Việt Ma Tân Lục

chương 10: ngày thứ bốn mươi chín

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Ông Thanh Tùng và bà Thu Hiền đến nhà bà Mơ trong trạng thái căng thẳng tột độ. Nhìn đứa con ngây dại nằm im một chỗ đang lạnh ngắt, bà Thu Hiền gục xuống khóc nức nở, còn ông Thanh Tùng chỉ biết ôm lấy vai vợ, khẽ lắc đầu. Họ vốn chỉ nghe nói có người chết ở con suối dưới xóm, đoán địa hình chỗ đó hiểm trở nên mới cấm không cho các con tìm đến. Ai ngờ, phía sau những cái chết khủng khiếp là cả một câu chuyện bi thương, oan uổng của một hồn ma bám víu lấy nhân gian quá sâu đậm.

Bà Thu Hiền xin phép đưa Cẩm Tú về lo ma chay, cũng như đón Anh Đào và Vân Vân về lại biệt thự. Dù sao, bà hiện tại cũng không còn tâm trí lo nghĩ đến công việc nữa, bởi chẳng nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất đi một đứa con mình dứt ruột đẻ ra và nuôi nấng.

Về biệt thự, Vân Vân ốm, nằm liệt giường đến qua ngày đưa tang của Cẩm Tú mới thấy khỏe hơn. Sau biến cố lần này, bà Thu Hiền không muốn gửi các con đi đâu nữa cả; dù bận đến đâu, bà cũng sẽ dành thời gian để tự tay chăm sóc các con đàng hoàng. Bà không yên tâm rời mắt khỏi hai cô con gái bé bỏng được nữa.

Kể từ ngày gia đình vắng bóng một thành viên, ông Thanh Tùng lao đầu vào công việc, gánh thay cả phần việc của vợ trước đây. Ông hiếm khi về nhà sớm, hầu như toàn nửa đêm hoặc thậm chí sáng hôm sau, nhưng kể cả lúc ở nhà, ông cũng thường ở trong phòng làm việc riêng, nghiên cứu rồi ghi ghi chép chép gì đó. Ông luôn ở trạng thái căng như dây đàn, đầu óc chìm trong nhiều suy nghĩ hỗn loạn. Đôi lúc Anh Đào thấy tủi thân vì ba ít quan tâm tới cô và Vân Vân hơn trước đây, nhưng bà Thu Hiền vẫn khuyên các con nên thông cảm cho ông, bởi ông vẫn chưa thể vượt qua được nỗi đau mất Cẩm Tú.

Bước vào năm học mới, Anh Đào vẫn hay ngủ chập chờn, thi thoảng tỉnh giấc giữa đêm, không thể ngủ lại. Cô thường tìm sang phòng mẹ và rúc vào chăn ngủ cùng, nhưng cũng có lúc chỉ nằm trên giường chờ bình minh và xách cặp đi học với vẻ mệt mỏi.

Sáng hôm ấy, hiếm hoi Anh Đào mới thấy ông Thanh Tùng ở nhà, chắp tay sau lưng đi đi lại lại ở phòng làm việc. Trên chiếc bàn gỗ lớn, mới đặt một quyển lịch để bàn. Ông Thanh Tùng dừng chân cầm quyển lịch lên, lẩm nhẩm tính toán ngày tháng, nhưng Anh Đào không hiểu ông đang tính gì.

Advertisement / Quảng cáo

– Ba, ba uống cà phê không? Con xuống bếp pha cho ba.

– Anh Đào à con? Không, ba không uống, cảm ơn con.

– Vậy con xin phép ba, con đi học.

– Anh Đào này…

– Dạ?

– Gần đây, con có thấy hiện tượng gì kỳ lạ xảy ra không?

Anh Đào nghiêng đầu, không hiểu ý “kỳ lạ” ba hỏi là như thế nào. Bất giác, ký ức về buổi đêm dưới gốc liễu ập tới, đôi vai nhỏ của Anh Đào hơi run lên. Ba cô hẳn vẫn còn thương chị hai nhiều, nhỡ nghe cô kể thế lại đau lòng, hoặc cho rằng cô bị ám ảnh bởi cái chết của chị. Mặc dù rất nhớ chị hai, nhưng cô vẫn nghĩ, với người đã mất, tốt nhất chỉ nên lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất.

– Con không hiểu ý ba.

– Vậy thôi, không có gì đâu. Con đi học ngoan. Ra ngoài nhớ khép cửa hộ ba nghe con.

Ông Thanh Tùng quay người, lại chúi húi vào với quyển lịch và cần mẫn ghi chép. Anh Đào ngơ ngác bước đi, trong đầu vẫn đau đáu câu hỏi của ba.

Thấm thoắt đã đến giỗ bốn mươi chín ngày của Cẩm Tú.

Gần đến ngày thứ bốn mươi chín, Vân Vân lại sốt cao nên bà Thu Hiền xin phép giáo viên chủ nhiệm cho con bé nghỉ ở nhà một tuần liền. Cả nhà luôn nghĩ Vân Vân từ lúc sinh đã mang thể trạng yếu nên tính cách hơi khó chiều, không thích giao du với người lạ, chỉ cần một đống đồ chơi trong phòng riêng là con bé vui vẻ nguyên ngày. Thương con bệnh, bà Thu Hiền cũng theo đó chiều chuộng Vân Vân hết mực. Tưởng con bé sẽ hỗn, không ngờ ở lớp cô giáo lại thường xuyên khen ngợi thái độ nghiêm túc, có phần “già trước tuổi” của Vân Vân. Cô giáo nói ở Vân Vân, cô có cảm giác thi thoảng con bé sở hữu đầu óc của một người trưởng thành; lúc thì nghịch như một đứa trẻ, lúc lại trầm tính như bà cụ non. Trong khi ấy, Anh Đào lại nghĩ con bé đơn giản, thất thường và tùy hứng.

Hôm làm lễ thất tuần cho Cẩm Tú, Anh Đào xin phép nghỉ học buổi chiều, trưa về phụ mẹ bày cỗ. Bà Thu Hiền không mời nhiều khách, quanh quẩn họ hàng gần bên nội ngoại là chủ yếu. Ai nấy vẫn còn thương tiếc vì sự ra đi đột ngột của cô gái nhỏ, còn bà Thu Hiền cố lái chủ đề sang hướng khác, tránh nhắc tên Cẩm Tú.

Khi khách khứa đang ngồi ăn, Anh Đào lẳng lặng rời mâm trước, loanh quanh lên phòng cũ của Cẩm Tú. Chị hai mang tên loài hoa cẩm tú cầu xinh đẹp và duyên dáng, nên giấy dán tường hay ga trải nệm của phòng chị đều mang bóng dáng loài hoa ấy. Ngoài ra, chị còn thích bày biện mấy món đồ bằng sứ ba mua tặng lúc đi công tác và dán một ít tranh ảnh xếp hình trên tường.

Advertisement / Quảng cáo

Anh Đào miết tay qua chiếc chuông gió xanh treo bên cửa sổ, lắng nghe tiếng leng keng mà lòng buồn man mác. Tiếng leng keng vừa dứt, Anh Đào quay phắt người lại, mặt tái nhợt. Hình như cô vừa nghe thấy tiếng cười khúc khích ngay trong chính căn phòng này. Anh Đào giữ nguyên tay trên chiếc chuông gió, dỏng tai cố nghe lần nữa.

“Hi… hi… hi… hi… hi…!”

Anh Đào ngồi phịch xuống, tựa lưng vào sát tường, chau mày nhìn sang trái, sang phải. Cô định rời giường, đặt chân xuống đất thì mấy món đồ trên giá sách trong phòng bay ngang qua mặt, làm cô rú lên một tiếng, co rúm người lại. Cánh cửa ra vào đóng sầm, tự khóa trái. Anh Đào giật giật tay nắm cửa nhưng nó cứng đơ, như có ai vừa tra keo dính vào để không thể xoay chuyển. Anh Đào luống cuống đập cửa, rồi nằm sấp xuống ngó qua khe. Có bóng người đứng bên ngoài hành lang trên đôi chân trần ướt nước…

Anh Đào ôm miệng, sợ muốn bật khóc. Đôi chân đứng đó hồi lâu rồi quay gót bước sang bên phải, vẻ đang tiến về phòng riêng của Vân Vân. Anh Đào dùng hết sức để nạy cửa, mãi cánh cửa mới chịu mở ra và giải thoát cô. Cô thở hổn hển, đưa mắt xuống mặt sàn lát gỗ nhưng không thấy có dấu chân ướt nào cả.

Chưa kịp hoàn hồn, Anh Đào lại nhảy dựng lên vì nghe tiếng chân chạy huỳnh huỵch trên đầu mình – chỗ gác xép đựng đồ cũ của ông bà nội. Gác xép ba Anh Đào khóa kỹ, nếu muốn lên phải hỏi mượn ba chìa khóa. Giờ có cả tiếng chân lẫn tiếng cười, Anh Đào chắc chắn không muốn mình mò lên gác xép làm gì.

Tiếng chân lòng vòng quanh chỗ Anh Đào đứng một lúc, rồi dịch chuyển dần khắp cả nhà và cuối cùng, dừng lại ở trước cửa phòng của Vân Vân. Anh Đào rón rén đi đến, thấy Vân Vân đang ngồi giữa đống đồ chơi một mình, chẳng để tâm đến xung quanh. Có lẽ con bé không nghe thấy…

Hít một hơi dài, Anh Đào nhấc chân lên cao, đi ngang qua phòng Vân Vân, định bụng xuống nhà tìm mẹ thì tiếng cười khúc khích vang lên lần nữa – to, rõ và sát gần hơn.

“Hi… hi… hi… hi… hi… hi…!”

Anh Đào bám tay vào thành cầu thang, nuốt nước miếng đánh ực, rồi chậm rãi ngoái đầu về phía sau. Bên cạnh Vân Vân lúc này có một cô gái đang ngồi quay lưng về phía cửa, hai tay đặt trên đùi. Anh Đào thất thần nhận ra bóng lưng ấy – là chị Cẩm Tú trong chiếc áo nỉ ưa thích.

– Chị hai…

Bờ môi của Anh Đào mấp máy, chân cũng bước lên khỏi bậc thang.

– Chị hai, phải chị không?

“Anh… Đào… chị… chết… thảm… quá… mày… ơi!”

Giọng nói này đúng của Cẩm Tú, nhưng âm điệu như đang than khóc, oán thán. Anh Đào tái mét, vẫn bám vào thành cầu thang, mắt không sao rời khỏi bóng người trong phòng Vân Vân. Con bé cười nói một mình, xem ra không hề thấy điều Anh Đào đang thấy.

“Ra… anh… đang… bảo… vệ… con… bé. Cảm… ơn… anh…”

Advertisement / Quảng cáo

– Chị hai, chị về thăm nhà phải không? Chị đang…nói chuyện với ai…

Hồn ma của Cẩm Tú xoay người lại nhìn Anh Đào, không chỉ quay mỗi mình cái đầu như hôm bữa, nhưng Anh Đào vẫn rén. Cẩm Tú cúi gằm, che mặt mũi bên dưới mái tóc lòa xòa. Anh Đào ủn người đứng thẳng, toan bước vào căn phòng thì đột nhiên cánh cửa đóng rầm trước mặt cô, “cạch” một tiếng chốt khóa từ bên trong. Anh Đào đập cửa, sợ hãi đến độ nước mắt nước mũi tèm nhem, chỉ lo Vân Vân bị khóa kín trong phòng chẳng may gặp chuyện.

– Chị hai! Chị mở cửa cho em! Chị đừng dọa em, tội em lắm!

“Anh… Đào… à…”

Anh Đào dừng tay khi nghe tiếng gọi thì thầm phía bên kia cánh cửa.

– Chị hai…

“Chúng… ta… không… thể… thoát… được… đâu… mày. Đây… là… lời… nguyền… của… nhà… mình… Anh… Đào… ơi…! Rồi… sẽ… đến… lượt… mày…!”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio