“Tổ tiên của chúng ta định cư lại Thiên Sơn, hình thành Phục Hy thị.
Ngày tháng trôi qua trong yên bình, nhờ thuật thuần dưỡng xuất hiện, Phục Hy thị yên tâm định cư lại đó, tuy vẫn còn khó khăn, nhưng không đến nỗi đói khổ như trước nữa.
Nào ngờ, một ngày kia, trời bỗng trở lạnh, rồi tuyết rơi ngày một nhiều, ngày một dày hơn.
Sau đó, khắp nơi đều là băng tuyết.
Thời tiết khắc nghiệt, lại kéo dài từ năm này qua năm khác, khiến loài người rơi vào thảm cảnh.
Sau nhiều lần băng giáng (chú : có tài liệu nói là lần, nhưng không kiểm chứng được, chỉ tạm gọi là nhiều lần) nhân loại gần như diệt tuyệt.
Ở khắp mọi nơi, đâu đâu cũng phủ đầy băng tuyết, sinh vật hầu như không thể sống được.
Đầu tiên, các đại bộ lạc sinh sống ở các đồng bằng, do quen cảnh no đủ sung túc nên không chịu được đói khổ, bị diệt vong trước.
Tiếp đó là các bộ lạc ở vùng rừng núi, rồi hầu như tất cả các bộ lạc khác, đều lần lượt diệt vong.
Khắp thế gian đều trở thành băng thiên tuyết địa, đẩy nhân loại vào nguy cơ diệt tuyệt.
Các đại bộ lạc lần lượt diệt vong, không vì rét thì cũng vì đói.
Nhân loại lâm nguy.
Thế nhưng, dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã như thế, mầm mống phục hưng của nhân loại vẫn còn tồn tại.
Chính là Phục Hy thị.
Thiên Sơn hoàn cảnh khắc nghiệt, khắp nơi phủ đầy băng tuyết.
Phục Hy thị đã vượt qua những gian khó buổi đầu, đứng vững được tại đó, cho nên đối với thảm họa của nhân loại hầu như chẳng chịu mấy ảnh hưởng.
Trước đây họ vẫn phải sống giữa băng thiên tuyết địa kia mà.
Do vậy, trong lúc các bộ lạc khác lần lượt diệt vong, Phục Hy thị vẫn tiếp tục phát triển, tộc nhân vẫn ngày càng tăng.
Đến khi tộc nhân đông đến mức không thể sống tập trung một chỗ nữa (điều kiện khắc nghiệt, khó kiếm được thức ăn), các thị tộc trong bộ lạc chia nhau ra, đến sống ở nhiều nơi trong vùng.
Tại chỗ ở trước đây, tôn tộc ở lại lo việc tế tự.
Cứ như thế, cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Ngày này qua ngày khác, Phục Hy thị tộc nhân vẫn sống cuộc sống “thần tiên” (trong tình cảnh lúc bấy giờ) ở Thiên Sơn.
Một hôm, một nhóm tộc nhân trong lúc đi săn bắn chợt phát hiện một nhóm người xơ xác ốm yếu dắt dìu nhau đi trong băng tuyết.
Động lòng thương, họ chia cho ít thức ăn đỡ dạ, rồi dẫn về bộ lạc.
Đó là nhóm người còn sót lại của một bộ lạc ở phía đông.
Do ở cố hương không thể tìm được thức ăn, bọn họ đành dắt dìu nhau đi từ nơi này sang nơi khác, tình cờ đến được Thiên Sơn.
Đói rét đã khiến đại đa số tộc nhân chết dần trên đường lưu lãng.
Tình cảnh bọn họ còn thảm hơn Phục Hy thị trước đây.
"Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi", bộ lạc đã thu nhận bọn họ.
Và từ bọn họ, Phục Hy thị lần đầu tiên biết được tình cảnh của các bộ lạc bên ngoài.
Gia nhập bộ lạc, bọn họ không còn lo đói nữa, nhưng vẫn bị cái lạnh uy hiếp.
Bọn họ không như Phục Hy thị tộc nhân, vốn đã quen với cái lạnh của Thiên Sơn.
Y phục bằng da thú không đủ sức làm giảm bớt cái lạnh khắc nghiệt của thời bấy giờ.
Rồi một hôm, một vị trưởng lão trong bộ lạc nhìn thấy số lông vũ còn sót lại trong góc động, chợt nảy ra ý định dùng lông vũ kết thành y phục.
Thế là áo lông ra đời.
Toàn bộ lạc đều rất ưa thích loại y phục mới này.
Theo sử cũ, loại lông vũ đó là của huyền điểu, nên loại chim này sau cũng trở thành linh vật của bộ lạc.
Không chỉ dừng lại ở đó, vị nữ trưởng lão kia còn hướng dẫn tộc nhân xếp đá che chắn bớt cửa động, để ngăn gió tuyết.
Với những tảng đá quá lớn, họ đã biết luyện đá bằng cách đốt nóng cho đá tự vỡ ra (có lẽ là kinh nghiệm sau khi họ dùng đá kê lại thành bếp, đốt nóng lâu đá bị vỡ ra).
Những hang động được che chắn như thế sau được gọi là “Oa”, và vị nữ trưởng lão kia được tôn xưng là Nữ Oa.
(chú : Huyền điểu là một loài chim nhỏ, lông đen, tương tự như loài quạ đen ngày nay.
Tuy nó không đẹp, nhưng người thời đó chất phác, có ích thì tôn trọng.
Thời đại đó người Việt vẫn xem là Phục Hy thị, còn người Hán gọi là Thiếu Hạo, và xem là em của Thái Hạo.
Người Hán còn đổi linh vật huyền điểu thành phượng hoàng là loài chim đẹp hơn, người Hán vẫn công nhận rằng ban đầu linh vật của Thiếu Hạo là huyền điểu, nhưng vào cuối thời Thiếu Hạo thì được đổi thành phượng hoàng - loài chim chỉ có trong truyền thuyết).
Kể từ khi Nữ Oa kết áo lông, cải tiến hang động, cuộc sống của Phục Hy thị được nâng lên rất nhiều.
Và cũng từ đó, bộ lạc cũng thường xuyên phát hiện và thu nhận những người lưu lãng qua đó.
Dân số các thị tộc ngày một đông đúc, thế lực các thị tộc cũng ngày càng mạnh.
Cho đến một hôm, cảm thấy Thiên Sơn không đủ khả năng nuôi sống từng ấy người, các vị trưởng lão các thị tộc họp nhau lại, tìm phương khắc phục.
Và rồi cuộc đại di dân bắt đầu.
Có thị tộc xuống núi, đi về phía bắc, có thị tộc lại đi về phía nam.
Cũng có thị tộc chọn phía đông hoặc phía tây.
Đủ cả.
Vì sự sinh tồn, tộc nhân lại tiếp bước lữ trình.
Nhưng lần này, Phục Hy tộc nhân lên đường trong thế mạnh.
Trong cảnh băng thiên tuyết địa, khắp nơi vắng vẻ đìu hiu.
Phục Hy thị rời Thiên Sơn, tỏa đi khắp nơi, và nhờ khả năng sinh tồn trong băng tuyết, họ đã đứng vững ở nhiều nơi, tạo dựng nên nhiều bộ lạc mới.
Tất cả dù mang tên gọi gì thì vẫn đồng tông, đồng xuất thân từ Phục Hy thị.
Phục Hy cũng trở thành vị đại thần tối cổ, tối cao quý của Phục Hy chư tộc.
(chú : dù là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông của người Việt; hay Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế của người Hán; thì Phục Hy cũng giữ vị trí tôn quý nhất, đứng đầu Tam Hoàng).
Trong số những thị tộc di dân, có hai thị tộc đáng lưu ý.
Cả hai thị tộc này cũng như các thị tộc khác, lúc này đều chưa có tên riêng, nhưng cả hai có cùng một điểm chung : cùng đi về phía đông.
Cùng đi chung đường, đỡ đần lẫn nhau những khi khó khăn, hai thị tộc có quan hệ khá gần gũi.
Trên bước lữ trình, hai thị tộc không ngừng thu nhận những người còn sống sót của các bộ lạc bản địa, đội ngũ ngày một đông, ngày càng đông hơn.
Họ đi mãi, cho đến một hôm, cảm thấy đội ngũ quá đông đảo, đi cùng nhau sẽ khó khăn trong việc tìm thức ăn, các trưởng lão quyết định chia tay.
Một thị tộc đi về hướng đông bắc, thị tộc còn lại đi về hướng đông nam.
Thị tộc đi theo hướng đông bắc, vượt qua nhiều ngọn núi, họ đến được một khu vực bằng phẳng.
Lúc này, trời đã ấm dần lên, băng tuyết đã tan nhiều.
Nơi bình nguyên đó nhiều vùng cỏ non đã mọc đầy, xanh mơn mởn.
Đàn thú nuôi mang theo hớn hở tung tăng gặm nhắm những ngọn cỏ non.
Các trưởng lão quyết định tạm dừng chân nơi đó.
Và cuộc dừng chân này kéo dài gần năm (nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Phong cho rằng là năm, nhưng con số này chỉ có được từ việc so sánh số liệu giữa các tài liệu cổ của người Việt và Sử Ký Tư Mã Thiên, khó kiểm chứng độ chính xác).
Thị tộc đi theo hướng đông nam, cũng băng qua nhiều đồi núi, họ đến được ngọn nguồn của một dòng sông.
Họ tiếp tục đi men theo dòng sông về phía hạ lưu, xa dần vùng đồi núi.
Dòng sông chảy theo hướng đông nam, và họ tiếp tục đi về hướng đông nam.
Đi dọc theo dòng sông, đi mãi cho đến khi đặt chân đến một vùng bình nguyên (đồng bằng).
Thời tiết đã ấm lại, cây cỏ xanh tươi, đàn thú nuôi tung tăng gặm cỏ.
Cũng giống như thị tộc đi về hướng đông bắc, họ dừng chân định cư lại đó.
Có chỗ định cư, điều kiện hoàn hảo (so với trước đây), thị tộc ngày càng phát triển.
Nhưng khác với thị tộc anh em kia là bên cạnh họ còn có một dòng sông, một dòng sông lớn, càng về hạ lưu lại càng lớn hơn.
Họ đặt tên cho dòng sông đó là Giang (江).
Người xưa thường lấy những sự vật xung quanh làm họ, ví như sống gần rừng lấy họ Lâm, họ Mộc; chăn nuôi lấy họ Mã, họ Ngưu; ...!Do vậy thị tộc còn được gọi là Giang tộc.”
(chú : vùng bình nguyên mà Giang tộc định cư, nay thuộc Tứ Xuyên, còn gọi là đất Thục, nên nền văn minh mà họ để lại được gọi là Văn Hóa Thục Sơn.
Theo "Chinese expansion in South China - Dr.
Harold Wiens" : do đã vào Trung Hoa theo ngọn sông Dương Tử miền nước Thục, vì thế họ cũng gọi văn minh Viêm Việt là văn hóa Thục Sơn).
(chú : Trường Giang hay Dương Tử Giang là những tên đang lưu hành hiện nay.
Tên cổ của sông này là Giang, đời sau từ Giang mới trở thành danh từ chung chỉ sông, còn sông này lại gọi là Trường Giang, Dương Tử Giang hay Đại Giang.
Từ Giang đọc theo âm cổ là "kang".
Cách phát âm này hiện được giữ lại trong các tiếng địa phương Quảng Đông và Thượng Hải.
Thật vậy, xét theo tự dạng, từ Giang (江) lại dùng chữ Công (工) (trong từ công nhân) để phiên âm.
(Theo "Thời Đại Hùng Vương : Lịch sử - Văn hóa - Kinh tế - Chính trị - Xã hội" của Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng).
(chú : Từ Giang (江) gồm chữ công (工) thêm bộ Thủy phía trước, ngoài cách đọc "kang" còn có cách đọc "kong", như trong Mê Kông (Mekong), người Lào còn đọc là Mé Khoảng ...)