Xuyên Tâm Lệnh (Tình Nhân Tiễn)

chương 10: trở lại kim sơn tự

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Triển Mộng Bạch hân hoan ra mặt :

- Tự nhiên là tại hạ rất muốn mục kích những cuộc so tài như vậy, nhưng...

Chàng chợt nhớ đến những gì đang chờ chàng, những gì đó ở tại Kim Sơn tự, nằm ngay trong chiếc bò đoàn của vị phương trượng.

Bằng mọi giá, chàng không thể diên trì, nấn ná ở bất cứ nơi đâu, bằng mọi giá chàng phải đến gấp Kim Sơn tự, để trước hết nắm cái chứng cứ của sự bí mật đó trong tay rồi, sau sẽ làm gì khác thì làm.

Lam đại tiên sinh trố mắt nhìn chàng, hỏi :

- Ngươi có tâm sự gì nên không thể lưu lại đây xem cuộc đấu?

Triển Mộng Bạch đáp :

- Tại hạ có một chuyện cần làm cấp bách nhưng không tiện nói ra.

Lam đại tiên sinh biết ngay chàng gặp một sự khó khăn, lão không muốn để cho chàng phải tự trách nên vụt cười ha hả :

- Ngươi cứ đi nhưng phải cho lão phu biết rõ nơi ngươi phải đến, lão phu không hy vọng lại phải bôn ba khắp phương trời tìm ngươi như lần trước.

Triển Mộng Bạch trầm ngâm một chút :

- Đã vậy, tại hạ xin... chờ hai vị tại Kim Sơn tự, khi nào hai vị giải quyết xong sự việc này cứ đến đó gặp tại hạ. Tuy nhiên, tiền bối đừng quên một việc kế tiếp...

Chàng tiếp luôn :

- Việc ở dưới đó...

Lam đại tiên sinh gật đầu :

- Ngươi yên trí, lão phu quên làm sao được!

Chàng vòng tay :

- Tại hạ xin cáo biệt hai vị!

Thiết Đà vừa cười vừa mắng :

- Đi thì đi, còn dàn cảnh làm gì cho rườm rà? Ta biết ngươi có việc gì đó không muốn tỏ bày với ta, mà cái lão già họ Lam kia cũng thích ra vẻ bí mật như quỷ như ma. Được rồi, các ngươi cứ cấu kết với nhau mà làm những việc trời đánh.

Lam đại tiên sinh bật cười ha hả :

- Đúng là một lão quỷ, con mắt của lão soi đến lủng tâm can thiên hạ!

Triển Mộng Bạch bật cười mấy tiếng rồi quay mình đi liền.

Bỗng, Lam đại tiên sinh gọi giật chàng trở lại.

Chàng vừa quay đầu, Lam đại tiên sinh hỏi liền :

- Lão phu quên hỏi ngươi một chuyện! Chứ cái lão áo vàng đó là ai?

Triển Mộng Bạch cười nhẹ :

- Đế Vương cốc chủ!

Lam đại tiên sinh sững sờ, thừ người một lúc lâu rồi lắc đầu, cười thốt :

- Đúng là lão ta! Quả nhiên mà!... Tốt! Tiểu huynh đệ cứ đi đi, chúng ta sẽ gặp tại Kim Sơn tự trong nay mai!

Triển Mộng Bạch vâng một tiếng, rồi phóng mình đi.

Theo con đường mòn xuống núi, chàng nghe niềm cảm khái ngập tràn.

Chàng càng nghĩ, tâm tư càng rối loạn thêm, rồi bồn chồn nóng nảy chỉ muốn sao nhảy một bước là đến kts liền.

Nhưng Kim Sơn tự ở ngoài ngàn dặm, muốn đến nơi nào phải chi phí một ngày một bữa hành trình?

Trên con đường diệu viễn, biết đâu chẳng có biến cố chực chờ? Rồi vì những biến cố đó chàng phải thiên diện ngày tháng?

Chàng nảy sinh một ý định là dùng xe mà đăng trình.

Chàng suy tính rằng nếu như ngồi trong xe ngựa, đóng cửa lại, chàng tuyệt đối chẳng xuống xe chỉ khi nào cần cái ăn, cái uống thì mới dừng lại, nhưng cố rút ngắn thời gian dừng xe, có như vậy mới tránh được sự dòm ngó của kẻ hiếu kỳ, hoặc những kẻ theo đó.

Chàng đắc ý, chân bước nhanh định tìm thị trấn thuê xe. Nhưng nhìn quanh, là cảnh hoang vắng, xa xa, những dãy núi giăng ngang, che khuất tầm mắt, không một thôn xóm nào ẩn hiện trong tầm mắt, nói chi đến thị thành hay những ngôi nhà?

Chàng còn nhớ cái chỗ thả con ngựa trước đó, lúc đi tìm Dương Toàn.

Bây giờ, nhìn quanh chàng chẳng thấy con ngựa đâu cả. Có thể nó đã bỏ chàng mà đi đâu rồi, bởi lúc chàng rời nó đến giờ, kể ra có đến mấy hôm rồi.

Tuy nhiên, chàng hy vọng nó còn ở quanh quẩn đâu đây, vì nó là một con long câu, nó có tánh thông minh hơn đồng loại.

Bỗng, có tiếng ngựa hí vang ở phía sau một chiếc gò, chàng mừng rỡ vô hạn, vội chạy về phía đó.

Quả nhiên, có một con ngựa đang cúi đầu gặm cỏ, chốc chốc nó hí lên.

Con ngựa chưa quên hẳn chàng, nó nghe tiếng chân người, ngẩng đầu lên, rồi chạy bay về phía chàng.

Chàng vỗ đầu nó, thốt qua cảm xúc :

- Ngựa ơi! Ngựa ơi! Ngươi không bỏ ta! Ngươi vẫn ở đây chờ ta! Ta cảm kích vô cùng!

Con ngựa nghênh chiếc đầu lên, chà chà mỏ nơi vai Triển Mộng Bạch, ra thân thiết.

Triển Mộng Bạch vỗ về con ngựa một lúc, rồi lên yên, tuấn mã phi nước đại, vượt đường trường.

Không lâu lắm, người và ngựa rời xa vùng đồi núi hoang dã bao la.

Bụng đã đói như cào, Triển Mộng Bạch định tìm thị trấn dùng cơm chợt nhớ lại một chuyện chàng kêu khổ trong lòng, thì ra túi vàng đã bị rơi trong Luyện Hồn đầm.

Làm sao? Bây giờ chỉ còn cách bán ngựa chứ chẳng còn cách nào khác nữa cả. Nhưng chàng thì không nỡ bán con ngựa này rồi, bán nó là phản bội một bằng hữu trung thành.

Trong khi chàng lo lắng thì con ngựa cứ nện vó, sải đều, nó không hề ưu tư nên chẳng mấy chốc thị trấn hiện ra trước mặt.

Thị trấn tựa mình vào núi, mặt nhìn sông, thoáng nhìn qua lối sinh hoạt của dân cư, Triển Mộng Bạch cho rằng đây là một thị trấn khá quan trọng.

Nơi d... tuy nhiên người quan nội xuôi ngược dập dồn trên những đường phố.

Khách bộ hành trông thấy chàng thanh tú nhân phẩm phi phàm, lại ngồi ngựa đẹp, ai ai cũng quay đầu nhìn theo chàng, hoặc lâu hoặc mau, và tất cả cùng khen thầm cái nghi biểu anh hùng của chàng.

Triển Mộng Bạch kêu khổ thầm, cười khổ thầm :

- Những khách bộ hành kia, có ai biết được chăng, ta là cái võ tốt nhưng ruột lại trống rỗng? Họ có hiểu chăng ta sắp làm một tên hành khất đây nếu không muốn chết vì đói?

Thời khắc lúc đó vào ngọ, hai bên đường phố, hàng cơm hàng rượu đều đông khách, mùi nấu nướng bay ra thoảng dài theo lối đi, mùi len lỏi vào mũi chàng, bắt chàng tập trung mọi tư tưởng vào cái đó.

Trước mắt chàng một tòa tửu lâu hiện ra, khá đồ sộ, sinh ý rất phồn thịnh.

Trước tửu lâu, có mấy chuồng ngựa tạm để cho những kỵ sĩ phương xa gởi tạm ngựa lúc ăn uống.

