P- Chương
Luân đến Tòa Đô chính. Anh muốn làm quen với Đô trưởng mới, Giáo sư Trần Văn Hương, vừa thay đốc phủ sứ Nguyễn Phước Lộc. Với Trần Văn Hương, thế lực thân Pháp mất một chỗ quan trọng nhất trong cơ cấu hành chính tại thủ đô.
Luân từng nghe và cũng đã nghiên cứu về ông Hương. Xuất thân là giáo sư trung học, Hương có khá nhiều học trò nay giữ các chức vụ khác nhau trong quân đội, trong cơ quan hành chính và một số tham gia kháng chiến. Chính vì vậy mà Diệm chọn ông trong buổi giao thời. Nổi tiếng ghét Pháp, chưa có quan hệ gì đặc biệt với Mỹ, Hương là con bài giúp Diệm tạo mơ hồ trong dư luận, tô điểm cho nhãn hiệu “đả thực, bài phong” của chế độ.
Một cô thư kí đón Luân. Đó là cô Mai, dạy trường Vương Gia Cần.
- Ông chỉ đến trường lần đó, khiến ông chủ trường tốn tiền quảng cáo rồi sau phải năn nỉ học trò… - Mai trách Luân, giọng không vui.
- Tôi đã xin lỗi ông ta… Công việc không cho tôi có thời giờ. - Luân giọng cũng buồn buồn. Anh cố nhớ ai có gương mặt mà Mai giống, nhưng lần nữa, anh chịu thua.
- Tôi không ngờ, ông sớm nhập cuộc như vậy! Bây giờ ông đã là một chánh khách rồi. Hơn nữa, một nhân vật của gia đình Thủ tướng. Xin chúc mừng ông! – Mai nói mà như đay nghiến.
Luân biết chưa nên giải thích với cô thư kí hơi khác thường nầy trước khi hiểu rõ về cô. Anh im lặng. Hai người đi qua hành lang, vào một phòng rộng.
- Tôi thưa trước để ông không bị bất ngờ. Ông đô trưởng Hương vốn không ưa người của Thủ tướng. Tôi báo với ổng, còn ổng chịu tiếp hay không, tôi không thể cam đoan… Mời ông ngồi.
Chỉ cho Luân chiếc ghế, Mai xô cửa khuất vào trong, rõ ràng bực bội.
“Có thể là một người tốt, trong một gia đình dính líu với cách mạng hay bản thân là người của ta. Có thể là một quần chúng hiểu và đối xử như mọi quần chúng được cuộc kháng chiến thức tỉnh. Có thể là một phần tử khiêu khích hoặc ít ra, một phần tử thân Pháp hay thuộc phe cánh chống Diệm. Dù sao, tuổi cô còn quá trẻ. Bộp chộp...”
Luân đang suy nghĩ về Mai thì cô đã trở ra:
- Ông đô trưởng sẽ tiếp ông, độ mười lăm phút nữa. Thật hên cho ông. Lúc đầu, ổng rầy tôi: “Tôi bảo cô cả trăm lần rồi, tôi không gặp người bên Phủ Thủ tướng, trừ cá nhân ông Diệm.” Nhưng sau khi đọc tên ông trong giấy giới thiệu, ổng đổi thái độ: “Mời ông ấy đợi tôi, đây là con của một người bạn đồng hương Vĩnh Long với tôi...”
Mai nửa như kể công với Luân, nửa như thông báo cho Luân những chi tiết cần nắm trước.
Luân ra vẻ cám ơn cô.
- Ở đây có điện thoại không? Tôi cần nói chuyện với văn phòng ông Cố vấn… - Luân hỏi.
- Kìa! – Mai chỉ máy nói đặt ở góc phòng – Ông có thể sử dụng.
Mai lảng ra ngoài. Luân đến máy.
- Alô! Phải nhà chị Cả không? Tôi, người quen. Dạ, tôi muốn nhắn gấp anh Ngọc… Dạ, phải… Chị nhắc giúp tôi như sau: Hàng của anh Ngà lộ, chấm dứt ngay đi lại với đồng hương. Bảy Lý nhắn như vậy… Dạ, phiền chị bấy nhiêu… Ngà, Bảy Lý là ai, anh Ngọc biết… Dạ, gấp lắm…
Luân gác máy. Cửa phòng phía trong mở. Một người quắc thước, tuổi trên năm mươi, hớt tóc ngắn, mặc complet xám bước ra.
- Thưa thầy!
Luân cúi đầu lễ phép.
- Chào anh! – Trần Văn Hương, đúng là ông ta, chìa tay cho Luân. Ông nhìn Luân từ đầu đến chân, giống một bác sĩ đánh giá bệnh nhân.
- Anh ngồi! - Ông chỉ ghế và tự ngồi xuống ghế đối diện.
Cô Mai trở vô, với khay trà.
- Cám ơn cô, cô để đó…
Trần Văn Hương rót trà mời Luân.
- Anh có việc gì cần tôi?
Hương hỏi cộc lốc.
- Dạ, em vừa nhận công việc bên Phủ Thủ tướng, đến chào thầy, mong nghe thầy chỉ biểu cho…
Luân thưa nhỏ nhẹ.
- Ừ! – Hương hài lòng rõ rệt – Anh học ở đâu? Collège Mỹ Tho? Collège Cần Thơ? Licée Pétrus Kí?
- Dạ, em học Chasseloup…
- Vậy sao? Vậy em không học với tôi?
- Dạ, em biết thầy từ lâu. Anh của em học với thầy.
- Tên anh ta là gì?
- Dạ, Gustave Nguyễn Thành Luân. Cả Jean Nguyễn Thành Luân…
- À! Tôi nhớ rồi. Luật sư Jean Luân. Ông ta làm lớn bên Việt Minh… Học trò tôi, người phe nầy, người phe kia… Đều làm lớn… Phải chi họ nghe tôi!
Luân lặng lẽ nhìn Hương. Gương mặt chữ nhật thể hiện tính cố chấp và vầng trán hẹp, nặng nề bộ lộ sự nông cạn của tư duy. Một con người thích quyết đoán.
- Người Pháp trả độc lập cho dân ta. Tuy họ phạm sai lầm trước kia, song cuối cùng rồi nền văn minh Pháp vẫn chiến thắng. Tình hình hiện nay ở ta khá rắc rối. Cộng sản chiếm nửa nước. Nửa nước còn lại thì ươn yếu. Đáng lí tìm cách đoàn kết các lực lượng yêu nước, chống Cộng, ông Diệm lần lượt đánh tỉa họ, lần lượt dùng chính sách “củi đậu, nấu đậu” chia rẽ họ… Anh ở kề cận ông Diệm, nên lựa lời khuyên ông ta. Tôi không thích Bình Xuyên đâu, song Bình Xuyên có công trước đánh Tây, sau đánh Việt Minh, cư xử phải khéo… À! – Hương như sực nhớ ra – Anh đi kháng chiến mấy năm?
- Dạ, suốt cuộc kháng chiến!
- Ừ! – Hương, một lần nữa, nhìn Luân soi mói, song mắt ông ta bớt vẻ khinh khỉnh.
- Tôi cũng đi kháng chiến một lúc! – Hương buột miệng nói – Sau đó, tôi bệnh nặng về thành…
- Do đó, thầy có bài thơ:
“Tài sơ ráng gượng,
Bệnh nghiệt phải đành thôi;
Phận sống thừa cam chịu
Trông tay thợ vá trời!”
Luân đọc rành rọt bốn câu thơ.
- Ủa! - Hương kêu lên, kinh ngạc. - Anh cũng biết bài thơ đó?
- Dạ, em còn biết bài thầy làm năm , với hai câu kết:
“Dám hỏi đồng bào mười mấy triệu
Việc đà như thế nỡ làm thinh?”
Hoặc bài “Viếng mộ Trần Bá Lộc” với hai câu:
“Mặt bia rờ rỡ lời khen thế,
Nét mực ràng ràng giọt máu dân...”
Trần Văn Hương nhổm dậy. Ông ta ngó Luân lom lom.
- Anh đọc những thơ đó ở đâu?
- Dạ, trong kháng chiến!
- Vậy sao? Tôi không ngờ… Anh em nhận xét thế nào?
- Dạ, mọi người đều thông cảm… Tỉ như bài tám câu thầy làm tháng /:
“Vẫn biết từ xưa phải có vầy
Cờ đà túng nước, tính sao đây?
Ngỡ là chí lớn, trời còn tựa
Hay nỗi tài hèn, thế khó xoay…”
Luân đọc được bốn câu. Trần Văn Hương cao hứng, đọc nốt bốn câu còn lại:
“Ở lại cho cam cùng bạn tác
Lánh đi cũng khổ với cao dày
Thôi thôi! Nghĩ lắm chi thêm hận.
Đem cái tàn hồn phó nước mây!”
- Tôi trở về thành, sau bài thơ đó… - Giọng Hương ngậm ngùi.
- Tôi sẽ thực thi một nền dân chủ ở địa phương… Ở đây, tôi chọn lựa người bổ vào các ngành theo đức, tài. Tôi gạt mọi đảng phái ra một bên. Tôi không dung tha cho tham nhũng. Nếu anh công nhận chuyện tôi làm là đúng thì tôi rất vui mừng được sự hợp tác của anh. Tôi không nhắm mắt theo các chỉ thị của Thủ tướng. Vả lại, còn Quốc trưởng, gì thì gì, nhà có nóc. Quốc trưởng tại vị, mọi người phải phục tùng Ngài. Cá nhân Quốc trưởng là một chuyện, nguyên thủ quốc gia là chuyện khác. Tôi đã nói thẳng với tướng Collins và ông ta tán thành. Chính phủ Mỹ cam kết ủng hộ Quốc trưởng. Bây giờ mà xáo trộn thì chỉ có lợi cho Cộng sản.
Hương hùng hồn thuyết một hồi lâu, khi các kỉ niệm cũ lắng xuống.
Luân từ giã Hương. Trên xe, anh tư lự. Những tài liệu mà anh có về Giáo sư Trần Văn Hương quả chính xác: Gàn, kiêu căng, thiển cận, chủ quan. Thành viên của nhóm “Tinh thần” – nhóm trí thức trùm chăn suốt cuộc kháng chiến của dân tộc – Trần Văn Hương tuy vào tuổi chưa tới năm mươi lăm đã tỏ ra lẩm cẩm. Điều duy nhất buộc Luân phải suy nghĩ, đó là phần tình cảm đối với cuộc kháng chiến, tuy rơi rớt, ít ỏi song vẫn còn trong ông ta.
Khi sắp ra về, Luân hỏi:
- Thầy có tin gì của anh Hai, con thầy không?
Con trai của Trần Văn Hương đi kháng chiến và tập kết ra Bắc.
- Không! Tôi không hỏi. Cả bà nhà tôi cũng không hỏi. Thứ con hư, hỏi làm gì?
Ánh mắt và giọng nói của Hương chỏi nhau. Ông ta không thể tự chủ được nữa khi nghe nhắc con mình, song mồm thì vẫn nói cứng.
Luân đi đến kết luận: Ông ta thích làm một nhân vật đầy cá tính, có lẽ ông ta gượng gập với vai kịch. Trong người ông, cả một khối mâu thuẫn…
P - Chương
Chiếm góc đường Catinat cùng phía với Nhà dây thép, ngó ngang nhà thờ Đức Bà và xếp cạnh trường Taberd, Nha tổng giám đốc công an không đeo một bảng tên mà vẫn là mối hăm dọa đối với những ai sinh sống tại Sài Gòn. Thời Pháp thuộc, nơi đó chỉ khiêm tốn là một bót lính kín, như bót Bôlô trong Chợ Lớn. Sau khi Pháp trở lại Việt Nam lần thứ hai, Catinat trở thành trung tâm trấn áp toàn Nam Bộ và các tỉnh phía Nam Trung Bộ, với một nhà giam khắc nghiệt, các phòng điều tra đẫm máu. Lũ Tây lai, lũ lưu manh, lũ đấm thuê từ châu Phi, từ Ấn Độ được sử dụng, ai đã lọt vào Catinat thì khó thoát – mỗi đêm, chúng thủ tiêu hàng chục người yêu nước ở cầu An Lạc, cầu Bình Lợi – hoặc có thoát cũng thân tàn ma dại.
Do ảnh hưởng của cuộc kháng chiến, do âm mưu tô điểm cho bộ mặt bọn ngụy và nằm trong sự trả giá Mỹ - Pháp, ngày --, Pháp giao Catinat cho Ngô Đình Diệm. Lại Văn Sang, thủ lĩnh Bình Xuyên, Tổng giám đốc cảnh sát, chuyển đại bản doanh về đó.
Những cuộc bắt bớ tiếp tục. Bây giờ, nạn nhân không còn thuần Việt Minh như trước. Trong các phòng giam chật ních, người ta có thể gặp các trí thức lên tiếng ủng hộ hòa bình, những người hợp tác với Ngô Đình Diệm, các chủ hiệu buôn ở Chợ Lớn. Giữa một xã hội đầy rẫy cướp bóc, khám Catinat hầu như vắng bóng các hạng thường phạm. Số thường phạm bị giam trước kia nay là nhân viên của Tổng nha, chủ yếu là nhân viên điều tra.
Lại Văn Sang ném tờ giấy đánh máy xuống đất, đấm mạnh tay trên bàn, mặt đỏ phừng phừng.
Ly Kai lượm tờ giấy, lẩm nhẩm đọc. Đó là quyết định của Thủ tướng cấm khu Đại thế giới hoạt động. Lại Văn Sang đi lại trong phòng, gót giày nện tới tấp.
- Biểu thằng Sáu Thưng lên!
Lại Văn Sang nói trỏng. Ly Kai lẳng lặng ra ngoài.
Lại Văn Sang đến bên cửa sổ, vẹt tấm màn. Cửa sổ ngó ngay dãy phòng điều tra nằm phía sau phòng làm việc của Tổng giám đốc.
Ở phòng số ba, Sang nhìn rõ một cô gái đang khóc sướt mướt. Cô khá đẹp.
- Ê! - Sang gọi vọng xuống – Cái gì đó?
Gã điều tra vội chạy ra thềm:
- Thưa anh Ba, con Lệ Chiêu…
- Lệ Chiêu là đứa nào? Con gái của hãng xà bông Cô Ba hả?
- Dạ, không phải… Nó là con ca sĩ hát ở “ba”…
- Bắt ca sĩ làm chi?
- Dạ, lệnh của Thiếu tướng…
- Sao? – Sang kinh ngạc.
- Dạ, thiếu tướng thích nó, muốn ngủ với nó một đêm, trả tới hai mươi nghìn mà nó còn làm cao…
- Vậy hả? – Sang hỏi lần nữa, giọng xui xị.
Ông ta ngó sang phòng số bốn, mặc dù tai vẫn nghe rõ lời của cô ca sĩ và gã điều tra.
- Tội nghiệp em… Em có chồng, có con…
- Ăn thua mẹ gì thứ đó… Thiếu tướng thích gái có chồng, có con…
- Tội nghiệp em…
- Tao nói không có tội nghiệp gì ráo… Một đêm thôi. Cỡ Hồng Tuyến Nữ mà phải riu ríu qua hầu Thiếu tướng, sá gì mầy. Mầy hát một đêm cao lắm được năm trăm. Thiếu tướng trả tới hai mươi nghìn. Mầy cãi tao, tao bắt mầy ở luôn tại đây một tuần lễ, cho tụi công an xung phong thay phiên, một đêm mầy phải hầu một chục đứa, mà mầy mang cơm nhà tới, tụi nó chỉ có vi trùng tiêm la chớ không có đồng xu…
Không hiểu sao, Lại Văn Sang cau mày…
Từ phòng số bốn vọng lên tiếng rên của một Hoa kiều:
- Ngộ chịu! Ngộ chịu! Đừng đổ nước… ngộp quá…
Chắc là gã điều tra cười ha hả:
- Tỉu nạ má! Đợi uống hết một thùng nước rửa chén mới chịu… Hãng dầu Nhị Thiên Đường của mầy lời bạc tỉ, chỉ giúp Thiếu tướng có một triệu mà ke re cắt rắt. Kí giấy đi, chồng tiền xong, mầy về nhà…
Lại Văn Sang ngồi trở lại bàn viết. Ông ta mở một cuốn sổ ghi chi chít các địa chỉ: Nhà thuốc Ông Tiên, hãng xuất nhập cảng Ismael, hãng xe đò Thiên Tân, hãng máy bay Cosara, nhà thuốc tây Cường Lắm, tiệm vàng Nguyễn Thế Tài…
Ly Kai dẫn Sáu Thưng vào. Sáu Thưng tóc bôm bê; môi thâm xịt, cũn cỡn trong bộ đồ lớn vừa may, đi khom lưng từ cửa, rụt rè bắt tay Sang.
- Anh Sáu ngồi! – Sang chỉ ghế cho Thưng.
- Việc đã gấp – Sang nói – tôi nhờ anh Sáu. Anh vừa về với tụi nầy, tôi giao anh Sáu một công tác để lập công. Lập công lớn đa… Ngô Đình Diệm vừa ra lệnh đóng cửa Đại Thế Giới. Đại Thế Giới là nồi cơm của anh em Bình Xuyên, đóng cửa Đại Thế Giới thì anh em mình lấy gì nuôi vợ nuôi con, lấy gì lo đại sự? Đại Thế Giới lập từ hồi chưa chiến tranh, đâu phải do Bình Xuyên. Thiên hạ chơi bời giải trí ở đó đã gần hai mươi năm, Bình Xuyên tu bổ mở mang cách nay cũng bảy, tám năm. Hao tốn nhiều mà thâu chưa hòa vốn… Ngô Đình Diệm lại đóng cửa.
Sang vỗ bàn rầm rầm:
- Nói thiệt. Bình Xuyên quyết ăn thua đủ với nhà Ngô phen nầy!
- Phải quá mà! Thụt lui một bước, họ đẩy anh em mình té xuống kinh Tàu Hủ liền! – Ly Kai chia sẽ nỗi bất bình với Lại Văn Sang.
- Xì thẩu Ly Kai nói đúng… Xì thẩu nhắc các chủ sòng trong Đai Thế Giới yên tâm: Bình Xuyên thách đứa nào dám đụng đến Đại Thế Giới – Sang vẫn xẵng giọng – Tôi giao anh Sáu Thưng một đại đội, đóng phía chợ An Bình. Hễ tụi nó lò mò vào quấy rối, anh Sáu cho nổ súng. Tới đâu thì tới!
Sáu Thưng thẳng người:
- Anh Ba đừng lo. Đứa nào muốn lọt vô cửa Đại Thế Giới phải đạp qua xác thằng Sáu Thưng nầy!
Lại Văn Sang bước ra khỏi bàn viết, vỗ vai Sáu Thưng:
- Vậy mới là hảo hớn!
- Dạ, em lên Sài Gòn, thân như kẻ trôi sông lạc chợ, nhờ anh Ba cứu vớt, đùm bọc mới có ngày nay. Ơn đó... – Sáu Thưng vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
- Thôi! Anh Sáu chớ nói đến chữ ơn. Bọn mình là khách giang hồ. Quý là quý cái tình cái nghĩa…
Chuông điện thoại reo. Sang nhấc máy:
- Tôi đây, ai đó? À! – Sang chợt dịu giọng – Dạ… em đây anh Bảy. Dạ… em qua liền… Dạ, thế nào tối nay cô Lệ Chiêu cũng có mặt chỗ anh Bảy… Dạ…
Đặt máy xuống. Sang bảo Ly Kai:
- Xì thẩy đưa anh Sáu vô Đại Thế Giới, làm quen với đại đội bảo vệ. Nhắc tụi phòng ba về cô Lệ Chiêu… Tôi sang chỗ Thiếu tướng ngay bây giờ.
Sang bước đi mấy bước, chợt gọi Sáu Thưng, ông ta thì thầm trao đổi với Sáu Thưng việc gì đó mà Ly Kai giữ ý đứng hơi xa, nghe không rõ ngoài mấy tiếng:
- Một tấn là đủ… - Sáu Thưng nói.
- Làm sao đặt? – Sang hỏi.
- Em đảm bảo với anh Ba. Em là đặc công thủy mà!
Ly Kai rót đầy hai li, chai Cognac đã cạn, Sáu Thưng ngồi lắc lư trên chiếc ghế cao, cô gái bán bar che miệng cười miết vì anh chàng vỗ ngực tự xưng là “Vua rượu Cà Mau” đã không chịu nổi mười li như anh ta hứa trong cuộc thi tay đôi với Ly Kai. Mặt Ly Kai tái mét còn mặt Sáu Thưng thì như ớt chín.
Lúc khởi sự, Sáu Thưng chẳng những uống rượu theo lối nước nạp mà còn rờ mó vuốt ve cô ả. Bây giờ, cô ả áp sát người vào Sáu Thưng, anh ta giống như kẻ sắp chết, mắt nhắm nghiền, cất tay lên không nổi.
- Ông Sáu, tụi mình làm một cái chót rồi vô Đại Thế Giới… - Ly Kai nhét li rượu vào tay Sáu Thưng.
- Ông Sáu Thưng cái gì cũng giỏi hết! Ông Sáu làm quan bên Việt Minh được mấy năm?
- Đâu cũng năm, sáu năm…
- Ông Sáu ở Trung đoàn biết Bảy Luân không?
- Bảy Luân nào?
- Bảy Luân tiểu đoàn trưởng , trung đoàn phó đó…
- Biết… mà va tập kết rồi, phải không? Va là kĩ sư Luân, chung một đơn vị với tôi. Bị va mà tôi không thèm đi lính nữa, về xã Trí Phải trồng khóm.
- Tốt quá! – Ly Kai vui vẻ hẳn… - Ông Sáu đánh bộ hay đánh thủy?
Y ta đột ngột hỏi sang chuyện khác.
- Tôi là đại đội phó đặc công thủy… chuyên đánh tàu, phá cầu… Cầu bao lớn, tôi cũng phá bay…
- Cỡ cầu chữ Y, ông Sáu phá bay không?
- Ậy! Đó đa… - Sáu Thưng cười hí hí – Cô em đây dễ thương quá, qua khuyên đừng lò mò lên cầu chữ Y mà nát xương, nghe! – Sáu Thưng cố đứng lên – Ta đi, hè! Cô em ơi, cho qua hun một miếng!
Cô gái chìa má, Sáu Thưng chồm qua bàn rượu. Hắn ngã vật xuống, nôn lênh láng…