Khi Phó Vân Hiến chạy tới bệnh viện ở Hán Hải thì tinh thần Hà Tổ Bình đã tốt lên hẳn. Vốn phải thở máy, ai ngờ vừa nghe người ta nói có lẽ Phó Vân Hiến sẽ đến thì lập tức thở lại được, chính ông giật máy thở ra, bảo người ta đỡ dậy.
Phó Vân Hiến tới thật.
Một số luật sư cung kính nhường đường cho y, một số khác lại lạnh mặt rời khỏi phòng bệnh, rất giống anh hùng Lương Sơn gặp Tống Giang, vẻ mặt khó lường, thái độ phức tạp. Hà Tổ Bình nguy kịch giảm bớt rất nhiều áp lực lên chính quyền địa phương Hán Hải, ông là luật sư bào chữa cho bị cáo thứ nhất trong vụ án bang Tân Nghĩa, đồng thời cũng là người dấy lên phong trào biểu tình tập kết, e rằng cuộc chiến giữa quyền lực và luật pháp này sẽ kết thúc với sự thất bại của bên bào chữa.
Phó Vân Hiến mang loại rượu mà Hà Tổ Bình thích nhất cùng hai món nhắm, Quốc Diếu được cất giữ kỹ lưỡng, lòng áp chảo và bầu dục sốt rau củ, thói quen sinh hoạt của Hà Tổ Bình trước giờ đều không tốt, thích ăn uống linh đình, phải vừa đậm vừa nhiều dầu mỡ.
Tiếng người ồn ào thu hút sự chú ý của y tá trưởng, cô đẩy cửa bước vào, thấy cảnh yến tiệc linh đình trong bệnh viện thì lập tức quát lớn: “Loạn quá! Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân như vậy, uống hết chai rượu này thì vào cấp cứu luôn đấy!”
Phó Vân Hiến trực tiếp đuổi người.
Y cắn thuốc nói: “Bớt sồn sồn đi, sống chết có số, một bữa rượu ảnh hưởng gì.”
Có lẽ bị dọa bởi Phó Vân Hiến, hoặc có lẽ biết ông to trong giới tranh tụng án hình sự có quan hệ thân thiết với viện trưởng, y tá trưởng đành lắc đầu bỏ đi.
Kim truyền dịch cắm đầy trên tay Hà Tổ Bình, cảm giác như sắp tắt thở đến nơi. Vì không tiện rót rượu nên Phó Vân Hiến bèn rót thay y, dùng bát thép không gỉ đựng cháo trong bệnh viện, đầy tận hai phần ba.
Hà Tổ Bình lắc đầu, vừa bức xúc lại oán giận như Lão Ngoan Đồng: “Bát này làm sao uống rượu được, không thuận tay.”
Hứa Tô rất chu đáo: “Thầy thích chén bằng sứ, loại đáy dày.”
“Được rồi, uống thêm hai hớp trước khi nhắm mắt đi,” Phó Vân Hiến ngửa đầu tự uống hết nửa bát, ném phịch cái bát xuống rồi nói, “Về sẽ chuẩn bị cho ông một bộ men ngọc Cảnh Đức Trấn, chôn vào huyệt chung với ông luôn.”
Hai thầy trò một người nghiện rượu một người nghiện thuốc, chẳng bao lâu sau phòng bệnh chật hẹp đã nồng nặc mùi rượu, mù mịt khói sương.
Có lẽ chính là hồi quang phản chiếu mà người ta vẫn nói, Hà Tổ Bình uống hết chén này tới chén khác, hoàn toàn không mất đi khí phách hào hùng. Chưa kể sau khi uống rượu hai má lại đỏ bừng, giọng nói lanh lảnh chẳng hề giống người đã gần đất xa trời.
Luật sư trong phòng đều đứng, chỉ mình Hứa Tô và Phó Vân Hiến ngồi ở đầu giường Hà Tổ Bình. Vị trí của Hà Thanh Uyển hồi trước giờ lại đổi sang Hứa Tô, bọn họ như ngược về nhiều năm trước, ba thầy trò vừa uống rượu vừa bàn luận vụ án.
Phó Vân Hiến nói: “Tôi đọc hết hồ sơ rồi.”
Nghe người nọ chủ động nhắc tới nhưng cũng không có vẻ sẽ khoanh tay đứng nhìn, Hà Tổ Bình hỏi y: “Cậu thấy thế nào?”
Phó Vân Hiến liếc mắt nhìn Hứa Tô, lại quay sang Hà Tổ Bình: “Muốn nghe lời nói thật à?”
Hà Tổ Bình nói: “Đừng có lôi cái mác ‘Luật sư tranh tụng án hình sự số ’ ra, tôi chỉ hỏi cậu, nếu trở lại thời vừa mới vào nghề, thậm chí quay về hồi còn đi học, cậu thấy vụ án này thế nào?”
Phó Vân Hiến nói: “Tôi quen bí thư Bình Nguy của Ủy ban Chính trị Pháp luật Hán Hải, chính là loại người như vậy. Trước khi bắt đầu vụ án, ông ta đã mở một cuộc họp bao gồm cả công an, kiểm sát và tòa án của Hán Hải, thành lập tổ chuyên án đặc biệt, nhấn mạnh thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, cần phải nghiêm khắc triệt phá những tổ chức tập đoàn móc nối với xã hội đen. Toàn bộ vụ án lộn xộn từ thủ tục đến chứng cứ, rõ ràng đây là một vụ án oan do người ta cố tình gây ra.”
Hứa Tô nói leo bên cạnh: “Thân chủ của tôi đã bị kết án bảy tội danh vì khai thác quặng vượt biên, nhưng trong quá trình hoạt động thực tế, người lao động bình thường rất khó phân biệt ranh giới của vành đai khai thác bằng mắt thường.”
Hà Tổ Bình muốn thở dài nhưng hít vào một nửa đã nghẹn lại, hơi thở của ông đã không còn thông thuận nữa, đường đời của ông đã sắp chạy đến điểm cuối cùng.
Hứa Tô đỡ Hà Tổ Bình nằm xuống, Hà Tổ Bình từ chối lắp máy thở, ông chỉ nhìn Phó Vân Hiến hồi lâu, bỗng nhiên mở miệng: “Tôi tưởng cậu tới can tôi.”
“Can?” Phó Vân Hiến hít một hơi thuốc, nhíu mày, “Có thể can nổi sao?”
“Ai can cũng vô ích.” Hà Tổ Bình thật sự nghĩ đối phương đóng vai trò thuyết khách, tức giận đến độ mặt đỏ phừng phừng, muốn bật dậy khỏi giường xốc cổ áo Phó Vân Hiến lên, “Dù cho có liều cái mạng già này, tôi cũng muốn đẩy bánh xe tư pháp Trung Quốc tiến lên một ki-lô-mét!”
Điều này nghe có vẻ đặc biệt nực cười, một sinh viên đại học vừa mới học luật ở tuổi mười tám nói ra thì thôi, một luật sư già dành cả đời tham gia tranh tụng án hình sự lại vẫn khờ dại như thế.
Phó Vân Hiến thật sự bật cười. Y không muốn chọc tức một ông già sắp chết, tự chỉnh lại cổ áo và cà vạt nhăn nhúm. Y quay lại nhìn đệ tử của Hà Tổ Bình cùng với nhóm luật sư tham gia vụ Hán Hải: “Mọi người cứ nói tôi là Tống Giang, đôi khi tôi lại nghĩ là vậy thật.”
Sau đó Hà Tổ Bình đột nhiên chuyển biến xấu. Ông bắt đầu thở dốc hớp khí như một cái ống bễ sắp hỏng, nghe rất đáng sợ.
Hà Tổ Bình vươn tay cầm tay Phó Vân Hiến, tưởng chừng như chỉ nắm một cách lỏng lẻo, song khi Phó Vân Hiến cố gắng rút tay ra thì lại thấy mình không sao nhúc nhích được. Hà Tổ Bình sắp chết bộc phát sức mạnh kinh người, ông túm lấy người học trò xuất sắc nhất đời mình, giữ rất chặt, rất chặt, gân xanh nổi lên nơi cánh tay khô như que củi, giống như đang tìm kiếm một sự kế thừa, một sự tiếp nối.
Phó Vân Hiến nhíu mày, nhìn chằm chằm vào lão luật sư sắp chết.
Cả cuộc đời y vụt qua trước mắt như đèn lồng kết hoa, tính ra y đã đi trên con đường này hai mươi năm rồi. Tựa như có người gieo vào lòng y một giấc mộng.
“Một ki-lô-mét thì chắc không đẩy được,” Cuối cùng Phó Vân Hiến chậm rãi phủ tay lên mu bàn tay Hà Tổ Bình, sau đó dồn thêm lực, nắm tay ông một cách ung dung lại mạnh mẽ. Y khẽ nói, “Tôi sẽ thử đẩy một mét xem sao.”
Rốt cuộc Hà Tổ Bình cũng tắt thở, tựa như Nghiêm Giám Sinh khi thấy bấc đèn tắt ngúm, cũng mỉm cười mà ra đi. Cả đời này ông đều phấn đấu vì thúc đẩy hệ thống pháp luật của đất nước này, ông có người kế tục, chết cũng không hối tiếc.
Nghiêm Giám Sinh là nhân vật trong Nho lâm ngoại sử, hay còn gọi là Chuyện làng nho, là tiểu thuyết chương hồi của Ngô Kính Tử thời nhà Thanh, toàn thư gồm hồi, miêu tả gần hai trăm nhân vật mà hầu hết là nhà Nho, nội dung phê phán và châm biếm sâu cay chế độ khoa cử công danh thời nhà Thanh.
[…] Nghiêm giám sinh hấp hối cứ giơ hai ngón tay ra ngoài, không chịu tắt thở. Mấy đứa cháu trai và người nhà cứ bàn tán gạn hỏi không hiểu ý Nghiêm muốn nói cái gì. Người thì cho là hai người, người cho là hai việc, người lại nói hai mảnh ruộng. Mỗi người nói một cách, nhưng y cứ lắc đầu hoài. Triệu thị lách vào chạy đến trước mặt nói: “Ông ơi chỉ có tôi mới hiểu ý của ông thôi. Trên cái đĩa đèn dầu có hai cái bấc, ông không yên sợ tốn dầu. Tôi gạt một cái bấc đi là được.”
Nói xong vội vàng gạt đi một cái bấc. Mọi người xem mặt Nghiêm thì thấy Nghiêm gật đầu, buông tay xuống thở hơi cuối cùng.
Hứa Tô muốn đứng dậy gọi bác sĩ nhưng có lẽ đã không kịp nữa. Khi đám Hàn Kiện gào khóc đứt ruột đứt gan, hắn chỉ đờ đẫn đứng nguyên tại chỗ, ngơ ngẩn nhìn Phó Vân Hiến. Hà Tổ Bình đã từng nói trước với hắn rất nhiều lần, hắn cũng đã chuẩn bị tâm lý cho ngày này, vậy nên không khóc.
Nhưng thời gian đã quay ngược trở về.
Trong khoảnh khắc, hắn nhớ về cái ngày mây giăng khắp trời của mười sáu năm về trước, hắn thấy Phó Vân Hiến trẻ tuổi khí phách quỳ trước mặt mình, rơi dòng nước mắt cho một sinh mạng mà y đã không còn khả năng cứu lại.
Cũng như hắn hiện giờ.
Cho đến tận giờ phút này, nước mắt của Hứa Tô mới tuôn rơi, dường như nhiệt huyết trong lồng ngực cũng tràn trề tuôn chảy, hắn gọi y: “Đại ca…”
Hết chương .
Zen: Tên của hai chương tiếp theo là “Trở về”, không phải Hứa Tô quay về, mà là người đại ca hơn mười năm trước của cậu ấy đã trở về rồi…