Băng : Mặt B
Các bạn có muốn mình có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác không?
Dĩ nhiên là bạn muốn rồi. Mọi người đều nói có với câu hỏi này cho tới khi họ nghĩ cho thấu đáo.
Ví dụ như, liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu người khác đọc được suy nghĩ của bạn? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ có thể đọc được suy nghĩ của bạn... ngay lúc này đây?
Họ sẽ thấy sự bối rối. Thất vọng. Thậm chí với vài người là giận dữ. Họ thấy lời của một cô gái đã qua đời đang chạy xuyên qua tâm trí tôi. Một cô gái mà vì lý do nào đó đổ lỗi cho tôi vì việc cô ấy tự sát.
Đôi khi chúng ta có suy nghĩ về những điều chúng ta thậm chí cũng không hiểu. Những suy nghĩ thậm chí không thật - đó không thực sự là những điều chúng ta cảm thấy - nhưng chúng vẫn chạy qua tâm trí của chúng ta bằng mọi cách bởi vì nghĩ về chúng rất là thú vị.
Tôi điều chỉnh cái kẹp giấy ăn trước mặt mình sao cho chỗ ngồi của Tony phản chiếu lên lớp bạc bóng loáng. Cậu ấy ngồi dựa lưng và lau tay vào tờ giấy ăn.
Nếu bạn có thể đọc được suy nghĩ của người khác, bạn sẽ nghe lỏm được cả những điều chân thực cũng như cả những điều hoàn toàn ngẫu nhiên. Và bạn sẽ không phân biệt được cái nào với cái nào nữa. Nó sẽ khiến bạn phải điên đầu mất. Cái nào là thật? Cái nào không? Hàng triệu suy nghĩ, nhưng chúng có nghĩa là gì?
Tôi không biết Tony đang nghĩ gì. Cậu ấy không biết gì về tôi. Cậu ấy không biết giọng nói đang trong đầu tôi, giọng nói đang vang lên từ chiếc Walkman của cậu ấy là của Hannah Baker.
Đó là điều tôi thích ở thơ ca. Càng trừu tượng càng hay. Những thứ mà bạn không chắc ý nhà thơ đang muốn nói là gì. Bạn có thể biết dù không chắc chắn. Không biết tuyệt đối trăm phần trăm. Mỗi từ ngữ được lựa chọn riêng, có thể có tới hàng triệu ý nghĩa khác nhau. Nó có phải là một biểu tượng thay thế cho một ý tưởng khác không? Liệu rằng nó có chứa đựng một phép ẩn dụ bao quát hơn, kín đáo hơn không?
Đây là người thứ tám rồi, Hannah ạ. Nếu là về thơ ca thì lại không phải là tôi. Và chỉ còn năm cái tên nữa thôi.
Tôi ghét thơ ca cho tới khi có người chỉ cho tôi cách cảm thụ nó. Cậu ấy bảo tôi hãy coi bài thơ như một trò chơi ô chữ. Người đọc có nhiệm vụ lý giải mật mã, hoặc những câu chữ căn cứ trên mọi điều họ biết về cuộc sống và những xúc cảm.
Có phải nhà thơ dùng màu đỏ để biểu trưng cho máu? Sự giận dữ? Khao khát? Hoặc tả cái xe cút kít màu đỏ đơn giản bởi màu đỏ nghe hay hơn là màu đen?
Tôi nhớ chuyện đó. Ở giờ học tiếng Anh. Đã nổ ra một cuộc tranh luận lớn về ý nghĩa của màu đỏ. Tôi không biết cuối cùng chúng tôi đã quyết định là gì.
Chính người đã dạy tôi cảm thụ thơ ca cũng đã dạy tôi ý nghĩa của việc làm thơ. Và chân thành mà nói, không có cách nào thám hiểm những cảm xúc của bạn tốt hơn là dùng thơ ca.
Hoặc dùng băng cát-xét.
Nếu bạn giận dữ, bạn không nhất thiết phải viết một bài thơ đối phó với nguyên nhân của cơn tức giận. Nhưng lại cần có một bài thơ giận dữ. Vậy hãy thử làm xem... viết một bài. Tôi biết bạn chí ít cũng có đôi chút giận tôi mà.
Và khi bạn hoàn thành bài thơ của mình, hãy giải mã nó như thế là bạn vừa tìm thấy nó được in trong một cuốn sách giáo khoa và hoàn toàn không biết chút ít về tác giả của nó. Kết quả có thể rất đáng kinh ngạc. và đáng sợ nữa. Nhưng nó lại luôn ít tốn kém hơn là trả tiền cho nhà trị liệu.
Tôi đã làm việc đó đôi lần. Với thơ ca, chứ không phải với nhà trị liệu. Có thể nhà trị liệu lại giúp ích cho cậu, Hannah ạ.
Tôi đã mua một quyển sổ tay được đóng gáy xoắn để lưu giữ lại tất cả các bài thơ của tôi. Đôi ba ngày một tuần, sau giờ học, tôi lại đi tới Monet's và viết một hoặc hai bài thơ.
Một vài nỗ lực ban đầu của tôi có hơi đáng buồn. Không được sâu sắc và tinh tế. Khá là hợp lý. Tuy vậy, một số bài được viết ra khá hay. Chí ít là tôi nghĩ chúng hay.
Rồi thì thậm chí không cần phải cố gắng, tôi đã thuộc những bài thơ đầu tiên trong cuốn sổ tay đó. Và dù có cố gắng đến mấy, tôi dường như không thể rũ nó ra khỏi trí nhớ của mình ngay cả đến ngày hôm nay. Và nó đã dành cho sự cảm kích... hoặc thích thú của bạn.
Nếu tình yêu tôi là một đại dương,
Sẽ chẳng còn chỗ cho đất liền.
Nếu tình yêu tôi là một sa mạc,
Bạn sẽ chỉ thấy một biển cát thôi.
Nếu tình yêu tôi là một vì sao.
Thức trong đêm, sáng lung linh.
Và nếu tình yêu tôi có thể chắp cánh,
Tôi sẽ bay vút lên trời cao.
Cứ thử đi. Cứ cười đi. Nhưng bạn biết bạn sẽ mua nó. Nếu bạn bắt gặp nó trên một tấm thiệp chúc mừng.
Đột nhiên có cơn đau nhói sâu thẳm trong lồng ngực tôi.
Chỉ biết rằng tôi vẫn tới Monet's để viết những vần thơ cũng khiến cho những tháng ngày dễ chịu đựng hơn.
Những chuyện hài hước, gây náo động hay đau đớn vẫn có thể xảy ra và tôi sẽ nghĩ. Điều này sẽ làm nên một bài thơ ngây ngất.
Nhìn qua vai, tôi thấy Tony đang đi ra cửa trước. Việc này có vẻ thật kỳ quặc. Tại sao cậu ấy không dừng lại để nói tạm biệt nhỉ?
Đối với tôi, tôi cho rằng những cuốn băng này là một dạng thức của trị liệu bằng thơ.
Qua cửa sổ phía trước, tôi quan sát Tony lên xe ô tô của mình.
Khi tôi kể cho bạn những câu chuyện này, tôi đang khám phá ra một vài điều. Những điều về bản thân tôi, đúng thế, cả về các bạn. Tất cả các bạn.
Cậu ấy bật đèn pha ô tô lên.
Và chúng ta càng tiến gần hơn tới kết thúc, tôi càng phát hiện ra nhiều mối quan hệ. Những mối quan hệ sâu sắc. Một vài câu chuyện tôi kể với các bạn lại móc nối tới một câu chuyện ở phần tiếp theo. Trong khi những chuyện khác, tôi chưa từng kể gì cho các bạn cả.
Chiếc xe Mustang rung mạnh khi Tony khởi động máy. Rồi chiếc xe của cậu ấy chậm rãi lùi ra phía sau.
Có thể bạn còn khám phá ra một số mối quan hệ mà tôi không biết. Có thể bạn có triển vọng trở thành thi sĩ.
Không đâu, Hannah. Khó mà trở thành thế.
Và khi tôi nói những lời cuối cùng... Chà, chắc là chưa phải những lời cuối cùng của tôi đâu nhưng là những lời cuối trong những cuốn băng này... nó sẽ là một vũ điệu chan chứa cảm xúc và cao sang của những lời nói.
Dùng từ khác thì là một bài thơ.
Quan sát chiếc ô tô của Tony qua cửa sổ giống như đang xem một bộ phim, chiếc xe Mustang chậm rãi lùi ra sau màn hình. Nhưng ánh đèn pha ô tô không mờ dần đi như đáng lẽ nó phải thế nếu cậu ấy lùi hoặc quay xe. Thay vì thế, ánh sáng đèn dừng lại. Như thể nó được tắt đi.
Nghĩ lại, tôi đã không viết vào sổ tay của mình khi tôi không còn muốn biết về bản thân nữa.
Có phải cậu ấy đi ra ngoài, ngồi trong xe, chờ đợi ư? Tại sao thế?
Nếu bạn nghe thấy một ca khúc khiến bạn khóc và bạn không hề muốn khóc nữa, bạn sẽ không nghe ca khúc đó thêm lần nào nữa.
Nhưng bạn lại không thể thoát khỏi chính mình. Bạn không thể quyết định không nhìn thấy chính mình nữa. Bạn không thể quyết định tắt âm thanh huyên náo trong đầu mình.
Khi đèn pha ô tô của Tony tắt đi, những ô cửa sổ của quán ăn chỉ còn là một khung kính tối đen.
Thông thường ở bãi đỗ xe, mỗi khi có ai lái xe xuống đường thì lại có một vệt sáng lướt từ ô cửa sổ này sang ô cửa sổ kia. Nhưng lần này nguồn sáng bất động duy nhất, tuy là ở xa, lại chiếu lên góc từ phía trên bên phải. Cái ánh sáng mờ mờ xanh tía. Trên đỉnh, biểu tượng đèn neon của rạp Crestmont nhô cao hơn tất cả mái nhà của những cửa hàng xung quanh đó.
Chúa ơi! Sao tôi không cố mà vẫn cứ hồi tưởng lại mùa hè năm ngoái.
Khi chỉ có hai chúng tôi, thật dễ đàng để bắt chuyện với Hannah. Thật dễ dàng cười đùa với cô ấy. Nhưng cứ có người ở quanh là tôi lại ngại ngùng. Tôi lại tránh ra. Tôi đã không biết phải cư xử như thế nào cả.
Trong cái quầy bán vé nhỏ xíu như bể cá vàng đó mối liên hệ duy nhất của tôi với các đồng nghiệp trong tiền sảnh là một chiếc điện thoại màu đỏ. Không có những nút bấm, chỉ có một ống nghe.
Nhưng mỗi khi tôi nhấc máy gọi và Hannah trả lời ở đầu máy bên kia thì tôi thấy bồn chồn. Cứ như thể tôi đang gọi cô ấy từ nhà mình chứ không phải đang gọi cách có ba chục bước chân.
"Mình cần đổi tiền", tôi vẫn thường nói thế.
"Lại đổi nữa à?", cô ấy vẫn trả lời thế kèm theo một nụ cười. Và mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy mặt nóng ran lên vì ngượng ngùng. Bởi vì sự thực là tôi yêu cầu đổi tiền khi cô ấy đang làm việc nhiều hơn những lúc cô ấy không làm việc.
Một vài phút sau đó, có tiếng gõ cửa, tôi vuốt thẳng áo sơ mi rồi mở cửa mời cô ấy vào. Cầm chiếc hộp nhỏ đựng tiền lẻ trên tay, cô ấy chen vào sát cạnh tôi để đổi một số tờ tiền chẵn. Và đôi khi, trong những đêm chiếu buồn tẻ, cô ấy thường ngồi lên chiếc ghế của tôi và bảo tôi đóng cửa quầy.
Mỗi khi cô ấy bảo thế, tôi phải gắng sức để kìm hãm trí tưởng tượng của mình lại. Bởi vì cho dù rằng những ô kính vẫn bắt chúng tôi lộ liễu qua ba mặt quầy, giống như những hấp dẫn trong một cuộc trình diễn của lễ hội hoá trang và mặc dù cô ấy chỉ nói thế bởi vì chúng tôi không nhất thiết phải để mở cửa ra vào thì bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra bên trong cái không gian hạn hẹp ấy.
Đúng hơn thì tôi đã mong được thế. Nhưng tại sao? Tại sao mỗi khi ai đó thấy chúng tôi, tôi lại giả bộ như không có ý gì? Chúng tôi chỉ đang làm việc, đó là điều tôi muốn họ tin thế.
Không phải hẹn hò. Chỉ là đang làm việc. Tại sao?
Bởi vì Hannah nổi tiếng. Sự nổi tiếng ấy khiến tôi sợ. Sự thực lần đầu tiên được sáng tỏ vào một vài tuần trước, tại một bữa tiệc, lúc Hannah đứng trực diện trước mặt tôi. Một khoảnh khắc đáng kinh ngạc khi mọi thứ dường như dồn về cả về một điểm duy nhất.
Nhìn sâu vào mắt cô ấy, tôi không thể không nói với cô ấy rằng tôi rất xin lỗi. Xin lỗi vì đã để cô ấy phải chờ đợi lâu mới nói ra cảm giác của mình.
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi đã có thể thừa nhận điều đó. Với cô ấy. Với chính mình.
Nhưng tôi đã không bao giờ còn có thể thừa nhận nó lần nữa. Cho tới bây giờ.
Nhưng bây giờ thì quá muộn rồi.
Và đó là lý do tại sao, ngay chính lúc này đây, tôi cảm thấy vô cùng căm hận. Với chính mình. Tôi xứng đáng có tên trong danh sách ấy của Hannah lắm. Bởi vì nếu tôi không quá e ngại người khác, tôi hẳn đã có thế nói với Hannah rằng có người quan tâm tới cô ấy. Và Hannah có thể vẫn còn sống.
Tôi kéo mình trở lại, thôi không nhìn biểu tượng đèn neon kia nữa.
Đôi khi tôi vẫn ghé vào Monet's để uống một cốc chocolate nóng trên đường về nhà. Tôi còn làm bài tập về nhà. Hoặc đôi khi tôi đọc sách. Nhưng tôi đã không còn làm thơ nữa.
Tôi cần tạm nghỉ... với chính mình.
Tôi lướt bàn tay từ dưới cằm ra sau gáy. Chân những lọn tóc ướt đẫm mồ hôi.
Nhưng tôi thích thơ. Tôi nhớ nó. Và một ngày nọ, sau đó khoản vài tuần, tôi quyết định trở lại với nó. Tôi đã quyết định dùng thơ ca để khiến mình hạnh phúc.
Những bài thơ hạnh phúc. Những bài thơ ngập tràn ánh dương tươi sáng.
Hạnh phúc, hạnh phúc, thật là hạnh phúc. Giống như hình hai người phụ nữ được chụp trên tờ quảng cáo ở Monet's.
Họ mở lớp học miễn phí được gọi là Thơ ca: Để Yêu Cuộc Sống. Họ hứa hẹn sẽ truyền đạt không chỉ cách yêu quý thơ ca mà còn qua thơ ca học cách yêu bản thân nhiều hơn.
Tôi đăng ký ngay!
Điểm D- trên bản đồ của bạn. Phòng sinh hoạt chung ở thư viện công cộng.
Trời quá tối rồi nên không thể tới đó ngay bây giờ được.
Lớp thơ ca bắt đầu cùng lúc khi tiếng chuông tan học ở trường reo, nên tôi đã cố chạy vội tới đó để đến kịp hoặc không bị muộn quá. Nhưng ngay cả khi tôi đến muộn, mọi người ở đó có vẻ vẫn rất vui khi thấy tôi - để có người cung cấp cái mà họ gọi là "Triển vọng của nữ sinh tuổi teen".
Nhìn xung quanh, tôi nhận thấy mình là người duy nhất còn ngồi ở Rosie's.
Còn nửa tiếng nữa họ mới đóng cửa. Và cho dù tôi không gọi thêm đồ ăn hoặc đồ uống nào nữa, người đàn ông phía sau quầy vẫn không bảo tôi về. Nên tôi sẽ ở lại.
Thử tưởng tượng có mười hoặc mười hai chiếc ghế màu da cam được xếp thành vòng tròn và hai phụ nữ hạnh phúc trong tờ quảng cáo nọ ngồi ở hai đầu đối diện nhau. Chỉ có một vấn đề là, từ cái ngày đó, họ không có vẻ hạnh phúc nữa. Bất kể là ai đã làm tờ quảng cáo kia, hẳn đã dùng kỹ thuật số để xoay ngược vẻ nghiêm nghị của họ một trăm tám mươi độ.
Họ viết về chết chóc, về những thói xấu xa của con người. Về sự hủy diệt của "thiên thể xanh lá cây, thấp thoáng màu lục với những đốm trăng trắng" (trích nguyên văn).
Nghiêm túc mà nói, đây chính là cách họ đã mô tả Trái Đất khi họ tiến tới gọi Trái Đất là một thế giới hỗn tạp cần bị loại bỏ.
Một lý do khác nữa khiến tôi ghét thơ thẩn. Ai lại gọi "thiên thể" thay vì gọi là "quả cầu" hay trái cầu.
"Bộc bạch bản thân đi", họ nói. "Hãy để chúng tôi thấy phần sâu kín nhất và tăm tối nhất của bạn."
Phần sâu kín nhất và tăm tối nhất của tôi ư? Các người là ai cơ, bác sĩ phụ khoa của tôi chắc?
Hannah.
Rất nhiều lần tôi muốn giơ tay phát biểu: "Được rồi, thế bao giờ thì chúng ta nói về những thứ hạnh phúc đây? Những từ về cuộc sống mến yêu? Thơ ca, như các vị biết đấy: Để yêu cuộc sống? Đấy chính là điều mà tờ quảng cáo đã nói. Đấy là lý do mà tôi đang ở đây".
Cuối cùng, tôi chỉ hoàn thành ba trong số những chủ đề thơ ca đó. Nhưng có điều gì đó đã đến thật. Điều gì đó tốt đẹp ư?
Không.
Chà... tôi phân vân.
Hãy xem một người ở trong nhóm đó. Một học sinh trung học có triển vọng tốt mà các nhà thơ lớn tuổi hơn ngưỡng mộ. Ai thế nhỉ? Chủ bút tờ báo riêng của trường chúng ta, tờ Lost-N-Found.
Ryan Shaver.
Các bạn biết tôi đang nhắc đến ai đấy. Và thưa ngài Chủ bút, tôi chắc rằng ngài nóng lòng muốn tôi nói to tên ngài lên.
Vậy thì đến lượt ngài đây, ngài Ryan Shaver. Sự thực sẽ thả tự do cho ngài.
