Cao Kiên có tài, Nguyễn gia có tiền, nếu cả hai cùng hợp sức thì chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều thành công. Tuy Nguyễn gia là một trong những gia tộc làm muối nổi tiếng trong vùng nhưng trong nhà lại không có người đọc sách, việc Nguyễn Lương vô tình nhặt về một nhân tài khiến cho Nguyễn lão gia cảm thấy vô cùng vui vẻ, thỉnh thoảng, ông lại thở dài, tiếc nuối vì bản thân không có nhi nữ để gả cho Cao Kiên.
Sau khi Cao Kiên đỗ cử nhân, Nguyễn lão gia chọn ngày lành tháng tốt, bảo hắn quỳ trong từ đường, dâng trà, bái ông làm nghĩa phụ.
Từ nay về sau, tất cả đã trở thành người một nhà, Nguyễn gia vừa có tiền vừa có tiếng tăm, Cao Kiên vừa có tài vừa có tiền, vậy là mọi người đều cảm thấy vui vẻ.
Sau đó, Cao Kiên tiếp tục lên kinh ứng thí, lần này, hắn đỗ tiến sĩ, xếp ở vị trí thứ bảy, tuy rằng Cao Kiên không đỗ trạng nguyên nhưng trong giới thương nhân, thành công của hắn được xem như là một việc trọng đại. Nguyễn gia vui mừng, tổ chức yến tiệc thật to.
Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Lương chỉ tinh thông bốn chữ “tửu sắc tài vận”. Trên bàn tiệc, những lời trêu đùa của y khiến cho mọi người cảm thấy vô cùng vui vẻ nhưng Cao Kiên lại ngồi im, trên gương mặt không giấu được vẻ buồn bã. Nguyễn Lương nhanh chóng nhận ra, y kéo Cao Kiên đến bên cạnh, nhẹ nhàng hỏi thăm.
Cao Kiên cúi đầu: “Ta không đỗ Trạng Nguyên, xem ra đã phụ lại tấm lòng của công tử”.
“Không đỗ thì thôi, phụ cái gì mà phụ chứ” – Nguyễn Lương mỉm cười rồi nói: “Ngươi đừng cố chấp như vậy, nếu ngươi đỗ Trạng Nguyên thì tốt nhưng việc ngươi xếp thứ bảy trong kì thi cũng đã làm rạng rỡ tổ tiên nhà chúng ta rồi”.
“Trước đây, ngươi từng bảo rằng: khi lớn lên, ta nhất định phải thi đỗ Trạng Nguyên”.
“Ta đã từng nói như vậy sao?” – Nguyễn Lương ngẩn người, một lát sau, y bật cười: “Ta chỉ nói đùa thôi mà”.
“Ngươi đã quên rồi” – Cao Kiên thờ ơ.
“Tại sao ngươi lại cố chấp như vậy chứ? Chẳng lẽ ngươi không đỗ Trạng Nguyên thì không có năng lực sao?”.
Ánh mắt của Cao Kiên sáng lên: “Ngươi đã từng nói rằng: nếu ta không đỗ Trạng Nguyên, ngươi cũng sẽ nuôi dưỡng ta”.
Nguyễn Lương ngạc nhiên, dường như y đã hiểu ra tất cả mọi việc: “Được được được, nuôi thì nuôi, ta đồng ý”.
Cao Kiên nói: “Ngươi đã quên rồi”.
Nguyễn Lương xấu hổ, gãi đầu: “Chẳng phải khi ngươi nhắc đến thì ta cũng nhớ lại rồi sao?”.
“Đúng vậy” – Cao Kiên mỉm cười một cách lạnh lùng.
Thời bấy giờ, triều đình trọng văn khinh võ, thêm vào đó, việc thời tiết tại biên cương vô cùng khắc nghiệt khiến cho hơn một nửa số tiến sĩ thi đỗ trong năm đó không muốn nhập ngũ. Tại đại điện, Cao Kiên quỳ gối, tình nguyện ra chiến trường. Hoàng Thượng vui vẻ, nhanh chóng sắc phong hắn trở thành quan tuần biên.
Nguyễn Lương không cam tâm để Cao Kiên rời đi, y nắm chặt bàn tay của hắn, ánh mắt ửng hồng như cánh hoa đào bên bờ dương liễu.
Ánh mắt của Nguyễn Lương khiến cho trái tim của Cao Kiên dường như muốn nhảy ra khỏi g ngực, rơi vào lòng đất, sâu đến mức ngay cả hắn cũng không tìm được.
Cao Kiên không thể kháng chỉ, vài ngày sau, hắn chuẩn bị rời đi. Nguyễn lão gia lo lắng rằng Cao Kiên sẽ phải trải qua một cuộc sống khổ sở nên đã tặng cho hắn một chiếc túi chứa đầy những thỏi vàng, không những vậy, ông còn phái hai gia đinh nhanh nhẹn đến biên giới.
Cao Kiên phóng lên ngựa, con ngựa phi như bay, để lại phía sau một Nguyễn Lương ngẩn người, ôm phu nhân, nước mắt lưng tròng.
Một tháng sau, cuối cùng, Cao Kiên cũng đến phương Bắc, ngoài trời, bông tuyết như những sợi tơ bay lơ lửng trong không trung, đột nhiên, trái tim của Cao Kiên đập mạnh đến mức hắn cảm thấy vô cùng đau đớn.
Lúc này, Nguyễn Lương đang uống rượu tại Yên Vân các, hình ảnh cô nương đang cầm một bông hoa bằng vàng khiến cho y cảm thấy vô cùng quen thuộc nhưng nhất thời, Nguyễn Lương không thể nào nhớ được rằng y đã nhìn thấy cảnh tượng ấy ở đâu. Đột nhiên, cô nương kia nháy mắt một cái, Nguyễn Lương vui vẻ, bước lên lầu.
Năm đó, Cao Kiên hai mươi, còn Nguyễn Lương vừa tròn hai mươi sáu tuổi.