Trong chuồng có mấy con ngựa đang cúi đầu nhai cỏ.

Triển Mộng Bạch thầm nghĩ :

- Có thể tại nơi đây ta tìm được một vài người biết giá trị ngựa, họ sẽ sẵn sàng giúp ta giải quyết vấn đề.

chàng xuống ngựa, vào tòa tửu lâu đó.

Tiểu nhị bước tới, cười chiêu đãi, dùng quan thoại tiếp xúc với chàng :

- Khách quan cứ vào, ngực thì để cho tiểu nhân lo.

Triển Mộng Bạch thoáng đỏ mặt.

Phải mất mấy phút chàng mới buông lọt một câu :

- Tại hạ đến đây, chỉ để bán ngựa thôi!

Tiểu nhị ạ lên một tiếng.

Thái độ chiêu đãi biến mất, nhường chỗ cho vẻ lạnh lùng, khinh miệt, gã quay mình trở vào tửu lâu ngay.

Bên trong tửu lâu, tiếng cười tiếng nói vọng ra oang oang, tạo nên cảnh nhiệt náo lạ.

Bên ngoài hơn mười con ngựa nhai cỏ trong tàu, yên lạc còn nguyên bên hông có lủng lẳng một vài món vũ khí.

Nhìn ngựa, Triển Mộng Bạch cũng hiểu rõ thực khách bên trong ít nhất cũng có một số thuộc giới giang hồ, và trong số đó biết đâu lại chẳng có bật hào tâm hiệp khí.

Chợt trên lầu có tiếng chân người bước gần. Một người to tiếng hỏi :

- Bầy ngựa này có ai muốn bán?

Có hai người xuống lầu mặc áo gấm, mặt thoáng đượm hơi men.

Họ hoàn toàn xa lạ đối với Triển Mộng Bạch. Sự xa lạ đo'làm chàng yên tâm phần nào.

Hai đại hán áo gấm quan sát chàng từ đầu đến chân, một người hỏi :

- Kẻ bán ngựa là ngươi?

Người đó có thân vóc cao lớn, âm thinh phát ra như tiếng gióng của đại hồng chung.

Hắn phảng phất một cao thủ ngoại gia.

Triển Mộng Bạch gật đầu :

- Phải, chính tại hạ.

Người kia trái lại rất ốm, thân vóc lại dài, đi đứng lêu nghêu, y không nhìn Triển Mộng Bạch đến nửa con mắt, y đang chăm chú quan sát con ngựa.

Một lúc lâu, y gật gù lẩm nhẩm :

- Quả thật là một con ngựa tốt.

Đại hán trước bật cười ha hả, hỏi :

- Ngươi muốn bán con ngựa với giá nào?

Ngập ngừng một chút, Triển Mộng Bạch đáp :

- Một ngàn lượng bạc.

Đại hán lớn trả giá :

- Năm mươi lượng là vừa.

Triển Mộng Bạch cất cao giọng :

- Không đòi thêm, không bớt lại, phải đúng một ngàn lượng.

Đại hán cao lớn giương tròn mắt nhìn chàng :

- Làm gì có thứ ngựa trị giá cảngàn lượng bạc?

Đã buông ra một sự thách thức rồi, Triển Mộng Bạch phải theo luôn :

- Một ngàn lượng không đòi hơn, không bớt ít. Chẳng những thế, tại hạ không bán đứt nữa đấy. Bất quá, tại hạ sẽ trở lại chuộc nó, có cả phần lời giao hàng cho quý vị.

Đại hán cao lớn không vội giận, hắn nhìn chàng một lúc, rồi bật cười to :

- Ta nghĩ, ngươi đang lên cơn điên thì phải! Thôi thì năm mươi lượng vậy. Ngươi bằng lòng ta trao bạc bắt ngựa liền.

Triển Mộng Bạch trầm giọng :

- Nội cái đuôi ngựa cũng giá trên năm lượng rồi.

Đại hán gầy chợt nhướng mí mắt lên, cười lạnh :

- Nếu ngươi không bán, thì cho ta luôn.

Triển Mộng Bạch hừ khinh một tiếng, dắt ngựa đi.

Đại hán gầy nhanh ta chụp yên ngựa quát :

- Ngươi hãy để ngựa lại!

Triển Mộng Bạch khoát tay và quát khẽ :

- Các ngươi muốn gì?

Đại hán lớn tiếp luôn :

- Nói thế chứ ai giữ ngươi làm gì, ngươi cứ tiếp lấy năm mươi lượng bạc lưu con ngựa lại rồi thong thả ra đi.

Triển Mộng Bạch cau mày, đưa bàn tay nắm chặt dây cương ngựa bảo :

- Các hạ làm cách nào mở được bàn tay của tại hạ lấy sợi dây cương này, là con ngựa sẽ về các hạ, chẳng cần phải chi một lượng bạc nào cả.

Đại hán lớn bật cười sang sảng :

- Nếu ta không mở nổi mấy ngón tay của ngươi thì trước đông đủ mọi thực khách tại đây, chúng ta sẽ cúi đầu chịu phục!

Hắn bước tới, vươn bàn tay hộ pháp nắm chặt tay của Triển Mộng Bạch.

Đến lúc đó, thì cái cảnh nhiệt náo đã diễn đến độ cao rồi, người ta đã chú ý đến sự việc của song phương gồm một bên hai, một bên một.

Đại hán lớn từng nổi danh là một đại lực sĩ địa phương thì cái việc mở bàn tay một thiếu niên hay giật dây cương trong tay thiếu niên là một trò đùa, chẳng có gì khó khăn cả.

Ngờ đâu, hắn vận dụng toàn sức bình sanh giật đường dây cương vẫn còn dính trong tay Triển Mộng Bạch, năm ngón tay chàng như năm cọc sắt đóng cứng vào gỗ.

Người xem không tưởng nổi một chàng thư sinh không gầy nhưng chẳng to lớn to lớn lắm lại có sức mạnh kinh hồn, đại hán càng giật càng cố banh mấy ngón tay, chàng càng bình tĩnh, tựa hồ chẳng nghe một cảm giác nào.

Trái lại, đại hán có cái dáng sơn thần đó thì đỏ mặt, tía tai, gần vồng đầy trán.

Ai ai cũng lấy làm lạ cũng buồn cười.

Đại hán gầy đứng một bên, biến sắc mặt dần dần đến xanh nhợt.

Bỗng, đại hán cao lớn hét lên một tiếng :

- Chết này!

Hắn phóng một ngọn cước vớI toàn lực bình sanh vào ngực Triển Mộng Bạch.

Ngờ đâu, Triển Mộng Bạch có phòng bị trước rồi, chàng hạ bàn tay tả xuống, chụp ống chân đại hán.

Đại hán càng tức uất rống lên như hổ :

- Ngươi... ngươi... ta quyết liều mạng với ngươi!

Trong tình thế đó, hắn còn toan đánh nhau thì đúng là liều thật.

Hắn dùng cả hai tay, đánh vào mặt Triển Mộng Bạch.

Triển Mộng Bạch nhấc bàn tay nắm cổ chân hắn, đưa lên cao một chút, gật nhẹ, cười lạnh thốt :

- Ngươi chết thì có!

Đại hán mập mất thăng bằng, ngã nhào.

Bên ngoài trong số người đứng xem, có kẻ cất tiếng cười sằng sặc.

Đến lức đó, tự nhiên đại hán gầy không còn đứng lặng được nữa, hắn lấy trong tay áo một chiếc quạt nhanh tay hắn bật quạt sè ra, kêu một tiếng rẹt, hoành theo mình ngựa, bước về phía Triển Mộng Bạch.

Đại hán mập đã đứng lên vì Triển Mộng Bạch hất nhẹ cho hắn ngã xong là buông tay luôn.

Đại hán gầy đến trước mặt Triển Mộng Bạch lạnh lùng nhìn chàng, lạnh lùng thốt :

- Bằng hữu đã gây họa cho mình rồi!

Triển Mộng Bạch ngẩng mặt lên không, bật cười sang sảng :

- Bình sanh họ Triển này không hề ngán bất cứ một tai họa nào, từ đâu đến, do ai đưa, họa to hay họa nhỏ.