Khẩu hiệu của tờ Lost-N-Found.
Cậu đã biết điều này từ nãy rồi, Ryan nhỉ. Tôi chắc chắn thế. Ngay từ lúc đầu tiên đề cập tới thơ ca, cậu đã biết phần này nói đến cậu. Cậu phải biết. Mặc dù tôi chắc rằng cậu hẳn đã nghĩ điều này không thể là lý do tôi có mặt trong những cuốn băng. Chẳng có gì là to tát cả…
Bài thơ ở trường. Chúa ơi! Bài thơ đó là của cô ấy.
Nhớ ra chưa, đây là một vũ điệu căng đầy cảm xúc và giàu tính liên hệ mà tôi đang dựng lên ở đây.
Tôi nhắm chặt mắt lại, đưa tay lên che mắt. Cơ mặt nóng ran, tôi nghiến chặt hai hàm răng lại để kìm chế không hét lên hay bật khóc. Tôi không muốn cô ấy đọc nó lên. Tôi không muốn nghe bài thơ đó bằng giọng đọc của cô ấy.
Bạn có muốn nghe bài thơ cuối cùng tôi làm trước khi từ giã thơ ca không?
Trước khi giã từ mãi mãi?
Không muốn nghe ư?
Tốt thôi. Nhưng cậu đã từng đọc nó rồi. Nó rất nổi tiếng ở trường chúng ta. Tôi thả lỏng mi mắt và cơ mặt.
Bài thơ đó. Bài thơ mà chúng tôi đã thảo luận trong giờ học tiếng Anh.
Chúng tôi đã đọc to nó rất nhiều lần.
Và Hannah cũng đã có mặt tại đó.
Một vài người trong số các bạn có thể nhớ ra nó rồi. Dù không nhớ ra từng từ từng chữ nhưng các bạn biết tôi đang nói về cái gì. Lost-N-Found Gazette.
Tuyển tập bán-thường-niên của Ryan về những tin tức được phát hiện và thu thập rải rác quanh sân trường.
Giống như một bức thư tình được thả dưới ngăn bàn người trong mộng chưa bao giờ được phát hiện ra. Nếu Ryan tìm ra nó, cậu ta sẽ xóa đi những cái tên không cần phải biết tới và sao chụp lại để dành cho số báo sắp ra.
Những bức ảnh được kẹp sau bìa sách bị rơi ra cậu ta chụp lại chúng.
Những dòng chép sử được viết nguệch ngoạc của một nam sinh cực kỳ tẻ nhạt…cậu ta cũng chụp lại chúng.
Vài người thắc mắc tại sao Ryan lại tìm ra nhiều món tin thú vị đến vậy để sao chụp như thế. Có phải cậu ta thực sự tìm ra tất cả chúng không? Hay cậu ta đã ăn trộm chúng? Tôi đã hỏi cậu ta chính câu hỏi này sau một trong những buổi họp thơ của chúng tôi. Và cậu ta đã thề thốt rằng mọi điều cậu ta in ra đều được tìm thấy một cách hoàn toàn ngẫu nhiên.
Đôi khi, cậu ta thừa nhận rằng mọi người có thả một vài tin tức mà họ tìm thấy được vào tủ đồ của cậu. Cậu ta nói những cái đó thì cậu ta không xác minh một trăm phần trăm được. Đấy là lý do cậu ta xóa đi những cái tên và số điện thoại. Và những bức hình thì theo quy định, không được phép gây nhiều rắc rối.
Cậu ta thường tập hợp năm hoặc sáu trang tư liệu kỳ quặc, hay ho và cho in ra năm mươi bản. Sau đó cậu ta kẹp chúng lại với nhau và thả chúng ở những nơi ngẫu nhiên khắp trường. Ở phòng vệ sinh. Ở phòng chứa tủ đồ. Trên những lối đi.
"Không bao giờ cùng một nơi", cậu ta bảo. Cậu ta cho rằng rất thích hợp.
Nếu để mọi người tình cờ bắt gặp những tờ tạp chí ấy và đọc những mục tin rất ngẫu nhiên.
Nhưng đoán xem? Bài thơ của tôi thì sao? Cậu ấy đã lấy trộm nó. Tôi gỡ một tờ giấy ăn khỏi cái kẹp và quệt qua mắt.
Hàng tuần, cứ sau buổi họp mặt nhóm thơ ca là Ryan và tôi sẽ ngồi lại ở những bậc thang nơi của thư viện nói chuyện. Tuần đầu tiên, chúng tôi đơn giản chỉ cười đùa về các bài thơ mà những thành viên khác đã viết và đọc chúng lên. Chúng tôi cười vì họ tỏ ra thật sầu não.
"Cái đó mà được coi là khiến chúng ta hạnh phúc ư?" cậu ấy hỏi. Rõ ràng, biểu hiện bên ngoài thì cậu ta có lý lẽ giống tôi.
Tôi ngước nhìn lên. Người đàn ông sau quầy kéo mạnh hai sợi dây đóng miệng chiếc túi rác nặng trịch. Đến giờ đóng cửa.
"Tôi có thể xin một cốc nước lọc không?", tôi hỏi.
Sau tuần học thứ hai, chúng tôi ngồi tại những bậc cửa đó ở thư viện và đọc một vài bài thơ của mình cho nhau nghe. Những bài thơ chúng tôi viết vào những thời điểm khác nhau trong cuộc sống.
Ông ấy nhìn vào chỗ trầy da do chà xát bằng giấy ăn trên mắt tôi.
Nhưng chỉ toàn những bài thơ hạnh phúc. Những bài thơ về cuộc sống mến yêu. Những bài thơ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đọc trước cái nhóm ưa u uất với toàn những nhà thơ khốn khổ trong gian phòng kia.
Rồi trong khi các nhà thơ chẳng bao giờ làm thế thì chúng tôi giảng giải cho nhau nghe. Từng dòng thơ một.
Sang tuần thứ ba, chúng tôi nắm lấy cơ hội lớn nhất có được và truyền tay nhau trọn vẹn cuốn sổ chép thơ của mình.
Ông ấy đẩy một cốc nước lạnh ra trước mặt tôi. Trừ chiếc cốc đó và những chiếc kẹp giấy ăn ra thì suốt chiều dài mặt quầy hoàn toàn trống trơn.
Ôi chao! Việc đó đòi hỏi rất nhiều can đảm. Dứt khoát là thế đối với tôi rồi.
Tôi chắc chắn cậu cũng vậy, Ryan nhỉ. Và trong hai giờ tiếp theo, khi Mặt Trời đang lặn dần, chúng tôi vẫn ngồi tại những bậc cầu thang bằng bê tông đó lật từng trang giấy.
Chữ viết tay của cậu ấy thật khủng khiếp nên tôi phải mất nhiều thời gian hơn để đọc hết những bài thơ. Nhưng chúng thật đáng kinh ngạc. Sâu sắc hơn những bài thơ của tôi rất nhiều.
Thơ của cậu ấy nghe mới giống thơ đích thực và chuyên nghiệp. Và một ngày kia, tôi chắc chắn là bọn trẻ sẽ phải phân tích thơ của cậu ấy trong một cuốn sách giáo khoa.
Những ngón tay tôi chạm quanh chiếc cốc lạnh buốt.
Dĩ nhiên, tôi chưa hiểu những bài thơ của cậu ấy có ý nghĩa gì. Không hoàn toàn hiểu được. Nhưng tôi cảm nhận được chính xác những cảm xúc ấy. Những xúc cảm hoàn toàn tốt đẹp. Và tôi gần như cảm thấy xấu hổ với những điều cậu ấy có thể nghĩ khi cậu ấy đọc hết cuốn sổ của tôi. Bởi vì đọc những bài thơ của cậu ấy, tôi nhận thấy mình mới dành ít thời gian cho sổ thơ của mình như thế nào. Tôi đáng lẽ phải dành thời gian để chọn lựa những từ ngữ hay hơn nữa. Những từ ngữ xúc động hơn nữa.
Nhưng rồi một trong số những bài thơ của tôi đã nắm bắt được cậu ấy. Và cậu ấy muốn biết nhiều hơn về nó... giống như khi tôi làm nó.
Nhưng tôi đã không kể với cậu ấy.
Tôi không uống cốc nước. Tôi ngắm một giọt nước đơn độc trượt xuống thành cốc và lăn trên ngón tay tôi.
Tôi đã làm bài thơ đó vào cái ngày cả nhóm học sinh giận dữ khi có người cả gan yêu cầu được giúp đỡ về việc liên quan đến tự sát. Nhớ xem tại sao họ lại khó chịu như thế chưa? Bởi vì dù là ai đã viết lời nhắn đó cũng không hề ký tên cô ta.
Thật vô tình làm sao.
Nó vô danh. Cũng giống với bài thơ đã xuất hiện trên tờ Lost-N-Found.
Thế nên Ryan muốn biết tại sao tôi lại làm bài thơ này.
Với bài đó, tôi kể với cậu ấy rằng bài thơ chỉ đơn thuần như những gì nó thể hiện. Nhung tôi đã thích thú khi biết rằng cậu ấy nghĩ nó có ý nghĩa.
Cậu ấy nói, bề ngoài thì bài thơ viết về sự chấp thuận - sự chấp thuận của mẹ tôi. Nhưng hơn thế, tôi muốn sự tán thành của mẹ. Và trong trường hợp này tôi muốn một ai đó - một cậu bạn trai - đừng coi thường tôi nữa.
Một cậu bạn trai ư?
Ở đáy cốc nước tạo thành một lớp mỏng rồi nhấc rời ra. Tôi làm một hớp và để một miếng đá nhỏ lăn vào miệng.
Tôi hỏi liệu cậu ấy có nghĩ nó có ý nghĩa gì sâu sắc hơn không.
Tôi ngậm viên đá trong miệng. Nó lạnh cứng nhưng tôi muốn ngậm cho tan.
Một phần tôi muốn nghịch chơi. Tôi nghĩ cậu ấy muốn tìm hiểu chính xác bài thơ của tôi có nghĩa gì. Nhưng tôi lại muốn biết điều mà một giáo viên khi giao một bài thơ có thể muốn học sinh của mình khám phá ra. Bởi vì các giáo viên luôn mong muốn nhiều hơn thế.
Nhưng cậu đã tìm ra, Ryan ạ. Cậu tìm ra ý nghĩa hàm ẩn của nó. Cậu tìm ra điều mà thậm chí tôi còn chẳng tìm thấy trong thơ của chính mình.
Cậu nói rằng bài thơ không phải nói về mẹ tôi hay một cậu bạn nào cả. Nó viết về tôi. Tôi đang viết một lá thư cho chính mình... ẩn sau một bài thơ.
Tôi đã nao núng khi nghe cậu nói vậy. Tôi trở nên đề phòng - thậm chí giận dữ. Nhưng cậu đã đúng. Tôi cảm thấy sợ hãi và buồn bã bởi chính những câu thơ của mình.
Cậu bảo tôi rằng tôi viết bài thơ đó vì tôi sợ phải đối diện với chính mình.
Và tôi dùng hình ảnh mẹ như một cái cớ, buộc tội mẹ vì không cảm thông và chấp nhận tôi, khi mà đáng ra tôi nên nói những lời đó với một chiếc gương.
"Còn cậu bạn trai?" Tôi hỏi. "Cậu ta tượng trưng cho cái gì?"
Đó là tôi. Chúa tôi! Đó là tôi. Bây giờ thì tôi biết điều đó rồi.
Tôi che hai tai lại. Không phải để chặn mọi tiếng ồn bên ngoài. Quán ăn hầu như hoàn toàn yên ắng. Nhưng tôi muốn cảm nhận được tất cả những lời cô ấy nói ra.
Trong khi chờ đợi cậu trả lời, tôi tìm khăn giấy trong ba lô. Tôi biết mình có thể bật khóc bất kỳ lúc nào.
Cậu bảo tôi rằng không có anh bạn nào coi thường tôi hơn tôi đang coi thường chính mình. Ít nhất thì đó là điều có ý nghĩa mà cậu đã nghĩ đến. Và đấy là lý do cậu hỏi về bài thơ này. Cậu cảm nhận thấy nó có ý nghĩa sâu sắc hơn những gì cậu có thể khám phá ra.
Chà, cậu đã đúng Ryan ạ. Nó có ý nghĩa sâu sắc hơn thế rất nhiều. Và nếu cậu đã biết thế, nếu cậu đã nghĩ ra rồi thì tại sao cậu còn lấy trộm cuốn sổ tay của tôi? Sao cậu lại chụp bài thơ của tôi, bài thơ mà chính cậu gọi nó là "kinh hoàng" trong tờ Lost-N-Found? Tại sao cậu lại để người khác đọc được nó?
Rồi mổ xẻ nó. Rồi pha trò cười về nó.
Nó chưa bao giờ là một bài thơ bị thất lạc, Ryan ạ. Và cậu chưa bao giờ tìm thấy nó, thế nên nó không thuộc về bộ sưu tập của cậu được.
Thế nhưng nó lại được tìm thấy trong chính bộ sưu tập của cậu. Đấy là nơi các giáo viên bắt gặp nó ngay trước những bài giảng bài của họ về thơ ca. Đấy là nơi các lớp học với đầy đủ những học sinh cắt xẻ bài thơ của tôi để tìm kiếm ý nghĩa của nó.
Trong lớp chúng tôi, không ai nghĩ đúng về nó. Thậm chí không tới gần được ý nghĩa của nó. Nhưng lúc đó, tất cả chúng tôi nghĩ là chúng tôi đã hiểu. Ngay cả thầy Porter.
Các bạn có biết thầy Porter nói gì trước khi phân phát bài thơ của tôi không? Thầy nói rằng đọc bài thơ của một thành viên không biết tên trong trường chúng ta cứ như đọc bài thơ cổ điển của một thi sĩ quá cố. Đúng đấy - một thi sĩ quá cố. Bởi vì chúng ta không thể hỏi ai được nữa về ý nghĩa thực sự của nó.
Rồi thầy Porter chờ đợi, hy vọng có ai đó sẽ thừa nhận đã làm bài thơ ấy.
Nhưng các bạn biết đấy, chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra.
Bây giờ thì các bạn biết rồi. Và dành cho những ai trong số các bạn cần một món giải khát thì nó đây. "Tâm hồn đơn độc" của Hannah Baker.
Tôi bắt gặp mắt em,
Dẫu em chẳng thấy tôi
Em chẳng đáp lời,
Khi tôi thì thầm: "Chào em!"
Có thể nào là bạn tâm giao?
Hai tâm hồn đồng cảm
Tôi e là chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết.
Người mẹ của con ơi!
Người đã mang nặng đẻ đau ra con
Giờ đây người không thấy điều gì
Trừ những đồ con đang mặc.
Mọi người hỏi người rằng
Con đang ra sao
Người cười và gật đầu;
Đừng dừng lại ở đó.
Đặt con
Dưới bầu trời của Chúa
Và hiểu con,
Đừng chỉ nhìn con bằng đôi mắt trần
Hay mang đi
Chiếc mặt nạ bằng xương và thịt và hiểu con;
Bởi chính tâm hồn con đơn độc.
Và giờ bạn biết tại sao rồi đó.
Vậy có phải các thầy cô của bạn đã mổ xẻ tôi ra trò không? Họ có đúng không? Các bạn có chút liên hệ nào cho rằng đấy là tôi không?
Có đấy, vài người trong số các bạn biết. Ryan chắc hẳn có kể với ai đó - tự hào rằng bộ sưu tập của cậu ấy đã có công đưa nó vào chương trình giảng dạy. Nhưng khi mọi người đối diện với tôi, tôi đã chối bỏ nó hoặc phủ nhận nó. Điều này khiến một vài người trong số họ thất vọng.
Một vài người thậm chí còn viết thơ nhại bài thơ của tôi rồi đọc to chúng cho tôi thấy với hy vọng chọc tức được tôi.
Tôi đã chứng kiến hai cô bạn ngâm nga một bài thơ nhại trước khi chuông báo giờ học của thầy Porter vang lên.
Tất cả những điều đó thật ngớ ngẩn, trẻ con... và tàn nhẫn.
Họ đã không ngừng đưa ra những bài thơ mới mỗi ngày trong cả một tuần liền. Hannah đã cố hết sức để phớt lờ chúng, cô giả vờ đọc sách trong khi chờ thầy Porter lên lớp. Chờ đợi lớp học bắt đầu để giải cứu cô ấy.
Chuyện này chẳng có vẻ gì ghê gớm lắm, đúng không?
Không, có thể không ảnh hưởng gì tới bạn. Nhưng trường học đã không còn là chốn thiên đường đáng tin cậy của tôi trong một thời gian dài rồi. Và sau bản sao chụp vô đạo đức của cậu, Tyler ạ, căn nhà của tôi cũng không còn là chốn an toàn nữa.
Giờ đây, ngay cả những suy nghĩ của riêng tôi cũng đột nhiên bị đem ra làm trò cười.
Một lần, khi những cô gái đó đang chòng ghẹo cô ấy trong giờ của thầy Porter, Hannah ngẩng lên nhìn. Mắt cô ấy bắt gặp mắt tôi trong giây lát. Một chớp nhoáng. Nhưng cô ấy biết tôi đang nhìn cô ấy. Và dù không có ai khác bắt gặp nhưng tôi vẫn quay đi.
Cô ấy chỉ có một mình.
Thơ rất hay, Ryan ạ. Cảm ơn cậu. Cậu đúng là một thi sĩ đích thực.
Tôi kéo tai nghe ra và quàng nó quanh cổ.
"Bác không biết đang có chuyện gì với cháu", người đàn ông nói với qua quầy, "Nhưng bác sẽ không tính tiền của cháu đâu".
Ông thổi vào một chiếc ống hút và nối kín hai đầu ống lại.
Tôi lắc đầu và với tay ra sau lấy ví tiền. "Không ạ, cháu sẽ trả tiền."
Ông thổi chiếc ống hút càng căng hơn. "Bác nghiêm túc đấy. Chỉ là một cốc sinh tố thôi mà. Hơn nữa, như bác đã nói, bác không biết đang có chuyện gì và phải giúp như thế nào, nhưng rõ ràng đang có chuyện rắc rối trong cuộc sống của cháu, nên bác muốn cháu giữ lấy tiền đi." Mắt bác ấy tìm mắt tôi và tôi biết bác ấy có ý nghiêm túc.
Tôi không biết phải nói gì. Mặc dù những lời lẽ thì muốn bật ra nhưng cổ họng tôi cứ thít chặt lại đến nỗi không lời nào thốt ra được.
Vì thế tôi gật đầu, với lấy ba lô và đổi cuộn băng khi tiến ra cửa chính.