Ngân Xuyên mở cửa phòng làm việc.
“Ngồi đi.”
Phan Thịnh Đường đang xem biểu giá dầu mới nhất, ông ta ra hiệu cho anh
ngồi xuống phía đối diện bàn làm việc.
“Cục điện báo của huyện Vạn có chút vấn đề, chắc hôm nay sẽ không gửi
được giá dầu trẩu bên Mỹ, cha đang nghĩ cách liên lạc với một chiếc tàu
quân đội gần biển, nhờ người ta đánh điện hộ.”
“Cha suy nghĩ rất chu đáo, như vậy chú Hứa có thể mua vào bán ra nhanh
hơn.”
Phan Thịnh Đường gật đầu, rồi lại chợt đổi chủ đề: “Mấy hôm nay con
theo cha xử lý công việc, điều con cảm nhận được rõ nhất là gì?”
“Cha làm việc nhọc nhằn cực khổ, dốc hết tâm huyết cho hiệu buôn
Tây…”
Phan Thịnh Đường ngắt lời anh: “Cha không muốn nghe những lời này.
Con nói xem mình đã học được gì.”
“Lòng dạ và mắt nhìn.”
Thịnh Đường nhướng mày, ngẩng đầu thích thú.
“Dù con tài mọn nhưng trông cách cha lo liệu chuyện làm ăn của các chú
các bác, con có thể thấy cha đã giành mối nguy hiểm của mọi người về
phần mình, đây chính là lòng dạ và khí phách của một tổng mại bản. Cha
bằng lòng bỏ của cải nhà họ Phan ra hỗ trợ bốn bác Hứa, Tạ, Thiệu, Mẫn,
đồng nghĩa với việc điều cha coi trọng không phải được mất nhất thời, mà
là viễn cảnh lâu dài. Chuyện làm ăn của bốn bác phần nhiều liên quan đến
thổ sản, chỉ cần Trung Quốc vẫn còn nông dân cày cấy trồng trọt, chỉ cần
người dân đủ sống quanh năm, việc kinh doanh của bốn bác sẽ không chịu
ảnh hưởng lớn, mất mùa thì thu về ít, được mùa thì tiền kiếm nhiều, rủi ro
biến động cũng chỉ ít ỏi chừng đó mà thôi. Tầm nhìn và sự tỉnh táo của cha
chính là thứ bản lĩnh mà con muốn học nhất.”
Thịnh Đường cười: “Mại bản là sự nghiệp của cả dòng họ, cha truyền con
nối cũng là luật bất thành văn, khoảng thời gian này con hãy làm quen với
tình hình của hiệu buôn Tây, cha đã thấy được tư chất của con, cha rất vừa
lòng.”
Ngân Xuyên chờ ông ta nói tiếp.
“Ít hôm nữa con sẽ lên đường sang Anh, chủ tịch Edmund đã gặp riêng
cha, nói nếu con bằng lòng, hiệu buôn Tây sẽ chi một khoản tiền nhỏ làm
tiền học bổng và sinh hoạt phí cho con tại nước ngoài.”
Ngân Xuyên run lên, toan mở lời, nhưng Phan Thịnh Đường đã giơ tay ý
bảo anh hãy tiếp tục nghe mình nói.
“Đúng, hôm nay cha gọi con đến cũng là vì khoản tiền này. Mỗi năm hiệu
buôn Tây sẽ gửi bảng Anh vào tài khoản của con, ngoài ra mỗi tháng
còn có khoảng hai mươi bảng tiền sinh hoạt phí, nếu quy đổi theo tỉ giá
trong nước cũng xấp xỉ lương tháng của một viên chức trung cấp. Nhà
chúng ta không cần phải chi thêm tiền cho con nữa.”
Ngân Xuyên khẽ cào lên đường vân trên bàn làm việc, anh cúi đầu: “Chắc
Phổ Huệ chi tiền không đơn giản vì muốn hỗ trợ cho chuyện học hành của
con.”
“Con cái nhà giàu sang không bao giờ cần lo ăn lo mặc, nhưng cũng phải
có khả năng tự lực cánh sinh. Cha mong con có thể nhận khoản tiền tài trợ
của hiệu buôn Tây, đồng thời cha cũng muốn nói cho con biết trong mấy
năm con ở nước ngoài, gia đình mình sẽ không chi trả thêm bất cứ khoản
nào cho con.”
Ngân Xuyên khẽ thốt: “Ban đầu cha không muốn cho con sang Anh, là tự
con khăng khăng đòi đi, giờ có khoản tiền tài trợ của hiệu buôn Tây con đã
mừng lắm rồi. Con hiểu cha cũng sẽ chẳng để con cầm không tiền tài trợ
của hiệu buôn, cha cứ nói đi ạ, giờ cha muốn con làm gì?”
Thịnh Đường thản nhiên nói: “Hàng hóa trong các kho bãi đang chất ứ
không tiêu thụ được, dạo gần đây cậu con lại giở bệnh đau đầu, chuyện lớn
chuyện nhỏ gì cha cũng phải tự giám sát, khó tránh khỏi có vài chỗ không
lo liệu nổi. Phía Tây Đại Trí Môn có một mảnh đất xây dựng, gồm hai toà
nhà với vài gia đình thuê trọ, hiệu buôn Tây muốn tu sửa nơi này thành
xưởng đóng gói, cũng đã thương lượng xong với mấy hộ gia đình tại đó, xin
người ta kết thúc hợp đồng thuê nhà trước thời hạn, nhưng không biết có
tên du côn nào nhảy ra phá bĩnh, khiến ba gia đình không chịu nhận tiền,
nói phải đợi hợp đồng thuê nhà sang năm kết thúc mới chuyển đi, làm ầm ĩ
lên tận Tòa án. Tú Thành qua xử lý, cho ba gia đình này chút tiền, ra hạn
đến mùng sáu tháng này là phải chuyển nhà, bọn họ cũng đồng ý rồi. Giờ đã
là mùng hai, cha sợ lại nảy sinh chuyện vặt vãnh phiền hà nên muốn con đi
lo liệu thêm cho chắc chắn.”
“Con không hiểu ý cha lắm. Phải lo liệu thế nào ạ?”
“Đám người đó sớm ngày chuyển đi là hay nhất, nhưng nếu cứ tiếp tục gây
chuyện ầm ĩ thì có chuyển hay không nhà cũng vẫn sẽ bị phá. Giờ hiệu
buôn Tây không muốn làm lớn chuyện vào thời điểm này. Con hãy ra mặt
thay cha, và cũng là thay cả hiệu buôn Tây, gửi cho mấy gia đình này ít tiền,
lựa lời khuyên giải an ủi họ thêm. Nếu làm tốt hiệu buôn Tây sẽ thưởng cho
con, phần thưởng không chỉ có khoản tiền học bổng kia đâu.”
Xế chiều hôm ấy, Ngân Xuyên lên đường cùng vị phó giám đốc phụ trách
sự vụ lần này là Ngô Phong Lâm, bọn họ vào kho lấy mấy rương hành lý,
vài món quà như khăn quàng lông cừu, mũ dạ, thêm cả đồng đại
dương, định gửi mỗi nhà thêm . Mảnh đất nọ nằm kế bên ga tàu hỏa, đó
là hai tòa nhà ngói cũ kỹ trơ trọi, vì phần đông khách trọ đã dọn đi cả rồi
nên trông hoang vắng tiêu điều tới lạ. Có một đứa bé con đang nghịch viên
bi thủy tinh ngoài nhà, thấy Ngân Xuyên và mọi người tiến lại, nó như gặp
phải ma, cứ thế co cẳng chạy tót vào phòng, bước chân Ngân Xuyên khựng
lại, Ngô Phong Lâm đã nói cho anh hay hai tháng trước Vân Tú Thành dẫn
lính tuần tới đây đuổi các gia đình đi, cũng từng đánh đập khiến họ bị
thương, giờ Vân Tú Thành đủng đỉnh phủi tay, mình lại phải gánh thay mớ
phiền phức này, anh không khỏi thầm than khổ.
Thật ra chỉ còn hai gia đình mà thôi, nhà còn lại đã chuyển đi rồi, Ngân
Xuyên tự quyết, chia đồng đại dương ra làm hai nửa cho hai nhà. Một
gia đình có ông cụ họ Tào từng làm thầy giáo, mắc tật bướng bỉnh của
người có học, cứ nhốt mình trong phòng ngủ không chịu ra, nhưng bà cụ và
hai người con trẻ tuổi lại sợ phiền nhiễu, họ bưng trà rót nước, nhận tiền
nhận quà, miệng nhất nhất khẳng định sẽ khuyên ông cụ, kiểu gì đến ngày
mùng sáu cũng sẽ chuyển đi.
Ngân Xuyên hỏi kỹ mới hay ông Tào là khách trọ của nơi này được gần hai
mươi năm nên không chịu chuyển đi. Hai đứa con ông sinh ra và lớn lên
trong ngôi nhà này, ông chỉ muốn lưu lại đây càng lâu càng tốt.
Khoảng thời gian trước, các khách trọ chung tay phản đối chuyện hiệu
buôn Tây đề nghị hủy hợp đồng thuê nhà sớm hơn thời hạn cũng vì mong
kiếm thêm chút đỉnh tiền bồi thường, nhưng ông Tào phản đối lại là do tiếc
nuối.
Gia đình còn lại là đôi mẹ góa con côi, đứa trẻ mới chừng bảy tám tuổi,
gầy gò trơ xương, bà mẹ trông có vẻ rất nhu nhược nhát gan, nói chưa được
mấy câu đã nước mắt ròng ròng, chẳng giống kiểu người ngang ngạnh gây
chuyện, Ngân Xuyên ôn hòa hỏi nỗi khổ tâm của người mẹ, rồi lại gọi đứa
bé ốm yếu bệnh tật tới bên mình, hỏi thằng bé có biết chữ không, đã đi học
chưa, thích chơi gì. Đứa bé thấy anh trai này tuấn tú nhã nhặn, dịu dàng lịch
sự, cũng chẳng đề phòng nữa, ngoan ngoãn đáp từng câu một. Ngân Xuyên
thấy thằng bé nhìn chằm chằm chiếc bút máy cài trước túi ngực mình, xem
chừng rất ngưỡng mộ, anh bèn rút chiếc bút ra, cười nói: “Nếu em thích thì
anh tặng em đấy.”
Đứa bé mừng rơn, gương mặt ngượng ngùng đỏ bừng lên, nó không dám
nhận, bà mẹ bèn đưa mắt ra hiệu với đứa bé, ý bảo nó nhận đi. Thấy vậy
đứa bé mới cảm ơn, nhận lấy chiếc bút máy, lại càng thấy gần gũi thêm với
Ngân Xuyên, nó đi kiếm một chiếc ghế nhỏ ra mời Ngân Xuyên ngồi.
Ngân Xuyên ngẫm nghĩ trong chốc lát, hiểu ra rằng đứa bé mang bệnh từ
nhỏ, mẹ thằng bé lại yếu đuối, nghe người khác xúi giục, mượn cơ hội này
để kiếm thêm chút tiền cho gia đình, chung quy cũng chỉ là tâm tư bé nhỏ
của người nghèo, thật sự rất đáng thương. Lòng dạ Ngân Xuyên rối bời, anh
xoa đầu đứa bé, hỏi nó: “Em tên gì?”
“Em tên A Xuyên.”
Ngân Xuyên thoáng sửng sốt, anh mỉm cười nói: “A Xuyên…”
Mẹ thằng bé bảo: “Chúng tôi là người Hán Xuyên, thằng bé lấy tên theo
quê cũ.”
Ngân Xuyên quay đầu bảo Ngô Phong Lâm: “Phó giám đốc Ngô, lát nữa
chú hãy đặt cho hai mẹ con chị đây một quán trọ tử tế, để họ ở tạm vài
ngày, lo luôn cơm nước cho họ nữa. Tiền chú cứ lấy của tôi.”
Ngô Phong Lâm cười: “Tiền này không nằm trong khoản chi của hiệu buôn
Tây, để lát về tôi sẽ viết đơn xin bù một nửa cho cậu cả. Cậu còn phải đi
học nữa, tiết kiệm được khoản nào hay khoản ấy.”
Ngân Xuyên mỉm cười gật đầu.
Người mẹ nghe vậy bèn không ngớt lời cảm ơn, chỉ hận không thể quỳ
xuống dập đầu, Ngân Xuyên xác nhận lại với người phụ nữ thời gian
chuyển nhà, lại rút một đồng tiền cho cậu bé rồi mới từ biệt, rời đi cùng
Ngô Phong Lâm. Giờ vẫn còn sớm, anh bèn đến hiệu buôn Tây, lúc đi
ngang qua phòng kế toán, anh bắt gặp Tạ Tề Phàm đang bước ra. Nhân lúc
rảnh rỗi, anh kể cho ông chuyện này. Nghe vế đầu, Tạ Tề Phàm gật đầu
cười bảo: “Ông ta chủ động giao vài chuyện quan trọng cho cháu làm là có
ý muốn bồi dưỡng cháu.” Nhưng kể tiếp đến chuyện người quả phụ, ông lại
cau mày.
Ngân Xuyên ngạc nhiên: “Cháu làm không đúng ạ?”
Tạ Tề Phàm thở dài: “Cháu sắp mười tám, chuẩn bị trở thành người lớn
thực thụ rồi, chú không thể chuyện gì cũng nói cho cháu được. Nhưng có
câu này cháu phải nhớ kỹ lấy từng phút từng giây: Mềm lòng là đại kỵ.”
Ngân Xuyên nghiền ngẫm câu nói ấy cả buổi tối, trằn trọc trăn trở, suốt
đêm ngủ không yên, nhưng anh không thừa nhận mình là người mềm lòng,
nhất định anh sẽ không bao giờ trở thành một kẻ mềm lòng.
Hôm mùng năm, anh và Ngô Phong Lâm lại tới mảnh đất kế ga tàu hỏa,
người quả phụ đã thu dọn đồ đạc xong xuôi, còn bên ông lão lại chẳng thấy
động tĩnh. Ngô Phong Lâm cười lạnh bảo Ngân Xuyên: “Lão già này cứng
đầu lắm, con trai con gái cũng học được thói xảo trá, lần trước đám nhỏ
nhận tiền, mồm vâng vâng vâng dạ dạ, tay già lại không chịu rời ổ, xem ra
lần này vẫn diễn lại màn cũ.”
Ngân Xuyên cau mày không nói gì.
Bước tới cổng căn nhà, anh thấy hai người con thoáng vẻ chột dạ, ngượng
ngùng chào hỏi anh, Ngân Xuyên không còn kiên nhẫn để nghe họ nói,
trước khi đi anh quay đầu lại nhìn, thấy cửa phòng ngủ có hé một khe hẹp,
cặp mắt đục ngầu của ông cụ đang nhìn về phía anh, ánh mắt ấy đầy vẻ cầu
xin.
Ngân Xuyên sững sờ, anh không biết phải phản ứng ra sao, lòng thoáng
hoang mang.
Tối đến, về tới nhà, anh vẫn đích thân dặn dò người làm chuẩn bị cơm tối
cho Cảnh Huyên không chịu rời phòng như thường lệ. Hôm nay Thịnh
Đường về sớm, ông ta ngồi đọc báo trong phòng khách, thấy anh bận bịu
không ngớt, ông ta gọi anh lại, cười như không cười, bảo: “Nếu con thích lo
chuyện nhà thế thì tội gì phải ra nước ngoài. Cha ghét nhất là thấy đám con
trai trong nhà cứ như đàn bà, chuyện gì cũng phải lo liệu thu xếp bằng
được.”
Ngân Xuyên không dám nói gì, cúi đầu nghe ông ta dạy dỗ.
Bà Vân không kìm nổi nụ cười lạnh lẽo: “Cậu cả nói hay, làm hay, diễn
cũng hay.”
Thịnh Đường làm như không nghe thấy, chỉ liếc nhìn bà ta bằng ánh mắt
khinh thường, nói: “Thế cậu hai của bà đâu? Nếu nó không chịu xuống nhà
ăn cơm thì về sau đừng ăn cơm ở cái nhà họ Phan này nữa. Phan Thịnh
Đường tôi coi như không có thằng con trai vô tích sự như nó, nuôi phí công
mười sáu năm.”
Bà Vân ầng ậc nước mắt, nghẹn ngào: “Ông thiên vị lắm, A Huyên tủi thân
oan ức là thế mà ông không buồn thương xót nó. Tôi vào nhà họ Phan bao
nhiêu năm rồi, nếu ông mà còn nhớ mẹ A Sâm thì đáng ra đừng để chúng
tôi…”
Thịnh Đường giận tím mặt, thét: “Nếu bà thấy thế này là khổ thì tự rời khỏi
cái nhà này đi, đưa theo thằng con trai bà cũng được.”
Bà Vân siết khăn tay, lệ dâng nơi khóe mắt, bà tủi thân cất lời: “Con trai tôi
chẳng lẽ không phải con trai ông sao?”
Ngân Xuyên đi không được, ở cũng chẳng xong, đứng một hồi, anh mới
khẽ khàng cất tiếng: “Cha đừng giận, để con gọi em xuống ăn cơm.”
“Vụ miếng đất kia sao rồi?”
Ngân Xuyên thuật lại tình hình, rồi lại dò hỏi: “Có hoãn lại thêm mấy ngày
được không ạ? Để con tới nhà người ta khuyên nhủ thêm.”
Thịnh Đường cười lạnh: “Con có phải tín đồ Cơ Đốc đâu, sao lại thích làm
việc của giáo sĩ thế?”
Ngân Xuyên biết chuyện đã không còn đường cứu vãn.
Cảnh Ninh xuống nhà, thấy bầu không khí trong phòng khách rất căng
thẳng, cô vội vã quay đầu định leo lên tầng. Thịnh Đường thấy con gái bèn
nhướng mày, lớn giọng: “Khó khăn lắm mới về nhà ăn được bữa cơm, thế
mà cô con gái rượu cũng không thèm nói chuyện với tôi, thấy tôi là trốn,
hay thật!”
Cảnh Ninh đành quay người lại, ngả người xuống lan can nở nụ cười ngọt
ngào với Thịnh Đường: “Đâu có đâu, con nhớ Đa Đa lắm mà!”
Hồi còn nhỏ, Cảnh Ninh nói không sõi, gọi “Daddy” thành “Đa Đa”, giờ cô
cố tình dí dỏm nhắc lại từ này, quả thật Thịnh Đường cũng phải phì cười,
thấy vô cùng vui vẻ. Cảnh Ninh xuống nhà, ngồi cạnh cha mình, kéo tay
ông, ấn loạn lên kẽ ngón tay Phan Thịnh Đường: “Để con ấn huyệt Bách
hội cho Đa Đa.”
“Lại lén ra ngoài học mấy trò linh tinh hả? Học của tên thầy lang vớ vẩn
nào đấy? Huyệt Bách hội ở đây này!” Thịnh Đường cốc đầu con gái, Cảnh
Ninh cười khúc khích, nhào vào lòng ông.
Tâm trạng bà Vân khá lên nhiều, bà vươn tay xoa lưng con gái, vuốt mái
tóc sau gáy con, gương mặt tỏ rõ vẻ đắc ý của một người mẹ hiền.
Cảnh Ninh nháy mắt với Ngân Xuyên, Ngân Xuyên biết cô đang giải vây
giúp anh, bèn mượn cớ tìm Cảnh Huyên để rời khỏi phòng khách.
Cảnh Huyên đang trốn trong phòng, cắn hạt dưa đọc sách, thấy anh vào,
cậu bèn quay đầu lại: “Không xuống đâu không xuống đâu, em không
muốn nhìn thấy họ.”
“Không muốn cũng phải nhìn, cha bảo rồi, nếu em không ăn cơm với cả
nhà thì về sau đừng ăn cơm ở nhà họ Phan nữa. Vậy em định đi đâu ăn?”
“Sau này anh phát tài em ăn ké cơm của anh được không?” Cảnh Huyên
tức giận nói.
Ngân Xuyên vươn tay cầm lấy cuốn sách của cậu, anh dịu dàng nói: “Nếu
có kiếm tiền nuôi em thì cũng phải đợi một thời gian dài nữa, anh vẫn đang
ăn chực cơm nhà, giờ biết tìm đâu ra tiền? A Huyên, sự đã rồi, phải đối mặt
với hiện thực thôi. Đời người còn dài lắm, em còn có chỗ dựa là gia thế và
địa vị của nhà họ Phan, ngoài kia không ai dám coi thường em cả.”
Mắt Cảnh Huyên đỏ hoe: “Lòng bọn họ vẫn thầm mắng em là thằng tàn
phế đấy thôi.”
“Nếu lòng em tàn thì mới thật sự là tàn phế. Khi đó đến anh cũng coi
thường em.”
“Anh cả, anh có trách em không?”
“Trách em chuyện gì?”
“Từ nhỏ em và Bé Hạt Dẻ đã toàn cướp đồ của anh, cướp đồ chơi, cướp
thìa, sách, quần áo, lúc nào chúng em cũng muốn hơn anh, mà anh thì luôn
nhường bọn em. Cơ hội thực tập tại hiệu buôn Tây khi trước cũng là anh
nhường em. Lúc nào cậu cũng nói xấu anh với em, cậu bảo anh đang lừa cả
nhà, nên bắt em phải học nhiều hơn anh…”
“Em đừng nói những chuyện này với anh.”
Cảnh Huyên vẫn cố chấp nói tiếp: “Đến cả khi em bị bắt cóc cũng là anh
đến đón em, nếu không nhờ ngài Đồng đi thay thì có khi giờ anh vẫn còn
đang nằm trong tay đám người xấu, anh cả… em xin lỗi… chỉ là có những
lúc em cứ luôn nghĩ tới mình trước…”
Ngân Xuyên thở dài: “Nghĩ tới mình trước là đúng. Đây là bản tính con
người. Hơn nữa anh biết em là một chàng trai tốt. A Huyên, em ưỡn thẳng
lưng lên, hãy làm sao cho ra dáng một người đàn ông.”
Cảnh Huyên gật đầu thật mạnh: “Vâng, em nghe lời anh!”
“Vậy giờ xuống ăn cơm nào.”
“Nhưng em thật sự không có khẩu vị.”
“Giả bộ thôi cũng được. Hay anh kể cho cha nghe chuyện của em với cô
đào nhảy kia nhé.”
Cảnh Huyên giậm chân: “Anh đưa danh thiếp của cô ấy cho em mà!”
Ánh mắt Ngân Xuyên hiện vẻ ranh mãnh hiếm thấy, anh đặt ngón tay lên
môi, ý bảo cậu nói bé thôi, Cảnh Huyên phì cười, như thể hai anh em họ
đang chia sẻ một bí mật rất đỗi thú vị.
Hôm sau, trời còn chưa sáng Ngân Xuyên đã thức giấc, anh bắt gặp Vân
Thăng ngoài vườn hoa. Trước giờ công việc của quản gia nhà họ Phan
không đơn giản chỉ có xử lý việc nhà, mà còn phải nhúng tay vào một phần
tài sản dính dáng đến hiệu buôn Tây, có nhiều chuyện Vân Thăng chưa
quen, khó tránh khỏi vất vả chật vật, lúc này mặt mũi anh ta vô cùng mệt
mỏi. Chủ tớ đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng cười khổ.
Vân Thăng nói: “Cậu cả, có lẽ có những chuyện để người khác xử lý sẽ dễ
dàng hơn đích thân làm nhiều.”
Ngân Xuyên hờ hững đáp: “Còn chưa ra chiến trường mà ngay cả rút đao
nhìn máu cũng sợ thì về sau chuyện nhà họ Phan không đến lượt tôi quyết.”
“Chắc chắn cậu có thể vượt qua ải này.” Vân Thăng mỉm cười, rồi chợt do
dự trong chốc lát, muốn nói lại thôi.
“Có chuyện gì vậy?”
Vân Thăng ngẫm nghĩ rồi nói: “Chuyện nhỏ thôi ạ, hôm nay cậu về tôi sẽ
thưa.”