Vạn Dặm Hoa Đào Trong Mưa Hạ

chương 45: năm tháng còn lại

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Hai mươi lăm tháng Giêng, trời thưa tuyết dần nhưng vẫn còn rất lạnh. Sau khi dùng cơm trưa với Bàng thúc xong, Tiểu Kỳ dìu ta ra ngoài sân đi dạo một lát.

“Tiểu thư, hay là vào trong đi, ngoài này rất lạnh.” Tiểu Kỳ nhìn ta lo lắng.

Ta lắc đầu, khép vạt áo lông lại nhưng vẫn không ngăn được cơn gió lạnh buốt chốc chốc lại luồn vào.

“Cứ ở trong phòng miết cũng không tốt, ta muốn ra ngoài cho đỡ ngột ngạt. Em đi lấy thêm chăn là được rồi.”

Sau khi Tiểu Kỳ quay lưng đi vào nhà, ta chật vật ngồi xuống chiếc ghế tựa đặt trước hiên, ngước mắt nhìn ra sân. Quả nhiên cây hoa đào đã bắt đầu rụng những cánh đầu tiên, nghĩ lại thì mới đó mà Vu Thuần Hy đã đi được gần hai tháng rồi.

Năm ngoái, văn võ bá quan đều ra sức khuyên hắn trở về Đại Phù, vừa để tổ chức Khánh Thọ vừa để phong hậu. Hắn cứ lần lữa mãi cũng vì bệnh mất trí nhớ của ta, có lần ta hỏi hắn vì sao không nhân lúc đó mà mang ta về Đại Phù.

Vu Thuần Hy trầm tư một hồi, không đáp lại mà hỏi ngược lại ta: “Nàng có biết nơi nào ta không thích đến nhất không? Chính là Đại Phù. Bởi vì Đại Phù không có mùa hạ, cũng không có mùa đông. Đại Phù không có dương liễu rủ bên bờ sông, cũng không có một biển hoa đào lạc trong tuyết trắng. Đại Phù không còn mẫu thân, cũng không có nàng vẫn là chính nàng.”

Lúc đó ta mới hiểu ra, ta của mơ mơ hồ hồ đó là ta tốt nhất dành cho Vu Thuần Hy, thế nhưng lại không phải là ta mà chính hắn mong cầu.

Mùng bảy tháng Chạp, ta ôm lò sưởi đứng sau cùng của đoàn người hộ giá, yên lặng tiễn Vu Thuần Hy rời đi. Trước khi đi, hắn đã sắp xếp đưa ta về nhà đúng như ý nguyện, hắn còn định để lại mấy cung nữ chăm sóc, nhưng ta biết cha không thích nhà có nhiều người lạ nên đã từ chối.

Tiểu Kỳ thấy ta ngồi mơ màng không tập trung cũng không lên tiếng gọi, chỉ đắp thêm cho ta một chiếc chăn bông rồi đặt vào tay ta lò sưởi nhỏ. Ta hơi nghiêng đầu nhìn, chợt phát hiện ra hôm nay nàng ấy mặc chiếc váy màu hồng đính vài hạt pha lê trông như giọt sương, đầu tóc búi cầu kỳ, môi tô đỏ thắm.

“Nếu có hẹn thì em cứ đi đi, đừng để Tiểu Cố chờ lâu.”

“Vậy còn...” Tiểu Kỳ bị ta phát hiện ra, mặt đỏ lên vì ngượng nhưng vẫn hơi chần chừ.

“Ta không sao, em đừng lo, nếu có gì ta sẽ gọi Bàng thúc. Đi đi!” Ta cười hiền.

“Vậy... em chỉ đi một chút rồi sẽ về.”

Nhìn thấy nàng ấy không giấu được vẻ háo hức quay đi, ta gọi một tiếng: “Tiểu Kỳ! Đi đường cẩn thận.”

Nàng ấy vâng dạ rồi bước về phía cổng, Tiểu Cố vẫy chào ta một cái liền dán luôn ánh mắt vào Tiểu Kỳ, nắm tay nàng ấy nói đôi ba câu gì đó ta không nghe rõ.

Một cơn gió nhẹ thổi qua, hàng trăm cánh hoa đào yếu ớt rụng rơi, dưới màn mưa hoa, hai người bọn họ nhìn nhau nồng đượm ý cười.

Nhớ lúc ta vừa về nhà, Tiểu Cố nắm bắt tin nhanh nhạy đã vội vàng chạy qua gặp ta. Hắn mồm miệng liến thoắng liên hồi, bao nhiêu chuyện dồn nén trong lòng đều tuôn ra hết. Ta lắc đầu bất lực không hiểu tên nhóc này có phải là từ khi sinh ra tới giờ không hề mở mồm để dành hôm nay nói một lần luôn hay không.

“Mấy năm nay cha ta ép ta lấy vợ, ép đến điên luôn rồi. Ngươi nói xem Tiểu Diệp, ta đường đường là nam tử tài hoa phong nhã, còn bao nhiêu thú vui trên đời chưa thưởng thức hết. Hơn nữa lấy vợ hiền thì không nói, lấy nhầm con cọp cái nhà nào thì lúc đó đến thanh lâu ghẹo gái còn khó hơn là lên trời...”

Ta bĩu môi khinh thường: “Nói một thôi một hồi, chẳng phải cũng chỉ vì thói bừa bãi của ngươi hay sao?”

Lúc đó Tiểu Cố còn định cãi lại thì Tiểu Kỳ đã mang ấm trà đi vào, duyên phận của hắn coi như từ đây mà bắt đầu, hơn nữa cái sở thích đi thanh lâu đó cũng biến mất từ lúc nào không hay.

Thượng thư đại nhân sau khi hay tin, không ngần ngại chạy một đường từ cổng nhà đối diện sang ngắm con dâu, sau đó hài lòng gật đầu vỗ vai ta.

“Hôn ước xem như định rồi nhé Tiểu Diệp.”

Ta rót cho ông chén trà, hỏi thêm: “Đại nhân không cần hỏi ý kiến phu nhân sao?”

Ông uống trà, cười hà hà: “Ôi chao, bà ấy vội đến mức chỉ cần là nữ nhân đầy đủ tứ chi thì đều có thể qua cổng. Còn nữa, ta cũng không còn làm Thượng thư nữa rồi, con đừng có một tiếng Đại nhân hai tiếng Đại nhân nữa.”

Chỉ tại cái tính ham chơi lại nghịch như quỷ của Tiểu Cố, cho dù đường đường là nhà danh môn thư hương thế nhưng các gia đình trong thành có con gái đến tuổi cập kê liền vội vàng gả đi, chỉ sợ cha mẹ Tiểu Cố gửi thiệp mời đến. Hy vọng hắn lập gia đình rồi có thể trưởng thành thêm một chút, vậy thì nửa đời sau của Tiểu Kỳ ta cũng an tâm mà giao cho nó rồi.

Bàng thúc chậm rãi đi tới, lên tiếng hỏi: “Thiếu lang đang nghĩ gì là cười vui thế?”

Mặc dù bây giờ ai ai cũng biết ta thật ra là con gái, thế nhưng vì thúc ấy đã quen gọi mà ta đã quen nghe hai tiếng ‘thiếu lang’ đó rồi, nên cũng không cần thiết thay đổi nữa.

“Con đang nghĩ chuyện hôn sự của Tiểu Cố và Tiểu Kỳ, đến lúc đó phải nhờ thúc thay mặt uống chén trà rồi.” Ta đặt chăn qua một bên, vịn ghế đứng dậy.

Bàng thúc gật đầu nhận lời, như nhớ ra chuyện gì, lấy trong áo ra một bức thư: “Đây là thư từ Thiệu quận, Tiết Thống gửi đến.”

Ta hơi ngạc nhiên đón lấy bức thư: “Không phải tháng trước Tiết Thống mới đến sao, mới một tháng mà đã gửi thư rồi.”

Vì không có tấm chăn, gió lạnh lùa vào nên ta không kìm được ho mấy tiếng, tay hơi run mở phong thư, bỗng dưng nhớ lại vẻ mặt cương nghị của Tiết Thống lúc hắn dừng lại dưới gốc cây đào hỏi ta.

“Ngươi có từng hối hận vì năm đó đã gặp người đó hay chưa?”

Ta biết ngươi đó mà hắn nói chính là Vu Thuần Hy, ta cũng không bất ngờ bởi vì chính câu hỏi này, ta đã hỏi bản thân không biết bao nhiêu lần. Có những lúc đáp án rất mập mờ giữa có và không, nhưng hiện tại, ta đã tìm được sự sáng tỏ mà mình mong muốn.

Ta ngẩng đầu nhìn những bông hoa đào khi đó vẫn còn nhỏ, ánh nắng mùa đông rất dịu dàng chiếu qua những đám mây trắng như bông, giọng nhẹ bẫng: “Người người giống nhau khó cầu tri kỷ, sao nỡ nói thà rằng lúc đầu gặp gỡ đừng quen nhau. Có phải ngươi rất khinh thường ta thế này không?”

Bỗng nhiên Tiết Thống vỗ vai ta không câu nệ nói: “Bao nhiêu năm trôi qua, bấy nhiêu người lần lượt ra đi, ta đã không còn quan tâm câu chuyện diễn ra như thế nào nữa rồi. Chỉ cần kết quả vẫn là người còn sống, vậy là đủ. Có nhớ ta đã từng nói, dù ngươi quyết định thế nào ta cũng sẽ ủng hộ không?”

Ta mỉm cười vỗ lại vai TIết Thống: “Vì chúng ta là bằng hữu!”

Hai chúng ta vốn không giống nhau lại càng không đi chung trên một con đường, tạo hóa đều vẽ ra một số mệnh riêng dành cho ta và Tiết Thống. Những khó khăn mài mòn ta từ một kẻ ngông cuồng hoang dã trở thành một người thuận gió đẩy thuyền, nhưng may thay lại tôi luyện hắn trở thành một nam nhân trưởng thành và vững chãi, thành gia lập nghiệp đề huề. Dù cho sau này cả hai còn thay đổi như thế nào đi chăng nữa, trở nên tốt hơn hay tệ đi, thì vẫn không bao giờ quên chúng ta của thuở đầu gặp gỡ.

Mắt ta lướt qua những con chữ có chút nguệch ngoạc và vội vàng của Tiết Thống, có thể nhận ra rằng hắn đã rất vui mừng khi cầm bút viết. Ta gấp thư lại, mỉm cười với Bàng thúc:

“Tiết Thống báo Hà cô nương có thai rồi.”

Bàng thúc cũng cười rạng rỡ: “Là chuyện vui, chuyện vui. Chắc là lần trước đến đã có rồi, con xem nên gửi gì chúc mừng họ đây.”

“Hình như trong kho vẫn còn lụa đỏ và vài vò rượu, hay là chúng ta gửi đến xem như là quà cho đứa nhỏ may áo. Để con vào viết thư hồi đáp.” Ta vì vui vẻ mà cao giọng hơn một chút, ai ngờ cổ họng bỗng thắt lại, không kiềm được gập người xuống ho một hồi.

Bàng thúc vỗ nhẹ lên lưng ta, giọng thúc hơi khẩn trương: “Không vội, không vội, thư thì để sau hẵng viết. Ngoài này gió to, thiếu lang vào trong ngồi một lát, đợi thúc đi pha ấm trà nóng.”

Ta gật đầu đồng ý, tay xoa lồng ngực hơi đau, đi vào tiền sảnh. Mấy ngày nay ta đã bắt đầu ho, tay chân lạnh ngắt không một sinh khí, thoạt đầu còn tưởng là cảm mạo thông thường nhưng sau đó uống thuốc mãi cũng không hết. Bàng thúc còn định mời lão Triệu tới khám bệnh, nhưng ta sợ đường xá xa xôi, hơn nữa thời tiết cũng khắc nghiệt nên từ chối. Trong thư gửi Vu Thuần Hy, ta cũng tránh đề cập đến vấn đề sức khỏe, chỉ bảo mọi thứ vẫn ổn. Ta sợ hắn lo lắng rồi bồng bột quay trở về trong khi trăm mối ngổn ngang Đại Phù vẫn còn đang đợi hắn giải quyết.

Bàng thúc mang khay trà đi ra, lo lắng nhìn ta: “Cứ hễ thấy lạnh là con lại ngẩn người như vậy, gọi mãi cũng không đáp.”

Ta cười ngại ngùng, không nhận ra dạo này ta có như vậy sao. Hình như dạo gần đây thường hay nhớ lại những chuyện cũ, toàn là những thứ hồi xưa cứ ngỡ đã quên mất.

Ta ngồi yên lặng nhìn Bàng thúc đun nước, tráng trà, ủ trà, từng bước từng bước đều làm rất tỉ mỉ kiên nhẫn. Bất giác phát hiện ra từ lúc nào mái tóc kia đã điểm xuyết vô số điểm bạc như sao trên trời đêm, đầu mày cũng hay chau lại theo thói quen. Có nhiều khi ta thấy thúc ấy lần mò dậy từ sớm, mắt nhìn không còn rõ nữa nên phải nương theo vách tường mà đi chậm từng bước.

Bàng thúc cùng tầm tuổi cha ta, có lẽ đã bước vào ngũ tuần rồi. Con trai hy sinh trên chiến trường, con gái lại ở phương xa, đến tận lúc này đáng lý người bưng trà rót nước phải là ta, đáng lý thúc ấy phải hưởng thụ cảnh đoàn viên.

Suốt năm năm trời, ta đi cho thỏa thuê, vùng vẫy nơi cùng trời cuối đất, chỉ có thúc ấy ở lại chăm lo vườn tược nhà cửa, bận lòng không yên. Đến lúc về rồi, ta còn khiến thúc ấy lo lắng hơn, đêm nào cứ nghe ta ho quá ba tiếng là lại sốt ruột chạy sang đun thuốc cho ta. Mà ta thì một bát cháo trắng cũng chưa nấu được cho thúc ấy, chưa một giây một khắc nào khiến thúc ấy yên tâm, chỉ biết trách thúc ấy giấu ta chuyện này chuyện kia mà không buồn hỏi lý do tại sao.

“Hay là... thúc rời khỏi đây đi.” Ta đón tách trà vẫn còn bốc khói từ tay Bàng thúc, cẩn thận hỏi.

Bàng thúc hơi ngạc nhiên không hiểu: “Bây giờ thiếu lang về nhà rồi nên muốn đuổi thúc đi à?”

Ta lắc đầu: “Con không có phải ý đó. Thúc xem, gần nửa đời đều sống vì cha con con rồi, kể từ bây giờ cũng nên vì mình mà an hưởng được rồi. Con đã dặn Tiết Thống rồi, hôm nào thúc muốn có thể dọn dẹp hành lý rồi bảo hắn đến đón về gian nhà trúc ở Thiệu quận. Tiết Thống có thể chăm sóc cho thúc thay con, hơn nữa dưới đó còn có Triệu đại phu cùng thúc tán gẫu thưởng trà.”

Ta hơi ngừng lại, nghĩ có thể thời tiết ở Thiệu quận hanh khô không thích hợp với Bàng thúc, hơn nữa người ngoài cũng không bằng người nhà.

“Hay là để con gọi Độc Hạc về đây? Bây giờ Mạc Phù đã nhập làm một, Mạc Thám hội thật ra cũng không cần dùng nhiều nữa. Hai người có thể sống ở đây, phòng của con thoáng mát lại nằm hướng Nam, chỉ cần sửa sang lại đôi chút là có thể ở được. Hoặc nếu không thích vì vẫn còn sương phòng ở gian Đông, chỗ đó tuy...”

Chưa nói hết câu, Bàng thúc đã ngắt lời ta: “Thế con không muốn chăm sóc cho thúc à?”

Ta bắt gặp đôi mắt hiền từ của thúc ấy, một thoáng bất lực lại dâng lên trong lòng: “Con giờ không được nữa rồi.”

Cái lạnh đã khiến tuyến lệ của ta trở nên tê liệt, chỉ có cái nghẹn đắng trong cổ họng là không cách nào nuốt xuống được.

Bàng thúc thở dài, tránh ánh mắt của ta, giọng nói có chút gay gắt: “Bao nhiêu năm qua thúc chăm sóc thiếu lang như con ruột của mình, thúc còn tưởng thiếu lang đối với thúc cũng được một phần nhỏ như đối với tướng quân. Hóa ra là thúc lầm tưởng, phu nhân đi, tướng quân đi, rồi cả thiếu lang cũng bỏ thúc mà đi theo họ. Đã không cần thì thôi, bây giờ đủ lông đủ cánh rồi lại chê lão già này phiền, muốn sắp này đặt nọ phải không?”

Thúc ấy càng nói, từ ngữ lại càng đay nghiến ta nặng hơn, nhưng lạ thay ta lại không hề tức giận. Cảm xúc theo cùng chữ ‘phiền’ tựa như giọt nước tràn ly, ta đổ người xuống đất, ốm lấy đầu gối Bàng thúc mà khóc tức tưởi.

“Sao? Khóc à? Lại oan ức lắm à? Thúc nói sai à?” Rốt cuộc thì thúc ấy vẫn không học được điệu bộ tức giận của cha ta, chỉ có câu chữ là sắc đá còn giọng nói vẫn không kìm được mà run lên nghẹn ngào.

“Không, là con sai. Con xin lỗi, xin lỗi thúc... Con sai rồi...”

Ta mới là người sai, cái sai này ta muốn dùng cả đời để sửa, nhưng mà lực bất tòng tâm.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio