Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

chương 19: chuyến đi chơi có 1-0-2

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Chúng tôi mỗi người bới một tô cơm đầy, đi ra bờ ruộng vừa ngồi ăn vừa tranh thủ đuổi cò cho bà nội.

Tuấn Anh phồng má, vừa nhai vừa nói: "tí nữa tụi mày ăn xong, ai về nhà nấy hết đi nha!"

Lớp trưởng hỏi: "câu của mày hơi bị lấn cấn rồi đấy. Sao tụi tao phải về? Thế mày không về à?"

"Đúng vậy!" Mấy bạn khác cũng đồng tình. "Mày định đi đâu chơi nữa à?"

Tuấn Anh khoác cánh tay lên vai tôi, cầm muỗng khua khoắng: "không! Tao không về. Ở đây chơi với An tối tao mới về."

"Thế sao bọn tao không được ở lại? Tao chạy xe rồi tối mày về bằng gì?"

"Tao đi bộ." Tuấn Anh cười nắc nẻ.

Tôi phải chạy đi đuổi cò nên đẩy tay cậu ấy xuống.

"Đi bộ mười mấy cây á?"

"Vậy tao chạy bộ."

"Chân mày sẽ sưng như giò heo."

"Vậy tao sẽ bay."

"Thằng thần kinh!"

Mọi người cũng vừa cầm tô cơm vừa chạy theo phía sau tôi thành một hàng dài. Chúng tôi chạy chân trần trên nền cỏ ẩm ướt sương sớm, hai bên là đồng ruộng xanh ngát, hương lúa non phảng phất dịu ngọt xen lẫn trong gió thoảng. Tôi thích nhất những buổi sáng sớm ở trong quê, nhớ những ngày còn ông, nghe tiếng gà gáy sẽ thức giấc, cùng bà nhóm bếp đun nước, rồi theo ông ra sân tập thể dục, cô chú sẽ lấy cám cho lợn gà ngan ngỗng... còn ông với tôi tập xong sẽ đi tưới rau rồi cùng nhau dắt trâu bò đi cột ngoài bãi cỏ rồi mới đi đuổi cò. Bình yên vô cùng.

"*** con mẹ!"

"..."

Những lúc không gian thơ mộng thế này có thể đừng ăn nói thô bỉ được không? Đứa nào chửi tục vậy? Tôi phải tẩn cho nó một trận mới được! Hừ!

Tôi chạy lại nhẹ nhàng hỏi: "Tuấn Anh sao vậy? Bị ngã à? Có đau không?" Tôi hết hồn khi thấy đối tượng đang nổi khùng chửi thề bị rơi xuống ruộng. Tôi chìa tay ra muốn kéo cậu ấy lên.

Tuấn Anh đứng dưới đó nhe răng cười với tôi, nói: "không phải bị ngã. Thằng Phú đẩy Tuấn Anh."

Rồi lập tức thay đổi sắc mặt quay sang bên kia chửi: "con mẹ mày nữa! Tự nhiên đẩy bố mày! Thằng chó mắt mũi cắm dưới đít à?"

Phú cười lăn cười bò: "hahaha tao có cố ý đẩy đéo đâu. So di so di. Hồi nãy mải chạy không thấy mương nước nên hụt chân ấy mà."

Tôi cầm tô cơm cho Tuấn Anh rồi để lên bờ, sau đó vươn cả hai tay: "nắm tay An đi, An kéo lên."

Diệu Hiền bật cười, nói: "chấp hai thằng An còn chưa chắc kéo được. Coi chừng ngã xuống người nó là hai thằng tắm bùn đấy An ơi. Kệ nó đi cho nó quen mùi bùn trước. Mai mốt thi rớt tốt nghiệp còn về làm ruộng chứ."

Tuấn Anh chống tay lên bờ, dịu dàng nói với tôi: "Tuấn Anh tự lên được mà. An kéo không nổi đâu."

Sau đó quay sang Hiền: "ê con kia! Nhà tao không có ruộng, mà mày có nằm mơ cũng không mơ được tao rớt tốt nghiệp đâu con!"

Diệu Hiền cười: "thế thì đi làm thuê. Mai mốt mày đi làm thuê cho nhà tao đi. Tao mướn mày làm ruộng còn tao cho An ngồi bắc ghế trông coi mày. Làm không được An sẽ đánh mày, cái tội suốt ngày bắt nạt nó."

