Xa Gần Cao Thấp

chương 43 - chiến trận khai trường

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Chiến trận khai trường

......

Viên Liễu chưa bao giờ trải qua cảnh khóc lóc chia ly của những đứa trẻ khác khi bước vào trường mẫu giáo. Ngay ngày đầu tiên nhập học vào tháng Chín, sau trận chiến ghê gớm nhất lịch sử xảy ra giữa Viên Huệ Phương và Lưu Mậu Tùng giữa sáng sớm, Viên Huệ Phương che những vòng tròn thâm xanh dưới mắt, dắt tay cô bé đến cổng trường Tiểu học Thực nghiệm Tân Kiều.

"Có biết đường không?" Viên Huệ Phương vừa mở miệng, máu lập tức chảy ra từ khoé môi bị rách.

"Mẹ, mẹ lau đi." Viên Liễu nhón chân muốn lau máu cho mẹ, nhưng bị Viên Huệ Phương vỗ nhẹ vào tay, tự mình chùi đi rồi mắng: "Nếu không phải vì đưa con đến trường, bà đây còn muốn xé xác thằng chó đó."

Thực ra trận chiến sáng nay đã có một số bước đệm. Căn nguyên vẫn là chuyện đi học của Viên Liễu, Lưu Mậu Tùng nói tuổi mụ của cô bé mới chỉ 7 tuổi, học muộn một năm có làm sao đâu?

Là một người cha nuôi thụ động, ông không bao giờ đồng ý với quyết định nhận nuôi Viên Liễu, ngược lại còn kêu: "Đừng nghĩ đến chuyện lấy họ của ông đây, ông đây không muốn nuôi con hộ họ hàng của bà."

Viên Huệ Phương nói không cần ông nuôi, ông nuôi cái miệng ông còn khó. Cô mang đứa trẻ về, cho đứa trẻ theo họ mình. Nhưng cùng sống dưới một mái nhà, cô cũng hy vọng Viên Liễu và Lưu Mậu Tùng có thể thiết lập một mối quan hệ thay thế mối quan hệ huyết thống, nên cô đã chọn từ "Liễu" đồng âm với "Lưu". Trước khi đi đăng ký hộ khẩu, cô xác nhận lại lần cuối với Lưu Mậu Tùng, cô nói: "Giống họ của tôi? Nếu ông nhận, tôi sẽ đổi tên con bé thành Lưu Viên."

"Cả đời ông đây không còn gốc rễ, các con của tôi đều bị bà giết hết rồi còn đâu? Bà còn muốn cúi đầu ăn cứt à?" Lưu Mậu Tùng vẫn không buông tha.

Viên Huệ Phương cười khẩy: "Tôi cúi đầu ăn cứt? Thằng khốn nạn nhà ông có bản lĩnh thì dọn ra ngoài ở với con khác đi? Sao? Tiền phá thai không có mà vẫn mong đợi con gái nhà người ta ở với ông à? Lưu Mậu Tùng, ông mới là thằng ăn cứt, còn muốn sống yên bình trong nhà bà đây thì biết thân biết phận ăn đi."

Dự định cho cuộc cãi vã ban đầu của Lưu Mậu Tùng là để tiết kiệm học phí và các khoản linh tinh trong một năm nữa, nhưng Viên Huệ Phương chỉ giỏi châm ngòi ngọn lửa, lôi nợ cũ ra, nắm cổ áo Lưu Mậu Tùng chửi bọn tiểu tam, tiểu tứ, tiểu ngũ, càng chửi càng hăng, thế là hai người đánh nhau trong cửa hàng Unicom.

Bé Viên Liễu sợ đến mức giàn giụa nước mắt, cô bé khoác trên lưng chiếc cặp sách cũ, mặc chiếc váy xinh đẹp nhất co ro một góc không dám lên tiếng. Cho đến khi nhìn thấy Lưu Mậu Tùng dựa vào ưu thế thể lực khóa tay vợ ra sau lưng, túm tóc đập mặt vợ xuống đất, cô bé hét lên, chạy đến kéo Lưu Mậu Tùng ra: "Không được đánh mẹ, không được đánh mẹ!"

Viên Huệ Phương nào có nhận thua? Cô là con một, Lưu Mậu Tùng phải mấy đòn mới trấn áp được khí thế đi tìm chồng mới của cô. Thấy chồng một tay đẩy Viên Liễu ngồi phịch xuống đất lại còn muốn tiếp tục đánh, cô rướn cổ lên cắn mạnh vào cánh tay Lưu Mậu Tùng.

Những người xem xung quang đã thấy nhiều cảnh vợ chồng đánh nhau trên đầu giường, nhưng làm gì đã thấy tư thế kéo nhau đến chết thế này? Kết quả, Lưu Mậu Tùng ôm tay đến một phòng khám nhỏ, Viên Huệ Phương một chân xỏ dép nhựa, một chân để trần, tóc rối tung rối mù: "Giỏi thì cả đời này đừng hòng quay lại!"

Ngay bây giờ, Viên Huệ Phương cũng biết mình trông rất ghê tởm nên chỉ dừng lại ở ngã tư cách trường 200 mét, chỉ vào cổng trường, đanh đá nói với Viên Liễu: "Có biết học tốn bao nhiêu tiền không? Biết tiền mua sách hết bao nhiêu không? Cả ichiếc cặp cũ này nữa, cũng là tiền cả đấy." Đó là chiếc cặp cô mua ở chợ đêm gần Đại học Công nghiệp Bách Châu, rõ ràng là hàng bán lại từ một sinh viên tốt nghiệp đại học, kích cỡ cặp sách nhân đôi là vượt quá chiều cao của Viên Liễu.

Tay Viên Liễu nắm chặt quai cặp, không nói nên lời, những đứa trẻ khác có cả gia đình đưa đi nhập học vui vẻ rộn ràng, trong khi cha mẹ cô tiễn cô bằng cách đánh nhau.

Thực ra giọng điệu đanh đá của Viên Huệ Phương không hề nhắm vào Viên Liễu, tà khí của cô đến từ bốn phương tám hướng: những người phụ nữ bị Lưu Mậu Tùng tán tỉnh, những người hàng xóm vừa hóng hớt trò vui vừa buông lời mỉa mai, những lần giáo viên hỏi "Cô là bà của học sinh à?" khi báo nhập học, giận bản thân không đẻ được con, và cả mẹ con nhà Mao Tín Hà đi ra ngoài với những lọn tóc xoăn lớn và váy hồng cùng màu.

Cơn giận của Viên Huệ Phương không bao giờ có thể xua tan, bởi dù có trút giận cũng không giải quyết được vấn đề.

"Thi hạng nhất cho mẹ, biết chưa?" Trước khi tạm biệt, cô làm công tác tư tưởng cho con mình một lần nữa.

Viên Liễu chỉ biết gật đầu.

"Đi đi." Giọng điệu Viên Huệ Phương hoà nhã hơn chút, nhìn Viên Liễu tiến về phía cổng trường, vừa bước đi vừa ngoảnh mặt nhìn lại.

Thực ra, hơn bốn năm nhận đứa con này về cũng khá nhàn, cho ăn gì ăn nấy, bảo mặc gì mặc nấy, lại còn biết trông cửa hàng và thu tiền. Sự ngoan ngoãn của đứa trẻ này phần lớn là do sự khắc nghiệt của cô và sự hung dữ của Lưu Mậu Tùng rèn nên. Nghĩ hôm nay Viên Liễu kéo được Lưu Mậu Tụng ra giúp mình, Viên Huệ Phương động lòng, gọi Viên Liễu lại: "Tiểu Liễu!"

Cô không thể bắt chước giọng điệu cưng chiều của Mao Tín Hà gọi Túc Hải là "bé" này "cưng" nọ, càng sợ bị người ta trêu chọc rằng: "Ồ, cô cưng đứa trẻ này hơn cả ruột thịt." Viên Huệ Phương xấu hổ vì ngoại hình bình thường của mình, xấu hổ vì có bậc cha mẹ vô cùng trọng nam khinh nữ, cũng xấu hổ vì bản thân không có khả năng sinh con. Đối với Viên Liễu, cô cảm thấy vừa may mắn vừa bất lực, vì đứa trẻ này là tấm màn che tiếng xấu khi trời lặng gió và là lá cờ tuyên truyền khi bão nổi lên: Viên Huệ Phương là con gà mái không đẻ được trứng!

Viên Huệ Phương, người không thể đẻ trứng, gọi quả trứng mượn được là "Tiểu Liễu", như thể ngay giây tiếp theo sẽ nhăn mày, ngước mắt và vểnh tai lên. Viên Liễu run bắn người, quay lại nhìn mẹ. Viên Huệ Phương kéo lê chiếc dép tiến tới, nhét cho cô bé 5 tệ: "Từ giờ trở đi, mỗi tuần mẹ sẽ cho con 5 tệ, không được mua đồ ăn vặt, không được đưa cho người khác, không được để bố con biết, rõ chưa?"

Trong mắt Viên Liễu ánh lên vẻ bối rối, Viên Huệ Phương lại nhẹ nhàng vỗ lên khuôn mặt táo Phú Sĩ đỏ của cô bé: "Đúng là ăn giỏi, nhìn mặt mập thế này, đi đi, đi đi."

"Tạm biệt mẹ." Viên Liễu nhìn túi quần mình, ngẩng đầu lên, đôi mắt long lanh ngấn nước.

Viên Huệ Phương lại thêm hai câu chỉ dẫn: "Gặp thầy cô phải lễ phép, lời nói không mất tiền mua, không hiểu thì phải hỏi."

Nhìn đứa con chạy bình bịch vào cổng trường, rồi lại quay lại nhìn mình ở cửa, Viên Huệ Phương vẫy tay với sự dịu dàng hiếm có. Cô quay người đi, ôm mắt và da đầu đang đau nhức dữ dội: "Thằng chó, bà đây nấu ăn cho hắn gần 20 năm mà vẫn mạnh tay như vậy." Phía sau cô là ngôi trường tiểu học của quận mới được phủ xanh thật xinh đẹp, phía trước là con đường nhỏ dẫn đến khu làng trong phố càng ngày càng bí bách và đông đúc.

Viên Huệ Phương ngồi đun nước pha trà trong cửa hàng China Unicom bị đập phá như đống hổ lốn, nhìn cảnh tượng trước mắt với cơn tức giận không bao giờ trút cho hết, tính toán rằng hôm nay đã đi tong nửa số tiền buôn bán.

Ngày qua ngày, cô có rất nhiều chuyện phải lo lắng, chẳng hạn như khách nợ tiền nhà, chạy điện trộm nước lúc nửa đêm, cửa hàng China Unicom không kiếm được nhiều tiền, Lưu Mậu Tùng lại thua thêm 500 tệ trên bàn mạt chược... Trước mặt người khác, cô vẫn phải trưng điệu bộ kiếm tiền ưu việt, nghe lời khuyên nửa thật nửa đùa của người khác: "Lưu Mậu Tùng nhà cô cũng khá được đấy, làm ầm làm ĩ đến thế vẫn không ly hôn. Hơn nữa, đàn ông ấy mà, thích uống rượu cứ cho uống rượu, thích đánh bài cứ cho đánh bài, cũng đâu phải thua ngót nghét một vạn. Vài trăm tệ đối với nhà cô chẳng phải chỉ là mắt muỗi thôi sao?"

Lúc này, Mao Tín Hà nhà đối diện đi xe đạp từ chợ trở về. Cô kết hôn lần thứ hai, nuôi con của chồng cũ. Cô dạy chồng biết gọi dạ bảo vâng, mẹ chồng thì bị cô chặn họng đến mức không dám tái phạm. Cô mặc chiếc váy dài màu hồng, chân đi đôi giày cao gót trắng có đế màu đen. Ung dung xuống xe xách thức ăn đưa cho mẹ chồng, sau đó đem cây xanh từ tiệm cắt tóc ra trước cửa quán tưới nước.

Người phụ nữ này có khí chất mà Viên Huệ Phương không thể hình dung được, làm cái gì cũng thong thả nhàn nhã, chỉ khi bị người ta ép quá mới vô cùng hung hãn chua ngoa. Người trong làng thành thường dùng cụm "không dễ động vào" để miêu tả Viên Huệ Phương, vì Viên Huệ Phương là quả pháo luôn có ngòi nổ cháy mọi lúc mọi nơi, người khác không dám dùng tay nhéo, Viên Huệ Phương chỉ có thể tự mình động tay. Về phần Mao Tín Hà, những người khác sẽ thích thú nhìn kỹ, sau đó mang biểu cảm nể phục nói: "Không đơn giản."

Người phụ nữ không đơn giản không thể chịu nổi người chồng và mẹ chồng đầu tiên, thế là tìm được người chồng thứ hai vừa hiền khô vừa lương thiện. Người ta muốn sự xinh đẹp của cô, cô muốn gia sản vẫn chưa được đổi thành tiền mặt của người ta. Ngôi nhà bảy tầng dựng sừng sững trước căn nhà bốn tầng của Viên Huệ Phương, ngày nào cũng diễu võ dương oai nói "không đơn giản".

Mao Tín Hà không-đơn-giản tưới nước cho cả năm chậu cây xanh, sau đó lấy khăn dùng lau khô tóc cho khách hàng ra treo lên phơi. Trong khi Mao Tín Hà đang mỗi tay cầm một miếng giẻ lau cửa kính, Viên Huệ Phương ngồi trước hai chiếc ghế lật úp nhìn cánh cửa kính dày cộp bám đầy bụi bặm nhà mình, lại ngẩng đầu nhìn động tác nhẹ nhàng của người hàng xóm.

Mao Tín Hà lau đến cánh cửa sổ thứ hai, phát hiện Viên Huệ Phương đang nhìn mình chằm chằm, Mao Tín Hà muốn giả vờ không để ý, nhưng thấy mái tóc chưa được buộc gọn sau trận cãi vã buổi sáng, bên chân chất đống những đồ đạc bị đập nát và biểu cảm vừa ngơ ngác vừa đau thương của Viên Huệ Phương, Mao Tín Hà đẩy cửa đi đến ven đường, phủi bụi trên giẻ lau: "Đưa con đi rồi à?"

Cách đây vài năm khi cô mới chuyển đến sau cuộc hôn nhân thứ nhất, cô gọi Viên Huệ Phương là "chị Huệ Phương". Sau này Lưu Mậu Tùng suốt ngày đến cửa hàng của cô, lấy cớ muốn gội đầu và cạo râu để bắt chuyện. Sau khi bị Viên Huệ Phương nhiều lần mắng chửi mà không điểm mặt gọi tên, Mao Tín Hà không còn để ý đến "chị Huệ Phương" nữa.

Lại chủ động mở lời, bỏ qua cách xưng hô kia bỗng thấy tiện lợi và thoải mái hẳn, hơn nữa, hôm kia bọn họ đi đăng ký mới phát hiện hoá ra Túc Hải và Viên Liễu học cùng lớp.

Viên Huệ Phương nghe câu hỏi của Mao Tín Hà, vẫn nhìn trái nhìn phải như thể không tin, dừng một lúc mới nói: "Đưa rồi."

Hai người im lặng hồi lâu, Mao Tín Hà vẫn giũ bụi trên giẻ, Viên Huệ Phương đứng dậy, dựng đồ trong cửa hàng lên.

"Em uống canh ngân nhĩ không?" Chồng của Mao Tín Hà hỏi từ trong cửa hàng, Mao Tín Hà quay đầu lại nói: "Đợi em lau kính xong đã."

Lúc ấy Lưu Mậu Tùng cũng quay về, trên tay phải dán một miếng băng, vùng da xung quanh vẫn còn vết thuốc. Ông không hỏi Viên Huệ Phương có muốn uống canh ngân nhĩ không, mà tiếp tục đá vào bàn ghế vừa được dựng thẳng cho bõ tức: "Con mụ già kia, bà nghĩ tôi là ai? Bà cầm tinh con chó à?"

Viên Huệ Phương không thèm để ý, cầm chậu và giẻ lau đi rửa. Lưu Mậu Tùng chửi càng hăng: "Học muộn một năm không phải tiết kiệm được một năm tiền à? Bà tưởng tiền trong nhà được gió thổi đến sao?"

Số tiền ông ném lên bàn mạt chược và bàn rượu, số tiền ông mặc lên người, xỏ dưới chân và đội lên đầu đều không phải do gió mạnh thổi đến. Ông ta biết, nên muốn chửi cho người ta biết mình yếu kém, cái "yếu kém" của Lưu Mậu Tùng là đứng trên cao độ của cả gia đình tiến hành kế hoạch trù tính chung: "Lại còn học trường tiểu học thực nghiệm. Bà không biết học phí của những trường như thế đắt hơn các trường khác sao?"

Nếu là ngày thường, nếu ông ta chửi thêm vài câu sẽ nhận lại một tiếng "Mẹ thằng khốn" của Viên Huệ Phương, rồi nói thêm: "Đó là tiền của bà đây, liên quan cái đếch gì đến ông". Lưu Mậu Tùng sẽ lại nói "Ừ ừ ừ" rồi trở về phòng ngủ nằm trên giường xem TV chờ Viên Huệ Phương gọi xuống ăn cơm: "Rốt cuộc ông có ăn hay không?" Lúc này cuộc cãi vã chắc chắn đã qua đi. Nếu Lưu Mậu Tùng cố gắng hơn nữa, tối đến ông sẽ tắt đèn, chui vào chăn, sờ làn da bụng căng tròn của Viên Huệ Phương và nắm lấy một bên ngực săn chắc của cô: "Đúng là chưa từng cho con bú, vẫn ra gì đấy." Đến đây là coi như kết thúc vở kịch đầu giường cãi nhau, cuối giường làm hoà.

Nhưng hôm nay Viên Huệ Phương không tiếp chuyện, cô chà đi chà lại miếng giẻ rách thủng lỗ chỗ, nghe Lưu Mậu Tùng vẫn nói mãi không thôi, cô bực mình ném giẻ vào bồn rửa: "Con mẹ nó, ông nói xong chưa?"

Lưu Mậu Tùng sững sờ, khoé miệng nhếch lên: "Giỏi."

Viên Huệ Phương đập chiếc chậu xuống đất rồi đá thêm một cái, khiến những khách thuê nhà đi ngang qua sợ hãi. Cơn giận không bao giờ kết thúc suốt 20 năm qua cứ cuồn cuộn trào dâng trong cô. Viên Huệ Phương đờ đẫn nhìn chậu trên mặt đất, một lúc sau, nhặt lên, phát hiện một góc bị gãy không thể dùng được nữa: "Chẳng được gì nên hồn." Cô chửi cái chậu.

......

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio