Yêu Cậu Học Sinh Cá Biệt

chương 52

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Về vấn đề nhập ngũ của Phong, Bảo An quả đã nghĩ thông thật rồi. Nhìn theo một chiều hướng đi lên, An hy vọng môi trường quân đội với những kỷ cương, nề nếp sẽ giúp cho cậu học trò ngổ ngáo Hoài Phong có dịp được rèn luyện để trưởng thành hơn. Vả lại, vốn dĩ từ xưa tới nay, An luôn ngưỡng mộ và biết ơn các cô, các chú bộ đội lắm nhé. Bởi dù là trong thời chiến hay giữa lúc hòa bình, thì họ vẫn luôn sẵn sàng hy sinh thân mình cho Tổ quốc nhân dân. Cứ nghĩ đến việc Phong ngày đêm chịu khổ luyện tập để bảo vệ mình, An lại thấy hạnh phúc ngập tràn trong tim. Còn nữa, so với mấy bộ đồ “limited” đắt tiền mà các cậu ấm vẫn thường hay “săn lùng” cho kỳ được, Bảo An lại thấy những bộ quân phục kia mới thật đẹp và đáng quý hơn vô cùng. Chống tay mơ màng, con bé cho rằng Phong mặc vào sẽ oách lắm đây. Sở dĩ dù tư tưởng có thoải mái hay không, An vẫn luôn giữ vững quyết tâm chờ Phong đi lính trở về. Giờ tâm trạng tốt thế này, An thấy chẳng còn lý do gì để con bé không nhắn tin nhận lời bám dính với Phong trong những ngày còn lại cả.

Bấy giờ là hơn mười hai giờ đêm, tắm táp xong xuôi cho sạch cát biển, Hoài Phong quả chỉ muốn thả thân mình rơi tự do xuống giường và ngủ tít đến tận trưa hôm sau thôi. Ấy vậy mà vừa mới nhận được tin nhắn kia của An, cơn buồn ngủ bao quanh Phong nãy giờ bỗng dưng lại tiêu tan hết sạch. Hai mắt sáng bừng tỉnh táo, Hoài Phong nhanh nhanh chóng chóng nằm bò ra nền cùng đống giấy bút đang bày la liệt để lên kế hoạch cho những ngày dài đi chơi sắp tới. Vì sợ bản thân trở nên tẻ nhạt trong mắt An nên Phong chẳng nhất định sẽ chẳng dẫn An tới mấy quán ăn vặt thân quen và ngồi lì ở đó ngắm nhau suốt buổi đâu. Cậu thực không muốn câu chuyện tình của mình phải gắn liền với đống đồ ăn thức uống chút nào. Lật tung cẩm nang dạo phố Hà Nội được Trí biên soạn và đưa cho mấy ngày trước, Hoài Phong vừa chuyên tâm đọc, vừa miệt mài ghi chép, khuôn miệng khẽ lẩm nhẩm:

“Nhất định, phải kín lịch cả ngày mới được.”

Quyết tâm là thế nhưng đến cuối cùng thì Phong lại chọn cách dạy An đứng bếp mỗi buổi để lấp kín những ô kế hoạch của “chiến dịch bám dính” hay ho kia. Xét cho cùng, thì Phong nào có xe riêng để đón đưa An khắp chốn đâu cơ chứ. Mà phải ngồi lên chiếc đạp điện điệu đà của An, Phong cũng chẳng hề mong muốn. Ở nhà tập nấu tập ăn thế này, vừa đỡ tốn kém chi phí đi lại xa xôi, mà vẫn giữ nguyên được tiêu chí bên nhau bận rộn cả ngày ban đầu đặt ra. Vả lại, Hoài Phong cũng muốn thông qua đó, có thể giúp Bảo An hoàn thiện con người mình hơn nữa đó mà. Nhìn An nhỏ người thế thôi nhưng cái dạ dày của con bé lại mau đói lắm nhé. Giờ cậu còn đang ở nhà thì không sao, vì hễ khi An muốn là Phong vẫn có thể lao ngay vào bếp và làm cho An ăn những món con bé thèm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa là Phong đi rồi, đến lúc đó An chắc chỉ còn biết la cà hàng quán để thỏa mãn cơn đói của mình mà thôi. Và Phong thì chẳng thích thế vì cậu cho rằng đồ ăn bên ngoài đâu có hợp vệ sinh và đảm bảo an toàn. Chi bằng, nhân cái dịp cả hai còn đang rảnh rỗi nguyên ngày thế này, Phong giúp An biết cách “tự lăn vào bếp” mỗi khi thèm ăn luôn cho rồi.

Cá nhân Phong thì ưng cái lịch trình này lắm, có điều cậu lại không dám chắc cô gái lười biếng Bảo An sẽ chịu ngoan ngoãn ở yên trong bếp cho mình giảng dạy. Chẳng thế mà vừa nhận được tin nhắn nhận lời của An xong, Phong bèn phấn khích đến độ reo hò inh oi trong phòng, mặc kệ luôn cả những giấc ngủ của mọi người xung quanh ngay giữa lúc đêm khuya thanh tĩnh thế này. Và rồi bất chợt, có ý nghĩ kia xoẹt ngang não bộ, khiến cho Hoài Phong đang sung sướng cực độ bỗng dưng lại lặng người tần ngần ngẫm ngợi một hồi lâu lâu. Này nhé, tuy rằng An rất được lòng mọi người trong gia đình, cơ mà dẫu sao thân là con gái lại suốt ngày đến nhà bạn trai cũng thật không hay chút nào. Để giữ được hình ảnh đẹp đẽ của An trong mắt bà nội và mẹ cha, Phong nghĩ mình vẫn nên nhờ đến sự giúp đỡ của cô em gái Hoài An thì hơn. Cậu sẽ thuyết phục em nhờ An dạy kèm tiếng Anh giao tiếp mỗi ngày để con bé có cớ tới đây cho mình dạy dỗ uốn nắn. Dù gì thì giờ đây, Minh cũng thôi việc rồi mà, kiếm đủ tiền mua máy cái là chàng ta xin nghỉ ngay lập tức. Tuy ghét tiếng Anh lắm đấy nhưng vì cực yêu quý người chị cùng tên nên vừa nghe Phong ngỏ ý nhờ vả, Hoài An liền nhận lời anh ngay. Được sự đồng ý của cả bà nội lẫn bố mẹ Phong, kể từ đó, cứ cách một ngày, Bảo An lại đến nhà cậu để giúp cô em gái cùng cải thiện khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Công việc này với Bảo An thực chẳng có gì khó khăn cả, con bé chỉ cần gợi chuyện bằng tiếng Anh và giúp cô em gái truyền đạt tất cả những suy nghĩ trong đầu cũng bằng ngôn ngữ đó là xong ấy mà. Đến sát giờ cơm nước buổi trưa, Bảo An sẽ được hẳn cậu cháu trai đích tôn của nhà họ Lê hướng dẫn cách cầm dao cầm đũa nấu ăn coi như là tiền công cho một buổi dạy thêm của mình đó mà. Và nhờ tiếp xúc nhiều như thế nên mọi người trong nhà lại càng được đà yêu quý Bảo An hơn khi nhận ra rằng con bé chẳng những ngoan ngoãn lễ phép mà còn cực kỳ có khiếu gây hài và kể chuyện nữa cơ. Ngay đến cả người lầm lì như bố Hoài Phong, đôi khi cũng phải phì cười vì mấy mẩu chuyện con con An vẫn kể hằng ngày đó thôi. Gia đình Phong toàn người kiệm lời hết cả, nay có An với cái miệng hoạt ngôn đến chơi, nhà cửa cũng vì thế mà rộn ràng lên trông thấy. Bà nội thích lắm, còn phong cho An chức danh “Qủa cười” của bà nữa cơ. Bố Phong thì đùa răng “Ở nhà An, chắc chẳng cần Tivi đâu nhỉ?” Và cả mẹ Phong nữa, cô vẫn thường động viên An mỗi khi con bé thực hành thất bại một món gì đó rằng “Về làm dâu nhà cô rồi cô từ từ dạy cho.”

Tuy Bảo An có hơi vụng về trong việc bếp núc một chút nhưng mọi người lớn nhỏ trong gia đình lại chẳng ai cảm thấy phật ý một tẹo nào đâu. Và dẫu cho An đoảng đến độ mỗi lần đứng bếp là một lần làm sứt bát mẻ chén nhưng bà nội thì vẫn luôn muốn giữ con bé ở lại chơi cả ngày với bà. Âu cũng bởi, An chính là sợi dây giúp gắn kết mọi thành viên trong gia đình gần nhau hơn đó mà. Nhờ có sự xuất hiện của An nên từ sáng sớm đến đêm khuya, lúc nào Phong cũng có mặt ở nhà, chẳng giống như những ngày xưa kia, có khi nguyên một ngày không trông thấy mặt cậu đâu cả.

Chỉ có Phong – người ngày ngày trực tiếp dạy dỗ An những công việc nữ công gia chánh kia là thấy bất lực đến vô cùng cực thôi. Đã không có tí ti kiến thức cũng như chút ít gì kinh nghiệm về việc nấu nướng rồi thì chớ, đến cả thái độ học hành của An cũng chẳng nghiêm túc tẹo nào cơ. Điều khiến con bé cảm thấy hứng thú nhất trong gian bếp này chính là được cầm máy lên và chụp tanh tách những hình ảnh của Phong trong lúc đang cầm giao cầm thớt mà thôi. Chẳng trách, mặc dù Phong đã chỉ dẫn hết sức tận tình và cặn kẽ mấy bước cuốn bánh đa nem đơn giản nhưng đến khi Bảo An hoàn thành xong nhiệm vụ được giao phó thì thành quả tạo ra lại là một mâm nem với những đường nét vuông vắn khác thường. Cái thì quá nhiều nhân đến rách cả vỏ, cái lại toàn vỏ xẹp lép thiếu nhân. Đã vậy, ở những đợt gói cuối cùng, An còn chẳng thèm cuộn hai đầu bánh vào nữa chứ. Con bé bảo:

“Ôi dào, làm thế làm gì cho mất công ra. Chốc nữa cho vào chảo dầu rán, thể nào nó cũng tự khắc dính lại cho xem. Nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm thời gian vô cùng.”

Phong nghe xong, thật chỉ biết nhăn mặt dở khóc dở cười nhìn An mà thôi. Cậu chẳng hiểu nổi, rốt cuộc là vì con bé quá lười hay do thông minh hơn người nên mới nghĩ ra cái trò này nữa. Thấy Phong cứ im mãi chẳng nói năng gì, Bảo An cho rằng cậu không tin lời mình, liền hăm hở bắc chảo lên bếp và chứng minh cho Phong thấy. Nhìn vào mấy cái nem đang tự co hai đầu lại như những gì mình nói, Bảo An khoái chí reo lên:“Đấy, thấy chưa?”

Thực lòng mà nói, Hoài Phong chẳng thấy ưng bụng với cái ý tưởng này của An chút nào đâu. Vì với cậu, con gái như thế là đoảng lắm đấy. Có điều Phong cũng sợ chê bai quát mắng nhiều sẽ khiến An nản lòng rồi giận dỗi bỏ về thì bao nhiêu công sức xin làm lành Phong cố gắng lúc trước xem như đổ sông đổ bể hết cả. Quyết đóng vai hiền lành dễ tính một hôm, Phong mới xoa xoa đầu An cưng nựng và cao giọng khen ngợi:

“Tốt, có sáng tạo.”

Phong cứ ngỡ câu nói kia của mình sẽ thành liều thuốc động viên khích lệ An chăm chỉ hơn nữa. Nào ngờ, khi đến tai An thì tác dụng của nó lại vượt quá những gì mà cậu mong đợi. Vì muốn được Phong tán dương nhiều nhiều hơn nữa, Bảo An mới lại nghĩ ra được một món mới hay ho thế này. Lon ton chạy tới và bê nồi nước đặt lên bếp đun sôi, An hí hửng trình bày với Phong ý tưởng mình mới nghĩ:

“Hay mình rán một nửa thôi, chỗ còn lại mình cho vào luộc đi.”

Đưa tay lên ngoáy hai bên tai cho thật sạch sẽ, Hoài Phong mới mở lời hỏi lại và sẵn sàng nghe rõ câu trả lời từ An:

“Hả? Nem luộc á?”

Khẳng định bằng một cái gật đầu chắc nịch, An bảo:

“Ừ, nửa luộc nửa rán, ăn cho đỡ ngán Phong ạ.”

Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Phong thề có Trời Đất chứng minh rằng đây là lần đầu tiên cậu nghe đến cái tên “Nem luộc“. Và Phong cũng tin chắc, cậu chính là người duy nhất được biết tới món đó luôn. Nghe thì có vẻ vinh dự nhưng thực sự mà nói thì Phong chẳng thích cái diễm phúc đấy một chút nào đâu. Cậu đang cố gắng hít sâu thở đều để kiềm chế được sóng giận đang cuộn trào dâng lên trong con người mình đây. Đến mức này thì Phong chẳng cho rằng An thông minh hay sáng tạo gì hết, cậu biết tỏng là con bé ngại bị dầu bắn với ám mùi vào người đó thôi. Sợ rằng tranh luận nhiều sẽ chỉ sinh cãi vã nên Phong mới gắng “mặc áo Bụt hiền lành” và nhẹ giọng phân cho An một công việc khác:

“Thích ăn đồ luộc à?”

Bảo An típ mắt gật đầu, Hoài Phong thấy vậy nói tiếp:

“Rồi, thế ra kia luộc đậu và rau đi. Chỗ nem này để đấy tao rán hết. Trong nhà, chẳng ai thích ăn nem luộc đâu.”

Thầy bảo thì trò xin nghe, Phong đã giao việc, An nào dám phàn nàn xin đổi. Huống hồ trước khi đến đây, con bé đã tự dặn lòng mình phải thật ngoan ngoãn và biết vâng lời để có thể chiếm trọn được tình cảm của Phong cũng như những thành viên trong gia đình cậu mà. Giơ tay lên trán theo kiểu Quân đội, Bảo An hào hứng đón nhận nhiệm vụ ngay tức thì:

“Tuân lệnh!”

Hăm hở là thế và cũng đã nghe Phong hướng dẫn tẩn mẩn lắm rồi, ấy vậy mà đến khi bắt tay vào làm, cô nàng vụng về Bảo An vẫn không sao tránh khỏi những lỗi to lỗi nhỏ. Nước sôi, An thả đậu vào. Bấm điện thoại đến đúng năm phút như lời Phong dặn, con bé bắt đầu cầm đũa vớt đậu ra. Cơ mà miếng đậu phụ kia thật quá mong manh dễ vỡ đi thôi, An đã nhẹ tay lắm rồi nhưng chúng nó vẫn đứt đôi làm hai mảnh mới thật đáng buồn. Và rồi cứ sau một lần cố gắng gắp vớt như thế, mấy miếng đậu của An lại càng trở nên lụn vụn hơn nữa.Bảo An vốn định nhờ Phong ra tay giúp đỡ trước khi nồi đầu luộc kia biến thành nát bét cơ nhưng do lo sợ làm phiền tới cậu nên An quyết tự thân mình cứu chữa. Nhớ mấy hôm trước thực hành món trứng rán, Hoài Phong có bảo “Nếu không cuộn được vào thì cứ đảo lung tung vụn vặt cũng chẳng sao đâu” nên bây giờ vì không vớt được nguyên miếng đậu ra đĩa, An liền muốn biến hóa nó đôi chút.

“Làm tào phớ ăn cho mát ruột vậy.” Vừa tự lẩm bẩm một mình, Bảo An vừa hăng say ngoáy ngoáy nồi đậu vốn đã vỡ thành mấy mảnh không nguyên hình. Cơ mà An vừa mới đảo được mấy đũa thì Hoài Phong đứng bên cạnh đã vội vàng ngăn chặn lại rồi. Bằng chất giọng the thé khác thường, cậu hét lên:

“Cái quái gì đây hả An?”

Đáp lại cái nhìn và câu hỏi đầy sửng sốt của Phong, Bảo An lại tỏ ra khá bình thản và tận tình giải thích quá trình biến đậu luộc thành “tào phớ” của mình vừa xong. Khỏi phải nói, Phong nghe ra câu chuyện nghiễm nhiên thấy hối hận biết bao khi đã không giám sát và kèm cặp An tới nơi tới chốn. Sau một hồi cố nhìn ra điểm tốt để khen trong nồi đậu của An, cuối cùng Hoài Phong mới bảo:

“Thôi không sao, càng đỡ phải xắt.”

Vừa gắp đậu ra đĩa, Phong vừa hỏi lại An:

“Có luộc được rau không đấy?”

“Được chứ. Ở nhà tớ vẫn hay phụ cô Tuyết mấy việc đơn giản đó mà.”

Từ dạo An đến học việc cho tới tận bữa ăn sắp tới đây, gian bếp cũng như mâm cơm nhà Phong quả đã xuất hiện rất nhiều biến đổi. Chính thế nên bây giờ, cậu buộc phải huy động toàn bộ niềm tin còn sót lại trong mình để đặt vào tài nghệ nấu nướng của An và nói:

“Vậy làm đi.”

Chỉ tiếc rằng, An lại ngúng nguẩy lắc đầu từ chối. Ra cái vẻ am hiểu nghệ thuật ăn uống, An mới gõ gõ đũa vào rổ rau và bảo:

“Món luộc, món rán có rồi, tớ nghĩ giờ nên ăn rau sống cho nó đủ vị Phong ạ.”

Phong chẳng rõ do vẫn muốn được ngợi ca đầu óc sáng tạo hay bởi bản tính cả thèm chóng chán đã khiến An ngán ngẩm công việc đứng bếp nóng nực mồ hôi này nữa. Cậu chỉ biết chắc rằng rổ rau kia sớm muộn gì cũng đến tay cậu giải quyết mà thôi. Nén giận, Phong quay qua và cố gắng bình tĩnh giải thích cho An:

“Trong nhà không ai muốn ăn bắp cải sống đâu. 'Món sống' đã có xà lách và rau thơm rồi.”

Cố đặt hy vọng vào An thêm lần nữa, Phong tiếp tục nhờ vả con bé đi pha nước chấm hộ mình. Lần này Phong có cẩn thẩn hơn đôi chút. Chẳng những chỉ dẫn bằng lời cho An nghe một lần, Hoài Phong thậm chí còn ghi ra giấy để con bé nhìn vào đó mà làm theo cơ. May sao, lần này An đã hoàn thành nhiệm vụ được giao đầy mỹ mãn. Nhấp môi nếm thử bát nước chấm An pha, Hoài Phong mới thở phào nhẹ nhõm:

“Vẫn còn vớt vát được. Đoảng thế này, cũng chưa đến mức không thể cưới về.”

Thời gian trôi qua cái vèo, chẳng mấy chốc mà khóa học nấu ăn với “thầy” Phong của An cũng kết thúc vì lý do nhập học. Ngày đi nộp hồ sơ vào ngôi trường đại học hàng mơ ước đã lâu, Bảo An xin mẹ cho phép được tự đi một mình. Thấy con gái trưởng thành và muốn tự lập như vậy, cô Thục mừng lắm, bèn đồng ý ngay tức thì. Có điều cô nào hay biết, rằng Bảo An thôi không bám mẹ nữa là để chuyên sang dính lấy bạn Hoài Phong đó mà.An nói muốn đi sơm sớm một chút cho đỡ phải xếp hàng chờ lâu. Con bé hy vọng có thể hoàn tất thủ tục nhập học chỉ trong buổi sáng để sang chiều còn la cà phố xá cùng Phong nữa cơ. Chiều theo ý An, thành thử ra khi đồng hồ mới nhục nhịch nhúc nhích quá bảy giờ một tí ti thôi, Hoài Phong đã có mặt trước cổng nhà An rồi kìa. Tuy đã hứa sẽ cùng An dùng chung bữa sáng nhưng do biết rõ bản tính lề mề và hay muộn giờ của bạn nên Phong cũng kịp lót dạ trước cho mình một ổ bánh mì con con. Ấy thế nhưng nào có ăn thua gì đâu, đã hơn một tiếng đồng hồ trôi qua mà An vẫn chưa chịu ló mặt ra ngoài nhà. Gọi điện mãi mà An chẳng chịu nghe, Hoài Phong lấy làm sốt sắng lắm nhé. Dẫu có thấy hơi bực mình một chút nhưng Phong lại chẳng hề bỏ đi theo cái cách mà cậu vẫn hay làm với lũ bạn lúc trước. Cậu lo sợ có chuyện gì đó không hay xảy ra với An bé nhỏ khi mà mẹ con bé đã rời khỏi nhà đến nơi làm việc từ khi sáng sớm.

Bất chợt có ý nghĩ về đột quỵ hay té cầu thang ngất xỉu xoẹt ngang qua đầu Hoài Phong, thật khiến cậu chàng nóng gan nóng ruột đến độ chẳng thể đứng im tại chỗ nữa rồi. Và ngay chính lúc Phong đang định băng nhanh qua đường và vượt rào trèo vào nhà An thì con bé bỗng dưng mở toanh cánh cổng, cuống cuồng chạy ra. Khi đó đã là hơn tám rưỡi. Chẳng thể nán lại tới lúc An tiến về phía bên đây, Hoài Phong liền nhanh chân bước vội đến chỗ con bé. Nắm chặt đôi bả vai của cô gái đang loay hoay khóa cổng và xoay ngang xoay dọc, vặn vẹo kiểm tra, Hoài Phong lo lắng hỏi:

“Có đau ở đâu không? Không bị va đầu vào đâu chứ? Để tao gọi cho mẹ về đưa mày vào viện kiểm tra nhá.”

Xoe mắt tròn nhìn Phong, Bảo An tự thấy bản thân mình nhiều lỗi lắm nhé. Số là lúc nãy, trong khi luống cuống đánh răng rửa mặt và chuẩn bị đồ dùng, An đã cố “vắt óc” và bịa ra được không ít những lý do để lấp liếm cho sự chậm chạp này. Nào là bị phi đội gián đột nhập vào phòng tấn công khiến cho An hoảng loạn tới mức tưởng chừng như vỡ luôn cả quả tim nhỏ. Rồi thì chạy chốn, rồi thì đâm va vào những tường những vách khiến cho chân tay xướt xát, khó khăn đi lại. Vất vả lắm mới có thể trốn thoát được sự “truy sát” của đám chúng nó, thành thử ra Bảo An mới lỡ hẹn muộn giờ với Phong như vậy. Và An tin chắc rằng, Hoài Phong nghe xong kịch bản trên kia chắc chắn sẽ nguôi giận và chẳng mắng con bé lấy một câu nào đâu. Cơ mà bây giờ chứng kiến Hoài Phong lo lắng cho mình đến độ trắng bệch cả mặt thế kia thì bao nhiêu cái cớ nghĩ được vừa xong, An liền không tiếc công mà đá bay đi cả. Nhìn thẳng vào đôi mắt Phong, Bảo An khẽ khàng nói lời thú nhận:

“Tớ không sao đâu. Chỉ là... tớ ngủ quên thôi.”

Dám dũng cảm nói ra những lời này, An cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần chịu đòn nghe Phong nặng lời quát mắng luôn rồi. Có điều, trái ngược hoàn toàn với những gì An nghĩ, Hoài Phong nghe xong lại chẳng hé miệng nói lấy nửa câu nào cả. Thở hắt ra một hơi, Phong mới buông thõng đôi tay đang nắm chắt vai An và quay phắt lưng bỏ đi, trong đầu không ngừng lẩm nhẩm:

“Sắp xa nhau rồi, phải cố nhịn. Phải cố nhịn...”

Ngỡ rằng Phong đang bực thân lắm và sẽ không thèm đi nộp hồ sơ nhập học cùng mình nữa, Bảo An liền luống cuống chạy theo lẽo đẽo bên lưng cậu chàng và ra sức xin xỏ:“Ối Phong ơi, đừng bỏ đi mà Phong. Tớ biết cậu đang giận tớ lắm nhưng mong cậu nhìn vào lời thú tội thành thật của tớ vừa xong mà động lòng bỏ qua đi mà. Đưa tớ đến trường với Phong ơi, tớ đâu có biết đường đi xe buýt như thế nào đâu. Nha Phong, bớt giận nha Phong.”

Bảo An cứ thế vừa cố gắng đuổi kịp bước chân vừa hồn nhiên lấy tay vuốt ngực xuôi giận giúp Phong, khuôn miệng không ngừng rối rít van xin mà không hề hay biết rằng so với những lo lắng sốt sắng cho An nãy giờ thì cơn thịnh nộ ấy thật chẳng thấm vào đâu. Giờ biết An chẳng những không xảy ra vấn đề gì đáng ngại mà tinh thần còn vô cùng thoải mái sau một giấc ngủ ngon thế kia, Phong mới thấy yên tâm hơn nhiều. Và như đã nói, Hoài Phong luôn bị những hành động làm nũng như kia của An làm cho mủi lòng. Chẳng thế mà dù bị cô nàng “cao su” đến cả tiếng đồng hồ nhưng Phong vẫn buộc phải phì cười trước mấy lời nói ngọt An trao đó thôi. Trước khi gạt tay An ra khỏi người mình và tăng tốc bước chân hơn nữa, cậu chàng cúi gằm gương mặt đang đỏ ửng vì mấy cái động chạm vô tư của An, nói:

“Đi nhanh lên, không đến chiều cũng không xong việc bây giờ... Ngại quá!”

Cơ mà có nhanh cách mấy thì đến cuối cùng, Bảo An vẫn phải chờ tới chiều mới được vào trong phòng nộp hồ sơ. Số là vì đi vội nên An chẳng thèm ăn sáng luôn. Mặc kệ Hoài Phong cứ đứng bên cạnh lải nhải và ra sức o ép, con bé cũng nhất quyết ôm bụng đói đứng im xếp hàng. Nào ngờ tới khi gần đến lượt vào trong thì cái bụng Bảo An bỗng dưng đau quặn lại do căn bệnh đau dạ dày tái phát. Chứng kiến An phải ngồi thụp xuống đất và không tài nào đứng dậy nổi, Phong mới đùng đùng lôi con bé tới một quán ăn gần đó để lập đầy cái bụng đang sôi òng ọc nãy giờ. Tuy rằng miệng loa oái oái và một mực ương bướng đòi quay lại xếp hàng nhưng đến khi yên vị trong quán ăn kia và cầm trên tay tô phở to oành thơm ngon tỏa khói, Bảo An vẫn ăn một lèo hết sạch sành sanh. Đến chút nước dùng còn sót lại trong bát, con bé cũng húp cho bằng được cơ mà. Phong nhìn thấy thế, chỉ biết phì cười và hỏi:

“Thêm bát nữa không?”

Đây đã là lần thứ hai cậu chàng đặt câu hỏi này cho An bé nhỏ rồi đó.

Chẳng để An phải chủ động rủ rê như Tết của năm trước đó, Tết năm nay Hoài Phong đã biết tự giác ngỏ lời mời con bé đi chơi. Không những thế, cậu cũng rất nhiệt tình chiều chuộng theo tất thảy các yêu cầu từ bình thường chơ tới quái thai mà An đặt ra nữa cơ. Cũng đúng thôi, vì ra Tết là Hoài Phong chính thức lên đường nhập ngũ và bắt đầu cuộc sống của người quân nhân rồi mà. Vốn rất ghét công việc tạo dáng và đứng trước máy ảnh nhưng do thương An nũng nịu rằng “Tớ muốn bọn mình có thật nhiều ảnh chụp chung để mai này khi nhỡ cậu quá tớ còn lôi ra mà ngắm mỗi ngày chứ” nên Phong cũng đành tình nguyện uốn éo đủ các tư thế cho An giơ máy sáng tạo. Chụp đầy cả cái thẻ nhớ trong máy của An, Phong cũng lôi máy của mình ra và tiếp tục công việc lưu giữ kỷ niệm. Chụp nhiều đến độ cô nàng ưa chụp hình và nghiện “sống ảo” Bảo An có dấu hiệu mỏi mồm do cười quá nhiều và muốn dừng cuộc chơi luôn cơ. Thấy vậy, Hoài Phong mới lý sự rằng:

“Công bằng chút đi, dễ thường một mình mày biết nhớ.”

Chính thế, Hoài Phong chính là sẽ vì An mà len lét mang điện thoại vào trong doanh trại để “dùng chui” và ngắm nhìn gương mặt An mỗi ngày.

Và tuy cảm thấy hơi tội lỗi nhưng Phong vẫn cương quyết bỏ ngoài tai những lời gào thét và chửi rủa của đám bạn thân để chọn cùng An lên cầu ngắm pháo trong đêm . Để tránh xảy ra những hiểu lầm, cãi vã về vấn đề trang phục như năm đầu tiên, năm nay An và Phong đã sắm cho mình được một cặp áo đôi mới rồi. Thực ra thì nó chẳng phải bộ áo tình nhân như những đôi yêu nhau khác vẫn thường hay mặc để thể hiện tình cảm đâu. Đó chỉ đơn giản là hai cái áo choàng cùng lấy màu xám làm chủ đạo mà thôi. Riêng đối với cái của Bảo An thì điệu đà hơn đôi chút với ống tay dài đến khủy và được phối thêm lớp lông trắng mềm khắp phần cổ áo và đầu ống tay. Vừa đúng ý An, cũng chẳng trái với phong cách thường ngày Phong chọn và trên tất cả, nó không bị đi ngược với thời tiết lạnh giá ngoài trời.

Thời khắc Giao thừa đã tới, khi những chùm pháo bông sặc sỡ sắc màu được bắn lên sáng rực một vùng trời, Hoài Phong theo thói quen lại định quay sang và ngắm nhìn gương mặt An đang reo lên cười thích thú. Nhưng đầu còn chưa kịp rục rịch được chút xíu nào, cậu chàng đã bị mệnh lệnh của An làm cho dừng hình tức khắc. Vẫn ngước mặt lên nhìn những tràng pháo bông, An đều đều bảo:

“Cậu đừng nhìn tớ. Nhìn pháo hoa kia kìa. Từ giờ cho tới lúc kết thúc, cấm không được dời mắt đi một giây nào đâu đấy.”

“Ờ ờ.”

Dù chẳng hiểu gì cả nhưng Hoài Phong vẫn răm rắp làm theo lời An, trong đầu không ngừng xuất hiện hàng vạn câu hỏi “Vì sao?” Phải tới khi hết pháo, những thắc mắc chất chứa nãy giờ của Phong mới chính thức được An giải đáp tất cả. Nhìn thẳng vào đôi mắt đẹp đẽ của Phong, An khẽ nhoẻn miệng cười và nhỏ nhẹ giải thích:

“Cậu biết không, nếu hai người yêu nhau cùng ngắm pháo thì họ sẽ được ở bên nhau suốt đời đấy. Tớ và cậu có được như thế hay không, chỉ còn phụ thuộc vào mỗi cậu thôi.”

-----------------------------------------------------------------------------------------------

Xin chào, lại là tớ, Còi đây.

Nhân cái ngày Noel đăng lên làm quà cho các cậu đây.

Và cũng là nhân cái dịp lâu quá rồi mà chưa thấy họ hồi âm cho mình.:((

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio