Vòng quay mặt trời, về căn bản cũng chỉ là ngồi trên đó ngắm cảnh phút nói chuyện phiếm. Ngoại trừ việc bạn có thể nhìn thấy toàn thành phố và sống ảo cực phê thì hai thằng đàn ông như họ lên đó sắp ngủ tới nơi.
Niềm an ủi duy nhất chính là ở đây có wifi miễn phí, nhưng càng lên cao, mạng càng yếu. Tới lúc buồng của hắn nằm trên chỗ cao nhất vòng quay, hắn chỉ có thể chụp ảnh và chơi mấy trò không cần mạng.
Huỳnh Nam Phong giơ ipad chụp mấy cái rồi gửi cho mẹ báo cáo tình hình, thấy bà không đáp lại chắc mẩm đang đi làm, hắn bèn tắt ipad, chuyên tâm ngắm cảnh.
Cầu bãi cháy đã lên đừng rực rỡ một góc trời.
Hai người họ ăn tối xong xuôi, dạo chơi quanh chợ đêm tới gần giờ sáng mới trở về khu nghỉ dưỡng, lúc hắn tắm xong phát hiện người kia đã ngáy khò khò từ bao giờ.
Huỳnh Nam Phong giúp cậu vén chăn lên, chống tay nhìn người nọ một hồi.
Lớn đùng rồi mà vẫn như trẻ con.
Huỳnh Nam Phong lén lút hôn lên trán cậu, xoay người tắt đèn.
Căn phòng chìm lặng ngắt như tờ.
................
- "Mẹ! Mẹ!"
- "Bỏ tao ra!"
- "Để chị ấy đi!" Thằng bé gào ầm lên, bật khóc nức nở.
Nhưng người phụ nữ nào quan tâm đến nó? Bà ta vận áo vải sờn chắp vá, răng nhuộm đen, mái tóc bù xù bẩn thỉu, khuôn mặt trắng nõn qua thời gian trở nên đen sạm. Không còn bóng dáng người thiếu nữ thuỳ mị nết na năm xưa nữa, chỉ còn lại một con mụ điên, dường như cái điên ấy là tấm lá chắn bảo vệ bà khỏi cơn áp bức ngày qua ngày.
Tiếng gà gáy buổi ban trưa vang lên từng đợt, đinh tai nhức óc. Trong căn nhà xập xệ, tiếng trẻ con khóc vang lên thất thanh, chung quanh không ai có ý định tới giúp. Họ đã quá quen với khung cảnh này, quen với mụ đàn bà dở dở ương ương chẳng biết làm việc nhà cũng chẳng biết cầy cấy bao giờ, tận tới khi ông chồng về dạy dỗ mụ ta một trận, mụ ta mới thôi phát điên một thời gian.
Nhưng lần này thì khác.
Thằng bé mang trên mình bộ quần áo rách rưới, đôi mắt to tròn đen láy đẫm nước mắt. Nó ra sức kéo tay cô bé đang nằm trễm chệ trên sàn nhà, từng giọt nước mặn nồng vương đầy trên má.
Nó đã khóc tới khàn cả cổ gần một tiếng mà vẫn không tài nào lay chuyển nổi người đàn bà trước mặt.
- "Mẹ ơi, đau..."
Cô bé nằm dưới sàn nức nở, hai bím tóc tết gọn gàng sắp sửa bung ra, đầu tóc rối mù.
Trông nó chỉ cao hơn thằng bé một chút, chắc là chị cả trong gia đình, khuôn mặt trắng hồng đối ngược với thân hình gầy rơ xương, tay chân mảnh khảnh ngắn tũn. Nó cắn răng đấy đau đớn, cổ chân bị mẹ mình nắm lấy, càng cựa, động tác bóp càng chặt.
- "Mày không được đi đâu hết!"
Thằng bé ra sức kéo tay chị mình, thân thể nhỏ bé nào có thể chống đỡ lại sức lực của người phụ nữ điên này?
- "Thả chị con ra!"
- "Tao không thả!"
Mụ ta gần như gào lên:
- "Mày thích đi đâu thì đi, nhưng chị mày thì phải ở lại!"
- "Tại sao chứ?!"
- "Mày không quan trọng!" Người đàn bà nghiến răng nghiến lợi: "Nguyễn Khải không cần mày!"
Nhưng cái người tên Nguyễn Khải đó là ai mới được?
Đôi mắt thằng bé bị che lấp bởi hơi nước, đỏ quạch lên. Nó gào lên thất thanh:
- "Cứu cháu với! Cứu cháu với!"
Cô bé thấy vậy cũng phụ họa theo, hét lên:
- "Cứu cháu với!"
Tiếc rằng, đáp lại hai đứa trẻ là khoảng không vô tận.
Giờ này làm gì còn ai ở nhà? Người thì ra chợ, người thì ra đồng, mỗi người một tay một chân, có ai rảnh rỗi như mẹ nó đâu? Cả ngày chỉ ru rú trong nhà, cứ chốc chốc lại cười lên như một con thần kinh.
Chuyện bà ta đánh đập con, không phải không ai biết. Có người đã sang ngăn nhưng không làm gì được, thậm chí mụ còn dùng dao suýt xiên chết ông Ba hàng xóm.
Chỉ là, có mấy ai hiểu được nỗi khổ của mụ.
Mồ côi cha, cả gia đình có mẹ và ba người em gái đều chết vì cái đói, chết vì cái nghèo. Nhớ năm đó mụ dưới hầm trú ẩn, tận mắt nhìn thấy mẹ mình trút hơi thở cuối cùng, bóng lưng bé nhỏ ấy phải gánh các ba người em, đây không phải điều một đứa trẻ có thể làm được.
Ấy vậy mà, mụ vẫn ngày ngày cực khổ kiếm tiền, hết làm thuê, buôn bán, cứ cái gì kiếm được tiền, mụ đều làm hết. Mụ dành số tiền đó mua thức ăn cho chị em, nhưng người tính không bằng trời tính. Đứa nhỏ thứ hai mắc bệnh hen suyễn, qua đời sớm, đứa thứ ba vì giúp chị kiếm tiền mà bị người ta lừa gạt, xác vứt ngang sông, đứa cuối yếu ớt, chết vì cái lạnh buốt giá của mùa đông.
Mụ đã cố gắng, cuối cùng chỉ còn lại mình mụ.
Nhưng mụ vẫn phải sống, vì phước lành.
Có người nói, phước lành đó thật ra là một lời nguyền ám lên cả gia đình mụ ta, khiến họ chết trong đau khổ.
Nhưng mụ nào quan tâm, nó là lẽ sống. Dù ai có chết, người đó cũng không phải là mụ. Thổ Sen chưa nở rộ nghĩa là thời khắc vẫn chưa đến, mụ không thể chết ở đây được.
Mụ lăn lộn trong chợ mà lớn lên, sau này có một người đàn ông trung niên tốt bụng nhận nuôi, được gả cho một gia đình có tiếng trong thôn.
Cứ ngỡ cuộc đời sẽ như là mơ, cuối cùng mụ cũng có một chốn để về, một người để yêu, một đứa con gái sẽ nhận toàn bộ phước lành, hoá ra người chồng mụ cũng không phải loại tốt đẹp gì cho hay.
Sau khi cha nuôi mất, gã lộ rõ bản mặt thật của mình. Gã cả ngày chỉ biết rượu chè, sau khi sinh hai con, nhan sắc mụ càng ngày càng kém. Mụ cả ngày đi làm quần quật chỉ để kiếm mấy đồng tiền nuôi con, ấy vậy mà gã cuỗm đi bằng hết. Hai đứa trẻ lúc thì tự ra chợ kiếm đồ ăn, lúc thì ngửa tay xin, lúc thì ăn đồ thừa, không lúc nào cái bụng không réo lên.
Mụ thương con không? Mụ thương lắm nhưng có làm gì được? Phận bị gắn liền với nhà chồng, bỏ đi là trái với tôn ti lễ nghĩa, là mụ đối xử với chồng không tốt mới bị gã đánh cho, người đời ai cũng bảo vậy.
Dần dà, lâu ngày tích tụ, hình bóng người phụ nữ tần tảo hiền thục không còn nữa, chỉ để lại một con mụ điên bị xiềng xích định kiến giam hãm, cứ ngỡ nửa đời còn lại sẽ có được hạnh phúc lại chẳng thể, nó như ngôi sao, tưởng là gần mà xa ơi là xa, với mãi không tới.
Mụ trút giận lên đầu hai đứa trẻ, nhưng đôi lúc lại yêu nó vô cùng. Nó là gánh nặng, cũng là niềm hạnh phúc cuối cùng đối với mụ, ấy vậy mà, thằng ranh con miệng thơm mùi sữa do mụ đẻ ra lại đòi dẫn chị gái bỏ đi.
Mụ điên nhưng mụ chưa quên.
Thằng nhóc có thể chết, có thể đi bất cứ đâu để được tự do nhưng đứa con gái, nếu nó đi mất rồi, ai sẽ nhận lấy phước lành?
Thứ kinh khủng hơn hết khi từ chối phước lành chính là lời nguyền. Mụ ta tin nếu con gái mụ không nhận nó, mụ, và cả thế hệ về sau sẽ gặp tai ương bất trắc.
Bóng con bé khuất dần sau cửa nhà, nó muốn đi, đi thật xa khỏi nơi này, đi thật xa khỏi xã hội đã chà đạp lên gia đình nó. Mụ hoảng hốt, trong phút chốc, cơ thể không kiểm soát nổi mà lao đi như một con mãnh thú, tóm lấy cổ chân con bé. Hai người ngã dúi xuống sàn đất.
Cằm con bé đập cốp xuống sàn, vết đỏ ửng đau tới cắt da cắt thịt dần hiện lên. Con bé ứa nước mắt, cắn môi muốn rời đi.
- "Chị!"
Huỳnh Nam Phong đứng một bên xem cảnh tượng mà thấy lòng quặn thắt.
Hắn biết đây là mơ, bản thân chỉ là ảo ảnh đang ngắm nhìn cuộc sống của người khác. Đây không phải lần đầu tiên và có lẽ không phải lần cuối cùng, khác ở chỗ giấc mơ lần này chân thực hơn hẳn, khác hoàn toàn so với những lần trước đây.
Hắn muốn dựt tay bà mẹ ra khỏi cổ chân con bé nhưng không thể, chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, trong lòng đau xót.
- "Mẹ, con không rời đi nữa." Thằng bé oà khóc: "Mẹ thả chị ra đi mà, đừng kéo nữa."
- "Không!" Mụ gầm gừ, hai mắt trợn lên, toác miệng cười : "Tao không ngu! Mày thích thì cứ rời đi, nhưng nó thì không được!"
- "Tại sao?!"
- "Mày không đáng giá! Bất cứ ai đều không đáng giá!"
- "Con cũng là con mà!"
- "Nguyễn Khải không cần mày!"
Đây là lần thứ hai mụ ta nhắc tới cái tên Nguyễn Khải, Huỳnh Nam Phong chắc mầm người nọ chính là bố của hai đứa trẻ, im lặng xem tiếp.
Bịch. Bịch. Bịch.
Thính lức con bé rất tốt, vừa nghe thấy tiếng bước chân, khuôn mặt hồng hào bỗng tái mét, cắn môi dưới.
Bịch. Bịch.
- "Bà mẹ chúng mày lại khóc!"
Huỳnh Nam Phong ngoảnh đầu, sắc mặt đen kịt.
Người đàn ông này có chỗ nào giống con trai trong một gia đình có tiếng không vậy? Rõ ràng giống mất tên đầu đường xó chợ chuyện đi rạch mặt ăn vạ thì đúng hơn.
Thằng bé vô thức buông tay chị mình ra, gần như đồng thời, người đàn ông tiến vào nhà.
- "Mẹ nó! Mày lại đánh chúng nó?!"
Người đàn bà từ biểu cảm điên loạn bỗng lộ rõ ra vẻ hoảng sợ. Mụ ta ôm chầm lấy con bé, bao gọn nó trong lồng ngực, khuôn mặt sợ hãi không thôi.
- "Bố ơi..."
- "Tao đt mẹ, cả ngày chỉ biết nằm vật trong nhà đến thối cả xác ra. Thấy tao rảnh rỗi lắm hả mà còn phải về đây giải quyết mấy vụ của chúng mày?"
- "Mình ơi..."
Gã bỗng giơ tay, nện thẳng chai rượu xuống đầu người phụ nữ.
Sắc mặt thằng bé tái mét, biểu cảm như muốn môn thốc nôn tháo. Nó lùi lại trong vô thức, vừa muốn cứu chị mình, vừa muốn bỏ đi.
Chọn cái nào đây?
Mụ ta kêu ré lên một tiếng, gã lại vung chân, đánh cho mụ thừa sống thiếu chết. Đứa trẻ trong lồng ngực nước mắt giàn giụa, khóc nấc lên:
- "Mẹ ơi..."
Gần như đồng thời, chai rượu lại phang thẳng lên thân thể ốm yếu của mụ.
Huỳnh Nam Phong không nhịn được lao đến, tất cả những gì hắn có thể làm là đi xuyên qua họ như ảo ảnh.
Phải rồi, đây chỉ là một giấc mơ.
Đầu thằng bé nổ ong ong, trơ mắt nhìn cha coi mẹ như cái bao tải cát mà đánh, từng tiếng "Bốp!" "Bốp!" vang lên điên cuồng.
Nhưng nó ở lại thì làm gì được? Nó chỉ là trẻ con, chẳng thể can thiệp cũng chẳng thể cứu chị gái.
Từng cú đấm như búa bổ đánh mạnh, gác vung chân đá lên thân thể co quắp dưới sàn nhà, bị men rượu khống chế mà đáng càng hăng.
Tiếng gà trưa vang vọng trong không khí, tiễn cậu bé lên đường.
Trong cái vắng lặng dần trở lại, căn nhà nhỏ thiếu mất một đứa trẻ.