Tuấn Anh cười ha hả: "nghe cũng ngon đấy! Hấp dẫn ra phết! Tao sẽ cân nhắc."

Nói rồi cậu ấy thản nhiên vươn tay kéo bạn Phú rớt cái tủm xuống ruộng, cả bọn cười nắc nẻ. Mấy bạn nữ đẩy luôn cả lớp trưởng đang ngồi xổm nghịch ếch xuống, vậy là ruộng nhà bà tôi có tận hai tô cơm ụp lềnh phềnh bên dưới.

Tuấn Anh đạp thành đất nhảy lên bờ, chỉ tay xuống bên dưới: "hai thằng con trai ngoan của bố nhớ ăn hết cơm đi không hư hết lúa nhà bà nghe chưa?"

Tôi cười đập tay Tuấn Anh, thấy hai bạn định vớt cơm vào tô cho sạch ruộng thì cản: "không cần đâu. Cứ để đấy cho cá ăn."

Lớp trưởng hỏi: "ở ruộng cũng có cá à?"

"Ừ, có mà. Lên đây đi An bới cho hai tô khác." Tôi cúi người chìa hai tay xuống.

Tuấn Anh nhanh chóng kéo eo tôi lui về đằng sau, ngăn lại: "hay nhỉ! Tính làm một cú ngã lăn quay tuyệt đẹp cắm đầu xuống ruộng đấy à?"

Cả bọn cùng cười. Hai bạn nữ tính lên đẩy tôi xuống thì chưa đụng cửa Tuấn Anh đã phải gặp qua cửa Diệu Hiền trước rồi. Hiền cầm cổ tay hai bạn, hắng giọng: "tụi mày mà đẩy nó xuống là tao đạp hai đứa bây xuống luôn đó. Lên hết đi về rửa tay chân."

Mọi người đang té nước chọc nhau ở sân giếng thì Tuấn Anh lại nhắc: "sạch lắm rồi đấy, đừng chà nữa. Biến về hết đi!"

"Ô thằng này buồn cười nhỉ? Nhà An chứ phải nhà mày đéo đâu." Nói rồi la làng lên: "bà ơiiii! Thằng này cứ đuổi tụi cháu về ạ."

Tôi đang bới cơm thêm vào tô thì bà hét bên tai: "về làm gì!Cuối tuần cứ ở đây chơi bà nấu cơm cho mà ăn!"

Giật cả mình!

Tôi đi lên đưa hai tô cơm mới cho lớp trưởng với Phú, cả hai cầm lấy vội vàng ngồi ở bể nước ăn tiếp. Phú nói: "thằng chó Tuấn Anh cứ đuổi tụi này về đó. An nói gì đi."

?

Nói gì là nói gì nhỉ? Các cậu ấy còn chưa kịp ăn cơm mà. Tôi cũng ngồi xuống, nhanh trí bảo: "các cậu cứ ăn từ từ, ăn no rồi hẵng về. Để An hái mận cho đem về."

Không biết tôi nói gì sai mà cả đám đực mặt ra sau đó mới cười ha hả. Phú thậm chí còn phì cười phun cả cơm ra sân giếng làm đàn gà con chạy tới mổ quá trời.

Lớp trưởng nói: "hahaha. Tao biết vì sao thằng Tuấn Anh cứ dính lấy An rồi đấy! An nói chuyện nghe giải trí thật."

Tôi ngơ ngác nhìn lên Tuấn Anh.

Cậu ấy lấy mấy mảnh hoa ổi trên tóc tôi xuống, cười nói: "ý nó là An đáng yêu đấy!"

Mặt tôi thoắt cái nóng bừng, lẩm bẩm "ăn nói bậy bạ!" Rồi lên tiếng hỏi lớp trưởng: "có chuyện gì vậy? An nói gì sai à?"

Lớp trưởng vừa nhai cơm vừa hái trái ớt bên cạnh cắn rột rột, lắc đầu: "không sai không sai! Tuấn Anh nói đúng đấy! Ý tớ là An nói chuyện thấy vui thôi. Khó diễn tả lắm." Bạn quay qua hỏi Tuấn Anh: "cái gì hả Tuấn Anh? Mày mới nói cái gì ấy nhỉ?"

"Đáng yêu!" Tuấn Anh nhắc lại.

Lớp trưởng vỗ đùi cái bép: "ừ đấy! Đáng yêu! Lúc tròn mắt ngơ ngác nhìn hay lắm. Mà nói mới để ý. An ngây người ra nhìn hợp chứ đặt trên mặt tụi mình chắc nhìn mắc ói lắm nhỉ?"

Tuấn Anh gật đầu, nghiêm túc nói: "đương nhiên."

Tôi mù mịt hết cả người.

Cả đám lại cười lên đợt nữa.

Diệu Hiền vắt vẻo trên cây hái ổi ăn, từ bi hỉ xả mà khai sáng cho tôi: "tại bộ dạng lơ ngơ của An nhìn vui mắt, nói những điều ngốc nghếch nghe vui tai đó. Đáng lẽ hồi nãy Phú kêu An thì An phải giữ người ở lại như bà mới đúng barem nha. Ít ra cũng phải khách sáo. Chứ nói vậy người ta nghĩ An đuổi người thì sao? Mà đuổi người lại dùng bộ mặt thật thà chất phác như thế kia thì ai mà không buồn cười. Đúng là ngố mà. Thế này không biết sau này làm sao mà cua gái nữa!"

Một bạn nữ cũng gật gù: "công nhận! Chơi với Hiền rồi tiếp xúc thân với An mới thấy cậu ấy giống em trai nhà hàng xóm ghê! Tớ cũng thích chơi với An nữa. Ngoan ngoãn gì đâu. Không giống đám đực rựa khốn nạn lớp mình."

Lớp trưởng ném một trái ớt xanh vào bạn, quát lên: "A! Con này láo nhỉ! Có tin tao ghi lỗi mày tội vô văn hoá dám xúc phạm danh dự nhân phẩm cán bộ Nhà nước không hả?"

Bạn lè lưỡi: "tao thách! Có mỗi chức lớp trưởng quèn hồi xưa ai cũng chê nên mới bị ép làm, mới ngày nào nhận chức xong còn ra quán nhà An vừa ăn vừa khóc tu tu bây giờ bày đặt nhận là cán bộ cơ đấy!"

Rồi quay sang tôi nói: "An hay mơ màng như người sống trên mây mà học vẫn giỏi nhỉ? Chả bù cho con Hiền. Lúc nào cũng bày ra bộ dạng nghiêm túc nghe giảng mà học riết từ học sinh giỏi thành học sinh ngu luôn."

Diệu Hiền nhả một đống ổi xuống dưới, la làng lên: "An nhà tao là tâm hồn nghệ sĩ chứ cái gì mà sống trên mây hả? Không thấy nó vẽ đẹp nhất cái huyện này đấy à? Còn tao đã xác định tương lai sẽ làm ở Đại sứ quán rồi nên chỉ cần học giỏi tiếng Anh là được."

Cả bọn cười "Ồ" lên, ai cũng làm động tác muốn ói.

Bạn nữ khác nói: "chứ không phải đầu óc bã đậu cố học rồi mà không vào à? Môn nào cũng dốt, mỗi môn Anh là giỏi thì làm được gì? Đại sứ quán nhận học sinh dốt như mày vào làm gì? Làm lao công à?"

Hahahahaha... Ngay cả Hiền cũng cười.

Tôi đã đứng bật dậy nãy giờ, đợi mãi mới xen vào cuộc nói chuyện ngày càng đem chủ đề đi xa này được, sợ mọi người hiểu lầm nên hốt hoảng xua tay lia lịa: "không phải không phải như vậy đâu! Thật sự không phải đâu! An... An là sợ các cậu về trễ sẽ bị bố mẹ mắng nên mới mới... Tại An ít được đi chơi nên nghĩ ai cũng như mình. Xin lỗi mà. An cũng không muốn mọi người phải về đâu."

Tôi lúc này mới hiểu ra. Lúc nãy hoàn toàn không hề nghĩ tới việc đuổi các bạn mà do nghĩ ai cũng chắc chắn phải về, tưởng là được ngủ bên ngoài một tối đã là bố mẹ cho đi chơi phủ phê lắm rồi chứ. Mọi người đang chơi vui mà phải về tôi cũng buồn lắm chứ bộ.

Không hiểu sao giải thích xong mọi người lại cười thêm lần nữa.

Phú cười ha hả, nói: "An đợi tụi này ăn xong hẵng nói chuyện nhé! Nói tiếp là cười đau bụng phun hết cơm ra mất."

Tuấn Anh thấy tôi lúng túng thì kéo tôi ngồi xuống, cười nói: "không cần giải thích gì đâu. Tụi nó hiểu hết mà. Đang chọc An thôi."

Nói xong cậu ấy quát lên làm tôi cũng giật nảy người: " Có Thôi Đi Không Hả!"

Phú nói: "An đừng có giận đấy nhé! Tụi này hay giỡn nhây vậy đó."

Tôi cũng cười, biết mọi người không có ý xấu đâu, ở đây toàn là bạn tốt cả mà. Tôi nói: "vậy các cậu có được ở lại đây chơi nữa không? Hay là vào nhà gọi điện về xin phép đi chứ lỡ tự ý chơi đến tối sẽ bị mắng đó."

Mọi người đồng ý. Chỉ trừ Tuấn Anh ra thì ai cũng đi gọi điện. Hiền thì về nhà thay đồ vì nãy trèo cây bị téc ống quần.

Tôi hỏi: "Tuấn Anh không xin à?"

Cậu ấy khoanh tay, trả lời: "không! Tuấn Anh chơi game bị đuổi ra khỏi nhà rồi. Giờ không biết phải sống sao nữa."

"Trời ơi!" Tôi vô thức thốt lên, lo lắng hỏi: "vậy vậy phải làm sao? Lần này bố mẹ không tha lỗi cho Tuấn Anh nữa à? Chết rồi! Phải làm sao đây? Hay là Tuấn Anh ở đây đỡ một thời gian đi. Bà dễ lắm, sẽ không khai ra Tuấn Anh ở đây đâu."

Tôi thì hoảng sợ bủn rủn hết cả tay chân, cứ lo cậu ấy bị bỏ rơi cù bất cù bơ không có chỗ ăn chỗ ngủ. Còn cậu ấy thì ôm thân cây đứng cười như được mùa. Lại cốc đầu tôi một cái, nói: "Tuấn Anh đùa đó!"

Tôi lườm cậu ấy một cái, hậm hực bỏ đi vào nhà. Đẹp trai thật đáng ghét! Làm mình muốn nghỉ chơi cũng không được!

Gia đình ai cũng cho ở lại nên tụi tôi bàn tính đi chơi đâu đó thú vị một chút.

Nhà ông nội chạy sâu vào bên vùng sâu vùng xa có một sơn động. Gọi là sơn động thì hơi quá nhưng đối với mấy đứa nhóc tụi tôi khi đó cũng là một nơi bí ẩn, hùng vĩ rồi. Nghe Diệu Hiền kể về những hang đá đó, cả đám đều tò mò, vậy là lấy thêm một xe máy nhà Hiền với mượn thêm một xe máy nhà bà nữa. Cả bọn sợ bà không cho tôi đi xa nên dặn tôi phải nói dối là chỉ đi lên đê thả diều thôi, tôi gật đầu nghe lời răm rắp.

Bà với chú tôi dặn đi dặn lại không được xuống hồ, không được vào hang, không xuống đầm lầy, không được chạy ra ngoài đường cái nhiều xe... Ở quê tôi dễ lắm, không có công an kiểm tra, thậm chí mấy đường mòn trong xóm vùng sâu xa cũng không có công an chạy vào bao giờ. Người lớn sợ chạy ra đường cái ngoài nhà tôi sẽ va chạm với xe khác thôi. Còn chuyện con nít biết chạy xe thì là chuyện thường như ở phường nên chẳng ai lạ lẫm, chú tôi cũng chạy xe từ hồi đầu cấp hai kia.

Dĩ nhiên ngoài Tuấn Anh, Hiền, Phú và lớp trưởng ra thì tôi với hai bạn nữ còn lại đều không biết chạy xe máy.

Mới đầu tụi con gái chia ra, Tuấn Anh chở Hiền, lớp trưởng chở tôi và một bạn nữ, Phú chở một bạn nữ nữa là được. Vì đàn ông con trai thì phải ga-lăng chở phái đẹp.

Nhưng cả Diệu Hiền lẫn Tuấn Anh đều giãy lên.

Hiền bảo: "tao chỉ đường, tao phải lái! Ngồi sau lưng kẻ thù không biết nó sẽ ám sát mình lúc nào!"

Tuấn Anh cũng làm mặt quạu nằm dài trên yên xe không cho ai ngồi lên, nói: "tao chỉ chở An thôi! Đứa nào lên bố mày xé xác!"

Vậy là một xe tống ba, một xe Hiền lái chở một bạn nữ còn Tuấn Anh chở tôi.

Chú tôi hái một rổ mận bự chà bá lửa để tụi tôi đem đi ăn. Tôi lụi cụi đâm muối ớt còn Tuấn Anh ngồi nhìn rồi cứ nuốt nước miếng ừng ừng.

Tôi cười, đưa chén cho cậu ấy, Tuấn Anh liền thò ngón tay vào nếm một miếng, vừa xuýt xoa cay vừa nói "ngon quá!"

Mấy bạn nam cũng chạy lại ăn thử rồi nói: "hay là ngồi ở đây ăn luôn rồi hẵng đi? Thèm nhỏ dãi hết rồi. Muối bén quá!"

Diệu Hiền xách cổ hết lên, nói "tới nơi rồi ăn. Ngồi nữa tí đi nắng lắm, đen hết da."

Tôi nhìn Diệu Hiền mà cứ buồn cười, không hiểu sao mình có thể chơi thân với một người con gái tính tình dữ dằn vậy không biết nữa?

Tuấn Anh mang hết đồ ra rồi mà vẫn thấy tôi đứng đực ra đấy cười ngu thì giục: "còn đứng đờ ra đấy làm gì? Đợi Tuấn Anh bế lên à?"

Tôi vội vội vàng vàng co chân chạy tới. Hình như gu của mình là mấy người dữ như bà chằn thì phải!

Tuấn Anh bắt tôi ôm, tôi không chịu vậy là cậu ấy bắt đầu lạng lách đánh võng, nhưng cũng chỉ hù doạ tôi một chút, tôi đấm một cú là cậu ấy chạy đàng hoàng lại liền. Đúng là thèm đòn mà.

Dự định sẽ ăn uống trước rồi mới vào chơi sau, nhưng khi đến nơi đứa nào đứa nấy đều tò mò muốn đi khám phá trước.

Nơi này đúng là kì bí như Diệu Hiền miêu tả, tôi đi một lần sợ mãi đến già.

Nó nằm ở một khoảng rừng, chúng tôi phải vất xe ở ngoài vì bên trong lắt léo khó đi lắm, toàn là cây cối um tùm. Đến cửa hang cũng dây leo giăng kín mít, đi tới đâu phải vén lá cây ra mới tạo thành con đường mòn nhỏ. Ngay cả cây dương xỉ tôi thường nhìn thấy cũng chỉ bằng bàn tay là cùng, vậy mà ở đây nó bự chà bá lửa, phải cao to gấp ba lần cơ thể tôi. Ai nấy vừa tò mò, vừa sợ hãi, đối với thiếu niên khi đó kích thích vô cùng.

Vào tới bên trong thì vách đá cheo leo, nói chuyện còn nghe tiếng nhau vọng về mấy bận, ở dưới là đầm lầy đen ngòm nhầy nhụa, tụi tôi ném đá với cành cây xuống thì thấy nó chìm chậm rãi từ từ như bị nuốt chửng chứ không giống như nước dưới ao hồ. Đi sâu vào trong nữa thì gặp nguyên một rừng cây kì vĩ như bonsai khổng lồ. Mấy cây này đẹp kiểu ma mị, thân xù xì, gốc trồi lên trên mặt bùn còn rễ thì uốn lượn đâm từ trên cao xuống. Nhìn hơi giống cây đước ở miền Tây trong sách giáo khoa nhưng trông hoang dã, gai góc hơn. Tụi tôi vẫn còn là những đứa trẻ, chưa nói rõ được đó là thực vật gì, chủng loại nào, chỉ đơn giản thấy đẹp thấy lạ thì thưởng thức.

Tụi con trai bắt đầu đào hoa phong lan với hái nấm linh chi còn con gái thì lấy kẹp tóc khắc tên cả bọn chúng tôi lên vách đá kèm dòng chữ 'đã từng tới nơi đây'.

Đường đi cũng khó nên sau khi hái chán chê rồi thì cả bọn ngồi lên rễ cây khổng lồ ngắm cảnh tám chuyện một lúc lâu.

Ai cũng đung đưa chân ở dưới, riêng tôi sợ nước nên ngồi chồm hỗm ôm chặt lấy gốc cây. Tuấn Anh thì dùng một tay vòng qua sau lưng tôi chống lên thân cây, cậu ấy sợ tôi té xuống dưới. Mọi người cười, nói tôi ngồi như ngồi ỉa. Tôi cũng kệ, thẩm mỹ không quan trọng bằng mạng sống.

Mà khung cảnh khi đó rùng rợn cực kì, tôi muốn về nhưng không dám nói, sợ làm mất hứng của mọi người. Tôi tự biết tính mình nhạt toẹt nên không hiểu được thú vui của người bình thường là đúng. Vì vậy trong lòng có hàng ngàn dấu hỏi dí nhau chạy vòng vòng "tại sao hái hoa xong hết rồi lại phải ngồi ngắm hồ nước nhầy nhụa đen sì sì làm gì? Ra ngoài thung lũng ngắm núi ngắm sông không phải đẹp nên thơ hơn à?" nhưng bên ngoài vẫn phải cố cười với những câu chuyện vui của đám bạn.

Nhưng tôi không gan dạ, cố một hồi thành thần hồn nát thần tính tự mình doạ mình, sau đó không thèm cố nữa, ai cười cứ cười còn tôi lo lắng nhìn xung quanh.

Ngay cả Tuấn Anh cũng nói nhìn mặt tôi căng thẳng như chuẩn bị đi ăn trộm.

Tôi trừng cậu ấy, chẳng thèm để ý. Mấy người gan to dũng cảm thì làm sao hiểu được cảm giác của người nhát hít như tôi.

Diệu Hiền vỗ vai tôi, trấn an: "An yên tâm đi. Ở đây không có sâu đâu. Sâu chỉ có trên cây bơ cây điều thôi. Nhà tớ đầy cây cảnh chưa từng thấy tụi nó ở bao giờ."

Tôi mỉm cười với Hiền, "ừ" một tiếng.

Không phải tôi sợ sâu mà tôi chỉ có cảm giác bất an khi tới một nơi nguy hiểm, u ám thôi. Tim cứ vô thức đập mạnh như cảm giác sẽ xảy ra chuyện gì đó không hay.

Lát sau tôi nghe thấy mấy tiếng "loạt soạt loạt soạt, lõm bõm lõm bõm" như là có gì đó chuyển động hoặc rơi xuống nước. Thêm cả tiếng vọng lại vào tai nghe sởn hết tóc gáy.

Mọi người thì lắc đầu làm gì có gì, rồi lại nói chắc là đất đá thôi. Mà tôi không nghĩ là mình hoang tưởng nghe nhầm được. Tôi nóng ruột gan, đứng ngồi không yên nên không tập trung xen vào mấy câu chuyện phiếm của mọi người nữa.

Tuấn Anh ghé vào hỏi tôi "nếu sợ hay là đi về?" Tôi quay sang nhìn cậu ấy, định gật đầu thì thấy ở phía xa thật xa sau lưng cậu ấy có con rắn màu xám bự chà bá lửa, nó vắt vẻo trên cành cây rồi lao cái đùng xuống dưới đầm.

Má ơi!!!!

Tôi bấu chặt lấy đùi Tuấn Anh, cả người run rẩy, mặt cắt không còn một giọt máu. Tuấn Anh chưa biết chuyện gì nhưng cũng cầm chặt lấy tay tôi.

Tôi đang định lên tiếng thì tầm mắt nhìn thấy một con nữa lao xuống, thêm một con nữa... Tôi hoảng loạn lắp bắp nói "có rắn có rắn", thông báo cho mọi người...

Tuấn Anh thấy đầu tiên, ngay từ lúc mặt tôi biến sắc cậu ấy đã quay lại phía sau nhìn theo hướng ánh mắt rồi. Tiếp theo tới cả bọn, mặt mũi ai nấy xanh chành... Chúng tôi thấy không phải một vài con mà là chi chít, chi chít, rắn thành hàng đàn bò lổm ngổm màu xanh màu đen đủ loại đang thi nhau quấn lên cành cây, trườn bò rồi phóng xuống... bơi lúc nhúc...

Tụi tôi đứng hình, cứng họng, tất cả cùng đảo mắt khắp nơi, thấy cả mấy cây đằng xa hay nhìn lên mấy cây gần đây đều có rắn thi nhau bò quện... quấn nhau... uốn lượn... Cả bọn ăn ý không ai dám ngẩng cao đầu nhìn thẳng lên ngọn cây đang ngồi.

Tuấn Anh là người tỉnh táo lại đầu tiên, cậu ấy cầm chặt cánh tay kéo tôi dậy rồi bình tĩnh nói cả bọn đi về. Giọng nói thản nhiên như một chuyến đi chơi thú vị nhưng trễ rồi đến giờ nên ra về vậy.

Tuấn Anh đẩy tôi ra trước ngực nhưng tôi lắc đầu, tôi sợ nhưng không thể để Diệu Hiền và mấy bạn gái phía sau được. Tôi quay lại nắm chặt tay Hiền, cả bọn đều nín thở thả nhịp chân cực nhẹ, Hiền lại chìa tay ra phía sau, đợi mấy bạn nữ lên trước rồi Phú với lớp trưởng mới tiến đến đi sau cùng. Chúng tôi cùng nắm chặt tay nhau thành một hàng dài, cẩn thận theo bước Tuấn Anh mở đường vén cành cây cẩn thận đi ra ngoài. Tôi nhìn xuống bàn tay phía trước đang đan chặt những ngón tay nắm lấy mình, bất tri bất giác an tâm len lỏi đến tận trái tim.

Suy cho cùng chúng tôi vẫn còn là những đứa trẻ, đến loài rắn gì còn không biết thì sao phân biệt nổi có độc hay không. Chỉ biết là sợ! Sợ chết! Mấy phút mà cảm giác như bị chôn vùi trong đó cả ngàn năm. Ai nấy siết tay nhau đến đỏ ửng, rón rén đi ra ngoài. Trên cây nào phía xa gần gì cũng có rắn thì cây tụi tôi ngồi chắc là chắc là... Mặc dù không ai nhắc ra miệng nhưng dám cá là mọi người đều nghĩ như tôi lúc này.

Ra đến cửa động rồi ai cũng nhảy thật nhanh lên bờ mới dám quay đầu lại. Trời ơi thật khủng khiếp... Ở ngay trên đỉnh đầu nơi chúng tôi ngồi khi nãy cũng toàn là rắn... dày đặc... lổm ngổm...

Lúc này mọi người mới đủ sức hét lên chạy thục mạng ra ngoài. Hai bạn nữ khóc nức nở làm cả bọn vừa chạy vừa an ủi. Đến cả Hiền bạo dạn như vậy mà giờ cũng lắp bắp nói không ra hơi thì hai bạn sợ phát khóc là đúng rồi. Đúng là cái giá của việc không chịu nghe lời người lớn.

Ra gần đến chỗ xe gắn máy rồi thì cả bọn thả chậm bước chân để cho mọi người bình tĩnh đã. Tuấn Anh vẫn kéo tay tôi chạy, tới xe mới thả ra.

Tôi khom người thở dốc, Tuấn Anh vỗ nhẹ lên vai tôi, hỏi: "An có muốn khóc không?"

Tôi vừa sợ vừa mệt, hỏi lại: "lúc này mà Tuấn Anh vẫn còn đùa được à?"

Tuấn Anh lấy chai nước, mở ra đưa cho tôi: "không. Tuấn Anh hỏi thật. An có sợ muốn khóc không?"

"Không." Sợ đến nỗi nước mắt tụt vào trong luôn rồi. Cái cảnh tượng rùng rợn khi nãy cả đời này tôi cũng không muốn nhớ lại đâu. Tôi nói đùa: "An đâu có sợ!"

Tuấn Anh chẳng chịu nể nang mặt mũi tôi gì cả, nói huỵch toẹt: "vừa rồi An hét to nhất."

"..."

Tôi có nên đổi đối tượng thích thầm hay không?

Tôi giựt lấy nước từ tay cậu ấy, giậm chân đùng đùng bỏ đi chỗ khác, nói: "Tuấn Anh mới là hét to nhất!"

Tuấn Anh cười, thản nhiên nói: "nãy giờ Tuấn Anh chưa từng la tiếng nào."

Tôi tức giận, kiếm một chỗ ngồi xuống uống nước, không thèm để ý đến cái con người bạo dạn kia nữa. Không biết điểm yếu của Tuấn Anh là gì? Tôi phải tìm cơ hội hù cậu ấy sợ hét toáng lên mới được!

Người phía sau vẫn còn lẻm bẻm: "tưởng An sợ muốn khóc. Nếu muốn thì đi xuống dưới kia Tuấn Anh che cho mà khóc."

Tôi tròn mắt ngẩng đầu thấy mặt cậu ấy cực kì nghiêm túc chỉ xuống thung lũng phía trước thì phì cười, tôi nói: "Tuấn Anh có bị ngốc không? Sợ thì khóc lúc đó chứ làm gì có ai nhịn một lúc sau tìm được chỗ mới khóc. Đợi tìm được chỗ rồi thì phải nhớ lại nỗi sợ để lấy đà khóc à?"

Tuấn Anh cũng bật cười: "ừ. Tuấn Anh cũng cảm thấy mình dạo gần đây càng ngày càng ngốc đi rồi."

Cậu ấy bước tới ngồi xuống bên cạnh tôi, dịu dàng nói: "dạo này tự nhiên Tuấn Anh nghĩ rất nhiều điều, biết trước là không thay đổi được tình hình nhưng ít nhất còn ở đây được bao lâu thì quan tâm An bấy lâu."

"An không phải người hét to nhất nhưng trong lòng Tuấn Anh chỉ có một người, nghe tiếng một người, để ý một người, người này là duy nhất."

Tôi quay sang bên cạnh nhìn, ánh nắng vàng nhàn nhạt dịu nhẹ hắt lên sườn mặt khiến mặt trời nhỏ của tôi thêm lấp lánh toả sáng rực rỡ.

"Lo trước lo sau, sợ được sợ mất. An biết không, Tuấn Anh luôn muốn là người bảo vệ An mãi mãi. Nghe có hơi trẻ con đúng không? Nhưng chắc chắn An sẽ rất ngạc nhiên khi biết Tuấn Anh nghĩ như vậy không dưới một ngàn lần đâu. Rất nhiều... rất rất nhiều... nghĩ nhiều đến nỗi Tuấn Anh chẳng thể đếm nổi nữa."

"Tuấn Anh từng nghĩ chúng ta sẽ học cấp hai cùng nhau, trải qua cấp ba bên cạnh nhau, Tuấn Anh sẽ đạp xe ngang nhà đón đưa An đi học mỗi ngày, sau đó chúng ta sẽ cùng chọn một trường đại học, Tuấn Anh sẽ không ở kí túc xá mà cùng An ở chung một phòng trọ nhỏ. Tuấn Anh đã từng nghĩ như vậy."

"Nhưng ngay cả điều đầu tiên Tuấn Anh cũng không thể thực hiện được trọn vẹn."

"Hồi nãy lúc nhìn An sợ hãi trong lòng Tuấn Anh cũng sợ vô cùng." Tuấn Anh dùng tay ôm lấy ngực trái: "ở chỗ này... ở đây đau lắm..."

"Tuấn Anh biết tại sao mình đau... An à..."

"Sau này An sợ hãi như vậy thì ai sẽ nắm tay, sẽ động viên, sẽ an ủi đây? Không có Tuấn Anh thì An phải làm sao? Cứ nghĩ như vậy lại đau lòng. Rồi lại nghĩ, An ngoan ngoãn dễ mến như vậy, người gặp người thích, chắc chắn sau này sẽ có người khác lo cho an nguy của An hơn cả Tuấn Anh thôi."

"Tuấn Anh đã nghĩ đó là câu tự an ủi mình, nhưng không phải An à, đó là tự lấy dao đâm mình. Càng nghĩ càng nhói lên."

"An nghe hiểu bao nhiêu thì hiểu, không hiểu được mấy thì quên đi, hiểu được cũng đừng nhớ lâu trong lòng."

"Chỉ là lúc nãy nghĩ nếu An muốn khóc thì Tuấn Anh sẽ che chở được một chút. Ít nhất lúc còn ở đây Tuấn Anh cũng sẽ không hối hận vì mình vô tâm bỏ mặc An. Có lẽ do nghĩ quá nhiều, không lựa ra được cách nào tốt, nên lời nói ra lại thiểu năng như vậy. An đừng để ý."

Mắt tôi đỏ hoe, nhìn khuôn mặt Tuấn Anh ngày càng trở nên nhạt nhoà trước mặt. Tôi chỉ cần chớp mắt một cái, giọt nước ấm nóng chảy xuống sẽ nhìn rõ cậu ấy hơn thôi. Nhưng chỉ là cái nhìn tạm bợ. Sau Tết dù tôi có chớp mắt hàng trăm hàng ngàn lần thì Tuấn Anh của tôi sẽ không bao giờ xuất hiện nữa.

Giọng tôi nghẹn ngào, mỉm cười với cậu ấy: "An để ý!"

"Ừ. Cảm ơn An đã để ý Tuấn Anh!"

Cậu ấy dịu dàng ôm lấy khuôn mặt tôi, dùng bụng ngón cái nhẹ nhàng lau đi hai giọt nước thương tâm.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio