Địa điểm được hẹn ở một quán cà phê nằm ở góc phố, có những cây dây leo bao phủ bên ngoài bức tường vây, cho dù có là trời đông giá rét thì trông cũng vô cùng xanh mát.
Văn Nhạn Thư di chuyển xe tiến vào chỗ trống bên đường để đậu xe. Anh nắm lấy tay lái hít sâu một hơi, rồi lại từ từ thở ra. Sau đó, trước khi Chung Bạch Anh gọi cuộc gọi thứ hai để thúc giục anh đã mở cửa bước xuống xe.
Một người phụ nữ được chăm sóc cẩn thận ngồi ngay ngắn trên tầng hai bên cạnh cửa sổ. Với đôi lông mày mỏng và màu son môi nhẹ nhàng, chiếc áo dài mỏng vừa phải và chiếc quần ống loe xẻ tà đã tôn lên sự chỉnh tề của bà. Đầu bà ta hơi ngẩng cao cùng với cột sống thẳng càng làm nổi bật lên cảm giác mạnh mẽ.
Đến khi Văn Nhạn Thư xách cặp đi tới, ngồi xuống ghế sô pha nhung rồi gọi một tiếng “Mẹ”, Chung Bạch Anh mới dời tầm mắt khỏi cuốn tạp chí. Bà ta đưa tay lên nhìn thời gian.
“Chậm mười hai phút.” Chung Bạch Anh gấp lại cuốn tạp chí đã lật được một nửa: “Những quy tắc được học hồi nhỏ quên hết rồi à?”
Âm nhạc đang được bật trong quán cà phê cũng không thể giảm bớt được cảm xúc nặng nề mà Chung Bạch Anh đang áp đặt lên Văn Nhạn Thư. Trước khi gọi món, anh cầm ấm trà lên rồi rót thêm trà cho người bên kia: “Đoạn đường con hay đi đang được xây dựng lại, con phải đi con đường dài nên đã mất thêm một ít thời gian.”
“Lần sau không được viện lý do như thế này nữa.” Chung Bạch Anh đặt thực đơn trước mặt anh: “Con xem rồi gọi món đi.”
Trưa nay Văn Nhạn Thư đã ăn no một bữa ở căng tin công ty nên bây giờ còn chưa thấy đói, nhưng để tránh bị mẹ mình nghi ngờ anh đang đáp lại cho có lệ nên anh vẫn anh gọi một ly espresso và thêm hai món đồ ăn nhẹ không dầu mỡ.
“Mẹ có muốn gọi thêm cà phê Yirgacheffe không?” Văn Nhạn Thư quay sang hỏi trước khi đưa thực đơn lại cho người phục vụ.
Dường như cổ Chung Bạch Anh chỉ cần gật đầu nhiều hơn là sẽ gãy, bà ta chỉ hơi ngước mắt lên nhìn thẳng vào anh.
Tạp chí trên bàn trở thành vật trang trí, bị gia giáo nghiêm khắc nên Văn Nhạn Thư không được phép lấy điện thoại di động trong túi ra để tránh đi ánh nhìn trực tiếp của đối phương.
Sau một hồi im lặng, Chung Bạch Anh nói: “Sao con lại không đi cùng với Trịnh Thừa Diễn?”
Văn Nhạn Thư trả lời: “Anh ấy còn bận đi làm.”
Chung Bạch Anh vuốt ve chiếc nhẫn cưới trên ngón áp út: “Con đang trách mẹ vì đã gọi con ra trong giờ làm việc à?”
Văn Nhạn Thư dùng khóe mắt liếc nhìn mấy người phục vụ có thể đến đây, sốt ruột sao đồ ăn nhẹ và cà phê mãi chưa được bưng lên: “Ý con không phải như vậy.”
Nhưng tinh thần của anh không thể bị phân tâm quá lâu, không nhìn vào mắt đối phương khi nói chuyện sẽ khiến anh phải nghe mẹ thuyết giáo cho một trận. Văn Nhạn Thư nghĩ đến cái cớ đã nghĩ sẵn trên đường đến đây, sắp xếp từ ngữ, nói: “Cho dù hôm nay mẹ không gọi con ra ngoài thì con cũng tính sau khi đi công tác về sẽ hẹn ngày gặp mặt với mẹ.”
“Nhạn Thư, mẹ là người nuôi lớn con, mẹ chỉ cần nhìn một cái là biết con đang nói thật hay nói dối.” Chung Bạch Anh không tiếp tục đề tài này nữa, bà ta đưa tay chỉ vào phía bên phải quyển tạp chí: “Không phải theo thông lệ, ấn bản trước của chuyên mục nước hoa này sẽ giới thiệu các thiết kế mới của Nafeli sao? Tại sao số báo này không có bất kỳ tác phẩm nào của con?”
Mặc dù câu hỏi có phần hóc búa nhưng Văn Nhạn Thư cuối cùng đã tìm được cơ hội để chuyển mắt từ khuôn mặt mẹ mình lên trang bìa của tạp chí này, rồi tập trung nhìn vào chiếc nhẫn kim cương trên bàn tay đang cầm quyển tạp chí.
Văn Nhạn Thư được Chung Bạch Anh sinh ra trong cuộc hôn nhân thứ hai của bà nhưng bố anh cũng là kẻ không thể kiểm soát phần dưới của mình y hệt như người chồng cũ của mẹ anh. Vì vậy, để tránh bị dư luận bàn tán, mẹ anh quyết định không lựa chọn ly hôn nữa mà giấu nhẹm mọi chuyện bẩn thỉu trong gia đình rồi giả bộ rằng gia đình họ vẫn còn hạnh phúc. Sau đó, bà ta đặt toàn bộ sự chú ý lên việc nuôi dạy anh.
Văn Nhạn Thư thường cảm thấy mẹ mình thật bất hạnh nhưng càng lớn lên, anh càng cảm thấy mình cũng rất bất hạnh khi cứ bị ép phải hoàn hảo về mọi mặt.
Thế nên, lúc dối gạt Chung Bạch Anh, đồng ý thành lập một hiệp nghị với Trịnh Thừa Diễn, Văn Nhạn Thư có cảm giác như mình đã được giải thoát.
Nếu mẹ anh đăng ký từng số của tạp chí thì sẽ phát hiện trên trang nước hoa đã lâu không có tác phẩm của riêng anh, tuy nhiên, Văn Nhạn Thư không có ý định nói ra sự thật: “Loại mùi hương nước hoa mới mà con đang thiết kế khá là phức tạp, nếu cứ đúng như những gì đã sắp xếp thì đại khái phải mất khoảng nửa năm đến tám hoặc chín tháng mới có thể có thành quả xuất sắc.”
“Đại khái?” Chung Bạch Anh nhướng mày: “Nhạn Thư, mẹ đã bảo con là đừng có dùng những từ ngữ không rõ ràng như vậy mà. Tất cả chúng chỉ khiến con bị người ta dán cho cái mác ‘không đáng tin cậy’ thôi.”
Đồ ăn đúng lúc được dọn ra bàn, Văn Nhạn Thư tránh được một kiếp. Vì hồi nhỏ mẹ đã từng dạy anh, ăn không nói ngủ không nói, nếu giữa bữa ăn mà nói chuyện thì sẽ bị phạt phải úp mặt vào tường và suy nghĩ về những gì mình đã nói. Cho dù bây giờ đã lớn thì lúc ở trước mặt mẹ mình, anh vẫn không thể thay đổi thói quen không nói chuyện khi đang ăn cơm.
Một buổi trà chiều diễn ra vô cùng mệt mỏi. Thấy Chung Bạch Anh đang lau miệng, Văn Nhạn Thư cũng uống cạn ly cà phê chỉ còn một chút của mình. Cà phê espresso là đắng nhất, phù hợp cho anh từ từ uống khi phải đối mặt với Chung Bạch Anh.
Chung Bạch Anh có tài xế đến đón, trước khi đi còn đưa cho Văn Nhạn Thư một cái túi giấy: “Chúc mừng sinh nhật con trước này. Chắc là con cũng không thiếu thứ gì nên mẹ chỉ mua vài thứ này thôi.”
Túi giấy có in logo thương hiệu, Văn Nhạn Thư vừa nhìn đã đoán được đây là món quà đắt giá. Anh nhận túi rồi nói: “Cảm ơn mẹ.”
Nhìn chiếc xe chở Chung Bạch Anh rẽ vào một khúc cua rồi biến mất ở cuối phố, Văn Nhạn Thư cũng lên xe của mình, ngồi phịch xuống ghế lái rồi thở phào nhẹ nhõm.
Cho dù anh không ôm mong đợi gì nhưng Văn Nhạn Thư vẫn mở túi giấy rồi lấy cái hộp ra xem thử. Bên trong là một cái cà vạt sẫm màu, một cặp kẹp cà vạt đính kim cương nhỏ xinh. Tuy nhiên, món quà sang trọng như vậy cũng không thể sánh bằng một tấm thiệp chúc mừng đầy thành ý.
Văn Nhạn Thư đặt đống đồ này lên ghế phó lái, sau đó xoay người thắt dây an toàn.
Lúc này còn quay về công ty thì cũng không còn phù hợp, Văn Nhạn Thư vừa nắm lấy tay lái vừa suy nghĩ một lúc, sau đó chọn một hướng rồi phi xe đến đó, tốc độ xe so với lúc đến đây nhanh hơn rất nhiều.
Vì đang trong thời gian một ngày làm việc nên câu lạc bộ Cầu Vàng phía Tây thành phố không hề có tình trạng đông nghịt khách. Thế nên Trịnh Thừa Diễn cảm thấy vô cùng thoải mái khi không bị người khác làm ồn. Hắn đi lên phòng bắn súng ở phía bên trái của tầng bốn, chọn một khẩu súng từ nhà kho, đeo bịt tai rồi đi thẳng đến trường bắn.
Dù đã đeo bịt tai nhưng vẫn có thể nghe thấy âm vang của tiếng súng, Trịnh Thừa Diễn vui vẻ bắn hết bốn băng đạn, lúc tháo súng vẫn còn có cảm giác chưa thỏa mãn hết. Sau khi trả súng về phòng kho, hắn lại rẽ sang sảnh bắn cung ở bên phải.
Gần như cùng lúc cánh cửa kính đóng lại thì cửa thang máy ở tầng trệt chậm rãi mở ra. Một mình Văn Nhạn Thư bước ra ngoài rồi rẽ thẳng vào phòng bắn súng ở bên trái.
“Cho tôi khẩu súng ngắn Beretta hai nòng và hai băng đạn.” Văn Nhạn Thư nói.
Người phụ trách quản lý kho súng vùi đầu vào thông tin đăng ký, vừa viết vừa nói: “Quý ngài vừa rời khỏi đây cũng chọn loại súng này, hôm nay súng ngắn được ưa chuộng thật đấy.”
Văn Nhạn Thư không có hứng nghĩ xem ai có sở thích giống mình, anh cầm súng rồi tiến vào trường bắn.
Hai băng đạn dùng rất nhanh. Vì không tập trung tinh thần được nên tỷ lệ trúng đích của Văn Nhạn Thư đã đạt đến mức điểm thấp mới. Cũng may là khu người xem không có ai nên anh không cần lo lắng sẽ nghe phải tiếng cười nhạo.
Trong quá trình bắn, chiếc bia súng giống như cảnh anh bị làm nhục hồi còn nhỏ, đi chơi với bạn bè về muộn nên bị mắng, vô tình làm đổ cốc nước trong bữa tiệc sẽ bị dùng đũa đập vào mu bàn tay, bị tát vào mặt vì khăng khăng đòi ra nước ngoài học chuyên ngành mà mình yêu thích, tác phẩm thiết kế tốt nghiệp đầu tiên được anh mang về nhà làm quà sinh nhật tặng Chung Bạch Anh thì lại bị chính mẹ của mình làm đổ vào ngày hôm sau.
Nhiều khi anh luôn luôn lãng quên những lúc Chung Bạch Anh mời giáo viên nghi thức về dạy anh, nhưng anh lại luôn nhớ về những trải nghiệm không đáng nhớ ấy. May mắn thay, anh đã từ bỏ được ngòi súng oán hận của mình để trở về với thực tại, anh không còn cần phải sống trong sự sợ hãi mỗi ngày nữa.
Đi ra khỏi trường bắn, Văn Nhạn Thư cảm thấy thân thể kiệt quệ nhưng tâm hồn vẫn chưa hoàn toàn trút bỏ được tâm tư.
Tầng hai là phòng tập thể hình, nhưng trang phục hôm nay của anh không đủ rộng để hoạt động thân thể. Đang lúc anh ngửa đầu ngơ ngác nhìn lên các hạng mục ở trên tường, đột nhiên đằng sau truyền đến một giọng nói quen thuộc: “Nhạn Thư?”
Trịnh Thừa Diễn vừa từ phòng bắn súng bước ra, cổ tay áo xắn lên còn chưa kịp thả xuống: “Sao em cũng chạy tới đây vậy?”
Văn Nhạn Thư vẫn còn đang giật mình khi nhìn thấy Trịnh Thừa Diễn, anh cũng nhìn ra được cảm giác giống như vậy trong mắt đối phương.
Tầng bốn của câu lạc bộ chỉ mở cửa cho các hội viên thường niên. Có lẽ là trong cuộc sống hàng ngày, những chủ đề giao tiếp giữa hai người quá hờ hững nên Văn Nhạn Thư cũng không biết hóa ra Trịnh Thừa Diễn là khách quen ở đây.
Nhớ đến thông tin nhân viên quản lý vô vô tình để lộ, Văn Nhạn Thư lập tức hiểu ra: “Anh vừa mới đi bắn súng à?”
Trịnh Thừa Diễn đã vận động liên tục hai giờ liền, lúc này máu nóng toàn thân đều đang sôi sùng sục, vậy nên hắn trở nên khá nhạy cảm với một số từ khóa: “Cái gì súng cơ?”
Văn Nhạn Thư không hiểu nụ cười của đối phương, anh chỉ vào phòng bắn súng rồi nói: “Bên kia kìa, lúc đó chỗ ấy không có ai, nhân viên công tác ở đó có nói trước tôi cũng có người chọn súng ngắn.”
Trịnh Thừa Diễn rất ngạc nhiên đối với việc có thể gặp được Văn Nhạn Thư ở tầng bốn, lúc biết anh cũng thích súng ngắn như mình thì hắn lại vừa kinh ngạc vừa vui vẻ: “Là tôi đấy.”
Dường như đã tìm ra một cách khác để gợi chuyện với Văn Nhạn Thư, Trịnh Thừa Diễn bước từng bước đến bên Văn Nhạn Thư: “Đi riêng một mình cũng chẳng có ý nghĩa gì, em có cùng muốn thi đấu một lúc không?”
Văn Nhạn Thư lắc lắc đầu, anh đến đây đơn thuần chỉ là muốn xua tan bóng tối trong lòng, nhưng sau khi chúng qua đi thì anh cũng không còn động lực để cầm súng lên nữa: “Để lần sau đi.”
Để tránh việc bản thân mình tạo ra sự phản cảm với đối phương, Văn Nhạn Thư nhìn về phía phòng bắn cung ở phía bên phải, anh nhận ra Trịnh Thừa Diễn chuẩn bị rời đi nên viện cớ: “Tôi muốn đi bắn cung cơ.”
Ai ngờ Trịnh Thừa Diễn lại thẳng thắn nói: “Đi cùng nhau đi.”
Lại đổi ý thì có vẻ như mình đang nói dối hết lần này đến lần khác, Văn Nhạn Thư đơn giản chỉ là tìm một lý do cho bản thân: “Thật ra thì là không, lát nữa tôi sẽ đi tìm huấn luyện viên vậy.”
Vừa nói xong, Văn Nhạn Thư trơ mắt nhìn Trịnh Thừa Diễn sải bước đi tới để giảm bớt khoảng cách giữa hai người. Cổ tay chợt được bao phủ bởi sự ấm áp, anh bị Trịnh Thừa Diễn giữ chặt tay.
“Không biết bắn cung hả?” Trịnh Thừa Diễn nhếch khóe miệng lên: “Em muốn học cái gì, tôi sẽ dạy cho em.”
Văn Nhạn Thư cảm thấy những lời này hơi quen tai, mất một lúc lâu sau mới nhớ ra hồi trước anh đã từng hỏi Mocha về tình yêu và dục vọng, nhưng Mocha chỉ biết vùi mặt vào lòng bàn tay anh rồi làm nũng như một đứa trẻ hư.
Sau đó, Trịnh Thừa Diễn không hề nhắc đến từ “dạy dỗ” đã dẫn dắt khiến anh cảm nhận được một cuộc tình vô cùng mãnh liệt suốt một đêm dài, cảm nhận đôi bàn tay nắm lấy nhau dưới ánh trăng sáng và lời tỏ tình lãng mạn khi hoàng hôn đến.
Đến khi hoàn hồn lại thì Văn Nhạn Thư đã đứng trước cửa phòng bắn cung cùng với Trịnh Thừa Diễn. Trịnh Thừa Diễn chọn một cây cung thích hợp cho người mới bắt đầu, cầm lấy túi đựng tên, tiến vào rồi đứng trước khu vực của người mới bắt đầu tập bắn cung.
Khoảng cách mười mét trông rất gần, nhưng Văn Nhạn Thư nhìn quanh lại thấy rằng không ai có thể thành công bắn trúng hồng tâm. Anh vừa đeo bao ngón tay vừa hỏi: “Bình thường anh luyện tập ở khu người mới à?”
“Tôi đã từng là huấn luyện viên cho một người mới, thế nên đương nhiên là tôi phải thể hiện khả năng của mình ở khu vực chuyên nghiệp rồi.” Trịnh Thừa Diễn lắp mũi tên rồi để cả cung và tên vào tay Văn Nhạn Thư: “Thử xem nào.”
Trước khi Văn Nhạn Thư kịp hiểu toàn bộ tư thế bắn cung mà hắn nói thì lưng anh đã nằm gọn trong lồng ngực của ai đó, Trịnh Thừa Diễn nâng tay trái của anh lên: “Bên này giơ lên ngang bằng vai.”
Tay phải cũng bị nắm lấy và bị áp sát vào má, Trịnh Thừa Diễn vẫn chưa chịu dạy cách bắn tên cho Văn Nhạn Thư, hắn còn đang bận xoa xoa gáy anh: “Căng thẳng à, hay là sang khu vực dành cho trẻ em nhé?”
Văn Nhạn Thư dung túng cho động tác của đối phương, anh lo lắng nếu cử động sẽ phải điều chỉnh lại tư thế: “Chỉ có Mocha mới đến khu trẻ em thôi.”
Bàn tay xấu xa kia rời khỏi gáy Văn Nhạn Thư, Trịnh Thừa Diễn giống như một tên cầm thú nhưng thực ra hắn lại là người tận tâm chu đáo: “Cứ giữ góc độ này, mắt nhìn lên cao một chút, rồi, bắn đi.”