To be on your own, without a home
Like a complete unknown, like a rolling stone
(Cứ sống mình em đi, chẳng cần nhà
Như một kẻ vô danh thực thụ, như một hòn đá lăn)
“Like a rolling stone” —— Bob Dylan
(1) Bob Dylan, tên thật Robert Allen Zimmerman, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhà văn và nhà biên kịch người Mỹ, một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng bậc nhất tới nền âm nhạc nói riêng và văn hóa thế giới nói chung. “Like a rolling stone” với lời ca khiêu khích được Bob Dylan viết năm 1965, sau khi về từ một chuyến lưu diễn, được coi là đã làm thay đổi cả sự nghiệp của ca sĩ và là một trong những ca khúc có sức ảnh hưởng nhất sau thời hậu chiến.
Cuối cùng Đại Bân đã xuất viện. Nằm ròng rã trên giường suốt tháng trời, nay dù tay vẫn bó cứng thạch cao nhưng đã gượng đi được nhờ gậy chống.
Cảm giác như có tảng đá đè nặng đã đeo bám Tần Cửu suốt từ hôm Đại Bân xảy ra tai nạn. Tính nhân thể nhờ dịp này giải xui, cậu kêu gọi cả hội tới tiệm đồ nướng đánh chén một bữa. Mọi người nhanh chóng đông đủ, cả Xuân già luôn vướng bận gia đình xưa nay cũng hiếm được hôm đúng giờ. Bé Tiên còn sắm cho Đại Bân cả mớ đồ bổ khiến cậu chàng gãi đầu lấy làm ngại mãi.
Tiệm đồ nướng nằm tại phía bắc thành, họ vào chiếm một gian phòng riêng. Mặc cho mặt tiền không mấy lớn, mùi vị ở đây lại rất ổn. Thợ nướng nhanh nhảu quẳng mấy xâu thức ăn vào cái khay trước mặt. Đồ vào bụng chưa có mấy, chai rượu đã vơi phân nửa.
Đại Bân dính tí men say, cứ rì rầm cảm ơn Tần Cửu đã ứng trước tiền thuốc men và đi làm hộ mấy hôm rồi. Chuỗi lời trịnh trọng kéo hơi cồn trong Xuân già xộc lên não, ùa vào kiểm điểm bản thân vì gia đình và công việc mà nhiều lần lỡ hẹn thu âm và tập luyện.
Tần Cửu giơ cao cốc rượu: “Có đáng gì đâu…” Lại hô hào cả hội cạn thêm ly nữa.
Tần Cửu ngoái đầu ngó bé Tiên. Hôm nay bé Tiên mặc cái áo khoác bò, buộc đuôi ngựa cao, vẻ đẹp xuân ngời tỏa rạng. Biết bé Tiên vẫn chưa ngưng trận chiến với bố, mà chỉ hai tháng nữa kì thi đại học đã cận kề, cậu hỏi: “Giờ bé Tiên có tính toán gì chưa?”
Bé Tiên nói khi miệng vẫn gặm cánh gà: “Nhiều học viện âm nhạc đề nghị tuyển em lắm, không cần lo việc này. Nhưng giờ em không muốn học lên.”
Xuân già gạt đi ngay, giọng như người lớn trong nhà: “Không thể không học lên được!”
Đại Bân nối đuôi theo: “Em trông đấy, không có văn hóa thì chỉ làm được mấy việc thể lực như anh thôi.”
Tần Cửu nhấp ngụm rượu, ghẹo đùa: “Bé Tiên có trình độ gì ấy nhỉ? Hơn được bọn mình không?”
Bé Tiên hỏi ca khúc mới đã viết tới đâu, Tần Cửu ậm ờ bảo tàm tạm.
Sự thực là chưa có một chữ nào suốt thời gian qua.
Bé Tiên cười bảo: “Anh tranh thủ xong album thứ hai trước khi em vào học đi, để còn kịp buổi diễn của Head nữa!”
Tự dưng sự việc không vui với Phó Nhất Duy tại Head mấy hôm trước lướt vụt trong trí. Tần Cửu cúi đầu dốc rượu, không nói gì.
Mặt Xuân già đã ưng ửng vì men say, làm hằn sâu hơn dấu năm tháng. Chừng lát sau, anh ngó Tần Cửu bảo: “A Cửu này… Anh với Đại Bân đã có công việc cả rồi, tạm không lo sinh kế ngày sau… Nhưng A Cửu cũng nghỉ học, lại còn có dì, thu nhập từ ban nhạc đủ chú nuôi bản thân và dì được không?”
Nom chừng bé Tiên đã hơi say, giọng nói lờ mờ có ý trách: “Xuân già, đừng nói thế chứ, ban nhạc là tín ngưỡng tinh thần mà!”
Xuân già cười hiền: “Bé Tiên đâu giống bọn anh. Điều kiện nhà em tốt nên mới coi nó là tín ngưỡng tinh thần được, chứ bọn anh, lắm khi còn không lo nổi cơm ăn nữa!”
Bé Tiên nín thinh. Đại Bân gõ đôi đũa dùng một lần vào đĩa như kiểu gõ trống, bảo: “Không bàn mấy này nữa, giờ chúng ta cứ tập trung chơi nhạc là được rồi!”
Không khí trên bàn ăn khá tế nhị. Bé Tiên đổi chủ đề, quay hỏi Tần Cửu: “Anh Cửu, nếu em ra nước ngoài, anh có nhớ em không?”
Trước câu nói ấy, cả Đại Bân và Xuân già cùng ném cho Tần Cửu cái nhìn đầy thâm ý.
Rượu say nói lời thật, Xuân già đã không khống chế được bản thân, nói: “A Cửu, anh thấy chú với bé Tiên phải lứa vừa đôi phết đấy.”
Tần Cửu đáp rành rọt: “Xuân già, anh say rồi.”
Đổi lại từ anh câu càu nhàu chừng như phật ý: “Anh không say… Nhóc Cửu, anh đã định nói lâu rồi, anh nghĩ chắc mình không theo ban nhạc được nữa. Anh còn trẻ trung gì đâu, gánh nặng phải đeo… nhiều lắm. Mà sợ phá ý chí của đám trẻ mấy đứa nên mới lần lữa hoài chưa dám rút…”
Câu nói của anh khiến cả bàn tức khắc im bặt. Ngó sắc mặt Tần Cửu sậm đi, Đại Bân vội xung phong đi vệ sinh, nhân thể kéo Xuân già theo để dìu cho dịu bớt không khí. Chỉ còn Tần Cửu và bé Tiên ở lại.
Thoạt tiên là im lặng phủ trùm. Phải chừng lúc sau bé Tiên mới quay nhìn Tần Cửu, phá bỏ sự yên ắng: “Anh Cửu, anh còn chưa trả lời câu hỏi của em nữa…”
“Gì cơ?”
Bé Tiên lặp lại, “Giả như em đi nước ngoài, anh có nhớ em không?”
“Sao lại không chứ.”
“Kiểu nhớ gì ạ?”
Tần Cửu nuốt ngụm rượu xuống bụng, giữ mắt mình tỉnh ráo cho câu trả lời: “Thì như anh trai nhớ em gái đó.”
Bé Tiên nghịch mớ vỏ ốc đằng trước mặt, hỏi: “Tần Cửu… Chẳng lẽ anh chưa từng nhận ra, tình cảm của em với anh?”
Tần Cửu nín thinh.
Bé Tiên hít sâu, nói: “Từ lần đầu thấy anh chơi nhạc năm lớp Mười em đã thích anh rồi. Anh hệt một vật sáng hút mắt ấy… nhìn một cái đã say, lại như có nhiệt huyết mãi không hết vậy. Làm em được truyền cảm hứng nhiều lắm… Giọng anh hay như thế, là giọng trời sinh để làm ca chính. Nên em cứ bám theo anh thế đấy…”
Tần Cửu mồi một điếu thuốc rít vào, nói: “Bé Tiên, anh không thích em được.”
Mắt đăm đăm vết dầu đọng trên mớ đồ nướng đã ăn hết, bé Tiên hỏi: “Nhưng tại sao ạ? Là vì gia đình hai chúng ta hay sao? Hay vì để con đường âm nhạc của em sau này chính thống hơn?”
Tần Cửu nhả một hơi khói, nhấp thêm ngụm rượu, đáp: “Không phải.”
“Vậy là vì cái gì? Vì em không phải kiểu anh thích ư?”
“… Không phải.”
“Anh thích người ta rồi?”
“Không phải.”
Kiểu trả lời này khiến bé Tiên cáu bẳn, âm giọng dần trở nên quá khích. Cô chất vấn: “Thế rốt cuộc là vì cái gì?”
Tần Cửu chỉ biết cúi gằm đầu: “Anh xin lỗi.”
Giọng bé Tiên lẫn tiếng nghẹn ngào: “Tần Cửu, em sắp đủ 18 tuổi rồi. Em muốn trao lần đầu của mình cho người em thích!”
Tần Cửu ngước đầu, điếu thuốc giữa kẽ ngón tay, mắt nhìn sâu vào đôi mắt hoe đỏ với dòng lệ đang chực trào của cô bé. Cậu nói: “Bé Tiên, em đừng như thế!”
Nước mắt bé Tiên trượt dọc gò má, xóa nhòa vẻ đẹp đẽ kiêu sa. Đoạn hỏi: “Em có chỗ nào không tốt? Rốt cuộc có chỗ nào không xứng với anh?”
Tần Cửu nghiền tắt điếu thuốc, rút khăn giấy lau nước mắt cho cô bé: “Là anh không xứng với em…”
Bé Tiên òa lên mỗi lúc một dữ hơn: “Anh hôn em đi! Xin anh đừng từ chối em mà… Hôn em đi!”
“Anh xin lỗi.”
“Bé Tiên, anh xin lỗi…”
“Anh xin lỗi, anh không thể.”
Bé Tiên nói như gào: “Tại sao chứ?! Tần Cửu, tại sao?!”
Cô níu chặt tay Tần Cửu, người rướn sát về trước.
Tại sao chứ! Tại sao?
Biểu cảm đau đớn ấy khiến tim Tần Cửu siết căng, bục vỡ, phải nhắm tịt mắt mới thốt nổi:
“Anh xin lỗi. Anh thích đàn ông!”
Bé Tiên chết sững, tay nới lỏng, nỗi rúng động hất chất lỏng trong đôi mắt mở to đổ ào như viên ngọc đứt dây, đập vào mặt đất chát chúa. Cô bé quờ tay quệt nước mắt, ngã ngồi xuống ghế cứng đơ.
Khéo phải lúc Đại Bân và Xuân già cũng xuất hiện trước cửa, ánh mắt nhìn Tần Cửu ngập vẻ bàng hoàng.
Câu nói của Tần Cửu khiến cả hội tỉnh như sáo, một lớp màng im lặng đáng sợ bọc trọn bàn ăn. Cảm tưởng chưa có gì xảy ra, lại tưởng như thảy đã xong hết.
Cánh mày râu bắt đầu phì phèo điếu thuốc, bé Tiên cũng thôi cơn sụt sùi. Sau một lúc cô đứng dậy, quệt nước mắt khi nói: “Em quyết định sang Mỹ du học, ở học viện âm nhạc Juliard, có khi sau này sẽ đàn Chopin và Liszt. Mấy ngày nữa là đi. Em rất biết ơn vì được quen mọi người khi ở Bạn lữ hành số 2…”
Đoạn mở ví tiền, rút một xấp một trăm tệ đặt lên bàn. Không ai ngăn lại. Rồi cô đi mất.
Khi điếu thuốc cháy tận, Xuân già ngó Tần Cửu bảo: “Tiểu Cửu này, sự thực thì anh… đúng là người trẻ có cách sống của người trẻ thật, nhưng anh vẫn thấy nó sao sao ấy, chưa quen được. Chú cũng biết giờ nuôi con khó mà… Thôi anh tính thế này, đợi lo liệu cho gia đình êm xuôi anh hứa sẽ quay lại, hi vọng lúc ấy mọi người đều còn…”
Nói xong thì nhìn hai người, cũng đi mất.
Bỏ lại Đại Bân vẫn ngơ ngác bàng hoàng. Đại Bân bóp tắt đầu thuốc, rủa khẽ: “Quái thật, thế là ban nhạc bọn mình giải tán rồi?”
Tần Cửu xếp hai cánh tay lên đầu gối, vuốt lại tóc, gật đầu trong im lặng.
Đại Bân cười mếu xệch: “Tớ còn tưởng là đợi khỏi bệnh rồi, ban nhạc bọn mình sẽ tốt lên…”
Im lặng nhấn chìm cả hai. Tần Cửu cất tiếng: “Cậu đi đi.”
Tần Cửu nốc sạch chỗ bia rượu dư, sau mới xách chai rượu bỏ đi mà chân nam đá cả chân chiêu. Bà chủ hỏi cậu cần tìm người lái xe hộ không nhưng cậu đã gạt phắt.
Cứ lượn lờ không mục đích như thế. Đi qua những cột đèn rực rỡ lấp lóa vẻ đẹp trần tục, qua dàn gái phố đèn đỏ ăn mặc hở hang, qua lớp người trẻ ôm cột điện mửa hết mật xanh mật vàng, qua cả thế giới muôn màu muôn sắc. Chợt cảm tưởng thảy mọi cảm xúc ùa tới như dời núi lấp bể, nóng nảy, bồn chồn, e dè, khao khát và cả hoang mang lơ lửng với tương lai. Tất cả tan nhòa vào màn đêm bất tận.
Chân bước loạng choạng, cậu va phải một người đàn ông trung tuổi sượt qua. Người nọ trừng mắt lườm.
Tần Cửu trông rõ cái rẻ rúng và coi khinh trong cặp mắt ấy, tiềm thức bật câu “mẹ kiếp…” thoát khỏi miệng.
Người đàn ông sải bước lao lên song đã bị người đàn bà đi cùng kéo túm lại. Kể cả khi họ đã đi xa, giọng nói vẫn nối nhau vọng về.
“Ranh con không nghề ngỗng, chấp làm gì với nó…”
“Lông còn chưa mọc đủ…”
“…”
Tần Cửu ngước mắt, cảm tưởng bầu sao trên đỉnh đang bùng cháy, đảo tròn, xách chai rượu cười như ngốc.
“Tiểu Cửu, Tiểu Cửu…”
Có tiếng ai đang gọi. Tần Cửu ngoái nhìn, thấy là cô ả nọ đang ngồi trong chiếc Mercedes. Cô ả khép gọn áo khoác, ló đầu nhìn, vẫy tay với cậu.
Cậu tươi cười đi tới ấy, nụ cười nom dễ thương và cám dỗ lạ thường bởi hơi men. Mình phủ rạp trên cửa sổ xe, ngón tay gẩy đùa mấy sợi tóc tơ của cô ả: “Là chị à…”
Cô ả cười cười, phấn son cộm dày không giấu nổi nếp nhăn li ti xếp chồng đuôi mắt, “Tiểu Cửu muốn đi chơi tí không?”
Tần Cửu cười tươi hơn, hỏi: “Chị bỏ bao tiền?”
Cô ả mân mê gương mặt căng tràn collagen của cậu, đáp: “Cậu bảo bao nhiêu thì là bấy nhiêu…”
Tần Cửu cười trả, giật cửa xe ngồi vào.
Cô ả leo tuốt lên người Tần Cửu ngay trong thang máy. Men rượu khiến sức cậu hẫng hụt, mặc cô ả thỏa thuê rê trượt trên mình. Dúi cho cậu chiếc chìa khóa, cử động của cô ta không vì thế mà tạm dừng. Phải hí hoáy mấy lần mới đẩy được chìa khớp vào lỗ khóa.
Họ như đổ nhào qua cánh cửa. Cô ả nằm rạp trên cậu, rướn mình xõa tung mái tóc. Cổ mới ngước, con mắt đã thoắt tỉnh ráo.
“Ông xã…”
Truyện được khóa vài chương, mật khẩu để mở chương là đáp án của câu hỏi ở cuối chương trước.
Mật khẩu chương 6: Tên ban nhạc của Tần Cửu?
12 kí tự, không hoa không dấu không cách.