Hoàng thỉnh thoảng gật đầu đáp lại nhận xét của Luân.
- Chắc chúng ta cần nói chuyện hơi dài. Ít khi có dịp như hôm nay, nhất là chúng ta nói chuyện thật cởi mở, tư cách mỗi bên đều không có gì phải che giấu… Tôi nghĩ là trung tá nên gọi điện cho bà trung tá để việc vắng mặt đột ngột của trung tá không gây ồn ào.
Thấy Luân mỉm cười, Hoàng nói tiếp:
- Tất nhiên, cũng để cán bộ Đại Việt chúng tôi không bị làm khó dễ.
Luân đến máy. Chỉ cần trễ vài phút nữa. Dung đánh động khắp nơi.
- Anh đang chơi ở nhà người bạn… Người bạn nào à? Người bạn mà cô Mai nhắc đến hôm nọ. Những người bạn như vậy… Anh sẽ về nhà trước giờ giới nghiêm.
Mặt đối mặt, Luân và Hoàng đi vào “cuộc thương lượng” trên thế cần bằng. Trước họ, một mâm đồ nhắm và rượu. Bên ngoài, sông Sài Gòn nhấp nháy ánh sao trời.
- Chúng tôi trọng trung tá, một người Quốc gia chân chính. Vận nước đang nghiêng ngửa, mọi người Quốc gia chân chính đều phải thấy trách nhiệm. Đôi lần, ủy ban lãnh đạo tối cao của đảng chúng tôi đặt vấn đề mời trung tá tham gia đảng. Song, chúng tôi chưa biết phải mở lời như thế nào để trung tá thông cảm. Xin lỗi, dù trung tá giữ cương vị tinh thần rất cao trong Trung ương Đảng Cần lao, chúng tôi vẫn xem đó là một thích nghi hoàn toàn ứng phó… - Hoàng mở đầu và đi ngay vào một trong những điều quan trọng nhất: rủ Luân vào Đảng Đại Việt.
- Có lẽ chúng ta không nên phí thì giờ… Xin lỗi ông. Tại sao chúng ta phải “khai vị” bằng việc tuyên truyền cho Đảng Đại Việt? Cũng như các ông vừa phí thì giờ thử xem tôi có phải là Cộng sản không… Chúng ta là những người quan tâm đến thời cuộc, tôi đồng ý lấy đó làm cơ sở và chỉ dựa mỗi cơ sở đó thôi. Giả tỉ tôi lại rủ ông vào Đảng Cần lao, thì ông thấy thế nào? Buồn cười quá phải không?
Hoàng đỏ mặt.
- Nếu vậy, ta đi ngay vào điều hai bên đều quan tâm… Ông Diệm và cả chế độ của ông từ lâu rồi là công cụ giúp Cộng sản rất đắc lực. Phải nói chính ông ta, em trai, em dâu, anh, chị, toàn gia tộc ông ta mở đường cho Cộng sản chiến thắng. Không phải chúng tôi mà nhiều người Mỹ cũng nhận định như vậy… Không có gì bức bách hơn là phải thay thế ông Diệm…
- Cứ cho lập luận của đảng các ông là đúng, tại các ông không trao đổi với người Mỹ? Người Mỹ đủ sức làm một cuộc thay đổi nếu họ muốn…
- Đó là chỗ còn đôi phần khó khăn. Với đại sứ Nolting, thay đổi nguy hiểm hơn vẫn giữ ông Diệm. Nhưng, với một số giới chức Mỹ khác, thay đổi là tất yếu. Rất tiếc, hiện nay quyền lực trong tay Nolting.
- Fishel không kém quyền lực lắm đâu! – Luân hóm hỉnh.
- Trung tá hiểu nội tình người Mỹ rất thấu đáo. Song, Fishel do dự về thời gian. Mà chúng tôi nghĩ kéo dài thêm một ngày, nguy cơ chủ nghĩa quốc gia bị đánh bại ở Nam Việt lớn ra thêm một mức, đến độ vô phương cứu vãn.
- Đã vậy, các ông làm sao được?
- Chúng tôi cho rằng phải chứng minh với người Mỹ nguy cơ đó bằng cách chứng minh cho họ thấy ở Nam Việt vẫn có những thế lực mạnh chống ông Diệm – ngoài Cộng sản. Chúng tôi đủ sức làm một chứng minh như vậy…
- Hành động để chứng minh dĩ nhiên không khó khăn, song nếu cần một tiếng vang thôi thì các ông đã đo lường hết mọi hậu quả chưa?
- Không phải hành động để chứng minh một cách đơn độc, mà kèm cả một cuộc vận động lớn trong và ngoài nước, kể luôn bên Mỹ.
Tới bây giờ, sau nhiều câu nói, Hoàng vẫn chưa làm sáng tỏ lí do mà Đảng Đại Việt phải dùng vũ lực đưa Luân tới đây.
- Tôi chưa thích thú lắm với nước cờ của các ông. Tuy nhiên, đó là quyền của các ông. Về phần tôi, các ông muốn gì?
- Đơn giản thôi. Với trung tá, chúng tôi chỉ mong một lời hứa…
- Hứa tham dự với các ông?
- Không, không cần. Trước khi gặp trung tá, chúng tôi, có ý ấy, thậm chí có ý, nếu trung tá nhận sẽ là một trong những lãnh đạo nội địa chủ chốt của đảng… Bây giờ, chúng tôi thấy không cần.
- Hứa không tiết lộ ý định của các ông?
- Không phải là vấn đề. Chúng tôi mời trung tá đến nói ý định rồi đề nghị trung tá đừng tiết lộ - chi vậy? Với trung tá, chúng tôi không bao giờ dám bất kính.
- Hứa không gây cản trở?
- Một phần nào… Cái lớn là mời trung tá giữ một chức vụ trong nội các sẽ thành lập… Chưa phải lúc nói rõ chức vụ ấy là gì, dĩ nhiên, chức vụ quan trọng, rất quan trọng nữa… Và, chỉ nhận khi chúng tôi giải quyết xong họ Ngô. Nghĩa là tránh cho trung tá mọi phiền toái…
- Cám ơn các ông rất chu đáo đối với tôi… - Luân dừng câu nói một lúc; Hoàng háo hức chờ mà Luân thấy giống con chồn chực mồi, đôi ria mép của ông ta động đậy luôn – Có phải Fishel cần tên tôi trong bảng danh sách mà các ông thông báo với ông ta? – Luân đặt thẳng một câu hỏi, bây giờ anh đã rõ thực chất của cuộc “thương lượng.”
- Không chỉ có tên trung tá… - Hoàng đính chính, không giấu nổi lúng túng.
- Tôi không nghĩ rằng giá chứng khoán của tôi cao đến thế… - Luân cười cợt – Song, người Mỹ nổi tiếng thực dụng. Họ nắm mọi yếu tố ở Nam Việt còn chặt hơn cả chúng ta… Tại sao họ không trực tiếp với tôi?
- Có thể họ chưa đánh giá chính xác xu hướng chính trị của trung tá…
- Các ông lại đánh giá chính xác?
- Dạ… phần nào… Tuy nhiên, chúng tôi với trung tá vẫn là người Việt Nam với nhau…
- Người Việt Nam? – Luân cười mỉm.
Hoàng không phải là hạng kém:
- Ông có biết một người tên là John Hing không? – Hoàng đưa Luân vào một ngõ khác.
“John Hing là Dương Tái Hưng. Sao lão này dính vào đây?”
Thấy Luân trầm ngâm, Hoàng nói luôn:
- Không phải Fishel mà chính John Hing, một người rất thế lực – nếu không nói là “siêu thế lực” – đòi hỏi danh sách. Ông ta có mọi thứ trong tay nhưng vấn đề Nam Việt phải chính do người Việt Nam cáng đáng; ông ta bảo như thế. Tôi tiết lộ một nguồn tin tối mật: Tình báo Trung Cộng tán thành khử ông Diệm… Trước đây, họ chủ trương bảo vệ ông Diệm tới cùng; bây giờ họ thống nhất với chúng tôi. Họ sợ Việt Cộng thắng nhờ những sai lầm của ông Diệm. Tôi cũng cho rằng Việt Cộng nôn nóng theo hướng đó không khác chúng ta. Nghĩa là, cái điều kiện khách quan chín muồi.
- Ông cho tôi biết quá nhiều. Phải chăng, ông theo ngạn ngữ: người biết nhiều chóng già? – Luân hỏi, hơi cười…
- Vì chúng tôi coi trung tá như người nhà! – Hoàng trả lời, mắt lóe một tia ranh mãnh.
- Mọi việc cần phải đi đến kết thúc hôm nay? - Luân hỏi, xem đồng hồ tay.
- Không… Chúng ta còn gặp nhau…
- Ông cho xe đưa tôi về… Tuy nhiên, tôi phải nói trước, nếu ngôi nhà này bị công an khám nội đêm nay hoặc ngày mai thì không phải lỗi ở tôi…
- Tôi hiểu và đã dự kiến. Đảng chúng tôi có nhiều chiến khu…
“Chiến khu,” Hoàng nhắc Luân nhớ “chiến khu ma” Bình Quới Tây mà có lần Luân thuật cho đại sứ Mỹ Rheinardt nghe…
“Chúng nó cài mình vào bẫy. Cuộc trao đổi được ghi băng. Khi cần, chúng sẽ bán băng đó cho bất kì ai kể cả Nhu… Nhưng, chúng đơn giản quá, nặng về mưu mô vặt quá… Dẫu sao…,” Luân suy nghĩ trên xe.
Luân gặp Nhu. Thoạt nghe Luân bị “bắt cóc,” Nhu sững sờ.
- Không sao… Anh thấy tôi chẳng sứt mẻ một chút nào cả, thậm chí, không trầy da. – Luân xởi lởi.
- Nó dám lộng như vậy! Đó là chuyện không thể chấp nhận.
Luân biết Nhu nghĩ liền đến P. – với Nhu, Đại Việt đáng sợ hơn mọi thứ trên đời. Anh ta từng nói: Bọn lưu manh làm chính trị - thà lưu manh như Bình Xuyên – chúng không từ một thủ đoạn nào; Đại Việt tựa con rết, con lươn, lũ hồ ly tinh…
Nghe Luân một lúc, Nhu cầm máy nói. Luân phải ngăn anh ta:
- Khoan, anh đừng nóng…
- Thằng tên Hoàng đó là ai? – Nhu hỏi.
Luân lắc đầu:
- Tôi không biết, hẳn một nhân vật lớn của Đại Việt; có thể lấy họ làm tên, Hoàng Xuân gì đó, chẳng hạn.
- Tôi sẽ tìm ra nó! Còn ngôi nhà… Anh để tôi gọi Tổng nha… Thế nào, qua khỏi Cầu Kinh chừng cây số, qua Cercle Nautique và trăm mét, về phía tay trái, villa hai tầng, tường cao…
Luân tiếp tục báo – anh không đả động đến P. và các thứ liên quan, kể cả viên phi công AD…
Điện thoại Tổng nha trả lời: đúng là nhà nghỉ của Trung tá Vũ Liệu.
- Cái thằng trung tá nhóc con này! – Nhu gằn giọng. - Fishel thì chẳng có gì lạ. Ông ta trước kia ủng hộ anh Tổng thống hết mình, bây giờ xoay hướng. Còn John Hing, tôi chưa nghe tên va lần nào… À, có phải cái thằng tên là... là…
- Dương Tái Hưng!
- Đúng, có lần anh nhắc va với tôi… Va là cái gì?
- Có cổ phần trong Công ty ngựa bay Colt…
- Hừ… đến vậy kia! – Nhu buông thõng câu nói.
- Tôi cho họ, tôi nói Đại Việt, còn trẻ con… Có thể họ lưu manh như anh nhận xét. Song, họ vẫn là trẻ con… Đối phó của anh không nên chỉ nhắm vào họ…
Nhu thừ người khá lâu.
- Anh có lí… Tôi sẽ làm việc với đại sứ Nolting. Riêng anh, tôi khuyên anh nên thận trọng. Canh bạc đến hồi sát phạt không nương tay!
Nhu cảm thấy mình yếu thế. Một Đảng Đại Việt vẫn làm anh ta mất thần. Anh ta lại rất giống Đại Việt – sẽ “thưa gởi” với người Mỹ. Anh ta không biết đó là việc dại dột. Người Mỹ sở dĩ còn tính toán trong thay đổi tay chân là sợ gia đình Diệm phản ứng mạnh, tình thế sẽ xấu. Nếu Nhu chỉ cần xin sự phán xét của Mỹ, thì chính anh tự thú cái nhược, không chỉ về thực lực mà cả về ý chí. Đó là một thứ tín hiệu đóng góp vào xu hướng gạt Diệm đang hình thành, lớn dần trong chính giới Mỹ… Lại qua Trần Lệ Xuân với Notling thôi! Ngay cả trong thủ thuật này, Nhu cũng khờ khạo. Nolting thu lợi đầy đủ nhất: chiếm Lệ Xuân và thực hiện ý định của Mỹ, hoặc chuẩn bị cho ý định đó hội càng nhiều điều kiện càng tốt.
Luân rời Dinh Độc Lập, với những kết luận như vậy.
Tất nhiên, Luân không thể biết, ngày hôm sau, thứ Bảy, Lệ Xuân cùng Nolting bay lên Đà Lạt nghỉ cuối tuần.
Gã đại sứ Mỹ không hề che giấu cái đam mê của gã. Vừa đặt chân lên ngôi nhà nghỉ - xưa kia dành cho Bảo Đại – gã đã đòi hỏi Lệ Xuân.
- Em muốn anh làm sáng tỏ một vấn đề…
Lệ Xuân nằm trong vòng tay Nolting, không chịu đáp ứng.
- Lên Đà Lạt không để nói chuyện chính trị…
Nolting thều thào.
- Nhưng, em chỉ bằng lòng khi anh trả lời với em…
- Anh chỉ bằng lòng trả lời với em sau khi em bằng lòng… Anh chờ đợi giây phút này quá lâu…
Cuộc đấu trí kéo dài một lúc, Lệ Xuân thua. Không phải vì tình dục bị kích thích – Lệ Xuân là hạng chủ động cao với tình dục – mà vì y thị cho rằng Nolting có thể chết vì y thị, cho nên nhượng Nolting một bước chỉ có nghĩa là sẽ xỏ mũi gã đại sứ dại gái này, muốn dẫn gã đến đâu, tùy y thị.
Như mụ nghĩ, sau cuộc truy hoan. Nolting hứa – gã cẩn thận ghi vào sổ tay nữa – sẽ “trị” Fishel và đồng bọn.
- Không có điều gì xảy ra với Tổng thống Diệm! – Nolting tiếp tục ve vuốt Lê Xuân.
Lệ Xuân hoàn toàn không thể ngờ rằng Nolting sẵn sàng hứa – kể cả li dị vợ để lấy Lệ Xuân – bởi chương trình nghỉ mát Đà Lạt của gã còn cả đêm nay, trọn ngày Chủ nhật, đêm Chủ nhật…