Lam Hạo Nguyệt từng hỏi chuyện lúc nhỏ của Trì Thanh Ngọc, thế nhưng chàng lại không kể. Chàng sẵn sàng nghe nàng kể những chuyện vụn vặt ở Hành Sơn, ở Đường môn, bởi vì điều đó rất vui. Còn kí ức trong trí nhớ của chàng, lại là cái gì đó dài dằng dẵng mà lại rất u ám.
Bùn lầy bẩn thỉu, vũng nước tanh hôi, đó là cảnh sống của chàng. Những ngày rét lạnh nhất cũng không tìm thấy được một tấm chăn bông, những thứ đáng giá duy nhất trong ‘nhà’ đã bị mang bán sạch vì chữa bệnh cho chàng. Hồi chàng còn nhỏ, không chỉ không thấy gì mà còn thường hay phát sốt. Ông nội không ngại cực khổ luôn cõng chàng đi tìm đại phu bốc thuốc, dù số tiền mỗi lần mang theo chỉ đủ để hốt một hai thang thuốc thôi, thế nhưng đều tất cả đều được cẩn thận mang về, nấu xong rồi lại đút cho chàng uống.
Những ngày sinh bệnh, chàng không thể đi cắt cỏ hay múc nước, ông dịu dàng an ủi chàng, Tiểu Ngọc hết bệnh rồi thì sẽ có thể trở nên khỏe mạnh hơn. Vậy mà mỗi lần bệnh dậy, chàng vẫn gầy yếu như thế. Chàng nghe nói, những đứa trẻ nhà người khác đều theo cha mẹ lên núi đốn củi, ra đồng làm cỏ, vậy mà mình chỉ có thể ngồi trước căn nhà tranh, phơi dưới ánh mặt trời mà không thấy chút hơi ấm nào.
Những lúc rảnh rỗi, mấy đứa trẻ trong thôn đùa giỡn rượt đuổi nhau, ném đá vào vòng sắt, chơi quên trời quên đất. Còn chàng vẫn chỉ ngồi một mình, hoặc đứng dưới gốc đại thụ xa xa, nghe tiếng bọn nhóc cười nói, đoán xem bọn họ đang chơi trò gì.
Cũng từng có lúc muốn tới chơi chung, thế nhưng sau khi bọn nhóc nghe chàng nói ra yêu cầu kia, liền chạy tản ra xung quanh, chẳng để lại cho chàng một con đường sống.
Tiểu Trì lúc bé không hiểu vì sao bọn họ lại không chịu chơi với mình, chàng đứng trong gió lạnh rất lâu, sau đó mới nặng nề lê bước về nhà.
Ông đang chẻ củi, từng tiếng bổ phập phập, kèm theo tiếng ho khan.
“Ông ơi.” Chàng bị bó củi sau lưng đè nặng đến mức không thể thẳng lưng, dùng giọng nhỏ rí hỏi, “Vì sao người ta lại không chịu chơi với người mù? Vì con không giống bọn họ hay sao ạ?”
Tiếng chẻ củi ngừng lại, ông trầm mặc một lát, bảo: “Họ sợ con không nhìn thấy, sẽ đụng con bị thương thôi. Tiểu Ngọc, chờ khi con lớn hơn một chút, khỏe mạnh rồi, thế sẽ không…”
Tiểu Trì biết lại là những lời ‘chờ con lớn hơn’, chàng chẳng nói gì cả, chỉ im lặng đặt bó củi xuống, mò mẫm bắt chước ông để đi thu thập.
Mùa đông năm ấy, chàng cũng không đến gần người khác, cũng chẳng xin người ta cho mình chơi cùng nữa. Sức khỏe của ông ngày càng yếu, Trì Thanh Ngọc nhỏ xíu bắt đầu thay ông đi lấy thuốc, đi một mình trong thôn trang và thị trấn. Vẫn như trước đây, khi chàng đi qua cửa thôn luôn gặp một đám trẻ con, tụi nó sẽ ở đằng sau gọi chàng là thằng mù, đôi khi còn nắm lấy gậy trúc của chàng, hoặc sẽ giăng dây thừng trên mặt đất, chờ chàng đi qua rồi nhìn chàng bị té ngã.
Chàng không đánh lại tụi nó, thế nên đành phải chọn những lúc tụi nhỏ này đi theo người lớn làm việc thì mới ra ngoài. Nhưng có một hôm trời đổ mưa, Trì Thanh Ngọc trở về từ trấn trên, vì nửa đường phải trú mưa, lúc đến cửa thôn đã là vào xế chiều.
Quả nhiên, lại gặp đám hóc kia. Bọn nó đang chơi rượt đuổi, hình như không rảnh mà chọc phá chàng, Trì Thanh Ngọc thở dài nhẹ nhõm một hơi, né ra xa rồi đi về trước.
Gần tới cửa thôn thì đằng sau có vang một tiếng gọi: “Ê, thằng mù, tới đây chơi!”
Trì Thanh Ngọc hơi sửng sốt, không dám ở lại, chỉ muốn cách xa tụi nhóc. Tiếng bước chân chạy tới bình bịch, có người kéo thắt lưng chàng, “Trì Thanh Ngọc, tới chơi.”
Chàng ngẩn ra, chưa có ai gọi chàng như vậy cả, thậm chí chính bản thân chàng cũng quên mất cái tên này.
Thằng bé kia đi tới trước mặt, vỗ vỗ lên vai chàng, nói: “Sao, không phải trước đây mày thích chơi với tụi tao lắm hả?”
Trì Thanh Ngọc khẽ lách qua, nhỏ giọng đáp: “Tôi phải về nhà nấu thuốc cho ông.”
“Chơi một chút thôi.” Thằng nhỏ kia có vẻ không kiên nhẫn nữa, “Gọi mày tới, thế mà mày lại làm bộ làm tịch, sau này không bao giờ dẫn mày đi chơi nữa.”
Xung quanh vang tiếng chế nhạo cười giễu, lại có đứa quăng vòng sắt, lớn tiếng nói: “Tụi mình đi thôi, đừng gọi nó!”
Khát khao lâu ngày trong lòng chàng bỗng chui ra, tựa như mầm cây mới nhú sau mùa đông dài. Chàng nghe thấy tiếng bọn nó quay đi, cuối cùng không nhịn được mà đuổi theo một bước, nói: “Đợi tôi với.”
Lúc này tụi nó mới dừng chân, có đứa hào hứng nói: “Đại Ngưu, mày bịt mắt cho nó đi!”
Đứa tên Đại Ngưu khinh bỉ nói: “Nó đã nhìn không thấy rồi, cần bịt mắt chi nữa?” Nói xong, nó đi tới phía trước Trì Thanh Ngọc, “Trì Thanh Ngọc, mày làm thằng mù, bắt được tao thì tao cho mày một con quay, thế nào?”
Lúc nghe thấy từ ‘Thằng mù’, trong lòng Trì Thanh Ngọc có hơi nặng nề, thế nhưng những đứa xung quanh lại như nhìn thấu vẻ không tình nguyện của chàng, ở bên cạnh xúi giục: “Chơi vui lắm, ban nãy tụi tao đều làm thằng mù mà vẫn không bắt được A Ngưu, mày tới thử đi!”
“… Các cậu cũng làm rồi à?” Trì Thanh Ngọc cẩn thận hỏi lại.
“Đương nhiên đương nhiên, chỉ có thiếu một mình mày thôi!”
Vì thế, trước khi Trì Thanh Ngọc nhỏ xíu kịp suy nghĩ cẩn thận, đã bị dẫn tới bãi đất trống, sau đó bị xoay tròn mấy vòng. “Được rồi!” Đại Ngưu vừa ra lệnh thì tụi con trai cùng xông lên đấm đánh Trì Thanh Ngọc, rồi thừa dịp chàng đang hoảng sợ mà lập tức giải tán, chạy về các hướng khác nhau
“Mau tới bắt đi! Đến đây!” Những âm thanh cao thấp nối tiếp nhau, lúc gần lúc xa. Ban đầu Trì Thanh Ngọc cảm thấy như bị lừa, nhưng khi nghe tụi nó không thật sự chạy hết mới cảm thấy đúng là phải chơi như vậy. Chàng nhịn đau đuổi theo người bên cạnh, nhưng còn chưa kéo được tay áo người này thì lại bị người khác đẩy sau lưng, người phía trước liền tranh thủ chạy đi. Cứ bị mọi người đẩy đẩy kéo kéo như vậy, đã nhiều lần chàng gần như muốn bỏ cuộc. Thế nhưng chàng thật sự chưa bao giờ được ‘chơi’ với nhiều người như vậy, chàng cũng rất muốn có được con quay mà mình chưa bao giờ được sờ qua, bằng chính sức của mình.
Có tiếng gió thổi qua người, Trì Thanh Ngọc tập trung suy nghĩ để phân biệt, đột nhiên vươn tay ra, dùng sức để kéo người vừa chạy qua trước mặt. Người nọ đột nhiên kêu lên, muốn vung tay đẩy chàng ra, thế nhưng chàng nhất quyết không chịu buông. Tụi trẻ con xung quanh sửng sốt, sau đó reo hò: “Bắt lấy Đại Ngưu, bắt lấy Đại Ngưu!”
Trì Thanh Ngọc thầm vui vẻ, thế nhưng còn chưa kịp mở miệng thì đã bị Đại Ngưu đẩy mạnh té xuống đất. Chàng ngã rất đau, tay chảy máu, thậm chí còn đứng dậy không nổi.
“Sao lại đẩy tôi?” Chàng tức tưởi nói.
“Thằng mù, ai bảo mày bắt tao!”
Chàng ngạc nhiên, sờ cây gậy trúc bên cạnh đáp: “Là cậu bảo bắt được cậu sẽ cho tôi con quay mà…”
Những đứa khác cũng nhao nhao: “Đúng đó, A Ngưu cho con quay đi! Đừng có chơi xấu!”
“Đứa nào không có óc mà dám nói thế?! Ông mày nói cho nó con quay bao giờ?!” Đại Ngưu tức giận, một cú đá bay cây gậy trúc của chàng. Trì Thanh Ngọc mím chặt môi, bò qua bên cạnh nhặt lấy, lạnh lùng nói: “Chơi không lại thì đừng có chơi, lừa tôi tới, bị bắt rồi lại không giữ lời!”
“Thằng mù chết tiệt, mày còn dám mạnh miệng hả!” Đại Ngưu càng nổi giận hơn, giật lấy cây gậy trúc của chàng, bẻ gãy một tiếng ‘rắc’, ném xuống đất. “Cút đi, đừng có ở đây vướng chân vướng tay! Mày có tư cách gì mà chơi với tao? Cho mày làm thằng mù là may cho mày lắm rồi!”
Những đứa trẻ khác thấy nó nổi giận thật, cũng không dám chọc ghẹo nữa, ngượng ngùng ngậm miệng lại.
Trì Thanh Ngọc ngơ ngác ngồi dưới đất, mò mẫm tìm hai đoạn trúc gãy, không nói gì cả, lảo đảo đứng dậy. Sắc mặt chàng tái nhợt đến đáng sợ, cắn môi, mãi lâu sau mới phun ra hai chữ: “Lừa đảo.”
Đại Ngưu vốn chuẩn bị đi rồi, thế nhưng nghe chàng nói thế, bất thình lình quay lại giáng một cú tát.
“Mày nó cái gì?!”
“Lừa đảo.” Một mảng trên mặt chàng đỏ lên, thế nhưng ánh mắt vẫn lãnh đạm thờ ơ.
“Lặp lại lần nữa thử xem!”
“Lừa đảo!”
Tiếng tát tai bôm bốp khiến gò mát Trì Thanh Ngọc sưng lên, Đại Ngưu kéo vạt áo chàng, đẩy chàng té xuống đống cây khô, dùng sức đè lên đầu chàng, “Còn nói nữa hả! Có gan thì đừng có dừng!”
Khóe miệng chàng rỉ máu, tay nắm chặt đoạn trúc gãy, miệng cười lạnh lùng, càng hô lên không ngừng: “Lừa đảo, lừa đảo, lừa đảo!”
“Ông lừa mày đó thì sao? Làm lừa đảo vẫn còn hơn là thằng mù như mày. Đến ngay cả đi mày cũng làm không xong, còn mặt mũi mà sống nữa hả, mày chết quách đi cho xong.”
Có tiếng người lớn gọi từ xa, Đại Ngưu lại đá chàng một cú, sau đó mới mang theo lửa giận rời khỏi. Tụi trẻ con xem náo nhiệt cũng lao nhao về nhà ăn cơm, chỉ để lại một mình Trì Thanh Ngọc đau ê ẩm cả người, siết chặt cây gậy trúc đã gãy, đứng một mình giữa trời chiều ảm đạm đang dần buông.
Sau khi khập khiễng trở về căn nhà lá, khuôn mặt đầy vết thương của chàng khiến ông nhanh chóng hiểu ra. Tiểu Trì không nói nguyên nhân, ngồi xổm trước cửa nấu thuốc cho ông. Ông lão thở dài, muốn ra ngoài để hỏi chuyện cho rõ ràng.
“Ông ơi, ông đừng ra ngoài.” Chàng đưa lưng về phía ông, vẫn ngồi dưới đất không đứng dậy.
“Sao vậy?”
“Nó không nói lý được đâu.” Chàng cúi đầu nói.
Ông đi tới đằng sau chàng, xoa lên lưng. Cái lưng trẻ con, vì ốm yếu nên gồ xương, cách lớp quần áo mà cũng có thể cảm nhận rất rõ. “Đứa nào đánh con?”
Tiểu Trì ôm đầu gối, vẫn không nhúc nhích. Bếp lò trước mặt bốc khói, chàng bị sặc đến ho khan, mắt cay xè. Chàng đưa tay chùi đi, ngón tay ươn ướt.
Chàng ngẩn ra một chốc, bỗng nhiên lại hỏi: “Ông ơi, vì sao con lại là một đứa mù?”
“Vì ông trời định thế, Tiểu Ngọc à.”
“Tại sao lại là con mà không phải là người khác?”
Ông cũng không biết phải nói thế nào, chỉ muốn kéo chàng đứng dậy. Chàng ôm chân của ông, nhất định không chịu đứng dậy. “Con không chọc tụi nó, vì sao chúng nó đều đánh con? Đại Ngưu nói con sống cũng vô dụng. Nhưng ông ơi, con có mắt, con cũng có nước mắt mà. Con không muốn làm thằng mù, con không muốn làm thằng mù đâu!” Chàng chưa bao giờ gào khóc một cách tê tâm liệt phế như thế, lần này cứ như đã phát điên, ngồi trên mặt đất lạnh băng, khóc nức nở.
Tối hôm đó, hai ông cháu cũng không ăn cơm chiều, chàng khóc đến mệt, mệt rồi, lại như đã hiểu có gào có khóc nữa cũng uổng công, mở to mắt cay xè, nằm trên sạp trúc. Trong mơ màng, hình như cảm thấy ông đang nhẹ nhàng xoa lên gò má bị thương của chàng, thở dài nặng nề.
Cuối cùng không nhịn được nữa, cũng thiếp ngủ. Chẳng biết đã qua bao lâu, bên ngoài có tiếng gọi ầm ĩ, sốt ruột lo lắng, Tiểu Trì ngồi dậy từ trên sạp trúc. Có người lảo đảo, chân này đá chân kia vào cửa, chàng nghe thấy tiếng ông ho sù sụ, người còn lại đang lớn tiếng nói: “Lão ca! Lão ca!”
Đó là thầy lang ở trấn trên, người bạn duy nhất của ông.
“Ông ơi!” Tiểu Trì sợ hãi sờ lên người ông, thế mà ông lại như không thể đứng vững nổi nữa, gắng gượng dựa vào thầy lang mới có thể di chuyển đến sạp trúc.
“Ông ơi, ông bị sao vậy?” Chàng sợ khủng khiếp, quỳ trên đất hỏi.
Ông không nói gì, thầy lang bảo: “Nghe bảo cháu bị đánh, lão ca đi lý luận với thằng nhỏ kia, lại bị con mụ la sát của nhà đó thóa mạ chửi mắng, đẩy ra cửa. Ông ấy đã lớn tuổi vừa tức vừa gấp nên bị té trên mặt băng. May mà có lão đi qua, không thì chẳng có ai đỡ cho rồi.”
Tiểu Trì ngây người, ông đưa tay xoa đầu chàng, cố hết sức nói: “Con đừng sợ, ông nằm một chút là khỏi thôi…” Ông lại chật vật nghiêng người, lấy một vật từ trong chỗ thầy lang, nhét vào tay Tiểu Trì, khàn giọng cười bảo, “Cho con làm gậy, ngoan, con đừng khóc.”
“Ông ơi…” Tiểu Trì cầm cây gậy trúc đã được mài bóng loáng, từng giọt nước mắt rơi.
Ông nằm lần này, lại không thể ngồi dậy nữa. Mùa đông dài dằng dặc chưa qua, chẳng hay là ban ngày hay ban đêm, ông trút hơi thở cuối cùng. Tiểu Trì vẫn luôn nhớ sáng sớm rét lạnh hôm đó, chàng run rẩy ngồi dậy mặc quần áo xong rồi, muốn đánh thức ông, thế nhưng lại phát hiện người ông nằm cạnh bên đã không còn hơi thở nữa.
Ông không để lại lời gì cho Tiểu Trì, thậm chí cũng không nói cho Tiểu Trì biết, rốt cuộc chàng được nhặt về từ đâu.
Một căn nhà lá xiêu xiêu vẹo vẹo, một cây gậy trúc đang từ từ rạn nứt, đó là tất cả di vật mà ông để lại cho đứa cháu trai. Trì Thanh Ngọc bé con ngồi một mình trong không gian yên tĩnh đến mức đáng sợ, vươn tay ra, muốn sờ chòm râu chọc tay ngứa râm ran, lại phát hiện bên cạnh chẳng có gì cả.
Mỗi ngày, chàng đều đi tới ngồi trước mộ phần của ông, hi vọng có thể nghe thấy tiếng gọi chàng lần nữa. Nhưng chỉ có tiếng gió mà thôi.
—- Nếu lần đó không chơi với người khác, nếu chàng không để ông biết Đại Ngưu đánh mình, ông đã không phải chết.
Sau khi nước mắt chảy cạn, đã để một dấu ấn thật sâu trong lòng.
Chàng hiểu được rằng mình không được chơi với người khác, không được đòi hỏi xa xỉ muốn người ta cho mình con quay, càng không được để ông phát hiện ra mình bị bắt nạt. Chính chàng đã hại chết ông.
—- Mày không có tư cách khiến người khác phải phiền muộn vì mình.
Năm đó, Trì Thanh Ngọc bảy tuổi đã bắt đầu hiểu rõ những lời này. Không muốn bất kì ai phải phiền não vì mình, cũng không muốn bất kì ai phải chịu tổn thương vì mình.
Sau khi lớn lên, có nhiều khi, chàng cũng không biết vì sao từng cử động của mình đều bị người ta hay biết, mà kẻ khác có tâm tư hoặc đang làm gì, chàng đều không đoán được. Không đoán ra, chàng cũng không đoán nữa, bởi vì, chàng sợ mình đoán sai. Vì thế, chàng cố gắng thu hẹp bản thân, cứ hẹp dần hẹp dần lại, như một đóa sen xanh, vĩnh viễn không nở bao giờ.
Sen xanh không nở, đứng lặng giữa ao nước lạnh buốt. Mỗi khi có gió nhẹ thổi quá, ánh trăng soi sáng, lá sen từ từ đong đưa, thế nhưng cũng chỉ là trong nháy mắt, khẽ gợn sóng lăn tăn. Khi gió lặng rồi, lại im ắng cô đơn đến cùng cực, chẳng nở hoa vì bất kì ai.