【 Nhật ký của Hứa Tri Niên -】
Ngày tháng năm , trời nắng
Hôm nay là lễ Quốc khánh, cũng là Tết Trung thu.
Cậu của Khương tiên sinh đưa cho tôi một cặp đồng hồ nói là quà tặng.
Đồng hồ rất đẹp, mặt đồng hồ màu xanh có khắc hoa văn màu bạc và số La Mã nhìn rất tinh xảo.
Tôi lén tìm hiểu, không tìm được đồng hồ cùng kiểu nhưng nhìn giá của các kiểu khác đều đắt khủng khiếp.
Khương tiên sinh nói không sao, tôi cứ nhận là được rồi.
Nói thật tôi không dám đeo vì sợ bất cẩn đụng vào đâu đó.
Khương tiên sinh nghe xong liền ôm tôi cười.
Đáng ghét, cái này có gì đáng cười đâu chứ.
Nhưng cuối cùng tôi vẫn đeo lên cùng với Khương tiên sinh, bởi vì đồng hồ đôi trên thị trường đa số là kiểu dành cho nam nữ, đây là đồng hồ mà cậu anh cố ý đặt riêng, một cặp đồng hồ nam.
Tôi nhìn đồng hồ cùng kiểu trên cổ tay Khương tiên sinh cười ngây ngô cả đêm.
Hôm nay cũng là một ngày yêu Khương tiên sinh (suýt nữa thì quên nói).
—————
Năm ngoái tôi dành chút thời gian trở về nhà cũ.
Tôi và cha tôi vẫn ghét nhau như xưa, ông ta thấy tôi càng lúc càng chướng mắt, mà tôi thấy ông ta cũng vậy.
Vợ mới nhất của ông ta là dì Lưu trái lại rất an phận, chẳng hề phiền gì đến tôi.
Có lẽ cha tôi đã lớn tuổi nên gu thẩm mỹ rốt cuộc thay đổi đáng kể, không còn mê đắm mấy tiểu yêu tinh kia nữa.
Lúc ăn cơm, cha tôi bảo: "Em gái con dạo này đang tìm việc làm đấy."
Tôi nhíu mày hỏi: "Em gái? Ai?"
Cha tôi cau mày: "Còn ai nữa, chẳng phải bây giờ trong nhà chỉ có một người thôi sao."
Tôi lạnh nhạt nói: "À, con gái dì Lưu."
Cha tôi nói: "Năm sau công ty chắc sẽ tuyển người mới, con sắp xếp cho em con vào công ty làm đi."
Tôi nói: "Tuyển người là việc của phòng nhân sự chứ con không quan tâm, muốn vào công ty thì bảo cô ta nộp sơ yếu lý lịch cho phòng nhân sự là được."
Cha tôi đanh mặt lại: "Phòng nhân sự tuyển người yêu cầu cao lắm, không có bằng đại học danh tiếng thì sao lọt được vào mắt bọn họ."
Tôi hỏi: "Ồ? Vậy cô ta có trình độ gì?"
Dì Lưu ngồi bên cạnh vội nói: "Nó cũng tốt nghiệp đại học chính quy đấy."
"Chỉ đại học chính quy thôi à." Tôi nói, "Vậy đúng là hơi khó thật."
Dì Lưu nói: "Cũng không cần việc gì quá tốt, cho nó vào văn phòng làm việc vặt là được rồi."
Tôi gác đũa nhìn về phía cha tôi: "Con nhớ cha cũng mở công ty mà, sao không để Lưu Tịnh Tịnh đến chỗ cha làm?"
Mấy năm trước cha tôi đã mở công ty riêng, đáng tiếc ông ta không có khiếu kinh doanh nên công ty chẳng có gì khởi sắc, hàng năm kiếm chẳng được bao nhiêu mà còn bị thâm hụt vốn.
"Công ty kia của ta chỉ làm chơi chơi thôi." Cha tôi bắt đầu nóng nảy, "Sao có thể so với công ty trong nhà."
Tôi rút khăn giấy chậm rãi lau tay: "Vậy sao?"
Cha tôi nói: "Việc nhỏ như vậy, con nói một câu thì phòng nhân sự có thể từ chối sao?"
Tôi cười nói: "Cha quên rồi à, công ty nhà chúng ta không tuyển người vô dụng lười biếng. Năm đó cha muốn vào công ty nhưng ông nội đâu có đồng ý."
Sắc mặt cha tôi lập tức tái đi.
Dì Lưu vội hoà giải: "Không được thì thôi, cứ để Tịnh Tịnh tự mình ra ngoài tìm việc."
Tôi nói: "Vậy là tốt nhất."
Cha tôi bị tôi chọc tức nên sắc mặt tái xanh.
Tôi cảm thấy ông ta cố tình muốn làm khó tôi.
Cơm nước xong xuôi, tôi đứng dậy muốn đi, cha tôi gọi: "Đứng lại!"
Tôi xoay người hỏi ông ta: "Còn chuyện gì ạ?"
Cha tôi cau mày nhìn tôi: "Con năm nay...... đã hai mươi tám rồi nhỉ?"
Tôi gật đầu: "Vâng."
Cha tôi nói: "Khi ta bằng tuổi con thì con đã ra đời rồi đấy."
Tôi nói: "Có chuyện gì cha nói thẳng ra đi."
Cha tôi nói: "Con thật sự không có ý định kết hôn à?"
Tôi thờ ơ nói: "Con thích đàn ông."
Cha tôi khuyên nhủ: "Chuyện này đâu ảnh hưởng gì tới kết hôn sinh con, nếu con thật sự thích đàn ông thì nuôi bên ngoài là được rồi."
Tôi nói: "Con sẽ không kết hôn với phụ nữ đâu."
Cha tôi cả giận: "Vậy con không cần con cái hay sao?"
Tôi cười lạnh: "Nhà ta cũng chẳng có ngai vàng để thừa kế, sao phải cần con cái."
Cha tôi nói: "Nói thế mà nghe được à......"
Tôi ngắt lời ông ta: "Cha đừng lo Khương gia không có người kế tục, dù sao con riêng của cha ở bên ngoài còn nhiều lắm, có thể giúp cha kéo dài dòng dõi Khương gia đấy."
Ngực cha tôi phập phồng mạnh, tức giận không nói nên lời.
Dì Lưu vội vàng đi qua vỗ lưng để ông ta bớt giận.
Cha tôi mắng: "Có phải con muốn chọc ta tức chết mới chịu không! Thà ta không sinh con ra còn hơn!"
Tôi hờ hững nói: "Nếu cha hiểu được như vậy thì quá tốt rồi."
Cha tôi càng tức hơn: "Con!"
Dì Lưu vội lảng sang chuyện khác: "Năm hết Tết đến rồi, đừng nóng giận."
Sau đó bà quay lại hỏi tôi: "Đúng rồi, cơm tất niên...... cháu về ăn nhé? Cháu thích ăn gì, đến lúc đó tôi bảo nhà bếp làm cho cháu."
Tôi lắc đầu nói: "Không cần, cháu sẽ đón giao thừa ở nhà mình."
Cha tôi nhịn không được nói: "Chẳng lẽ đây không phải nhà con sao?"
Tôi cười khẩy không đáp.
Tôi cũng không biết cha tôi mắc chứng gì, rõ ràng thấy tôi chướng mắt mà cứ thích diễn tình cha con sâu đậm.
Đáng tiếc là tôi chẳng có chút hứng thú nào với trò này.
Trước khi rời nhà cũ, tôi đến thăm lại phòng mẹ tôi ở khi còn sống.
Nơi đó vẫn không có gì thay đổi.
Khi bà nổi điên luôn tự giam mình trong phòng, có khi phát bệnh không khống chế nổi mình lại đập phá lung tung, đồ đạc trong phòng lâu lâu phải thay mới một lần.
Tôi đứng ở cửa, cảnh tượng trước mắt giống hệt trong mơ.
Tôi lẳng lặng nhìn một lát rồi quay người xuống lầu.
Cơm tất niên ăn ở nhà, tôi, Hứa Tri Niên, còn có chị Vương và chú Dương.
Sáng hôm giao thừa, chị Vương đi chợ mua về rất nhiều nguyên liệu nấu ăn.
Hứa Tri Niên nằm ườn trong chăn không chịu dậy, bị tôi bọc vào chăn ôm lấy, đè ra giường hôn mấy cái.
Đến khi cậu ấy thò đầu ra nói không thở được thì tôi mới chịu buông cậu ấy ra.
Sau khi rời giường, Hứa Tri Niên nhìn ngoài cửa sổ, đột nhiên reo lên: "Khương tiên sinh, có tuyết rơi kìa!"
Tôi nhìn ra cửa sổ, bông tuyết bay lả tả, bệ cửa sổ bị lấp kín một mảng trắng xóa.
Tôi gật đầu: "Chắc đêm qua rơi xuống đấy, bây giờ mặt đất bị đóng một lớp tuyết dày rồi."
Tính nghịch ngợm của Hứa Tri Niên nổi lên, đánh răng rửa mặt xong liền mặc áo len chạy ra sân.
Chị Vương vội vàng gọi theo: "Niên Niên! Bên ngoài lạnh lắm, sao cậu không quàng khăn vào."
Khi tôi đem khăn quàng cổ ra sân thì Hứa Tri Niên đã đắp được một quả cầu tuyết ném về phía tôi.
Quả cầu tuyết nện vào áo khoác của tôi rồi vỡ tung tóe làm cả người tôi dính đầy tuyết.
Tôi nheo mắt nhìn cậu ấy: "Càng lúc càng to gan nhỉ, còn biết ném anh nữa."
Hứa Tri Niên thè lưỡi làm mặt xấu với tôi.
Tôi đi tới quàng khăn lên cổ cậu ấy quấn vài vòng.
Hứa Tri Niên lắp bắp nói: "Khương, Khương tiên sinh, chặt quá, em không thở nổi!"
Tôi buông khăn quàng ra hỏi cậu ấy: "Còn dám ném anh nữa không?"
Hứa Tri Niên vội vàng lui ra sau mấy bước, nắm một vốc tuyết dưới đất ném vào tôi rồi hét lớn: "Dám!"
Tôi: "......"
Tôi bật cười nhìn cậu ấy.
Tính cách của Hứa Tri Niên ngày càng cởi mở hơn, không còn là thanh niên luôn ngẩn người trầm mặc như trước nữa.
Trước đây mỗi khi gặp tôi cậu ấy luôn khép nép bối rối.
Bây giờ thái độ ngày càng hiền hoà, không còn xa cách mà thân thiết hơn nhiều.
Tôi và cậu ấy chơi trong sân một hồi, khi trở về cả người bám đầy tuyết.
Trong phòng ấm áp nên tuyết tan thành nước, chị Vương vội vàng bảo chúng tôi đi thay đồ.
Tay Hứa Tri Niên bị lạnh đỏ bừng, lúc ở ngoài không cảm thấy gì, vào nhà liền than lạnh với tôi.
Tôi nhét tay cậu ấy vào túi áo mình rồi bảo chị Vương lấy túi chườm nóng cho cậu ấy.
Cơm tất niên rất phong phú.
Chị Vương ngồi ở bàn ăn cảm khái: "Năm nay Tiểu Khương rốt cuộc không phải ở nhà một mình nữa rồi."
Tôi cười: "Trước kia chẳng phải có chị và chú Dương sao."
Chị Vương: "Sao giống nhau được chứ."
Tôi nói: "Không có gì khác biệt cả, chị và chú cũng là người nhà của em mà."
Hứa Tri Niên ngồi cạnh gật đầu phụ họa.
Chú Dương mua pháo hoa về, ăn cơm xong chú ấy đem pháo hoa ra sân để tôi và Hứa Tri Niên đốt.
Hứa Tri Niên sợ nên nhất định phải kéo tôi đi chung, sau khi nhóm lửa cho kíp nổ thì lật đật lui lại.
Chị Vương khiêng mấy cái ghế ra xa hơn một chút.
Tôi ngồi xuống ghế cười khẽ: "Sao mà nhát gan thế?"
Hứa Tri Niên nghiêng đầu nói gì đó với tôi.
Đúng lúc này pháo hoa bay vút lên không trung nên tôi không nghe rõ cậu ấy nói gì.
Pháo hoa nở rộ giữa trời.
Tôi hỏi Hứa Tri Niên: "Em mới nói gì vậy?"
Hứa Tri Niên chớp mắt cười với tôi mà không nói lời nào.
Tôi đưa tay kéo cậu ấy lại ngồi trong lòng mình.
Tôi ôm cậu ấy từ phía sau, tựa cằm lên vai cậu ấy, cùng cậu ấy ngắm pháo hoa rực sáng.
Hứa Tri Niên ngửa đầu, ánh sáng lập lòe phản chiếu trên mặt cậu ấy.
"Khương tiên sinh." Cậu ấy đột nhiên quay lại nói thật to bên tai tôi, "Em yêu anh."
Pháo hoa lớn nhất đúng lúc này bùng nổ.
Hơi thở của tôi dừng lại trong chớp mắt.
Tôi xoay người Hứa Tri Niên lại để cậu ấy đối mặt với mình.
Dưới bầu trời lấp lánh, tôi cúi đầu hôn cậu ấy.
Pháo hoa thi nhau bay lên trời cao.
Giống như nhịp tim của tôi và cậu ấy giao hòa rồi nổ tung.
Thật lâu sau tôi mới buông cậu ấy ra.
Cậu ấy hít thở sâu rồi vùi mặt vào ngực tôi thì thào: "Chị Vương và chú Dương đều ở đây mà."
Tôi nói: "Họ bận ngắm pháo hoa rồi."
Hứa Tri Niên lặng thinh.
Tiếng chuông năm mới vang lên.
Tôi kề vào tai Hứa Tri Niên thì thầm: "Niên Niên, anh cũng yêu em."
Đốt pháo hoa xong, tôi mới phát hiện trong điện thoại có mấy cuộc gọi nhỡ.
Là của Nghiêm Thời Thịnh.
Tôi gọi lại.
Nghiêm Thời Thịnh nhanh chóng bắt máy.
Đầu dây bên kia rất yên tĩnh, tôi chẳng hề nghe thấy âm thanh gì.
Tôi hỏi ông ấy: "Tìm cháu có chuyện gì không?"
Nghiêm Thời Thịnh im lặng mấy giây mới nói: "Không có gì, chúc mừng năm mới."
Tôi bình thản nói: "Chúc mừng năm mới."
Nghiêm Thời Thịnh: "Ngày mai là mùng một Tết, cháu có về Nghiêm gia chúc Tết không?"
Tôi: "Đã mấy năm rồi cháu chưa về lại Nghiêm gia."
Nghiêm Thời Thịnh: "Cháu dẫn theo cậu thanh niên kia về cũng được."
Tôi nhíu mày không nói gì.
Nghiêm Thời Thịnh nói tiếp: "Cậu biết cha cháu không thừa nhận cậu ta, cũng không chấp nhận khuynh hướng giới tính của cháu nhưng cậu thì không sao."
Tôi lạnh lùng nói: "Cậu ấy không cần ai thừa nhận cả, chỉ cần cháu thừa nhận là đủ rồi."
Thanh âm Nghiêm Thời Thịnh trầm xuống: "Cậu là cậu của cháu, anh trai của mẹ cháu, có cùng huyết thống với cháu. Cậu muốn gặp cháu và người yêu của cháu cũng không được sao?"
Tôi không từ chối dứt khoát mà chỉ nói: "Cháu sẽ hỏi ý cậu ấy."
Cúp điện thoại xong, tôi nghiêng đầu hỏi Hứa Tri Niên: "Em có chịu đi với anh về gặp cậu anh không?"
Hứa Tri Niên thoáng sửng sốt, sau đó mở to mắt hỏi lại: "Cậu anh?"
"Ừ." Tôi gật đầu, "Ông ấy bảo anh ngày mai đưa em cùng về chúc Tết."
Hứa Tri Niên lắp bắp nói: "Ông ấy.... Ông ấy biết em sao?"
Tôi nói: "Ừ."
Hứa Tri Niên có chút khẩn trương, tay nắm chặt rồi lại buông ra.
Tôi xoa đầu cậu ấy: "Đừng lo, nếu em chưa sẵn sàng thì không đi cũng được."
Hứa Tri Niên hít sâu mấy lần, hồi lâu sau mới nói: "...... Đi."