Văn hơi căng thẳng khi bị ông thầy nhìn vào. Nó hơi ấp úng một lát, rồi mới nói.
- Âm Dương, là vạn vật.
Thầy nhìn nó, đôi mắt khích lệ. Nó lại nói tiếp.
- Âm và Dương, có thể là bất cứ thứ gì. Có thể ở bất cứ đâu. Chỉ cần nơi nào có những cặp tương phản, nơi đó, sẽ có Âm Dương. Nhưng, tương phản, có thật sự là tương phản không?
Câu trả lời, bỗng nhiên lại thành câu hỏi. Nhưng thầy Khang không trả lời, thầy nhìn nó với ánh mắt chờ mong.
- Cái gì gọi là tương phản? Là nhanh và chậm, là động và tĩnh, là mạnh và yếu, là xa và gần, là nước và lửa, là trời và đất. Âm Dương, cũng như Võ thuật, không có cái định nghĩa rõ ràng như mạnh và yếu. Ai dám vỗ ngực xưng mình là kẻ mạnh, khi luôn có người mạnh hơn mình? Mạnh và Yếu, vốn chỉ xuất hiện trong một cuộc tỉ thí nhất định, có kẻ mạnh hơn, thì sẽ có người yếu hơn. Mạnh và Yếu, vốn chỉ tồn tại trong sự so sánh lẫn nhau!
Hít sâu một chút. Nói tiếp.
- Mạnh và Yếu, có cái Yếu, mới có cái Mạnh. Có cái gần, mới có cái xa. Có cái chậm, mới có cái nhanh. Có xui xẻo, mới có may mắn. Ô tô cũng nhanh. Máy bay cũng nhanh. Nam Đế cũng nhanh. Nhưng những cái nhanh đó, là ta bất giác đem so sánh với bản thân ta. Vì ta chậm, nên cái gì cũng nhanh. Nhận định một thứ gì đó, nếu chỉ dựa vào góc nhìn của bản thân, sẽ mất đi rất nhiều cơ hội để nhìn nhận nó dưới một góc độ khác.
Thầy Khang khẽ mỉm cười, gật đầu khích lệ.
- Nếu ta không dám đứng trên góc độ của người khác, làm sao ta có thể đạt tới cảnh giới như họ? Nếu ta không dám đứng trên góc độ của Nam Đế Vương Vũ Hoành, làm sao ta có thể nhìn thấy chiếc máy bay chậm như rùa? Nếu ta không coi ta là trời đất, làm sao ta có thể thấy con người nhỏ bé ra sao?
Câu nói này, làm cả lớp giật mình. Dám đặt điểm nhìn coi mình như Nam Đế, cái này... có hơi ngạo nghễ quá không?
Nhưng thầy Khang vẫn gật đầu.
- Có nhỏ thì sẽ có lớn, có nhanh thì sẽ có chậm, có Âm thì sẽ có Dương. Vì vậy, tả nhỏ, sẽ ra được lớn, tả chậm, sẽ ra được nhanh, tả một cá thể, sẽ thấy được cả chỉnh thể, tả Âm, sẽ nhìn thấy Dương! Ngược lại, cũng vậy.
Câu trả lời của nó kết thúc tại đây. Cả lớp im lặng. Thầy Khang cũng không cười nữa. Thầy đứng đó, không nhìn nó, mà nhìn xa xăm.
Bỗng thầy vỗ đánh đét một cái.
- Hay!! Hay!! Hay!! Lấy lớn tả nhỏ, lấy động tả tĩnh, lấy cái cá thể để tả cái chỉnh thể!! Hay lắm!! Đó chính là tinh tuý của Văn học, chính là thứ thanh cao vượt qua mọi sự miêu tả thô thiển!! Lấy người dân thường để tả bậc Đế Vương, lấy người học trò để gợi nhắc về người thầy, lấy cá nhân để tả về Vũ Trụ! Văn học Đại Nam ta, đã bao lâu rồi không đạt tới cảnh giới ấy, cảnh giới mà trẻ con Bắc Hà mở mắt ra cũng làm được!
- Các em hãy nhớ, Văn học, không chỉ là những câu chữ xếp đặt trên một trang giấy. Nó là xúc cảm, là nhân sinh, là Vô Thức, là Siêu Hình, nó không bỏ qua từng hạt bụi nhỏ nhất trong Vũ Trụ, nhưng nó, cũng bao quát cả Vũ Trụ! Đó mới là cảnh giới mà mỗi người học Văn cần đạt tới! Các em, kiến thức sách vở thì nhiều, nhưng kiến thức mở rộng, còn thiếu thốn quá. Âm Dương, Ngũ Hành, Phong Thuỷ, Văn hoá, Xã hội, mọi thứ, các em phải trau dồi thật nhiều, mới khiến nhân sinh phong phú, mới khiến thế giới Văn học của riêng các em được rộng mở.
- Còn em, em tên là gì... À! Thầy nhớ rồi! Vương Thành Văn, khá lắm!
Cả lớp hít hà. Thầy Lưu Vĩnh Khang, có bao giờ nhớ tên học sinh không?
- Được rồi, ta tiếp tục bài học. So sánh, và ẩn dụ, đúng vậy, cũng chính là dựa trên những tinh tuý của những cặp tương phản. Nếu ai không nắm rõ về điều đó, có thể tới hỏi lại bạn Vương Thành Văn. Những cặp tương phản, xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần các em mở rộng tầm mắt của mình, đều sẽ nhìn thấy, giống như bạn Vương Thành Văn đã nói, quan sát rất tinh tế đấy...
Thầy Kha, suốt buổi hôm đó, một câu Vương Thành Văn, hai câu Vương Thành Văn, khiến ngay buổi trưa hôm đó, cả trường đã rêu rao ầm ỹ lên.
Vương Thành Văn, đã thành học sinh cưng của thầy Khang!
Còn Vương Thành Văn, thì sao? Nghe thầy giảng được , câu, nó đã lăn quay ra ngủ mất.
- Oáp!
- Ngủ ngon gớm nhỉ?
Thầy Khang đã tới bên bàn nó từ lúc nào.
- Đêm qua, làm gì mà thức muộn thế? - Thầy ân cần hỏi.
- Dạ thưa, đêm qua em mải suy nghĩ, Âm Dương là cái gì.
- Pffff!!!!
Nghe câu này, cả lớp đội tuyển khinh bỉ. Mẹ nó, thức đêm thì cứ nói là thức đêm, ngủ gật thì cứ nói là ngủ gật, lại còn bịa chuyện Âm Dương, mẹ nó, bỉ ổi, dối trá, vô liêm sỉ.
Nhưng thầy Khang chỉ cười.
- Nghĩ gì thì nghĩ, phải ăn ngủ cho điều độ. Học trên lớp, em cố gắng nghe thầy giảng được bao nhiêu thì nghe, còn thích ngủ, cứ ngủ thoải mái. Học đội tuyển, cũng không có nội quy gì, thích đi thì đi, thích nghỉ, cứ nghỉ.
Văn há hốc mồm, học đội tuyển, hoá ra lại sung sướng như vậy? Là lấy kết quả làm mục đích duy nhất, không quan tâm quá trình sao? Học cũng được, không học cũng được, miễn có thành tích là được? Nghe cũng... vô cùng logic.
- Nhưng ở nhà, chịu khó đọc nhiều một chút. Óc quan sát và phân tích của em rất tốt, mới tuổi mà có thể suy nghĩ sâu sắc tới vậy. Thầy có quyển sách này, do thầy giáo của thầy viết ra, thầy tâm đắc đã lâu rồi, nay thầy cho em mượn, đọc xong thì trả lại thầy.
Cả lớp xì xào. Nhiều đứa ngóng lên xem đó là quyển sách gì.
“Văn học lý trí”, của cố Giáo sư Nguyễn Mạnh. Bên trong, hình như còn rất nhiều ghi chú bằng tay.
Linh xuýt xoa.
- Đây là bản in nháp cuốn Văn học lý trí của thầy Nguyễn Mạnh, chỉ in thử một bản, sau đó lại bị cộng đồng phản đối dữ dội quá, nên đình bản? Vậy đây là quyển duy nhất trên đời rồi.
Cố giáo sư Nguyễn Mạnh, là người có ảnh hưởng lớn nhất tới giáo dục Văn học trong năm trở lại đây. Những chuyên đề, những phân tích, những đánh giá của thầy, đều đã được chuyển thành chương trình Văn học giáo khoa.
Tuy nhiên, cuốn sách Văn học lý trí, lại được coi là một sai lầm ngớ ngẩn trong suốt sự nghiệp của thầy, vì Văn học, vốn là cảm xúc, là đồng cảm, sao lại đem ra phân tích một cách lý trí được? Vì vậy, cuốn sách này, dần chìm vào quên lãng.
- Ô, em Trần Phương Linh, cũng hiểu biết nhiều đó. - Thầy Khang tán thưởng.
- Thầy cũng nhớ tên em ạ? - Linh cười, nhìn thầy. Chuyện thầy Khang không nhớ tên học trò, cũng không mới lạ gì.
- Tên em mấy ngày nay nhan nhản trên mạng như vậy, khiến giám thị coi thi ngất xỉu, khiến người ta phải nợ đến hơn ngàn hào, còn doạ đốt nhà người khác, thầy không nhớ cũng phải nhớ.
Linh bĩu môi, giơ tay véo thằng Văn một cái. Chỉ tại thằng khốn này!
- Au! Sao thế?
- Không có gì, hì hì.
- Thôi, thầy về xem phim đây. Lớp mình cũng nghỉ đi, chiều thầy cũng không đi dạy đâu.
Thầy Khang luôn như vậy. Ăn lương thì nhiều, dạy học thì biếng, hôm dạy hôm nghỉ, cũng chả có kỉ luật kỉ liếc gì. Nhưng đám học sinh vô lo vô nghĩ, cũng không quan tâm lắm. Học đội tuyển, không mất học phí, lại buổi học buổi nghỉ, chúng nó càng vui. Học đội tuyển, còn được miễn thi học kì các kiểu nữa, sướng vãi.
Cả lớp đã lục tục ra về, chỉ còn Thu Mai, ánh mắt căm tức, nhìn đứa lớp , tay nắm chặt lại.