Cửu Dung

quyển 5 chương 8: tình liền thơ thuận nghịch (2)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Tiết vương gia cầm tờ giấy trong tay, nói: “Hoàng thượng, hiện giờ trong tay thần đệ chỉ còn hai bài thơ nữa thôi, một bài là của hoàng tẩu, một bài là của Dung phi. Thần đệ sẽ đọc bài của hoàng tẩu trước. Hoàng tẩu quả nhiên là đọc đủ loại thi thư, tài văn chương siêu phàm, bài thơ thuận nghịch của hoàng tẩu viết ra khác biệt rất lớn so với của những người khác. Hoàng tẩu tổng cộng viết hai bài: ‘Sông xanh tĩnh động nước qua cầu, mộng xa kinh hoảng mấy lá đâu. Trông nhạn rơi đà trời rét muộn, không đóm ở lại đạm mây sầu’. Đây là bài thứ nhất, bài thứ hai như thế này: ‘Nhường êm sóng nước đổ muôn phương, lá xanh vừa mọc nửa cuốn hương. Hương cuốn nửa mọc vừa xanh lá, phương muôn đổ nước sóng êm nhường’. Hai bài thơ thuận nghịch này của hoàng tẩu dùng từ tinh tế lưu loát, vận luật và phong cách đọc lên thấy thanh tân tuyệt đẹp, làm cho người ta lập tức có thể cảm nhận được vẻ đẹp của mùa xuân. Bất luận là về mặt ý cảnh hay dùng từ đều là tuyệt tác hàng đầu. Đáng tiếc là chỉ viết về cảnh sắc của một mùa, không biết Hoàng thượng, hoàng tẩu cho rằng lời bình của thần đệ thế nào?”.

Hoàng hậu cười nói: “Nghiên cứu của hoàng đệ với đối với thi từ ca phú còn cao hơn cả Hoàng thượng và bản cung, lời bình đương nhiên là rất đúng trọng tâm. Có điều bản cung không quá mức tinh thông thi từ, viết ra đương nhiên cũng không hay được như hoàng đệ nói đâu”. Nói xong, nàng lại nhìn Hoàng thượng: “Chẳng hay ý của Hoàng thượng ra sao?”.

Hoàng thượng cười ha ha, nói: “Thúc tẩu hai người không cần phải ở đây khen tặng nhau vậy đâu. Theo trẫm thấy, Hoàng hậu viết rất xuất sắc, lời bình của hoàng đệ cũng rất đúng trọng tâm, đều có thưởng hậu. Tiểu Tam Tử, chẳng phải lần trước Nam Vệ có tặng một bộ y phục tơ mềm cương kim bích nguyệt sao? Nghe nói bộ y phục này đao thương bất nhập, vận lên người thì không cần phải lo có nguy hiểm gì. Bây giờ ngươi lấy đến đây, đưa cho Vương gia đi. Hoàng hậu, phần thưởng của nàng thì chờ sau khi tan Dung Hoa hội, trẫm sẽ bàn lại với nàng”.

Hoàng hậu mỉm cười đáp: “Hoàng thượng, thần thiếp viết còn chưa hay, làm sao dám nhận thưởng chứ. Hoàng thượng ban cho các muội muội trong cung là được rồi”.

Tôi nghe Hoàng thượng nói vậy, trong lòng lại không kìm được cơn ớn lạnh. Sao Hoàng thượng lại ban cho Tiết vương gia bộ y phục tơ mềm cương kim bích nguyệt chứ? Thật sự là có phần kỳ lạ, Tiết vương gia là quan văn, bình thường không ra chiến trường. Theo lý thuyết, bộ y phục tơ mềm cương kim bích nguyệt mà Hoàng thượng nói nên ban cho quan võ mới là hợp tình hợp lý.

Lúc này, Tiết vương gia lại lên tiếng: “Hoàng thượng, bốn bài thơ thuận nghịch mà Dung phi nương nương viết ra có thể nói là tuyệt vời. Chắc hẳn Hoàng thượng đã xem qua, không biết ý của Hoàng thượng thế nào?”.

Hoàng thượng khen: “Thơ Dung phi viết quả thật rất hay. Nếu không nhờ Vương gia nhắc nhở, trẫm cũng không biết Dung phi lại có tài hoa kinh thế tuyệt diễm đến bực này”.

Minh quý phi ở bên cạnh lẩm bẩm: “Nói suông thì có ích lợi gì? Có bản lĩnh thì cứ đọc ra nghe chút thử xem, chứ khoe khoang thì ai mà chẳng làm được”.

