Đứng từ cửa ải, có thể thấy nơi đóng quân của Đào thị ở phía xa.
Dương Quan, Dương Kích bàn việc với Lý Hàn xong thì đi xuống chòi tướng. Đội quân của tộc Đào thị áp sát Trường Xà Cốc, dấu vết từ trận chiến lần trước hãy còn đó, có thể thấy được vô vàn vết thương trên tường thành.
Gió thổi phần phật trên cầu thang. Mắt Dương Quan nhòe đi vì cát, hắn sai một tên lính lấy nước sạch đến rửa mắt; đệ đệ Dương Kích thì khá hơn, tướng mạo của hắn rất đặc biệt, dường như chẳng bị thứ gì làm nhòe mắt bao giờ.
Dương Quan gọi hắn lại: Lâu lắm rồi ta không nhìn kĩ mặt đệ.
Dương Quan híp mắt, quan sát hồi lâu: Cũng hơi giống đấy. Hồi nhỏ có người nói thế ta còn thấy không giống…
Biên quan nhiều tộc người khác, có thể thường xuyên trông thấy thương nhân Đào thị qua lại. Mặt mũi Dương Kích sắc sảo, tựa như đao khắc.
Dương Quan không biết mặt mũi tỳ nữ kia thế nào. Dương Dụ không có nhiều thiếp thất, tất cả đều sống trong sân viện dành cho nữ quyến, gần như không ra ngoài. Hắn nghe nói phụ thân rất thích mẹ đẻ của Dương Kích, song dường như sự yêu chiều này cũng chỉ kéo dài mấy tháng ngắn ngủi.
Nhớ lại phản ứng của mẫu thân… nói không chừng bà đúng là một nữ tử khác tộc.
Dương Quan ép mình không nhớ đến mớ lộn xộn trong nhà nữa. Thật lòng, trong một vài chuyện, cha mẹ hắn khiến hắn nói không nên lời; nhưng phận làm con chỉ trỏ cha mẹ thì không hay lắm…
Vậy nên hắn đã hình thành thói quen luôn miệng “Vâng, phải”, còn trong lòng thì sóng to gió lớn.
Dương Quan ôm vai đệ đệ: Mấy ngày nữa ra trận ta sẽ dẫn đầu, đệ yểm hộ bên cánh, nhớ chưa?
Dương Kích gật đầu: Huynh xông lên trước Tấn Vương à?
Dương Quan cười: Ca ca phải giúp đệ. Đợi khi có chiến công, ta sẽ có thể đặt điều kiện với Ngự hoàng… chẳng lẽ đệ và Liễu Nam Phật định không về, ở đây ăn cát cả đời sao?
Hắn vỗ lưng đệ đệ, đi về phía chiến mã của mình. Dương Kích gọi với theo, nhưng Dương Quan không dừng lại, không muốn nghe hắn lải nhải.
Dương Quan nhảy lên ngựa, đột nhiên, Dương Kích chạy kéo kéo cương của hắn.
Dương Kích: Đại ca, lần này ra trận để đệ tiên phong cho.
Dương Quan: Ta đã quyết tâm lập công lập nghiệp. Cha mẹ đã có tuổi, đệ nên về nhà phụng dưỡng hai cụ.
Dứt lời, Dương Quan chọc lên trán đệ đệ, chọc mạnh tới nỗi làm Dương Kích lảo đảo.
Dương Quan: Xem tí bản lĩnh cỏn con của đệ kìa.
Dương Quan: Có đại ca ở đây, không đến lượt đệ sầu lo.
Ngày ra trận, Dương Quan mặc bộ giáp hơi cũ. Đó là chiến bào của Dương Dụ ngày trước, với Dương thị, bộ chiến bào này đeo trên lưng chiến công hiển hách, là vinh quang gia tộc.
…
Trong trấn thuộc ải Trường Xà Cốc, Xuân Y ngồi bên cửa sổ ngắm nghía một con bồ câu chết. Mùi máu chim bị mùi thơm của trà hòa thành một mùi lành lạnh.
Đây là bồ câu đưa thư bị A Phiếm bắn rơi, là loại Vân Phi Hiệp thượng hạng trong các loài bồ câu đưa thư.
Nó đưa thư mật ra vào trong ngoài biên quan, tất nhiên là nội gián của tộc Đào thị đang truyền tin. Loại bồ câu này có thể tung hoành nam bắc, bay qua Nga Mi, thường dùng để đưa thư đường dài.
Xuân Y đọc lá thư buộc dưới chân nó xong, thấy rất thú vị. Nội dung thư là một bài thơ vịnh phong cảnh Giang Nam. Không ai dùng bồ câu đưa thư gửi thứ này cả, hẳn bài thơ này là một ám hiệu, phải tìm được cách giải tương ứng mới hiểu được nó muốn nói gì.
A Phiếm: Nó vẫn luôn qua lại giữa Trường Xà Cốc và Đại Mạc, nay lại sa chân.
Xuân Y: Không phải nó sa chân, mà là nó không hay qua lại hai nơi này, luẩn quẩn lâu nên mới bị ngươi phát hiện.
A Phiếm ngẫm nghĩ, hiểu ý hắn. Khả năng bay của Vân Phi Hiệp rất tốt, nếu chỉ dùng để đưa thư giữa Trường Xà Cốc và bên ngoài thì phí tài quá.
Đối tượng nó truyền thư hẳn phải ở nơi xa hơn nữa, chẳng qua mới tới gần đây nên nó mới mất phương hướng trên bầu trời Trường Xà Cốc, bị A Phiếm phát hiện.
Xuân Y kiểm tra cánh của nó, cánh chim ẩm ướt, bồ câu ít khi bay đường dài vào ngày mưa, có lẽ trên đường bay nó đã bay qua núi cao, bị gió núi lẫn sương thấm ướt lông.
Núi có độ cao như vậy ở quanh đây chỉ có đỉnh Trường Xà, bay qua đỉnh Trường Xà là thẳng hướng tới hoàng thành.
Hắn bắt đầu thấy khó hiểu… Nếu nội gián là quan lớn trong triều, ví dụ như Liễu tướng, thì loại cáo già hay bày mưu tính kế này không thể để bồ câu đưa thư bay thẳng qua đỉnh Trường Xà về phía hoàng thành được. Mà lão sẽ phái tâm phúc mang thư mật và bồ câu tới gần biên quan, liên lạc với Đào thị ở một trấn biên quan nào đó.
Làm vậy vừa nhanh vừa an toàn.
Xuân Y hỏi A Phiếm: Nếu ngươi là nội gián, điều gì mới khiến ngươi mạo hiểm để bồ câu đưa thư bay về phía mình?
A Phiếm từng là chim sẻ Lý Miên huấn luyện, chim sẻ là thứ Nhiếp Chính Vương dùng xong sẽ bỏ, nên không được dạy cách bảo vệ mình.
A Phiếm: Ta không có nhiều đồng bọn, việc gì cũng phải tự làm. Điện hạ sắp cho ta vào nhà ai thì ta cũng không thể tự chạy đi quá xa.
Cho nên có thể nội gián không có nhiều thuộc hạ, cũng không có lý do để rời kinh thường xuyên… Có lẽ là vẫn còn trẻ, người nhà để ý đến hành tung, chưa ra riêng…
Chốc lát, toàn bộ các nhân vật tai to mặt lớn đều bị loại trừ, những Liễu Thừa tướng, Lý Miên, Lý Hàn… nội gián, là một nhân vật nhỏ bé chưa ai chú ý.
Hắn đang ngẫm nghĩ thì tiếng kèn lệnh phía xa vọng lại cắt đứt suy nghĩ của hắn. Quân tiên phong của hai phe đã bắt đầu chém giết, không rõ thắng bại.
Xuân Y khoác áo ra ngoài nhìn thiên tướng. Không phải điềm lành, hắn đã nhắc nhở Dương Quan, nhưng đó không đủ lung lay quyết tâm của tướng quân.
Hắn bảo A Phiếm đợi bên ngoài, còn mình thì lên chòi tướng… Bồ câu đưa thư bay qua đỉnh Trường Xà nay quanh quẩn tại Trường Xà Cốc, chứng tỏ nội gián kia đang ở đây.
Lần này, Xuân Y đang gần người đó hơn Trương Dẫn Tố.
…
Trương Dẫn Tố và Liễu Chí đi theo đội buôn gần đó, nghỉ chân tại một làng mạc. Người của đội buôn nhạy tin, đã biết hôm nay khai chiến nên đều tránh khỏi “tâm bão”.
Đêm ở sa mạc rất lạnh, nhưng trăng cũng rất sáng. Bên đống lửa, đội buôn lạc đà quây quanh đàn ca nhảy múa, mấy nữ tử bạo dạn thì ngồi sát vào Trương Dẫn Tố, nói chuyện với y bằng tiếng Hán thuần thục.
Liễu Chí ngồi cạnh xấu xa trêu đùa. Mỗi lần Trương Dẫn Tố dịch về phía nó, nó sẽ cố ý đẩy y dịch vào mấy nữ tử.
Nó lại ủn y lần nữa, đột nhiên mông nhói lên, bị Trương Dẫn Tố dán bùa mất rồi. Trương Dẫn Tố lạnh lùng nhìn nó, Liễu Chí đành ngồi ngoan.
Đội buôn ngồi tới nửa đêm thì ngủ cạnh đống lửa. Liễu Chí bao lấy y trong bóng đen, ngồi trên một cây hồ dương già trong sa mạc.
Nó để hé một khe hở cho ánh trăng chiếu vào. Trương Dẫn Tố biết nó muốn nói chuyện, giọng nói lành lạnh vang lên trong đầu y: Sau này chúng ta đi đâu chơi?
Trương Dẫn Tố: Không biết nữa… Nhanh chóng xong việc rồi đưa ngươi về.
Liễu Chí: Mới bao lâu đã về rồi?
Trương Dẫn Tố: Ngươi không thể ra ngoài quá lâu, không sẽ tan biến.
Liễu Chí: Ta biến mất chẳng tốt à? Ngươi không vui?
Trương Dẫn Tố: …Chẳng có gì vui hay không cả, sau này cũng được yên tĩnh.
Liễu Chí: Vậy ta không nói với ngươi nữa nhé?
Trương Dẫn Tố: Được. Ngủ đi.
Liễu Chí: …
Liễu Chí: …
Liễu Chí: … Ta không nói thật đấy.
Trương Dẫn Tố: Ngủ đi.
Liễu Chí: Đừng ngủ, nói cho rõ ràng đã, ngươi có coi ta là huynh đệ không?
Trương Dẫn Tố: Mấy huynh đệ của ta đều ở Trương gia, ngươi không phải.
Liễu Chí: Thế ngươi nói chuyện với ta hay với bọn họ nhiều hơn?
Trương Dẫn Tố im lặng, không đáp lời; nó khẽ cười: Hứ, đệ đệ muội muội gì đều không bằng ta hết.
Y biết nó thích người khác chiều chuộng dỗ dành, giống như đứa trẻ chỉ cho cha mẹ nhìn mình mình. Kể ra, Trương Dẫn Tố chưa từng điều tra bản tôn của nó là gì.
Liễu Chí: Đúng không? Đệ đệ muội muội ngươi không bằng ta?
Trương Dẫn Tố: Ừ.
Liễu Chí: Ngươi cũng không có bạn bè khác, chỉ có mình ta là huynh đệ.
Trương Dẫn Tố: Ừ.
Liễu Chí: Thế ngươi thích ta lắm đúng không?
Trương Dẫn Tố: Ừ.
Trương Dẫn Tố buồn ngủ, mệt mỏi thiếp đi. Y nằm mơ, trong mơ có một đứa bé rất nhỏ, nhưng nhìn kĩ có thể thấy được bóng của mấy chục đứa trẻ phía sau nó.
Y tỉnh lại, trăng đã rời đi, chỉ còn sự im lặng trong gió. Y giơ tay chạm vào bóng đen, biết Liễu Chí vẫn còn ở đây.
Trương Dẫn Tố: Liễu Chí.
Nó đáp lại.
Trương Dẫn Tố: …Thật ra ta thích ăn cá sống chiên ngập dầu. Chưa nói cho khác ai, chỉ nói mình ngươi.
Nói xong, y thở phào, yên tâm nằm ngủ. Nhưng lần này chưa ngủ được bao lâu, tiếng kỵ binh xông tới từ xa đã đánh thức đám người ngủ cạnh đống lửa… Kỵ binh của tộc Đào thị đang chạy về phía này.
…
Gió bất ngờ đổi hướng, ảnh hưởng đến đội hình của Dương Quan, làm hắn tổn thất không ít người. Nhưng hắn ổn định nhanh chóng, đẩy lùi toán quân địch này.
Song bão cát sa mạc nổi lên, thiên tướng bất lợi. Tấn Vương đã gióng kèn lui quân, Lý Hàn biết không thể chống lại thiên thời.
Dương Quan sai phó tướng chỉnh lại binh mã, muốn nhìn xem đệ đệ ở đâu. Dương Kích hẳn phải rút về sớm hơn hắn, nhưng hắn không tìm thấy Dương Kích.
Giữa bão cát, Dương Quan thấy láng máng bóng người khoác áo bào đỏ giáp vàng phía xa, hắn đi qua khói bụi dày đặc, không thấy rõ mặt. Dương Quan hét tên Dương Kích, cát bay đầy miệng. Nhưng bóng người kia như đã nghe thấy tiếng gọi của hắn, và dừng lại.
Dương Quan giục ngựa tới… đúng là Dương Kích. Cát bay đầy trời, mình hắn ngồi trên ngựa, như thể bị bão cát bất ngờ ập tới làm lạc hướng, lạc mất mọi người.
Dương Quan chạy lại gần: A Kích, không sao, đại ca ở đây…
Mắt hắn nhòe đi vì cát, chỉ trông thấy láng máng đệ đệ quay đầu lại. Mắt Dương Kích vẫn sáng như trước, là đôi mắt có thể nhìn thấy mọi thứ trong bão cát.
Trong khói bụi phía sau Dương Kích, có thứ gì đó đang chạy xuyên bão cát. Là một kỵ binh…
Hai người, bảy người, mười ba người…
Một toán kỵ binh tinh nhuệ của Đào thị ở cạnh Dương Kích, lẳ