng cho anh… - Vương thổ lộ nỗi lo lắng, khi cơn “bốc” dịu lại.

Luân không nói gì. Tiễn trung tá Vương ra xe, anh nhắc nhận xét cũ:

- Lính Dù trang bị nhẹ quá.

- Cám ơn anh! Tôi đã bổ khuyết rồi...

… Trong thâm tâm, Luân thèm được làm trung tá Vương. Với anh, tình huống sẽ không lập lờ kiểu Kong Lee. Thật tuyệt diệu, nếu chính anh làm chủ Sài Gòn!

Luân gieo phịch người lên ghế, chìm trong bao ý nghĩ rộn ràng, đến nỗi Dung choàng tay qua cổ anh, anh mới sực tỉnh.

- Một cuộc hùn hạp giữa những đầu sỏ lừa đảo. – Luân bảo Dung – Anh chàng Vương sẽ vỡ mộng. Hiện tượng Kong Lee khuyến khích Phòng nhì Pháp, còn CIA thì xúi bẩy. CIA cần một tát tai cảnh cáo anh em ông Diệm, Phòng nhì mơ màng khôi phục trật tự thuộc địa cũ. Vương tin vào một chế độ trung lập chịu ảnh hưởng Pháp thay cho chế độ thân Mỹ, ngăn chặn cách mạng ở Nam Việt. “Đồng sàng” với Vương nhưng rất “dị mộng” là Nguyễn Chánh Thi – tên hoạt đầu này thuộc Đảng Đại Việt, mục tiêu đơn giản song trắng trợn: một trong các ghế Tổng thống, Thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, tổng tham mưu trưởng... Chuyện đột ngột xuống Bến Tre của Vương có thể do Phòng nhì gợi ý: đừng để cách mạng nhân tình hình rối ren mà tấn công, tạo lợi thế cho chế độ thân Pháp trong sự mặc cả sau này.

- Bao giờ thị họ bắt đầu? – Dung hỏi.

- Theo anh, đợi Kennedy lên, bật đèn xanh. Có thể cuối năm… Làm sao báo cho A.?

Lại một khách không hẹn nữa đến Kiến Hòa.

Đại úy Phan Lạc, chỉ huy phó Biệt động Quân khu thủ đô – khác với trung tá Vương – đi thẳng vào vấn đề, khi vừa ngồi xuống ghế.

- Tôi không tài nào chịu nổi! – Đại úy kêu lên giận dữ - Trung tá đã thấy lần nào cảnh lính Dù mổ bụng Việt Cộng chưa? Thật dã thú! Chính mắt tôi thấy, không phải một lần, cũng không phải mười lần…

- Do “Nỗi buồn dã thú” mà tôi đọc trên một tờ báo – Luân đùa. Anh nhắc bài thơ của Phan Lạc.

- Không! – Phan Lạc nói thật nghiêm – Hai khái niệm khác nhau. Ở đây, tôi nói họ là dã thú theo cái nghĩ họ muốn biến tất cả chúng ta: anh, tôi, sĩ quan nói chúng, làm những tên chỉ huy bọn đồ tể. Biệt động quân rồi sẽ phải cắm lưỡi lê vào bụng một người nào đó…

- Bây giờ, anh mang sự tức tối ấy đến đây để làm gì? – Luân cũng nghiêm trở lại – Anh định trút lên đầu tôi sao?

- Anh gánh một phần trách nhiệm vì là người của Tổng thống!

- Giả tỉ đúng như anh nói, tôi cũng không thể cải biến được tình hình.

- Được chớ! Nếu anh muốn…

Luân ngắm nghía viên đại úy ngồi trước anh. Anh ta là ai?

- Tất nhiên, tôi rất muốn… - Luân cân nhắc lời lẽ - Ở Kiến Hòa, tôi cấm mọi hành động vi phạm luật pháp thô bạo. Tôi nghiêm trị…

Đại úy Phan Lạc lắc đầu:

- Tỉnh Kiến Hòa quá nhỏ. Kể cả những gì trung tá đã làm ở Bình Dương, vẫn quá nhỏ…

- Ta hãy làm những cái nhỏ trong khi chưa có cái lớn. – Luân tiếp tục thăm dò.

- Cái lớn không tự nó đến. Phải tạo ra… - Phan Lạc sôi nổi trái hẳn tính khí thường ngày của anh mà Luân biết – Theo anh, một lữ đoàn Dù, một tiểu đoàn Biệt động quân là nhỏ hay lớn? – Phan Lạc chợt hỏi Luân.

- Có thể là nhỏ, có thể là lớn… Còn tùy. Anh từng nghiên cứu An Nam hành quân pháp, Binh thư yếu lược, Hổ trướng khu cơ của Việt Nam, thế trận của Gia Cát Lượng… Cho nên, nói với anh về tình hình, sự phối hợp trong bố trí là thừa… - Luân quyết định trả lời lơ lửng.

Đại úy Phan Lạc đập mạnh hai bàn tay vào nhau, tặc lưỡi:

- Tiếc là tôi chỉ ở cấp đại úy!

- Cấp trung tá cũng chẳng hơn gì! – Luân cười nhẹ.

- Có phải anh nhận xét với ông Vương là lữ đoàn Dù trang bị nhẹ?

- Đúng!

- Biệt động quân có xe tăng và mười hai khẩu pháo! Nặng hay nhẹ?

- Vấn đề chắc không đơn giản ở chỗ có xe tăng và pháo. Làm sao xe tăng chịu lăn xích và pháo chịu cất tiếng, đó mới thật sự là vấn đề! Làm sao? Clausewitz() đã chạy rồi: Thống nhất chỉ huy, thống nhất tham mưu!

() Karl von Clausewitsz, danh tướng và nhà lý luận quân sự lớn của Đức (-)

Đại úy Phan Lạc thở ra:

- Tôi nghĩ nguyên tắc của Clausewitz không tính đến điều may rủi…

Hai người không nói nữa. Phan Lạc ngó ra bên ngoài, rõ ràng đầu óc anh ta rất căng thẳng.

“Có thể là một người có thiện chí, song quá non!” – Luân đánh giá Phan Lạc.

- Tôi hỏi thẳng anh và xin lỗi trước nếu câu hỏi làm anh khó chịu: Anh còn giữ liên lạc với “phía bên kia” không? – Phan Lạc úp mở.

- Chi vậy? – Luân mỉm cười.

- Tất nhiên, tôi hỏi là có chủ ý...

- Đành phải không làm vừa lòng anh: Tôi không thấy lợi ích gì khi phủ nhận hay công nhận điều anh muốn biết!

- Thôi, tôi không cần anh trả lời câu đó. Tôi hỏi anh một câu khác: Tôi có thể tin cậy anh ở mức nào?

Luân bật cười:

- Tới mức mà anh đã cho tôi biết những điều khá bí mật từ lúc gặp tôi…

- Ngô Đình Nhu đã hỏi tôi: Tại sao tôi chống Chính phủ? Và tôi đã trả lời: Vì tôi muốn bảo vệ Chính phủ!

- Trả lời rất thông minh! – Luân khen.

- Tôi hi vọng sẽ còn gặp trung tá! – Phan Lạc đứng lên từ giã Luân. Luân tiễn Phan Lạc xuống thềm:

- Đại úy nên nhớ: ông Thi quan hệ chặt với CIA…

- Tôi biết! – Phan Lạc bảo – Tôi biết cả tên của nhân viên CIA đó. Ông ta là Carven, khoác áo phái đoàn viện trợ kinh tế. Chính luật sư Hoàng Cơ Thụy mối lái cho Carven gặp Thi.

- Vậy là tốt… Còn Vương, ông ta là người của Phòng nhì…

- Tôi cũng biết.

- Chúc đại úy may mắn! – Luân vẫy tay hồi lâu, đến khi xe của Đại úy Phan Lạc ra khỏi cổng.

Còn lại một mình, Luân như tiếc rẻ: Cậu Phan Lạc này bấm cò súng sớm quá!

Luân đã phán đoán sai, Kennedy đắc cử ngày -, cuộc đảo chính nổ ra ngày hôm sau, -. Dàn cảnh chính là kết quả của cuộc bầu cử, mặc dù theo Hiến pháp Hoa Kỳ, tân Tổng thống mãi đến cuối tháng giêng sang năm mới nhận chức.

Vào hai giờ sáng Luân choàng thức: Trung úy truyền tin Hồ Nhựt Thanh báo có điện khẩn của Dinh Độc Lập. Luân linh cảm tình hình đột biến.

Té ra không phải điện thoại mà đài phát sóng riêng của Tổng thống thông báo chung các cấp quân sự, hành chính. Đài phát sóng yếu, rất khó nghe, nhưng Luân biết được điều cần biết: Vào một giờ rưỡi sáng nay, quân Dù đồn trú dã ngoại trong sở thú nổ súng tấn công Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống đóng trong thành è RIC cũ đồng thời bao vây Dinh Độc Lập, kêu gọi Tổng thống đầu hàng; Tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống ra lệnh các lực lượng thuộc sư đoàn đóng ở Biên Hòa và sư đoàn đóng ở Mỹ Tho về Sài Gòn “dẹp một nhúm sĩ quan Dù phản loạn.”

Luân mở máy liên lạc đặc biệt, xin nói chuyện với Ngô Đình Nhu. Từ đầu máy kia, tiếng Nhu nhòa trong tiếng liên thanh dữ dội: “Nhu đây, anh Luân hả?… Dinh Độc Lập đang bị vây. Tôi đang cố liên lạc với đại tướng Tỵ… Ngoài Dù, còn một số đơn vị Biệt động quân… Không có gì nguy ngập lắm… Anh yên tâm!” Giọng Nhu khá bình thản.

Như vậy, quân đảo chính vẫn chưa đột nhập được vòng rào bảo vệ dinh. Điện thoại reo. Bây giờ, trung tá Vương nói chuyện với Luân.

“Chào trung tá Luân. Tôi là Vương đây… Điều mà tôi báo trước đang thành sự thật. Để giảm bớt đổ vỡ, chúng tôi yêu cầu Tổng thống giao quyền lại ột Chính phủ mới, còn Tổng thống và gia quyến sẽ được đảm bảo an toàn rời Việt Nam đến nơi nào do Tổng thống chọn lựa… Ủy ban cách mạng đã gửi tối hậu thư cho Tổng thống. Chúng tôi sẽ tổng tấn công nếu Tổng thống bác bỏ tối hậu thư đó. Tổng thống không thể hi vọng quân tiếp viện, các cầu dẫn vào thủ đô đã bị quân cách mạng chiếm… Tôi tin là trung tá hiểu thời thế, đừng vọng động…”

Luân không đáp lại Vương một lời – các sĩ quan đã tề tựu quanh Luân.

Luân gác máy, bảo:

- Trung tá Vương, người cầm đầu quân đảo chính gọi điện cho chúng ta…

- Ông ta nói gì? Kêu gọi chúng ta đầu hàng? – Chung Văn Hoa hỏi.

- Cũng gần như vậy. Hình như ông ta gọi tất cả các tỉnh…

- Họ chưa chiếm đài phát thanh!

Nghe nhận xét của Đại úy tham mưu trưởng Nguyễn Thành Động, Luân ở máy thu thanh: đài Sài Gòn im lặng, đài Quân đội liên tục đánh các bài hành khúc. Để kiểm tra thêm, Luân gọi điện cho Nhà dây thép Sài Gòn – cô nhân viên trực có mặt, cho biết súng nổ nhiều, quân Dù và Biệt động vận chuyển trên các xe quân sự đổ về Dinh Độc Lập.

“Không ổn rồi!” – Luân kêu thầm. – “Quân đảo chính không biết, ngay phút đầu, chiếm đài phát thanh và bưu điện… Những tài tử đảo chính!”

Đại úy Động nói bằng lời sự đánh giá đó: Ce sont des stagiaires!()

() Những tay tập sự

“Lại không tấn công ngay, tấn công kiên quyết… Súng đã nổ, là một. “Tổng thống,” hai “Tổng thống” – Luân tiếp tục suy nghĩ – Diệm, Nhu sẽ tìm cách hoãn binh để quật lại…” Giữa Nguyễn Chánh Thi và Vương hình như chưa khớp về ý định: Thi đòi Diệm đầu hàng, Vương đòi Tổng thống trao quyền và bình an ra đi.

- Báo động trong toàn tỉnh! – Luân ra lệnh – Đình chỉ tất cả các cuộc hành quân, đề phòng quân đảo chính tấn công. Cho phép các đồn lẻ được triệt thoái, nếu bị uy hiếp. Để đảm bảo mọi đơn vị thông suốt nhiệm vụ, ột máy bay trinh sát phóng thanh lệnh của tôi!

Luân ghi băng lời kêu gọi của anh: “Một bộ phận quân đội giữa đêm nay đánh vào Dinh Độc Lập, nhân danh tỉnh trưởng Kiến Hòa, tôi ra lệnh quân đội, công an, viên chức và nhân dân toàn tỉnh không được mất trật tự, hốt hoảng, nghe tin đồn đãi…”

Trước khi trời sáng, toàn tỉnh Bến Tre biết có đảo chính ở Sài Gòn.

Luân không rõ quá trình thương lượng tiến hành ra sao mà mười giờ, đài của Dinh Độc Lập phát kêu gọi của Tổng thống: “Một số phần tử bất mãn và bọn tay sai Thực – Phong – Cộng mưu đồ lợi ích riêng đã phản bội hiến pháp, toan dùng vũ lực thanh toán thành quả cách mạng của Việt Nam Cộng hòa. Tôi, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh sư đoàn bộ binh lập tức về dẹp bọn phản loạn”… Chính Ngô Đình Diệm đích thân đọc bản kêu gọi khẩn cấp đó.

Nghĩa là thế nào? Luân tự hỏi. Nguy kịch rồi sao? Từ hai giờ sáng đến giờ, anh túc trực tại phòng truyền tin cùng các sĩ quan trực thuộc. Dung pha cho họ cà phê. Họ vừa nhai xăng-uých vừa chăm chú theo dõi máy thu thanh, máy bộ đàm, điện thoại. Tin tức từng chập báo về: dân chúng thị xã Trúc Giang xôn xao, tụ tập bàn tán…

Máy thu thanh lại nhận được lời của Diệm: “Hỡi các thiên thần mũ đỏ! Hỡi các con yêu quý của ta…” Máy bị tạp âm, không nghe được toàn văn. Luân buồn cười: Hôm nào, lối nói cảm hứng của Tổng thống xúc động cả một lữ đoàn, nay thì trơ trẽn. Tổng thống vốn không có giọng tốt để “ca” câu vọng cổ não nùng đó!

- Có thể bọn stagiaires() này ăn may! – Đại úy tham mưu trưởng bắt đầu dao động.

() Tập sự

Mười một giờ, Đài phát thanh Quốc gia bỗng lên tiếng, mở đầu bằng bài hành khúc rất quen thuộc của Lưu Hữu Phước – bài “Lên đàng.” Tiếp sau, một giọng chải chuốt lạ tai. Đó là bác sĩ Phan Quang Đán, thay mặt cho Ủy ban cách mạng: “Hỡi quốc dân đồng bào! Cuộc chiến đấu oai hùng của dân chúng Việt Nam liên tiếp bị phản bội. Cộng sản đã cướp công của đồng bào, thiết lập chế độ độc tài Đảng trị ở Bắc Việt. Ông Ngô Đình Diệm đã cướp công của đồng bào, thiết lập chế độ độc tài gia đình trị ở Nam Việt. Từ khi trèo lên ghế Thủ tướng rồi Tổng thống. Ông Diệm một mặt đàn áp khủng bố các lực lượng quốc gia dân chính, một mặt dung túng cho gia đình và tay chân vơ vét bóc lột dân chúng thậm tệ. Chế độ dân chủ bị chà đạp, ông Diệm gian lận ngay trong các cuộc bầu cử. Thế nước lâm nguy. Ngày nay, Cộng sản đang lộng hành khắp thôn quê, lợi dụng sự bất mãn của dân chúng. Để chống Cộng hữu hiệu, mang ấm no hạnh phúc về cho dân, hoàn thành sứ mạng thống nhất Tổ quốc, quân đội đã ra tay hành động. Ngô triều đang hấp hối. Hội đồng cách mạng do tôi đứng đầu kêu gọi quốc dân đồng bào hưởng ứng cách mạng, siết chặt hàng ngũ sau lưng quân đội và Hội đồng cách mạng…”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio