Hôm sau, trời chưa sáng mà cả thôn đã bừng tỉnh, ai ai cũng háo hức, lao động cực nhọc một năm trời cũng chỉ chờ đến thời khắc này.
Phân lương nha!
Nhà nào có xe đẩy thì đẩy ra, những nhà khác không có thì xách theo bao tải, huy động hết trai tráng trong nhà.
Người ta đứng đầy bãi đất trống của thôn.
Họ không lớn tiếng ồn ào, cũng không nhỏ giọng khiến âm thanh xì xào làm xáo trộn một góc trời.
Đám thanh niên trí thức đã được thông báo trước, đang đứng nép vào một góc.
Thỉnh thoảng có mấy ánh mắt của đám cô dì chú bác quét qua.
Có người làm lơ, có người ngẩn lưng ưỡn ngực ra vẻ kiêu ngạo, cũng có người nhút nhát sợ sệt mà co rúm, muôn màu muôn vẻ.
Sắp vào đông rồi, chỗ này lại là vùng núi nên không khí lạnh hơn nơi khác rất nhiều.
Từng cơn gió thổi nhẹ qua, vậy mà như cắt da cắt thịt.
Không khí từ lổ mũi người phả ra, như làn khói nhanh chóng bốc lên, rồi tan mất.
Vào những lúc như thế này, điều kiện gia đình rất quan trọng.
Dương Gia Nghi bọc tận ba lớp.
Trong cùng là một bộ quần mỏng bình thường, lớp giữa là áo bông quần bông, ngoài cùng là bộ đồ cũ mèm rách nát.
Cô gái nhỏ không đội nón mà quấn khăn quanh cổ, đeo bao tay, chân đi giày, ấm từ đầu đến chân chỉ có khuôn mặt là không được bảo vệ, khiến nó trông càng trắng.
Thái Hồng Loan, Thái Hồng Cảnh và Trần Vệ Dân còn đỡ.
Nhóm người này gia cảnh khá giả, cũng mặc trên người mấy lớp vải dày.
Riêng La Tiểu Vi là nghèo túng nhất.
Bốn vị nữ thanh niên trí thức mới tới, ngoài La Mẫn, đều trông khá hơn cô ả rất nhiều.
Đỗ Trung để ý La Tiểu Vi lâu như vậy, cả tháng nay lại chạy ngược chạy xuôi xum xuê, thấy người thương ra vẻ tội nghiệp thì đau lòng lắm, hung hăng liếc về phía nhóm thanh niên trí thức.
Mấy người này làm sao vậy? Không thấy Tiểu Vi đã bị đông lạnh đỏ hết cả tay hay sao? Cùng là thanh niên trí thức mà lại không biết giúp đỡ nhau gì cả.
Gã mắng thầm trong lòng, định bụng lát nữa về nhà lục tìm cái áo nào dày dày một chút để đưa cho người thương.
Gió cộng thêm sương thì độ lạnh gấp đôi.
Khi mà đoàn người sắp chịu không nổi nữa, mặt trời xuất hiện ở đàng xa.
Nó dâng lên từ từ khiến màu đỏ hồng như nhuộm đỏ cả một vùng trời.
Đội trưởng lúc này mới khoan thai đi đến, tay cầm cái loa.
Kế toán của thôn theo sau, trong ngực cũng ôm một đống sổ sách.
Tiếp đến là một đám thanh niên trai tráng của thôn gánh lương thực từ kho ra, con heo rừng xui xẻo cũng nằm trong số đó.
Đội trưởng tằng hắng một tiếng, mọi người lập tức giữ im lặng, chăm chú lắng nghe.
Ánh sáng mặt trời đã chiếu rọi xuống, xua tan bóng tối, nhờ vậy mọi người mới nhìn rõ nét mặt của đội trưởng.
"Tôi không nói nhiều, cũng như năm trước, ai nghe tên mình thì tiến lên nhận lương và ký tên.
Trước khi ký phải kiểm tra xem số công điểm của nhà mình, mọi người rõ chưa?"
"Đã rõ!" Mọi người đồng thanh.
Đội trưởng nhận sổ sách từ tay kế toán bắt đầu đọc.
Ngoài lương thực, con heo rừng cũng đem ra chia đều.
Người mổ heo là bác Hùng, lúc trước làm nghề thợ săn kiêm giết heo.
Chỉ thấy bác Hùng cầm dao rạch xuống ba đường, lập tức xuất hiện một miếng thịt heo vừa đúng với cân nặng mà đội trưởng yêu cầu.
Mỗi thôn có quy định phân lương khác nhau.
Ở thôn Hoàng Gia, lương thực chia làm hai loại, một là chia theo đầu người, hai mới là chia theo công điểm, theo tỷ lệ là ba bảy.
Tức là, sau khi thu hoạch lương thực, trừ đi phần phải nộp thuế và một phần nhỏ để ngừa tình huống đột xuất thì số lương thực còn lại được chia thành mười phần.
Ba phần đầu được chia đều cho tổng số người ở thôn.
Bảy phần còn lại mới là chia theo công điểm.
Đây là do cán bộ của thôn nghĩ đến người già neo đơn và trẻ mồ côi của thôn, nếu chỉ chia theo công điểm thì những người này chắc chắn sẽ chết đói.
Còn thịt heo rừng, tuy nói heo rừng là của chung, nhưng Dương Gia Nghi có công bắt lấy nó, vì vậy phần của cô được chia nhiều hơn người khác rất nhiều, được một cái chân heo và một miếng sườn, cộng lại chắc cũng năm mươi cân.
Còn mớ thịt heo còn lại cũng chia theo đầu người.
Phân chia như vậy đã rất công bằng, ai cũng hài lòng.
Tuy có dăm ba người bất mãn Dương Gia Nghi được nhiều như vậy thì bị đội trưởng quát lớn: "Muốn được chia nhiều như vậy thì mấy người đi săn đi, chỉ cần săn được heo rừng thì tôi cũng chia cho mấy người giống hệt!" Khiến cả đám im thin thít.
Phải biết trước khi mùa đông đến, đội trưởng đều tổ chức một lần đông săn, xem như trợ cấp chút thịt cho thôn của mình.
Mà đi săn, vật lộn với thú rừng thì rất nguy hiểm, những người mang ý bất mãn đều thuộc dạng ham ăn biếng làm, bởi vậy họ lập tức câm miệng, sợ đội trưởng buộc họ phải vào núi.
Đúng là thời nào cũng có mấy người như vậy, bản lĩnh thì không có nhưng lúc nào cũng muốn gây sóng gió.
(4/10).