Đại hán gầy cười nhẹ :

- Trước khi nói khóac lác, ít nhất cũngphải hiểu kẻ đối thoại với bằng hữu là ai. Thế bằng hữu có biết ta là ai chăng?

Thốt xong, hắn phất chiếc quạt trước mặt Triển Mộng Bạch.

Chiếc quạt bằng lụa tím, nơi mặt lụa có thêu hình một con chim ưng, mắt lồi, lông cứng, móng nhọn, mỏ dài.

Triển Mộng Bạch cười khanh khách :

- Ngươi là ai thì mặc ngươi, có can gì đến ta?

Tay tả giữ cương ngựa, tay hữu vươn ra dùng phép cầm nã, chụp cổ tay của đại hán gầy.

Đại hán trầm bàn tay xuống, nhấc đầu quạt lên, quét ngang qua mạch môn của chàng.

Đồng thời hắn đưa luôn tay tả chụp năm ngón sè xuống lưng bàn tay Triển Mộng Bạch.

Hắn xuất thủ rất nhanh, đúng pháp cầm nã triền ty thủ của chánh tông.

Triển Mộng Bạch giật mình thầm nghĩ :

- Hắn cũng là một tay khá đó!

Buông cương ngựa ra, chàng đánh sang một chưởng, có cái tên là Thạch Phá Thiên Kinh.

Đại hán tuy nắm được cổ tay của Triển Mộng Bạch, song nội lực của hắn quá kém, cho nên hắn không chịu nổi áp lực của chưởng phong, hắn bị dội về phía hậu, chân không gượng nổi, đối phương chỉ có hoa dạng mà không có thực lực.

Đại hán mập toan lướt tới, nhưng từ trên lầu có tiếng quát to như tiếng sấm vọng xuống đồng thời có ba bóng người thoát ra khỏi cửa sổ lầu đáp nhanh tại cục trường.

Đại hán mập vỗ tay reo lên :

- Hay lắm! Hay lắm! Thử xem tiểu tử có cánh tay mà bay lên trời chăng?

Thoáng nhìn qua thân phận của ba người đó. Triển Mộng Bạch biết rõ họ chẳng phải là những tay tầm thường.

Tự nhiên chàng phải giới bị, bởi cánh địch bây giờ gồm đến năm người, mà chàng thì chung quy vẫn là đơn thân độc lực.

Ngờ đâu, ba người đó đáp xuống cục trường rồi lại không tấn công, mà chỉ vòng tay thi lễ.

Bỗng, chàng bật cười vang, rồi cao giọng thốt :

- Tưởng ai, không ngờ vị hiền huynh đệ!

Ba người đó, là Lao Sơn tam nhạn, họ Hạ đồng bào huynh đệ.

Đến lượt đại hán mập sững sờ.

Hắn lẩm nhẩm :

- Các vị... quen biết tiểu tử đó?

Xuyên Vân Nhạn Hạ Quân Hùng bật cười sang sảng :

- Sao lại chẳng quen biết chứ? Quen lâu rồi mà!

Đại hán gầy bị chấn dội, hơi thở còn khó khăn, song cố gượng cười lạnh một tiếng mỉa :

- Không ngờ Lao Sơn tam nhạn lại có bằng hữu trong hạng bán ngựa!

Hạ Quân Kiệt cười nhẹ thốt :

- Kim đại ca khoan buông lời chạm đến tự ái của bọn huynh đệ tại hạ. Kim đại ca cứ hỏi xem đối tượng là ai đi, rồi muốnphát tiết tức uất như thế nào, tùy thích.

Đại hán mập có họ Kim càng phẫn uất hơn :

- Hắn là ai mặc hắn, ta cần biết làm gì? Anh em các ngươi tìm cho được bọn ta đến đây cùng nhau uống rượu rồi điềm nhiên nhìn anh em bọn ta bị thiên hạ lăng nhục như thế này!

Thử hỏi, lương tri và liêm sỉ của các ngươi để đâu rồi.

Ngân Nhạn Hiệp cười lớn :

- Nhưng cái người trước mắt Kim đại ca đó không giống như mọi người! Bởi cái đặc biệt đó anh em tại hạ mới bàng quang, mà bàng quang là hòa giải vậy.

Đại hán mập hét lên :

- Đặc biệt ở chỗ nào? Tại sao hắn lại khác những người thường?

Hạ Quân Hiệp cười lớn :

- Người đó là Triển Mộng Bạch! Bởi là Triển Mộng Bạch nên phải khác hơn mọi người thường.

Đại hán mập ạ lên một tiếng, lùi nhanh ba bước, sững sờ như tượng gỗ, đôi mắt trợn tròn.

Đại hán gầy cũng kinh hãi không kém đại hán mập.

Mấy phút sau, cả hai cùng bước tới, cả hai cùng sụp mình xuống trước mắt Triển Mộng Bạch cùng lạy.

Triển Mộng Bạch bối rối, lúng túng tránh, hấp tấp thốt :

- Hai vị đừng làm thế? Việc gì khiến hai vị phải hạ mình như vậy?

Cả hai cùng lạy đủ số ba lạy, đoạn họ đứng lên rồi họ nhìn Triển Mộng Bạch một lúc nữa, sau cùng lại lắc đầu, lẩm nhẩm :

- Tuy ta không nhận ra y, song chẳng có lý do gì oán trách chúng ta được!

Hạ Quân Hiệp cười vang :

- Lời nói của các hạ khó hiểu quá!

Đại hán mập trừng mắt cao giọng :

- Có gì đâu mà cho rằng khó hiểu? Ta chỉ tưởng Triển Mộng Bạch là bậc anh hùng cái thế, tài nghệ tuyệt luân, dung mạo phi phàm khí tượng lẫm liệt, ngỡ đâu y lại là một trang tư văn nho nhã?

Hạ Quân Hiệp bật cười ha hả :

- Chẳng lẽ hễ là anh hùng thì phải có cái tướng mạo như các hạ?

Hạ Quân Hùng cười nhẹ tiếp nối :

- Các hạ lầm cũng được đi, song tại sao đến Kim Ưng mà cũng lầm luôn? Đôi mắt cú vọ của Kim Ưng đâu, mà chẳng nhận thức được bậc anh hùng đương thế?

Y tiếp luôn :

- Huống chi bán ngựa chẳng phải là một việc hèn, bán một hai con ngựa có thể là vì nhu cầu nào đó, chứ có phải là hạng lái ngựa chuyên nghiệp đâu?

Đại hán gầy, cao điểm một nụ cười.

Triển Mộng Bạch trầm ngâm một chút :

- Kim Ưng?...

Hạ Quân Hùng gật đầu :

- Ký Bắc Kim Ưng! Một vầng sao sáng vùng đất bắc đó.

Triển Mộng Bạch chợi tỉnh ngộ, kêu lên :

- Thảo nào! Tại hạ nghe cái danh đó quen quá, thì ra các hạ là người mà giang hồ truyền thuyết là Thần Bộ Kim Ưng Kim Đô đầu, mãi đến hôm nay tại hạ mới có dịp hân hạnh diện kiến. Thật là lỗi quá!

Lúc đó, Kim Ưng đã thu chiếc quạt về, nghiêng mình :

- Cái danh hèn này đâu xứng đáng để lọt vào tai bậc anh hùng. Hà huống tại hạ đã ly khai Lục Phiến môn từ lâu. Triển đại hiệp cứ gọi là bộ đầu mãi, làm cho tại hạ thẹn chết đi được. Thực ra nếu không có anh em họ Hạ khuyến khích, thì tại hạ dù có gan to cũng chẳng dám chường mặt trên giang hồ.

Triển Mộng Bạch mỉm cười :

- Kim huynh khiêm tốn quá chừng.

Hạ Quân Hiệp chỉnh sắc mặt nhấn mạnh :

- Lời nói đó của Kim huynh chẳng phải là ngoa đâu! Bọn tiểu đệ vì quyết tâm phòng tra tung tích của chủ nhân Tình Nhân tiễn nên tha thiết yêu cầu Kim huynh hạ sơn, giúp sức đó.

Triển Mộng Bạch cười lớn :

- Từ lâu, tại hạ nghe danh Kim huynh có đôi mắt thần, có bàn tay điện, nhìn là thấu đáo tận tâm tư con người, vươn tay ra là chim cũng khó bay cao tránh kịp. Năm xưa, suốt vùng Bắc hoàng hà, chẳng một vụ án nào trở thành không đầu được giao phó cho Kim huynh điều tra...

Chàng nghiêng mình cúi đầu, như tỏ vẻ khâm phục, tiếp luôn :

- Kim huynh chịu tái nhập giang hồ lần này tiếp trợ chúng ta, thì cái kết quả sẽ không còn xa lắm.

Kim Ưng vội vàng đáp lễ, đại hán mập chen vào :

- Tánh mạng của anh em tại hạ, sở dĩ còn đây là nhờ các hạ thì cái việc hạ sơn tìm cách trợ giúp các hạ, cũng chẳng có gì là quá đáng, các hạ thắc mắc làm gì?

Triển Mộng Bạch sững sờ, thầm nghĩ :

- Ta có làm ơn nghĩa chi với anh em họ đâu, sao họ lại nói thế?

Kim Ưng thở dài tiếp nối :

- Năm xưa, trong Lục Phiến môn anh em tại hạ cấu kết oan cừu rất nhiều, cho nên ngày ấy phải gặp khó khăn tại Trương Gia Khấu, nếu không nhờ Triển đại hiệp ra tay cứu nạn thì còn đâu đến ngày nay? Rất tiếc là Triển đại hiệp như con rồng thiêng uốn khúc giữa vùng trời, thoáng hiện rồi thoáng ẩn, hành tung như xuất quỷ nhập thần, anh em tại hạ được an toàn mà đến dung mạo đại hiệp ra sao, cũng không hiểu rõ. May mắn làm sao, giờ đây lại hội kiến với đại hiệp.

Y lại thở dài một tiếng, rồi kết luận :

- Nếu không có cái cơ duyên này, thì anh em tại hạ phải ôm hận suốt đời, bởi thọ ơn người mà không làm gì báo đáp mảy may!

Triển Mộng Bạch chợt tỉnh ngộ.

Thì ra, đây chỉ là một trong những việc khác mà chàng đã được biết.

Có người âm thầm mạo nhận chàng làm việc hiệp nghĩa.

Bỗng, một người có gương mặt hồng hào vận áo dài, quát bọn hiếu kỳ đứng quanh đó, tản mát ra, rồi bước tới, vòng tay mời :

- Các vị cứ lên kia mà đàm đạo!

Y là người Mông cổ, song nói tiếng Hán rất rành.

Hạ Quân Hùng bật cười ha hả :

- Gặp lại Triển huynh, tại hạ hân hoan cực độ, thành ra quên mất những gì khác!

Hắn giới thiệu ngay.

Người Mông cổ mặc áo dài, vừa chen vào câu chuyện của quần hùng đó là Phú Trọng Bình, khoác cái biệt hiệu Biên Ngoại Mạnh Thường, một tay hào kiệt của địa phương này bởi vì Mạnh Thường nên rất hiếu khách, lóng nghe câu chuyện nên muốn tiếp cận với Triển Mộng Bạch liền.

Chừng như trước kia, y cũng từng nghe giang hồ truyền thuyết ít nhiều về Triển Mộng Bạch, nên giờ đây y rất hoan hỉ được hội kiến với chàng.

Sự kính mộ của y hiện lộ rõ trên gương mặt trong ngôn từ.

Rồi họ kéo nhau lên lầu.

Một tiệc rượu mới được bày ra, dĩ nhiên để tiếp đãi người mới, họ ăn to, uống đậm thành thực mà ăn, mà uống, chẳng còn khách sáo với nhau nữa.

Rồi họ cùng uống vui với nhau mấy chén, đoạn anh em họ Hạ mới hỏi đến hành tung của Triển Mộng Bạch trong thời gian qua.

Triển Mộng Bạch làm sao tường thuật từng chi tiết một của những tao ngộ từ lúc ly khai gia hương, chàng bịa một vài điều còn xuôi thuận với tình hình sau cùng thì chàng cho biết cái ý định đổi ngựa lấy tiền thuê xe.

Hoàng Hổ vỗ tay :

- Triển huynh cao kiến quá! Trên giang hồ cứ mỗi một đoạn đường ngắn là có một sự bất bình mà Triển huynh thì không thể bàng quan trước những trái ngang. Cho nên, ngồi ngựa mà đi, Triển huynh ít nhất muốn đến Kim Sơn cũng phải mất ba năm.

Kim Ưng cười nhẹ :

- Địa phủ vùng này là Phú huynh, cái việc đó hắn phải lo...

Phú Trọng Bình đáp lẹ :

- Do tại hạ chứ còn ai nữa?

Đoạn y cười ha hả.

Hoàng Hổ tiếp :

- Ngồi trong xe suốt một cuộc hành trình ngàn dặm hẳn là Triển huynh phải phiền muộn lắm, vậy Phú huynh hãy bố trí cách nào trong cỗ xe, cho Triển huynh được khuây khỏa phần nào.

Phú Trọng Bình gật đầu :

- Hẳn là phải như vậy rồi, nhưng chẳng hay Triển huynh định lúc nào khởi hành?

Triển Mộng Bạch thở dài :

- Thú thật với các vị, tại hạ nóng nảy như có lửa đốt trong lòng, nếu được khởi hành sớm phút nào thì càng hay phút ấy!

Phú Trọng Bình nói mau :

- Nếu thế thì các vị huynh đài ngồi đây, chờ một đoạn tại hạ xuống lầu lo liệu.

Đoạn, y đứng lên, bước đi liền.

Triển Mộng Bạch thở ra một hơi dài khoan khoái thế là thắc mắc đầu tiên được giải quyết ổn thoả.

Nhưng, nhớ đến con ngựa, chàng cau mày hỏi :

- Các vị có thể cho người đưa con ngựa của tại hạ đến Kim Sơn chăng?

Hỏi câu đó, chàng nhìn anh em họ Hạ.

Hạ Quân Hiệp cười lớn :

- Có khó khăn gì việc đó? Công tác tại vùng Tây Bắc của bọn tại hạ kể như hoàn thành, hiện tại thì bọn tại hạ định xông Giang Nam. Lẽ nào lại không thể mang theo một con ngựa hộ Triển huynh sao?

Triển Mộng Bạch đứng lên vòng tay :

- Tại hạ xin đa tạ các vị!

Hạ Quân Hiệp tiếp nối :

- Từ bao lâu rồi, tại hạ chưa hề nghe Triển huynh thốt lời cảm tạ một ai, thế mà giờ đây lại phá cái lệ đó, hẳn là Triển huynh quý con ngựa vô cùng. Tại hạ xin hứa là hết sức chu toàn cho nó.

Hoàng Hổ cũng cười vang :

- Tiểu đệ cởi nó thì phải hơn bởi từ lúc mở mắt chào đời là tiểu đệ biết quý trọng ngựa rồi, như vậy thì cái việc chăn sóc ngựa chẳng ai hơn nổi tiểu đệ được.

Họ cười, họ nói, vừa uống, vừa ăn, không lâu lắm Phú Trọng Bình trở lại.

Y vòng tay hướng sang Triển Mộng Bạch, điểm một nụ cười :

- Cũng may, tại hạ không đến nỗi làm hư hỏng công việc của Triển huynh. Xe đã được chuẩn bị xong sáng sớm ngày mai là Triển huynh có thể lên đường.

Triển Mộng Bạch cau mày :

- Sáng sớm ngày mai...

Hạ Quân Hiệp chận lời :

- Nửa ngày thôi, có là bao lâu, mà Triển huynh phải thắc mắc? Chúng ta xa cách nhau bao thời gian, chẳng lẽ vừa gặp nhau là phải biệt ly liền? Đêm nay chúng ta phải thức suốt, sáng ra lên xe rồi, mặc tình Triển huynh ngủ bù trừ.

Không thể gấp đi, thì phải hòa đồng niềm vui của tất cả, Triển Mộng Bạch bật cười sang sảng :

- Từ lâu tại hạ không có dịp uống một bữa cho tài tình, thế thì tại hạ không từ chối cuộc vui này được. Tuy nhiên, nếu sáng ra, tại hạ có quá say thì phiền các vị cho khiêng tại hạ lên xe nhé!

Hạ Quân Hiệp cao giọng :

- Chỉ sợ tiểu đệ say khướt trước khi Triển huynh bỏ cuộc! Bởi cuộc rượu này chỉ chấm dứt khi người tham dự không nốc nổi nữa mà bỏ cuộc chứ nó phải là vô cùng tận đâu!

Phú Trọng Bình chen vào :

- Các vị yên chí lớn, dù tất cả chúng ta cùng ngã gục, vẫn có người mang Triển huynh lên xe như thường.

Họ là những thanh thiếu, huyết khí phương cương phong độ hiên ngang, hiệp tâm bừng dậy rồi là họ phải làm một cái gì cho long trời lở đất, cho vang dội bốn phương.

Sương sớm còn buông năng, tạo bức màu trắng đục, che phủ cỏ cây, cảnh vật.

Mỗi cỗ xe to, lướt trong sương mờ, rời thành Đồng Đức, cỗ xe tiến thẳng đến Kim Sơn.

Phu xe vận chiếc áo bố màu xanh, râu tóc đều bạc trắng, mắt nửa nhắm nửa mở, như không cần điều khiển những con ngựa kéo.

Nhưng những con ngựa đó chừng như được huấn luyện quá thuần thục, nên cứ chạy bon bon không người điều khiển mà chúng kéo xe rất an toàn.

Xe chạy độ ba khắc thời gian, Triển Mộng Bạch mới tỉnh lại.

Lúc tĩnh lại chàng nghe cổ cháy, lưỡi khô môi khô miệng phun ra phì phì khó chịu.

Chàng nhớ lại dần dần diễn biến vừa qua và chén rượu cuối cùng mà chàng uống, thực sự chẳng phải là chén, mà chính là một cái chậu nhỏ.

Chàng nốc cạn chậu rượu đó nốc một hơi liền.

Bây giờ thì chàng cảm thấy khó chịu thật sự, song chàng không lo ngại, bởi nghe tiếng bánh xe lăn, vó ngựa nện trên đường, chàng biết là mình đang ở trong xe.

Chàng nghe thôi, chứ mắt chưa mở ra thì làm sao quan sát mình đang nằm ở đâu?

Rồi sự khó chịu do men rượu gây nên tan dần, chàng điểm một nụ cười.

Theo nụ cười, mũi thở ra, khi mũi hít vào, một mùi thơm theo không khí chui vào mũi.

Bất giác chàng giật mình.

Chàng mở to đôi mắt, trông thấy một thiếu nữ diễm lệ, đang ngồi không xa chàng lắm, cười nhẹ nhìn chàng.

Triển Mộng Bạch đảo mắt nhìn quanh, chẳng thấy một người nào khác, ngoài chàng và thiếu nữ đó.

Thế là trong xe chỉ có hai người, một nam một nữ cùng đang độ thanh thiếu, nam hùng nữ diễm, một bầu không khí thân mật bao phủ cả hai.

Triển Mộng Bạch kêu lên :

- Cô nương... làm sao cô nương lại có mặt trong xe này?

Thiếu nữ vận chiếc áo rất mỏng, áo không che kín những đường cong của một thân thể ngọc ngà, tay nàng cầm một chíếc bình bằng ngọc, hẳn là bình đựng trà rồi.

Nàng không đáp câu hỏi của chàng, mà đáng lẽ chàng phải hỏi nàng là ai, trước khi hỏi tại sao nàng có mặt trong xe.

Nàng điểm nụ cười duyên, rót trà vào chiếc chén ngọc, rồi thốt :

- Uống rượu nhiều, lúc tỉnh lại chắc tướng công khát nước lắm! Xin tướng công uống chén trà giải rượu.

Triển Mộng Bạch lại đảo mắt quan sát lượt nữa, nhận ra xe cần thiết chẳng khác một khuê phòng của hạng đài các trâm anh.

Điều làm cho Triển Mộng Bạch lạ lùng nhất là vách xe treo đầy những chiếc giỏ bằng túc Tương, chẳng rõ những giỏ đó chứa đựng gì.

Dưới những chiếc giỏ, có nhiều quyển sách, sắp xếp rất ngăn nắp, phía trong có bàn ăn, có đủ đồ dùng, có chỗ chứa y phục mới, có cả bàn cờ, có đàn, có bình rượu.

Ngoài ra, cũng có một bức họa sơn thủy.

Cỗ xe đủ tất cả các vật trang trí chừng như nếu còn chỗ thừa hẳn là Phú Trọng Bình cũng đặt đồ vật chiếm cho kỳ hết.

Triển Mộng Bạch nhìn khung cảnh đó, cảm kích vô cùng.

Chàng không ngờ Hoàng Hổ chỉ nói đùa một câu, mà Phú Trọng Bình lại thực hiện chu đáo như vậy.

Bỗng, chàng dán mắt vào chỗ đặt những món đồ trang sức, nơi đó, có một mảnh giấy nhỏ, chàng cầm lên, nhận ra những chữ có nét bút cực kỳ cực kỳ tề chỉnh Mảnh giấy ghi gọn một câu ngắn :

- Hương xa và hồng phấn kính tặng Triển huynh, giúp tiêu sầu giải muộn trên dặm dài.

Bên dưới, có hàng chữ nhỏ hơn.

- Phú Trọng Bình tại huyện Đồng Đức, kính bái.

Triển Mộng Bạch “ồ” lên một tiếng, nhếch nụ cười khổ, thầm nghĩ :

- Thì ra thiếu nữ này được Phú Trọng Bình chọn, cho theo xe, để làm cái việc tiêu sầu giải muộn cho ta!

Chàng không rõ là mình có nên buồn cười, hay bực dọc bởi bình sanh chàng có bao giờ thích những thứ tiêu sầu giải muộn này?

Chàng lặng thinh một lúc, tìm cách tống trả nữ nhân trở lại Đồng Đức.

Một phút sau, chàng vòng tay thốt :

- Cô nương...

Thiếu nữ nhìn chàng cái nhìn si si dại dại, đến lúc đó, cúi thấp đầu, miệng điểm nụ cười giọng cùng thấp :

- Tên thiếp là Tần nhi, tướng công cứ gọi tên, cần gì phải dùng hai tiếng cô nương.

Triển Mộng Bạch thở dài :

- Tần Nhi!... Tần Nhi cô nương!...

Chàng lẩm nhẩm mấy lượt, đột nhiên cao giọng gọi :

- Phu xe! Dừng xe lại ngay!

Xe cứ chạy đều, ngựa cứ nện gió, lão nhân thò đầu vào khung cửa hỏi :

- Có việc chi chăng?

Triển Mộng Bạch tiếp :

- Vị cô nương này...

Lão nhân đánh xe đưa tay chỉ lỗ tai của lão, rồi lắc đầu, tỏ rõ là lão chẳng nghe được tiếng nào cả.

Triển Mộng Bạch hét lớn :

- Vị cô nương này!

Lão nhân lại lắc đầu :

- Phú đại gia phân phó, lão phu chỉ đánh xe thôi, còn việc gì khác thì chẳng được biết đến.

Lão vừa thốt, vừa xoay đầu khi câu nói dứt, lão trở lại dáng ngồi như cũ, mắt nhìn tới trước, thản nhiên như vừa đối thoại với một khách lữ hành bên vệ đường.

Triển Mộng Bạch dở khóc dở cười, lão xa phu không chịu dừng xe, thì chàng phải làm sao đây?

Chẳng lẽ chàng chụp thiếu nữ kia mà quăng ra ngoài xe? Còn như phải đối diện với nàng suốt quãng đường dài thì thật là một cực hình. Huống chi ăn cùng ăn, ngủ cùng ngủ, trên xe lại có mỗi một chỗ nằm duy nhất, chẳng lẽ đêm xuống cả hai nằm chung chỗ với nhau? Mà để cho nàng nằm ngay dưới sàn xe thì thật là khiếm nhã!

Ngoài thiếu nữ, bạn đồâng hành là lão đánh xe, lão lại nặng tai, chàng còn nói năng gì với ai được nữa?

Đàm thoại với thiếu nữ hẳn là chàng không thích rồi, còn bắt chuyện với lão đánh xe thì cứ phải hét lên oang oang, không hét thì lão chẳng nghe rõ, mà hét thì còn cái thú gì đàm thoại để giết thời gian?

Tần Nhi trao chén trà qua cho chàng.

Bắt buộc chàng phải đón lấy.

Tần Nhi hỏi :

- Tướng công vừa tỉnh rượu, chắc thân thể bải hoải lắm? Vậy Tần Nhi xin đấm bóp cho tướng công nhé? Tần Nhi đấm bóp một lúc là tướng công sẽ cảm thấy thoải mái ngay!

Triển Mộng Bạch hấp tấp từ chối :

- Khỏi! Khỏi cô nương!

Tần Nhi mỉm cười tiếp :

- Người ta nói, rượu có thể giải rượu, sau cơn say nếu uống vào chút rượu thì tướng công thoải mái liền. Tướng công có muốn chăng? Để Tần Nhi dọn ra cho tướng công dùng nhé?

Triển Mộng Bạch lại từ chối :

- Khỏi! Khỏi! Cô nương!

Tần Nhi cười, hỏi luôn :

- Thế tướng công có muốn nghe đàn không? Tần Nhi dạo một khúc cho tướng công nghe? Tướng công có muốn chơi cờ, Tần Nhi xin hầu vài ván!

Triển Mộng Bạch từ chối luôn :

- Khỏi! Khỏi! Cô nương!

Đến lúc đó, Tần Nhi mới cau mày.

Cau mày vì thất vọng, bởi nàng bất lực rõ ràng trong nhiệm vụ tiêu sầu giải muộn cho Triển Mộng Bạch, mà Phú Trọng Bình đã đinh ninh giao phó.

Thất vọng, nàng lại thẹn, chừng như dưới lớp phấn mỏng, làn da mặt của nàng ửng đỏ.

Nàng cúi đầu, hỏi :

- Tướng công muốn... muốn...

Nàng cắn răng, không nói tiếp.

Nghĩa là sao? Nàng còn một đòn phép cuối cùng, định đem ra thi thố nốt? Nàng bảo Triển Mộng Bạch muốn gì?

Mặt nàng ửng đỏ, không nhất thiết là vì thẹn thất vọng, mà có thể thẹn vì câu nói bỏ dở...

Triển Mộng Bạch khoát tay gấp :

- Không! Không! Cô nương!

Tần Nhi ngẩng mặt lên, vẻ u sầu hiện rõ trong ánh mắt, nàng thấp giọng hỏi :

- Cái gì tướng công cũng không, cũng khỏi, thế thì Tần Nhi phải làm gì đây, tướng công?

Triển Mộng Bạch chưa kịp đáp, lệ sầu đã trào ra khóe mắt nàng, cả nơi mi, lệ long lanh chớp, rồi rơi xuống, hạt từng hạt rơi, hạt này tiếp nối hạt khác, trào ra, từ từ, như những giọt nước hồ đồng.

Chàng lấy làm kỳ hỏi :

- Sao cô nương khóc?

Nếu Triển Mộng Bạch đừng hỏi, có lẽ lệ chỉ rơi từng hạt, từng hạt.

Chàng hỏi, có khác nào chàng khơi mạch sầu cho rộng hơn ra, lệ không còn rơi từng hạt nữa, lệ tuôn thành giòng.

Nàng nức nở :

- Tại sao tướng công không cho Tần Nhi phục thị?

Triển Mộng Bạch cười khổ :

- Tại sao cô nương muốn phục thị tại hạ?

Tần Nhi cúi đầu :

- Nữ nhân sinh ra là để phục thị nam nhân, tôi sẵn sàng phục thị tướng công. Tướng công từ chối, thì làm sao tôi chịu nổi? Còn gì thẹn cho nữ nhân bằng bị một nam nhân từ khước khi nữ nhân thành thực hiến dâng?

Triển Mộng Bạch thở dài!

Chàng còn giải thích làm sao được nữa? Chỉ còn cách là nên từ khước luôn để khỏi phải hận lòng suốt hành trình qua ngàn dặm dài này!

Chàng buông luôn :

- Tại hạ nghĩ, cô nương nên trở về Đồng Đức là hơn.

Tần Nhi giật mình.

Nàng bật khóc lớn.

Triển Mộng Bạch rất vụng về trước bất cứ thíếu nữ nào, kể cả những nàng quen và quen thân, chàng càng vụng về hơn khi đối diện với một thiếu nữ khác.

Thành thử chàng cứ để cho nàng khóc.

Nàng khóc một lúc, lòng dịu lại, lau ráo lệ, vội hỏi :

- Tướng công hiềm vì Tần Nhi xấu xí?

Triển Mộng Bạch lắc đầu :

- Cô nương không xấu xí đâu!

Tần Nhi lại hỏi :

- Hay là con người của Tần Nhi không sạch lắm? Tuy xuất thân từ cái giới không sạch.

Tần Nhi vẫn giữ mình sạch như bất kỳ gái nhà lành nào!

Buông dứt câu nói, nàng ửng đỏ mặt liền.

Triển Mộng Bạch thừ người một lúc, đoạn chỉnh sắc mặt, thốt :

- Đã giữ mình được sạch đến ngày nay thì cô nương nên giữ sạch luôn, cô nương nên trở về, để được tiếp tục sạch như lúc nào, dành cái sạch đó, ngày sau trao tặng ý trung nhân, tạo hạnh phúc gia đình trên một căn bản sạch. Tại hạ tưởng cô nương vẫn ao ước một tổ ấm chứ, và một cái tổ, nếu muốn ấm, tất phải kiến tạo trên một căn bản sạch.

Chàng đinh ninh là Tần Nhi không còn viện dẫn lý do gì mà chẳng nghe lời khuyên của chàng.

Và nàng sẽ thu xếp mà trở lại thành Đồng Đức.

Ngờ đâu, chàng vừa dứt tiếng, là nàng lại khóc rống lên, ai nghe nàng khóc cũng phải thương tâm ngay.

Nàng vùi mặt trong chăn, cho tiếng khóc bớt vang to, nàng tức tưởi :

- Không! Không! Dù chết, tôi cũng không trở về, tướng công ơi!

Triển Mộng Bạch giật mình.

Thế là nàng muốn ăn vạ chàng sao?

Nhưng chàng đâu có chịu thua cuộc như vậy được? Nhếch nụ cười khổ, chàng buông gọn :

- Cô nương không trở về, thì tại hạ xin rời xe!

Tần Nhi bật ngồi dậy, trừng mắt nhìn chàng, mắt chưa ráo lệ, nàng cất cao giọng :

- Tướng công bỏ xe, tôi tự tự liền...

Triển Mộng Bạch vừa kinh dị, vừa bực dọc, cũng cao giọng đáp lại :

- Tại hạ với cô nương là hai người hoàn toàn xa lạ, tại sao cô nương quyết đi theo tại hạ chứ?

Tần Nhi đáp :

- Phú đại gia xuất tiền mua tôi, cho tôi theo hầu tướng công, tôi chỉ biết tôi là một kẻ bán mình, tôi có bổn phận phục thị tướng công, nếu tướng công không dùng, là tôi chỉ còn có cách chét đi là xong.

Triển Mộng Bạch lắc đầu :

- Cô nương cho rằng vì bán mình mà bị ràng buộc thì tại hạ xin giải tỏa sự ràng buộc đó, từ nay cô nương được tự do, như vậy là một sự tốt cho cô nương chứ! Tại hạ xin mừng cô nương gặp sự tốt! Tại hạ xin uống một chén để mừng sự tự do đã về với cô nương!

Nhưng, Tần Nhi vẫn không nghe lời chàng, cứ khóc, khóc to rồi khóc rấm rức, vừa khóc vừa kể :

- Tự do mà làm gì tướng công? Tôi còn mặt mũi nào nhìn lại người đời nữa? Có ai tin được tôi còn trong sạch chăng tướng công?

Triển Mộng Bạch cười nhẹ :

- Thoạt đầu người ta không tin, dần dần người ta sẽ tin, khi người ta tin rồi là người ta mến phục cô nương hơn bởi cô nương dù lâm cảnh cùng mà vẫn gìn trong giữ sạch được.

Tại hạ nghĩ cô nương có thể cao mặt nhìn đời chứ sao lại cho rằng mất mặt?

Tần Nhi lắc đầu :

- Tướng công lầm!

Triển Mộng Bạch cãi :

- Chỉ sợ cô nương lầm đấy thôi!

Tần Nhi khóc :

- Nếu người ta biết là tướng công ruồng bỏ tôi, đuổi tôi, thì cái sự mỉa mai của người đời tôi làm sao chịu nổi, tướng công? Tôi chỉ còn có cách là ngay bây giờ chết trước mặt tướng công thôi!

Triển Mộng Bạch giật mình :

- Tại đây thì cô nương chết thế nào được?

Còn khóc đó, Tần Nhi lại nở nụ cười :

- Tần Nhi không cho tôi chết thì tôi xin sống thêm vài ngày nữa, tại đây trong cỗ xe này cho đến khi nào tướng công cho tôi chết, tôi sẽ chết.

Thốt xong nàng cầm chén trà chàng vừa uống cạn quay mình đi, rót đầy một chén khác.

Triển Mộng Bạch muốn khóc lắm, song cái khóc của chàng không tạo ra được nước mắt, cho nên gương mặt của chàng héo dàu dàu.

Chàng than thầm :

- Nếu ta biết được sẽ có cái cảnh như thế này thì thà tại huyện thành Đồng Đức ta nhịn đói mà đi, đâu có vào quán làm chi cho gặp phải bọn Phú Trọng Bình? Đổi một bữa ăn với cái khổ dài dài suốt hành trình từ đây đến Kim Sơn, ta hoàn toàn vụng tính!

Đối phó với hằng chục hàng trăm cao thủ, sa vào cạm bẫy của đối phương chàng không ngán, chàng vẫn còn biện pháp ứng biến.

Nhưng, trong trường hợp này, chàng phải nhận mình là kẻ chiến bại.

Lâu lắm, chàng buột miệng thở dài :

- Cô nương không chịu trở về, thì lại đành đưa cô nương đến Trấn Giang.

Tần Nhi gật đầu :

- Tùy tướng công!

Triển Mộng Bạch tiếp :

- Nhưng, đến Trấn Giang rồi, cô nương xuống xe cho nhé!

Tần Nhi lại gật đầu :

- Tùy tướng công!

Triển Mộng Bạch trầm giọng :

- Nghe cho kỹ những gì tại hạ nói chứ cô nương, cái gì cũng tùy tùy cả, cô nương có hiểu rõ tại hạ nói chi chăng mà cứ buột miệng thốt tùy?

Tần Nhi mỉm cười :

- Hiện giờ, tướng công bằng lòng cho tôi ở lại đây thì cái gì trong tương lai tôi cũng sẽ để cho tướng công tùy tiện định liệu.

Triển Mộng Bạch không còn nói gì được hơn nữa, thở dài mãi.

Bỗng chàng nghe lão đánh xe cười khúc khích, đúng! Lão nghe lóng rồi cười lén, nhưng lại cười hơi lớn một chút.

Triển Mộng Bạch nổi giận, nhưng giận thì cố mà chịu chứ nói gì được ai?

Chỉ tại chàng cứ tưởng lão ta nghễnh ngang tai, ngờ đâu dù lão đã già vẫn thính như tai trẻ.

Rời huyện thành Đồng Đức ngựa cứ kéo xe cứ lăn bánh, chạy mãi không ngừng.

Vật thực trên xe thừa dùng, lão đánh xe không cần phải dừng xe lại ở mỗi chặng đường, chỉ khi nào một vài món chi đó hết rồi thì lão đánh xe mới dừng lại ở thị trấn, lão mua sắm rất nhanh, xong rồi lại tiếp tục hành trình.

Triển Mộng Bạch không cần xuống xe cũng có đủ đồ dùng như thường.

Nhưng, chàng có cần gì đến sự đầy đủ đó đâu? Chàng chỉ muốn xe dừng lại ở một chỗ nào đó lâu lâu cho chàng giải quyết trường hợp của Tần Nhi.

Chàng muốn vậy mà lão đánh xe lại không dừng, làm chàng thêm bực.

Trong khi đó, Tần Nhi hết sức chiều chuộng, săn sóc chàng hầu hạ cực kỳ chu đáo.

Tuy cái tâm chưa loạn trước sự nhu thuận của một thiếu nữ diễm kiều, Triển Mộng Bạch dần dần cũng nguôi ngoai tức bực, và chừng như chàng không còn cương quyết đuổi nàng xuống xe nữa.

Dùng thời gian trong xe, ngồi thì luyện công, nằm thì đọc sách, có khi lắng nghe Tần Nhi dạo một khúc đàn, có lúc cũng gây vài ván cờ với nàng.

Thỉnh thoảng chàng cũng bắt chuyện với lão già đánh xe.

Qua những lần gợi chuyện đó chàng phát giác lão ta cũng là một tay uyên bác mà Tần Nhi cũng đáng mặt thiên tài.

Cuộc hành trình dần dần mang lại cho chàng sự ấm dịu, trong cái ấm dịu đó, niềm thích thú từ từ phát sanh.

Chàng không còn thấy cảnh ngồi xe là một cực hình nữa, và sự hiện diện của Tần Nhi không còn làm cho chàng xốn mắt như trước.

Rồi xe đến Trấn Giang.

Triển Mộng Bạch cảm thấy tinh thần phấn khởi.

Tinh thần chàng lên, nhưng tinh thần của Tần Nhi lại xuống. Nàng cúi đầu, thấp giọng hỏi :

- Đến rồi chưa tướng công?

Triển Mộng Bạch mỉm cười, gật đầu!

Chung quy, chàng không chấp nhận sự đồng hành của Tần Nhi suốt con đường dài?

Nụ cười của chàng là một sỉ vả đối với Tần Nhi, và cái gật đầu của chàng là một nhát kiếm chạm tim nàng.

Nàng thấp giọng hơn, giọng của nàng run run :

- Tướng công nhất định bỏ tôi tại Trấn Giang?

Triển Mộng Bạch sững sờ :

- Tại hạ đã nói với cô nương rồi? Và cô nương cũng chấp nhận rồi? Cô nương cho biết là tùy tiện tại hạ định liệu kia mà!

Tần Nhi gật đầu, cúi mặt, tiếp :

- Vậy thì Tần Nhi xin cáo biệt tướng công!

Nàng đưa tay qua mắt, gạt rơi những hạt lệ vừa cài lên đoạn hỏi :

- Tần Nhi có thể mang hết y phục theo mình?

Triển Mộng Bạch gật đầu :

- Luôn cả số tiền trong hộc tủ kia.

Tần Nhi nói gì nữa, lâu xong ngấn lệ, từ từ thu thập hành trang.

Đi, trước sau gì cũng phải đi, thà đi sớm còn hơn, càng luyến lưu phút giây nào, càng chua xót.

Bỗng, lão nhân đánh xe quay đầu lại, cất giọng oang oang :

- Tần Nhi cô nương, có nghe nói đó không? Tuy Triển công tử là một bậc hiệp khách đại anh hùng, song người không lo liệu nổi cho mỗi một mình cô nương đó! Sức đại hiệp khách, đại anh hùng đâu đảm đương nổi việc chở che một nữ nhân, cô nương! Hãy thu thập hành trang gấp, để kịp ly khai đừng gây việc khó cho đại hiệp khách, đại anh hùng.

Lão ít nói, nhưng nói ra rồi, là nói như thác đổ, nói bất chấp chạm vào ai, như thác đổ bất chấp những mô đá dọc theo triền...

Triển Mộng Bạch không nghe luôn.

Nghe làm chi những lời châm chích bén nhọn đó? Người ta khích tướng mà!

Có một sự sắp xếp gì chắc, phát xuất từ Phú Trọng Bình, và lão nhân đánh xe với Tần Nhi cứ tuần tự theo thứ lớp mà thực hành.

Cả con ngựa kéo xe cũng đồng lõa luôn là cái chắc, bằng cớ là chúng chẳng biết mệt, chẳng dừng lại, khi chàng muốn cho nó dừng.

Lão nhân nói, Triển Mộng Bạch vờ điếc, Tần Nhi thì khóc lên ồ ồ.

Lão nhân buông luôn :

- Tần Nhi cô nương khóc à? Khóc làm gì, cô nương? Trên đời này, nào phải chỉ một cô nương linh đinh cơ khổ, nếu bảo Triển công tử chiếu liệu cho tất cả, thì công tử làm sao kham? Cái số của mình đã thế, cố mà chịu đựng đi, cô nương!

Tần Nhi thốt qua nức nở :

- Tần Nhi đâu có khóc đâu lão trượng!

Nàng chỉ nức nở thôi, nàng chỉ đổ lệ thôi, chứ nàng không khóc.

Cuối cùng nàng cũng làm xong một bao nhỏ.

Rồi nàng thốt :

- Tướng công! Tôi đi đây!

Triển Mộng Bạch thoáng nhìn qua, buông gọn :

- Tương lai bảo trọng, Tần cô nương!

Tần Nhi khẽ gật đầu. Nàng từ từ đứng lên, từ từ lau lệ.

Nàng tiếp luôn :

- Tần Nhi có thể tìm ra phương tiện sinh nhai, Tần Nhi khỏi phải bận tâm lo xa.

Triển Mộng Bạch từ trước, quay lưng về phía nàng, bất quá chàng có quay mặt một vài lần, buông một vài tiếng với nàng, kể cả lần cuối cùng vừa rồi, khi nàng nói lời chào biệt.

Bỗng nhiên, chàng hét :

- Khoan đi!

Đồng thời, chàng xoay mình đối diện với nàng.

Tần Nhi run giọng :

- Tướng công...

Triển Mộng Bạch đằng hắng một tiếng :

- Nếu cô nương kham khổ thì cứ đến nhà của tại hạ, tại hạ còn tại quê nhà mấy mẫu vườn hoang, nếu chịu khó săn sóc cũng có thể thu huê lợi, hưởng dụng thừa thãi...

Chàng chưa dứt câu, Tần Nhi quăng chiếc bao, nhào tới cạnh chàng, đôi vai rung rung.

Chẳng biết nàng cười hay nàng khóc.

Triển Mộng Bạch cũng xúc cảm theo niềm xúc cảm của Tần Nhi nhưng cái chạm của Tần Nhi gây thêm cho chàng một cảm giác khác, và chính cảm giác đó nhuộm đỏ mặt chàng.

Có cái gì làm ngứa ngáy nơi yết hầu chàng muốn nói lên mấy tiếng, song nghĩ mãi mà chẳng tìm được một ngôn từ thích đáng.

Lão già đánh xe cười lớn :

- Biết mà! Lão phu biết rõ Triển công tử giàu lòng, con tim của công tử có là bằng sắt bằng đá đâu? Chẳng khi nào công tử bỏ rơi một thiếu nữ đơn côi giữa giòng đời đầy cạm bẫy này!

Lão cũng xúc cảm luôn như hai người kia, lão cười đắc ý, song tiếng cười của lão ươn ướt, chứng tỏ trong con người cằn cỗi đó, nguồn lệ chưa hẳn đã cạn khô.

Triển Mộng Bạch cười lớn :

- Lão trượng đừng đắc ý, vãn bối sẽ phạt lão trượng bằng cách đưa nàng tới tận Hàng Châu!

Lão nhân đánh xe cười hì hì :

- Lão phu già rồi, sức lực kém, tưởng chẳng nên theo đuổi cái nghề giục ngực lướt dặm dài mãi như thế này nữa. Đưa Tần Nhi đến Hàng Châu rồi, chắc là lão phu cũng sẽ ở đó luôn với nàng nương náu trong già đình công tử, nhờ hạt cơm thừa hưởng cái nhàn trong chuỗi ngày còn lại.

Dĩ nhiên, Triển Mộng Bạch chấp nhận ngay!

Lão đánh xe nói là nương náu trong gia đình chàng, câu nói đó gây xót xa cho chàng biết bao?

Gia đình chàng còn những ai? Chàng là con duy nhất, cha bị Tình Nhân tiễn hạ sát, mẹ thì chết thảm dọc đường! Còn ai nữa đâu mà gọi là gia đình?

Bất quá, một ngôi nhà cỏ, một khu vườn hoa, mấy mẫu vườn hoang gần đó, xa xa thì một thửa ruộng bình thường...

Muốn có gia đình, chàng phải bắt đầu tự tạo và trong những ngày sắp đến, bản thân chàng sẽ còn nguyên vẹn hay cũng bị luật giang hồ đào thải như bao nhiêu con nhà võ mang lấy nghiệp hiệp nghĩa vào mình?

Triển Mộng Bạch thở dài :

- Cô nương và lão trượng cứ đi, tại hạ xuống xe tại đây tìm thuyền đến Kim Sơn.

Tần Nhi lấy thanh cổ kiếm của chàng lau sạch, rồi tra vào chiếc vỏ da cá mà Phú Trọng Bình đã chuẩn bị cho chàng lúc còn tại Đồng Đức. Chiếc vỏ rất đẹp, điểm xuyết bởi tơ vàng, bởi ngọc nạm làm cho thanh kiếm nhờ cái vỏ mà cao quý hơn...

Triển Mộng Bạch đeo kiếm vào hông, đưa tay vỗ nhẹ lên mái tóc Tần Nhi, cất giọng buồn buồn :

- Tại hạ ra đi lần này, chỉ sợ...

Chàng vụt vén bức màn xe, nhảy xuống đường bỏ dở câu nói.

Tần Nhi gọi với theo :

- Tướng công tiền đồ bảo trọng!

Triển Mộng Bạch phải chạy đi xa xa, mới dám quay đầu nhìn lại.

Cỗ xe còn tại chỗ, Tần Nhi ở bên vọng cửa hông nhìn theo chàng. Tuy cách xa xa, Triển Mộng Bạch mường tượng thấy đôi mắt nàng long lanh sáng biệt ly.

Triển Mộng Bạch không dám nhìn lâu, quay nhanh mình, chạy nhanh, vừa chạy đi, vừa suy nghĩ :

- Một món nơ không vay, ta phải trả! Ta sẽ trả bằng cách nào đây? Thì ra món nợ của anh hùng! Gieo ngưỡng mộ nơi lòng người là vay nợ của người, mà nợ giai nhân là thứ nợ khó trả.

Kim Sơn, Kim Sơn tự cũng còn.

Khói bốc nghi ngút tại Đại Hùng bửu điện, chứng tỏ ngôi chùa còn được khách thập phương lại vang nhộn nhịp như thưở nào.

Hiện tại, tại Đại Hùng bửu điện vì tân phương trượng là Thiết Cô đại sư đang chấp tay đứng nghiêm trang trong vùng khói hương tỏa ngập không gian.

Bên cạnh còn có Thần Cơ đại sư, chỏi gậy quế, chừng như sắp sửa viễn hành.

Ngoài ra, còn có một tiểu sa di, đứng trực gần đó, sa di hai tay nâng một chiếc mâm, trên mâm có một chiếc bao bằng bố, màu vàng.

Ba tiếng chuông ngân dài. Tiếng chuông vừa dứt, tướng công đại sư khấn :

- Cầu xin đức Phật từ bi, trợ giúp đệ tử tìm lại được báu vật của bổn tự.

Đoạn, Thiết Cốt quay mình, lấy chiếc bao bố vàng trên mâm, trao qua cho Thần Cơ, rồi tiếp :

- Sư đệ, tiền đồ bảo trọng!

Thần Cơ tiếp lấy chiếc bao, chỉnh nghiêm sắc mặt, song chẳng nói gì.

Bỗng, một tiểu sa di chạy vào, báo cáo :

- Bạch sư phụ và sư thúc, có một vị thanh niên xin vài bái kiến, y đứng bên ngoài cổng chùa chờ lệnh.

Thiết Cốt đại sư trầm gương mặt :

- Bần tăng từng phân phó, ngày nay Kim Sơn tự không tiếp khách. Ngươi không giải thích cho vị thí chủ đó hiểu sao?

Sa di cúi đầu :

- Đệ tử có nói, song vị thanh niên đó...

Sa di khỏi cần dứt câu, bởi người đó đã vào đến nơi.

Thiết Cốt đại sư, Thần Cơ đại sư cùng giật mình.

Cả hai nhìn ra, cả hai cùng kêu lên :

- Triển tướng công!

Triển Mộng Bạch đã đến đây rồi.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio