Saroyan đến Fort Bragg và hẹn gặp Luân ở khách sạn, ngày Chủ nhật.
- Tôi đã nói chuyện qua dây nói với bà đại tá. - Saroyan bắt tay Luân, nói luôn - Và tôi cũng báo cho bà đại tá là tôi sẽ gặp ông. Bà đại tá tỏ ý tiếc vì chương trình nghiên cứu không cho phép bà cùng ông tiếp tôi...
Saroyan, trong trang phục hè, “đẹp mê hồn” như chính Luân nói với Dung sau đó, mặc chiếc áo pull mỏng ngắn tay, quần jean bó sát, ngồi trước mặt Luân, dành cả mấy phút ngắm anh.
- Tôi nhớ ông... Nhớ một tình nhân... – Saroyan nói giọng thật buồn - Tôi cùng Fishell về Mỹ nghỉ hè ba tuần. Fishell lao đầu vào công việc của các cơ quan, quá nhiều cơ quan. Tôi chỉ đến Hội phụ nữ từ thiện Mỹ vài lần. Yêu cầu của tôi không có gì to tát nên họ đồng ý dễ dàng. Vài chục nghìn chiếc chăn, với chục nghìn đôi tất, một ít thuốc sốt rét... Thì giờ rỗng. Sang Việt Nam rồi, tôi mới biết nước Mỹ rỗng. Thế là tôi báo với Fishell tôi đi chơi. Ông ta chỉ xin lỗi tôi đã không thể rời Washington lấy một giờ... Tôi đến đây, bang Bắc Carolina này.
- Bà có bảo với giáo sư là bà sẽ gặp tôi không? - Luân hỏi, nhíu mày.
Saroyan cười, phô hàm răng trắng và, do đó, đôi môi càng nổi màu đỏ ướt, ngoẻo đầu, nũng nịu:
- Không báo!
Luân vẫn ngồi yên.
- Không báo không vì tôi sợ Fishell ngăn cản hay nghi ngờ tôi... Fishell không ngăn cản đâu, trái lại. Nếu tôi mà nhắc ông thì chính Fishell sẽ gợi ý tôi nên đến Fort Bragg ngay. Dĩ nhiên, gợi ý luôn một vài việc gì đó, bẩn thỉu không chịu được. Fishell không nghi ngờ, bởi tại sao lại nghi ngờ? Ông chắc không thể hiểu rằng nếu ông và tôi trở thành tình nhân thì kẻ sung sướng nhất lại là Fishell... Thế đấy, đại tá Luân!
Bỗng nghiên, vẻ nũng nịu dễ thương của Saroyan tan tựa làn khói mỏng. Và, cô ta ôm mặt khóc nức nở.
Tim Luân se thắt. Anh không mảy may nghi ngờ Saroyan chơi trò gài bẫy. Không, một cô gái – Saroyan đáng được gọi cô gái hơn là bà - đau khổ thật sự khi phải lấy một tay trùm tình báo. Anh đứng lên, vòng sau lưng Saroyan, dùng chính khăn tay của anh lau mắt cho cô.
- Đừng khóc, Saroyan!
Làn đầu tiên, Luân gọi Saroyan âu yếm như vậy.
- Đi rửa mặt nhé. - Luân xốc Saroyan đứng lên.
Gian phòng tĩnh mịch, ấm cúng, khiêu gợi. Cái gì cũng có thể xảy ra và xảy ra tới cùng. Saroyan đứng lên, gần như áp sát vào Luân, bộ ngực phập phồng theo hơi thở dồn dập. Luân nhìn vào mắt thăm thẳm của Saroyan, quàng lưng cô, dìu vào phòng rửa mặt. Luân biết rằng không chỉ riêng anh kiềm chế, mà Saroyan cũng kiềm chế.
- Tại sao Saroyan không li dị Fishell? - Luân hỏi.
- Tại sao tôi không li dị? - Saroyan cười héo hắt, khi trở lại ghế, cô không tô lại má và Luân bỗng thèm hôn lên đôi má không trang điểm đó.
- Cả tiếng Pháp và tiếng Anh đều nghèo từ hơn tiếng Việt và tiếng Ả Rập - Saroyan nói - Trong xưng hô, tôi sẽ không gọi ông là đại tá Luân. Vous, toi, you, moi, I... cần hiểu theo tiếng Việt. Tôi biết tiếng Việt quá ít và chưa hề dùng nó bao giờ. Anh, em... Được không?
Luân cười buồn và gật đầu.
- Em trở lại câu hỏi của anh. Không li dị vì luật Hồi giáo không cho người phụ nữ cái quyền đó. Li dị là một khái niệm xa lạ đối với đạo Hồi. Chỉ có việc người đàn ông bỏ một người đàn bà... Người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ và ruồng bỏ...
- Nhưng, Saroyan không cần cả cái mạng che mắt, biết uống rượu, hút thuốc lá, ăn thịt lợn, chắc không bao giờ đọc kinh Coran và hành hương về La Mecque().
() Đất thánh của đạo Hồi.
- Biết khiêu vũ nữa! - Saroyan tươi tỉnh lại.
- Koweit không phải là nước Ả Rập quá bảo thủ, anh hiểu như vậy...
- Anh chưa hiểu gì cả, Luân ạ... Em còn cha mẹ, còn chị, anh và em... họ đang sống ở Koweit. Anh có biết ai dự lễ cưới của em với Fishell không? Tiểu vương Koweit. Nước Mỹ và riêng Fishell cần dầu lửa Koweit, nhà vua Koweit biết rằng dân Koweit không thể bới bằng tay để tìm dầu lửa. Đó là một sợi dây cột em cho đến khi nào chính Fishell thấy cần một người vợ khác, một phụ nữ da đen chẳng hạn, bởi nước Mỹ và cơ quan của Fishell không dừng tầm dòm ngó trong một giới hạn nào cả.
- Coi chừng vợ Fishell có thể là một phụ nữ ở sao Kim! - Luân đùa.
- Anh nói không quá đâu. - Saroyan vẫn nghiêm nghị - Nếu sao Kim có sinh vật và nước Mỹ mò tới... Nhưng em không cắt sợi dây ràng buộc ấy chẳng phải chỉ vì số phận những người thân ở Koweit. Em tự hỏi: Tìm tình yêu ở đâu?
Saroyan lại khóc lần nữa. Luân không ngăn cô. Thôi để cho cô ấy khóc, nước mắt làm vơi đi u uất...
- Em chưa có tình yêu. Fishell là người đàn ông đầu tiên biến em thành đàn bà nhưng giữa ông ta và em có đủ các thứ của mối giao tiếp nam nữ, trừ tình yêu. Giả sử Fishell yêu em, chắc chắn em sẽ đáp ứng lại với tất cả tấm lòng. Ngoài lí do chính trị, Fishell cần đàn bà. Chỉ có thế thôi... Em nói hơi thô, anh đừng giận. Fishell coi đàn bà như một giống vật và đàn bà đối với Fishell được ghi trong chương trình hằng ngày của ông ta, vào giờ nào và bao lâu. Fishell cấm em có con với ông ta. Fishell trên sáu mươi tuổi, chính thức ăn ở với năm người gọi là vợ và ông ta không có một đứa con nào cả. Trên tất cả em muốn anh hiểu một điều: Fishell là người Mỹ...
Luân thở dài. Ngồi cách anh có nửa mét, một phụ nữ đẹp đang oằn oại. Chắc chắn Saroyan không thiếu các loại trang sức đắt tiền nhất, các tiện nghi sinh hoạt hiện đại nhất. Vậy mà Saroyan vẫn là người nghèo, rất nghèo...
- Anh biết John Hing không? - Saroyan hỏi đột ngột.
- Có!
- Fishell và John Hing thuộc hai huyết thống khác hẳn nhau nhưng lại giống nhau như hai giọt nước. Với anh, em không muốn che giấu bất kì điều gì. Em đã quan sát kĩ gian phòng này, không có máy nghe lén... Một lần, Fishell đưa em đến nơi John Hing, nói là thăm xã giao. John Hing ngụ tại khách sạn Majestic. Fishell dặn em mặc jupe, để hẳn vai trần. John Hing ôm hôn em như hôn vợ một người bạn, sau đó, bảo Fishell: Bà nhà thật mĩ miều, nhưng tôi bao giờ cũng hành lạc vào buổi trưa. Tôi không phí thì giờ ban đêm, bởi đêm tối cho ta nhiều gợi ý; giữa lúc thiên hạ ngủ, ta thức!? Chúng ta nên bắt đầu trao đổi những suy nghĩ, còn bà Fishell có thể tìm nơi giải trí khác. Em hoàn toàn không ngờ Fishell sử dụng em như một con điếm. Em tát vào mặt cả Fishell lẫn John Hing và ra khỏi phòng. Không ai trong họ phản ứng - có, có phản ứng, họ cười. Tiếng cười cũng không lâu. Đêm đó, em khóc. Fishell về nhà, không mang theo một tí mùi rượu nào. Ông ta thay quần áo và bảo em, giữa lúc chiếc gối của em ướt đẫm: Xong rồi! Thống nhất rồi!... John Hing là tay rất biết điều. Ngày mai, Lansdale sẽ gặp tôi. Ngày kia, tôi sẽ gặp Lâm Sử, một tay Trung Cộng, có cỡ... Fishell vừa nói vừa lột quần áo em. Em chống cự. Gì thế? - Fishell hỏi. Và ông ta không cần em trả lời, bởi đồng hồ trên bàn chỉ cái giờ mà Fishell đã xếp công việc hằng ngày.
Luân lấy một chiếc khăn ướt, lau mặt Saroyan.
- Fishell biết rõ quan hệ giữa Nolting vả Lệ Xuân. Chính Fishell tạo điều kiện cho quan hệ đó nẩy nở, kéo dài. Ảnh làm tình của hai người phải kể đến hàng xấp trong tủ Fishell. Nhưng bây giờ, Fishell cho rằng không cần thiết nữa. Ông ta hay đùa với Nolting: Anh say mê nghề ngoại giao mà buông thả trái tim thì tốt nhất nên về vườn! Fishell chưa một lần hôn Lệ Xuân, ông ta bảo: Tôi không tìm cảm giác trong cái hôn, còn dấn sâu với con mụ này, tôi lại không có nhu cầu, mặc dù công bằng mà nói, thân thể mụ hấp dẫn.
- Saroyan! - Luân kêu khẽ.
Saroyan đưa tay ngăn Luân:
- Anh cần nghe, nghe cho hết. Phần cốt yếu khiến em đến gặp anh, em chưa nói... Tất nhiên, em không bao giờ được tiếp xúc với các tài liệu mật của Fishell, song thỉnh thoảng vẫn nghe Fishell nói với người này người khác, đôi khi nói với em. Lần nghỉ hè này, Fishell thật sự làm việc với Colby - anh thừa biết Colby là ai. Cùng về Mỹ, tuy xê dịch thời gian, cả Lansdale, William Porter, James Casey. Em tin rằng họ sửa soạn một phúc trình cho Tổng thống Mỹ - những bản phúc trình của họ bao giờ cũng được Tổng thống đánh giá cao. À, em quên, John Hing cũng về Mỹ. Có thể ông ta không trực tiếp hội họp với Colby nhưng, theo em hiểu, tiếng nói của John Hing đặc biệt nặng trong chính sách Viễn Đông của Tổng thống Mỹ, bởi cũng theo em suy luận, John Hing vừa là thành viên quản trị Công ty vũ khí Colt, vừa là phó chủ tịch Tổng công ty hóa chất Ohio Chemical Corporation, chuyên sản xuất thuốc diệt cỏ, và nhiều công ty siêu quốc gia khác nữa, vừa giữ liên hệ chặt với giới Hoa kiều Đông Nam Á, được cả Đài Bắc lẫn Bắc Kinh tin cậy... Vấn đề sẽ được đặt ra là còn hay không còn cần ông Diệm ở Nam Việt, đứng về lợi ích của Mỹ và cả của những quan hệ đan chéo trong vùng. Fishell gần đây hay cáu kỉnh với Nolting và theo em, Nolting sắp bị thay thế.
Luân rót cho Saroyan một cốc nước.
- Nếu chỉ là việc ông Diệm, em không phải bận tâm... Nhưng anh là người của ông Diệm. Fishell từng nhiều lần khen anh. Em không đủ sức phán đoán các khả năng. Tuy nhiên, em vẫn linh tính có đến hai triển vọng về anh. Hoặc anh sẽ trở nên một con người mà vị trí na ná như ông Diệm ở Nam Việt hoặc anh sẽ không còn là gì cả. Fishell khen anh. Nhưng, trong lời khen, ông ta hàm ý gờm anh. Fishell gờm ai thì thật rất rủi ro cho người đó...
Những điều Saroyan thổ lộ không phải bất ngờ đối với Luân, kể cả phần mà tình báo Mỹ dành riêng cho anh - chiếc ngai hay một phát súng. Trong lần gặp gỡ đầu tiên với đại sứ Mỹ Rheinardt tại Câu lạc bộ thủy trên bán đảo Bình Quới Tây, Luân đã nghe ý định của người Mỹ. “Nước Mỹ cần những con đại bàng biết khống chế những con đại bàng khác bay cho đúng hướng.” Hình như Rheinardt nói một câu tương tự như vậy.
Tuy nhiên, Luân vẫn băn khoăn và anh không đủ dữ kiện để giải đáp: Liệu rằng thay thế Diệm trong thời điểm hiện nay đã thật có lợi cho cách mạng chưa? Năm , Luân tán thành, thậm chí nhúng tay vào một hành động nhằm trừ khử Ngô Đình Diệm trên cao nguyên Buôn Ma Thuột. Lúc bấy giờ, thế lực thân Pháp chưa sụp hẳn mà thế lực thân Mỹ còn phôi thai. Mỹ có mặt ở Nam Việt chỉ với vài trăm cố vấn. Diệm mà bị lật đổ lúc đó thì Nam Việt rơi ngay vào cảnh hỗn loạn. Nhũng người kháng chiến chống Pháp, các đảng viên và quần chúng yêu nước chưa bị tổn thất lớn, cách mạng có thể giành được một cái gì đó. Sự biến tháng - nếu thành công, tình thế tuy phức tạp nhưng chắc cách mạng sẽ giữ một vai trò có ý nghĩa. Sự biến đầu năm chỉ là trò trẻ con. Tỉ dụ như Diệm chết vì những quả bom thì Nguyễn Tôn Hoàn sẽ đăng quang. Một Đảng Đại Việt cầm quyền mở đường cho lực lượng Mỹ đổ ồ ạt lên Nam Việt và trong phần nội trị, Đại Việt sẽ không chỉ xây một P.... Bây giờ, cũng chưa có những nhân tố mới khả quan hơn cho thời kì “hậu Ngô Đình Diệm.” Nhận định của anh chính xác không? Người mà anh có thể trao đổi trên đất Mỹ là Thùy Dung, vợ anh. Dung cũng băn khoăn như anh. Thật cực khi mà tình thế phát triển vùn vụt, anh lại phải mỗi ngày nếu không có mặt ở giảng đường để nghe các tướng lĩnh, các giáo sư Mỹ thuyết giảng thì vẫn cắm đầu trước những trang sách trong thư viện. Dung không khác anh. Cô than thở: phải nghe, phải đọc, phải ghi chép và phải nhớ những nguyên tắc và biện pháp nghiệp vụ cảnh sát, đối lập trong từng chi tiết với kiến thức và tình cảm của cô. Họ khổ sở trong vai diễn, nhưng họ khổ sở hơn khi ở đây, cách Tổ quốc cả một đại dương, anh Sáu Đăng hay A. chẳng thể nào hướng dẫn họ. Nguyên tắc hoạt động của họ ngăn cấm một cách khe khắt mọi quan hệ với bên ngoài, kể cả những thế lực, nhân sĩ, cá nhân tốt bụng đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, dù người Mỹ, người nước ngoài hay Việt kiều.
- Em đến đây với mục đích thông tin cho anh, mà cũng chỉ có thể thông tin bao quát như vậy thôi...
Saroyan ái ngại nhìn Luân. Cô tôn trọng cái trầm ngâm kéo khá dài của anh.
- Bây giờ em phải về và sửa soạn theo Fishell sang Việt Nam để tiếp tục những tháng ngày cay đắng. Cầu Đức Ala phù hộ cho anh và mong anh cầu đức Chúa Trời phù hộ cho em...
Saroyan lại bưng mặt khóc... Luân đứng lên, đến cạnh cô, nhẹ nhàng nâng cô dậy, âu yếm vuốt tóc cô. Saroyan ghì chặt Luân và trong nước mắt đầm đìa, cô hôn Luân trong tiếng kêu nho nhỏ: “Anh yêu!”
Luân chợt nhớ đến Tiểu Phụng trong vùng tối của một tàng cây trên đường phố Sài Gòn vào một đêm mà sau đó, sau cái hôn nồng nàn Tiểu Phụng tặng anh, cô gái người Hoa đáng thương đã chết thê thảm. Luân rùng mình. Saroyan đờ đẫn ngó anh:
- Anh khinh em?
Luân lắc đầu. Với cả hai bàn tay, Luân áp chặt má Saroyan và từ từ cúi xuống.
- Em cảm ơn anh, nhưng em không chấp nhận một sự ban ơn và thương hại! - Saroyan thều thào.
“Trời! Chính Tiểu Phụng cũng nói một câu như vậy!” Luân ngó vào mắt Saroyan và, rất kiên quyết, anh hôn cô đắm đuối. Hai người ghì chặt nhau khá lâu.
- Bây giờ, em mới cảm ơn anh đúng với ý nghĩa của chữ “cảm ơn.” Anh cho em cái mà em khao khát...
Lân tiễn Saroyan ra sân bay và anh chỉ quay lại Học viện khi chiếc Boeing lẫn vào chân trời.
Thùy Dung, một tuần lễ sau đến Fort Bragg, theo yêu cầu của Luân. Cô nghe tất cả và cô cũng khóc nức nở, không phải vì ghen tức.
- Nếu có một người con gái mà em thương thì người đó chính là Saroyan, cũng như trước đây em thương Tiểu Phụng. Anh của em đã làm một việc đúng.
Lần thứ hai Luân gặp Saroyan tại Paris. Lần đó có Thùy Dung. Luân tế nhị để cho hai người nói chuyện trên những lối mòn của khu rừng Boulogne.
Saroyan sắp trở lại Koweit và cô cho biết, có lẽ không phải cô mà Fishell thực hiện việc li dị. Lí do rất đơn giản: trữ lượng dầu mỏ của Koweit thấp hơn của Arabie Seoudite và Fishell sau li dị sẽ lấy một người trong hoàng tộc Faycal - nghe đâu bà này trên năm mươi tuổi.
Cả Luân và Dung đều chỉ có thể chia sẻ nỗi đau của Saroyan bằng những lời khuyên. Saroyan cung cấp cho họ thêm một số tài liệu mới, đặc biệt là những tài liệu về mối quan hệ của Fishell với một nhà sư ở Nam Việt. Không phải ngẫu nhiên mà khoa Phật học được thành lập vài năm nay ở trường Đại học Berkeley và Michigan. Người ta bắt đầu nói đến các nhà sư Tiến sĩ Phật học như các Tiến sĩ Thần học là linh mục trước đây.
- Với anh, em chỉ khuyên một câu trong lần chia tay có thể coi như là vĩnh biệt này: hết sức cẩn thận…
Saroyan nói với Luân như vậy trước mặt Dung. Cô chỉ bắt tay Luân mà không hôn, mặc dù Dung đã bước cách họ khá xa, một dấu hiệu cho phép.
- Em chỉ cần một lần được yêu là đủ. Anh hãy dành tất cả cho Thùy Dung. - Saroyan bảo Luân, rưng rưng nước mắt.
- Tại sao vĩnh biệt? - Luân hỏi.
Saroyan nhún vai.
- Em không thể tiếp tục ở Sài Gòn cho đến khi nào xong thủ tục li dị? - Luân bảo.
- Em hiểu! - Saroyan cười - Em sẽ cố gắng và cố gắng vì anh. Anh cho phép em? - Saroyan hôn Luân - Em hôn để cảm ơn sự tin cậy của anh.
Saroyan ôm ghì Dung khá lâu. Cả hai đều khóc. Saroyan khẩn thiết xin Luân và Dung đừng tiễn cô ra sân bay.
Thư của Nguyễn Thành Động gồm toàn tin chiến sự với cái giọng xốc hông quen thuộc của anh ta.