– Ma đói là loài chúng sinh hạ đẳng, chết đường chết chợ, vô cùng phàm ăn. Muốn chúng trở thành ma xó thì phải nuôi ít nhất năm bằng thịt chó gà sống, còn nhanh hơn chỉ có thể dùng thịt người thế vào, nuôi trong năm. Nhiều kẻ vì không yểm thuật đúng cách mà thân cũng thành mồi cho lũ ma đói, như vừa rồi mày làm đấy.
Giọng thằng Cường dịu đi vài phần, có vẻ tình hình đã bớt căng thẳng, tôi vẫn nín lặng, bao nhiêu suy nghĩ cùng lúc hiện lên trong đầu tôi. Người bên kia chỉ tôi cách này mà không nói cho tôi biết đây là thuật nuôi ma xó, còn giải thích rằng những vật tôi mang theo là để thế thân cho tôi lúc nguy cấp.
Mẹ kiếp, thằng khốn, nó biết là tôi chẳng hiểu gì về thế giới tâm linh, nó làm như vậy cốt là để dụ tôi vào bẫy, thịt người giúp lũ ma đói nhanh chóng luyện thành ma xó. Có thể do bọn khốn nạn ấy chỉ lừa người là chính, trang kín đó là một hội ma quỷ, chúng chỉ hoạt động trong phạm vi những chủ quản thành lập, còn người tham gia, như tôi, sẽ là mồi cho quỷ thuật của chúng. Vậy nên thành viên trong hội rất ít, những người tới đây đều sẽ được chỉ cách để tiếp cận với quỷ thuật, sau mỗi lần như vậy, còn được bao nhiêu người sống sót để mà trở lại tố cáo chúng. Tôi thầm trách mình sao có thể ngu muội, đâu đầm vào tin những trò mê tín dị đoan này, từ giờ tôi sẽ tin vào nhân sinh quan của mình, kinh nghiệm sống hai mấy năm của tôi mới thực sự đáng tin.
Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, giờ thì tôi chẳng còn gì phòng thân, không một tấc sắt trong tay, nếu thằng Cường mà nổi điên lên, chắc tôi cũng thành ma đói đi xin ăn theo lũ kia mất. Đang tự nhủ trong lòng, tôi liếc mắt nhìn về phía thằng Cường, thằng này vẫn chưa định đi tiếp, ánh mắt có vẻ khác thường.
Vừa rồi thì hai mắt ấy hung hãn như muốn ăn tươi nuốt sống tôi, còn hiện tại, chúng lại buồn và có phần thất vọng kỳ lạ. Thấy tôi nhìn mình, thằng Cường chỉ chớp mắt rồi quay mặt đi, cái tướng của thằng ấy lúc đó giống như một người con gái hờn giận mà buông xuôi tất cả. Mày thôi đi được rồi đấy, mặt mày cũng có loại biểu cảm như vậy sao, giờ tôi mới thấy thực ra mặt con trai cũng có nhiều nét rất giống con gái.
Thằng Cường lại đi tiếp. Trăng đã chếch về hướng tây, chắc cũng phải h sáng rồi. Đi đêm như này thực chất cũng có cái thú, không khí thoáng đãng và yên tĩnh, nếu không vì đang đi vào chỗ chết thì đầu óc tôi sẽ thấy rất thanh tịnh. Chẳng rõ từ lúc nào mà tôi lại nghĩ hay là phó mặc cho số phận, tới bước chân còn không làm chủ được, sống hay chết cũng đâu phụ thuộc vào bản thân mình nữa.
– Sắp tới chợ rồi, đeo vòng vào đi.
Hức, trong lúc đang suy nghĩ miên man thì thằng Cường lại thả một câu như sét đánh vào giữa đầu tôi, bao nhiêu thư thái cũng vì thế mà cháy khét lẹt hết. Vòng gì, tôi thầm hỏi, vòng, vòng, vòng… Cái vòng ở dưới gối, chết mẹ, đâu rồi, tôi sợ quá, giờ thằng ấy mới hỏi tới cái vòng đó, nhỡ mà tôi quên không đem theo thì biết làm sao.
Tôi lần hết các túi áo, không thấy thì sờ sang túi quần. Đây rồi, tôi lôi cái vòng ra ngắm nghía dưới ánh trăng, bề mặt sần sùi của vỏ cây xoắn vào với nhau, giữa là một cái nút thắt đơn giản, nói thật thì nó không có gì đẹp đẽ cả. Nhưng thằng kia đã bảo đeo thì đành đeo vậy, ít nhất đeo vào rồi có khi thằng kia sẽ thấy tôi nghe lời mà tha cho tôi lần này.
Không gian trước mặt tôi đang dần rộng ra, trăng sáng và không có gì che khuất tầm mắt, tôi đã bắt đầu thấy được một vài bóng người ẩn hiện xa xa. Vậy là tôi đã sắp tới nơi mình trở thành hàng hóa, tôi sẽ bị bán đi bán lại, không biết người ta sẽ ngã cho mạng tôi bao nhiêu tiền âm phủ? Mong là đủ nhiều để thằng Cường chia cho tôi một ít, coi như là tiền mãi lộ khi đi sang thế giới bên kia.
Cộc cộc
Có tiếng gì như tiếng xe ngựa đang tiến tới.
Cộc cộc. Cộc Cộc. Cộc cộc.
Ngay lúc tôi đang phân tích âm thanh thì từ phía sau có một cái xe ngựa thồ chạy qua. Xe ngựa gì mà đi như xe đua, tôi chỉ kịp thấy trên xe có hai người, một người ngồi đầu xe đánh ngựa, còn một người ngồi sau, hình như đang ôm mấy sọt hàng. Người ngồi sau quay mặt về phía tôi, cái vẻ khắc khổ của người miền núi in hằn trên mặt.
Đó là người thật, mặt mũi rõ ràng như vậy sao có thể là ma được, trong lòng tôi như bùng lên hy vọng, có khi đây là phiên chợ đêm của người vùng cao, tôi nghe nói là họ hay họp chợ vào lúc sớm, chắc hôm nay cũng vậy. Đang nghĩ thì lại có một người nữa đi tới, tôi thấy đầu người đó quấn một chiếc khăn tròn, thân mặc một cái váy thổ cẩm dài tới bắp chân, hai chân bó vải, bàn chân để trần. Lưng người ấy gùi một cái sọt đồ to gấp đôi người, dáng đi nặng nề, mặt cứ cắm xuống đường. Trông vô cùng cực khổ.
Nghĩ hay là mình khiêng giúp người ta một vài món, để một người phụ nữ gầy yếu thế kia vác đồ tôi không đành lòng. Vừa tiến lại gần gọi bác gì ơi, người kia hình như không nghe thấy, tôi lại gọi cô gì ơi, người kia vẫn đi, tôi đứng luôn lên trước mặt người ấy, gọi một tiếng chị gì ơi. Người ấy vẫn cúi mặt bước đi, coi như không nghe không nhìn thấy tôi.
Tôi nhìn theo bóng người phụ nữ ấy, xa xa hiện lên trước mắt tôi một vùng sáng rực đầy đèn đuốc cùng người đi tấp nập. Nhưng không phải là ánh sáng đỏ bập bùng ấm áp mà là thứ ánh sáng xanh u ám âm trầm.
Người ở đây thật kỳ lạ, rất nhiều người phụ nữ gùi đồ trên lưng, mặt cúi rạp xuống đất, còn đàn ông thì đi phía trước dắt lừa hoặc la, dù là người đang làm việc khổ sở hay người đang đi bộ bình thường, khuôn mặt họ đều mang một vẻ tang thương. Ai cũng rầu rĩ, xanh xao. Họ đang đi về nơi đèn đuốc lung linh kia, có vẻ đó chính là nơi họp chợ.
Không có cái vẻ huyên náo thường thấy ở những khu chợ tôi từng đi xem, chợ phiên này vô cũng tĩnh lặng. Tôi có thể thấy người đi lại như mắc cửi, nhưng bước chân của họ nhẹ bẫng, hành động của họ cũng từ tốn và có vẻ không ai vội vã làm gì cả. Bán hàng mà cứ chậm chạp như vậy chắc chắn sẽ ế, tôi tự nhủ.
Càng đến gần, càng có thể thấy rõ những sạp hàng trong các chòi lá xếp san sát nhau, từ đó bày biện ra biết bao nhiêu loại mặt hàng. Tôi mải nghĩ về người phụ nữ gùi đồ lúc trước, mắt tìm kiếm trong đám đông, cuối cùng thì tôi cũng thấy được người ấy. Có vẻ đó không phải một người giàu có gì, sạp hàng được lót bằng mấy tấm lá, bên trên đặt những búp măng tre. Kỳ quái ở chỗ những búp măng kia đã héo tới thâm đen, thậm chí nó có thể mủn ra như bùn khi bị động mạnh vào, nhưng người kia vẫn bày ra để bán. Ai mà đi mua thứ ấy.
Tôi nhìn sang chỗ khác, một sạp bán đồ thủ công có vẻ khá giả, người mua đứng chen chúc, bên trong thấy những nỏ, dao rựa, những tượng trâu đất, lợn đất, rồi cả những giỏ, gùi để lẫn lộn. Người ta mua cái gì nhặt cái gì, chủ sạp cũng không để ý, mặt chủ sạp lúc nào cũng buồn não nề. Rồi khi người mua trả tiền, tôi thấy họ trao đổi bằng một thứ tiền kỳ lạ, là những tờ giấy vàng được cắt hình tròn, ở giữa khoét một hình thoi giống như vàng mã ở bên Tàu.
Tôi bước tiếp, càng đi tôi càng hoang mang, hành động của người ở đây có gì đó rất khác thường. Bên kia có một sạp rượu chay (rượi không đồ nhắm), vài người đi chợ đang ngồi đó chúc nhau những bát rượu vùng cao thơm mùi ngô mới. Nhưng tôi chẳng ngửi thấy mùi gì từ đó cả. Những vị khách ngồi gò người cạnh một mặt đá tròn, tay liên tục nhấc lên hạ xuống với khuôn mặt rầu rĩ như đưa đám. Trong bát trống trơn, không một giọt rượu, vậy mà người ta vẫn uống, uống tới mức say khướt mới đứng dậy.
Rồi cạnh sạp rượu là sạp thắng cố. Tôi từng đi chợ vùng cao, thắng cố là một món đặc trưng chỉ có những phiên chợ đông đúc mới có. Người ta cho đuôi bò, lòng bò, phổi bò và những nội tạng khác vào nấu trong một cái chảo cực lớn, mùi của nó nặng tới mức đi từ đầu chợ tới cuối chợ vẫn có thể ngửi thấy. Nhưng trong chảo thắng cố kia chỉ có đầy một đống tro. Không biết vì sao mà người đi chợ vẫn cứ vào quán, họ gọi cho mình một bát thắng cố tro như vậy, vừa thổi phù phù vừa và vào miệng, kèm theo đó là khuôn mặt nhăn nhó.
Không gian xung quanh lạnh ngắt, xen giữa dòng người đông đúc là sự tĩnh lặng, không ai nói cười, không ai chào hỏi nhau câu nào. Đây thực sự là một thế giới khác, không phải nơi con người có thể sống được. Khoan đã, thằng Cường đâu rồi? Tôi chợt nhớ ra là mình có đi cùng với cậu ta, từ lúc vào chợ tôi không thấy cậu ta đâu nữa.
Không thấy tức là tôi đã tự do, giờ có nên chạy về khu tập thể không, cậu ta dẫn tôi đi thẳng từ cổng tới đây, nếu quay về chắc chỉ cần đi lại đường cũ là được. Nhưng tôi về rồi thì thằng Cường sẽ ra sao, cậu ta bảo chỉ mình tôi cứu được cậu ta, cơ mà cứu thế nào tôi cũng không biết. Nơi này âm khí nặng nề, nếu không mau đi khỏi đây, tôi sợ rằng mình cũng sẽ nhập bọn với những bóng ma này.
Đang nhìn quanh, bỗng tôi thấy thằng Cường. Cậu ta đứng ở một sạp bán đồ thổ cẩm, quần áo và khăn khố, tôi thấy ngay cậu ta giữa đám đông là bởi vì cậu ta sống động nhất. Thằng Cường đang định mua gì vậy, tôi hơi tò mò về điều này, thầm nghĩ có nên tới gần hơn một chút để xem không.
Chân vừa bước lên một bước, tôi lập tức dừng lại. Mẹ ơi, thằng Cường nó nhặt hai cái váy dân tộc lên, xong nó ướm vào người nó, mà không phải là váy thường, váy kia là váy giấy. Chất liệu giấy tệ quá, chỉ nhìn từ xa thôi tôi cũng biết đó là giấy xi măng, được cái hoa văn giống với thổ cẩm thật, cũng xếp tầng và có một lớp giấy lót ở trong. Nhưng nhìn thế nào cũng không thể mặc lên người thằng Cường được, nó ướm một lúc thấy không ưng thì nhặt cái váy khác. Lần này nó nhặt cái váy hiện đại hơn, loại chân bút chì các chị công sở hay mặc, chất liệu bìa cứng, còn có đính mấy cái cúc giả ở trên nữa.
Đồ hàng mã mà nó cứ ướm hết cái này tới cái khác như hàng chợ. Chợt lưng tôi lạnh toát đi, thằng Cường định mua mấy thứ kia thật sao, mua về xong mặc như thế nào, tôi không dám nghĩ tiếp. Phải rời khỏi đây thôi, nếu tôi cứ đi sâu vào trong cái chợ ma này, chắc chắn tôi sẽ hóa điên mất.
– Hai thằng kia!
Ách! Tiếng người, là tiếng người vừa hét lên, có ai đó cũng đang ở trong chợ này. Ở đây, tôi ở đây, cứu tôi.
Choang.
Ánh đèn pin chói lóa rọi thẳng vào mắt tôi, khiến tôi không kịp phản ứng, vì nhìn lâu trong bóng tối nên khi gặp ánh sáng mạnh mắt tôi như bị nổ đom đóm. Phải mất mấy giây tôi mới có thể mở mắt ra, nhìn xung quanh bỗng thấy trống trơn, một vùng đèn đuốc vừa rồi hoàn toàn biến mất. Người và hàng hóa như hòa tan vào bóng đêm, một chút dấu vết cũng không còn. Chỉ thấy có ai đó đang đứng ở cách tôi mấy chục mét, chiếu đèn pin về phía tôi và miệng không ngừng quát tháo:
– Hai thằng tặc, định đào trộm mả, tao bắt chúng mày giao cho dân phòng.
Đúng rồi, còn thằng Cường, tôi nương theo ánh sáng của chiếc đèn pin kia mà tìm cậu ta. Cũng vào lúc này tôi mới biết là mình đang đứng ở đâu. Xung quanh tôi là chi chít những mồ mả mọc san sát nhau, cái to cái nhỏ, không theo hàng lối nào, ngay chỗ tôi đứng cũng có một cái mả mới đắp, đất còn tươi và không có cỏ dại mọc trùm lên. Thằng Cường đang đứng ngây ngô ở trên một ngôi mộ tương đối to, dường như là tiếng hét vừa rồi cũng khiến cậu ta bừng tỉnh.
Người kia chạy tới trước mặt thằng Cường, tóm lấy cổ thằng ấy và lôi xuống khỏi mộ. Tôi cũng vội vàng đi tới, hóa ra đó là một ông già, thân hình quắc thước, tóc để dài lơ thơ, đầu quấn khăn, mặc một thân quần áo dân tộc, đeo một chiếc túi vải chéo, một tay cầm đèn pin, một tay giằng co với thằng Cường.
– Chúng cháu không phải ăn trộm, chúng cháu bị lạc.
Tôi vừa chạy vừa nói, tới nơi thì mặt thằng Cường đã tái nhợt, còn ông già thì hừng hực tức giận, ông già quát:
– Đêm hôm đi lạc ra bãi tha ma, chúng mày lừa tao, tao bắt chúng mày lên dân phòng.
– Chúng cháu làm gì có mang theo cái gì trong người, ông xem xét cho chúng cháu, thực sự chúng cháu đi lạc.
Ông già có vẻ là người thật thà, khi nghe tôi nói vậy thì lập tức nhìn hai thằng một lượt, khuôn mặt ông có thể già nua nhưng hai mắt vẫn sáng rõ tinh anh. Nhìn một lúc, ông già chợt bảo với tôi:
– Bụng tao nói tin mày, nhưng không tin thằng này, mày đi đường kia về đi, tao bắt thằng này.
Đường nào? Tôi nhìn lại phía sau, ở đây chằng chịt mồ mả, lấy đâu ra đường mà đi, cũng không biết lúc trước tôi đi vào đây thế nào nữa. Mà thằng Cường bị bắt chẳng lẽ lại không khai ra tôi, đến lúc đó tôi sẽ bị trừ lương, đuối việc, có khi còn bị đi tù. Không được, tôi phải đi theo để giải thích chuyện này, thằng Cường còn đang đần người ra, mặt cắt không còn giọt máu, trán lấm tấm mồ hôi, không biết cậu ta có bị sợ tới tụt huyết áp không.
– Nó cũng không phải ăn trộm ông ạ.
– Trong bụng nó bị con ma nhập rồi, để nó về sẽ gây hại cho làng bản, tao phải bắt thôi.