P - Chương
Trung tá Mai Hữu Xuân vừa nghe băng ghi âm vừa ngắm nghía bức ảnh của Kĩ sư Nguyễn Thành Luân. Băng ghi âm và ảnh do Géo Nam gửi về, theo lệnh của Xuân.
Văn phòng im ả. Thỉnh thoảng Xuân nhúm một nhúm thuốc từ trong chiếc hộp mang nhãn hiệu Prince của Hà Lan tra vào píp và khoan thai châm lửa. Màu simili sậm bọc chiếc ghế tiệp với màu da nâu của Xuân. Đôi môi thâm giữ chặt chiếc píp La Bruyère, chỉ động đậy khi Xuân hít từng hơi dài và sau đó, khoan khoái thả ra làn khói nhạt.
Quê quán ở một tỉnh ven biển Trung Bộ, Mai Hữu Xuân tốt nghiệp bậc trung học tại Sài Gòn và vào đời với nghề trưởng ga xe điện Xóm Gà. Xuân xin gia nhập ngành mật thám và được tuyển chọn làm mật báo viên. Chẳng bao lâu, giám đốc mật thám Nam Kỳ để ý đến Xuân vì tinh thần mẫn cán lẫn kết quả công việc. Nhiều nhóm Cộng sản vùng Xóm Gà, Bà Chiểu tan vỡ nhờ Xuân. Bởi vậy, Xuân được đặc cách công nhận là Gardien de paix(), một phẩm trật thường chỉ dành cho người Pháp hoặc mang quốc tịch Pháp.
Từ khi Pháp xâm lược trở lại Việt Nam – tháng - – đường công danh của Xuân càng mở rộng. Lúc đầu giữ chức Chef brigade() cùng lứa với Trần Bá Thành, Michel Mỹ, Mai Hữu Xuân nhảy vọt lên vị trí thứ ba trong đẳng cấp ngành mật thám Đông Dương, chỉ đứng sau Perrier, giám đốc Liên bang và Bazin, giám đốc Nam Việt. Giao cho Mai Hữu Xuân phụ trách bộ phận cảnh sát đặc biệt miền Đông(PSE), quả Bazin biết người biết của. Ít lời, tỉ mỉ, hành động kiên quyết, không bao giờ bận bịu với tình cảm, Mai Hữu Xuân hội đủ các điều kiện của một chỉ huy mật thám chuyên nghiệp. Đức tính của Xuân không chỉ có bấy nhiêu. Người ta còn nhớ cái ngày --, bấy giờ Xuân làm việc ở bót Catinat. Trong số tù giam giữ ở đây, khá đông thuộc nhóm thân Nhật. Quân Nhật ụp đến, bắt tất cả nhân viên mật thám, kể cả Bazin. Tất nhiên Xuân không thể là ngoại lệ. Thế nhưng mười phút sau đó, người ta thấy Xuân lên xe hiến binh Nhật và một giờ sau, Xuân trở lại với chiếc băng đỏ trên cánh tay: Ông ta được bổ nhậm làm phụ tá cho chỉ huy trưởng Hiến binh người Nhật. Lập tức Xuân điểm danh các điệp viên Pháp – mỗi tên được gọi tới Catinat và mỗi tên có việc khẩn cấp phải làm cả.
() Cảnh sát viên hạng cao
() Trưởng toán.
Rồi Nhật đầu hàng. Cách mạng nổ. Xuân trình diện sớm nhất với Quốc gia tự vệ cuộc. Giữa lúc rối tinh trăm thứ, chẳng ai để ý đến một Mai Hữu Xuân ít tiếng tăm so với những đốc phủ Tâm, đốc phủ Bạch chẳng hạn. Hai mươi chín ngày sau, vào cái đêm -, Xuân cùng một toán – gồm nhân viên lính kín, phòng nhì cũ, hiến binh... – dẫn đường cho quân đội Anh chiếm bót Catinat, bấy giờ là trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ. Chính Xuân mở khóa mời Bazin lên phòng làm việc của y ta. Và một lúc sau, Xuân đứng đầu Sở cảnh sát đặc biệt.
Bởi vậy, người ta có cảm giác là Mai Hữu Xuân bàng quan trước bao nhiêu đổi thay từ khi Pháp thất thủ Điện Biên Phủ. Thật ra, Xuân thôi chức vụ chỉ huy PSE – cơ quan nầy giải thể sau khi Bazin bị Việt Minh giết – và công việc chính của ông ta là trợ lí cho tướng Hinh trong ngành an ninh quân đội với quân hàm trung tá trù bị. Hinh mất chức Tổng tham mưu trưởng, Xuân vẫn bình thản. Lê Văn Tỵ gọi Xuân đến báo cáo và Xuân đã làm cho viên tướng lên lon nhờ số hên nầy hài lòng. Tỵ giới thiệu Xuân với Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Diệm hài lòng nốt.
Nha an ninh quân đội, dưới quyền trung tá Mai Hữu Xuân – ông ta được Thủ tướng công nhận hàm trung tá thực thụ - hoạt động rộng hơn chức danh của nó rất nhiều. Do đó, Xuân có trong tay những gì liên quan đến một Việt Minh nặng cân – như Xuân đánh giá – tên là Nguyễn Thành Luân. Xuân còn biết Nguyễn Thành Luân từ ngày --, đã là con nuôi của Giám mục Ngô Đình Thục. Vấn đề là sớm ngăn chặn gã Cộng sản này trước khi gã rề rà quá sâu vào bếp núc nhà họ Ngô.
“Gã về thành và gặp ngay Ngô Đình Thục. Nghĩa là thế nào? Người của Nhu từ lâu? Không phải! Gã từng làm trưởng phòng mật vụ phía bên kia. Hình như có một dạo, gã miner() được cả trong PSE của mình. Phải rồi. Thằng Thomas Bocal là một. Gã còn thông qua Thượng Công Thuận khai thác tin tức từ con rể ông ta, Michel Mỹ - phó của Bazin.”
() Gài bẫy, cấy vào.
Mai Hữu Xuân cố nhớ. Ông ta lục lọi phòng lưu trữ tuyệt mật của công an. Thêm được một số hiểu biết nữa. Nhưng chính Phòng nhì của Pháp cung cấp cho ông ta nhiều tài liệu quý, đặc biệt các phúc trình của Savany. Vậy là Luân quan hệ đã khá lâu với Ngô Đình Thục, bằng con đường quen thân của hai gia đình. Càng không ổn. Với Trần Kim Tuyến, không có gì đáng ngại: một tay tập tễnh làm mật vụ, chưa lọt khỏi ngưỡng cửa học nghề. Nguyễn Thành Luân chắc không giống anh chàng bác sĩ giả hiệu kia. Ngô Đình Nhu sẽ sử dụng gã và ai mà biết được rồi đây, cái gì sẽ xảy ra với những người như Mai Hữu Xuân. Gì thì gì, gã phải làm cho Nguyễn Thành Luân như chưa hề sinh ra… Tất nhiên, gã sẽ không trầy một chút da nếu gã tỏ ra biết điều. Hơi khó! Và, kín như bưng, tất nhiên, bởi Nhu mà ngửi được, chức Giám đốc an ninh quân đội bay ngay tức khắc đã đành, giữ được cái đầu trên cổ cũng không dễ. Chưa hẳn vì Luân là con nuôi của Thục, chưa hẳn vì Nhu trọng vọng Luân mà chính yếu là Nhu không ưa Xuân. Có lần Xuân nghe tướng Tị thổ lộ: “Cụ - tức Ngô Đình Diệm – khen ông, nhưng ông cố vấn cứ gặng tôi mãi: Mai Hữu Xuân làm được không? Mai Hữu Xuân xuất thân từ mật thám, đảm đương sao nổi việc an ninh quân đội?” Nếu Cụ không khăng khăng giữ ông thì ông đã được trả về cho Phòng nhì Pháp từ tháng , tháng kia!
Xuân tắt máy ghi âm, rời ghế. Khi Xuân đứng lên thì đó là một con người khác: nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông ta bấm interphone:
- Commandant() Vọng lên gặp tôi!
() Thiếu tá.
Có tiếng trả lời léo nhéo ở đầu kia.
Nửa phút sau, một sĩ quan béo lùn, cầu vai bốn gạch vàng, chập chân ngoài thềm.
- Thế nào? – Xuân hỏi.
- Thưa trung tá, hắn ở số Place Pigneau de Behaine, gần sân bay, nhà của anh hắn, kĩ sư hóa học Gustave. Chúng tôi bám sát!
- Ờ!
Xuân chỉ vào ảnh Luân, ra lệnh tiếp:
- Cho in nhiều tấm!
- Dạ!
- Định thế nào?
- Thưa, xin trung tá cho lịnh: Penalty, Coup franc direct hay Indirect()?
- Indirect.
- Dạ!
- Không lộ tin ra ngoài. Hiểu chưa?
- Dạ!
- Bao giờ?
- Chiều nay…
- Thiếu tá có thể đi được!
Mai Hữu Xuân ngồi trở lại ghế, gõ píp vào gạt tàn sửa soạn nhồi thuốc.
() Phạt đền, phạt trực tiếp, phạt gián tiếp(thuật ngữ bóng đá). Ở đây, tiếng lóng muốn nói: giết, làm bị thương, bắt cóc.
