Năm đó, núi Nga Mi có một đêm tuyết lớn, vài dặm thôn trang xung quanh đều bị tuyết phủ trắng xóa, dù ban ngày cũng ít người đi lại. Ở trong một thôn nhỏ vắng vẻ nọ, mọi người đều ở trong nhà tránh rét. Thế nhưng từ sớm tinh mơ, đã có bốn năm thằng bé đuổi theo một đứa trẻ, thằng bé cầm đầu bắt được cánh tay của đứa trẻ kia, nó liều mạng giãy dụa, đá một chân lên đầu gối thằng bé cầm đầu. Thằng nhỏ rú lên quái dị, thả lỏng tay, thế là cậu bé kia thừa dịp xông ra ngoài.
Nhưng hình như cậu bé không phân biệt được phương hướng, rõ ràng phía trước là bờ ruộng cao thấp mấp mô, thế nhưng cậu chỉ biết cắm đầu chạy như điên về trước. Mấy thằng nhỏ đằng sau lại đuổi theo, trong miệng mắng chửi liên tục, có đứa còn nhặt hòn đá trên đất ném mạnh vào lưng cậu bé. Chân cậu bị trượt, cả người ngã sụp xuống băng tuyết lạnh ngắt.
“Còn chạy à, mày còn chạy nữa à! Cũng không nhìn xem mày có cái gì, dám đấu với ông mày hả?” Thằng nhỏ bị đá kia nhào tới dẫn đầu, bỗng chốc đã đè được cậu bé đang muốn bò dậy xuống đất.
“Lấy bánh bao ra đây!” “Lấy ra!” Những đứa đồng lõa cũng xông tới, đè hai chân cậu bé, thằng nhỏ dùng đá quăng cậu ban nãy cũng moi móc lung tung trước ngực cậu, kéo ra được nửa cái bánh báo đã lấm bụi.
“Đã nói với mày từ trước rồi, ở đây không có chỗ cho mày xin cơm đâu. Còn dám tới nữa tao sẽ đánh gãy chân chó của mày.” Nó xé đi lớp bánh đã dơ bên ngoài, đưa cái bánh bao cho thằng nhỏ cầm đầu.
Thằng bé kia hả họng thật to cắn miếng bánh bao, dùng một tay kéo cổ áo cậu bé, bẻ cổ cậu ra sau, lấy chân dẫm lên gò má cậu: “Thằng mù như mày mà sống làm chi vậy? Đã không nhìn thấy, đánh cũng không lại ai, chi bằng mày chết quách cho xong.” Thằng bé kia cúi người cười, dưới chân dùng sức, dẫm nát gò má cậu bé, chà sát lên mặt đất đã kết băng.
Trên mặt cậu bé lấm len đất bùn, hơn nữa, sau khi bị chà sát như vậy thì đã chảy máu, khuôn mặt vốn gầy gò trở nên khủng bố hơn. Nhưng kì lạ là, từ đầu đến cuối, cậu đều không phát ra một âm thành nào.
Thằng bé kia hừ một tiếng, lắc lắc cánh tay nói: “Sao, không chỉ mù mà còn bị câm nữa sao?”
Đứa còn lại nịnh bợ nó: “Nó không câm đâu, ban nãy còn nói chuyện với bà già cho nó bánh bao nữa mà.”
“Mẹ nó, thằng mù giả vờ đáng thương, có phải mày đi xin bà già kia cho mày bánh bao không?!”
Cậu bé vẫn luôn im lặng bỗng cắn răng nói: “Tôi không có cầu xin ai.”
“Mày nói láo, con mụ kia keo kiệt chết bỏ, sao có thể cho mày ăn không.”
Bỗng nhiên cậu bé lớn tiếng nói: “Tôi không cầu xin ai, tôi không cầu xin ai! Tôi quét tuyết cho bà ấy, bà ấy mới cho tôi ăn. Tôi không phải ăn xin.”
“Quét tuyết?!” Thằng nhỏ sửng sốt một chút, bỗng nhiên cười ha hả, những đứa khác cũng bật lên tràng cười quái dị. “Nó nói quét tuyết kìa! Hahaha… Hai mắt đen thui, làm sao mày biết có quét sạch hay không hả?!”
Bọn nó cười hả hê, như thể vẫn còn thấy chưa đủ thú vị, có người vốc một nắm bùn ướt nhớp nháp, muốn đưa cậu bé ăn.
“Ăn đi này, tránh bị đói chết… ăn đi!”
Cả người cậu bé run rẩy, mím chặt miệng lại, thế nhưng vẫn có người bóp miệng cậu, mãi đến khi môi cậu chảy máu, cuối cùng nhét được mớ nước bùn lạnh băng kia vào miệng cậu được.
“Gọi cha! Mau gọi cha đi! Gọi đi sau này sẽ chia cho mày một phần thức ăn, thế nào?” Thằng cầm đầu kéo tóc cậu, dùng sức mà lắc.
Hai tay cậu bé vẫn bám chặc vào nền đất mấp mô, gần như móng tay cũng bị sút ra.
Thế nhưng, trước sau cậu vẫn nhất định không chịu cúi đầu.
“Đồ đáng chết!” Một cú đá, đá bay cậu bé từ bờ ruộng nặng nề ngã xuống vũng bùn lầy.
Trong lúc rơi xuống, đầu của cậu đập vào tảng đá, cơn đau thấu tận xuống cốt, thế nhưng cậu lại lảo đảo đứng dậy, không biết đâu là đông tây nam bắc, cũng chẳng hay chỗ nào mới là nhà của mình, cứ vậy mà hốt hoảng ngẩn ngơ, không muốn bị người ta dẫm nát dưới chân, cứ đi thẳng về phía trước.
Những tiếng đánh chửi sau lưng ngày càng gần, cậu cảm thấy hai chân nặng nề quá, không giống như của mình nữa rồi. Thế nhưng cậu vẫn chạy về trước, luôn đi tới trước, dù cho phía trước là màn đêm đen kịt.
Mãi đến khi đụng phải một người,
Cậu nghe thấy tiếng bước chân sau lưng, người phía trước lại đang nắm tay cậu. Cậu không kiềm được mà run rẩy, sợ muốn khóc, thế nhưng ráng nhịn không rơi nước mắt, nói bằng giọng nói nhỏ xíu khó thể nghe thấy: “Xin lỗi…”
“Đừng sợ.”
Giọng nói kia của một người còn rất trẻ, mang vài phần trong trẻo, cậu chưa từng nghe qua bao giờ.
Sau đó, người lạ này giúp cậu đuổi mấy thằng bé kia đi, lại có một người khác đi đến trước mặt cậu, lau nước bùn trên má cậu, vỗ về lên chỗ té bị đau của cậu, giọng hơi già mà nói: “Cậu bé, nhà của con ở đâu?”
Lúc trước bị người đuổi đánh, cậu đều không sợ, thế nhưng được sự vỗ về dịu dàng thế này khiến cậu không biết phải làm sao, thậm chí còn quên mất phải trả lời.
Cậu bé không biết vì sao hai người xa lạ này lại đến đây, cũng chẳng rõ vì sao họ lại đối xử tốt với mình như vậy. Trong trí nhớ của cậu, ngoại trừ ông nội đã qua đời, chẳng có ai dịu dàng nói chuyện với cậu cả, thậm chí không ai cũng gọi cậu là thằng mù.
Cậu đưa bọn họ về nhà.
Trong căn nhà lá gió lùa bốn mặt chẳng thể tìm lấy một chỗ để ngồi, cậu liền bò lên cái sạp trúc, dùng tay áo để lau chùi, sau đó mới lùi vào trong góc, nhỏ giọng nói: “Ngồi đi.”
Thế nhưng họ lại thật sự ngồi xuống. Cậu cũng biết, thật ra sạp rất bẩn, cũng rất lạnh. Cậu cảm thấy bất an, sờ soạng ở sau cái bàn thấp để lấy ra một cái chén sứ một khuyết một mảnh, nơm nớp đưa tới trước, dùng giọng nhỏ hơn để hỏi: “Uống nước không?”
Trên chén kia có đầy vết rạn, màu đã thành đen, thậm chí còn không biết chút nước bên trong có sạch hay không, thế nhưng cậu thanh niên vẫn nhận, còn người lớn tuổi kia nhận lấy từ trong tay anh, chỉ hớp một ngụm là uống cạn.
“Đúng là đi đường đang khát, cảm ơn con nhé, tiểu đệ.” Lão cười hề hề nói.
Hai tay cậu bắt chéo sau lưng, dính sát người vào bên cạnh bàn gỗ, ngây người một lúc lâu mới nói: “Nhưng cháu không có cơm cho các người ăn.”
“Chúng ta đã ăn rồi.” Lão dứt lời, lại nói, “Đan Nham, con mang thuốc trị thương ra, băng bó cho tiểu đệ này một chút.”
“Dạ, sư phụ.”
Lúc bôi thuốc, cậu bé luôn cố gắng kiềm chế bản thân, không để phát ra bất kì tiếng kêu nào. Ấy nhưng cậu vẫn đau đến không thể nhịn được, co rúm người. Lão già kia đưa tay đặt lên trán, một cỗ ấm áp từ từ chảy vào trong cơ thể cậu, giúp cậu xua đi rét mướt và đau đớn.
“Còn lạnh nữa không?” Lão mỉm cười hỏi.
“Không lạnh nữa…” Cậu ngạc nhiên trả lời.
Lão già lại chạm lên vai cậu, nói: “Trên đời này, có một nơi tên là núi La Phù, một năm bốn mùa đều ấm áp như mùa xuân, không có mùa đông. Con có bằng lòng đi với ta không?”
Cậu ngẩn người, lập tức đáp: “Không đi.”
“Vì sao?”
“Vì đây mới là nhà của con.”
“Nhưng con không có người nhà.”
“Nhưng con cũng không đến nhà của người khác.”
Chàng thanh niên tên là Đan Nham kia sốt ruột cầm lấy tay cậu: “Tiểu đệ, cậu ở đây thì làm sao mà sống được…”
“Sẽ không chết, sẽ không chết đâu!” Hình như cậu bé rất sợ khi nhắc tới đề tài ‘chết chóc’ này, liều mạng lùi ra sau, “Con sẽ đi cắt cỏ, con sẽ đi múc nước, con sẽ sống tiếp!”
Lão già thở dài một tiếng, không tiếp tục đề tài này nữa. Bọn họ cùng ở lại với cậu một đêm trong căn nhà lá, gió rét cóng khiến xương cốt đau nhức, cậu bé vẫn luôn khoác một tấm chăn rất mỏng, lẳng lặng nằm ngủ trên sạp. Chỉ là đêm hôm đó, bên cạnh có hơi thở ấm áp, mãi lâu mà vẫn không tiêu tán, khiến cậu lại mơ thấy ông của mình.
Trong giấc mơ của cậu cũng chẳng có hình ảnh gì, mỗi một ngày từ khi sinh ra đến nay đều giống nhau, chỉ có một bóng đêm vô tận trĩu nặng. Chỉ có vết tích duy nhất tồn tại là những âm thanh mơ hồ, cùng cảm giác như có như không.
Trong mộng, tựa như nghe thấy tiếng ông gọi, Tiểu Ngọc, Tiểu Ngọc…
Còn có bàn tay thô to sần sùi của ông, vỗ lên lưng cậu, dỗ cậu đi vào giấc ngủ. Trong mộng cậu chảy nước mắt, cố gắng vươn tay, ôm chặt lấy ông.
“Ông ơi, ông đừng đi!”
…
Sáng sớm hôm sau, cậu đi theo hai người tự xưng là đạo sĩ rời khỏi thôn Giếng Ngọt. Lĩnh Nam, núi La Phù, Thần Tiêu cung, đó là những nơi mà cậu chưa từng nghe nói bao giờ, rốt cuộc là thế nào, cậu cũng hoàn toàn không hề hay biết.
“Nếu sau khi đến đó mà không thích, chúng ta sẽ đưa con về.” Ông đã an ủi cậu như vậy.
Cậu khẽ đáp, lão liền nắm tay cậu trong lòng bàn tay.
“Đi nào, Thanh Ngọc.”