Ngược Về Thời Minh

chương 85: đưa quân vào cung

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Trong triều phòng, ba vị lão thần Nội các, thượng thư sáu bộ và các đại thần túc trực đang lo lắng ngóng đợi tin tức từ Đông Noãn Các. Mưa lớn quật xuống đất ào ào như đang xát muối vào trái tim bọn họ. (: phòng nghỉ cho quan lại trước khi thiết triều)

Đám lão thần này phần lớn tóc đã bạc trắng, ai nấy đều im lặng không nói gì, chỉ nhìn đăm đăm về phía cung Càn Thanh, mặt đầy vẻ lo âu, trong triều phòng chỉ còn tiếng mưa to gió lớn sấm vang chớp giật bên ngoài.

Đột nhiên một tiếng sấm vang nghiêng trời lệch đất, mấy vị đại nhân già cả không kịp đề phòng bị chấn động đến run rẩy cả người; lại một tia chớp nữa lóe lên rồi một bóng người chợt xuất hiện, cao giọng tuyên:

- Thánh Thượng có khẩu dụ!

Mấy vị lão thần nghe vậy cùng bật đứng lên, thượng thư bộ Lại Mã Văn Thăng kích động tới mức râu tóc run lên, hỏi dồn:

- Trương công công, Hoàng Thượng tỉnh rồi à? Hoàng Thượng sao rồi?

Đám người Lưu Kiện cũng rất kích động. Thân là người đứng đầu Nội các nên Lưu Kiện cố đè nén tâm tình, vái thái giám Ty lễ Trương công công rồi nói:

- Chúng thần tiếp chỉ.

Đám đại nhân lúc này mới tỉnh ngộ, cùng nhau vái theo. Trương công công cất giọng đọc:

- Hoàng Thượng khẩu dụ, thân thể trẫm không sao, các vị ái khanh chớ nên lo lắng. Các vị ái khanh là trụ cột của quốc gia nên không thể lao lực quá mức, phải quay về phủ nghỉ ngơi ngay, Ngự Mã Giám trong cung sẽ đánh xe đưa về. Ngày mai nghỉ chầu, mọi việc trong triều hết thảy sẽ do ba vị đại học sĩ quyết định.

Truyền ý chỉ xong, Trương công công xoay người định đi, Lưu Đại Hạ sốt ruột liền nhảy dựng lên ngăn Trương công công lại, nói:

- Trương công công, rốt cuộc long thể Thánh Thượng ra sao, thái y nói thế nào?

Lưu Đại Hạ là sủng thần của vua Hoằng Trị, Trương công công tuy là một trong bốn đại thủ lĩnh của Ty Lễ Giám nhưng cũng không dám đắc tội với ông ấy. Dù vậy, đây nào phải chuyện mà lão có thể nói tùy tiện, đành nói:

- Lưu Đại nhân, xin đừng làm khó ta, ông còn không biết những quy củ này sao?

Lưu Đại Hạ ngẩn người thất vọng, đành buông tay áo Trương công công ra, xem ra bệnh tình Hoàng Thượng không nhẹ, nếu không thì sao lại không gặp họ mà bảo về phủ nghỉ ngơi, lại phong tỏa tin tức nghiêm mật như thế?

Thấy Trương công công đã ra khỏi triều phòng, Mã Văn Thăng giậm mạnh chân, nói với hữu thị lang bộ Lại túc trực là Tiêu Phương:

- Lão Tiêu à, tối nay ông phải thường trực chờ tin tức từ Đông Noãn Các, nếu như Hoàng Thượng... Hoàng Thượng có việc gấp triệu kiến, ngàn vạn lần không thể để lỡ việc đâu đó.

Hoằng Trị đế thích dùng lão thần. Vị hữu thị lang bộ Lại Tiêu Phương này cũng là một ông già trên bảy mươi tuổi đầu tóc bạc phơ, có điều tinh thần quắc thước, thân thể rất cường tráng. Ông hiểu ý Mã thượng thư và cũng biết rõ tầm quan trọng của việc này. Nghe ông ta căn dặn xong, ông vội chắp tay đáp:

- Dạ, đại nhân cứ việc yên tâm, hạ quan sẽ luôn túc trực chờ đợi, không dám chậm trễ.

Mã Văn Thăng khẽ gật đầu, lúc này xa giá của Ngự Mã Giám đã đến trước cửa. Hoàng đế cho xe đưa về là ân sủng mà ngay cả những lão thần này trước kia cũng chưa từng có, song lúc này bọn họ nhìn thấy mà trong lòng lại chẳng vui sướng gì. Đội mưa lên xe, Lý Đông Dương đứng trên xe ngẩng đầu dõi mắt nhìn về phía cung Càn Thanh, chỉ thấy xa xa, những cung nữ, thái giám ra vào liên tục, không khí thập phần khẩn trương, ông không khỏi thở dài một tiếng.

Trương hoàng hậu, thái tử Chu Hậu Chiếu và hai công chúa Vĩnh Phúc, Vĩnh Thuần đều ở ngoài Đông Noãn Các, tuy chỉ cách một cánh cửa nhưng tình hình của người thân bọn họ, người quan trọng nhất trong lòng bọn họ như thế nào thì họ chỉ có thể thông qua thái giám và ngự y mới có được một chút tin tức, chưa được Hoằng Trị cho vào thì đến cả bọn họ cũng không được phép vào.

Trong Đông Noãn Các, Hoằng Trị đang dựa trên gối dựa, đờ đẫn nghe tiếng mưa trút rào rào bên tai không dứt. Ba người Vương Nhạc, Miêu Quỳ và Phạm Đình đang quỳ ở trước mặt, trán dán chặt trên nền đất, thở cũng không dám thở mạnh.

Năm ngoái Hoằng Trị đã gặp một cơn bệnh nặng phải dưỡng bệnh hơn một tháng mới khỏi. Còn lần này đột nhiên ngất xỉu ngay giữa triều đường, cứu trị suốt một ngày mới tỉnh. Ông tự biết thân thể của mình đã như đèn dầu sắp cạn, qua lần này thì đại hạn cũng không xa nữa.

Ông là người cực kỳ mê tín, sau cơn hạn lớn thì giờ đây ở kinh sư trời đột nhiên đổ mưa to và còn là ngay sau khi ông ngất đi không lâu cho nên ông đoán, đây là điềm báo rõ ràng nhất của ông trời dành cho ông: Trẫm là thiên tử, ông trời rơi lệ, mưa gió bão bùng, chẳng phải chính là muốn trẫm về chầu trời sao?

Ông thở dài một tiếng, trong lòng nghĩ đến đứa con luôn khiến ông không thể yên tâm. Thuở ông kế vị tuổi tác cũng không lớn hơn con ông là bao, thế nhưng bây giờ mặc dù đã mười lăm mười sáu rồi mà tính tình của đứa con ông vẫn láu táu khinh suất, lại không đủ thận trọng, quyết không phải là hình tượng quân vương hợp cách trong cảm thụ của các triều thần.

Đứa con này tinh lực dồi dào, thông minh hơn người, nhưng lại như một con ngựa hoang không chịu nổi chút câu thúc. Vốn tưởng rằng con mình lớn hơn chút nữa thì sẽ trở nên chín chắn, nhưng giờ đã đến lúc giao cả thiên hạ cho nó, nó... có thể làm được không?

Ông nhìn lướt qua ba nội quan tin yêu nhất đang run rẩy sợ hãi quỳ gối trước mặt. "Bọn họ đều trung thành với chính mình, tuyệt không dám gian dối, nhưng nếu đổi lại là thái tử tuổi còn nhỏ thì bọn họ còn trung thành được như vậy không? Hay sẽ dần dần cậy vào quyền cao chức trọng mà lấn ép chủ thượng? Trong tay bọn họ nắm ba đại doanh kinh sư tinh nhuệ nhất và tổ chức mật thám lớn nhất Đại Minh đấy."

Hoằng Trị không thể không lo lắng, Phiên Vương các nơi mặc dù sớm bị tước Tam Vệ nhưng vị tất không có dã tâm. Sổ sách tố giác Bào phó tham tướng tham ô mà Dương Lăng trình lên cho ông vài ngày trước càng làm cho ông cảm thấy phải cảnh giác. Trong triều cực kỳ hậu đãi các tướng lĩnh trong doanh trại kinh sư, một tên quan tam phẩm có thể vì chút lợi nhỏ nhoi mà cam lòng phạm vào quân pháp, vậy nếu Phiên Vương các nơi dùng châu báu mỹ nữ, chẳng lẽ không mua chuộc được ai sao?

