Saroyan báo cho Luân biết một cuộc họp tuyệt mật của một số sĩ quan cấp tướng tại một nhà nào đó, có Fishell, Katterburg và James Casey. Đặc biệt dự họp có cả một nhà sư. Saroyan không biết nội dung cuộc họp, nhưng cô đoán rằng họ bàn những việc liên quan đến chế độ ông Diệm mà với cô, tức là liên quan đến Luân.
- Em biết được do Fishell về nhà quá muộn. Em bỗng nhớ đến anh và dọ thử: Tại sao gần đây anh ít gặp đại tá Luân, Fishell trả lời: Gã đại tá này dấn quá sâu vào gia đình ông Diệm...
- Em sắp rời Nam Việt, không thể tiếp tục nấn ná được nữa, Fishell dự kiến vào cuối năm này sẽ làm lễ thành hôn với bà hoàng xứ Ả Rập, hôn lễ chính thức cử hành tại Ryad. Hôm nay, ngày mà sự li dị giữa em và Fishell bắt đầu có hiệu lực về mặt pháp lí. Em trở thành người tự do hoàn toàn nhưng đã không phải là vợ một Fishell thì em không thể có mặt ở Sài Gòn. Anh cũng biết, tình báo Mỹ không cho phép em kéo dài thời gian tại đây. Vậy là cái mà em hết sức mong muốn được giúp đỡ anh không thể thực hiện được. Em đã lấy xong vé máy bay, về Koweit một thời gian rồi sau đó sẽ tính. Nói cho đúng, Fishell lấy vé máy bay và quyết định ngày em phải rời Sài Gòn; có thể coi đây như một quyết định trục xuất.
Tất nhiên là Luân hiểu vì trước kia, Tiểu Phụng chỉ vương vấn với Luân vào giây phút cuối cùng mà phải nhận một cái chết thảm khốc.
- Bao giờ thì Saroyan lên máy bay?... - Luân hỏi.
- Chiều ngày mai.
- Saroyan đến đây Fishell có biết không?
- Biết, em có báo cho hắn.
- Fishell bảo sao?
- Hắn bảo: Cô đã trở thành người tự do, nhưng phong tục Việt Nam không cho phép đại tá Luân lấy hai vợ. Hắn cười nham nhở. Hắn bảo: John Hing thích cô nhưng cũng thích trong những giờ hạn định và cô đã tát ông ta rồi. Cô cứ đến từ biệt Nguyễn Thành Luân, tôi không ngại cô sẽ giao cho Nguyễn Thành Luân những tài liệu gì đó thuộc công vụ của tôi, bởi vì những gì tôi biết thì Nguyễn Thành Luân cũng biết, thậm chí đôi cái về Việt Nam còn biết hơn tôi!
- Saroyan đã thu xếp xong hành lí chưa?
- Xong, và đã chuyển ra sân bay, trừ một túi nhỏ.
- Thế thì, để đề phòng mọi bất trắc, tôi muốn Saroyan ở đây với chúng tôi và chiều mai, Dung và tôi sẽ tiễn Saroyan ra sân bay. Tôi rất ngại những đột biến có khi từ Fishell mà có khi từ người khác. - Luân bảo Saroyan, giọng âu yếm.
- Em sẽ làm theo ý anh mặc dù bây giờ việc em còn hay mất gần như vô nghĩa đối với em. Em mong muốn được ở bên cạnh anh, giúp anh, dĩ nhiên không thể với tư cách là vợ hay tình nhân, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Trong thời gian vài năm sống ở Việt Nam, em khám phá ra một điều: giá mà người Ả Rập của em có được những hiểu biết như dân tộc anh... Rất tiếc, em không có khiếu chính trị và chắc chắn không thể mang về cho người Ả Rập điều mà họ cần...
- Saroyan không thấy mấy hôm nay đường phố Sài Gòn tràn ngập các nhà sư?
- Em thấy. Thoạt đầu em cũng nghĩ người Việt giống người Ả Rập, cũng cuồng tín. Nhưng khi đọc báo và xem ảnh về cái chết của nhà sư Thích Quảng Đức, em hiểu khác. Có thể có một số nhà sư nào đó cuồng tín, cũng có thể có một số nhà sư nào đó lợi dụng đạo Phật vì mục đích chính trị hay tài chính, hay tệ hại hơn, nhưng số đông lại biết điều khiển tín ngưỡng của mình vào những mục tiêu. Chỉ có điều em cảm thấy Fishell và những người của hắn ta thủ lợi đầy đủ hơn hết trong các sự biến hiện nay. Với anh, em mong đừng để rơi vào trong cơn hỗn loạn này. Anh phải sống, sống cho Thùy Dung và xin phép anh, sống cho em!
Saroyan khóc. Luân ngồi chết trân, tâm trạng rối bời.
Tiếng còi ôtô gọi cửa. Dung vào nhà, ôm choàng Saroyan...
“Một cuộc họp gồm một số tướng, một nhà sư, các nhân vật Mỹ có cỡ... Đạn đã lên nòng. Ngón tay xạ thủ đã đặt vào ổ cò. Chỉ còn từ từ siết cò...” - Luân vừa ngó hai phụ nữ đang ríu rít với nhau vừa nghĩ đến một ngày chắc không xa lắm. Anh bỗng như choáng ngợp. Sự kiện - một khi bùng nổ - cao rộng hơn hiểu biết của anh và chắc chắn tác động của anh, nếu có, cũng chỉ là vài chi tiết... Đây là vấn đề của Trung ương, của những nhà chiến lược lớn và có lẽ, là vấn đề của quần chúng...
Mâu thuẫn nội bộ kẻ thù gần như khó điều hòa. Trong cơn hỗn loạn, anh phải làm gì, có thể làm gì, làm với anh, làm cách nào?
Chưa bao giờ Luân khốn khổ như hiện nay: Đứt liên lạc với cấp trên. Sa - con thoi nối liền giữa anh với lãnh đạo - bỏ hẹn. Anh cố theo bản nhắn tin của đài Hà Nội, đài Giải phóng, nhưng không bắt được ám hiệu. Mục rao vặt trên báo hằng ngày cũng không thấy một mẩu nào... Anh đã mạo hiểm gọi điện lại bác sĩ Tạ Trung Quân - nơi Sa làm việc - và không phải Sa mà một cô y tá trả lời. Vả lại, anh không biết tên mà Sa đang dùng, cho nên đành gác máy.
Trong cái nôn nả chung, Luân còn yêu cầu miệng: anh muốn gửi đứa con của Mai lên Nam Vang để ra Hà Nội - anh đã có địa chỉ của nó. Dung muốn đưa nó về ở chung nhà, song Luân không chịu: biết đâu, chính nhà anh cũng sẽ xáo trộn?
Trước khi cùng Dùng vào phòng riêng, Saroyan chợt tươi tỉnh.
- Anh đừng buồn. Em và Dung sẽ tính... Không phải không có cách. Nhưng, - Saroyan lại sa sầm mặt - có khi em không còn là em nữa...
Luân ngồi thừ mãi...
Anh không thể nào nghe được cuộc nói chuyện ở nhà riêng tướng Mai Hữu Xuân - giữa ông ta với trung tá Hùng, con người mặt choắt, cằm phất phơ vài sợi lông về số phận của Saroyan.
- Saroyan sẽ rời Sài Gòn bằng chuyến thường lệ của hãng hàng không Pan American vào bốn giờ chiều mai - Tướng Mai Hữu Xuân vừa nhả khói ông píp, vừa bảo trung tá Hùng đang đứng nghiêm. - Nghĩa là anh còn... - Tướng Xuân vén đồng hồ tay - anh còn hai mươi tư tiếng đồng hồ để làm cái việc mà tôi cần và ông Fishell thì không phản đối - không phản đối nếu anh thực hiện bằng cách nào đó không thể tạo cớ để ông ta phản đối...
Mặt trung tá Hùng như choắt thêm. Trong đầu hắn ta vụt qua một loạt phương án quen thuộc. Song với Saroyan thật khó... Cô ta ở chung nhà với Fishell và nhà do quân cảnh Mỹ gác. Cô ta ra đường đi xe của Fishell và vẫn có một thằng bảo vệ người Mỹ da đen ngồi sầm sầm đó, dù cho cô ta và Fishell đã li dị.
- Ông Fishell không có mặt ở Sài Gòn đêm nay và trọn ngày mai... - Xuân nói - Nhưng, tôi khuyên anh đừng chọn nhà Fishell, vì, như thế, quân cảnh Mỹ sẽ nổ súng và bọn anh sẽ bị khử tại chỗ hoặc sau đó, liên lụy đến tôi. Vả lại, theo tôi biết Saroyan đang ở nhà Đại tá Nguyễn Thành Luân. Tôi cũng khuyên anh đừng mò đến đó. Tổng nha Cảnh sát rải một lô công an chìm canh giữ nhà đại tá, nhà đại tá lại cùng một đường phố với nhà riêng của đại sứ Nolting, chung quanh có khá nhiều nhà riêng các đại sứ nước ngoài, cạnh Hội Việt - Mỹ... Nên nghĩ cách khác!
- Ngày mai, ông Fishell không tiễn Saroyan ra sân bay? - Hùng hỏi.
- Tất nhiên! Giờ máy bay cất cánh, ông Fishell mới bắt đầu cuộc viếng thăm xã giao Tướng Tôn Thất Đính tại nhà riêng của tướng Đính trên Đà Lạt.
Trung tá Hùng xin phép ngồi xuống ghế, hút thuốc.
- Khử con mụ Saroyan không khó, nhưng nếu vì đó mà đụng đến thằng Nguyễn Thành Luân và con Thùy Dung thì sao? - Hùng hỏi.
Mai Hữu Xuân lắc đầu:
- Chưa phải lúc...
- Vậy thì khó...
- Tất nhiên là khó... Ngay với Saroyan, anh cũng phải cân nhắc. Fishell sẽ làm to chuyện nếu anh hé ra một dấu hiệu nhỏ rằng Saroyan chết vì bị ám hại chứ không vì tai nạn. Fishel truy lùng và anh không trốn thoát. Anh sẽ bị xử bắn!
Mai Hữu Xuân nói chuyện ấy bằng một giọng đều đều như ông ta trao đổi với trung tá Hùng về một buổi giải trí, một cuộc dạo mát. Trung tá Hùng vân vê sợi lông cằm...
- Tôi cần khóa mồm Saroyan. Chắc chắn Fishell cũng cần, theo yêu cầu khác... Fishell ngại Saroyan lật tẩy các vụ cưới vợ của ông ta - nghề tình báo buộc ông ta luôn luôn đổi vợ và cái quan trọng đối với Fishell lại là quốc tịch của vợ, chứ không phải vợ...
Xuân tiếp tục đi lại trong phòng.
- Còn tôi, tôi cần vì Saroyan thân với Nguyễn Thành Luân. Tôi không sợ Saroyan cung cấp tin tức cho Luân - Luân hiểu trăm lần nhiều hơn Saroyan về các loại “thâm cung bí sử” của Sài Gòn, Hoa Thịnh Đốn... Nhưng, Saroyan nhất định sẽ có chồng. Giả tỉ mụ ta lấy một nhân viên cao cấp ở Bộ Ngoại giao Mỹ chẳng hạn, rồi lại lộn sang Sài Gòn, anh nghĩ thế nào về chỗ dựa của Luân? Tôi không đoán suông đâu. Tôi biết chắc, chẳng bao lâu, Saroyan sẽ là phu nhân của Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á Bộ Ngoại giao Mỹ, nếu không phải là phu nhân của một nhân vật còn ghê rợn hơn - tướng Jones Stepp, chỉ huy phó các vấn đề an ninh, quân sự thuộc Ngũ Giác Đài, đặc trách châu Á và Thái Bình Dương: ông ta góa vợ và đã ngỏ lời xin cưới Saroyan... Giữa hai chiếc gường, Saroyan đang chọn - chọn vì thằng Luân...
- Có thể tôi đánh tỉa được. Có thể không. Điều kiện của thiếu tướng trói tay trói chân tôi. Không gây xây xát cho vợ chồng Luân thì không khử nổi Saroyan...
- Nếu chỉ xây xát... - Xuân trầm ngâm - Và nhất là nếu không hề hé ra một bằng cớ nào anh dính vào nội vụ...
- Cái đó thì tôi đảm bảo. Những người mà tôi giao việc, thiếu tướng cứ tin đi, họ như không có lưỡi!
- ... Anh cứ làm!
Xuân phẩy tay. Trung tá Hùng hiểu: nếu lỡ “phạm dao” đến cả sinh mạng vợ chồng Nguyễn Thành Luân, cũng không đến nỗi nào, miễn là giấu biệt đầu mối...
Trung tá Hùng chào tướng Xuân, nhảy lên chiếc xe Jeep quân sự, một loáng sau đã có mặt ở một tiệm ăn và người mà gã gặp là Ly Kai.
Chuông điện thoại reo, Dung nhấc máy:
- Alô... Vâng, bà Saroyan có ở đây... Xin chờ một chút.
Saroyan cầm máy:
- Alô... à, chào cô! Cám ơn. Tốt quá. Không, tôi tự mua, miễn là cô dẫn tôi đến nơi bán. Chà có phiền cô lắm không? Xin cám ơn trước. Tôi đợi.
Dung không để ý lắm đến cuộc điện đàm của Saroyan, nhưng chính Saroyan bảo Dung.
- Tôi sắp đi ra phố một lúc, ca sĩ Minh Hiếu rủ tôi đi mua một chiếc ngà voi chạm trổ. Tôi muốn mang về cho gia đình vài món quà lạ ở đây. Xin lỗi Thùy Dung, tôi đi thay đồ...
Từ khi Luân đi làm việc, Saroyan nói chuyện khá lâu với Dung và hai người đổi cách xưng hô. Tin của Saroyan lóe lên trong óc Dung mối nghi ngờ. Cái gì đây?
Dung gọi điện cho Luân, thuật lại việc Saroyan sắp ra phố. Saroyan thay xong quần áo, Dung trao máy nói cho Saroyan.
- Đại tá muốn nói chuyện với Saroyan.
- Thế à? - Saroyan nói vào máy - Không lẽ... thôi được, xin “tuân lệnh” đại tá!
- Đại tá bảo Thùy Dung cùng đi với tôi, bằng xe nhà của chúng ta. Có lẽ không nên thì hành thêm một “mệnh lệnh” khác của đại tá, tức là lấy theo một bảo vệ.
- Saroyan đợi mình một chút. - Dung bảo - Ta phải thi hành y theo ý kiến của đại tá.
Khi Dung sửa soạn xong thì chuông ngoài cổng reo. Saroyan và Dung ngồi lên xe, băng trước có một vệ sĩ của Phủ Tổng thống trong nhóm bảo vệ Luân. Cổng mở, một xe khác đang chực, trên xe không có ca sĩ Minh Hiếu mà là một gã lạ mặt, ngoài tài xế. Gã lạ mặt rõ ràng thất vọng khi thấy Saroyan cùng đi với Dung bằng xe riêng. Saroyan cám ơn gã và nhờ gã cám ơn ca sĩ Minh Hiếu.
Hai người đi mua một số hàng mĩ nghệ và họ về nhà khi đèn đường vừa lên; Luân chờ họ ăn tối.
Suốt đêm hôm đó, luôn sáng hôm sau, Saroyan và Dung quấn quýt nhau, khi Saroyan nhắc đến viên công chức Bộ Ngoại giao, rồi viên tướng Mỹ, Dung bật khóc.
- Saroyan không cần thiết phải làm như vậy!
- Tại sao không cần thiết? - Saroyan hỏi - Tôi bắt đầu hiểu quê hương của Thùy Dung qua anh Luân. Qua anh Luân, tôi lại hiểu quê hương của hai người sâu hơn. Bây giờ, tôi muốn hành động. Cần phải làm một cái gì cho các bạn. Ông Diệm là người không tốt, tôi tin như vậy. Nhưng anh Luân và Thùy Dung là người tốt. Fishell thay vợ như thay sơmi. Thế thì tại sao người Mỹ sẽ giữ mãi ông Diệm và tại sao không đổi cách cư xử với anh Luân và Thùy Dung? Không, tôi không để mất những người bạn quý...
... Hai vợ chồng Luân tiễn Saroyan ra sân bay. Xe theo đường Trương Minh Giảng. Sắp vượt cầu, Luân bỗng thấy một người đứng trên mui một chiếc xe chở khách đang đậu, hình như đưa tay ra một ám hiệu cho phía bên kia cầu. Linh tính báo với Luân có thể có một cái gì đó không tốt. Anh đột ngột bảo tài xế giảm tốc lực và rẽ ngoặc ngay lập tức vào lề, dừng hẳn xe lại. Mọi người trong xe nhảy vội ra ngoài. Đúng vào lúc đó, từ bên kia cầu, một xe tải vượt sang, người tài xế giống kẻ say rượu, lái xe ngoằn ngoèo. Tai nạn xảy ra: một xe tắc xi chưa vượt cầu đã bị chiếc xe tải đâm phải. Tên tài xế phóng khỏi xe, chạy biến. Luân nhìn lên mui chiếc xe chở khách - không có ai trên đó cả. Cảnh sát đến làm biên bản. Tài xế tắc xi chết, người khách đi trên xe bị thương nặng.
- Bây giờ, em càng quả quyết phải trở lại Sài Gòn cho bằng được! - Saroyan nói trong cơn giận dữ chứ không phải sợ hãi.
Họ vào sân bay, lên phòng đợi. Luân, Dung, vệ sĩ của Luân không rời Saroyan nửa bước.
- Chúng nó dám cho nổ máy bay lắm! - Dung nói khẽ vào tai Luân. Luân lắc đầu:
- Chưa đến mức đó đâu, nhất là chuyến của hãng Pan America, toàn nhân vật có cỡ. Đây là tác phẩm của Mai Hữu Xuân, hoặc của bọn nào đó, nhưng không phải của CIA...
- Hành trình hơi dài... - Dung vẫn lo lắng.
Một quân nhân Mỹ đeo hàm đại tá đến chào Saroyan:
- Thưa bà, tôi là Stewart Senior làm việc ở Pentagone... Bà về Mỹ?
Saroyan lắc đầu:
- Tôi về Koweit.
Luân rạng rỡ hẳn, anh chìa tay bắt Stewart thật chặt
- Đại tá biết tướng Jones Stepp?
- Biết! - Stewart nháy mắt tinh nghịch - Rất biết, kể cả việc bà Saroyan đây...!
“Ổn rồi!” - Luân kêu thầm. Anh nói luôn:
- Thế thì Saroyan đã có bạn đường tin cậy. Tôi mong đại tá “hộ tống” bà phu nhân tương lai của tướng quân an toàn đến Koweit!
Stewart dập gót chân, cười:
- Tuân lệnh!
Vợ chồng Luân tiễn Saroyan tận cầu thang.
- Tôi sẽ trở lại! - Saroyan ôm cả hai người, nói trong tiếng nấc.
Không một ai trong họ có thể biết được, trong toa let dành cho phụ nữ tại phòng đợi, hai người mặc đồng phục nhân viên phục vụ sân bay đã trực sẵn với các dụng cụ: chiếc khăn lông to, chiếc găng tay! Saroyan sẽ bị bóp cổ và xác sẽ nằm trong toa let bị khóa chặt.
Và, cũng không một ai trong họ biết trung tá Hùng quát tháo Ly Kai; Ly Kai quát tháo lũ hạ thủ, và sau đó, trung tá Hùng lãnh đủ cơn thịnh nộ của tướng Mai Hữu Xuân để rồi đến lượt tướng Xuân nhận cú điện thoại từ Đà Lạt gọi về:
- Hello! Thế nào?
Người gọi gác máy, cắt ngang câu chuyện khi nghe Xuân báo:
- Thưa, bà Saroyan vào giờ này có lẽ đang có mặt tại gia đình bà, ở Koweit!