- Hơn nữa, Nhi là người bạn thân thiết nhất của mình. Dù khó khăn như thế nào, nếu có bạn bên cạnh, mình thấy vững tin hơn.
Nhi đứng sững sờ nghe những câu nói hết sức lạ lùng thốt ra từ Nam. Phải đến vài phút sau, Nhi mới đọc hết hàng chữ: “Đơn xin nghỉ học” Nam đưa. Vén mấy sợi tóc lòa xòa trước mặt, Nhi cất giọng:
- Nam nói đi, Nhi đang lắng nghe đây!
- Mưa ướt hết tóc Nhi rồi! Nhi ghét mưa lắm phải không?
- Bởi vì mưa rất vô tình.
- Không đâu, mình đã đổ lỗi ưa để nghỉ học. Thực ra mưa cũng đáng yêu lắm chứ! Mình cứ đi như thế này về nhà được không Nhi?
Ngôi nhà thờ lùi xa dần. Con đường phía trước giờ đã vắng hơn, sẫm lại bởi bóng chiều chập choạng. Nhi có cảm tưởng hai hàng cây ven đường đang lặng im như trầm mặc. Có bóng tối đang chực chờ bủa vây lấy chúng. Giọng Nam vang lên trầm đều:
- Mình phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Mùa mưa, buôn bán ế ẩm lắm, cộng thêm chứng bệnh thấp khớp hành hạ. Mình cũng đã lớn, không thể để mẹ gánh vác mãi. Mẹ đã tần tảo một mình nuôi anh em mình suốt bao nhiêu năm rồi. Nhi đừng lo, Nam đã đăng ký học lớp bổ túc ban đêm rồi!
Nhi muốn nói với Nam thật nhiều, nhưng không hiểu sao lại im lặng. Có lẽ Nam cũng hiểu Nhi mà, phải không? Đôi khi có những điều không nhất thiết phải dùng đến lời nói.
Phía cuối chân đồi, có vệt sáng bừng lên giữa màn đêm đen đặc. Nhi chợt nhớ ra câu nói rất hay của một ai đó: “Bóng tối bao phủ đến đâu cũng không che lấp được ánh sáng của một ngọn lửa”. Nhi tin rằng trong Nam luôn có sẵn ngọn lửa của lòng tin, của khát vọng, và chắc chắn Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, phải không Nam?
Trẻ con
.
Lan đến nhà tôi chơi, nhìn lọ hoa hồng chưng trong phòng, nó hỏi:
- Lại của thằng ngốc nghếch nào nữa thế?
Tôi xua tay:
- Để ý làm gì, của bọn trẻ con ấy mà!
“Bọn trẻ con” ngốc nghếch đó là Chiến. Tôi gặp nó hôm khai giảng, lúc cô chủ nhiệm đưa tôi vào nhận lớp, thằng con trai ngồi bàn cuối la toáng lên:
- Ơ, chị ấy học lớp rồi kia mà!
Tôi vừa xấu hổ, vừa tức. Bên dưới, có đến gần năm chục cặp mắt đăm đăm nhìn lên tôi, như thể tìm kiếm xem kẻ lưu ban có đặc điểm gì khác. Tôi chẳng có gì khác, ngoài cái vẻ ngổ ngáo “bẩm sinh”. Vậy mà chẳng hiểu sao lại... cắm đầu chạy.
Tôi gặp thằng Chiến ở chân cầu thang. Nó đang đuổi theo con thạch sùng trên bức tường. Thấy tôi, nó ngạc nhiên:
- Ơ… chị…
Lại bắt đầu đây! Tôi khó chịu quay phắt đi. Nó gọi với theo:
- Chị học chung với em cho vui!
Tôi nghĩ: vui vẻ gì với bọn trẻ con chúng mày? Nhưng khi nhìn ánh mắt chờ đợi của nó, (ánh mắt mà ngày còn nhỏ, bọn trong xóm chúng tôi thường hay đồng thanh la lên khi thấy nó: “Ti hí mắt lươn, thườn lườn mắt ếch, mặt như mắt đếch, quần áo lếch thếch”), tôi bỗng dịu xuống. Lấy giọng của đàn chị, tôi đe nó:
- Em bỏ ngay cái trò ngắt đuôi thạch sùng ấy đi, nó có tội gì?
Chiến bối rối nhìn xuống cái đuôi đang giãy tê tê dưới đất, vẻ đầy hối lỗi. Tôi nói thêm:
- Nó cũng biết đau như chúng ta vậy. Em thử nghĩ, nếu có kẻ khác ỷ mạnh hơn em bắt nạt, em có thấy bất công không?
Chiến cúi đầu đáp lí nhí:
- Em không làm thế nữa.
Tôi bỏ đi, bỗng thấy mình cao cả hẳn lên, quên mất đi vị trí của một đứa con gái lưu ban đang hiện hữu trong tôi.