Lời Minh quý phi nói hiển nhiên đã lọt vào tai Tiết vương gia. Y nói: “Hoàng quý

phi nương nương, xin đừng gấp gáp, thần đệ sẽ đọc to bài thơ Dung phi đã làm. Bốn bài thơ thuận nghịch này của Dung phi nương nương, phân biệt thành cảnh sắc bốn mùa xuân hạ thu đông, thật sự là những bài thơ hay chỉ có thể gặp chứ không thể cầu. Bốn bài thơ của Dung phi nương nương có thể quy thành bốn câu nói: ‘Oanh ca bờ liễu rạng xuân tình sáng đêm thanh, đây sen biếc nước động gió lay ngày hè dày, sông thu khổ nhạn trú cát hồng nước cạn không, hồng lò than đủ nướng hàn phong ngự rét đông’”.

Sau khi Minh quý phi nghe xong, cười khẩy nói: “Đây cũng là lời thơ thuận nghịch ư? Chẳng lẽ Vương gia lấy chúng tỷ muội chúng ta ra đùa sao?”. Lúc này, trong nhóm chúng phi tần cũng người người nói hùa theo. Ngay cả Lý Thanh Dao cũng đứng bên cạnh nói: “Vương gia, không phải người đã hồ đồ rồi chứ. Nếu người nói sai, cẩn thận Hoàng thượng sẽ trách móc đấy”.

Tiết vương gia cười nói: “Hoàng thượng và Hoàng hậu chắc hẳn đã biết ngọn nguồn bốn bài thơ này rồi. Bây giờ đệ sẽ đọc bốn bài thơ này lên cho các vị nương nương nghe, bốn bài thơ này phân biệt như sau:

Thơ cảnh xuân (Oanh ca bờ liễu rạng xuân tình sáng đêm thanh)

‘Oanh ca bờ liễu rạng xuân tình

Liễu rạng xuân tình sáng đêm thanh

Thanh đêm sáng tình xuân rạng liễu

Tình xuân rạng liễu bờ ca oanh.’

Thơ cảnh hạ (Đây sen biếc nước động gió lay ngày hè dày)

‘Đây sen biếc nước động gió lay

Nước động gió lay ngày hạ dày

Dày hạ ngày lay gió động nước

Lay gió động nước biếc sen đây.’

Thơ cảnh thu (Sông thu khổ nhạn trú cát hồng nước cạn không)

‘Sông thu buồn nhạn trú cát hồng

Nhạn trú cát hồng nước cạn không

Không cạn nước hồng cát trú nhạn

Hồng cát trú nhạn buồn thu sông.’

Thơ cảnh đông (Hồng lò than đủ nướng hàn phong ngự rét đông)

‘Hồng lò than đủ nướng hàn phong

Đủ nướng hàn phong ngự rét đông

Đông rét ngự phong hàn nướng đủ

Phong hàn nướng đủ than lò hồng.’

Đây chính là bốn bài thơ thuận nghịch[] của Dung phi nương nương, chẳng hay ý của chư vị nương nương thế nào?”.

[] Bốn bài thơ thuận nghịch tả cảnh sắc bốn mùa Lãnh Cửu Dung viết vốn là tác phẩm của tài nữ Ngô Giáng Tuyết triều Minh - chú thích của chính tác giả.

Chúng phi tần nghe vậy, lập tức mở to hai mắt, thậm chí còn có người khe khẽ nói: “Đây là thứ Dung phi viết ra trong thời gian nửa tuần hương sao? Thật sự không thể tưởng tượng nổi”.

Hoàng hậu bảo: “Hoàng thượng, Dung phi nương nương quả nhiên là tài học xuất chúng, hơn hẳn thần thiếp, tính tình lại hiền lành hiếm thấy, thật sự là cái phúc của Hoàng thượng. Thần thiếp chúc mừng Hoàng thượng có được một nữ tử tốt như Dung phi muội muội”.

Hoàng thượng cười nói: “Dung phi quả nhiên thông minh hơn người, những người còn lại không thể sánh bằng. Dung phi, không biết nàng muốn phần thưởng thế nào? Nàng muốn gì cứ việc nói ra là được, trẫm nhất định sẽ làm thỏa lòng nàng”.

Tôi vội đáp: “Cửu Dung không có công trạng gì, nào dám nhận thưởng? Cửu Dung tài hèn học ít, Hoàng thượng đừng trách tội là tốt rồi”.

Hoàng thượng nhìn tôi, rồi lại nhìn Tiết vương gia, cười bảo: “Hoàng đệ, trước kia may mà có đệ thu nhận Dung phi, trẫm mới có được một phi tử xuất sắc đến vậy. Để khen ngợi đệ, đệ còn muốn được ban thưởng gì nữa? Trẫm sẽ cùng ban thưởng cho đệ là được”.

Tôi suy nghĩ những lời Hoàng thượng nói, tóm lại là trong lời mang ẩn ý. Tiết vương gia vội quỳ lạy: “Thần đệ không dám. Mới vừa có cử chỉ cả gan, xin Hoàng thượng hãy thứ tội”.

Hoàng hậu nương nương bên cạnh đỡ lời: “Được rồi được rồi, đều là người trong nhà, ban thưởng hay không không quan trọng, quan trọng là người trong một nhà vui vẻ hòa thuận, đó chính là phúc khí của quốc gia xã tắc”.

Hoàng thượng hơi trầm tư nói: “Nếu hoàng đệ không cần ban thưởng thì thôi vậy. Dung phi, nàng kính Vương gia một ly rượu, cảm tạ vừa rồi Tiết vương gia đã giải vây cho nàng đi”.

Tôi nhẹ nhàng phất lọn tóc, nếu Hoàng thượng đã nói vậy thì hiển nhiên là phải làm vậy, nhưng rốt cục trong lòng Hoàng thượng là đang muốn gì đây?

Lập tức có tiểu thái giám dâng rượu lên trước mặt tôi, nói: “Dung phi nương nương, mời”.

Tôi nâng chén lên cao, chậm rãi đi đến trước mặt Tiết vương gia, nói: “Vương gia, mời”. Lúc Tiết vương gia đón nhận cái chén của tôi, bàn tay khẽ run lên, giờ này khắc này, hẳn là trong tim y cũng đang mãnh liệt dậy sóng.

Tôi cúi đầu, không dám nhìn, cũng không thể nhìn y, khoảng cách giữa hai người chúng tôi đã từng gần như thế, chưa được bao lâu, giữa chúng tôi đã lại trở nên xa cách như vậy.

Tiết vương gia từ từ nâng chén uống hết, nói: “Cảm tạ Dung phi nương nương ban cho”.

Lời y nói rõ rệt như thế, nhưng nghe rồi lại làm cho người ta cảm thấy xa xôi vô cùng, trái tim cũng khẽ run rẩy theo. Sắc mặt tôi lại thanh đạm như nước, nói: “Hoàng đệ thật sự khách khí rồi, xin hoàng đệ hãy hết lòng phụ tá Hoàng thượng, góp một phần sức lực cho Tây Tống ta, đây chính là phúc khí của quốc gia và xã tắc”. Tôi lan man nói những lời vốn không muốn nói ra. Bởi vì trong nháy mắt, tôi đã hiểu ra ý của Hoàng thượng khi để tôi mời rượu. Thật ra Hoàng thượng đang nhắc nhở tôi, tôi và Tiết vương gia giờ đã là quan hệ thúc tẩu, hơn nữa, cả đời này đều là quan hệ thúc tẩu.

Tiết vương gia nghe thấy lời tôi nói, đầu vai lại khẽ run lên: “Thần đệ tuân mệnh, xin Dung phi nương nương yên tâm”.

Ngay sau đó, tôi lui trở về chỗ ngồi của mình, Hoàng thượng bắt đầu ban thưởng

tiệc rượu, chư vị phi tần thoải mái mặc sức uống rượu. Giữa yến tiệc linh đình, tôi chỉ cảm thấy tinh thần hốt hoảng. Tiệc là tiệc ngon, hội là hội đẹp, nhưng không ai biết rằng, đây thật sự là một chiến trường đầy khốc liệt. Trong lúc không chú ý, tôi đã làm tổn thương đến người mình không nên làm tổn thương nhất, chỉ vì muốn bày tỏ sự trung thành của tôi giống như người kia.

Tôi ngẩng đầu lên, nhìn Hoàng thượng một chút, một ánh mắt lạnh lùng nghiêm nghị đang quẳng về phía tôi. Thật không ngờ, giờ này khắc này, Hoàng thượng lại đang nhìn tôi chăm chú. Tôi không đọc hiểu được ánh mắt của người, tuy nhiên vẫn có thể cảm nhận được sự hùng hổ dọa người và hàm ý cảnh cáo trong đó. Tôi chậm chạp cúi gằm mặt xuống, không nhìn bất cứ một ai nữa, miễn cưỡng cười vui, một lần nữa tự nói với mình rằng, đây là số mạng của Lãnh Cửu Dung tôi.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio