Sang ngày thứ mười kể từ khi đứt liên lạc với Vân.
Buổi sáng đánh thức Hải bằng một cuộc điện thoại đường dài. Là mẹ anh. Mẹ và bố anh, hai người họ vẫn bận rộn với quán ăn Việt Nam của gia đình tại California.
- Mẹ chưa ngủ ạ? – Anh hỏi.
- Bao giờ con bay về bên này? – Mẹ anh không trả lời mà hỏi lại.
- Con chưa biết mẹ ạ. Chắc là cuối năm.
- Nhớ chăm sóc bản thân. Đừng bỏ bữa.
- Con nhớ rồi.
- Hoa Linh nó đến quán chơi mấy lần. Sao con không gọi điện cho Linh?
- Con sẽ gọi!
- Hãy quan tâm tới Hoa Linh. Nó là một cô gái tốt. Đừng để con gái phải chờ đợi lâu con ạ. Mẹ biết hai đứa đang giận nhau. Con bỏ đi Việt Nam. Đến lúc quay lại và làm lành rồi đó.
- Con về Việt Nam không phải vì cãi nhau với Hoa Linh. Mẹ, mẹ không hiểu đâu.
Mẹ anh thở dài.
- Hải à. Đừng khiến mẹ lo lắng. Bố mẹ chỉ có một mình con.
Hải không chịu đựng nổi mỗi khi mẹ anh nói câu này. Anh im lặng. Giữa hai người là một sự im lặng vô tận. Mẹ anh lại thở dài. Bà nói: “Mẹ cúp máy đây! Bảo trọng”. Rồi tiếng máy gác khô khốc vang lên. Hải nhìn điện thoại một lúc lâu, trong đầu hiện ra khuôn mặt của mẹ anh. Mẹ anh rất đẹp, trong khi bố anh lại thấp và mập tròn. Từ khi biết quan sát và nhận xét mọi thứ xung quanh, anh nhận ra giữa mẹ và bố anh là cả một sự chênh lệch cọc cạch toàn diện. Không chỉ về hình dáng, diện mạo mà còn cả về tính tình. Mẹ anh trầm tĩnh, thâm thúy bao nhiêu thì bố anh lại xuề xòa, liến phiến bấy nhiêu. Mẹ rất giỏi, có bằng dược sĩ ở Việt Nam. Còn bố chỉ là đầu bếp nấu trong quán ăn của ông nội. Bố về Việt Nam, gặp, cưới mẹ rồi bảo lãnh ẹ sang Mỹ. Khi bố tiếp quản quán ăn của gia đình, chính mẹ mới là người quản lý. Mẹ làm việc đó một cách hoàn hảo. Cứ như mẹ anh mới là chủ của gia đình vậy. Anh may mắn thừa hưởng mọi ưu điểm của mẹ. Nói như ông bố dễ dãi của anh thì: “Mẹ con lất át bố mọi thứ, kể cả về đường con cái!”
Mẹ anh chăm sóc bố con anh, dịu dàng, chu đáo. Nhưng mẹ ít cười. Trong ngày, có những lúc mẹ anh trầm mặc như một pho tượng gỗ đàn hương. Bà ngồi bất động trên chiếc ghế so-pha duy nhất kê gần cửa sổ, hướng đôi mắt mênh mang nhìn ra bên ngoài. Có một lần, anh đánh bạo phá vỡ không gian bất động của mẹ anh bằng cách leo vào lòng bà, lấy tay giật giật vạt áo mẹ. Mẹ anh nhìn xuống, đôi mắt bà trong suốt, nhìn như nuốt lấy tâm can anh. Bà run rẩy dùng hai bàn tay nâng khuôn mặt anh, ôm ấp nó, biểu lộ tràn đầy thứ xúc cảm yêu thương sợ hãi anh chưa bao giờ thấy. Nhưng rồi xúc cảm vụn vỡ. Đôi mắt của mẹ tối lại. Bà đẩy anh ra. Mặc dù anh là con một trong gia đình, nhưng đứa trẻ trong anh lại cảm thấy anh đang phải san sẻ mẹ với một người vô hình nào đó. Người đó mạnh hơn anh, mạnh hơn rất nhiều. Kể từ ngày đó, anh không còn dám mon men đến gần mẹ anh những lúc bà im lặng. Và cũng từ đó, cái hố sâu ngăn cách giữa hai mẹ con hình thành.
Cứ vài năm, mẹ anh lại về Việt Nam một lần. Một mình. Anh bận bịu với học, chơi, bạn gái và những rắc rối của tuổi vị thành niên. Sau mỗi đợt từ Việt Nam trở về, mẹ khiến cho anh có cảm giác như bà buồn hơn. Thời gian bà trầm mặc bên chiếc ghế sô pha và ô cửa sổ dường như kéo dài vô tận. Cho đến một ngày cách đây năm năm. Bà về Việt Nam đột ngột sau khi nhận được một bức điện báo. Chuyến đi dài nhất của mẹ. Khi bà trở về nhà, hoàn toàn suy sụp. Bố anh đóng cửa nhà hàng trong vòng một tháng, đưa bà đi các chùa của người Việt trên đất Mỹ. Anh như người thừa, ngơ ngác trước biến cố của gia đình. Ngay cả chính bản thân anh cũng không biết đó là biến cố gì. Chỉ có Hoa Linh là người chia xẻ với anh thời gian tồi tệ đó.
Chiều ngày thứ mười kể từ khi đứt liên lạc với Vân.
Anh nhận được một cú điện thoại thứ hai trong ngày. Hải đang còng lưng trên bản thiết kế thì điện thoại của anh réo vang. Số của Hoàng Thiên Vân. Anh nhảy dựng lên như một con mèo nhìn thấy ma.
- Này, cô đã biến đi đâu vậy hả?
- Tôi vẫn ở đây!
- Ở đây? Cô có đùa không đấy?
- Chiều nay anh có rảnh không?
- Cái gì?
- Tôi sẽ tới chở anh đi chơi. Tôi sẽ khao anh một bữa ra trò. Trả nợ vụ lần trước anh đưa tôi về nhà như tôi đã hứa với anh đó.
Hải đang trong tâm trạng hơi kích động, có bao nhiêu tâm sự muốn kể lể, không ngờ lại nhận được một lời mời bất ngờ. Anh nhất thời không biết đáp thế nào.
- Alo? Anh bận à?
- Không, không. Tôi không bận.
- Vậy mười lăm phút nữa tôi tới chở anh nhé?
- Được.
- Tốt lắm.
Mười lăm phút nữa! Mười lăm phút nữa! Phải tắm rửa cạo râu. Chết cha! Không biết còn đôi tất sạch nào không?
Đúng mười lăm phút sau, cửa nhà vang lên tiếng gõ “cốc cốc”. Hải gài xong cái nút áo cuối cùng, đưa tay cào cào mái tóc rối. Cửa mở, Vân ngước lên, ngỡ ngàng nhìn vẻ đẹp trai của anh. Cô cười tinh nghịch:
- Xin chào.
Hải cũng ngỡ ngàng nhìn cô. Những lần trước gặp, cô giống như một phụ nữ trẻ, khuôn mặt điềm tĩnh chín chắn. Còn hôm nay, cô lại trẻ trung sống động. Chiếc áo T-shirt rộng làm cho cô trông như học sinh cấp ba. Thật lạ, phụ nữ Việt Nam rất khó đoán tuổi!
- Ready?
- Yeah!
- Đi! Đi! Đi!
Hải chở Vân trên chiếc xe Vespa cổ màu trắng của cô. Tiếng máy nổ bình bịch vui tai. Họ đi giữa những xe cộ đông đúc trên đường, hòa vào dòng chảy bất tận của phố xá. Vân ngồi sau chỉ cho Hải xem những cảnh ngộ nghĩnh cô nhìn thấy. Kia là một tấm áp phích quảng cáo kem dưỡng da có một cô người mẫu rất xinh, nhưng trên má lại bị ai đó vẽ những nốt mụn to tướng. Kia, mấy cô bác đang vẫy tay như đang chào mừng anh sau những chiếc thúng to tướng kia, là họ đang bán bánh mì gậy từ trong siêu thị tuồn ra. À, đây này! Anh có thấy người đàn ông cầm chiếc đĩa CD ngồi trên vỉa hè kia không? Đấy, chính là người ấy! Đố anh biết ông ta là người như thế nào?
- Anh ta bị điên à? – Hải khó hiểu.
- Anh ta bán phim xxx đấy!
- Công khai thế cơ?
- Tôi đoán là cho khách quen. Anh có dám thử không?
- Không. Tôi không muốn bị bắt. Nghe nói ở Việt Nam, tội ấy rất nghiêm trọng.
- Ha ha ha… Anh có tin không? Tôi đây đã từng trong đường dây dịch phim đen đấy!
Kít! Chiếc xe dừng lại đột ngột. Vân mất đà, cả người bị phóng về phía trước, ôm trọn tấm lưng rộng của Hải. Cô hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Hải quay người lại, nghiêm trọng:
- Cô xem có tay công an nào bám theo hay không?
- Yên tâm đi. Tôi bỏ nghề mấy năm rồi.
- Tôi không tưởng tượng ra được.
- Sao nào? Anh đừng nói là anh chưa hề xem phim xxx đấy nhé!
Ừ thì tất nhiên là thằng đàn ông nào chả từng có thời mê mẩn mấy bộ phim cấp ba rẻ tiền ấy. Điều mà anh không tưởng tượng ra được là cô lại đi làm cái việc mà cô nói là “đường dây dịch phim đen”. Thực ra thì sự thật không đến nỗi to tát như thế. Đó cũng là một kiểu lao động.
- Nếu không có người dịch, thì làm gì có phim cho thiên hạ xem?
Anh suýt nghẹn với lý luận của cô.
- Còn nữa! Tại sao cô nói chiều đó tới, rồi lại không tới!
- Tôi xin lỗi. Một hợp đồng ký với nhà xuất bản suýt bị bể. Chúng tôi đã phải làm việc như điên để dịch nốt một cuốn sách cho kịp in. Anh không tưởng tượng được mấy ngày vừa qua tôi đã trở lại làm kiếp cú mèo như thế nào đâu. Mà không đúng, giống như con cá gì ấy nhỉ, không được ngủ cả ngày lẫn đêm ấy.
Họ gửi xe, đi bộ trong một khu phố có những con đường hẹp, vuông vức. Đường phố cắt nhau như những sợi lạt đan trên phên, bằng chằn chặn. Đây là một khu phố buôn bán nhỏ, còn giữ những ngôi nhà cổ xưa rêu phong lợp ngói. Trước cửa nhà nào cũng có treo những chiếc gương âm dương tránh tà ma yêu quái. Mặt hàng bày bán rất phong phú: từ hàng nhôm sắt, hàng thực phẩm, đến hàng vải vóc, đồ mã, đồ chơi…Trên đường đi có rất nhiều đồ ăn vặt. Vân mua một hộp cóc chín trộn muối ớt. Cô chìa cho anh nếm thử. Vừa chua vừa cay! Vậy mà cô ăn ngon lành. Anh nhìn mà phát thèm nhưng lại sợ ghê răng. Cứ như thế, họ đi hết dãy phố này đến dãy phố khác, xem hết cửa hàng này đến cửa hàng khác. Trong lòng thành phố vẫn còn tồn tại những góc nhỏ bé dễ thương đến thế!
Khi đi đến mỏi chân và bụng đói meo, Vân dẫn anh vào một quán phở. Mùi phở thơm lừng, từ đầu ngõ đã nghe thấy. Hải lấy tay xoa bụng, vươn cổ ra hít lấy hít để, bộ dạng nhìn như trẻ con. Tuy thèm nhỏ dãi, nhưng anh vẫn nói:
- Tưởng cô mời cao lương mĩ vị gì. Hóa ra là ăn vỉa hè!
Vân ba hoa:
- Anh đừng coi thường. Quán phở này là một trong những nét văn hóa cổ truyền của Việt Nam đấy! Nó tồn tại ở hẻm này mấy chục năm rồi. Tôi là khách ruột ở đây năm năm. Món ngon, muốn chia xẻ với anh.
- Vậy tôi phải ăn hai tô.
Hai người cùng cười bước vào quán. Chủ quán nhìn thấy Vân, hoan hỉ chào. Sau đó mới nhìn sang Hải, ông giật mình đánh rớt con dao đang thái thịt bò, tưởng mình bị hoa mắt.
- Cậu Sơn! Cậu Sơn! – Ông kích động reo lên. – Năm năm qua cậu biến đi đâu vậy? Để cô Vân lủi thủi tới đây ăn một mình.
Hải biết lại có người nữa nhận lầm. Bên cạnh anh, Vân im lặng không nói gì. Anh cũng không đính chính. Coi như là ông chủ gặp lại được khách cũ.
- Mời ngồi! Mời ngồi! Bữa nay ăn, tôi không tính tiền. Coi như là mừng cho cô Vân.
Ông nói cười rổn rảng, muốn đứng lại hỏi han. Nhưng khách đông quá, thành ra phải chạy ra đứng quầy. Hải hỏi:
- Cô và Sơn hay tới đây ăn phở à?
- Đây là quán ruột của chúng tôi. Tôi lười nấu ăn. Anh ấy thường đùa bảo bếp của tôi là ở quán phở này, chứ không phải ở nhà. tháng Chạp phải mua cho quán phở một con cá chép để cúng thần bếp phở.
- Lúc nãy chủ quán nói… Cô vẫn đợi anh ta năm năm nay?
- Làm thế nào khác được?
Vân vừa nói vừa mỉm cười. Lời nói của cô bình thản như nước. Làm thế nào khác được? Năm năm đó chứ nào phải đùa! Là năm năm! Cô gái này điên rồi. Cô ta có biết là cô ta rất điên không?
- Cô… – Hải không nó được.
Cô không biết anh ta đi đâu sao? Cô có biết anh ta giờ đang ở đâu không? Tại sao cô lại ngờ nghệch đáng thương như thế. Hải cảm thấy tức giận nghẹt thở. Cô gái ngu ngốc này!
Vân nhìn những biểu cảm trên mặt Hải, nhẹ nhàng giải thích:
- Anh ấy đột nhiên biến mất. Tôi hoàn toàn mất phương hướng. Nhưng tôi tin anh ấy không tự nhiên lại bỏ tôi.
Hải cố nén những suy nghĩ của mình lại, cố giữ cho giọng nói thật tự nhiên:
- Đột nhiên biết mất? Có những chuyện như thế xảy ra ư?
- Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra.
- Trong năm năm qua, cô không hề yêu ai?
- Nhiều lúc tôi rất hoang mang. Nếu như Sơn sẽ biến mất cả đời thì sao? Tuy vậy anh biết không? Người ta có thể yêu nhiều lần, với những người khác nhau. Nhưng không thể yêu hai lần cho cùng một người. Nếu tôi với người khác, tôi và Sơn sẽ… Tôi chỉ có thể tiếp tục chờ đợi anh ấy!
Quán phở đông đúc. Câu chuyện của bọn họ lẫn trong âm thanh ồn ào của các thực khách. Chuyện đời như bọt biển. Kể ra rồi tan đi. Nhưng dư vị để lại ngấm đọng vào lòng đại dương, khiến cho biển mặn, mặn mãi…