Huống hồ việc chế tạo đạn dược và súng hỏa mai cho doanh trại kinh sư là chuyện cực kỳ cơ mật trong quân, tuyệt không phải thợ thuyền nào ở thời đại này cũng có thể tùy ý chế tạo ra được loại hỏa khí và đạn dược tinh xảo nhất. Những cường hào địa phương lấy danh nghĩa mua hỏa dược để diệt trừ giặc cướp, tự bảo vệ mình nhưng khi Cẩm Y Vệ tra ra thì tất cả đều là giả dối cả, rốt cuộc không rõ mớ đạn dược ấy đã đi đến nơi nào. Thật ra với số lượng vài hỏa khí như vậy thì không đáng lo, cái lo là lo có người tìm thợ thủ công để phỏng chế lại.

Súng hỏa mai tuy không địch lại kỵ binh phương bắc, nhưng ở phương nam nơi ruộng nước, cây cối, sơn dã thì lại là vũ khí cực tốt, và càng là sự lựa chọn tốt nhất cho những Vương gia bị tước đi Tam Vệ không thể công khai luyện binh để có thể nhanh chóng xây dựng một đội quân. Vậy kẻ mua hỏa khí có thể là ai đây? Là Sở vương, Ninh vương, hay Ngô vương? Những kẻ này đều không thể không đề phòng.

Hoằng Trị nghĩ tới xuất thần, hồi lâu mới thở dài, mệt mỏi nói:

- Soạn chỉ.

Thái giám chấp bút thuộc Ty Lễ Giám đứng chầu sau chiếc bàn dài làm bằng gỗ tử đàn vội đáp một tiếng rồi cầm cây bút lông sói lên. Chỉ nghe Hoằng Trị ho dồn dập một trận rồi mới nói:

- Ý chỉ thứ nhất, Ngụy quốc công Từ Phủ chưởng quản Thần Cơ doanh hai mươi năm song trị quân không nghiêm, quân kỷ bê bối, quan lại trong quân tham nhũng, bại hoại kỷ cương, nay cách chức quan doanh Thần Cơ doanh, hai phó tướng Thần Cơ doanh chờ hặc tội, tạm cử Anh quốc công Quách Huân chưởng lý quân vụ.

Ông ngừng một lát rồi nói tiếp:

- Ý chỉ thứ hai, bốn doanh Vũ tương, Đằng tương, Tả vệ, Hữu vệ của Ngự Mã Giám điều ra ngoài hoàng cung, đóng giữ Cửu Thành. Tam Thiên doanh tuần tra canh gác kinh sư, Ngũ quân doanh, Thần Cơ doanh chia ra đồn trú hai bên kinh sư, điều Tả tiêu quân của Thần Cơ doanh vào đóng giữ trong cung. (: ngựa ngẩng cao đầu phi nhanh gọi Đằng tương, ngựa ngẩng cao đầu phi nước kiệu gọi Vũ tương, ở đây chỉ tên riêng doanh trại kinh sư)

Miêu Quỳ cơ trí nghe xong liền rùng mình, thân thể càng quì thấp hơn nữa. Hoàng Thượng đột nhiên đổi nơi đóng quân, chắc chắn vì bốn doanh của Ngự Mã Giám đóng giữ cấm cung đã lâu nên đã có điều phòng bị, nhưng Hoàng Thượng lại hạ chỉ ngay trước mặt mình, hiển nhiên vẫn đang rất tín nhiệm mình, nhất thời Miêu Quỳ cảm thấy ngổn ngang trăm mối, cảm động nói không nên lời.

Hoằng Trị cảm thấy đầu óc choáng váng như thể muốn nôn, ông cố gắng gượng nói tiếp:

- Ý chỉ thứ ba, hiểu dụ cho Vệ Sở đóng quân các nơi, giữ nghiêm quan ải, toàn quân đề phòng, tất cả Phiên Vương không được tự mình ra khỏi đất phong, không được tiến kinh mà chưa có lệnh, bằng không sẽ xử theo tội mưu nghịch!

Mỗi khi ông truyền xong một ý chỉ thì tên thái giám chấp bút lại khấu đầu một cái, sau đó cầm bút lên vội vã chép lại. Hoằng Trị nghe thái giám chấp bút viết xong, đọc lướt lại một lần, ừm một tiếng rồi nói:

- Cứ như vậy đã, đi đóng dấu vào.

Nói rồi Hoằng Trị khoát tay bảo:

- Các ngươi đều lui xuống trước đi rồi gọi thái tử vào, trẫm muốn nói chuyện với nó một chút.

Dương Lăng bước vào triều phòng. Triều đường là một căn phòng rất dài, bên trong ánh sáng lờ mờ. Vì hoàng đế bệnh tình nguy kịch phải bãi bỏ họp triều, nên giờ triều phòng lạnh tanh, chỉ có một quan văn dáng vẻ lừ đừ đang nằm trên bàn quay lưng về phía y ngủ gà ngủ gật.

Dương Lăng cũng không kinh động người nọ mà đi đến một cái ghế ở góc tường ngồi xuống, dựa vào lưng ghế, chỉ cảm thấy lưng đau ê ẩm.

Ngày ấy sau khi ra khỏi Cẩm Y Vệ, Dương Lăng vốn định về thăm nhà trước một cái, nhưng khi ngựa đến phố Hộ Quốc Tự thì thấy trong viện đã tắt đèn, vì không muốn phiền nhiễu Ấu Nương nên y chạy trở vào núi suốt đêm. Cũng may là y không trì hoãn nên không lỡ ý chỉ của triều đình, y vừa vào soái trướng thì thánh chỉ đã tới ngay.

Dương Lăng lập tức dẫn đại quân về kinh, căn bản không hề được nghỉ một chút nào. Một chặng đường trở về này cực khổ và chậm hơn nhiều so với y cưỡi ngựa phi nước đại một mình. Năm ngàn quan binh đi đủ ba ngày hai đêm, đến hôm nay mới về tới kinh sư.

Dương Lăng phục thánh chỉ ở ngoài triều phòng, nhưng đợi mãi mà thái giám truyền chỉ vẫn chưa triệu y tiến kiến, y nghĩ bây giờ Hoàng Thượng đang có bệnh và xem ra chẳng biết khi nào thì mới có thể gặp mình, nên định trốn vào triều phòng nghỉ ngơi một lát trước. Y duỗi hai chân, thở phào một hơi rồi khép hai mắt bắt đầu lim dim ngủ.

Chẳng biết khi nào bỗng nghe một loạt những tiếng bước chân vang lên, Dương Lăng nửa mê nửa tỉnh mở mắt ra thấy có mấy người mình không quen biết đang đi đến. Có chừng năm sáu người đều là quan văn tam tứ phẩm, Dương Lăng thấy chẳng có ai quen nên lại nhắm mắt ngủ tiếp.

Mấy ngày qua ba vị đại học sĩ vẫn ở trong cung xử lý công vụ, các ty khi có việc cần quyết định sẽ trình vào cung. Mấy quan văn đó vừa mới trình công văn lên cho các đại học sĩ, vì trong đó có vài thứ cần chờ ý kiến phúc đáp cho nên bọn họ tạm tới triều phòng đợi.

Cặp mắt của các vị đại nhân này đều hơi kém cho nên không ai thấy ở trong góc tường mờ tối đó còn có một võ quan đang ngồi, bèn ngồi xuống băng ghế dài bàn tán công việc. Tả thị lang bộ Lại Vương Ngao lo lắng lên tiếng:

- Hoàng Thượng long thể bất an, mọi người cũng vì chuyện này mà chấn động. Đã mấy ngày rồi mà vẫn không thấy long thể tốt lên, trong khi đang có rất nhiều việc ba vị đại học sĩ lại không thể tự quyết, vậy biết phải làm sao bây giờ?

Chiêm sự Dương Phương an ủi nói:

- Vương Đại nhân chớ sốt ruột, nghe nói Hoàng Thượng đã hạ chỉ cho vời Đông cung cùng Tam công thảo luận chính sự. Thái tử là người kế vị, lúc này đây đã có thể thay bệ hạ làm chủ một số việc rồi.

Vương Ngao thở dài nói:

- Thái tử tuổi nhỏ, hãy còn chưa thấu hiểu nỗi khổi của dân gian, nếu chậm trễ một chút mới phê duyệt thì chẳng biết sẽ có bao nhiêu nạn dân gặp họa nữa.

Vị quan trực ban nghe tiếng đã tỉnh dậy, xoay người nhìn thì thấy đó là Vương Ngao, không khỏi cười nói:

- Nguyên lai là Tế Chi, thảo nào nghe tiếng thấy quen tai. (: Tên tự của Vương Ngao)

Vương Ngao lúc này mới thấy rõ vị quan trực ban ngủ gật trên bàn đó là Hữu thị lang Tiêu Phương, bèn vội chắp tay chào hỏi:

- Nguyên lai Tiêu đại nhân đang trực ban, long thể Hoàng Thượng thế nào rồi?

Tiêu Phương lắc đầu thở dài, vừa mở mồm định nói, chợt một thái giám già ôm một chồng sớ đi vào. Vị thái giám này chính là Lưu Cẩn - thái giám Chung Cổ ty hầu hạ Đông cung. Thái tử được lệnh thay cha phụ trách thảo luận chính sự cùng Tam công liền dẫn theo hết mấy thái giám đắc lực bên người. Đương nhiên công việc của bọn họ bất quá cũng chỉ là đưa tấu chương để ký duyệt, truyền gọi quan viên cần hỏi xin ý kiến chứ không phải là việc to tát gì.

Nhưng Lưu Cẩn vốn chỉ ở Chung Cổ Ty đánh chuông Cảnh Dương, gióng trống Ty Thần, là một thái giám vô danh, thế mà giờ đây trong tay lão lại cầm lệnh dụ của triều đình, truyền gọi đều là các đại thần trong triều, tuy chỉ làm một chân tiểu nhị sai vặt, nhưng vì những người mà lão tiếp xúc đều là những nhân vật nhất đẳng cho nên không khỏi cảm thấy đắc ý rằng ‘trời đã sinh ra ta, tất sẽ có chỗ dùng’.

Đặc biệt lúc này đây Hoàng Thượng bệnh tình nguy kịch, Đông cung đăng cơ đã là chuyện sớm muộn, Lưu Cẩn lại là người được thái tử tín nhiệm, tiền đồ tương lai của lão tất sáng sủa vô cùng. Vừa nghĩ đến đây, lòng nhiệt tình trong công việc của Lưu Cẩn nhất thời tăng vọt, chạy tới chạy lui giữa điện Cẩn Thân, điện Văn Hoa nơi ba vị đại học sĩ xử lý công vụ và triều phòng suốt ngày mà lão cũng không cảm thấy khổ cực.

Lúc này lão ôm tới chính là tấu chương của hai quan viên bộ Công và bộ Hình. Hai người kiểm nhận xong rồi mở lời cảm tạ. Lưu Cẩn cười hì hì nhận lấy như thể lão chính là người ra phê duyệt, vẻ mặt rất đỗi vinh quang.

Vương Ngao hỏi:

- Công công, Tín Dương bị lũ lụt, tấu chương xin viện trợ vẫn chưa được phê chuẩn à?

Lưu Cẩn đáp:

- Ta chỉ nhận được tấu chương của bộ Công và bộ Hình, có lẽ là ba vị đại học sĩ vẫn chưa duyệt tới tấu chương đó.

Vương Ngao giậm chân nói:

- Ta đang sốt hết cả ruột mà sao vẫn chưa phê chuẩn chứ. Tín Dương ngập lụt, dân chúng không có áo cơm thì triều đình nên lập tức miễn thuế, cứu trợ thiên tai mới phải. Nếu chậm trễ khiến dân nổi loạn thì biết phải làm sao?

Lưu Cẩn nhớ tới lần mình nghe vài đại thái giám trong cung thảo luận về những báo cáo láo về thiên tai hàng năm để thoái thác việc nộp thuế, không khỏi cười huênh hoang nói:

- Đại nhân chớ sốt ruột. Bây giờ vừa mới vào tháng năm, làm gì mà có công văn cứu trợ sớm như vậy? Có khi là được mùa mà báo sằng là mất đó, nói không chừng những quan lại địa phương câu kết với triều thần quê ở Tín Dương trong triều để lấy lòng với địa phương nhằm tranh thủ kiếm chác thanh danh cho mình. Đại nhân phải tra xét cho kỹ lại mới được.

Vừa khéo Thị lang Vương Ngao chính là người Tín Dương, nghe Lưu Cẩn nói như thế lão làm sao có thể nhẫn nhịn, nhất thời lão giận tím mặt, vỗ bàn bộp một cái, đoạn mắng:

- Công công chớ ngậm máu phun người, lũ ở vùng Tín Dương sớm đã bẩm báo, chẳng lẽ chuyện thiên tai này còn giả được sao? Đại sự trong triều, ngươi biết cái gì? Đừng ăn nói bừa bãi!

Lưu Cẩn bị lão ta mắng cho đỏ bừng mặt đã hơi nổi cáu, không khỏi vừa thẹn vừa giận cười nhạt nói:

- Ta nói cũng chỉ là nói đến mấy thủ đoạn mà đám tham quan vô lại hay sử dụng, phải thì phải, không phải thì thôi. Đại nhân không cấu kết với kẻ gian làm việc xấu hà tất giận dữ như vậy, làm người ngoài nhìn vào còn bảo là đại nhân chột dạ nữa đó.

Chiêm sự Dương Phương bên cạnh cũng là tài tử xuất thân từ Tín Dương, nghe vậy lập tức cười khẩy nói:

- Nếu làm bậy thì phải đưa ra chứng cứ xác đáng, lẽ nào chỉ dựa vào ba tấc lưỡi bẩn thỉu của ngươi mà có thể vu tội được à?

Lưu Cẩn nổi giận:

- Hừ! Ta chỉ có lòng tốt nhắc nhở các ngươi đừng bị đám quan lại địa phương lừa bịp. Các ngươi ai nấy cũng đều già gần xuống lỗ rồi, lại lớn hơn ta không biết bao nhiêu tuổi sao đều như một đám con nít lỗ mãng thế, ta đã trêu chọc gì ngươi sao?

Nhất thời lão quên mất tôn ti cao thấp, lại tức giận nói:

- Nếu sai ta đi tìm chứng cứ vậy triều đình còn cần mấy người các ngươi làm gì? Ta chỉ nói có lẽ là quan chức cấu kết chứ có nói là nhất định đâu, nếu ngươi không chột dạ thì sao lại cuống lên như bị đạp nhầm đuôi thế? Ngươi nghĩ mình là cái thá gì?

Ông già Dương Phương cả giận, đứng lên mắng to:

- Ta đường đường là quan tam phẩm của triều đình, cái tên hoạn đến cả sách thánh nhân cũng chưa đọc như ngươi là cái thá gì mà cũng dám nói chuyện với chúng ta ở triều phòng chứ hả?

Lưu Cẩn bị người ta chửi thẳng vào mặt là ”tên hoạn”, chính là phạm vào chỗ cấm kỵ trong lòng lão nên nhất thời mặt đỏ bừng, rồi lão cũng bất chấp lợi hại tiến lên vung tay, tát thẳng vào mặt ông già họ Dương. Dương Phương rú lên một tiếng, thoắt người xông lên vung tay tát lại Lưu Cẩn, trên mặt Lưu Cẩn lập tức in dấu năm ngón tay. Một thư sinh già, một thái giám già gào rú xông vào đánh nhau túi bụi.

Đám hảo hữu Vương Ngao thấy hoạn quan dám ở trong triều phòng ẩu đả với mệnh quan triều đình liền lập tức xông tới đánh hôi, cũng có mấy người không quen với Dương Phương nhưng lại là quan văn nên không khỏi cùng chung mối thù bèn tiến đến giả vờ khuyên bảo, kỳ thật hai tay lại giữ chặt lấy tay Lưu Cẩn. Dương Phương được thể đánh tới làm Lưu Cẩn lại chịu thêm vài quả đấm.

Dương Lăng ngồi ở chỗ tối sớm đã bị cuộc tranh cãi của bọn họ làm bừng tỉnh. Y cũng thấy rõ tình hình tranh cãi, tuy rằng Lưu Cẩn trong lịch sử là một đại ác nhân không thể xấu hơn được nữa nhưng hôm nay trong việc này lão vốn cũng không nói gì quá đáng. Tín Dương có thể xảy ra lũ lụt thật, nhưng việc báo cáo láo mất mùa, lấy lòng địa phương để làm vốn mưu cầu thăng quan cho mình cũng không phải là không có. Nếu nói không đúng thì không để ý tới lão ta là được rồi, hà tất phải giận dữ như thế.

Vì chút chuyện nhỏ này mà bao nhiêu lão già hiếu chiến lại bu vào đấm đá như vậy, kể ra cũng thật rảnh quá đi. Dương Lăng vừa bực mình vừa buồn cười, xông lên kéo Lưu Cẩn ra khỏi đám người.

Các vị đại nhân nhìn thấy một võ quan xông ra cứu người, không khỏi cả giận nói:

- Ngươi là ai? Tên hoạn này dụng tâm hiểm ác, ăn nói bừa bãi, phỉ báng đại thần triều đình, ngươi lại dám nhúng tay vào cứu hắn à?

Dương Lăng nghe xong hơi giận, y nhíu mày nói:

- Các vị đại nhân, việc nhỏ như vậy không cần phải chụp mũ đến thế chứ? Chuyện hôm nay chẳng qua là bởi một câu vô tâm của Lưu công công mà thôi, mọi người lui một bước nhường nhịn nhau là xong, cớ chi hùng hổ dọa người thế?

Lưu Cẩn được kéo ra, tóc tai bù xù, lúc này mới nhìn rõ người cứu lão là Dương Lăng, thế là liền như thấy thân nhân, nức nở nói:

- Dương đại nhân, đại nhân nhìn xem, đại nhân nhìn xem, làm như vậy là sao? Ta có nói gì sai đâu, bọn họ thật khinh người quá đi.

Trong lúc bên này đang ồn ào, một tên tiểu thái giám tới cửa kêu to:

- Vị nào là Dương Lăng Dương đại nhân, Hoàng Thượng triệu kiến!

Nói xong nhìn vào triều phòng, trông thấy tình cảnh này tên tiểu thái giám cũng chết lặng.

Bọn người Dương Phương nghe tên Dương Lăng đã lâu nhưng lại không nhận ra y. Lúc này vừa nghe người này chính là Dương Lăng cho nên không khỏi giật mình lui lại. Dương Lăng nhân cơ hội này kéo Lưu Cẩn với vết bàn tay đỏ lựng in trên khuôn mặt ra khỏi triều phòng, an ủi lão một chút, Lưu Cẩn mới khóc thút thít cáo từ đi tìm Chu Hậu Chiếu để tố cáo.

Dương Lăng đi theo tên tiểu thái giám vào cổng Càn Thanh tới thẳng hậu cung. Vừa mới đi qua một khúc quanh ở cổng Nguyệt Lượng, một thiếu nữ đang dẫn theo đám thị nữ vội vàng từ phía sau cửa chạy tới. Hai bên không kịp tránh nên thiếu nữ đó lỡ đà lao vào lòng y.

Dương Lăng vội vàng đỡ lấy nàng. Thiếu nữ đó úi lên một tiếng, mặt đỏ bừng nhảy ra khỏi lòng Dương Lăng, xoa nhẹ cái mũi đau của mình, khi mắt vừa chạm với ánh mắt của nam nhân trước mắt thì thiếu nữ dung mạo xinh đẹp tuyệt trần đó đột nhiên sửng sốt.

Nàng mở to hai mắt nhìn nhìn Dương Lăng, đột nhiên mừng rỡ lao tới, nắm lấy cánh tay y kêu lên đầy hưng phấn:

- Hóa ra là Dương tướng quân! Nhanh, nhanh, nhanh theo ta đi cứu người. Hoàng huynh đang đuổi giết quốc cữu gia đó!

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio