“Lão Harkins bị Việt Cộng đấm cho gãy hết cả răng - từ nay lão sẽ không ăn bánh mì mà chỉ ăn cứt thôi. Ngày --, con ách chủ của Harkins bị cháy queo. Tin tình báo cho biết Việt Cộng tập trung hai tiểu đoàn ở rìa Đồng Tháp Mười, tại một địa danh mà khi xuất hiện trong bản thông báo chiến sự thì chỉ có trời mới cạy cái tên đó ra khỏi lịch sử quân sự nước Mỹ: Ấp Bắc. Tôi đoán chắc là đại tá không thể tìm trên bản đồ tỉ lệ lớn nhất tên cái ấp này. Thế là Harkins ra lệnh cho Bộ tổng tham mưu của ta, với sự yểm trợ của một khối lượng trực thăng lớn chưa từng thấy chở năm tiểu đoàn gồm Biệt động quân, lính Sư , lính Dù đổ xuống cánh đồng đã khô ráo. Việt Cộng từ trong các công sự đã bố trí đón sẵn trận đánh này, dùng súng trường, trung liên là chính, với vài khẩu đại liên, hạ bầy trực thăng đen như quạ ấy khi chúng lọt vào tầm hiệu quả của hỏa lực. Trực thăng rơi như lá vàng rơi - đại tá cho phép tôi nói văn chương một chút. Thông cáo của tướng André êm đềm như bài Blue Danube nhưng vợ con bọn lính kéo đến nhà xác để nhìn mặt lần chót người thân của mình thì náo động cả Sài Gòn, cả Mỹ Tho. Cái huyền thoại “chiến thuật trực thăng vận” gãy đổ giống những nhà cao tầng giữa một cơn động đất. Thế mà, ba hôm sau, tướng Harkins dù mất hết răng vẫn ca ngợi nhưng chiếc trực thăng của ông ta. Đại tá thấy rồi đó, mười một nghìn quân Mỹ ở Nam Việt không múa được một bài nào cho ra hồn. Tôi có thể tóm tắt tình hình quân sự như sau: chúng ta bị đánh tơi bời khắp các hướng, bị đánh đến sặc máu mũi, què giò, bò lê bò lết. Khi đại tá về nước sẽ làm việc với xếp mới: Trung tướng Dương Văn Minh được cử làm cố vấn quân sự Phủ Tổng thống, giao chức Tư lệnh hành quân lại cho Mai Hữu Xuân và trung tướng André từ Tư lệnh vùng I về giữ chức Tư lệnh lục quân. Kiến Hòa thân yêu của chúng ta, nhờ trời, chưa bị vố nào choáng váng, có lẽ vì chúng tôi chưa chịu nhận cố vấn quân sự Mỹ. Có tin sắp tới Trần Ngọc sẽ ra làm tỉnh trưởng Thừa Thiên thay cho Nguyễn Văn Đăng nào đó. Em út của đại tá, thằng Động này ớn sườn nếu người ta lại nổi điên cử Động làm tỉnh trưởng. Cầu trời khấn phật cho đại tá về sớm, họa may bầy em út sống lâu được chăng. Bọn thằng Trương Tấn Phụng, Lê Khánh Nghĩa, luôn cả ông Lâm - vừa mới lên lon thiếu tướng - cũng mong như tôi. Thằng cha Cao Tòng gì đó sư trưởng , đã thôi nghề cầm quân và được giao nhiệm vụ đúng sở trường của y - y vốn nổi tiếng “đại tá lái bò” - phụ trách quân nhu vùng III, chuyên cung cấp thuốc lá quân tiếp vụ cho lính cùng với những hộp thịt bò đóng nhãn một hãng miền Nam nước Mỹ, nhưng ra lò tại các căn phố của “chệc” Chợ Lớn… Thêm vài cái mới, nói trước để đại tá khỏi bỡ ngỡ khi trở về: máy bay bắt đầu rải các chất hóa học làm trụi lá cây. Vườn dừa hiền hòa của tụi mình còn một cái thân chĩa lên trời. “Tô hủ tiếu”() vừa tuyên bố một chính sách đặc biệt li kì rùng rợn, gọi là chính sách chiêu hồi và cho thành lập những khu để nhốt mấy thằng cha Việt Cộng hụ hợ, chầu rìa, giả hiệu. Thành phần phe Quốc gia tụi mình “được tăng cường” với mấy thằng chó chết đó thì mùi xú uế càng lừng.
() ám chỉ Ngô đình Diệm, do đọc trại “Ngô Tổng thống” mà ra.
“Bao giờ thì tụi này có thể khui sâm banh đón đại tá?”
Mỗi lần nhận được thư của Nguyễn Thành Động, Luân toát mồ hôi. Thư bị kiểm duyệt thì chết cả đám. Rất may, Động không bao giừ gửi thư theo đường bưu điện, mà do những người bạn thân mang sang...
Đại sứ lưu động Ngô Đình Luyện gặp vợ chồng Luân ở London. Vợ chồng Luân sang thăm người chị của Luân đang dạy học tại đây. Luyện trao cho Luân một bức thư của Nhu mà Luyện không rõ nội dung.
“Anh Luân!
Nếu có cách nào tiện và an toàn tuyệt đối, anh sang Berlin gặp người anh của anh đang làm đại sứ ở Đông Đức. Điều kiện của phía bên kia về một giải pháp cho vấn đề Việt Nam là những gì? Anh đốt thư này. Chào anh, thăm cô Thùy Dung.
Nhu.
--l.
Tái bút: Giữ kín cả với ông bà nhạc của tôi và với chú Luyện.”
Bức thư ngắn gần như một điện tín được bọc trong ba lần phong bì. Luân lặng lẽ đốt thư và suy tính. Có nên không? Qua người chị, Luân biết anh của mình mạnh khỏe và trong gia đình, họ vẫn thư từ cho nhau. Người chị không có gì phải ngại: một nhà giáo không hoạt động chính trị. Chị đã vài lần sang Đông Berlin thăm anh. Khi Luân đến London, chị định gọi dây nói cho người anh, nhưng Luân ngăn lại - điều khiến người chị giận dỗi.
- Anh em ruột nói chuyện, thăm hỏi một chút cũng không được sao? Phía ông Diệm cứ cho phía bên kia nằm sau bức màn sắt, bây giờ chị hiểu ai mới đố kị các quan hệ bình thường của con người...
Luân không giải thích và biết khó mà giải thích cho người chị thông. Luân cứ phải đặt mình luôn luôn trong tầm theo dõi của tình báo Mỹ và các phe chống Diệm đang lưu vong. Anh nhớ nhiều cú điện thoại của Nguyễn Tôn Hoàn, của Nguyễn Chánh Thi, Phan Huy Cơ… mặn có, chua có, cay có, thậm chí hăm he, chửi bới. Ngay chuyện James Casey đến Học viện cảnh sát thăm Dung cũng cho thấy sự bao vây đó.
James Casey, sau nhiều lần nói chuyện với Dung bằng điện thoại, đã bất thần đến trường, vào một buổi mà hắn nắm chắc là Dung có mặt một mình nơi phòng riêng.
Học viện cảnh sát đặt tại thành phố Greewonod, cách Fort Bragg bốn giờ xe lửa tốc hành và năm mươi phút bay.
James Casey gõ cửa. Dung ngồi cạnh điện thoại, đang nói chuyện với Luân, ngỡ người phục vụ gõ cửa nên mời vào. James Casey lọt vào phòng, Dung thoáng cau mặt, nhưng cô thay đổi liền thái độ.
- Chào trung tá... Xin mời ngồi... Chờ tôi một chút, tôi đang nói chuyện với nhà tôi...
Dung nói cho cả James Casey và Luân cùng nghe.
- Vâng, Trung lá James Casey đến thăm em... Anh muốn nói chuyện với trung tá? - Dung quay về phía James Casey - Nhà tôi muốn nói chuyện với trung tá...
Thật ra, Luôn không bảo như vậy, chính Dung gài thế trận. Trước khi trao máy cho James Casey, Dung nói thêm:
.- Bây giờ là mười bốn giờ. Em sẽ đón anh vào mười sáu giờ để cùng đi xem hát và ăn tối... Vâng, máy bay cất cánh lúc mười lăm giờ, em nhớ...
Đó là cái hẹn không có thật - James Casey cầm máy, hau háu dán mắt vào ngực Dung - Dung mặc robe de chambre - và khi Dung đi vào phòng trong thay áo thì tuy miệng liến thoắng nói với Luân, James Casey trông theo đôi chân trần của Dung như muốn nuốt chửng...
Dung trở ra trong bộ quần áo sĩ quan cánh sát. James Casey hiểu đó là dấu hiệu tống khứ hắn. Hắn ngồi đối diện với Dung, chưa mở lời thì người phục vụ đã vào phòng mang thức uống. Dung gọi người phục vụ từ phòng ngủ của cô. Người phục vụ - một cô gái Mỹ - ngồi ở góc phòng khánh, chờ yêu cầu.
- Rủi ro cho tôi. - James Casey thở dài. – Tôi đến không đúng lúc. Bà sắp phải đón ông... Trong dự định, tôi muốn xin bà cho cái hân hạnh là được cùng bà đi dự một buổi nhạc, cùng ăn... Tôi sắp sang Sài Gòn, dành phần thời gian cuối này cho cuộc gặp gỡ mà tôi ao ước từ lâu... Thật rủi ro...
- Có gì gọi là rủi ro, thưa trung tá. - Dung trả lời, giọng oai nghiêm - Nếu không trở ngại, xin mời trung tá trở lại vào mười bảy giờ, vợ chồng tôi sẽ rất vui mừng được mời trung tá đi xem kịch, nhạc và dùng bữa.
- Cảm ơn bà. Có lẽ tôi phải trở về Florida ngay, thăm qua gia đình... Từ hôm tôi về Mỹ, chưa thăm nhà. - James Casey tỏ tình khá trắng trợn. Tất nhiên hắn nói láo. Vợ hắn đeo hắn, có lẽ hôm nay hắn bày một mẹo đó mới thoát tới đây...
- Tôi hỏi bà một việc; bà có cần gửi thư cho ông cụ ở Hà Nội không? Tôi sẽ chuyển đi giúp. Nghe đâu ông cụ đang yếu. - James Casey thì thào.
James Casey đánh đúng cái khao khát của Dung. Từ lâu, cô bặt tin cha. “Chà, viết được cho bố vài chữ, hay quá!” Dung nghĩ.
- Tôi cũng có thể chuyển trở lại cho bà thư của ông cụ... Với bà, điều gì làm được, tôi không từ chối...
James Casey ngó trân trối vào môi Dung.
“Không được!” Dung nhanh chóng trở lại thực trạng...
- Vô cùng cảm ơn trung tá. Song, tôi thấy không cần thư từ cho cha tôi... - Dung lấy tất cả sức mạnh để nói một câu trái ngược với thâm tâm đến như thế.
- Quái! - James Casey kêu - Tại sao bà lại có thể không nhớ ông cụ? Mấy dòng thăm hỏi, sao không làm?
- Tôi nhớ bố tôi, tất nhiên. Song, tôi không muốn những hàng chữ của tôi bị lợi dụng. - Dung mỉm cười.
- Lợi dụng? - James Casey trố mắt - Ai? Tôi?
- Cộng sản bắt được thư của tôi, thật rầy rà...
James Casey nhún vai. Chuông điện thoại reo. Dung đến máy.
- Alô! Anh đó hả? - Dung reo - Vâng, anh sắp ra sân bay. Em cũng vậy... Trung tá James Casey chắc cũng sắp từ giã em về Florida. Vâng, nhất định em có mặt ở sân bay trước anh... Anh muốn thi với em ư? Anh sẽ thua... Không, em lái cẩn thận. Nếu em đứng ngay cầu thang máy bay khi anh vừa xuống thì anh thua em cái gì nào?... Ồ! Anh yêu, sao anh lại có thể ở với em những ba hôm? Thế thì em phải vạch ngay một chương trình...
Dung phấn khởi - đúng vậy - nhưng cô cố tình bộc lộ công khai sự phấn khởi như chặn mọi mơ ước hão của James Casey. Cô biết là Luân không muốn cô một thân một mình đối phó với James Casey. Không phải Luân giả bộ để lừa James Casey, mà anh sắp đến thật.