Luân len lỏi chật vật giữa dòng người chen lấn con đường Lê Văn Duyệt – vừa mới được đổi tên, trước kia nó mang tên Verdun, ghi nhớ trận Pháp thắng Đức trong Thế chiến thứ nhất – dẫn ra ngoại ô Tây Bắc. Vào lúc cao điểm như buổi chiều nay, con đường trở nên chật hẹp, lộn xộn. Chiếc motobécane Luân mượn của đứa cháu nhích từng thước một. Anh đang trở về nhà người anh – kĩ sư hóa chất Gustave – nơi Luân ở tạm chờ gia đình thu xếp một chỗ riêng. Gustave thực sự vừa mừng vừa lo cho đứa em không báo trước đột ngột xuất hiện. Luân trấn an anh mình và vài ngày sau, cả nhà biết tin Luân. Những bức điện từ Pháp, từ Anh… đánh về hỏi han sức khỏe Luân, chúc mừng Luân – bình yên sau chín năm chiến tranh và được giám mục nhận làm con nuôi – đồng thời ủy nhiệm Gustave lo liệu cho Luân.
Mặc dù giám mục ân cần nhắc Luân sớm gặp Nhu, Luân vẫn không vội. Trước tiên, Luân tìm việc làm. Hẵng có một sinh hoạt bình thường đã. Sự vồ vập đến với Nhu có thể bị hiểu bằng nhiều cách – cách nào cũng không hay. Gustave giới thiệu Luân với chủ trường trung học tư thục Vương Gia Cần. Chủ trường lưỡng lự khá lâu. Hiệp định Genève thì hiệp định, Luân là một sĩ quan kháng chiến, liệu công an có làm khó dễ không?
Mặt khác, chà, sẽ hấp dẫn biết bao khi báo chí đăng quảng cáo: Giáo sư vừa từ bưng biền về, Kĩ sư Robert Nguyễn Thành Luân, trung đoàn phó, dạy môn Toán và Pháp văn các lớp ban tú tài. Chẳng cần nói, trường chắc phải thêm chái để đón học sinh. Chưa có trường nào so nổi Vương Gia Cần. Vả lại, tay kĩ sư đi kháng chiến lâu ngày, khá lờ quờ về giá cả: anh ta nhận số tiền hai mươi lăm đồng một giờ dạy – bằng phân nửa người khác – và sẽ dạy mỗi ngày ba giờ.
Cân nhắc kĩ lưỡng lợi hại rồi, chủ trường đồng ý kí hợp đồng. Ông tự an ủi: Cách đây vài hôm tại nhà sách Yểm Yểm của thi sĩ Đông Hồ, hai nhà văn kháng chiến Lí Văn Sâm và Dương Tử Giang họp mặt với đông đảo văn hữu. Báo chí đưa tin này, cho biết tổng trưởng thông tin và chiến tranh tâm lí Phạm Xuân Thái có lời hoan nghênh.
Luân sắp ra về sau khi xong các thủ tục, một số đông giáo sư và cả một số học sinh ùa lên văn phòng giám đốc gặp Luân, có lẽ do cô thư kí loan tin. Thế là một cuộc nói chuyện không dự kiến đã diễn ra. Người ta hỏi Luân về đời sống kháng chiến, về các trận đánh, về triển vọng của tình hình. Người ta xoay quanh Điện Biên Phủ. Ông chủ trường cao hứng khui một chai Whisky và cụng li với Luân. Ông ta oang oang:
- Mấy “vous”() thật là formidable()! Camp retranché() vào loại kiên cố với hệ thống đồn nào Claudine, Anne-Marie, Eliane, phía Bắc có Gabrielle, Beatrice, phía Nam có Isabelle, dây kẽm gai căng rộng năm bảy chục thước… Tướng Pháp thị sát xong, lớn tiếng thách Việt Minh: Mời vào! Phó Tổng thống Mỹ Nixon đến tận nơi và bảo: Ô kê! Thế mà mấy “vous”… Ối giời! – Ông ta ra dấu bóp vỡ quả trứng – Mấy “vous” cho tất cả chầu Diêm vương! Người Nam ta cừ thật!
() Ông, anh.
() Dễ sợ, ghê gớm.
() Cứ điểm phòng ngự.
Luân nhìn khắp lượt những người có mặt. Họ không “bốc” như ông chủ trường. Hãnh diện và phân vân. Hãnh diện vì những cái đã qua, phân vân vì ngày mai. Tuy nhiên, Luân phát hiện thêm rằng cuộc kháng chiến trường kì qua đã gợi thức đến những người bấy lâu nay dường như ngủ ngoài thời cuộc.
Khi Luân ra về, một cô giáo tiễn Luân tận cổng. Cô rất trẻ, tên Mai, nghề chính là thư kí tòa đô chính, nhận dạy giờ để có thêm thu nhập. Luân để ý đến cô vì suốt cuộc gặp gỡ, cô không nói nửa lời, đôi mắt to buồn rười rượi. Và Luân bỗng ngờ ngờ: cô quá giống một người nào đó mà Luân quen.
- Tại sao các anh không đánh luôn, giải phóng luôn? – Cô hỏi Luân, rất khẽ.
Đâu dễ trả lời ngắn gọn một thắc mắc cỡ đó, Luân chỉ cười nhẹ:
- Vẫn đánh tiếp đó chớ…
Cô giáo nhìn Luân ngờ vực:
- Đánh bằng cách khác… Khác về cách đánh thôi!
- Đánh bằng tay không à? Đánh bằng đôi tay bị trói à? Tôi không hiểu – Cô gái lắc đầu – Riêng anh, anh tin rằng họ sẽ cư xử tốt với anh sao? Anh ra công khai như vầy mà yên tâm được sao?
Luân biết là chưa thể làm cho cô giáo trẻ thông được ngay hoàn cảnh tế nhị của cách mạng. Anh cầm tay cô:
- Cám ơn cô Mai.
Đông người và dòng suy nghĩ bất tận xô Luân về phía trước. Chiếc motobécane rú ga ầm ĩ.
Từ giã Sài Gòn khi thành phố còn gói gọn trong một khoảnh nội ô, Luân gặp lại nó, cơ hồ không nhận ra: những khu đầy mồ mả, sình lầy nay mọc lên nhà cửa san sát. Không phải biện Tây, biện Chà tuần tra đường phố mà là cảnh sát người Việt. Luân nhớ anh vừa nói với cô giáo Mai: vẫn đánh, song đánh cách khác. Đúng vậy, phải đánh cách khác vì điều kiện của trận đánh đã đổi thay. Cuộc kháng chiến đóng góp vào sự đổi thay đó và bây giờ, những người kháng chiến như anh phải đối phó ngay với thành quả của chính mình!
Một chiếc Jawa vượt qua mặt, cắt dòng suy nghĩ của Luân. Gã ngồi sau, rất lưng nách, ngoảnh nhìn Luân. Gió phất vạt áo gã, một khẩu súng ngắn lòi ra.
Qua kiếng chiếu hậu, Luân nhận thêm một chiếc Jawa thứ hai kè đằng sau lưng anh, Luân đoán rằng sắp có biến và chắc chúng nó chờ Luân đến khúc đường vắng gần Lăng Cha Cả.
Luân đến ngã ba rẽ vào ga Hòa Hưng. Anh mở ga xe, lách vội dòng người, ngoặt qua trước mũi hàng chục loại xe khác, giữa tiếng chửi thề ỏm tỏi của những người lái, từ phía phải anh phóng sang phía trái, lao vào con đường rẽ.
Chiếc Jawa chạy trước bị hẫng. Chiếc chạy sau cũng bị bất ngờ. Chắc chắn là nhanh nhất, một phút sau, hai xe mới lọt được vào con đường rẽ.
Luân xả hết tốc lực. Chiếc motobécane uốn lượn vun vút giữa xóm nhà lụp xụp. Chỉ cần đến Hòa Hưng, anh sẽ lần vào vô số lối nhỏ, chúng khó mà theo dấu anh.
Nhưng tiếng Jawa đã lồng lộn ngay sau lưng anh. Các tay lái xe này không xoàng.
Từ đây đến chợ Hòa Hưng phải qua một vùng trồng rau. Chậm nhất, chúng đuổi kịp Luân giữa đám rẫy.
“Nhị tì” Quảng Đông đây rồi. Luân vòng theo rìa khu nghĩa địa, đột ngột thắng xe, nhảy vài bước, chui vào đám mồ mả ngổn ngang. Anh chọn hướng ngược chiều với hai chiếc Jawa, cúi rạp người, chạy thật nhanh. Lựa một ngôi mả có mái che cao, ở nơi trống trải, Luân đu lên và nằm sát trên mái che.
Tiếng hai chiếc Jawa ngừng. Chúng đã thấy xe của Luân.
Nghĩa địa không rộng, vài phút sau, cả bốn đứa lùng sục khắp các xó xỉnh.
- Thằng này biết tàng hình chắc?
Một tên trong bọn càu nhàu:
- Thôi, đem xe của nó về cho thiếu tá.
Một tên khác bảo. Cả bọn kéo nhau ra nghĩa địa. Ba xe cùng nổ máy.
Luân vẫn nằm bẹp dính trên mái nhà mồ. Sự thận trọng của anh không vô ích. Khi trời nhá nhem, chiếc Jawa trở lại. Nó đón một tên ngồi rình Luân nơi nào đó, chịu khó đến cả tiếng đồng hồ.
Tối quá, nên Luân không đọc được bia ngôi mả. Chẳng rõ ông bà Hoa kiều nào vô tình cứu Luân…