Đặt máy xuống, mặc kệ James Casey ngồi thừ người với li Cognac, Dung liến thoắng dặn cô hầu phòng các việc cần sửa soạn, luôn việc phải làm ngay loại hoa mà Luân thích...
James Casey đứng lên.
- Xin chào bà...
Hắn thất thểu ra cửa và, đây là lần đầu, hắn không hôn tay Dung.
Nên hay không nên? Nhu có lẽ đã bị chặn hết lối thông sang phía bên kia nên mới nhờ Luân. Dứt khoát không phải là cái bẫy giăng nhằm vào Luân, một tín hiệu SOS thật sự. Nhưng, cuộc tiếp xúc, nếu có, lợi hại như thế nào? Thôi được, A. và các anh sẽ quyết định điều đó. Còn Mỹ? Chúng có chực chờ để vồ Luân khi anh liên hệ với một đại sứ Cộng sản Việt Nam ở một nước Cộng sản, dù cho đó là anh ruột của Luân? Dung cũng nát óc như Luân. Nằm chung trên chiếc gối, hai người ngó lên trần nhà, im lặng. Bên ngoài, sương mù dày đặc.
Luân có một người anh - anh Hai - bác sĩ Louis Nguyễn Thành Luân, mở phòng mạch tại Toulouse. Vợ đầm, nhưng Luân và Dung chỉ gặp Louis ở Paris, lần nào cũng đều ra sứ quán vì Louis thuộc nhóm trí thức thiên tả. Chị Tư của Luân, Christine, kiến trúc sư, sống ở Milan, Ý, sang Mỹ thăm Dung và Luân nhiều lần. Hai vợ chồng Luân cũng sang Milan một lần, ở nhà Christine. Christine và chồng - họa sĩ trang trí – yêu nghề và yêu nước, yêu nước kín đáo. Em út của Luân, Marie-Louise, cũng kiến trúc sư và chồng là kĩ sư hóa học, công khai ủng hộ kháng chiến Việt Nam, hội viên tích cực của phong trào Việt kiều yêu nước Quebec, cho nên khi Luân và Dung sang Canada không bao giờ đến Quebec, chỉ gặp em tại Montreal và cam kết với nhau không nói chuyện chính trị.
Marguerite giống Christine. Chồng là một nhà khảo cổ. Hai vợ chồng mù tịt về thời cuộc.
Luân và Dung phải giữ gìn từng li từng li; cũng như ở Sài Gòn, thật lâu họ mới đến thăm Gustave, anh Ba của Luân, người ghét Mỹ ra mặt...
- Anh ơi! - Dung quay người sang chồng – Em nghĩ là anh nên gọi điện cho anh Năm. Gọi điện từ đây cũng được. Chỉ cần tính câu nói thế nào để anh Năm hiểu được Nhu muốn tiếp xúc với ta...
Luân vẫn nằm im.
- Theo em, anh không gọi điện hay không tỏ ra một cử chỉ nào muốn thăm hỏi anh Năm sẽ bất lợi. Chúng tinh vi lắm...
Dung nói đúng. Luân cũng tính đến tình huống đó. Anh hôn vội lên má Dung, rồi trỗi dậy. Nửa giờ sau, cuộc điện đàm bắt đầu:
- Alô, Robert đây...
- Alô, Jean đây...
- Khỏe không, Jean?
- Khỏe, còn Robert?
- Khỏe. Em và vợ em đang ở chỗ Marguerite...
- Vậy sao? Đến đó lâu chưa? Chút nữa, cho anh nói chuyện với Thùy Dung.
- Vâng... Đã chín năm rồi, anh em ta không gặp nhau. Em rất nhớ anh... Chà, giá mà em gặp anh để xem anh thay đổi như thế nào? Chị khỏe không?
- Tất nhiên, anh rất muốn gặp chú và cô em dâu. Chị khỏe, nhắc chú luôn. Chị than mãi: làm sao nhìn mặt Thùy Dung một lần. Chị đang ở cạnh anh... Chú nói với chị nhé...
- Thưa chị, em Robert đây. Chúc chị khỏe. Dạ, Thùy Dung sẽ nói chuyện với chị.
- Thưa chị, em là Dung. Dạ, em cũng rất muốn gặp chị…
- Chỉ nghe giọng nói, chị đã hình dung thím nó đẹp ra sao rồi... Chị hôn em nhiều. Sao lâu có con vậy... Có con đi... Con gái phải giống mẹ nghe... Em nói chuyện với anh Năm, nghe...
- Alô, thưa anh Năm, em chào anh... Dạ, cám ơn. Em không được tin bố em. Cám ơn... Chị Marguerite nói chuyện với anh...
- Alô, Marguerite đây... Em “trung lập” nên mới ráp được mối ấy người...
Khi Luân trở lại Paris, đổi máy bay sang Manila thì sứ quán Việt Nam chuyển đến anh một bức thư.
“Tôi là người của luật sư Jean Nguyễn Thành Luân, muốn gặp riêng ông. Nơi gặp: bờ sông Seine, đoạn ngó sang Ile de France, vào mười chín giờ ngày thứ Ba. Tôi biết mặt ông, nên sẽ tự tìm ông.” Chữ kí tên không đọc được...
Luân mỉm cười. Anh gửi lại sứ quán bức thư đó và đề nghị đại sứ, nếu thấy cần, tìm hiểu người gửi và báo cáo cho Nhu biết.
Luân ở Manila mười ngày. Những cuộc tiếp xúc với các cơ quan chống du kích Huk không có gì đáng chú ý. Chính phủ Philippines chủ yếu dùng lực lượng quân sự tiến công quân Huk. Sai lầm của du kích Huk là bám rừng núi, nơi rất ít dân và khó khăn về lương thực. Philippines lại gồm nhiều đảo, quân Chính phủ dễ phong tỏa du kích. Luân biết chắc Huk sẽ chỉ mỗi ngày mỗi khó khăn hơn mà thôi, trừ phi họ đổi phương thức hoạt động.
Anh sang Kuala Lumpua. Tình hình chung của du kích Đông Nam Á giống nhau: họ bước vào cuộc chiến đấu bằng các giáo huấn và kinh nghiệm của Mao Trạch Đông. Thật tai hại khi người ta nâng thành phổ cập công cuộc giành chính quyền ở Hoa Lục: Trung Quốc đất rộng, người đông, chọn căn cứ lãnh đạo đầu não ở vùng có thế vững, trực tiếp nhận giúp đỡ của Liên Xô và tiến hành đấu tranh trong những điều kiện đặc biệt: cả thế giới lo chống chủ nghĩa phát xít, vấn đề dân tộc - tức là nạn xâm lược của Nhật – nổi bật trong yêu cầu chính trị của nhân dân Trung Quốc, giai cấp tư sản cầm quyền vừa yếu, vừa thối nát, vừa chia rẽ và nhất là chưa có kinh nghiệm chống du kích; khi Nhật bị Liên Xô đánh bại, Trung Cộng thừa hưởng đủ mọi thứ: thế chính trị, đất đai kiểm soát, cơ sở vật chất và vũ khí... Các nước Đông Nam Á trỗi dậy sau chiến tranh, trừ ba nước Đông Dương, hầu hết đều do giai cấp tư sản bản xứ lãnh đạo công cuộc đòi độc lập, đi từ những yêu sách tự trị mà thu hồi dần chủ quyền. Những người Cộng sản không giữ được vai trò hàng đầu, nói chung không giành được ngọn cờ độc lập dân tộc.
Trong thắng lợi của những nước tư sản ở Đông Nam Á, xét cho cùng, có phần thỏa hiệp của chính các nước thực dân nhằm ngăn chặn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cũng phải kể đến một thực tế là sức ép của Mỹ. Mỹ lợi dụng sự suy yếu của các đế quốc mà mở rộng ảnh hưởng; các đế quốc muốn duy trì sự có mặt của mình ở các thuộc địa cũ đều phải dựa vào Mỹ. Nơi đấu tranh gay gắt nhất, đồng thời cũng có những tiền đề phát triển cách mạng tốt nhất là Indonésia, nhưng sai lầm của Đảng Cộng sản - chính xác hơn là sai lầm của quan điểm Mao Trạch Đông - đã dẫn đến một kết quả cực kì đau đớn. Tác động xấu của sự kiện Indonesia len lỏi tận các vùng heo hút của Malaysia, nơi mà thực tế cấu tạo dân số rất phức tạp đã phản ánh vào nội bộ Đảng Cộng sản: Chủ tịch đảng là một người Mã Lai, Phó chủ tịch là người Ấn và Tổng bí thư – Trần Bình - một người Hoa chính cống. Có thể diễn đại tình hình Malaysia như thế này: chiến sĩ du kích phần lớn là phu cao su người bản xứ cộng với một ít công nhân nông nghiệp người Ấn, vài người Thái, còn đảng viên lãnh đạo, kể cả Trung ương nằm trong tay người Hoa. Khi Luân đến Malaysia, Ấp chiến lược đã trở thành đơn vị hành chính khắp lãnh thổ, vùng du kích thu hẹp và xê dịch dần lên phía bắc, giáp với biên giới Thái Lan. Nguy cơ tan rã của du kích Malaysia lớn đến nỗi nhà cầm quyền Malaysia giới thiệu với Luân hàng loạt cán bộ cấp cao của quân du kích lần lượt đầu thú và đang hợp tác với cơ quan an ninh. Chua xót và tự hào - Luân và Dung sống mấy ngày ở Malaysia trong tâm trạng mâu thuẫn đó. Chua xót vì thất bại trước mắt và triển vọng khá mờ mịt của bạn. Tự hào vì Nam Việt Nam không có một chút gì giống các nước này. Kinh nghiệm chống Cộng của các nước này nhất định bị Việt Nam vô hiệu hóa.
Theo chương trình, Luân và Dung ở Malaysia hai tuần. Nhưng, đến ngày thứ năm thì Luân nhận được điện khẩn của Nhu gọi Luân về Sài Gòn bằng một chuyến máy bay quân sự Mỹ...
Báo cáo Mật.
Nơi nhận: Ông cố vấn Ngô Đình Nhu.
Chúng tôi biết chắc, từ Luân Đôn, Đại tá Nguyễn Thành Luân đã điện đàm dài mười lăm phút với người anh ruột của đại tá là Jean Nguyễn Thành Luân, đại sứ của Bắc Việt tại Đông Đức. Nội dung cuộc điện đàm chưa rõ. Kính trình ông cố vấn tường.
Mai Hữu Xuân.
Báo cáo Mật
Nơi gửi: Phân cục tình báo Paris.
Nơi nhận: Giám đốc Trung tâm tình báo Mỹ, Washington.
Đồng gửi: Phân cục tình báo Sài Gòn.
Ngày -, vào giờ phút, từ điện thoại đặt tại ngôi nhà số Red Square , London, Đại tá Nguyễn Thành Luân nói chuyện với đại sứ quán Cộng sản Bắc Việt ở Đông Berlin sau nửa giờ hẹn với trung tâm bưu điện. Người hẹn là Marguerite Nguyễn Thành Luân, Giáo sư London Music Center, chủ hộ. Người tiếp nhận điện là Jean Nguyễn Thành Luân, luật sư, đại sứ Bắc Việt. Đã ghi âm được cuộc nói chuyện. Toàn bộ như sau...
Trong cuộc điện đàm, xin được phép lưu ý các vị về những câu: “giá mà em được gặp anh” của đại tá, “anh rất muốn gặp chú” của Jean, “em trung lập” của Marguerite... Có thể hiểu như quy ước về một cuộc hẹn nào đó. Tất nhiên cần phải phối kiểm và đối chiếu với nhiều sự kiện khác mới đi đến những kết luận chính xác. Một tràng những sự kiện đó là đại sứ lưu động Ngô Đình Luyện từ Sài Gòn bay thẳng sang London gặp đại tá Luân.
Điện khẩn
Nơi gửi: Đại sứ quán Mỹ, Kuala Lumpua
Nơi nhận: Đại sứ quán Mỹ, Sài Gòn.
Độ mật: Tuyệt mật.
Đại tá Nguyễn Thành Luân đột ngột rời Malaysia mà lí ra ông ta phải ở thêm gần mười ngày nữa. Yêu cầu theo dõi và xác minh lí do.